Giáo án Ngữ văn 12 sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Cả năm) Kế hoạch bài dạy môn Văn 12 năm 2024 - 2025

Giáo án Ngữ văn 12 sách Kết nối tri thức với cuộc sống trọn bộ cả năm, mang tới các bài soạn của 35 tuần trong cả năm học. Qua đó, giúp thầy cô tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức trong quá trình xây dựng kế hoạch bài dạy môn Văn 12 KNTT của mình.

Giáo án Ngữ văn 12 Kết nối tri thức cả năm được biên soạn kỹ lưỡng, trình bày khoa học. Bên cạnh đó, thầy cô có thể tham khảo thêm giáo án Địa lí, Lịch sử, Công nghệ 12 Kết nối tri thức. Vậy mời thầy cô cùng tải miễn phí Giáo án Văn 12 Kết nối tri thức:

Kế hoạch bài dạy môn Văn 12 Kết nối tri thức

BÀI 1: KHẢ NĂNG LỚN LAO CỦA TIỂU THUYẾT (11 tiết)

ĐỌC
VĂN BẢN 1
XUÂN TÓC ĐỎ CỨU QUỐC
(Trích Số đỏ - Vũ Trọng Phụng)
(Thời gian thực hiện: 3 tiết)

I. MỤC TIÊU

1. Năng lực

- Chỉ ra và phân tích được một số nét đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại trên các phương diện: khả năng bao quát hiện thực đời sống; góc độ quan sát, nhân vật và hệ thống sự kiện; cách miêu tả nét đặc thù của ngôn ngữ nhân vật;... thể hiện qua đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc.

- Nhận biết và phân tích được tính chất trào phúng, giá trị hiện thực của tiểu thuyết Số đỏ, một kiệt tác hoạt kê của Việt Nam trong thế kỉ XX, thể hiện qua đoạn trích.

- Vận dụng được những kĩ năng sau khi học xong văn bản Xuân Tóc Đỏ cứu quốc để đọc hiểu những văn bản cùng thể loại và thực hiện nhiệm vụ thực tiễn.

2. Phẩm chất

Có thái độ phê phán tình trạng loạn chuẩn khi đánh giá các hiện tượng đời sống và nhìn nhận con người, hướng tới việc xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

SGK, SGV Ngữ văn 12, tập một, bảng, máy tính, máy chiếu, một số tư liệu ảnh, video clip liên quan đến tác giả Vũ Trọng Phụng, phiếu học tập.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

1. Hoạt động 1: Mở đầu

a. Mục tiêu

Huy động kiến thức đã có của HS về đặc điểm của tiểu thuyết, tạo tâm thế đọc hiểu văn bản Xuân Tóc Đỏ cứu quốc.

b. Nội dung

Hãy nói về một chi tiết trong đoạn trích hoặc trong tiểu thuyết Số đỏ mà em ấn tượng nhất và lí giải vì sao.

c. Sản phẩm

Câu trả lời của HS.

Chia sẻ của HS về một chi tiết ấn tượng nhất trong đoạn trích hoặc tiểu thuyết Số đỏ.

d. Tổ chức thực hiện

Bước 1- 2 - 3 - 4. GV cho HS chia sẻ cảm nhận về một chi tiết ấn tượng và nhận xét về câu trả lời của HS. Từ chia sẻ của HS, GV dẫn dắt vào bài học mới.

a. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới

a. Mục tiêu

Chỉ ra và phân tích được một số nét đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại trên các phương diện: khả năng bao quát hiện thực đời sống; góc độ quan sát, nhân vật và hệ thống sự kiện; cách miêu tả nét đặc thù của ngôn ngữ nhân vật;... thể hiện qua đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc.

b. Nội dung

Tập trung làm rõ các vấn đề Câu chuyện và sự kiện - Tình huống và nhân vật trào phúng - Người kể chuyện và điểm nhìn - Ngôn ngữ - Phong cách hiện thực của Vũ Trọng Phụng qua các nhiệm vụ cụ thể.

Vấn đề 1. Câu chuyện và sự kiện

Văn bản kể câu chuyện gì? Tóm tắt các sự kiện chính được kể trong đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc.

Vấn đề 2. Tình huống và nhân vật trào phúng

1. Xác định tình huống của đoạn trích. Tình huống nào là chính? Vì sao?

2. Theo lời tác giả: “Số đỏ tập trung cao độ thể hiện sự dị dạng của con người trong một xã hội đang tư sản hoá cuối mùa”. Sự “dị dạng của con người” thể hiện như thế nào qua các nhân vật trong đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc?

3. Phân tích nét đặc sắc của cảnh Xuân Tóc Đỏ hùng biện trước công chúng.

Vấn đề 3. Ngôi kể và điểm nhìn

Xác định ngôi kể, điểm nhìn đã được nhà văn lựa chọn và ý nghĩa của ngôi kể, điểm nhìn ấy trong việc làm sáng tỏ bản chất hiện thực theo khám phá và quan niệm của nhà văn.

Vấn đề 4. Ngôn ngữ

Nêu nhận xét khái quát về sự tương đồng và khác biệt giữa ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật ở đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc. Vấn đề 5. Phong cách hiện thực của Vũ Trọng Phụng

Phong cách hiện thực của Vũ Trọng Phụng thể hiện như thế nào qua đoạn trích?

c. Sản phẩm

Kết quả thực hiện của HS được ghi vào vở.

Vấn đề 1. Câu chuyện và sự kiện - Câu chuyện: Xuân Tóc Đỏ cứu quốc - Sự kiện chính:

+ Tình hình chuẩn bị cho cuộc thi đấu thể thao đặc biệt: Sân quần Rollandes Varreau của Hà thành đã ghi được một chỗ rẽ cho lịch sử thể thao khi giá vào cửa là ba đồng hạng bét nhưng người xem cũng trên ba nghìn. Tất cả mọi người đều đã thua và họ đều hi vọng vào Xuân Tóc Đỏ. Tất cả các quan chức cấp cao của hai nước đã an toạ nhưng Tổng cục thể thao Bắc Kì đang lo sốt vó khi không thấy hai nhà đương kim Hải và Thụ. Cuối cùng, để chữa cháy họ mời quán quân Xiêm La đấu với Xuân Tóc Đỏ.

+ Diễn biến kịch tính của “ván quần” giữa Xuân Tóc Đỏ và quán quân quần vợt Xiêm La: Trong trận đấu, Xuân đã chiếm được ưu thế hơn so với quán quân Xiêm. Điều đó khiến vua Xiêm tức giận và doạ dẫm chiến tranh sẽ nổ ra nếu Xuân thắng, ông Giám đốc chính trị Đông Dương đã phải tìm ông Văn Minh để bảo Xuân Tóc Đỏ nhường quán quân Xiêm La.

+ Màn hùng biện của Xuân Tóc Đỏ và sự tung hô của dân chúng: Xuân nghe vậy thì nhường bàn cuối khiến công chúng, khán giả sững sờ. Ban đầu họ có vẻ đả đảo Xuân nhưng với với sự lẻo mép, khôn lỏi của mình, Xuân đã thuyết phục quần chúng bằng tài diễn thuyết. Hắn tỏ vẻ trịch thượng và tự cho rằng mình đã bỏ qua lòng tự trọng mà cứu đất nước. Lúc này, quần chúng lại coi hắn như người hùng cứu quốc thực thụ và tán tụng, ngợi ca.

Vấn đề 2. Tình huống và nhân vật trào phúng

1. Tình huống

- Tình huống 1: Hai nhà quán quân cũ là Hải và Thụ mất tích, dẫn đến nguy cơ trận chung kết quần vợt phải hoãn, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Xuân Tóc Đỏ được ra sân tỉ thí với quán quân Xiêm La.

- Tình huống 2: Xuân Tóc Đỏ thắng điểm quán quân Xiêm La, vô tình đẩy hai nước Việt, Xiêm đến miệng hố chiến tranh - một tình trạng nguy cấp phải giải quyết kịp thời.

- Tình huống 3: Đông đảo khán giả đả đảo Xuân, đòi được giải thích, buộc Xuân và ông bầu Văn Minh phải biện xảo để xoay ngược thế cờ.

Trong ba tình huống nêu trên, tình huống chính là tình huống 2. Bởi vì, tình huống này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên kịch tính và bước ngoặt của toàn bộ sự kiện được kể, nó liên quan chặt chẽ đến cao trào của sự kiện, nói lên “số đỏ” của nhân vật Xuân, phơi bày toàn bộ sự bịp bợm của màn kịch đang diễn ra.

2. Nhân vật trào phúng

- Tên gọi: ông TYPN, Văn Minh, Xuân Tóc Đỏ, cô Tuyết, nhân vật đám đông,…: tên nhân vật độc đáo, mang ngụ ý, gây ấn tượng mạnh, gắn với ngoại hình, đặc điểm, tính cách đặc biệt,… kích thích sự tò mò, hứng thú của người đọc.

- Hành động:

+ Nhân vật Xuân: “kêu rằng cái phần danh dự của gia đình cũng còn có cơ cứu chữa được, vì mọi người còn hi vọng vào Xuân” - không được tác giả giới thiệu một cách trực tiếp mà chỉ xuất hiện gián tiếp qua lời kể của nhân vật khác nhưng ta có thể thấy mọi người đều đang rất mong chờ, hi vọng và trao trọn niềm tin cho nhân vật này. Điều đó cho thấy đây là một nhân vật có quyền lực, tài giỏi vô cùng nên mới được trao niềm tin để cứu vớt lại danh dự của một gia đình.

+ Ông Văn Minh: sung sướng vì người của mình được đại diện cho Hà Thành để giữ cái danh dự cho Tổ quốc, trước nhà vô địch Xiêm La vì như vậy sẽ làm tăng danh dự cho bản thân.

+ Vua Xiêm: “lộ ra mặt rồng tất cả sự thịnh nộ của vị thiên tử thế thiên hành đạo”; “Vua Xiêm tức thì lôi trong túi áo ra cái bản đồ Ấn Ðộ Chi Na do chính phủ Xiêm vẽ lại” - thể hiện rõ nét cơn thịnh nộ của vua Xiêm khi đứng trước bàn thắng của Xuân Tóc Đỏ, lối miêu tả cường điệu càng nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự kiện.

+ Ông Giám đốc chính trị Đông Dương “sau khi tai nghe một hiệu lệnh của quan Toàn quyền, tức thì bỏ khán đài, chạy xuống sân đi tìm ông bầu của Xuân Tóc Đỏ”

- Hành động của quan chức đã tạo ra một bức tranh hài hước và mỉa mai về tình hình cứu quốc, cứu quốc bằng phương án nhường đối thủ, đây là một lối suy nghĩ hèn nhát, thiển cận.

+ Nhân vật đám đông: “Tuy giá vé vào cửa là ba đồng hạng bét, số công chúng sáng hôm sau ấy, cũng trên ba nghìn”; “rất nhiều người hâm mộ vì đến chậm, không mua được vé, bèn hoá ra phẫn uất và chết một cách rất thể thao, nghĩa là tự tử dần bằng thuốc phiện không có giấm thanh, hút vào phổi”; “công chúng còn đứng lại, đông nghìn nghịt, tốp này định chia buồn với Xuân, tốp kia định trách cứ Xuân” - Gợi khung cảnh hỗn loạn, đầy nghịch lí qua ngôn ngữ châm biếm, mỉa mai xen lẫn cường điệu để mô tả trạng thái “thôi miên, lên đồng”, ở đây là cả một cộng đồng xã hội bị một cá nhân, tổ chức lôi kéo “dắt mũi”.

- Lời nói: “Xuân Tóc Đỏ vạn tuế! Sự đại bại vạn tuế!”; “Hỡi công chúng! Mi chưa hiểu rõ những lẽ cực kì to tát nó khiến ta phải đành nhường giải cho nhà vô địch Xiêm La!”; “Xuân thua không phải bởi vô tài! Chắc thiên hạ đã mục kích rất rõ. Vậy xin thiên hạ hãy bình tĩnh nghe tại sao người của tôi lại phải thua”; “A bas Xuân! A bas Xuân! Des explications” - mang màu sắc châm biếm, mỉa mai xen lẫn cường điệu, phê phán,…

- Bằng ngòi bút trào phúng, lối viết “ngấu nghiến”, nhịp điệu dồn dập, giọng văn phảng phất thái độ khinh miệt, nhà văn đã tạo ra những nhân vật dị biệt, khác lạ từ tên gọi đến tính cách. Họ đại diện cho một xã hội lố lăng, kệch cỡm, “chó đểu” thời bấy giờ.

3. Cảnh Xuân Tóc Đỏ hùng biện trước công chúng

+ Nội dung: đề cập đến những hậu quả của một xung đột Việt - Xiêm và nhấn mạnh rằng cuộc chiến sẽ kéo theo nạn đói và thảm hoạ cho nhân loại.

+ Ngôn từ: “Hỡi công chúng! Mi chưa hiểu rõ những lẽ cực kì to tát nó khiến ta đành phải nhường giải cho nhà vô địch Xiêm La”; “Mi đã biết đâu cái lòng hi sinh cao thượng vô cùng”, “điểm cốt yếu của người xả thân cứu nước không phải là chỉ nghĩ đến mình…” - chứa đầy các yếu tố đối nghịch, hội tụ các mối tương quan xã hội phức tạp. Chúng xung đột và hoà hợp với nhau một cách kì dị, phản ánh đúng bản chất kì dị của xã hội đương thời.

+ Giọng điệu: kiêu ngạo, hùng biện, bề trên,… - bản chất khôn lỏi, cơ hội của Xuân.

+ Hành động: nó vỗ vào ngực (tự cao, tự mãn, đề cao bản thân); nó đấm tay xuống không khí (sự kiên định); nó giơ cao tay lên (sự quyết tâm);…

- Cảnh Xuân Tóc Đỏ hùng biện có dáng dấp của một màn hài kịch, thể hiện rõ cảm quan của Vũ Trọng Phụng về hiện thực. Xã hội đảo điên đã tạo cơ hội cho Xuân - một kẻ “hạ lưu” vô học nhưng láu cá - đã chui sâu, leo cao và đạt được cơ hội “thăng tiến” khó ngờ. Theo ông, tất cả những gì đang diễn ra trong xã hội đều là một tấn trò não nuột, xen lẫn bi và hài.

Vấn đề 3. Ngôi kể và điểm nhìn

- Ngôi kể và điểm nhìn: Đoạn trích được kể ở ngôi thứ ba với điểm nhìn bên ngoài.

- Ý nghĩa:

+ Tạo điều kiện bao quát toàn cảnh sự việc, đẩy nhanh nhịp độ kể và làm nổi bật tính chất “hề” của toàn bộ những gì được kể.

+ Tuy chọn điểm nhìn bên ngoài để miêu tả, tái hiện sự việc nhưng vị trí đặt điểm nhìn lại luôn được dịch chuyển, soi chiếu ở nhiều góc khác nhau (bao quát, cụ thể, xa, gần,…) để người đọc thấy được bức tranh tổng thể về những gì đang diễn ra: từ cảnh náo nhiệt trên sân vận động đến cảnh rỉ tai ám muội giữa các “đấng” tai to mặt lớn trong ban tổ chức sự kiện; từ cảnh rừng người hò reo đến cảnh đặc tả từng động tác tay, chân đầy “biểu cảm” của nhân vật chính - Xuân Tóc Đỏ.

- Mô tả và đánh giá hiện thực từ nhiều góc độ, phê phán và chỉ ra những vấn đề xuất hiện trong thời buổi “cũ - mới tranh nhau”, “Á - Âu xáo trộn”, mớ hỗn độn tạp nham mà tác giả cho rằng đó là “cái xã hội đen tối, thối nát”. Điểm nhìn toàn tri giúp nhà văn vạch trần những mảng tối trong hiện thực đồng thời thể hiện sự khinh bỉ đối với xã hội lúc bấy giờ.

- Như vậy, việc lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn tuỳ thuộc đặc điểm của đối tượng được miêu tả, thể hiện. Đây là sự lựa chọn phù hợp, có ý đồ nghệ thuật rõ ràng.

Vấn đề 4. Ngôn ngữ

- Sự tương đồng: Thể hiện rõ sắc thái mỉa mai, trào phúng, mặc dù ở lời nhân vật, sự mỉa mai không mang tính chủ động. Do được đặt trong bối cảnh “hề” nên ngay cả khi lời nhân vật thể hiện tâm trạng hoảng hốt (lời nhân vật Văn Minh) hay lâm li, phấn khích (lời nhân vật Xuân Tóc Đỏ), thì tính chất mỉa mai vẫn được bộc lộ rất rõ, hoà điệu với tính chất mỉa mai trong lời người kể chuyện.

- Sự khác biệt:

Ngôn ngữ của người kể chuyện

Ngôn ngữ của nhân vật

- Là lời người kể chuyện.

- Là lời nhân vật.

- Thực hiện chức năng thuật kể, miêu tả, giới thiệu nhân vật, sự việc.

- Phát ra trong những hoàn cảnh, tình huống giao tiếp cụ thể.

- Thể hiện góc nhìn và quan điểm đánh giá riêng.

- Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật.

Vấn đề 5. Phong cách hiện thực của Vũ Trọng Phụng

- Ý thức phơi bày những mặt trái, mặt nhố nhăng của hiện thực luôn thường trực. Trong con mắt của ông, xã hội đương thời đầy rẫy những biểu hiện tha hoá, suy đồi, dường như vô phương cứu chữa.

- Sắc sảo trong việc xây dựng những chân dung biếm hoạ, luôn tìm thấy những chi tiết độc đáo có thể lột trần chân tướng của sự vật, hiện tượng và con người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.

- Thể hiện một khả năng tưởng tượng, hư cấu đặc biệt khi liên tiếp dựng lên những tình huống phi lí, những mẫu nhân vật quái dị với hành động và ngôn ngữ khác thường. Tuy nhiên, mọi sự tưởng tượng, hư cấu của ông đều dựa trên nền tảng hiện thực.

- Để tăng cường khả năng bao quát hiện thực cho trang viết, nhà văn dụng công trong việc hư cấu nên các tình huống - sự kiện có sự góp mặt của đủ hạng người trong xã hội; sử dụng bối cảnh lịch sử và xã hội thực tế; ngôn từ sắc bén, mô tả tinh tế để thể hiện sự nhạy bén trong việc quan sát và phê phán xã hội thông qua các biện pháp tu từ nói mỉa, nghịch ngữ, ẩn dụ,…; giọng văn đanh thép, mỉa mai để tố cáo sự thối nát của xã hội đương thời; sử dụng kiểu liên hệ so sánh đầy tính bất ngờ nhắm tới nhiều đối tượng cùng một lúc.

d. Tổ chức thực hiện

GV hướng dẫn HS luân phiên đọc văn bản. Nhắc HS chú ý những chi tiết làm nổi rõ tình huống đặc biệt đã khiến mọi nhân vật lộ rõ bản chất; chọn được giọng điệu thích hợp khi đọc - thể hiện những sắc thái riêng của ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ người kể chuyện;... Sau đó, yêu cầu HS thực hiện các nhiệm vụ.

Bước 1. GV giao nhiệm vụ như mục Nội dung.

Bước 2. HS thực hiện nhiệm vụ. GV quan sát, điều hành lớp.

Bước 3 - 4. GV tổ chức thảo luận và kết luận.

- GV tổ chức cho HS sắp xếp các sự kiện để tạo thành nội dung văn bản. GV chọn 1 HS trình bày tại chỗ, khuyến khích HS nhận xét; GV kết luận như mục Sản phẩm.

- HS được yêu cầu làm việc theo cặp đôi. GV hướng dẫn HS nhận xét, đánh giá về các tình huống được các em nêu lên, có thể dựa vào một số tiêu chí sau (được diễn đạt dưới hình thức câu hỏi): Tình huống đó liên quan như thế nào đến cao trào của sự kiện? Tình huống đó nói lên được điều gì về “số đỏ” của nhân vật Xuân? Tình huống đó đóng vai trò quyết định ra sao đối với việc phơi bày toàn bộ sự bịp bợm của màn kịch đang diễn ra? để xác định tình huống chính. HS trình bày, nhận xét. GV kết luận như mục Sản phẩm. GV yêu cầu HS đọc kĩ cảnh Xuân Tóc Đỏ hùng biện trước công chúng - một cảnh thuộc cao trào của đoạn trích và của cả tác phẩm Số đỏ. Thông qua việc tìm hiểu nét đặc sắc của cảnh này, HS sẽ cảm nhận được sâu hơn về sự “điên rồ” của một chế độ xã hội đang trên đường băng hoại, đồng thời cũng hiểu rõ sức mạnh của tiểu thuyết trong việc làm chuyển biến nhận thức của độc giả về các vấn đề bức thiết của cuộc sống. HS trình bày, GV kết luận như mục Sản phẩm.

- GV tuỳ thực tế lớp học chia HS thành các nhóm 4 - 6. Các nhóm lên trình bày sản phẩm. GV cho HS nhận xét, GV nhận xét đánh giá các nhóm. GV kết luận như mục Sản phẩm. Sau đó, các nhóm tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

- GV hướng dẫn HS hoạt động cặp đôi. Mỗi cặp đôi chọn một đoạn văn bản có cả lời nhân vật, lời kể và đóng vai, đọc thành tiếng, từ đó nhận thấy sự tương đồng và khác biệt giữa ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. GV tổ chức cho 3 cặp đôi trình bày. GV kết luận như mục Sản phẩm.

- GV hướng dẫn HS tư duy. Tổ chức thảo luận với quy mô toàn lớp học. Sau khi HS trao đổi, GV tổng hợp và kết luận như mục Sản phẩm.

3. Hoạt động 3: Luyện tập

a. Mục tiêu

Nhận biết và phân tích được tính chất trào phúng, giá trị hiện thực của tiểu thuyết Số đỏ, một kiệt tác hoạt kê của tiểu thuyết Việt Nam trong thế kỉ XX, thể hiện qua đoạn trích.

b. Nội dung

Câu 1. Nêu chủ đề và giá trị hiện thực của đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc.

Câu 2. Hãy tìm những dấu hiệu của tiểu thuyết hoạt kê được thể hiện qua đoạn trích.

Câu 3. Hãy nêu cách đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại tiểu thuyết hoạt kê.

c. Sản phẩm

Câu 1

- Chủ đề: Đoạn trích thể hiện sự tha hoá về nhân cách của những kẻ đại diện cho xã hội “chó đểu”; sự xuống cấp của cả hệ thống, một chế độ xã hội đang trên đường băng hoại đầu thế kỉ XX trước cơn xoáy Âu hoá ở Việt Nam.

- Giá trị hiện thực:

+ Vũ Trọng Phụng dựng lên bức tranh về xã hội thượng lưu thông qua cuộc tỉ thí quần vợt.

+ Bức tranh hiện thực về một cộng đồng xã hội thượng lưu lố lăng, kệch cỡm,…

Câu 2

Những dấu hiệu của tiểu thuyết hoạt kê được thể hiện qua đoạn trích là:

- Phản ánh được bức tranh đời sống rộng lớn với đủ thành phần xã hội và các sự kiện chằng chéo, phức tạp.

- Từ một vài sự việc, nhân vật cụ thể, nhà văn giúp độc giả hình dung được bức tranh rộng lớn về các quan hệ và tính cách phức tạp trong xã hội.

- Làm chuyển biến nhận thức của độc giả về các vấn đề bức thiết của cuộc sống.

- Xây dựng các tình huống và chân dung trào phúng.

- Ngôn ngữ trào phúng.

- Bối cảnh trào phúng.

Câu 3

Cách đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại tiểu thuyết hoạt kê: Đọc và xác định đề tài; câu chuyện và hệ thống sự kiện; tình huống và thế giới nhân vật; ngôi kể và điểm nhìn; ngôn ngữ; kết nối để xác định chủ đề, giá trị của văn bản; nhận xét về phong cách của nhà văn.

Tổ chức thực hiện

Bước 1. GV chuyển giao nhiệm vụ học tập cho HS như mục Nội dung.

Bước 2. HS thực hiện nhiệm vụ học tập. GV quan sát, điều hành lớp.

Bước 3 - 4. GV tổ chức thảo luận và kết luận.

Câu 1. GV gọi HS trình bày. GV kết luận như mục Sản phẩm.

Câu 2. GV lưu ý HS đọc lại phần Tri thức ngữ văn trong SGK, HS hoàn thành phiếu học tập để nhận diện được các dấu hiệu của tiểu thuyết hoạt kê thể hiện qua đoạn trích.

PHIẾU HỌC TẬP
STTDấu hiệu của tiểu thuyết hoạt kêBiểu hiện trong văn bản
1
2
3
4
5

GV gọi HS trình bày. GV kết luận như mục Sản phẩm.

Câu 3. GV định hướng, hướng dẫn HS xác định cách đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại tiểu thuyết hoạt kê. GV gọi HS trình bày. GV kết luận như mục Sản phẩm.

4. Hoạt động 4: Vận dụng

a. Mục tiêu

Vận dụng được những kĩ năng sau khi học xong văn bản Xuân Tóc Đỏ cứu quốc để đọc hiểu tiểu thuyết và thực hiện nhiệm vụ thực tiễn.

b. Nội dung

Câu 1. Đọc hiểu văn bản cùng thể loại: Hạnh phúc của một tang gia (Trích Số đỏ, Vũ Trọng Phụng) theo các bước đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại tiểu thuyết hoạt kê.

Câu 2. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu ấn tượng của em về khả năng của tiểu thuyết trong việc diễn tả bức tranh đời sống, thời đại qua học đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc.

c. Sản phẩm

Câu 1

Bản trình bày trước lớp, đọc hiểu văn bản Hạnh phúc của một tang gia (Trích Số đỏ, Vũ Trọng Phụng) và:

- Xác định đề tài.

- Nêu câu chuyện và hệ thống sự kiện.

- Phân tích được tình huống và thế giới nhân vật.

- Xác định được ngôi kể, điểm nhìn và ý nghĩa.

- Phân tích được ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật.

- Xác định chủ đề, giá trị của văn bản.

- Nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Câu 2

Đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu ấn tượng về khả năng của tiểu thuyết trong việc diễn tả bức tranh đời sống, thời đại.

d. Tổ chức thực hiện

Bước 1. GV giao nhiệm vụ về nhà cho HS như mục Nội dung và yêu cầu nghiêm túc thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ ở nhà và nộp sản phẩm vào buổi học tới.

Bước 2. HS thực hiện nhiệm vụ ở nhà. HS có nhiều cách triển khai. Tuy nhiên, cần đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức:

- Nội dung: Nêu ấn tượng về khả năng của tiểu thuyết trong việc diễn tả bức tranh đời sống, thời đại:

+ Nêu khái quát ấn tượng về khả năng của tiểu thuyết.

+ Nêu những ấn tượng cụ thể về khả năng của tiểu thuyết.

+ Đánh giá về khả năng của tiểu thuyết.

- Hình thức: Đảm bảo quy cách một đoạn văn với độ dài khoảng 150 chữ.

Bước 3. Trao đổi thảo luận: GV khuyến khích sự xung phong hoặc chỉ định 1 - 2 HS trình bày ở đầu buổi học tới (có thể lấy điểm đánh giá quá trình).

Bước 4. GV nhận xét, đánh giá về bài trình bày của HS.

....

>> Tải file tài liệu để xem thêm Văn 12 sách Kết nối tri thức

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm