Giáo án Lịch sử 12 sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Cả năm) Kế hoạch bài dạy môn Lịch sử 12 năm 2024 - 2025
Giáo án Lịch sử 12 sách Kết nối tri thức với cuộc sống trọn bộ cả năm, mang tới các bài soạn của 35 tuần trong cả năm học. Qua đó, giúp thầy cô tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức trong quá trình xây dựng kế hoạch bài dạy môn Lịch sử 12 KNTT của mình.
Giáo án Lịch sử 12 Kết nối tri thức cả năm được biên soạn kỹ lưỡng, trình bày khoa học. Bên cạnh đó, thầy cô có thể tham khảo thêm giáo án Công nghệ 12 Kết nối tri thức. Vậy mời thầy cô cùng tải miễn phí Giáo án Lịch sử 12 Kết nối tri thức:
Kế hoạch bài dạy môn Lịch sử 12 Kết nối tri thức
BÀI 1. LIÊN HỢP QUỐC
I. MỤC TIÊU
1. Kiến thức
Thời gian thực hiện: 2 tiết
- Nêu được bối cảnh lịch sử và quá trình hình thành Liên hợp quốc.
- Trình bày được mục tiêu, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Liên hợp quốc.
- Nêu được vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế.
- Trình bày được vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy phát triển, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế, nâng cao đời sống người dân.
- Trình bày được vai trò của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo quyền con người, phát triển văn hoá, xã hội.
2. Về năng lực
- Năng lực chung:
+ Năng lực tự chủ và tự học: khả năng thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập; tự lực làm những nhiệm vụ học tập được giao trên lớp và ở nhà.
+ Năng lực giao tiếp và hợp tác: hợp tác và giao tiếp với các bạn trong các nhiệm vụ học tập.
+ Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: phát hiện được vấn đề từ các nhiệm vụ học tập và tìm cách giải quyết chúng.
- Năng lực đặc thù:
+ Năng lực tìm hiểu lịch sử: nhận diện được các loại hình tư liệu lịch sử (tư liệu viết, hình ảnh,...), biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu về Liên hợp quốc.
+ Năng lực nhận thức và tư duy lịch sử: thông qua việc trình bày được bối cảnh lịch sử và quá trình thành lập của Liên hợp quốc; mục tiêu, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Liên hợp quốc; vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế; thúc đẩy phát triển, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế, nâng cao đời sống người dân cũng như đảm bảo quyền con người, phát triển văn hoá, xã hội.
+ Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng thông qua việc vận dụng kiến thức đã học để giải thích về vai trò của Liên hợp quốc.
3. Về phẩm chất
- Có ý thức trân trọng vai trò của Liên hợp quốc đối với hoà bình, an ninh, phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
- Bồi dưỡng các phẩm chất như: khách quan, trung thực, có ý thức tìm tòi, khám phá, giải thích những vấn đề về lịch sử thế giới, kết nối quá khứ với hiện tại.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Giáo viên
- Kế hoạch dạy học biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, bám sát các yêu cầu cần đạt của Chương trình.
- Bản đồ thế giới.
- Tư liệu lịch sử: các hình ảnh, tư liệu về sự thành lập và phát triển của Liên hợp quốc (đã có trong SGK, có thể phóng to qua máy chiếu).
- Phiếu học tập cho HS.
2. Học sinh
- SGK, SBT Lịch sử 12 - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
- Tranh ảnh, tư liệu sưu tầm liên quan đến bài học và dụng cụ học tập theo yêu cầu của GV.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG, MỞ ĐẦU BÀI HỌC
a) Mục tiêu
- HS hình dung các nội dung sẽ tìm hiểu về tổ chức Liên hợp quốc.
- Tạo tâm thế, kích thích được sự hứng thú, mong muốn tìm hiểu nội dung bài học mới của HS, định hướng nhiệm vụ cho HS trong bài học mới.
b) Tổ chức thực hiện
* Bước 1. Chuyển giao nhiệm vụ
- GV tổ chức cho HS hoạt động cá nhân, quan sát Hình 1, đọc thông tin trong phần Mở đầu và dựa vào hiểu biết của mình để lần lượt trả lời các câu hỏi:
- Tổ chức này được thành lập trong bối cảnh nào?
- Vì sao Liên hợp quốc trở thành tổ chức toàn cầu lớn nhất thế giới?
* Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ
HS dựa vào thông tin trong phần Mở đầu và hiểu biết của mình về Liên hợp quốc để trả lời các câu hỏi ở các mức độ khác nhau.
* Bước 3. Báo cáo, thảo luận
Với mỗi câu hỏi, GV gọi 2 - 3 HS trả lời trước lớp. Các HS khác nhận xét, bổ sung thêm ý hiểu của mình.
* Bước 4. Kết luận, chốt kiến thức
GV nhận xét, đánh giá phần trả lời của HS và dẫn dắt, gợi mở vào nội dung bài học mới: Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới. Từ khi thành lập đến nay, tổ chức này đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế; thúc đẩy phát triển, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế; đảm bảo quyền con người và phát triển văn hoá, xã hội ở các quốc gia. Vậy tổ chức này được thành lập trong bối cảnh nào? Nguyên tắc hoạt động như thế nào? Vai trò của tổ chức trong thực tiễn lịch sử ra sao?
B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI
1. Hoạt động 1: Tìm hiểu một số vấn đề cơ bản về Liên hợp quốc
a) Mục tiêu
- Nêu được bối cảnh lịch sử và quá trình hình thành Liên hợp quốc.
- Trình bày được mục tiêu, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Liên hợp quốc
b) Tổ chức thực hiện
Mục a. Bối cảnh lịch sử và quá trình hình thành Liên hợp quốc
Nhiệm vụ 1. Tìm hiểu về bối cảnh lịch sử hình thành Liên hợp quốc
* Bước 1. Chuyển giao nhiệm vụ
- GV tổ chức HS làm việc cá nhân, đọc thông tin trong mục để thực hiện nhiệm vụ:
Nêu bối cảnh lịch sử hình thành Liên hợp quốc.
* Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ
HS khai thác thông tin trong mục và mục Em có biết để thực hiện nhiệm vụ.
* Bước 3. Báo cáo, thảo luận
GV gọi 2 - 3 HS trình bày phần trả lời trước lớp. Các HS khác nhận xét, bổ sung (nếu có).
* Bước 4. Kết luận, chốt kiến thức
GV nhận xét phần làm việc của HS và chốt kiến thức về bối cảnh lịch sử hình thành Liên hợp quốc: Thế giới bước vào giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai: những chuyển biến quan trọng trên các chiến trường chính, thắng lợi của phe Đồng minh chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi Chiến tranh diễn ra càng khốc liệt thì ý tưởng về một tổ chức quốc tế thực sự có vai trò trong việc duy trì hoà bình thế giới càng rõ nét.
Nhiệm vụ 2. Tìm hiểu về quá trình hình thành Liên hợp quốc
* Bước 1. Chuyển giao nhiệm vụ
GV tổ chức HS thảo luận nhóm, chia lớp thành 4 nhóm, các nhóm khai thác thông tin, hình ảnh trong mục để thực hiện nhiệm vụ: Nêu quá trình thành lập Liên hợp quốc.
* Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ
Nhóm HS khai thác thông tin, hình ảnh và thông tin mở rộng trong mục để thảo luận và thống nhất nội dung trình bày.
* Bước 3. Báo cáo, thảo luận
GV gọi đại diện 2 - 3 nhóm HS trình bày kết quả làm việc trước lớp. Các HS khác nhận xét, bổ sung (nếu có).
* Bước 4. Kết luận, chốt kiến thức
GV nhận xét phần làm việc của nhóm HS và chốt kiến thức về quá trình hình thành Liên hợp quốc: Một số sự kiện chính dẫn đến sự thành lập Liên hợp quốc được quyết định tại các hội nghị quan trọng diễn ra vào các năm: 1942, 1943, 1945,…).
- Ngày 1 - 1 - 1942, tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), đại diện 26 nước chống phát xít, trong đó có Liên Xô, Mỹ, Anh đã kí bản Tuyên bố Liên hợp quốc. Bản tuyên bố này đánh dấu sự hình thành Mặt trận Đồng minh chống phát xít trên phạm vi toàn thế giới.
- Từ năm 1943, các nước đã thoả thuận được một số điểm cơ bản về cơ cấu Liên hợp quốc, Đại hội đồng, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an,…
- Cuối năm 1943: Hội nghị các ngoại trưởng Liên Xô, Mỹ, Anh đã họp ở Mát-xcơ-va, chuẩn bị những điều kiện cho cuộc gặp gỡ ở Tê-hê-ran. Sau đó, Hội nghị Tê-hê-ran diễn ra, ba nước Liên Xô, Mỹ, Anh khẳng định quyết tâm thành lập Liên hợp quốc.
- Tháng 2 - 1945: Hội nghị tổ chức ở I-an-ta đã quyết định về việc thành lập Liên hợp quốc và đồng ý triệu tập hội nghị để thông qua Hiến chương Liên hợp quốc. Từ ngày 25 - 4 - 1945 đến ngày 26 - 6 - 1945, một Hội nghị được tổ chức ở Xan Phran-xi-xcô với sự tham gia của đại diện 50 nước, thông qua Hiến chương Liên hợp quốc.
- Ngày 24 - 10 - 1945, sau khi được Quốc hội các nước phê chuẩn, Hiến chương bắt đầu có hiệu lực và ngày này được coi là ngày Liên hợp quốc chính thức thành lập.
Mục b. Mục tiêu, nguyên tắc hoạt động
* Bước 1. Chuyển giao nhiệm vụ
- GV tổ chức cho HS hoạt động cặp đôi, khai thác thông tin và các tư liệu trong mục để thực hiện yêu cầu: Trình bày mục tiêu, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Liên hợp quốc.
* Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ:
HS thực hiện nhiệm vụ theo trình tự như sau:
- HS làm việc cá nhân: đọc thông tin trong mục và tư liệu, tìm ra những từ khoá, cụm từ thể hiện mục tiêu của Liên hợp quốc: duy trì hoà bình, an ninh quốc tế; thúc đẩy quan hệ hữu nghị; thúc đẩy hợp tác; là trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế,…
- Sau đó, cặp đôi thảo luận, thống nhất về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc.
* Bước 3. Báo cáo, thảo luận
GV gọi 2 - 3 đại diện cặp đôi trình bày kết quả thảo luận trước lớp. Các cặp đôi khác nhận xét, bổ sung (nếu có).
* Bước 4. Kết luận, chốt kiến thức
GV nhận xét câu trả lời của HS và chốt lại các nội dung cơ bản về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động:
- Mục tiêu của Liên hợp quốc: (1). Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; (2). Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng, quyền tự quyết dân tộc và củng cố hoà bình thế giới; (3). Thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá, nhân đạo, đảm bảo quyền con người và quyền tự do cơ bản cho mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ; (4). Liên hợp quốc đóng vai trò là trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì những mục tiêu trên. Trong đó, mục tiêu duy trì hoà bình và an ninh quốc tế được chú trọng và là cơ sở để thực hiện các mục tiêu khác.
- Nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc: Theo Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc:
+ Bình đẳng về chủ quyền quốc gia;
+ Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia;
+ Từ bỏ đe doạ bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế;
+ Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước;
+ Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế;
+ Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.
* Bước 5: Mở rộng
GV cho HS liên hệ thêm về những hoạt động của Việt Nam nhằm tham gia gìn giữ hoà bình thế giới với cương vị là một thành viên của Liên hợp quốc.
2. Hoạt động 2: Tìm hiểu về vai trò của Liên hợp quốc
a) Mục tiêu
- Nêu được vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế.
- Trình bày được vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy phát triển, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế, nâng cao đời sống người dân.
- Trình bày được vai trò của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo quyền con người, phát triển văn hoá, xã hội.
b) Tổ chức thực hiện
* Bước 1. Chuyển giao nhiệm vụ
GV chia cả lớp thành 6 nhóm, khai thác thông tin, hình ảnh và tư liệu trong mục để tìm hiểu về vai trò của Liên hợp quốc:
- Nhóm 1, 2: Tìm hiểu về vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế.
- Nhóm 3, 4: Tìm hiểu về vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế và nâng cao đời sống người dân.
- Nhóm 5, 6: Tìm hiểu về vai trò của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo quyền con người, phát triển văn hoá, xã hội.
* Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ
Nhóm HS thực hiện nhiệm vụ theo trình tự như sau:
- Từng HS làm việc cá nhân đọc thông tin trong mục, quan sát hình ảnh, khai thác tư liệu và ghi ra giấy những nội dung chính về vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực mà nhóm mình được giao nhiệm vụ.
- Sau đó, thảo luận, thống nhất với các bạn trong nhóm, thống nhất cách trình bày.
* Bước 3. Báo cáo, thảo luận
- GV gọi đại diện 3 nhóm HS (mỗi nhóm trình bày một vai trò) để trình bày kết quả thảo luận trước lớp. Các nhóm HS còn lại nhận xét, bổ sung (nếu có).
* Bước 4. Kết luận, chốt kiến thức
GV nhận xét phần làm việc của HS và chốt lại các nội dung cơ bản về vai trò của Liên hợp quốc:
- Duy trì hoà bình, an ninh quốc tế: góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới kể từ năm 1945 đến nay; triển khai hoạt động gìn giữ hoà bình ở nhiều khu vực trên thế giới; soạn thảo và xây dựng hệ thống công ước quốc tế về giải trừ quân bị, chống chạy đua vũ trang; thúc đẩy quá trình giành độc lập dân tộc, góp phần gia tăng số lượng thành viên Liên hợp quốc.
- Thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế và nâng cao đời sống người dân: phát triển và hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế; thực hiện nhiều dự án, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao đời sống của người dân và hỗ trợ cho công tác xoá đói, giảm nghèo, đặc biệt là ở các nước đang phát triển; góp phần hỗ trợ cho công tác xoá đói, giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh,… ở nhiều khu vực trên thế giới.
- Đảm bảo quyền con người, phát triển văn hoá, xã hội: nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng và kí kết những văn bản, điều ước quốc tế quan trọng nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của con người, tạo cơ hội phát triển cho tất cả mọi người; thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá, xã hội.
C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
a) Mục tiêu
HS củng cố, hệ thống lại được bối cảnh ra đời, quá trình hình thành, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động và vai trò của tổ chức Liên hợp quốc, từ đó rèn luyện được năng lực nhận thức và tư duy lịch sử.
b) Tổ chức thực hiện
Câu 1. Lập bảng tóm tắt bối cảnh thành lập, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc.
* Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
- GV cho HS làm việc cá nhân trên lớp để thực hiện nhiệm vụ: Lập bảng tóm tắt bối cảnh thành lập, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc.
* Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
HS hệ thống hoá lại thông tin trong SGK cũng như nội dung bài học để hoàn thành bảng tóm tắt.
* Bước 3: Báo cáo, thảo luận
GV tổ chức cho HS tự đánh giá lẫn nhau về bảng tóm tắt bằng bảng kiểm sau:
BẢNG KIỂM TỰ ĐÁNH GIÁ VÀ ĐÁNH GIÁ LẪN NHAU VỀ BẢNG TÓM TẮT
STT | Nội dung | Đánh giá (Có hoặc Không) |
1 | Hình thức bảng sạch sẽ, đúng nội dung. | |
2 | Đúng, đủ các đề mục về bối cảnh thành lập, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc. | |
3 | Nội dung trình bày đúng, đầy đủ về bối cảnh thành lập, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc. |
* Bước 4: Kết luận, chốt kiến thức
GV nhận xét, chuẩn kiến thức cho HS.
Câu 2. Lập sơ đồ tư duy thể hiện những nét chính về vai trò của Liên hợp quốc trên các lĩnh vực.
* Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
– GV cho HS làm việc cá nhân để thực hiện nhiệm vụ: Lập sơ đồ tư duy thể hiện những nét chính về vai trò của Liên hợp quốc trên các lĩnh vực.
* Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
HS thực hiện nhiệm vụ trên lớp, dựa vào những kiến thức đã học trong bài để lập sơ đồ tư duy theo ý tưởng riêng của mình.
* Bước 3: Báo cáo, thảo luận
GV gọi 2 – 3 HS trình bày kết quả làm việc trước lớp. Các HS khác phản biện, đặt câu hỏi và bổ sung (nếu có).
* Bước 4: Kết luận, chốt kiến thức
GV nhận xét, chuẩn kiến thức cho HS.
D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
a) Mục tiêu
– HS vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học để giải thích vì sao góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới kể từ năm 1945 đến nay là đóng góp quan trọng nhất của Liên hợp quốc. Từ đó, góp phần phát triển năng lực nhận thức, tư duy lịch sử cho HS.
– HS sưu tầm được tư liệu từ các nguồn để viết bài giới thiệu, chia sẻ với bạn về những đóng góp, hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Việt Nam. Thông qua đó, HS được rèn luyện khả năng tìm kiếm, tiếp cận và xử lí thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, phát triển năng lực tự học, tự tìm hiểu lịch sử, năng lực vận dụng kiến thức vào việc lí giải một vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
b) Tổ chức thực hiện
Câu 1. Có ý kiến cho rằng: Vai trò quan trọng nhất của Liên hợp quốc là góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới kể từ năm 1945 đến nay. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?
* Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
GV tổ chức cho HS làm việc cá nhân để bày tỏ quan điểm của mình về nhận định: Vai trò quan trọng nhất của Liên hợp quốc là góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới kể từ năm 1945 đến nay. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?
* Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
– HS thực hiện nhiệm vụ này ở nhà, dựa vào kiến thức đã học và tư liệu sưu tầm từ sách, báo, internet để đưa ra quan điểm cùng những lập luận để chứng minh cho quan điểm của mình.
– HS có thể trình bày bằng bài viết có kèm hình ảnh minh hoạ.
* Bước 3: Báo cáo, thảo luận
HS sẽ báo cáo kết quả làm việc trước lớp vào buổi học sau theo yêu cầu của GV.
* Bước 4: Kết luận, chốt kiến thức
– GV nhận xét phần làm việc của HS và chốt kiến thức cho HS.
– Lưu ý: Câu hỏi này mang tính mở vì vậy việc đánh giá, chốt kiến thức của GV cũng nên mang tính mở.
Gợi ý: Đóng góp trong lĩnh vực duy trì hoà bình, an ninh quốc tế để ngăn ngừa chiến tranh thế giới là đóng góp quan trọng nhất của Liên hợp quốc, nhờ đó các quốc gia, dân tộc có được môi trường hoà bình để ổn định và phát triển. Biểu hiện:
+ Liên hợp quốc góp phần ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế mà minh chứng rõ nét là Liên hợp quốc đã triển khai nhiều phái bộ gìn giữ hoà bình để giúp chấm dứt xung đột, khôi phục hoà bình, hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên. Với những hoạt động kể trên, lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc đã được trao tặng Giải thưởng Hoà bình Nô-ben vào năm 1988, sau đó Liên hợp quốc và Tổng Thư kí Kô-phi An-nan được tặng giải thưởng này vào năm 2001.
+ Liên hợp quốc đã soạn thảo và xây dựng được một hệ thống các công ước quốc tế về giải trừ quân bị, trong đó có Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (1968), Công ước Cấm vũ khí hoá học (1993) và Công ước Cấm vũ khí sinh học (1972), Công ước Cấm vũ khí hạt nhân (2017),… tạo ra khuôn khổ pháp lí cho việc ngăn chặn phổ biến, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các loại vũ khí này.
Câu 2. Tìm hiểu thông tin từ sách, báo và internet và chia sẻ với bạn về những đóng góp, hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Việt Nam.
* Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
GV cho HS làm việc cặp đôi ở nhà, thực hiện nhiệm vụ: Tìm hiểu thông tin từ sách, báo và internet và chia sẻ với bạn về những đóng góp, hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Việt Nam.
* Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
Cặp đôi HS thực hiện nhiệm vụ theo trình tự sau:
– Từng HS dựa vào gợi ý của GV và tìm hiểu thêm thông tin trên sách, báo hoặc internet để tìm ra những đóng góp, hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Việt Nam.
– Cặp đôi HS chia sẻ với nhau về những chia sẻ, đóng góp mà mình tìm hiểu được, sau đó thống nhất kết quả làm việc.
* Bước 3: Báo cáo, thảo luận
Cặp đôi HS sẽ báo cáo kết quả làm việc trước lớp vào buổi học sau theo yêu cầu của GV.
* Bước 4: Kết luận, chốt kiến thức
GV nhận xét, chỉnh sửa cho HS và gợi ý một số nội dung cơ bản.
Gợi ý:
– Liên hợp quốc có vai trò rất đặc biệt đối với Việt Nam. Sau khi Việt Nam gia nhập chính thức, Liên hợp quốc đã hỗ trợ về nhân đạo và tài chính rất lớn, đặc biệt là việc khắc phục hậu quả chiến tranh, vấn đề về nghèo đói, y tế, thực phẩm, nhất là với trẻ em và nhi đồng,…
– Các chương trình và tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đóng góp rất cần thiết và quan trọng.
– Liên hợp quốc là cầu nối để Việt Nam tiếp cận các viện trợ nhân đạo của các nước khác. Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam thông qua Hội nghị các nước tài trợ, giúp Việt Nam gắn kết với các nước tài trợ, từ đó huy động các nguồn vốn tối đa cho Việt Nam. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ phát triển nhanh.
....
>> Tải file tài liệu để xem thêm Giáo án Lịch sử 12 Kết nối tri thức