Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn (chuyên) Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017 (Có đáp án) Đề thi vào lớp 10 môn Văn 2017
Đề thi vào lớp 10 môn Văn
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn (chuyên) tỉnh Quảng Bình năm học 2016 - 2017 là tài liệu ôn tập hữu ích dành cho các bạn học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi vào lớp 10. Hi vọng đây sẽ là hành trang giúp các bạn chinh phục kỳ thi THPT quốc gia 2017 đạt kết quả cao nhất.
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017 (Có đáp án)
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương năm học 2017 - 2018
SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH ĐỀ CHÍNH THỨC SBD.................... | KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2016 - 2017 Khóa ngày 08/6/2016 Môn: Ngữ văn (Chuyên) Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề) |
Câu 1: (2,0 điểm)
Nêu ngắn gọn ý nghĩa nhan đề tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
Câu 2: (3,0 điểm)
Trong buổi con chia tay với mái trường thân yêu, người mẹ đã nói với con như sau:
"En-ri-cô ơi! Trường học ví như người mẹ, người mẹ đã dứt con ở tay ta khi con nói chưa sõi để trả lại ta một đứa con khỏe mạnh, tử tế và siêng năng. [...] Mai sau con nên người, con sẽ du lịch trong thế giới, con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những lâu đài nguy nga, nhưng con phải luôn luôn nhớ đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh vì đấy là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nảy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in vào kí ức cho đến lúc tàn hơi thở cũng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng cái nhà cũ kĩ mà nơi đấy mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con".
(Ét-môn-đô Đơ A-mi-xi, Những tấm lòng cao cả)
Viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 300 từ) trình bày suy nghĩ của em về lời nhắn nhủ của người mẹ trong đoạn văn trên.
Câu 3: (5,0 điểm)
Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
...................Hết ................
Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn
A. HƯỚNG DẪN CHUNG
- Trên cơ sở các mức điểm đã định, giám khảo căn cứ vào nội dung trình bày và kĩ năng diễn đạt của học sinh để cho điểm tối đa hoặc thấp hơn.
- Chỉ cho điểm tối đa khi học sinh đáp ứng tốt các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
- Khuyến khích những bài thể hiện sự sáng tạo mà hợp lý trong cảm nhận và lập luận.
- Điểm toàn bài tính đến 0,25.
B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Câu 1 (2,0 đ)
- Nhan đề tác phẩm được gợi lên từ một hình ảnh xuất hiện thoáng qua trong kí ức của Phương Định trong lần bất chợt gặp cơn mưa đá, gợi nhớ đến vẻ đẹp thơ mộng, êm đềm của kí ức tuổi thơ, về thành phố thân yêu.
- Là hình ảnh đầy chất thơ gợi lên vẻ đẹp tâm hồn trẻ trung, mơ mộng, nhạy cảm của Phương Định.
- Gợi sức liên tưởng cho người đọc về vẻ đẹp của những cô gái trong truyện, họ đẹp như những ngôi sao xa xôi, ẩn hiện, vượt thoát lên những khói lửa đạn bom để mãi lung linh trên bầu trời...
Câu 2 (3,0 đ)
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách viết một bài văn nghị luận xã hội ngắn; bố cục hợp lý; lập luận, chứng minh thuyết phục; đảm bảo độ dài theo yêu cầu.
b. Yêu cầu về kiến thức: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
- Rút ra được lời nhắn nhủ của người mẹ đối với con: hãy suốt đời biết ơn ngôi trường của mình.
- Trình bày những cảm nhận của mình về lời nhắn nhủ của người mẹ:
- Là lời khẳng định đúng đắn về vai trò của nhà trường.
- [Mái trường là nơi dưỡng dục con thành người khỏe mạnh, tử tế và siêng năng; là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nảy nở...]
- Là lời dạy con tinh tế, sâu sắc.
- [Diễn đạt ý bằng những hình ảnh so sánh gần gũi (mái trường được ví như người mẹ...); không áp đặt mà bày tỏ sự tin tưởng vào con, khuyến khích động viên con (mẹ tin rằng...); ...]
- Rút ra bài học nhận thức và hành động.
- [Tri ân thầy cô giáo, không quên trường cũ, không quên công lao của những người nuôi nấng dạy dỗ mình, không quên nguồn cội...]
- Mở rộng, liên hệ thực tiễn:
- [Lời nhắn nhủ của người mẹ gợi nhắc ta nhớ tới đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc Việt Nam...]
Lưu ý: Phần trong [...] chỉ mang tính gợi ý, không bắt buộc học sinh diễn đạt tương tự...
Câu 3 (5,0 đ)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học.
- Bố cục, kết cấu rõ ràng, hợp lý; hình thành và khai triển ý tốt.
- Diễn đạt suôn sẻ, mắc ít lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể diễn đạt, trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
a. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.
b. Triển khai các luận điểm cụ thể:
- Vẻ đẹp của thiên nhiên: Thiên nhiên vừa bao la, bát ngát, hùng vĩ, vừa huyền ảo thơ mộng; thiên nhiên giàu có, hào phóng; thiên nhiên tràn đầy sức sống, ấm áp, gần gũi;...
- [Tập trung phân tích: cảnh biển vào đêm, lúc bình minh, những hình ảnh đẹp lộng lẫy và rực rỡ của các loài cá ...]
- Vẻ đẹp của con người: Con người làm chủ cuộc đời, làm chủ biển trời quê hương, miệt mài, hăng say, hào hứng và chan chứa niềm tin tưởng lạc quan trong lao động.
- [Tập trung phân tích: cảnh ra khơi, cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển, ...]
- Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người: Thiên nhiên làm nền cho con người hiện lên khỏe khoắn, hùng tráng, mang tầm vóc vũ trụ...; con người coi thiên nhiên như người mẹ vĩ đại nuôi dưỡng mình; con người hòa nhập với thiên nhiên, vũ trụ.
- Vẻ đẹp thiên nhiên và người lao động trong bài thơ được tác giả vẽ nên bằng bút pháp lãng mạn, sức tưởng tượng phong phú, hình ảnh thơ tráng lệ, giọng điệu thơ sôi nổi, khỏe khoắn, cách gieo vần linh hoạt...
c. Đánh giá ý nghĩa của vấn đề, liên hệ mở rộng.
[Qua đó, ta thấy được tình yêu, sự hòa nhập của tác giả đối với thiên nhiên, đất nước. Bài thơ củng cố trong lòng các thế hệ bạn đọc niềm tự hào, trân trọng về sự giàu có của thiên nhiên và vẻ đẹp của người lao động Việt Nam...]
Lưu ý:
- Phần trong [...] chỉ mang tính gợi ý, không bắt buộc học sinh diễn đạt tương tự.
- Đối với những bài nghiêng về phân tích, cảm nhận bài thơ, toàn câu không cho quá 2,5 điểm.
- Đối với những bài có liên hệ mở rộng đến thực tiễn về biển Việt Nam với suy nghĩ đúng đắn, giám khảo có thể cho điểm khuyến khích nhưng không quá 0,5 điểm.