Dàn ý phân tích bài thơ Chiều xuân (3 Mẫu) Chiều xuân của Anh Thơ

Dàn ý phân tích bài thơ Chiều xuân của Anh Thơ tổng hợp 3 mẫu dàn ý chi tiết đầy đủ, dễ hiểu nhất. Qua dàn ý Chiều xuân các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập, nhanh chóng nắm được các luận điểm luận cứ để biết cách phân bổ thời gian viết văn hay đầy đủ các ý.

Chiều xuân được in trong tập Bức tranh quê là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Anh Thơ. Bài thơ chỉ có 3 khổ thơ, mỗi khổ là một bức tranh xuân hợp lại, tạo nên cảnh xuân buổi chiều êm ả, bình yên và tĩnh lặng. Vậy sau đây là 3 dàn ý phân tích Chiều xuân hay nhất mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

Lập dàn ý phân tích Chiều xuân

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm:

  • Anh Thơ (1921 - 2005) là một nữ thi sĩ tiêu biểu của phong trào thơ Việt Nam hiện đại với những tác phẩm thơ thiên về tả cảnh bình dị quen thuộc.
  • Chiều xuân trích từ tập thơ đầu tay “Bức tranh quê” in năm 1941.

2. Thân bài

a) Luận điểm 1: Bức tranh chiều xuân

* Bến vắng chiều xuân (Khổ 1)

"Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"

- "mưa bụi, con đò, nước sông trôi, quán tranh vắng, hoa xoan tím,…"

-> Những hình ảnh quen thuộc đặc trưng cho miền quê Việt Nam: bến đò vắng khách, con đò nằm yên một chỗ, quán nhỏ, cây xoan đầy hoa tím...

=> Cảnh đẹp, êm ả, yên bình nhưng gợn buồn.

- "Êm êm": từ láy gợi tả hình ảnh những giọt mưa rơi nhẹ điểm xuyết cho khung cảnh, không ồn ào, vội vã hay nặng hạt mà có chút gì đó như chầm chậm theo từng khoảnh khắc thời gian.

- "êm êm, biếng lười, im lìm, tơi bời"… : gợi tả sự vắng lặng của chiều quê.

=> Cuộc sống yên tĩnh có phần ngưng đọng: chiều mưa lạnh, bến sông ven làng tiêu điều, vắng vẻ; một bức tranh dường như thiếu sắc màu và ánh sáng.

* Đường đê chiều xuân (Khổ 2)

Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa

- "cỏ non tràn biếc cỏ, đàn sáo, cánh bướm, trâu bò,..." -> những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân đồng bằng Bắc Bộ

- "sà xuống mổ vu vơ, rập rờn, thong thả..." -> Từ ngữ diễn tả hoạt động

-> Bức tranh có sự chuyển đổi từ gam màu buồn sang sự sống, gam màu xanh "biếc" của cỏ, từ tĩnh sang động

=> Cảnh vật thân thương và bình yên quá đỗi, độc đáo và nên thơ, cảnh quen thuộc trở nên mới mẻ, sinh động, làm vơi đi nỗi cô đơn của bến vắng.

b) Luận điểm 2: Không khí và nhịp sống thôn quê (Khổ 3)

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

- “Xanh rờn”: màu xanh nhẹ nhàng đầy sức sống của mùa xuân

- "cô nàng, yếm thắm": Cảnh sắc bớt vắng vẻ và trở nên ấm áp hơn.

- "cúi, cuốc, cào, chốc chốc vụt qua" -> Câu thơ tả động để nói đến cái tình, và nhấn mạnh nhịp sống bình yên của làng quê.

=> Nhịp sống khoan thai nơi đồng quê.

- “sắp ra hoa” -> Niềm tin của con người vào một tương lai tươi sáng.

* Không khí thơ mộng, êm đềm, tĩnh lặng thể hiện qua:

- Hình ảnh dân dã, hài hòa, êm dịu trong tổng thể bức tranh làng quê thanh bình.

- Từ ngữ gợi hình, gợi cảm: sử dụng hiệu quả biện pháp nhân hóa (đò biếng lười, quán tranh đứng im lìm…), cách diễn đạt độc đáo (cúi ăn mưa, cỏ non tràn biếc cỏ)…

- Bút pháp lấy động tả tĩnh: cái giật mình của cô gái khi đàn cò vụt bay ra.

* Nhịp sống nhẹ nhàng, chậm rãi, khoan thai thể hiện qua:

- Hệ thống từ láy gợi cảm diễn tả trạng thái nhẹ nhàng, êm đềm của đối tượng.

- Thiên nhiên và con người được miêu tả trong nhịp điệu chậm rãi, khoan thai.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của bài thơ:

  • Nội dung: Vẻ đẹp chiều xuân bình dị, đơn sơ mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, tình yêu làng quê, đất nước sâu sắc và thiết tha.
  • Nghệ thuật: Từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm, sử dụng nhiều từ láy; thủ pháp lấy cái động để nói cái tĩnh.

- Cảm nhận đánh giá của em về bài thơ.

Dàn ý phân tích Chiều xuân ngắn gọn

1. Mở bài:

  • Khái quát chung về tác giả Anh Thơ và bài thơ Chiều xuân
  • Nêu khái quát cảm nhận chung về nội dung, nghệ thuật của bài thơ Chiều xuân.

2. Thân bài: Triển khai hệ thống các luận điểm đã xây dựng.

  • Cảm nhận khung cảnh bến vắng chiều xuân: mưa lạnh, tiêu điều, vắng vẻ, thiếu sắc màu và ánh sáng
  • Cảm nhận đường đê chiều xuân: có sự chuyển đổi từ tĩnh sang động, từ gam màu buồn sang gam màu xanh "biếc" của cỏ, của sự sống. Cảnh vật vô cùng thân thương và bình yên, độc đáo, nên thơ, làm vơi đi nỗi cô đơn của bến vắng.
  • Cảm nhận cuộc sống con người chiều xuân: Nhịp sống nơi đồng quê khoan thai; niềm tin của con người vào một tương lai tươi sáng.

3. Kết bài: Nêu đánh giá, cảm nhận riêng của em về bài thơ.

Dàn ý Phân tích bài thơ Chiều xuân

1. Mở bài

Bài thơ “Chiều xuân” trích trong tập thơ “Bức tranh quê” là một thi phẩm đầy yên bình và dịu ngọt vị xuân quê nhà.

2. Thân bài

  • Làn mưa bụi bay bay “êm êm” trong cơn gió nhẹ.
  • Con đò dường như cũng mệt mỏi, đành cho phép bản thân “biếng lười” đôi chút, thả mình dưới dòng nước mênh mang, mặc kệ sông kia có bồng bềnh sóng nhỏ.
  • Quán tranh những ngày sớm mai vốn đông vui thì khi ngày gần tàn lại đầy im ắng, lặng lẽ, cô đơn.
  • Cánh hoa xoan tím rụng “tơi bời” theo làn gió xuân nhẹ nhàng, sắc tím nhạt màu của cánh hoa càng làm tăng thêm vẻ hoang hoải nơi cảnh vật.
  • Triền đê xanh biếc cỏ non cùng đàn sáo mổ vu vơ gợi khung cảnh đầy thanh bình, êm ái
  • Những cánh cò trắng trốn mình nơi những vạt lúa xanh, “chốc chốc” bay ra tận hưởng khí trời xuân tuyệt diệu.
  • Hình ảnh cô nàng yếm thắm cần mẫn với công việc đầy đẹp đẽ, nên thơ.

3. Kết bài

Chiều xuân của Anh Thơ là một bản nhạc đầy thương yêu và tự hào dành cho quê hương mà thi sĩ gửi đến cho chúng ta, bồi đắp và nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người những tình cảm đẹp đẽ cho cảnh vật bình dị của làng quê Việt.

Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Xem thêm
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm