Truyện Công chúa ngủ trong rừng (Có file nghe MP3) Truyện cổ tích Công chúa ngủ trong rừng
Công chúa ngủ trong rừng là một câu truyện cổ tích vô cùng nổi tiếng trên thế giới và được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích hiện nay.
Để biết được nội dung của câu chuyện này như thế nào? Sau đây chúng tôi xin mời các bạn cùng lắng nghe và đọc truyện cổ tích Công chúa ngủ trong rừng.
Nghe truyện Công chúa ngủ trong rừng:
Truyện Công chúa ngủ trong rừng
Ngày xưa, có một ông vua và một bà hoàng hậu ngày nào cũng mong: "Ước gì mình có một đứa con nhỉ?." Nhưng ước hoài mà vua và hoàng hậu vẫn chưa có con.
Một hôm, khi hoàng hậu đang tắm thì có một con ếch ở dưới nước nhảy lên bờ nói với bà:
- Điều bà mong ước bấy lâu sẽ thành sự thực. Hết năm nay bà sẽ sinh con gái.
Lời ếch tiên tri quả là đúng. Hoàng hậu sinh con gái đẹp tuyệt trần. Vua thích lắm, mở hội lớn ăn mừng. Vua mời tất cả bà con họ hàng, bạn bè thân thuộc, người quen và mời cả các bà mụ đến để họ tận tâm săn sóc, thương yêu con mình.
Trong nước bấy giờ có mười ba bà mụ. Nhưng vua chỉ có mười hai đĩa vàng, do đó một bà mụ không được mời.
Hội hè linh đình. Lúc tiệc sắp tàn, các bà mụ đến niệm chú chúc mừng công chúa: Bà đầu chúc đức hạnh, bà thứ hai chúc sắc đẹp, bà thứ ba chúc giàu sang, phú quý… cứ như vậy các bà mụ chúc công chúa tất cả những điều tốt đẹp có thể mơ ước được ở trần gian. Bà thứ mười một vừa dứt lời chúc tụng thì bỗng bà mụ thứ mười ba xuất hiện. Bà muốn trả thù vì không được mời dự tiệc. Bà xăm xăm tiến tới chỗ công chúa chẳng thèm nhìn ai, chào ai. Bà hét lên:
- Đến năm mười lăm tuổi công chúa sẽ bị mũi quay sợi đâm phải rồi lăn ra chết!
Rồi chẳng thèm nói thêm nửa lời, bà đi ra khỏi phòng. Mọi người còn đang kinh hoàng thì bà mụ thứ mười hai bước ra. Bà tuy chưa niệm chú chúc tụng công chúa nhưng lời chúc của bà cũng không giải được lời chú độc địa kia, mà chỉ làm giảm nhẹ được thôi. Bà nói:
- Công chúa sẽ không chết, mà chỉ ngủ một giấc dài trăm năm.
Nhà vua muốn tránh cho con khỏi bị nạn nên ra lệnh cấm kéo sợi trong cả nước. Tất cả những lời chúc của các bà mụ đều thành sự thực: công chúa xinh đẹp, đức hạnh, thùy mị, thông minh, ai thấy cũng phải yêu.
Chuyện xảy ra đúng lúc công chúa tròn mười lăm tuổi. Hôm ấy, vua và hoàng hậu đi vắng, công chúa ở nhà một mình, nàng đi lang thang khắp cung điện, tạt vào xem tất cả các buồng và các phòng. Sau cùng nàng tới một chiếc cầu thang, nàng trèo lên từng bậc thang xoáy ốc chật hẹp và dừng chân trước một chiếc cửa nhỏ. Ổ khóa có cắm một chiếc chìa đã rỉ, nàng cầm chìa quay thì cửa mở tung ra. Trong buồng có một bà già đang ngồi chăm chú kéo sợi. Nàng hỏi:
- Cháu xin chào bà, bà làm gì vậy?
Bà lão gật đầu đáp:
- Bà đang kéo sợi.
Khi nàng vừa mới sờ vào và bắt đầu kéo sợi thì lời chú của bà mụ thứ mười ba hiệu nghiệm: nàng bị mũi quay đâm vào tay. Nàng ngã ngay xuống chiếc giường ở cạnh đó và ngủ thiếp đi. Cùng lúc, cả cung điện cũng rơi vào một giấc ngủ triền miên. Vua và hoàng hậu vừa về, mới bước chân vào buồng đã nhắm mắt ngủ luôn. Cả triều đình cũng lăn ra ngủ. Ngựa trong chuồng, chó ngoài sân, bồ câu trên mái nhà, ruồi đậu trên tường, tất cả đều ngủ. Cả ngọn lửa bếp đang chập chờn cũng đứng lặng. Thịt quay cũng ngừng xèo xèo. Bác đầu bếp đang đuổi và túm tóc chú phụ bếp đãng trí, bỗng nhiên cũng ngủ luôn. Gió ngừng thổi. Cây trước lâu đài không một chiếc lá rụng.
Quanh lâu đài, bụi hồng gai mọc mỗi ngày một rậm, phủ kín cả lâu đài, chẳng còn nhìn thấy gì nữa, cả đến lá cờ trên mái cũng không thấy. Rồi ở trong đất nước ấy, nhân dân truyền tụng lại là có một bông hồng xinh đẹp đang ngủ triền miên. Người ta gọi công chúa là công chúa Hồng Hoa. Thỉnh thoảng cũng có một vài hoàng tử nghe kể về câu chuyện truyền thuyết ấy đã chui vào bụi hồng gai tìm cách vào lâu đài, nhưng bụi gai như có tay giữ chặt họ lại, khiến họ bị mắc kẹt.
Cứ thế năm tháng trôi qua. Một ngày kia lại có một hoàng tử tới nước này. Chàng nghe một ông lão kể lại rằng sau bụi gai có một tòa lâu đài, ở đó có nàng công chúa Hồng Hoa ngủ triền miên đã được trăm năm. Vua, hoàng hậu và cả triều đình cũng đều ngủ cả. Ông lão còn bảo là theo lời tổ phụ kể lại thì đã có nhiều hoàng tử tìm cách chui qua bụi hồng gai nhưng đều bị mắc lại ở đó.
Nghe xong, hoàng tử nói:
- Con không sợ, con muốn tới đó để gặp nàng Hồng Hoa xinh đẹp.
Ông lão hết sức can ngăn, nhưng hoàng tử không nghe.
Hoàng tử đến gần bụi gai thì chỉ thấy toàn những bông hồng to tươi nở như đón chào và giãn lối để chàng đi khỏi bị xây xát. Vào tới sân lâu đài, chàng thấy ngựa và những con chó tam thể đang nằm ngủ. Trên mái nhà, chim bồ câu rúc đầu vào cánh lặng lẽ. Chàng vào cũng thấy ruồi đậu im trên tường, bác đầu bếp ngủ trong tư thế giơ tay như định tóm đầu chú phụ bếp. Còn cô hầu gái thiếp đi khi đang ngồi làm dở lông con gà đen. Chàng đi vào điện chính thấy cả triều đình đều ngủ. Trên ngai vàng vua và hoàng hậu cũng đang ngủ. Cảnh vật im lặng như tờ. Có thể nghe thấy rõ hơi thở của chàng. Tiếp tục đi, chàng tới trước một căn phòng, đó chính là căn phòng nơi công chúa Hồng Hoa ngủ. Chàng mở cửa bước vào thấy nàng đang nằm, dáng đẹp lộng lẫy. Chàng ngắm nhìn không rời mắt, rồi cúi xuống hôn nàng. Chàng vừa đụng môi thì công chúa Hồng Hoa bừng tỉnh. Nàng mở mắt nhìn chàng trìu mến. Hai người dắt tay nhau đi xuống lầu. Vua, rồi hoàng hậu và cả triều đình đều đã tỉnh dậy. Ngựa ngoài sân đứng lên quẫy mình, chó săn nhảy lên ngoe nguẩy đuôi, bồ câu trên mái nhà vươn cổ, ngóc đầu nhìn quanh rồi bay ra cánh đồng, ruồi bâu trên tường lại tiếp tục bò, lửa trong bếp lại bùng lên, chập chờn và đun thức ăn, thịt quay lại xèo xèo, bác đầu bếp cho chú phụ bếp một bạt tai làm hắn kêu toáng lên, cô hầu bếp làm nốt lông gà.
Lễ cưới của hoàng tử và công chúa Hồng Hoa được tổ chức linh đình. Hai vợ chồng sống trọn đời hạnh phúc.
Ý nghĩa câu chuyện Công chúa ngủ trong rừng
* Bài học về việc tránh mắc sai lầm
Số phận bị kịch của cô công chúa đầu tiên nằm ở việc nhà vua lại quên mời vị tiên thứ 13, điều này khiến bà tiên này căm hận vô cùng, dẫn tới việc ôm hận mà đưa ra những lời nguyền độc ác lên cô công chúa bé nhỏ. Bài học đặt ra là nếu nhà vua không mắc sai lầm nhỏ là quên mời bà tiên, thì những việc sau đó cũng không xảy ra. Con người dễ bị tác động bởi những tình cảm nhỏ nhất, dễ bị tha hóa hơn là cảm hóa, việc không được mời đến dự tiệc đã khiến cho bà tiên nghĩ rằng mình không quan trọng và sự tồn tại của mình là chướng ngại. Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để giữ cho mình không đi vào những vết xe đổ, con đường của cái ác. Vì vậy, trước khi trách bất cứ ai trở nên ác độc, ta phải tự nhìn nhận lại bản thân, xem đã đối xử với họ thật lòng chưa, đã quan tâm và đối đãi với họ thật tốt hay chưa. Đôi khi một sai lầm nhỏ thôi, có thể không cố ý những cũng đủ để khiến một người tổn thương và đẩy họ vào con đường sai trái.
Dẫu vậy, làm việc ác thì không thể được tha thứ, tuy nhiên ta cũng nên nhìn nhận mọi vấn đề dưới cái nhìn khách quan, đa chiều, không nên đổ lỗi cho bên nào, phải tự nhìn lại bản thân mình trước khi đưa ra nhận xét về người khác.
* Niềm tin bất diệt vào chiến thắng của cái thiện
Câu chuyện được kể phỏng theo một truyện cổ của Sác-lơ Pe-ro (Charles Perrault), nhà văn Pháp ở thế kỷ XVII (1628- 1730), nổi tiếng trên thế giới về tập “Truyện thần tiên” (Contes de fées) ông viết cho trẻ em.
Truyện nêu bật sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp đối với cái ác, cái xấu. Ở đây lòng nhân hậu của con người đã chiến thắng cái đố kị, dã man, mặc dù phải trải qua một thời gian rất dài, một giấc ngủ đến 100 năm của người đẹp ngủ trong rừng. Nàng đã được hưởng hạnh phúc xứng đáng sau giấc ngủ triền miên đó. Đây là ý nghĩa cơ bản và quan trọng nhất đối với truyện cổ tích. Bởi vì truyện cổ tích được viết ra để ca ngợi cái thiện, đả kích cái ác, cũng như bảo vệ và giúp cái thiện chiến thắng. Cô công chúa trải qua một giấc ngủ dài cuối cùng cũng sẽ dành được hạnh phúc. Cái ác nhất định sẽ bị trừng trị và cái đẹp sẽ lên ngôi. Những câu chuyện cổ tích thường có cái kết đẹp và hoàn mĩ, vì cổ tích là phương tiện truyền tải ước mơ về một xã hội tốt đẹp và công bằng của chính tác giả.
* Ca ngợi tình yêu chân thành
Công chúa chỉ có thể được đánh thức bằng một nụ hôn, và đó phải là nụ hôn từ một tình yêu chân thành, thì công chúa mới có thể thức dậy. Điều này đã chứng tỏ, sức mạnh của một lời nguyền vô cùng lớn nhưng cũng không thể chiến thắng bởi tình yêu chân thành dành cho công chúa. Đây là mô típ thường gặp trong các tác phẩm cổ tích, thể hiện niềm tin của tác giả vào sức mạnh của tình yêu, thứ mà họ tin có thể chiến thắng mọi cái ác. Tình tiết này khá lãng mạn, nhưng cũng không hẳn là không đúng, bởi quả thật, tình yêu có sức mạnh vô cùng to lớn mà không phải ai cũng hiểu được nó.
Truyện cổ tích dễ nghe, dễ hiểu, nhưng không nông cạn. Tìm hiểu những thông điệp của nó sẽ giúp ta phát triển tri thức hơn, cũng như vẻ đẹp tâm hồn của mỗi người.