Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh quy trình làm bánh trung thu Những bài văn hay lớp 11

Thuyết minh quy trình làm bánh trung thu tổng hợp gợi ý cách viết kèm theo 2 bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 11 có thêm nhiều tư liệu học tập, tham khảo củng cố kiến thức để biết cách viết bài văn thuyết minh hay.

Thuyết minh quy trình làm bánh trung thu là kiểu bài thông tin tổng hợp, sử dụng kết hợp nhiều yếu tố, phương tiện để miêu tả, giải thích làm rõ đặc điểm của quy trình làm bánh trung thu. Bánh trung thu là một biểu tượng của nền ẩm thực Việt Nam và mang trong mình sự kỳ công và tinh hoa văn hóa của quốc gia này. Vậy sau đây là 2 bài văn thuyết minh quy trình làm bánh trung thu hay nhất mời các bạn cùng theo dõi.

Dàn ý thuyết minh quy trình làm bánh trung thu

1. Mở bài

Giới thiệu quy trình/ đối tượng và lí do cần thuyết minh.

2. Thân bài

a. Trình bày tổng quan về đối tượng cần thuyết minh

- Lịch sử ra đời của bánh trung thu:

Bánh trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc và được du nhập sang Việt Nam và các quốc gia khác.

- Sự phổ biến của bánh trung thu trong đời sống:

  • Bánh trung thu gắn liền với Tết Trung thu tại Việt Nam. Đây không chỉ là tết đoàn viên mà còn là dịp tết để trẻ em vui chơi, phá cỗ.
  • Bánh trung thu xuất hiện rất nhiều trong đời sống người Việt, được bày bán rộng rãi ngay cả những ngày bình thường.
  • Bánh trung thu được người Việt sáng tạo thêm, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa.

b. Trình bày đặc điểm cụ thể của đối tượng hoặc các bước/công đoạn của một quy trình:

- Nguyên liệu làm bánh trung thu gồm các nguyên liệu để làm vỏ bánh và nhân bánh, tùy theo từng loại.

- Các bước làm bánh: được chia làm hai phần là làm vỏ bánh và nhân bánh.

- Yêu cầu thành phẩm:

  • Vỏ bánh không quá dày hoặc quá mỏng
  • Phần nhân mềm mịn vừa phải.
  • Bánh có vị ngọt thanh tao.

c. Bày tỏ các nhận xét, đánh giá về đối tượng/quy trình vừa thuyết minh:

- Nêu ý nghĩa của bánh trung thu trong đời sống văn hóa người Việt:

  • Bánh trung thu góp phần làm phong phú ẩm thực và văn hóa Việt Nam.
  • Bánh trung thu gợi nhắc con người về ý nghĩa của tình thân, gia đình.

- Đề xuất các phương pháp để quảng bá bánh trung thu của người Việt.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị/vai trò của bánh trung thu.

Thuyết minh về quy trình làm bánh trung thu

Nhắc đến Tết Trung thu, ngoài ánh sáng lấp lánh của đèn ông sao hay câu chuyện cổ tích về cung trăng có chị Hằng, người ta còn nhớ ngay đến hương vị ngọt ngào của những chiếc bánh trung thu. Thế nhưng, ít ai biết được, quá trình làm ra những chiếc bánh trang nhã ấy lại vô cùng công phu. Bánh nhân đậu xanh chính là một trong số những loại bánh trung thu được yêu thích nhất.

Bánh trung thu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Hoa với tên gọi “Nguyệt Bính” có nghĩa là “bánh mặt trăng”. Dịp Tết Trung thu còn được coi là tết đoàn viên, mọi người gia đình quây quần đoàn tụ nên loại bánh được dùng vào dịp này cũng phải có hình tròn như trăng sáng tượng trưng cho hạnh phúc đủ đầy, viên mãn. Với ý nghĩa cao đẹp như vậy nên về sau, Tết Trung thu và bánh trung thu đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam. Ở Việt Nam, bánh trung thu gắn liền với sự tích về chị Hằng và chú Cuội nên còn là ngày tết của thiếu nhi. Đã thành thông lệ, người lớn thường chuẩn bị những mâm cỗ với đầy đủ bánh trung thu, hoa quả, đèn ông sao để trẻ em tham gia “phá cỗ” đêm rằm.

Bánh trung thu truyền thống của Trung Hoa có hình tròn nhưng khi lưu truyền sang Việt Nam, bánh có thêm hình vuông đẹp mắt. Cũng như các loại bánh trung thu khác, bánh nhân đậu xanh cũng có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo nhưng bánh nướng thường phổ biến hơn. Trên mặt bánh thường được in hình hoa sen hoặc hoa văn rất tinh tế và thanh tao. Bánh trung thu có cách làm vô cùng phức tạp và kì công, đòi hỏi người đầu bếp phải có bàn tay cực kì khéo léo, tỉ mỉ. Nguyên liệu làm phần vỏ bánh gồm có: bột mì, nước đường, dầu ăn, lòng đỏ trứng gà, bơ đậu phộng. Nếu muốn những chiếc bánh của mình có màu đa dạng, người nấu có thể sử dụng thêm các loại bột rau củ tự nhiên hoặc màu thực phẩm để tạo màu sắc. Nguyên liệu làm phần nhân bánh gồm đậu xanh, đường cát, dầu ăn và bột bánh dẻo.

Công đoạn làm bánh trung thu được chia làm hai phần chính là làm vỏ bánh và làm nhân bánh. Thông thường, để tiết kiệm công sức và thời gian, người ta thường làm phần nhân bánh từ ngày hôm trước vì đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất khi làm bánh, thậm chí đòi hỏi người nấu phải có đôi tay thật chắc khỏe. Đậu xanh đã được rửa sạch và ngâm, nay cho vào nồi nấu đến khi chín. Để đậu sánh, ta cần xay nhuyễn đậu cùng đường cát. Tiếp đến, ta bắc chảo, cho đậu lên chảo sên cho đến khi sệt lại, đậu không còn dính vào chảo. Thời gian sên đậu có thể kéo dài từ một tiếng trở lên nên vô cùng vất vả. Ta cần đặc biệt cẩn trọng, sên liên tục để không bị cháy. Khi kiểm tra và thấy nhân đậu không bị dính tay, ta trộn thêm bột bánh dẻo vào. Đợi đến khi hỗn hợp nguội, ta cho nhân bánh ra khay và nặn thành từng viên tròn. Với phần vỏ bánh, ta trộn đều nước đường, dầu ăn, bơ đậu phộng và lòng đỏ trứng gà vào thau, chú ý không nhồi nguyên liệu. Sau đó, cho bột mì vào hỗn hợp trên và trộn đều và đậy kín lại để bột nghỉ trong khoảng ba mươi phút. Hết thời gian bột nghỉ, ta chia bột ra thành các phần bằng nhau, vo viên tròn rồi lần lượt cán bột. Lúc này đã đến công đoạn gói bánh. Người đầu bếp cẩn thận cho nhân vào giữa gói lại sao cho không khí không lọt vào bánh. Để bánh có vẻ ngoài hấp dẫn, ta có thể chuẩn bị những khuôn bánh với đa dạng các loại hoa văn khác nhau. Cho bánh vào khuôn, ấn xuống chờ khoảng vài giây rồi thả ra. Cuối cùng, ta xếp bánh lên khay có lót giấy nến và đưa vào lò nướng ở nhiệt độ thích hợp.

Một chiếc bánh trung thu hoàn hảo, truyền tải được thông điệp về hạnh phúc vẹn toàn sẽ là chiếc bánh có sự cân xứng giữa vỏ bánh và nhân bánh. Vỏ bánh không quá dày hoặc quá mỏng, bao bọc lấy phần nhân mềm mịn vừa phải. Bánh có vị ngọt thanh tao.Ăn bánh, uống trà, ngắm hoa và thưởng trăng chính là thú vui của tao nhân mặc khách thời xưa.

Bánh trung thu không chỉ là một món ăn mà còn là trở thành một nét văn hóa đẹp. Thấy bánh trung thu là thấy hương vị của quê hương, gợi nhắc chúng ta về gia đình cùng những người thân yêu. Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế và công nghệ, bánh trung thu ngày càng được bày bán rộng rãi. Bánh có nhiều hương vị mới cùng hình thức đa dạng, thu hút thực khách trong và ngoài nước.

Mỗi một món ăn đều mang trong mình những giá trị riêng. Con người và đất nước Việt Nam đã gửi gắm vào những chiếc bánh vuông, bánh tròn ấy tấm lòng thơm thảo, sự tài hoa, cần mẫn. Bánh trung thu thực sự thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.

Thuyết minh quy trình làm bánh trung thu

Tết Trung thu, phải nói đến chiếc bánh nướng, bánh dẻo kì diệu, cũng giống như chiếc bánh chưng trong những ngày Tết Nguyên Đán và quy trình làm ra chiếc bánh Trung thu cũng thật đáng chú ý.

Bánh dẻo có hai phần: Phần áo và phần nhân. Áo bánh phải chọn gạo nếp vàng, vùng Trôi hoặc vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Gạo được rang rồi xay, hoặc giã nhỏ mịn, nhào với nước đường thắng ngan ngát một mùi hương bưởi. Tất cả những công đoạn kể trên đều phải do một bàn tay thợ có “nghề” đã được “hạ sơn” đảm nhiệm. Người thợ không được sai sót một khâu nào. Sai một ly đi một dặm. Lúc ra khuôn, cái bánh hiện rõ những hoa văn chìm nổi của một bông hoa nở 8 cánh hoặc 10 cánh. Khuôn mặt áo bánh dẻo mịn, bánh ngọt đậm, thơm dịu. Phần nhân bánh nhất thiết phải do thợ cả quán xuyến với những khâu quan trọng đầy bí quyết nhà nghề như: rang vừng, ủ vừng, xử lí mứt bí khẩu, mứt sen, hạt dưa, hạnh nhân, ướp nhân, tạo hương cho nhân…

Nhân của bánh dẻo chay tịnh, nặng mùi hương đồng gió nội. Mãi về sau này, người ta mới phá cách cho thêm lạp sườn vào. Nhân bánh nướng được cải tiến với nhiều sáng kiến. Mỗi hiệu bánh đều muốn có phần độc đáo của mình. Vả lại bánh nướng là “em” của bánh dẻo. Nó sinh sau đẻ muộn, mới xuất hiện từ năm 1930 nên lắm trò hơn. Ngoài mứt bí, hạt dưa, nhân bánh nướng còn có thêm cả ruột quả trứng ở giữa hoặc thịt lợn quay, gà quay, lạp sườn…gọi là nhân thập cẩm… Bánh nướng cũng có loại nhân chay bằng đậu xanh mịn, dừa sợi, hạt sen.

Bánh dẻo trắng trong, bánh nướng có màu vàng sẫm và vàng nhạt do chỗ nướng già, nướng non tạo ra, thường có đường kính chừng 7-8cm, chiều dày 2,5-3cm. Cứ 4 cái bánh được xếp chồng lên nhau là một cân. Ngoài giấy bọc có in nhãn hiệu đẹp và nhiều màu sắc. Đặc biệt là các hiệu người Hoa rất chú ý in nhãn hiệu thật nổi. Nhiều nhà còn đặt làm những chiếc bánh dẻo đặc biệt to bằng chiếc đĩa tây hoặc gần bằng cái mâm, trên có hình mặt trăng tròn, lưỡng long tranh châu, song phượng…

Nghĩa là người thợ làm cả cái việc tạo hình trên chiếc bánh. Bánh dẻo, bánh nướng Trung thu nói lên cái tài hoa của người thợ. Ngay cả ở các hiệu lớn của người Hoa trước đây, thợ Việt Nam cũng chiếm 70-90%. Hằng năm, cứ đến gần Tết Trung thu là các hiệu lại rộn rã cho người về các vùng lân cận, đón các phường thợ làm bánh nổi tiếng ra Hà Nội vào mùa. Các chủ hiệu ưu ái họ lắm, mỗi người được chủ hiệu phát một áo choàng trắng, mũ trắng và một đôi guốc mộc. Các cửa hàng lấy làm hãnh diện đã mời được ông Toán làng Bưởi, các ông Ba Thiện xã Cào ở tỉnh Sờn, ông Quế Xuân Tảo Sở, hoặc ông Lý Bắc Ninh.

Sự thật đã có một thời vẻ vang, các hiệu bánh Tùng Hiên, Tràng Thái, Ngọc Anh, Cự Hương, Việt Hương… đã nổi danh xa gần ai cũng biết tiếng. Bánh của họ đủ sức cạnh tranh với các hiệu người Hoa như Tây Nam, Mỹ Kinh. Từ kẻ chợ đến vùng quê, nhân dân các tỉnh khác không bao giờ quên, sản phẩm của họ với cái “tạng”, cái “gu” Việt Nam. Có điều, các hiệu của người Hoa chú ý nhiều đến bao bì, quảng cáo hơn. Họ tiếp khách niềm nở với đủ những chi tiết tế nhị và tỉ mỉ.

Tết Trung thu, nhà nào cũng phải có bánh dẻo. Người nghèo cũng cố mua cho con cái một vài cái bánh dẻo. Không có bánh dẻo tức là không có Tết. Người ta làm quà cho ân nhân, khách quý, bạn thân…bằng bánh Trung thu. Chiếc bánh dẻo tròn, gợi hình mặt trăng thể hiện sự tròn đầy, viên mãn.

Vào những năm 1989 – 1990, những chiếc bánh Trung thu từng tham dự các Hội chợ quốc tế ở đức và Bun-ga-ri, gây sự chú ý đặc biệt và được tặng Huy chương độc đáo. Chúng mang mùi vị, thanh sắc Việt Nam, kèm theo cái nghệ thuật thưởng thức miếng ngon tinh tế, thanh nhã. Nó cũng là biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Chiếc bánh Trung thu sẽ trường tồn. Chúng ta mong sao có thêm nhiều người thợ tài hoa kế tục nghệ thuật làm bánh Trung thu truyền thống, không những cho mọi người mà còn cho khách nước ngoài thưởng thức mỗi khi đến với mùa Tết Trung thu.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm