Thông tư 21/2019/TT-BYT Quy định văn bằng chuyên môn của người hoạt động y học gia đình
Từ ngày 05/10/2019, Thông tư 21/2019/TT-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 21/08/2019 chính thức có hiệu lực.
Theo đó, quy định về văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo y học gia đình như sau:
- Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và đã thực hiện hoạt động KCB y học trước ngày 15/10/2019 thì tiếp tục được hoạt động và phải cập nhật kiến thức về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.
- Bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề KCB được KCB y học gia đình ngay sau khi đáp ứng một trong các trường hợp sau: Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình; Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng; Có giấy chứng nhận theo từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 03 tháng.
- Bác sĩ y học dự phòng đã được cấp chứng chỉ hành nghề trước và sau ngày 15/10/2019 và có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng được tham gia KCB y học gia đình tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2019/TT-BYT | Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2019 |
THÔNG TƯ 21/2019/TT-BYT
HƯỚNG DẪN THÍ ĐIỂM VỀ HOẠT ĐỘNG Y HỌC GIA ĐÌNH
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn thí điểm về:
a) Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở y học gia đình sau đây:
- Trạm y tế xã, phường, thị trấn; bệnh xá; trạm y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức (sau đây viết tắt là trạm y tế);
- Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa tư nhân;
- Phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám chuyên khoa thuộc trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám quân dân y;
- Khoa khám bệnh thuộc bệnh viện quận, huyện hoặc trung tâm y tế quận, huyện hoặc bệnh viện của trường đại học y.
b) Nhiệm vụ của bác sĩ gia đình;
c) Văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình.
2. Các nội dung không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Điều 2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y học gia đình
1. Vị trí, chức năng:
Cơ sở y học gia đình là cơ sở đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình.
2. Nhiệm vụ:
a) Quản lý sức khỏe cộng đồng:
- Lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân theo Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu;
- Quản lý, chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình theo phân công của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Sở Y tế).
b) Tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh:
- Tư vấn về dinh dưỡng, hoạt động thể lực, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và các yếu tố nguy cơ khác đối với sức khỏe, tư vấn về khám bệnh, chữa bệnh cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng;
- Truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe;
- Hướng dẫn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm;
- Tham gia giám sát, phát hiện sớm, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng;
- Tiêm chủng;
- Phòng chống các bệnh không lây nhiễm: ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
c) Thực hiện các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời; các chương trình mục tiêu y tế dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, dân số - kế hoạch hóa gia đình, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại.
d) Khám bệnh, chữa bệnh:
- Sơ cứu, cấp cứu;
- Khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật, đặc biệt các bệnh dịch;
- Bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm;
- Chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà đối với người bệnh theo danh mục quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
- Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trong:
+ Các gói dịch vụ y tế cơ bản quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế;
+ Danh mục kỹ thuật của tuyến 3, tuyến 4 quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, danh mục kỹ thuật;
+ Các kỹ thuật chuyên môn khác, ở tuyến cao hơn khi đủ điều kiện theo quy định.
Phạm vi hoạt động chuyên môn tối đa của cơ sở y học gia đình, bác sĩ gia đình bao gồm các dịch vụ, kỹ thuật quy định tại điểm này. Căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thực tế (chứng chỉ hành nghề, văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình của người hành nghề) của từng cơ sở y học gia đình, Bộ Y tế, Sở Y tế xác định phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật phù hợp đối với từng cơ sở y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ gia đình thuộc thẩm quyền quản lý.
đ) Chuyển người bệnh lên tuyến trên theo yêu cầu chuyên môn phù hợp; tiếp nhận người bệnh đã được điều trị ổn định từ tuyến trên chuyển về để tiếp tục điều trị theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/04/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
e) Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về y học gia đình; là cơ sở thực hành trong đào tạo chuyên ngành y học gia đình theo quy định của pháp luật.
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền quy định.
Điều 3. Nhiệm vụ của bác sĩ gia đình
Bác sĩ gia đình thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này theo phân công của người phụ trách chuyên môn của cơ sở y học gia đình.
Điều 4. Văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình
1. Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và đã thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được hoạt động và có trách nhiệm tham gia đào tạo lại, đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.
2. Bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình ngay sau khi đáp ứng một trong các trường hợp sau đây:
a) Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình;
b) Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng;
c) Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 3 tháng.
3. Bác sĩ y học dự phòng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực, có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng được tham gia khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (tuyến 4).
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.
2. Thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Điều 6. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Điều 7. Điều khoản chuyển tiếp
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động y học gia đình nhưng phải cập nhật để đáp ứng quy định về đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình của người hành nghề quy định tại Điều 4 Thông tư này trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối hướng dẫn, tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi cả nước.
2. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo làm đầu mối hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở đào tạo việc đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ chuyên môn về y học gia đình theo quy định của Thông tư này.
3. Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng, bổ sung, hướng dẫn thực hiện các quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình.
4. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi quản lý và định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Thông tư;
b) Căn cứ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, số lượng, năng lực chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình của địa phương, hằng năm giao, điều chỉnh số lượng quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho phù hợp.
5. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng Cục thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng y tế ngành và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT THỰC HIỆN TẠI NHÀ NGƯỜI BỆNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BYT, ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về y học gia đình)
TT | Tên kỹ thuật |
Cấp cứu | |
1 | Thổi ngạt |
2 | Ép tim ngoài lồng ngực |
3 | Cấp cứu ngừng tuần hoàn, hô hấp |
4 | Băng ép bất động sơ cứu rắn cắn |
5 | Cầm máu (vết thương chảy máu) |
6 | Băng bó vết thương |
7 | Chăm sóc vết thương (1 lần) |
8 | Cố định tạm thời người bệnh gãy xương |
9 | Cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng |
10 | Xoa bóp phòng chống loét |
11 | Dẫn lưu nước tiểu bàng quang |
12 | Vỗ rung lồng ngực |
13 | Kỹ thuật ho có điều khiển |
14 | Kỹ thuật tập thở cơ hoành |
15 | Phục hồi chức năng vận động, nói, nuốt cho người bệnh cấp cứu ≤ 8 giờ |
16 | Vận động trị liệu cho người bệnh bất động tại giường ≤ 8 giờ |
17 | Phòng ngừa và xử trí loét do đè ép |
18 | Nghiệm pháp đi bộ 6 phút |
19 | Đặt ống thông dạ dày |
20 | Thụt thuốc qua đường hậu môn |
21 | Thụt tháo phân |
22 | Giải stress cho người bệnh |
23 | Vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho người đau thần kinh tọa |
24 | Phục hồi chức năng cho người viêm khớp dạng thấp |
25 | Vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho người cao tuổi |
26 | Xoa bóp bấm huyệt điều trị cứng khớp chi dưới |
27 | Xoa bóp bấm huyệt điều trị đau đầu, đau nửa đầu |
28 | Xoa bóp bấm huyệt điều trị mất ngủ |
29 | Xoa bóp bấm huyệt điều trị stress |
30 | Chườm lạnh |
31 | Chườm ngải cứu |
32 | Tập vận động có trợ giúp |
33 | Xoa bóp tại giường bệnh cho người bệnh |
34 | Hướng dẫn người bệnh ra vào xe lăn |
35 | Sử dụng khung, nạng, gậy trong tập đi |
36 | Sử dụng xe lăn |
37 | Kỹ thuật thay đổi tư thế lăn trở khi nằm |
38 | Tập vận động chủ động |
39 | Tập vận động có kháng trở |
40 | Tập vận động thụ động |
41 | Đo tầm vận động khớp |
42 | Tập do cứng khớp |
43 | Tập với xe lăn |
44 | Ngâm rửa vết bỏng bằng nước mát sạch, băng ép trong sơ cấp cứu tổn thương bỏng kỳ đầu. |
45 | Xét nghiệm đường máu mao mạch |
46 | Thay băng trên người bệnh đái tháo đường |
47 | Hướng dẫn kỹ thuật tiêm Insulin |
48 | Khám bệnh |
49 | Lấy mẫu xét nghiệm (máu, nước tiểu, phân...) |
50 | Tiêm, truyền dịch trong các trường hợp cấp cứu, chống đau cho người bệnh ung thư |
51 | Thay băng, cắt chỉ |
Tổng số 51 kỹ thuật |