Nghị luận về mê tín dị đoan trong xã hội (Dàn ý + 9 Mẫu) Những bài văn hay lớp 11
Nghị luận về hiện tượng mê tín dị đoan trong xã hội gồm gợi ý cách viết kèm theo 9 bài văn mẫu siêu hay ấn tượng nhất. Qua đó gợi mở cho học sinh những ý mới, ý hay, ý đẹp khi làm văn, giúp cho các em có thêm vốn từ phong phú khi diễn đạt.
TOP 9 bài nghị luận về hiện tượng mê tín dị đoan mà Eballsviet.com đăng tải dưới đây sẽ giúp các em tự luyện tập và rèn luyện phong cách viết riêng cho mình. Hi vọng qua bài văn nghị luận về mê tín dị đoan giúp các em nhận thức được những điều mê tín dị đoan quá đà, tránh phạm phải. Ngoài ra các bạn xem thêm: nghị luận về ô nhiễm môi trường, nghị luận về sự đồng cảm và sẻ chia trong xã hội, nghị luận về vai trò của gia đình, nghị luận xã hội về thái độ sống tích cực.
Nghị luận về hiện tượng mê tín dị đoan hay nhất
- Dàn ý nghị luận về mê tín dị đoan
- Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 1
- Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 2
- Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 3
- Nghị luận mê tín dị đoan - Mẫu 4
- Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 5
- Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 6
- Nghị luận về mê tín dị đoan trong xã hội - Mẫu 7
- Nghị luận xã hội về mê tín dị đoan - Mẫu 8
- Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 9
Dàn ý nghị luận về mê tín dị đoan
1. Mở bài
- Văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, thờ tự là những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp và đặc sắc của dân tộc cần được lưu giữ và trân trọng.
- Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, những nét văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp ấy dần bị bóp méo, làm sai lệch, xấu xí bởi một bộ phận những con người thiếu hiểu biết, mê tín quá đà, điều này ta có thể thấy rõ ràng thông qua các lễ hội chùa chiền hằng năm.
2. Thân bài
*Giải thích về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, thờ tự của người Việt:
- Là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, nó chỉ dừng lại ở thái độ tôn kính, trân trọng các vị thần, phật nhằm đem lại cảm giác yên tâm, tin tưởng về một cuộc sống yên bình.
- Thể hiện tấm lòng thành kính với các bậc bề trên, các vị anh hùng, thể hiện vẻ đẹp trong nhân cách, tâm hồn người Việt Nam.
* Thực trạng mê tín quá đà ngày nay tại các lễ hội:
- Văn hóa tâm linh ở các lễ hội chùa chiền dần bị "biến dạng" làm xấu đi hình ảnh chốn linh thiêng, hủy hoại đi những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
- Điều đó xuất phát từ những hành động mê tín quá đà của một bộ phận những con người thiếu cả ý thức lẫn đạo đức, trở thành vấn nạn chung cho toàn xã hội, là vấn đề cần phải giải quyết và ngăn chặn cấp bách.
- Cho rằng cứ phải mâm cao cỗ đầy, rượu thịt các loại, hương khói nghi ngút mới là tỏ lòng thành kính.
- Lúc khấn vái thì ra điệu bộ thành kính nhưng toàn cầu những điều dung tục tầm thường, như mong được giàu có, được thuận lợi trong đường công danh,...
- Người người chen lấn xô đẩy, chỉ để tranh lộc, nhét tiền vào tay, chân Phật, xoa tiền vào chuông đồng, rồi thì tranh nhau rải tiền, rải gạo khắp nơi, để chốn liêng thiêng thành một nơi lộn xộn đầy rác thải.
- Cãi vã, xô xát, những tiếng chửi rủa, tục tĩu được vô tư phát ra ngay dưới mắt Phật mà họ không hề thấy xấu hổ, sám hối hay ngượng miệng.
- Vô tư cười đùa, xả rác, chơi bài, đánh bạc, viết vẽ bậy trong khuôn viên chùa.
- Bỏ công bỏ việc, bỏ nhà bỏ cửa chỉ để hối hả, chen lấn, lặn lội đến một ngôi chùa nào đó mà nghe nói là rất "thiêng", để tiếp tục cầu nguyện khấn vái cho lòng tham hư vinh, vật chất của mình.
* Bàn luận:
- Hành động mê tín quá đà như rải tiền, rải gạo, chen lấn xô đẩy dâng hương không đem lại của cải vật chất mà chỉ chứng minh lòng tham vô đáy của con người.
- Cuộc sống là một chuỗi những quy luật nhân quả và do chính bản thân chúng ta nắm bắt và quyết định.
- Sống lương thiện, chăm chỉ làm ăn thì ắt nhận được những đền đáp xứng đáng.
- Chăm chỉ chùa chiền lễ phật nhưng lười biếng, ăn ở thất đức thì ắt gặp quả báo, mạt vận.
* Liên hệ bản thân:
- Nhận thức được những điều mê tín dị đoan quá đà, tránh phạm phải
- Ra sức tuyên truyền cho bạn bè người thân cùng biết.
3. Kết bài
- Suy cho cùng, việc mê tín quá đà ở một bộ phận người dân đã gây ra những tác động tiêu cực trong nhận thức, làm xấu đi hình ảnh chốn liêng thiêng, là vấn nạn chung khó giải quyết của toàn xã hội.
- Là công dân Việt Nam, chúng ta cần cố gắng tu dưỡng đạo đức, học tập thật giỏi, có nhận thức đúng đắn về các hoạt động văn hóa tâm linh, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời ngăn chặn các hành động vô ý thức, xấu xí làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội, đất nước.
Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 1
Từ xa xưa đến nay, việc thờ tự cúng bái hay đi lễ chùa vào ngày lễ tết, ngày rằm đã trở thành một phong tục không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Đó vốn là những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp và đặc sắc của dân tộc cần được lưu giữ và trân trọng. Thế nhưng, cho đến ngày hôm nay, những nét văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp ấy dần bị bóp méo, làm sai lệch, xấu xí bởi một bộ phận những con người thiếu hiểu biết, mê tín quá đà, điều này ta có thể thấy rõ ràng thông qua các lễ hội chùa chiền hằng năm, nơi tụ tập nhiều du khách từ thập phương đổ về cúng bái, vãn cảnh.
Ông cha vẫn thường có câu "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", việc cúng bái tổ tiên, hay lễ lộc chùa chiền vào những ngày Tết nhất trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, nó chỉ dừng lại ở thái độ tôn kính, trân trọng các vị thần, Phật nhằm đem lại cảm giác yên tâm, tin tưởng về một cuộc sống yên bình, đồng thời thể hiện tấm lòng thành kính với các bậc bề trên, các vị anh hùng, thể hiện vẻ đẹp trong nhân cách, tâm hồn người Việt Nam. Đó là tấm lòng luôn hướng về Phật tổ, hướng về cái thiện, hướng về vẻ đẹp toàn diện chân - thiện - mỹ trong cuộc đời. Điều đó chẳng có gì đáng chê trách, bởi nó khiến cho cuộc sống và tâm hồn của con người trở nên đẹp đẽ, trong sáng và tích cực hơn cả.
Thế nhưng ngày nay, văn hóa tâm linh ở các lễ hội, chùa chiền dần bị "biến dạng" làm xấu đi hình ảnh chốn linh thiêng, hủy hoại đi những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Điều đó xuất phát từ những hành động mê tín quá đà của bộ phận những con người thiếu cả ý thức lẫn đạo đức, trở thành vấn nạn chung cho toàn xã hội, là vấn đề cần phải giải quyết và ngăn chặn cấp bách. Bởi văn hóa tâm linh, các lễ hội, chùa chiền là biểu hiện cho bộ mặt của cả dân tộc, một quốc gia có phát triển hay không người ta chỉ cần nhìn vào các hình ảnh từ các lễ hội ấy mà nhận xét là đã biết được vận khí của một đất nước. Đất nước có tiến bộ có văn minh, thì các lễ hội chùa chiền cũng sẽ nhộn nhịp, thể hiện sự sung túc, ấm no, nhưng không có nghĩa là ở nơi đó xuất hiện các hành vi quá khích, mê tín quá đà làm hỏng đi cái quang cảnh chốn linh thiêng, mà đó chính là biểu hiện của một xã hội, nơi mà con người đang đi xuống về cả đạo đức lẫn ý thức.
Người ta đi lễ chùa theo lẽ chỉ nên mang theo thẻ nhang, có lòng hơn thì là đĩa xôi với nải chuối xanh, ắt thể hiện tấm lòng thành là được, cũng chỉ cầu mong những điều đơn giản, thông thường như cầu sức khỏe, cầu bình an, để bình tâm lại trước cái gọi là số mệnh mà thôi. Thế nhưng, có một bộ phận không nhỏ những con người đã hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa của việc lễ chùa, họ cho rằng cứ phải mâm cao cỗ đầy, thịt thà các loại, hương khói nghi ngút mới là tỏ lòng thành kính. Lúc khấn vái thì toàn cầu những điều dung tục tầm thường, như mong được giàu có, được thuận lợi trong đường công danh, trong khi trong cuộc đời này làm gì có thứ gì tự nhiên mà có được, muốn có ắt phải lao động vất vả. Đáng buồn hơn khi người ta còn tin rằng việc nhét tiền vào tay chân tượng Phật hay rải tiền khắp nơi thì càng ứng nghiệm, Phật tổ sẽ phù hộ cho họ cầu được ước thấy. Điều đó đã dẫn tới một cảnh tượng hết sức dung tục và lộn xộn ngay giữa chốn liêng thiêng, khi mà người người chen lấn xô đẩy, chỉ để tranh lộc, nhét tiền và tay, chân Phật, xoa tiền vào chuông đồng, rồi thì tranh nhau rải tiền, rải gạo khắp nơi, để chốn liêng thiêng thành một nơi lộn xộn đầy rác thải, vừa lãng phí vừa làm ô nhiễm môi trường. Không những thế, giữa những cuộc chen lấn ấy ắt xảy ra các cuộc cãi vã do xô xát, những tiếng chửi rủa, tục tĩu được vô tư phát ra ngay dưới mắt Phật mà họ không hề thấy xấu hổ, sám hối hay ngượng miệng. Có người vừa mới chân trước dâng hương, thành kính cúng bái thì chân sau đã lập tức vô tư cười đùa, xả rác, chơi bài, đánh bạc, viết vẽ bậy trong khuôn viên chùa. Thật sự xấu xí, phản cảm vô cùng! Rồi thì vì quá mê tín, nhiều người bỏ công bỏ việc, bỏ nhà bỏ cửa chỉ để hối hả, chen lấn, lặn lội đến một ngôi chùa nào đó mà nghe nói là rất "thiêng", để tiếp tục cầu nguyện khấn vái cho lòng tham hư vinh, vật chất của mình. Tự hỏi từ lúc nào nhân dân ta lại quên mất cái truyền thống chăm chỉ, cần cù chịu khó của cha ông bao đời nay mà chỉ chăm chăm mong vào việc được thần phật phù hộ cho ăn không ngồi rồi mà vẫn vàng bạc đầy nhà?
Hỡi ôi những con người cuồng tín, Phật chẳng vì bạn rải tiền, rải gạo, hay dâng nhiều hương khói mà cho bạn được sống sung sướng, an nhàn, tiền bạc đầy nhà đâu, điều đó chỉ chứng tỏ cái lòng tham lam đang hiện hữu trong con người của bạn mà thôi. Cuộc sống là một chuỗi những quy luật nhân quả và do chính bản thân chúng ta nắm bắt, quyết định. Nếu chúng ta sống với một tâm hồn lương thiện, bao dung thì ắt sẽ nhận được những điều tốt đẹp và xứng đáng, chúng ta có chăm chỉ lao động, hết lòng phấn đấu thì cuộc sống mới có thể sung túc được. Những người ngày ngày ăn chay, niệm Phật, lễ hội ở chùa nào cũng đi, làm đủ mọi cách để khấn vái, cầu may mà lười lao động, ăn ở bất nhân bất nghĩa, thất đức thì cho dù là Phật cũng không thể bao dung được, họ đáng phải nhận những quả từ những cái nhân độc mà họ đã gieo trong suốt cuộc đời này.
Chúng ta cần sáng suốt nhận biết và phân biệt được giữa truyền thống tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc và những hành động mê tín quá đà. Là học sinh, chúng ta phải cố sức tránh phạm phải những điều trên đồng thời ra sức tuyên truyền cho người thân, bạn bè và những người trong xã hội hiểu được những việc làm mê tín quá đà là xấu xí, là mất đi vẻ linh thiêng nơi chùa chiền, làm xấu đi hình ảnh xã hội, đất nước, là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức và ý thức trong mỗi con người. Có những hành động quá khích như vậy là chính chúng ta đang tự bôi xấu bản thân, tự hạ thấp tư cách đạo đức và ý thức của bản thân, thể hiện ra cái mặt tham lam chứ không phải là tấm lòng thành kính trước thần, Phật, hướng đến những giá trị tâm linh tốt đẹp trong văn hóa dân tộc nữa.
Suy cho cùng, việc mê tín quá đà ở một bộ phận không nhỏ người dân đã gây ra những tác động tiêu cực trong nhận thức, làm xấu đi hình ảnh chốn liêng thiêng, là vấn nạn chung khó giải quyết của toàn xã hội vì mỗi năm nó lại diễn tiến khác đi. Là công dân Việt Nam, chúng ta cần cố gắng tu dưỡng đạo đức, học tập thật giỏi, có nhận thức đúng đắn về các hoạt động văn hóa tâm linh, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời ngăn chặn các hành động vô ý thức, xấu xí làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội, đất nước.
Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 2
Hiện nay, xã hội ngày càng văn minh hiện đại hơn, con người cũng ngày càng hiện đại theo thời gian. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người tin một cách thái quá vào thần thánh mê tín dị đoan.
Vậy mê tín dị đoan là gì mà khiến con người lại tin một cách thái quá như vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu. Đầu tiên, mê tín chính là tin một cách thái quá, mù quáng vào những điều thần bí, những điều thần thánh, ma quỷ, số mệnh,… mà không hề suy xét kĩ càng. Để những điều mê tín ấy ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Thứ hai, dị đoan. Dị đoan được hiểu là những điều không có thật, những điều hoang đường, quái lại. Như vậy, chúng ta có thể thấy, mê tín dị đoan tức là tin vào những điều không có thật, nhưng điều hoang đường trái với khoa học. Đây là những điều liên quan đến tâm linh của con người, ảnh hưởng đến tinh thần của con người. Nhiều người vì quá tin vào những điều mê tín dị đoan mà đã có những hành động sai trái, phạm pháp, phi văn hóa ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Ngày nay, khi mà xã hội ngày càng phát triển, nhiều vấn đề nảy sinh trong xã hội, có người giàu kẻ nghèo, thật- giả, đúng –sai, trắng đen lẫn lộn. Con người chính vì vậy, đôi khi không làm chủ được bản thân mà bước phải những con đường sai lầm. Thay vì cố gắng để phấn đấu thành công, đấu tranh chống lại cái xấu xa, đen tối, một số người lại trông đợi vào những điều không có thật trái với khoa học. Họ đi khắp các nơi cầu khấn, hi vọng các thế lực siêu nhiên có thể hiểu và đáp ứng nguyện vọng cho họ.
Vấn đề tâm linh không ai hiểu hết được và chưa được các nhà khoa học lí giải rõ được, ở nước ta nhiều người vẫn tin vào thần thánh. Ở một mức độ nào đó chúng ta vẫn thờ cúng tổ tiên, thành thánh để tâm ta thanh thản, tinh thần ổn định để phấn đấu làm việc làm những điều tốt đẹp thì cũng là tốt. Nhưng nhiều người quá tin, quá sùng bái những mê tín dị đoan những điều phi văn hóa là những việc làm không thể chấp nhận được. Họ mị mộng mị trong những điều không có thật, trông đợi những điều từ thế lực siêu nhiên mà không hề biết nỗ lực cố gắng, đấy lại là những người đáng phê phán.
Chúng ta có thể thấy rõ là trong cuộc sống nhiều ví dụ điển hình về việc quá tin vào thần thánh như là, trước ngày đi thi họ đi đến các đền thờ, chùa chiền khấn xin cầu bái, thay vì ngồi chăm chỉ học hành trang bị kiến thức đi thi. Đến khi thi, không làm được thì lại cho tại số phận đã an bài như vậy từ trước rồi. Hoặc nhiều người thái quá hơn thì lại đến các chùa chiền để ăn vạ, tại sao đã khấn xin như vậy mà đi thi vẫn trượt. Nói thì mọi người có thể thấy thật buồn cười nhưng đó đều là thật, những con người thật, những việc thật trong xã hội này vì quá mê tín dị đoan. Nhiều người vì quá tin sung vào những điều này, mà đã bỏ ra không ít tiền bạc vào mấy trò mê tín dị đoan.
Là những người vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải biết tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức, tuyên truyền bài trừ những mê tín dị đoan cho mọi người xung quanh. Chúng ta cần phải tin vào năng lực của bản thân chứ đừng trông chờ vào các thế lực siêu nhiên mà ta không thấy được.
Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 3
Tình trạng mê tín dị đoan vẫn đang diễn ra một cách rộng rãi hiện nay. Nguyên nhân chính của sự diễn ra này là do sự thiếu kiểm soát thông tin chính xác và đáng tin cậy trên internet cộng với tình trạng vô hiệu hóa giáo dục khoa học trong một số trường học.
Sự lan truyền của mê tín dị đoan được coi là rất nguy hại cho xã hội và cộng đồng vì nó có thể dẫn đến những hành động nguy hiểm và thậm chí dẫn đến tội phạm hoặc tai hại. Hơn nữa, sự lan truyền mê tín dị đoan còn có thể dẫn đến người ta sử dụng những sản phẩm không đáng tin cậy hoặc phương pháp điều trị không hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần giảm thiểu sự độc hại của thông tin mê tín dị đoan trên mạng, tăng cường kiểm soát và giết giải sai tin tức. Bên cạnh đó, các tổ chức và cơ quan cần cải thiện giáo dục khoa học, giúp mọi người hiểu rõ hơn về các hiện tượng và sự kiện khoa học, từ đó giúp giảm thiểu sự lan truyền của mê tín dị đoan. Cuối cùng, chúng ta cũng cần phải nâng cao nhận thức của bản thân và tìm kiếm thông tin chính xác trước khi quyết định tin hay không tin vào những thông tin có tính mê tín dị đoan.
Nghị luận mê tín dị đoan - Mẫu 4
Cuộc sống con người ngày càng trở nên văn minh, hiện đại. Thanh niên Việt Nam vẫn luôn ngày đêm miệt mài lao động học tập, chăm chỉ, chuyên cần để hướng đến những thành công trong cuộc sống. Thế nhưng, một trong những vấn đề rất đáng lo ngại chính là hiện tượng quá mê tín dị đoan, thay vì cố gắng tự lực lại đắm chìm vào những thần thánh phù hộ.
Các hình thức mê tín dị đoan đã xuất hiện từ xa xưa cho đến nay. Tuy con người đã cố gắng bài trừ, loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, thế nhưng vẫn có một số lượng lớn những người quá ham mê tin tưởng vào bói toán... Họ có một niềm tin mù quáng vào thần thánh, bói toán, dự đoán tương lai mà không có dựa vào một yếu tố cụ thể, khoa học nào khác. Dần dần, họ đánh mất đi sự sáng suốt của mình mà chỉ nhất nhất nghe theo những lời phán đoán từ một vị thần thánh hay người thầy bói nào đó.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu vật chất và danh vọng lại càng tăng hơn. Nhiều người có tài nhưng vì còn thiếu những yếu tố khác, vẫn chưa tìm được chỗ đứng nhất định trong định nghĩa thành công của họ. Họ đi tìm đến thế lực siêu hình là thần thánh để cúng bái, cầu khấn để đạt được những kết quả tốt đẹp hơn. Đặc biệt, khi đứng trước những thời khắc hay công việc quan trọng, thay vì dành thời gian để trau dồi kiến thức, học tập, mở mang kiến thức thì nhiều người thường lựa chọn gửi gắm niềm tin vào các vị thần thánh. Như chúng ta cũng đã thấy, hằng năm trước các kì thi đại học, rất nhiều các học sinh phụ huynh đi đến Văn Miếu Quốc tử giám, sờ đầu rùa rồi dâng khấn để hi vọng thi cao đỗ đạt. Thế nhưng, họ đâu biết rằng những hành động đó của họ không chỉ làm ảnh hưởng đến mỹ quan của một nơi thiêng liêng, lại chỉ khiến cho tâm của họ càng trở nên bất an vì phải dựa dẫm, trông đợi vào một thế lực vô hình nào đó.
Việc cầu xin, mê tín ấy còn rất nhiều tốn kém về tiền bạc. Hàng năm, cứ đến dịp lễ tết, hay ngày rằm mùng một, rất nhiều các khoản tiền lễ cúng được người dân chi trả, đặc biệt là những chi phí cho vàng mã, tiền giả, cúng lễ. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn rất tốn kém. Có nhiều gia đình xích mích, đánh nhau cũng chỉ vì phải chuẩn bị những khâu lễ bái ấy. Đến khi cầu xin không được, không chỉ mang nợ vào người mà còn sinh ra lo lắng, bệnh tật, tinh thần suy nghĩ dẫn đến những hành động chán nản, tiêu cực.
Đứng trước thực trạng trên, chúng ta cần vận động mỗi người cần biết nhìn nhận đúng vấn đề, quyết tâm phấn đấu dựa vào sức lực chứ không nên đặt vận mệnh của mình vào những sự may rủi. Ông bà ta có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, chúng ta vẫn giữ vững những truyền thống văn hóa của dân tộc nhưng không vì lẽ đó mà trở thành mê tín dị đoan. Thần thánh không thể biến chúng ta từ một con người kém hiểu biết mà trở thành những kỹ sư, tiến sĩ nếu chúng ta không chịu học tập, trau dồi. Chỉ có thể bằng khả năng, tư duy, sự lao động cả về tay chân và chất xám với có thể giúp ta làm chủ được cuộc đời. Tuổi trẻ thì không ngại thất bại và không được ngừng vận động. Thay vì mất nhiều tiền bạc và thời gian để đi lễ bái, thờ cúng, hãy dành thời gian đó để nghiên cứu, học tập.
Chúng ta hãy biết tự nỗ lực và dựa vào bản thân để vươn tới thành công. Chính chúng ta sẽ trở thành những vị thần của cuộc đời mình chứ không phải là những vị thần thánh vô hình nào đó. Chung tay bài trừ mê tín dị đoan cũng là trách nhiệm của mọi người để góp phần làm cho đất nước giàu mạnh hơn.
Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 5
Trong khi nền kinh tế càng phát triển thì con người lại càng sợ thất bại, sợ bị lạc hậu tụt lùi, chính vì vậy, khi gặp khó khăn hoặc muốn cầu xin một điều gì đó mà vượt quá khả năng của bản thân họ thường tìm tới thần thánh, để mong cứu vớt chút yên ổn, bình an trong tâm hồn của mình.
Sự tin tưởng vào thần thánh “mê tín dị đoan” có rất nhiều nguyên nhân. Bởi thần thánh có khả năng siêu nhân, không phải là người trần mắt thịt như con người chúng ta. Là người bề trên, mắt thường không thể nhìn thấy nên dễ lừa phỉnh người khác về những khả năng siêu nhiên phi thường.
Sự tin tưởng vào thần thánh đúng hay không đúng, có hay không có cũng mang lại sự an tâm trong tâm hồn của con người . Chính vì vậy, nhiều người cho rằng thà tin rằng có cho yên tâm hơn là phỉ báng lại rồi chẳng may gặp họa gì đó, bởi trong cuộc sống của con người luôn chứa đựng những điều không dự báo trước chứa đựng sự may mắn và rủi ro bất ngờ xảy ra.
Ngoài ra, văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam chúng ta là văn hóa thờ cúng tổ tiên, ăn Tết nguyên đán theo lịch mặt trăng. Do, đó ít nhiều nền văn hóa của chúng ta đã bị nhiễm sự thần thành, mê tín dị đoan từ đời này sang đời khác, bởi nếu không thì làm gì có chuyện người chết còn phải thắp hương, làm giỗ rồi đốt vàng mã, tiền vàng gửi cho ông bà cha mẹ bên kia thế giới.
Chính phong tục này làm cho con người từ đời này sang đời khác tin tưởng có linh hồn tồn tại, có ma, và có thần thánh phù hộ hoặc oán trách con người nếu chúng ta không đối xử tốt với họ.
Việc tin tưởng vào việc có thần thánh không có gì là xấu, nếu chúng ta không làm mất thời gian công sức quá nhiều để đi hầu đồng, đi dâng sao giải hạn, rồi tốn kém tiền bạc của cải vật chất vào những điều mà không chắc chắn có thật hay không, như cắt tiền duyên, rồi xin lễ thăng quan tiến chức….
Tất cả mọi người trong xã hội dù nghèo khổ, cao sáng thấp hèn đều do chính bản thân họ cố gắng mà tạo thành. Những người giàu có thành đạt họ đã phải trải qua rất nhiều thời gian phấn đấu, cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, trải qua nhiều khổ cực mới có thể thành ông nọ bà kia trong xã hội..
Những người nghèo khổ, có thể không hẳn do họ lười nhác ăn chơi lêu lổng nhưng do hạn chế về kiến thức, không có tư duy sáng tạo để mở mang công việc mình đang làm, nhìn ra trông rộng để có thể làm giàu, mà chỉ nhăm nhăm trông chờ vào những công việc bán sức lao động như làm ruộng, là phu xe cửu vạn để kiếm ít tiền lo miếng cơm manh áo hàng ngày. Cuộc sống cứ như vậy khiến cho họ cứ nghèo khổ mãi.
Nhiều bạn trẻ tin rằng mình có số có má, có quý nhân phù trợ nên làm gì cũng thành công, thật ra tất cả mọi điều các bạn làm được đều do nỗ lực của các bạn tạo ra. Hoặc do cha mẹ, ông bà các bạn hỗ trợ mà tạo thành chứ không có thần thánh nào cả.
Hiện nay chúng còn đang là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường muốn thành đạt, thì cần phải học tập chăm chỉ, có kiến thức, bằng cấp rèn luyện sự nhẫn nại kiên trì thì sau này sẽ gặp thành công nhờ chính trí tuệ và sức lực của mình chẳng có thần linh nào phù hộ
Nhiều bạn học sinh thường nói “học tài thi phận” nhưng thật ra với những người học giỏi thật sự, học hết những gì thầy cô truyền dạy thì điểm bao giờ cũng cao. Không có chuyện học tài thi phận. Câu nói này chỉ dành cho những bạn học tủ, học lệch, khi đi thi đề ra không trúng bài bạn đó học mà đề thi ra lại đúng bài không học thì đổ cho việc “học tài thi phận” mà thôi.
Trong cuộc sống, sẽ có lúc chúng ta gặp những chuyện không như mong muốn những điều xui xẻo bất ngờ xảy ra, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào hãy nghĩ thật kỹ xem chúng ta đã sai ở đâu để biết đường sửa lỗi “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” đừng vội đổ lỗi cho số phận mà hãy hiểu rằng mọi việc không tự dưng nó tới mà đều có những tác động nào đó từ phía chúng ta mà ra.
Nhiều người khi thất bại thì thường luôn tìm tới thần thánh để cầu xin giúp đỡ, nhưng không thần thánh nào giúp cho bạn không học mà thi đỗ, không thần thánh nào có khả năng biến bạn từ người công nhân làm trong phân xưởng trở thành giám đốc nếu bạn không nỗ lực học tập và làm việc.
Cũng không thần thánh nào giúp bạn đang nghèo mà trở nên giàu có vì nhặt được tiền hoặc trúng xổ số. Trường hợp này trong thực tế cũng có nhưng rất ít hàng triệu triệu người mới có một người may mắn bất ngờ như vậy.
Thành công sẽ tới với những người chăm chỉ học tập, làm việc cần cù kiên trì nhẫn nại, luôn phấn đấu vươn lên chính mình, những người như vậy sẽ đạt được những điều họ muốn dù sớm hay muộn. Chẳng có thần thánh nào giúp họ cả mà chính bản thân, tài lực ý chí nghị lực của họ giúp họ mà thôi.
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta được tiếp xúc với nhiều cơ hội, sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp cho con người dễ thành công hơn. Nên các bạn hãy tự tin mà cố gắng phấn đấu thực hiện giấc mơ hoài bão của mình.
Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 6
Hiện nay, đất nước ta đang xây dựng cuộc sống mới theo phương châm: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hàng triệu thanh niên, học sinh, sinh viên với lý tưởng, hoài bão cao đẹp đang ngày đêm miệt mài học tập, chuyên cần lao động, không ngừng rèn luyện bản thân. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có một bộ phận thanh niên lại quá tin vào thần thánh phù hộ độ trì mà xem nhẹ sự cố gắng tu dưỡng, phấn đấu của bản thân. Nguyên nhân nào đã dẫn đến hiện tượng tiêu cực ấy?
Nền kinh tế hiện nay ở nước ta là nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Sự ưu việt của nó là tuân theo những quy luật đúng đắn như quy luật cung cầu, quy luật giá trị, làm cho hàng hóa ngày càng phong phú, chất lượng không ngừng nâng cao, người có tài phát huy được khả năng sáng tạo, công sức được đền bù thỏa đáng. Cuộc sống vật chất của người dân sung túc hơn và đời sống tinh thần cũng phong phú, đa dạng hơn trước rất nhiều.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế thị trường cũng bộc lộ mặt tiêu cực của nó. Đó là khoảng cách quá xa giữa giàu và nghèo; sự phân hóa xã hội phức tạp; các giá trị tốt – xấu, đúng – sai, chân thực – giả tạo, cao cả – thấp hèn… đan xen lẫn lộn. Tất cả những thứ đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận thanh niên, làm lệch lạc nhận thức của họ, dẫn đến sai lầm trong việc chọn hướng đi. Do không nắm vững bản chất và quá trình vận động tất yếu của cuộc sống nên họ có lối sống thụ động, ỷ lại. Thay vì dựa vào sự nỗ lực của chính mình thì họ lại trông đợi vào thế lực siêu hình là thần thánh để hi vọng sẽ có được một kết quả tốt đẹp, một tương lai rực rỡ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ không chịu chăm chỉ học hành, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng mà họ tự an ủi “học tài thi phận”. Họ thường lui tới các chùa chiền, nhà thờ, đền miếu… nổi tiếng linh thiêng để cầu xin phúc lộc, may mắn. Nếu như thành tâm thì ít nhất họ cũng nhận được một “liều thuốc an thần” từ Thần Phật, nhưng tham vọng và ý đồ không trong sáng đã khiến họ u mê. Họ thụ động, ỷ lại vào cơ hội may rủi, trông chờ vào các thế lực thần linh. Họ cầu xin, khấn vái thần thánh phù hộ độ trì cho họ đỗ đạt mà không cần tới một sự cố gắng tự thân nào cả.
Những động thái đó làm cho tinh thần tự chủ, tinh thần phấn đấu, khả năng sáng tạo bị triệt tiêu; kết quả học tập, lao động bị giảm sút nghiêm trọng. Cầu xin không được, họ vỡ mộng bởi những hậu quả nghiêm trọng đã đến với bản thân. Họ không giải thích nổi bằng các luận cứ khoa học, mà lại khăng khăng đổ cho sự may rủi của số phận, của thời vận. Tâm trạng buồn chán, thất vọng dễ đẩy họ đến các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập… Hết vòng luẩn quẩn này đến vòng luẩn quẩn khác. Họ bắt đầu oán trách thần thánh, cha mẹ và những người xung quanh. Họ nhìn đời bằng con mắt tiêu cực và luôn than thở rằng sao số phận lại bất công với họ đến thế. Có một lời dạy sâu sắc, chí lý của người xưa thì họ lại không biết: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
Một hiện tượng xấu khá phổ biến trong những năm gần đây là để có thể leo cao trên bậc thang danh vọng, không ít người đã dùng tiền bạc, quà cáp để luồn lọt mua bằng, mua chức, mua một vị trí nào đó trong xã hội. Nạn “học giả, bằng giả”, “học giả bằng thật”… tràn lan, gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Việc làm tiêu cực đó của họ chẳng khác gì trò chơi trẻ em xây nhà trên cát. Sự nghiệp của họ thật bấp bênh, chông chênh, không biết sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào vì không được xây dựng trên nền móng vững chắc là tài và đức. Họ không biết rằng những gì khởi đầu bằng sự dối trá đều chẳng bền lâu và không có sự thật nào che giấu được dưới ánh mặt trời.
Trước thực trạng nói trên, chúng ta cần giúp đỡ để các thanh niên đó dần dần tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời. Các bạn hãy tin tưởng vào khả năng của bản thân, vào tương lai tươi sáng của dân tộc và đất nước. Nên nhớ rằng không có thần thánh nào cứu nổi chúng ta ra khỏi dốt nát, đói nghèo ngoài bộ óc năng động, sáng tạo và đôi bàn tay lao động cần cù, siêng năng của chính mình. Không có thần thánh nào có thể san bằng mọi áp bức, bất công trên cõi đời này chỉ bằng những lời nguyện cầu của tín đồ mà phải bằng sự đấu tranh quyết liệt và bền bỉ của nhân dân lao động.
Các Mác – vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản trên toàn thế giới đã khẳng định: Hạnh phúc là đấu tranh và đấu tranh để chiến thắng bản thân là gay go, vinh quang hơn cả. Thanh niên chúng ta hãy dũng cảm tuyên chiến và đẩy lùi những thói hư tật xấu ra khỏi con người mình; không ngừng phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Hãy sống hết mình với bầu nhiệt huyết tràn đầy sức sống của tuổi thanh xuân, chúng ta sẽ gặt hái được những mùa vàng ấm no, hạnh phúc.
Trong thời đại mới, chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để thể hiện tài năng, ước nguyện của mình. Tuổi trẻ hãy phấn đấu, vươn lên trong sản xuất, nghiên cứu, học tập. Hãy thắp sáng niềm tin bằng ngọn lửa trong khối óc, con tim của chính mình mà không cần phải nhờ cậy vào một sức mạnh siêu hình nào khác.
Nghị luận về mê tín dị đoan trong xã hội - Mẫu 7
Cha ông ta vẫn có câu “Có thờ có thiêng có kiêng có lành”, tín ngưỡng từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu được của đời sống văn hóa tinh thần người dân Việt Nam. Tín ngưỡng có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì nét đẹp văn hóa dân tộc . Tuy nhiên có nhiều người lại ỷ lại, quá tin, thậm chí mê tín dị đoan vào thần thánh, vào thế lực siêu nhiên kỳ bí gây nhiều hậu quả không đáng có.
Mê tín là tin vào điều không có thực, dị đoan là tự huyễn hoặc mình, tự lừa dối mình, (dị là khác thường, đoan là vấn đề, là rắc rối). Người mê tín dị đoan là người quá tin vào những điều thần bí, không có thật, thậm chí mù quáng, tôn sùng, cuồng tín dẫn đến những hành vi cực đoan, thái độ tiêu cực, phản khoa học, phản văn hóa, gây ảnh hưởng đến con người và xã hội, là một hành động xấu cần được bài trừ.
Giữa mê tín dị đoan với tín ngưỡng và tôn giáo có những nét tương đồng nhưng không hề đồng nhất. Tín ngưỡng hướng thiện con người, cảm hóa con người đến với cái chân, thiện, mỹ ở đời, tin vào những giá trị nhân bản tốt đẹp. Ngược lại mê tín dị đoan dẫn con người đến những hành vi sai trái, đôi khi là trái pháp luật.
Mê tín dị đoan xuất hiện ở từng người, từng vùng và có những biểu hiện khác nhau. Trong thực tế cuộc sống ta có thể dễ dàng bắt gặp những người đặt lòng tin quá nhiều vào thần thánh, nhẹ thì thường xuyên lễ bái, thờ cúng tốn kém, kiêng kị quá mức cần thiết, nặng thì có xu hướng thích đi xem bói, có bệnh không đi khám chữa mà nhờ vào thầy cúng chữa bệnh, . Cuối năm 2017, báo Dân Trí đưa tin về vụ việc hai chị em cho rằng bị “ma nhập” đã mời thầy cúng về chữa bệnh, thầy cúng chữa bệnh bằng cách đánh roi được làm bằng cây dâu vào người để từ tà, sau nhiều giờ được thầy “trừ tà”, hai người đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bị suy hô hấp, đa chấn thương, suy thận cấp. Trường hợp khác bị hoại tử tuyến giáp vì bùa phép.…Hay những câu chuyện dở khóc dở cười tưởng đùa mà thành thật chẳng hạn như: ra đường bước chân nào để gặp được may, không được ăn chuối, lạc trước ngày thi, có bệnh thì tìm thầy cúng tế, hôn nhân xem người hợp mệnh, sinh con xem giờ, xem tuổi, kiêng kị quá nhiều ngày trong năm, cướp lộc, tranh lộc trong ngày lễ hội, quỳ lạy “thần rắn”, “cá thiêng”, thời đại công nghệ 4.0, khi nền khoa học của xã hội đạt nhiều thành tựu, có một bộ phận người không nhỏ vẫn phủ nhận khoa học, quá sùng bái thần thánh, lí tưởng hóa niềm tin không có cơ sở gây ra những hậu quả lớn.
Đầu tiên, hậu quả gánh chịu chính là người mê tín dị đoan. Họ bị ảnh hưởng quá nhiều, đời sống tinh thần không được lành mạnh, đôi khi không thể làm chủ được mình mà chịu sự điều khiển của một thế lực siêu nhiên bản thân vẫn cho là có thật được truyền đạt dưới hình thức những xới bói bài, xóc đĩa, xem tướng số, vào lời phán của thầy bói. Tốn kém về mặt vật chất, lễ lạy tứ phương để cầu cạnh vạn sự được như ý, sẵn sàng xây đình đền miếu mạo, điện am, đền thờ, đốt vàng mã quá nhiều, hương khói tụng kinh ảnh hưởng đến môi trường văn hóa. Tuy vậy “tiền mất tật mang” , không được như ý muốn lại ảnh hưởng đến cuộc sống.
Ảnh hưởng trực tiếp đến người xung quanh, người mê tín dị đoan ít nhiều có biểu hiện lôi kéo, rủ rê người khác cùng tham gia, nhẹ hơn là sự khuyên bảo, cảm hóa. Đáng ngại nhất là khi mê tín dị đoan phát triển trong thế hệ trẻ, khi các em chưa có đủ tầm nhận thức để phân biệt được đúng sai, việc nên và không nên làm.
Mê tín dị đoan gây lãng phí của cải, thời gian, cản trở sự phát triển của xã hội. Hàng năm có tới hàng chục nghìn tấn vàng mã nhằm mục đích cúng tế, biến hàng chục tỉ đồng thành tro bụi. Công nghệ hiện nay đôi khi phục vụ ngược cho hoạt động mê tín này bằng cách đa dạng hóa sản phẩm từ vàng mã từ chỗ tiền giấy, tiền âm phủ thì nay đã được cải tiến lên nào điện thoại, xe cộ đủ loại hình, nhà cửa, quần áo, giày dép, vật dụng tư trang với suy nghĩ “người trần dùng gì thì người âm dùng vậy”. Tất nhiên việc đốt vàng mã vốn không xấu nhưng sự mù quáng tin rằng đốt càng nhiều, cúng tế càng nhiều thì mong muốn sẽ thành sự thực là sai trái.
Nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi độ lễ tết, hội hè bị ảnh hưởng vì một bộ phận người mê tín dị đoan, có những hành vi không đẹp. Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân chen lấn xô đẩy, thậm chí dẫm đạp lên nhau để chen chân vào cúng bái, đồ lễ phái thật to mới tỏ rõ tấm lòng thành, đi chùa thì phải xin được lộc mới cầu được may, gây mất trật tự xã hội, mất đi cảnh quan môi trường.
Nguyên nhân của những biểu hiện sai trái, quá tin vào thần thánh hóa trước hết ở tư duy lệch lạc, trình độ văn hóa hạn hẹp của một số người.
Một bộ phận cán bộ, người lãnh đạo chưa thực sự sát sao trong chỉ đạo, hướng dẫn cũng như có phương pháp khắc phục cụ thể, sự buông lỏng quản lí để mê tín dị đoan diễn ra một cách tự phát.
Thành phần bị lôi kéo, rủ rê hiểu sai vấn đề, chưa có lập trường tư tưởng vững vàng, còn non yếu, khía cạnh tiếp cận chưa đúng.
Hiện nay số lượng người mê tín dị đoan ngày càng nhiều bởi vậy cần có những giải pháp cụ thể, triệt để nhằm định hướng, điều chỉnh kịp thời.
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đời sống thực chất là đời sống mới. Đời sống mới, theo Người, bao gồm cả đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới. Chúng có mối quan hệ gắn bó với nhau. Lối sống mới là lối sống có lý tưởng, có đạo đức, văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại, chính vì thế bất cứ ai cũng cần hiểu đúng, trúng, đủ tưởng Hồ Chí Minh và áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Để đấu tranh với những biểu hiện của mê tín dị đoan, cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong phòng và chống hiện tượng đặt niềm tin thái quá vào thần thánh. Kịp thời phát hiện và có biện pháp điều chỉnh, xử lí nghiêm minh đối với những hành vi sai trái.
Thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế làm trọng, tách bạch cho quần chúng hiểu đâu là tín ngưỡng, tôn giáo, đâu là mê tín dị đoan và có thái độ trước những biểu hiện ấy. Đồng thời biết phát hiện và tố giác bộ phận người lợi dụng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan.
Hiện tượng mê tín dị đoan ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng không ít đến đời sống của con người cũng như xã hội hiện đại, giống như “con sâu làm rầu nồi canh”, hoạt động mê tín dị đoan cần được loại bỏ.
Nghị luận xã hội về mê tín dị đoan - Mẫu 8
Quan niệm mê tín dị đoan là hiện tượng phổ biến trong xã hội, nơi mà một số người tin vào các quan điểm hoặc phong tục không có cơ sở khoa học hoặc logic. Mặc dù một số người coi mê tín dị đoan là một phần của văn hóa hay truyền thống, nhưng nó thực sự có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.
Trước tiên, quan niệm mê tín dị đoan có thể gây ra sự hoang mang và lo lắng không cần thiết. Những người tin vào mê tín thường sống trong sự sợ hãi vô căn cứ về những điều không thể giải thích bằng khoa học, điều này có thể ảnh hưởng đến tinh thần và tinh thần của họ.
Thứ hai, quan niệm mê tín dị đoan có thể dẫn đến hành động không có trách nhiệm. Những người tin vào mê tín có thể dễ dàng bị lừa dối bởi các trò lừa đảo hoặc các bản tin giả mạo, dẫn đến việc họ đưa ra các quyết định không chính xác hoặc không an toàn.
Hơn nữa, quan niệm mê tín dị đoan có thể gây ra sự phân biệt và xung đột trong xã hội. Các nhóm có các quan niệm mê tín khác nhau có thể xung đột với nhau về quan điểm và thực hành của họ, tạo ra một môi trường căng thẳng và không hòa bình.
Tuy nhiên, có những cách để giảm bớt sự lan truyền của mê tín dị đoan trong xã hội. Giáo dục và tăng cường kiến thức khoa học có thể giúp những người khác nhau hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh và giảm bớt sự phụ thuộc vào các quan niệm không chứng minh được. Đồng thời, việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo và ngôn luận cũng cần được thúc đẩy, nhưng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo rằng sự tôn trọng này không dẫn đến việc lan truyền các quan niệm mê tín dị đoan.
Tóm lại, quan niệm mê tín dị đoan có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực trong xã hội. Việc tăng cường giáo dục và sự hiểu biết khoa học có thể giúp giảm bớt sự lan truyền của mê tín và tạo ra một xã hội với sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Nghị luận về mê tín dị đoan - Mẫu 9
Trong đời sống xã hội ta hiện nay, mê tín dị đoan được coi là hiện tượng có tính phổ biến trong cộng đồng dân cư không chi ở Việt Nam, mà hầu hết tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Mê tín dị đoan là một hủ tục ở Việt Nam đã có từ nhiều thế kỷ trước. Điều đáng quan ngại là cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước trên mọi lĩnh vực, thì hiện tượng mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại, biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi, đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin và sự thiếu hiểu biết của nhiều người. Nguyên nhân là do mọi người dễ bị dụ dỗ, lôi kéo nhất chính là những người công nhân lao động ít hiểu biết, dễ vì những lợi ích nhỏ nhặt trước mắt mà vô tình vi phạm pháp luật. Mê tín dị đoan sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống, gia đình của mọi người. Khiến con người mơ hồ, mù quáng, tin tưởng thái quá vào những điều vô lý như chữa bệnh bằng việc cúng bái. Tốn thời gian, tốn tiền bạc. Vậy nên không quan tâm và tránh xa những hiện tượng mê tín dị đoan. Báo cho người lớn hoặc các cơ quan chức năng nếu phát hiện ra các hiện tượng mê tín dị đoan. Tuyên truyền cho người thân, bạn bè, họ hàng... biết những tác hại của mê tín dị đoan để mọi người biết và tránh xa mê tín.