Văn mẫu lớp 11: Nghị luận xã hội Quan niệm về du học thế nào cho đúng? Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
Văn mẫu lớp 11: Nghị luận xã hội Quan niệm về du học thế nào cho đúng gồm dàn ý chi tiết kèm theo bài văn mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn nghị luận về một vấn đề xã hội ngày một hay hơn.
Nghị luận về Quan niệm về du học thế nào cho đúng gồm cả mẫu ngắn gọn và đầy đủ để các bạn tham khảo, lựa chọn theo sức viết của mình, giúp các bạn học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Đồng thời hiểu được vai trò, ý nghĩa, suy nghĩ của bản thân về lợi ích của việc học du học. Ngoài ra các bạn xem thêm nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Văn 11 Kết nối tri thức.
Nghị luận xã hội Quan niệm về du học thế nào cho đúng hay nhất
Dàn ý nghị luận Quan niệm về du học thế nào cho đúng
1. Mở bài
Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
2. Thân bài
a) Thực trạng du học sinh hiện nay
- Phổ biến và xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau
- Sự phát triển về vấn đề hội nhập và giao lưu tiếp xúc văn hóa ngày càng diễn ra sôi nổi
b) Vì sao hiện tượng này lại ngày càng phổ biến?
- Cho rằng tiếp thu với lần tri thức nước ngoài sẽ có một giá trị cao hơn
- Là một cơ hội lớn với những học sinh, sinh viên năm cuối
- Những trường Đại học ở trong nước còn hạn chế về điều kiện nghiên cứu và cơ sở vật chất
- Tấm bằng ngoại được cho là quý giá hơn tấm bằng đại học trong nước
c) Lợi ích của việc đi du học
- Nắm bắt tri thức khoa học, kỹ thuật, văn hóa … của các nước tiên tiến
- Tạo sự tự lập lớn
- Tạo sự chủ động trong học tập và làm việc
- Dẫn chứng cụ thể
d) Mặt trái của việc đi du học (có thể hoặc không xảy ra tùy trường hợp)
- Làm tăng tình trạng "chảy máu chất xám" và làm giảm thu nhập chung của xã hội.
- Chi phí cao khiến một số gia đinh rơi vào nợ nần
- Rào cản ngôn ngữ và văn hóa
- Tư tưởng "ôm mộng" làm giàu từ việc đi du học.
e) Một số điểm giáo dục và kinh tế Việt Nam cần cải thiện ảnh hưởng đến vấn đề du học
- Cải thiện nền giáo dục còn nặng về lý thuyết
- Loại bỏ căn "bệnh thành tích".
- Trang bị cho học sinh những kĩ năng cần thiết trong công việc cũng như về ngoại ngữ.
3. Kết bài
Nêu lên quan điểm của bản thân về vấn đề này và định hướng bản thân mở rộng trong tình hình đất nước đang phát triển hiện nay
Nghị luận Quan niệm về du học thế nào cho đúng
Đã từ lâu thì việc du học đã trở thành con đường được giới trẻ quan tâm và chọn lựa để trau dồi thêm hành trang kiến thức cho tương lai sau này của chính bản thân mình. Cho nên việc du học nước ngoài là một trong những xu hướng, một phong trào như đang nở rộ trong những năm trở lại đây.
Số lượng học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài trong nhiều năm trở lại đây tăng nhanh ở tất cả các bậc – từ trung học đến cao đẳng, đại học, sau đại học và với nhiều hình thức phong phú. Du học nhờ học bổng, học bổng toàn phần, hay tự túc đều rất nhiều… Và đã từ lâu, du học đã trở thành con đường được giới trẻ quan tâm và chọn lựa để trau dồi thêm hành trang kiến thức cho tương lai sau này.Vấn đề bằng cấp được đẩy mạnh trong những năm gần đây hơn bao giờ hết vì khả năng mở rộng tương lai, tìm kiếm cơ hội có những công việc tốt sẽ dễ dàng hơn.
Du học là con đường ngắn nhất để thực sự nâng cao tầm hiểu biết của mình trong các lĩnh vực chuyên môn đang theo đuổi, những tri thức mới mẻ, sự vận dụng thực hành trong các trường nước ngoài có lẽ là có đầy đủ điều kiện hơn các trường trong nước. Sự gia tăng số lượng du học sinh trước hết là một "tín hiệu" đáng mừng cho tương lai của đất nước. Vì du học mang lại cơ hội cho các bạn trẻ tiếp xúc với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, các bạn có điều kiện giao lưu và học hỏi bạn bè quốc tế. Rất nhiều du học sinh đã đạt được thành tích cao trong các trường trung học, đại học nước ngoài, làm rạng danh cho đất nước. Nhiều du học sinh Việt Nam sau khi học xong đã trở về góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Họ là nguồn nhân lực vô cùng quý giá cho xã hội… Vì vậy, nếu có điều kiện, các bạn trẻ rất nên lựa chọn hướng đi này.
Nhưng du học không phải là con đường bằng phẳng mà ai đặt chân lên đó cũng đều tới đích. Trên thực tế, không ít bạn trẻ chưa được chuẩn bị tốt đã vội vã "lên đường", khiến bản thân phải gánh những áp lực quá lớn. Cũng có nhiều bạn chỉ dựa vào tiềm lực kinh tế, hoặc coi chuyện du học như một kì nghỉ dài để tự do "hưởng thụ cuộc sống"… Rốt cuộc, bản thân họ nhận lại nhiều sự hối tiếc hơn là những thành quả.
Sự gia tăng số lượng du học sinh, nhìn từ một góc độ khác, cũng có thể là một hiện tượng đáng lo ngại cho nền giáo dục và kinh tế Việt Nam. Nó có thể làm tăng tình trạng "chảy máu chất xám" và làm giảm thu nhập chung của xã hội. Ra môi trường nước ngoài, và hầu hết đều là những nước văn minh với sự phát triển đồng đều cả về kinh tế lẫn xã hội, đã khiến cho nhiều bạn trẻ dễ thích nghi, và khi nhìn lại, so bì với hiện trạng đất nước mình thì họ có quyết định sẽ sống cho mình nhiều hơn, sinh sống lâu dài, thậm chí là định cư tại vùng đất đó để hướng tới cuộc sống mà họ cho là tốt đẹp hơn.
Nền giáo dục ở các nước tiên tiến hiện đại, hoàn thiện hơn, tạo cơ hội cho học sinh được phát huy tối đa năng lực của bản thân và hỗ trợ tối đa cho việc hành nghề sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó nền giáo dục trong nước còn lạc hậu, nhiều hạn chế. Vì vậy nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư một số kinh phí lớn để cho con du học và các bạn trẻ sẵn sàng chấp nhận vất vả gian khó hơn để được học tập trong môi trường quốc tế. Thực trạng trên đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Bởi sẽ là lý tưởng nếu môi trường giáo dục – đào tạo của chúng ta có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới, thì chuyện này sẽ không đến mức xảy ra “tình trạng”, “hiện tượng”. Khi đó chúng ta không chỉ chủ động trong công tác giáo dục – đào tạo cho đất nước mình, mà đó cũng là hướng đi cho sự phát triển chung của đất nước.
Bởi vậy, việc du học và quản lý du học sinh, hay cả việc định hướng du học sinh cũng cần có những giải pháp thiết thực, tích cực và hiệu quả như khuyến khích học sinh trở về xây dựng quê hương, cải tiến nền giáo dục đào tạo trong nước, tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh hiểu rõ những tác dụng và tác hại của việc du học trước khi quyết định, có những biện pháp quản lý các đơn vị tổ chức du học. Du học là một cơ hội và cũng là một thử thách lớn. Các bạn học sinh cũng cần có những quan điểm đúng đắn về định hướng học tập và tốt nghiệp trước khi đi du học, du học là con đường sáng cho tương lai bản thân họ nhưng cũng nên nghĩ cho đất nước, vì đất nước. Đất nước luôn cần những người trẻ có tri thức, có trách nhiệm để góp phần xây dựng tương lai chung.
Trào lưu du học không còn là vấn đề quá xa lạ. Nhưng những học sinh, sinh viên cuối cấp hãy nên nhớ rằng dù học ở đâu thì cũng cần phải cố gắng, tự học. Có như thế thì mới có thể trau dồi kiến thức của mình hơn nữa trong cuộc sống, để cuộc sống có tri thức sẽ là một cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn.