Nghị định 78/2020/NĐ-CP Sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam

Nghị định 78/2020/NĐ-CP về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Chính phủ ban hành vào ngày 06/07/2020. Hiệu lực của văn bản pháp luật này sẽ được bắt đầu từ ngày 19/08/2020. Sau đây, xin mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết của nghị định này.

CHÍNH PHỦ

__________

Số: 78/2020/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH 78/2020/NĐ-CP

Về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam

_________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Lực lượng dự bị động viên ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị; đăng ký, quản lý, huấn luyện; sắp xếp, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ; giáng chức, cách chức; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; giải ngạch sĩ quan dự bị; gọi sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sĩ quan dự bị, hạ sĩ quan dự bị; quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ.

2. Sĩ quan, cán bộ là quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của sĩ quan dự bị.

3. Cán bộ, công chức, viên chức không thuộc hệ thống tổ chức của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức); công dân tốt nghiệp đại học trở lên; sinh viên khi tốt nghiệp đại học được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị.

4. Học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở, đủ tiêu chuẩn, điều kiện phong quân hàm sĩ quan dự bị.

5. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng, tuyển chọn, đào tạo, sắp xếp, bổ nhiệm chức vụ sĩ quan dự bị

1. Đội ngũ sĩ quan dự bị được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; có số lượng và cơ cấu hợp lý; có trình độ, năng lực chỉ huy, quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

2. Tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị phải bảo đảm theo chỉ tiêu, đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn; dân chủ, công khai, đúng pháp luật.

3. Sắp xếp, bổ nhiệm sĩ quan dự bị bảo đảm đúng chức danh biên chế, có chuyên nghiệp quân sự phù hợp; gần, gọn địa bàn; ưu tiên sắp xếp, bổ nhiệm cho các đơn vị bộ đội chủ lực trước, đơn vị bộ đội địa phương sau; kịp thời điều chỉnh khi có thay đổi về tổ chức hoặc đội ngũ sĩ quan dự bị.

Chương II

TUYỂN CHỌN, ĐÀO TẠO SĨ QUAN DỰ BỊ

Điều 4. Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị

1. Đối tượng tuyển chọn

a) Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ;

b) Hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên;

c) Sinh viên khi tốt nghiệp đại học.

2. Tiêu chuẩn tuyển chọn

a) Tiêu chuẩn chung

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có lịch sử chính trị của gia đình và bản thân rõ ràng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc có đủ tiêu chuẩn chính trị để bồi dưỡng phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, kiến thức chuyên môn, học vấn, tuổi đời phù hợp với từng đối tượng; sức khỏe từ loại 01 đến loại 03 theo quy định tuyển chọn sức khỏe tuyển quân, tuyển sinh quân sự của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

b) Tiêu chuẩn cụ thể

Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, hạ sĩ quan dự bị đã giữ chức phó trung đội trưởng hoặc cán bộ tiểu đội và tương đương; tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, nếu thiếu, tuyển chọn đến tốt nghiệp trung học cơ sở, với người dân tộc thiểu số tuyển chọn trình độ học vấn lớp 7 trở lên; tuổi đời đối với quân nhân chuyên nghiệp không quá 35, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị không quá 30;

Cán bộ, công chức, viên chức tuổi đời không quá 35; riêng đào tạo sĩ quan dự bị ngành y, dược, tuổi đời không quá 40; đào tạo sĩ quan dự bị chính trị phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;

Công dân tốt nghiệp đại học trở lên, tuổi đời không quá 35; sinh viên khi tốt nghiệp đại học, tuổi đời không quá 30.

Điều 5. Kế hoạch đào tạo sĩ quan dự bị

1. Hằng năm, các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đề xuất nhu cầu đào tạo sĩ quan dự bị, báo cáo Bộ Quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch đào tạo sĩ quan dự bị, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là bộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định số lượng cụ thể từng loại sĩ quan dự bị cần đào tạo của các bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 6. Tuyển chọn, xét duyệt, gọi đào tạo sĩ quan dự bị

1. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, công dân tốt nghiệp đại học trở lên và hạ sĩ quan dự bị đang lao động, làm việc hoặc cư trú tại địa phương, báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xét duyệt; Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu thẩm định. Sau khi có kết quả thẩm định của Bộ Tư lệnh quân khu, kết quả xét duyệt của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định gọi từng người đi đào tạo sĩ quan dự bị.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu, hướng dẫn các học viện, trường đại học (trừ các học viện, nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) tuyển chọn, xét duyệt sinh viên khi tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị; thẩm định kết quả xét duyệt, đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định; giám đốc, hiệu trưởng các học viện, trường đại học trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gọi đào tạo sĩ quan dự bị đến từng sinh viên.

3. Đơn vị cấp dưới trực tiếp đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ đi đào tạo sĩ quan dự bị theo kế hoạch được giao. Đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng thẩm định nhân sự và quyết định gọi từng người đi đào tạo sĩ quan dự bị.

4. Các đối tượng được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị và chấp hành quyết định gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị của cấp có thẩm quyền.

5. Các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao tuyển chọn nguồn đào tạo sĩ quan dự bị có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho đối tượng được gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị theo quy định của pháp luật.

6. Nguồn kinh phí

a) Kinh phí bảo đảm tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị cho đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi hằng năm của Bộ Quốc phòng;

b) Kinh phí tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị cho đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này do ngân sách địa phương bảo đảm;

c) Kinh phí bảo đảm tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị cho đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định này do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 7. Hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị

1. Hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị, gồm:

a) Bản sơ yếu lý lịch tự thuật, có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi lao động, học tập, làm việc (đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, công dân tốt nghiệp đại học trở lên, sinh viên khi tốt nghiệp đại học và hạ sĩ quan dự bị); hồ sơ quân nhân (đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ);

b) Bản thẩm tra xác minh lý lịch;

c) Phiếu (giấy) khám sức khỏe;

d) Bản sao chụp các văn bằng, chứng chỉ, bản công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền.

2. Trách nhiệm lập hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị

a) Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện lập hồ sơ đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, công dân tốt nghiệp đại học trở lên và hạ sĩ quan dự bị; Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ;

b) Cấp trung đoàn và tương đương trở lên lập hồ sơ đối tượng quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ;

c) Các học viện, trường đại học lập hồ sơ đối tượng sinh viên khi tốt nghiệp đại học.

3. Thời gian hoàn thành lập hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị của các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này báo cáo cấp có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Nghị định này là 30 ngày, trước ngày thông báo có mặt nhập học tại các học viện, nhà trường Quân đội.

4. Các học viện, nhà trường Quân đội được giao đào tạo sĩ quan dự bị, trong thời gian đào tạo có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sĩ quan dự bị (hồ sơ gốc) trên cơ sở hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị, nội dung bổ sung, hoàn thiện gồm: Lý lịch sĩ quan dự bị, quyết định phong quân hàm sĩ quan dự bị, giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị và các giấy tờ khác có liên quan. Kết thúc khóa đào tạo, bàn giao hồ sơ về Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi sĩ quan dự bị cư trú hoặc lao động, làm việc.

Điều 8. Tổ chức, thời gian, chương trình đào tạo sĩ quan dự bị

1. Tổ chức đào tạo sĩ quan dự bị

Các học viện, nhà trường Quân đội được giao đào tạo và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị.

2. Thời gian, ngành đào tạo sĩ quan dự bị

a) Hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh, chính trị và ngành y, dược là 03 tháng;

b) Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh; sinh viên khi tốt nghiệp đại học đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh và ngành y, dược là 04 tháng;

c) Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ đào tạo sĩ quan dự bị quân chủng, binh chủng là 05 tháng.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chương trình, nội dung đào tạo đối với từng đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

Chương III

ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ, HUẤN LUYỆN SĨ QUAN DỰ BỊ

Điều 9. Đăng ký ngạch sĩ quan dự bị

1. Đối tượng đăng ký ngạch sĩ quan dự bị

a) Sĩ quan, cán bộ là quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện của sĩ quan dự bị;

b) Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị đã được đào tạo sĩ quan dự bị;

c) Cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên, sinh viên khi tốt nghiệp đại học đã được đào tạo sĩ quan dự bị;

d) Những người tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở đã được phong quân hàm sĩ quan dự bị.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không được đăng ký ngạch sĩ quan dự bị trong các trường hợp sau:

a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Bị phạt tù hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ;

c) Xuất cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép;

d) Không đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định.

3. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là không có tội, thì được đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị.

Điều 10. Trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị

1. Đăng ký lần đầu

a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này về nơi cư trú hoặc nơi lao động, làm việc (theo giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền) phải mang giấy giới thiệu và thẻ sĩ quan dự bị đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho các đối tượng nêu trên đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tại nơi cư trú để đăng ký;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổng hợp danh sách sĩ quan dự bị đã đăng ký báo cáo về Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi sĩ quan dự bị cư trú, lao động, làm việc để quản lý.

2. Đăng ký bổ sung

a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị có sự thay đổi các yếu tố đã đăng ký, phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức để đăng ký bổ sung. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho sĩ quan dự bị đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tại nơi cư trú để đăng ký bổ sung;

b) Hằng tháng, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổng hợp đăng ký bổ sung của sĩ quan dự bị báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

3. Đăng ký di chuyển

a) Sĩ quan dự bị trước khi di chuyển nơi cư trú hoặc nơi lao động, học tập, làm việc từ huyện này sang huyện khác phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện sở tại để làm thủ tục giới thiệu chuyển về Ban Chỉ huy quân sự nơi sẽ đến cư trú, hoặc lao động, học tập, làm việc mới;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày đến nơi cư trú, hoặc lao động, học tập, làm việc mới, sĩ quan dự bị phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi đến để đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Đăng ký vắng mặt

a) Sĩ quan dự bị khi vắng mặt tại nơi cư trú hoặc nơi đang lao động, học tập, làm việc:

Vắng mặt từ 30 ngày trở lên, sĩ quan dự bị phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, hoặc cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc. Hằng tháng, nếu có sĩ quan dự bị vắng mặt, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện;

Sĩ quan dự bị đã sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên vắng mặt từ 03 tháng trở lên, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện phải thông báo cho đơn vị nhận nguồn sĩ quan dự bị biết; khi có lệnh tổng động viên, hoặc động viên cục bộ, sĩ quan dự bị phải trở về ngay nơi cư trú, hoặc nơi đang lao động, học tập, làm việc để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

b) Sĩ quan dự bị được cử đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài hoặc ra nước ngoài vì việc riêng:

Thời hạn từ 01 năm trở lên, sĩ quan dự bị phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc và nộp thẻ sĩ quan dự bị; chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị ra nước ngoài, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị đang lao động, học tập, làm việc phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện để đăng ký vắng mặt dài hạn và nộp lại thẻ sĩ quan dự bị;

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ở nước ngoài về đến nơi cư trú, hoặc nơi lao động, học tập, làm việc, sĩ quan dự bị phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc để đăng ký lại;

Thời hạn dưới 01 năm, sĩ quan dự bị phải nộp lại thẻ sĩ quan dự bị tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị ra nước ngoài hoặc ở nước ngoài về nước, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cư trú.

5. Đăng ký riêng

a) Sĩ quan dự bị thuộc diện được miễn gọi phục vụ tại ngũ trong thời chiến theo quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và 9 Nghị định số 14/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai; trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ thuộc diện nêu trên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, nơi không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị đang lao động, học tập, làm việc thông báo bằng văn bản cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện sở tại biết để đăng ký vào diện miễn gọi phục vụ tại ngũ trong thời chiến;

b) Sĩ quan dự bị không còn giữ các chức vụ quy định tại điểm a khoản này, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thôi giữ chức vụ thuộc diện được miễn gọi phục vụ tại ngũ trong thời chiến, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, nơi không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu, hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức thông báo bằng văn bản cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cư trú để đăng ký lại.

Điều 11. Trách nhiệm đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị

1. Bộ Quốc phòng chỉ đạo và hướng dẫn việc đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị trong phạm vi cả nước.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quân sự cùng cấp thực hiện đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị ở địa phương.

3. Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thực hiện việc đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị.

4. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị.

5. Các cơ quan, tổ chức chỉ tiếp nhận, bố trí việc làm và giải quyết các quyền lợi cho sĩ quan dự bị khi đã thực hiện nghĩa vụ đăng ký và tạo mọi điều kiện để sĩ quan dự bị thực hiện đầy đủ các quy định về đăng ký ngạch sĩ quan dự bị.

6. Các đơn vị thường trực, các học viện, nhà trường Quân đội đào tạo sĩ quan dự bị làm thủ tục, giới thiệu sĩ quan dự bị về đăng ký lần đầu tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nơi sĩ quan dự bị cư trú hoặc lao động, học tập, làm việc.

7. Các đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân phải thường xuyên phối hợp với cơ quan quân sự địa phương các cấp trong việc phúc tra, đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị đã sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị mình.

8. Nguồn kinh phí

a) Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý sĩ quan dự bị do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi hằng năm của Bộ Quốc phòng;

b) Kinh phí đăng ký sĩ quan dự bị do ngân sách địa phương bảo đảm.

Điều 12. Quản lý hồ sơ, thẻ sĩ quan dự bị

1. Quản lý hồ sơ gốc sĩ quan dự bị

a) Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý hồ sơ sĩ quan dự bị cấp úy;

b) Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh quản lý hồ sơ sĩ quan dự bị cấp Thiếu tá;

c) Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý hồ sơ sĩ quan dự bị cấp Trung tá trở xuống;

d) Các quân khu quản lý hồ sơ sĩ quan dự bị cấp Trung tá;

đ) Bộ Quốc phòng quản lý hồ sơ sĩ quan dự bị cấp Thượng tá trở lên.

2. Thẻ sĩ quan dự bị

a) Thẻ sĩ quan dự bị là căn cứ để xác định công dân đã được đào tạo và đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị;

b) Mỗi sĩ quan dự bị chỉ được cấp một thẻ sĩ quan dự bị;

c) Giá trị của thẻ sĩ quan dự bị gắn với sĩ quan dự bị từ khi đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị đến khi giải ngạch sĩ quan dự bị;

d) Thẻ sĩ quan dự bị không có giá trị sử dụng trong trường hợp: Thẻ bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc người có tên trong thẻ đã giải ngạch sĩ quan dự bị theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về sổ sách, mẫu biểu đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị; thẩm quyền và các trường hợp cấp thẻ, đổi thẻ, thu hồi, quản lý, sử dụng thẻ sĩ quan dự bị.

Điều 13. Khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe

1. Đối tượng khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe

a) Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này được khám sức khỏe trước khi đi đào tạo sĩ quan dự bị;

b) Sĩ quan dự bị đã sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên, được kiểm tra sức khỏe định kỳ 02 năm một lần;

c) Sĩ quan dự bị chưa sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên được kiểm tra sức khỏe khi có nhu cầu động viên.

2. Lập kế hoạch khám, kiểm tra sức khỏe

a) Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, căn cứ số lượng sĩ quan dự bị cư trú tại địa phương, chỉ tiêu tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị, phối hợp với phòng y tế cấp huyện lập kế hoạch khám, kiểm tra sức khỏe cho sĩ quan dự bị đã được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên và đối tượng được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;

b) Các cơ quan, tổ chức thuộc bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các học viện, trường đại học có trụ sở trên địa bàn cấp huyện, có trách nhiệm hiệp đồng với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện sở tại trong việc khám, kiểm tra sức khỏe cho sĩ quan dự bị và đối tượng được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị.

3. Tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe

a) Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện khám sức khỏe cho người được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị; tổ kiểm tra sức khỏe kiểm tra đối với sĩ quan dự bị theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp huyện, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận khám, kiểm tra, phân loại sức khỏe;

b) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, có trách nhiệm triệu tập sĩ quan dự bị và đối tượng được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị để khám, kiểm tra sức khỏe;

c) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm gửi giấy triệu tập khám, kiểm tra sức khỏe của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện đến từng đối tượng được khám, kiểm tra sức khỏe;

d) Sĩ quan dự bị và đối tượng được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị đến khám, kiểm tra sức khỏe phải xuất trình giấy triệu tập khám, kiểm tra sức khỏe của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân) hoặc thẻ sĩ quan dự bị;

đ) Đối với quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị do Hội đồng khám sức khỏe đơn vị cấp dưới trực tiếp đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng lập kế hoạch và tổ chức khám tuyển.

4. Kết luận, phân loại sức khỏe sĩ quan dự bị, đối tượng được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị thực hiện theo các quy định tiêu chuẩn phân loại sức khỏe tuyển quân, tuyển sinh quân sự của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

5. Quản lý hồ sơ sức khỏe sĩ quan dự bị, đối tượng được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị

a) Sổ sức khỏe sĩ quan dự bị do tổ kiểm tra sức khỏe cấp huyện lập, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý; kết quả kiểm tra sức khỏe sĩ quan dự bị được ghi chép đầy đủ vào sổ sức khỏe của từng sĩ quan dự bị để quản lý;

b) Phiếu khám sức khỏe của đối tượng được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị thực hiện theo mẫu phiếu khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự do Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện lập; khi tổ chức khám sức khỏe xong, bàn giao cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức; công dân tốt nghiệp đại học trở lên và hạ sĩ quan dự bị) hoặc bàn giao cho cơ sở giáo dục đại học (đối với sinh viên khi tốt nghiệp đại học) để hoàn thiện hồ sơ đào tạo sĩ quan dự bị;

c) Phiếu sức khỏe của quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị do Hội đồng khám sức khỏe đơn vị cấp dưới trực tiếp đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng lập; khi tổ chức khám sức khỏe xong, bàn giao phiếu sức khỏe cho các đơn vị để hoàn thiện hồ sơ đào tạo sĩ quan dự bị;

d) Kết quả khám, kiểm tra sức khỏe được lưu vào hồ sơ của sĩ quan dự bị.

6. Nguồn kinh phí

a) Kinh phí bảo đảm khám sức khỏe cho đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi hằng năm của Bộ Quốc phòng;

b) Kinh phí khám, kiểm tra sức khỏe cho đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 và điểm b, điểm c khoản 1 Điều này do ngân sách địa phương bảo đảm;

c) Kinh phí bảo đảm khám sức khỏe cho đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định này do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 14. Phúc tra sĩ quan dự bị

1. Hằng năm, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện lập kế hoạch phúc tra sĩ quan dự bị hiện có tại địa phương, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; hiệp đồng với đơn vị dự bị động viên phúc tra sĩ quan dự bị đã sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên; chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, nơi không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu, hoặc người đại diện hợp pháp có trụ sở trên địa bàn tổ chức phúc tra sĩ quan dự bị chưa sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên.

2. Phương pháp phúc tra

a) Trực tiếp gặp sĩ quan dự bị, trường hợp sĩ quan dự bị đi vắng thì gặp người đại diện trong gia đình hoặc người đại diện cơ quan quản lý sĩ quan dự bị để nắm và đối chiếu hồ sơ;

b) Trực tiếp gặp trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức để nắm tình hình những sĩ quan dự bị đã về địa phương hoặc cơ quan, tổ chức chưa đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị hoặc sĩ quan dự bị đi khỏi địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nhưng chưa đăng ký di chuyển.

3. Nguồn kinh phí

a) Kinh phí phúc tra sĩ quan dự bị của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm;

b) Kinh phí phúc tra sĩ quan dự bị đã sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị dự bị động viên do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi hằng năm của Bộ Quốc phòng.

Điều 15. Cán bộ đảm nhiệm công tác sĩ quan dự bị

1. Các cơ quan, tổ chức có Ban Chỉ huy quân sự, do Ban Chỉ huy quân sự đảm nhiệm công tác sĩ quan dự bị; nơi không có Ban Chỉ huy quân sự do người đứng đầu phân công cán bộ kiêm nhiệm công tác sĩ quan dự bị.

2. Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh trở lên có cán bộ chuyên trách đảm nhiệm công tác sĩ quan dự bị, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện có cán bộ kiêm nhiệm công tác sĩ quan dự bị.

Điều 16. Thống kê, báo cáo

1. Báo cáo định kỳ: Hằng quý, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm thống kê số lượng, chất lượng sĩ quan dự bị báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cư trú trước ngày 15 của tháng cuối quý và hằng năm báo cáo trước ngày 15 tháng 12.

2. Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ thống kê, báo cáo về công tác sĩ quan dự bị.

Điều 17. Huấn luyện sĩ quan dự bị

1. Nội dung huấn luyện sĩ quan dự bị, gồm: Huấn luyện chỉ huy quản lý, công tác chính trị, chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ; bổ túc cán bộ đại đội, tiểu đoàn; huấn luyện chuyển loại chuyên nghiệp quân sự (sau đây gọi chung là huấn luyện).

2. Chỉ tiêu huấn luyện sĩ quan dự bị hằng năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định; Bộ Quốc phòng chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền phối hợp với các bộ, các địa phương về thời gian, địa điểm, giao nhận sĩ quan dự bị đi huấn luyện; các bộ, các địa phương được giao chỉ tiêu huấn luyện có trách nhiệm huy động đúng đối tượng, đủ số lượng, đúng thời gian, địa điểm, bàn giao cho các đơn vị dự bị động viên; tiếp nhận sĩ quan dự bị sau khi kết thúc khóa huấn luyện.

3. Sĩ quan dự bị có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong lệnh gọi, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và đơn vị trong thời gian huấn luyện.

4. Khi kết thúc khóa huấn luyện, đơn vị tổ chức huấn luyện nhận xét, đánh giá từng sĩ quan dự bị, thông báo bằng văn bản cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thời gian huấn luyện cho từng đối tượng, nhưng không quá 01 tháng trong 01 năm.

Chương IV

SẮP XẾP, BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM; GIẢI NGẠCH; GIÁNG CHỨC, CÁCH CHỨC; PHONG, THĂNG, GIÁNG, TƯỚC QUÂN HÀM; GỌI SĨ QUAN DỰ BỊ VÀO PHỤC VỤ TẠI NGŨ

Điều 18. Tiêu chuẩn, điều kiện sắp xếp, bổ nhiệm chức vụ sĩ quan dự bị

1. Sĩ quan dự bị có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trách nhiệm và thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ của người công dân, chức trách, nhiệm vụ của chức danh, vị trí việc làm, tham gia các hoạt động của địa phương và cơ quan, tổ chức nơi lao động, học tập, làm việc; có tín nhiệm với quần chúng; có trình độ năng lực, kiến thức quân sự, nghiệp vụ theo yêu cầu của từng chức vụ; sĩ quan dự bị bổ nhiệm các chức vụ từ chính trị viên đại đội, đại đội trưởng và tương đương trở lên phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; sức khỏe từ loại 01 đến loại 03.

2. Độ tuổi bổ nhiệm chức vụ lần đầu: Trung đội trưởng không quá 35, cán bộ đại đội không quá 40, cán bộ tiểu đoàn không quá 45, cán bộ trung đoàn không quá 50; những nơi thiếu nguồn có thể bổ nhiệm ở độ tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với độ tuổi nêu trên.

3. Ưu tiên sắp xếp, bổ nhiệm cho các đơn vị có nhiệm vụ động viên trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, đơn vị bộ đội chủ lực trước, đơn vị bộ đội địa phương sau; không sắp xếp dàn trải theo đầu mối đơn vị được xây dựng và được điều chỉnh kịp thời trong trường hợp có sự biến động, thay đổi trong đội ngũ sĩ quan dự bị.

4. Sĩ quan dự bị được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn chức danh ban đầu đào tạo sĩ quan dự bị hoặc chức vụ đã được đảm nhiệm ở đơn vị khi thôi phục vụ tại ngũ, phải được huấn luyện bổ sung theo chức danh mới được bổ nhiệm; trường hợp phải sắp xếp, bổ nhiệm để kiện toàn tổ chức thì sau khi sắp xếp, bổ nhiệm phải được huấn luyện bổ sung.

Điều 19. Miễn nhiệm chức vụ sĩ quan dự bị

1. Khi có quyết định thay đổi tổ chức, biên chế hoặc giải thể đơn vị dự bị động viên của cấp có thẩm quyền, không còn nhu cầu biên chế chức vụ của sĩ quan dự bị đang đảm nhiệm.

2. Sĩ quan dự bị được cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp, bổ nhiệm trong các đơn vị dự bị động viên hoặc được bầu giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp thuộc diện miễn gọi nhập ngũ thời chiến.

3. Sĩ quan dự bị có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc sức khỏe giảm sút từ loại 4 trở lên, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện đảm nhiệm chức vụ hiện tại.

4. Sĩ quan dự bị được cấp có thẩm quyền quyết định giải ngạch thì đương nhiên miễn nhiệm chức vụ.

5. Sĩ quan dự bị được bổ nhiệm chức vụ trong đơn vị dự bị động viên, khi ra nước ngoài học tập, lao động, làm việc thời gian từ một năm trở lên hoặc thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú, chấp hành không nghiêm lệnh gọi tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ thấp thì xem xét miễn nhiệm.

Điều 20. Phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị

1. Phong quân hàm sĩ quan dự bị

a) Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm Thiếu úy sĩ quan dự bị;

b) Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ đối tượng cán bộ, công chức, viên chức; tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị loại khá trở lên, kết quả rèn luyện tốt thì căn cứ vào chức vụ được bổ nhiệm trong các đơn vị dự bị động viên và mức lương đang hưởng để xét phong cấp bậc quân hàm sĩ quan dự bị tương xứng.

2. Thăng quân hàm sĩ quan dự bị

Sĩ quan dự bị có đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây thì được xét thăng quân hàm:

a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt; trình độ kiến thức năng lực tương ứng với chức vụ đảm nhiệm; trong thời hạn xét thăng quân hàm thực hiện tốt các quy định về đăng ký, quản lý, huấn luyện, sinh hoạt và lệnh huy động, động viên của cấp có thẩm quyền;

b) Chức vụ đang đảm nhiệm trong đơn vị dự bị động viên và chức vụ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có nhu cầu cấp bậc quân hàm cao hơn cấp bậc quân hàm hiện tại;

c) Đủ thời hạn xét thăng quân hàm sĩ quan dự bị quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Sĩ quan Quân đội nhân nhân Việt Nam năm 1999, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014.

3. Thăng quân hàm sĩ quan dự bị trước thời hạn

Sĩ quan dự bị có công trình nghiên cứu, có sáng kiến giá trị phục vụ cho quốc phòng hoặc có thành tích xuất sắc, có hành động dũng cảm trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn được tặng thưởng huân chương thì được xét thăng quân hàm trước thời hạn.

Điều 21. Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ; giáng chức, cách chức; phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan dự bị

1. Thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị

a) Chính ủy hoặc Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chính ủy hoặc Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm đối với sĩ quan dự bị giữ chức vụ từ phó tiểu đoàn trưởng và tương đương trở xuống, thăng quân hàm sĩ quan dự bị cấp úy;

b) Chính ủy hoặc Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quyết định bổ nhiệm đối với sĩ quan dự bị giữ chức vụ từ phó trung đoàn trưởng và tương đương trở xuống; thăng quân hàm sĩ quan dự bị cấp Thiếu tá trở xuống;

c) Chính ủy hoặc Tư lệnh quân khu quyết định bổ nhiệm đối với sĩ quan dự bị giữ chức vụ từ tiểu đoàn trưởng đến trung đoàn trưởng và tương đương, thăng quân hàm sĩ quan dự bị cấp Thiếu tá, Trung tá;

d) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định phong quân hàm sĩ quan dự bị; bổ nhiệm chức vụ, thăng quân hàm sĩ quan dự bị các cấp bậc, chức vụ còn lại hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm đến chức vụ, cấp bậc nào thì có quyền quyết định miễn nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan dự bị đến chức vụ, cấp bậc đó.

Điều 22. Quy trình, thủ tục, thời gian sắp xếp, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thăng quân hàm sĩ quan dự bị

1. Quy trình thực hiện

a) Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện rà soát, lập danh sách những sĩ quan dự bị đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có nhu cầu sắp xếp, bổ nhiệm, thăng quân hàm hoặc không đủ tiêu chuẩn, điều kiện phải miễn nhiệm, thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị đang cư trú hoặc lao động, học tập, làm việc;

b) Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nhận xét, đánh giá báo cáo cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp xem xét, cho ý kiến với từng sĩ quan dự bị, báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện;

c) Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổng hợp danh sách, trao đổi với đơn vị dự bị động viên, báo cáo đảng ủy quân sự cùng cấp xem xét đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh xem xét quyết định những sĩ quan dự bị có cấp bậc, chức vụ thuộc thẩm quyền và đề nghị cấp trên xét duyệt, quyết định những sĩ quan dự bị có cấp bậc, chức vụ thuộc thẩm quyền cấp trên.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, thăng quân hàm sĩ quan dự bị.

3. Thời gian thực hiện

a) Sắp xếp, bổ nhiệm, miễn nhiệm được tiến hành theo từng quý trong năm;

b) Thăng quân hàm sĩ quan dự bị các cấp thực hiện vào tháng 7 hằng năm.

4. Tổ chức trao quyết định

a) Khi có quyết định sắp xếp, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thăng quân hàm sĩ quan dự bị, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức trao quyết định cho sĩ quan dự bị và thông báo bằng văn bản cho Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc và đơn vị nhận nguồn sĩ quan dự bị;

b) Trường hợp sĩ quan dự bị vi phạm kỷ luật, pháp luật đến mức không còn đủ tiêu chuẩn trao quyết định sắp xếp, bổ nhiệm, thăng quân hàm, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức báo cáo theo quy trình đến cấp có thẩm quyền hủy quyết định.

Điều 23. Các trường hợp giải ngạch sĩ quan dự bị

1. Hết tuổi phục vụ theo quy định tại Điều 38 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Không còn đủ tiêu chuẩn của sĩ quan hoặc không đủ tiêu chuẩn sức khỏe gọi vào phục vụ tại ngũ.

3. Sĩ quan dự bị phải thi hành án phạt tù.

4. Xuất cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Điều 24. Thẩm quyền quyết định giải ngạch sĩ quan dự bị

1. Chính ủy hoặc Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chính ủy hoặc Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định giải ngạch sĩ quan dự bị cấp úy.

2. Chính ủy hoặc Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quyết định giải ngạch sĩ quan dự bị cấp Trung tá trở xuống.

3. Chính ủy hoặc Tư lệnh quân khu quyết định giải ngạch sĩ quan dự bị cấp Thiếu tá, Trung tá.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định giải ngạch sĩ quan dự bị các cấp bậc còn lại hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 25. Gọi sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ

1. Trong thời chiến, việc gọi sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ, thực hiện theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Trong thời bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định gọi sĩ quan dự bị chưa phục vụ tại ngũ vào phục vụ tại ngũ, thời hạn là 02 năm.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 8 năm 2020.

2. Từ Điều 2 đến Điều 37 và các Điều 42, 44, 45, 46, 47, 48 Nghị định số 26/2002/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 27. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Xuân Phúc

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm