Nghị định 111/2018/NĐ-CP Quy định mới về tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống

Ngày 31/08/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2018.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

  • Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0). Vào các năm khác thì chỉ tổ chức tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm… Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm;
  • Không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm
  • Chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền;
  • Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức tra

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH 111/2018/NĐ-CP

QUY ĐỊNH VỀ NGÀY THÀNH LẬP, NGÀY TRUYỀN THỐNG, NGÀY HƯỞNG ỨNG CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định

a) Điều kiện, thẩm quyền, trình tự công nhận ngày truyền thống của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các ngành; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống;

c) Điều kiện, yêu cầu tổ chức ngày hưởng ứng.

2. Ngày truyền thống các Ban của Đảng và các ngành đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác thì không áp dụng quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự công nhận quy định tại Nghị định này, nhưng phải thực hiện các quy định về tổ chức hoạt động kỷ niệm tại Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là cấp bộ).

2. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

3. Tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Ngày thành lập là ngày có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời bằng văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền.

2. Ngày truyền thống là ngày đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ, quá trình hình thành hoặc phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa, liên tục.

3. Ngày hưởng ứng là ngày được xác định thời gian (ngày, giờ) cụ thể, tập trung vào một chủ đề nhất định để tổ chức các hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng hưởng ứng và thể hiện sự đồng tình ủng hộ bằng hành động.

4. Ngày tái lập là ngày đánh dấu sự thành lập lại bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền sau quá trình chia tách, sát nhập, giải thể.

5. Năm tròn là năm có chữ số cuối cùng là “0”.

6. Năm khác là năm có các chữ số cuối cùng còn lại.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống

1. Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức.

2. Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền.

3. Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm.

4. Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.

Chương II

CÔNG NHẬN NGÀY TRUYỀN THỐNG

Điều 5. Điều kiện, thẩm quyền công nhận ngày truyền thống

1. Điều kiện công nhận ngày truyền thống

a) Có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ;

b) Ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ phải cách thời điểm đề nghị công nhận ít nhất là 10 năm;

c) Có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với bộ, ngành, địa phương.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận ngày truyền thống của bộ, ngành, cấp tỉnh.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị công nhận ngày truyền thống

1. Công văn đề nghị công nhận ngày truyền thống.

2. Bản thuyết minh sự cần thiết, tính giáo dục, ý nghĩa của việc công nhận ngày truyền thống.

3. Bản chụp các tài liệu chứng minh sự ra đời hoặc ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ.

4. Văn bản thẩm định của cơ quan thẩm định.

5. Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

Điều 7. Cơ quan thẩm định và nội dung thẩm định hồ sơ công nhận ngày truyền thống

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ công nhận ngày truyền thống.

2. Nội dung thẩm định hồ sơ

a) Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ;

b) Tính chính xác của các tài liệu chứng minh;

c) Tính hợp lý, sự cần thiết của việc công nhận ngày truyền thống.

Điều 8. Trình tự công nhận ngày truyền thống của bộ, ngành, cấp tỉnh

1. Bộ, ngành, cấp tỉnh gửi trực tiếp hoặc qua bưu hoặc trực tuyến điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Nghị định này đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định.

2. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ. Khi nhận được văn bản thông báo, cơ quan đề nghị công nhận bổ sung hồ sơ gửi cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thẩm định hồ sơ và ra văn bản thẩm định, gửi đến cơ quan đề nghị công nhận. Trong trường hợp cần thiết, khi tiến hành thẩm định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan hoặc yêu cầu cơ quan đề nghị công nhận giải trình.

4. Văn bản thẩm định phải nêu rõ ý kiến về nội dung quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này và kết luận cụ thể hồ sơ đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận.

5. Sau khi nhận được văn bản thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan đề nghị có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Nghị định này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chương III

TỔ CHỨC KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP, NGÀY TRUYỀN THỐNG; ĐIỀU KIỆN, YÊU CẦU TỔ CHỨC NGÀY HƯỞNG ỨNG

Điều 9. Tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống

1. Năm tròn

a) Bộ, ngành, cấp tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trong đó xác định về thời gian, địa điểm, chương trình, thành phần của lễ kỷ niệm;

b) Phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm:

- Bộ trưởng, người đứng đầu ngành cơ quan trung ương phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của bộ, ngành;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của cấp tỉnh và tại địa phương.

c) Người đứng đầu bộ, ngành, cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống theo kế hoạch đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về việc tổ chức lễ kỷ niệm bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

2. Năm khác: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động thiết thực khác kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống. Không tổ chức lễ kỷ niệm.

3. Kinh phí tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống được cân đối bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các cơ quan, địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Điều 10. Khánh tiết, trang trí lễ kỷ niệm

1. Lễ kỷ niệm được tổ chức trong hội trường hoặc ngoài trời.

2. Tổ chức trong hội trường (theo hướng từ dưới nhìn lên lễ đài)

a) Treo Đảng kỳ và Quốc kỳ về phía bên trái của lễ đài; Đảng kỳ ở bên trái, Quốc kỳ ở bên phải;

b) Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục cao phía dưới giữa Đảng kỳ và Quốc kỳ. Trường hợp cờ được treo trên cột thì tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt chếch phía trước bên phải cột cờ;

c) Tiêu đề buổi lễ được thể hiện bằng kiểu chữ chân phương, in hoa, đứng trên nền phông về phía bên phải lễ đài. Địa danh và ngày, tháng, năm tổ chức lễ kỷ niệm được thể hiện bằng chữ in thường, nghiêng, ở hàng cuối cùng phía dưới tiêu đề lễ kỷ niệm.

Trường hợp có nội dung trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng phải ghi đầy đủ danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng cao nhất được đón nhận;

d) Bục phát biểu được đặt ở vị trí 1/3 chiều ngang của Lễ đài tính từ bên phải sang trái;

đ) Hoa trang trí đặt ở phía dưới, trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; lẵng hoa do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng được đặt ở vị trí trang trọng; việc đặt lẵng hoa, cây cảnh phải phù hợp với không gian của lễ đài, bảo đảm mỹ quan;

e) Khẩu hiệu của buổi lễ được treo ở vị trí nổi bật, phù hợp với không gian hội trường. Nội dung khẩu hiệu do Ban Chỉ đạo quyết định;

g) Bên ngoài hội trường trang trí cờ, băng rôn khẩu hiệu, tạo cảnh quan phù hợp với buổi lễ.

3. Tổ chức ngoài trời

a) Lễ kỷ niệm ngoài trời được tổ chức tại quảng trường, sân vận động hoặc một địa điểm trang trọng khác do Ban Tổ chức quyết định;

b) Lễ đài được thiết kế vững chắc, trang trí tương tự như tổ chức trong hội trường. Trường hợp khu vực lễ đài đã có tượng, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Trường hợp trước lễ đài đã có cột cờ thì Quốc kỳ được treo trên cột cờ và không treo Quốc kỳ trên lễ đài.

Điều 11. Trang phục của người tham dự lễ kỷ niệm

1. Trang phục của thành viên Ban Tổ chức, đại biểu, khách mời và khối quần chúng dự lễ lịch sự, phù hợp, theo quy định của Ban Tổ chức.

2. Khuyến khích khách mời, đại biểu và quần chúng dự lễ mặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Khuyến khích khách mời, đại biểu và quần chúng dự lễ đeo huân chương, huy chương.

Điều 12. Đại biểu, khách mời dự lễ kỷ niệm

1. Đại biểu, khách mời tham dự lễ kỷ niệm do đơn vị tổ chức quyết định; thành phần, số lượng khách mời phù hợp với quy mô, điều kiện tổ chức lễ kỷ niệm.

2. Trường hợp mời lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, đơn vị tổ chức mời không quá 02 trong 04 đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

3. Khách mời theo cấp, bậc được bố trí vị trí ngồi thứ tự từ giữa ra hai bên, từ phía trước ra phía sau.

Điều 13. Nghi thức lễ kỷ niệm

1. Nghi thức tổ chức lễ kỷ niệm được tiến hành theo trình tự sau:

a) Thông báo chương trình lễ kỷ niệm;

b) Lễ chào cờ, đại biểu dự lễ hát Quốc ca;

c) Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu, khách mời theo thứ tự sau:

- Giới thiệu đích danh đại biểu cấp trên đến tham dự lễ kỷ niệm;

- Giới thiệu đại diện tên cơ quan, đơn vị hoặc nhóm chức danh được mời;

- Giới thiệu đích danh chức danh cao nhất (đương nhiệm) của người đứng đầu đơn vị chủ trì tổ chức lễ kỷ niệm;

- Khi được giới thiệu, đại biểu có chức danh cao nhất đứng lên, cúi chào (các đại biểu dự lễ kỷ niệm vỗ tay).

d) Diễn văn kỷ niệm;

đ) Công bố quyết định khen thưởng, trao thưởng (nếu có);

e) Phát biểu của đại biểu cấp trên (nếu có);

g) Phát biểu đáp từ của người đứng đầu đơn vị chủ trì tổ chức lễ kỷ niệm;

h) Tuyên bố kết thúc buổi lễ.

2. Việc điều hành phần nghi thức quy định tại khoản 1 Điều này phải do Ban Tổ chức lễ kỷ niệm thực hiện.

Điều 14. Điều kiện, quy mô tổ chức ngày hưởng ứng

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổ chức ngày hưởng ứng khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Do Việt Nam tham gia các Điều ước quốc tế hoặc những sự kiện được cộng đồng quốc tế kêu gọi tham gia;

b) Chủ đề của ngày hưởng ứng có tính cần thiết, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.

2. Kế hoạch tổ chức ngày hưởng ứng phải thể hiện rõ quy mô, thời gian, địa điểm, hình thức, nội dung chương trình.

3. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tổ chức ngày hưởng ứng

a) Ngày hưởng ứng quy mô quốc gia do bộ quản lý ngành, lĩnh vực phê duyệt;

b) Ngày hưởng ứng quy mô cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 15. Yêu cầu tổ chức ngày hưởng ứng

1. Bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả và sử dụng nguồn lực từ hoạt động xã hội hóa.

2. Chương trình tổng thể, nội dung, hình thức của các thông điệp tuyên truyền phải bảo đảm phù hợp chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

3. Các sự kiện mít tinh, diễu hành, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của ngày hưởng ứng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường an toàn xã hội.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với việc công nhận và tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống; ngày hưởng ứng.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của đơn vị, địa phương trực thuộc.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn những nội dung có tính chất đặc thù về nghi lễ đối với việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều 17. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với ngày thành lập, ngày truyền thống đã được các cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải thực hiện các trình tự, thủ tục để công nhận lại.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

2. Bãi bỏ những nội dung quy định về tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Điều 17 Chương 4 Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại, đón tiếp khách nước ngoài.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b).PC.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm