Luật Giao thông đường bộ sửa đổi Dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi

Chính thức vào ngày 01/06/2020, Quốc hội đã chính thức ban hành dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Văn bản này sẽ thay thế cho Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12.

Luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Sau đây là nội dung chi tiết của bản dự thảo luật giao thông đường bộ sửa đổi xin mời các bạn cùng tham khảo.

QUỐC HỘI

Luật số: /QH14

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đường bộ là công trình dạng tuyến có bề mặt sử dụng cho giao thông đường bộ. Đường bộ gồm đường và các bộ phận gắn liền với đường như: điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đường cứu nạn, cầu, cống, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ.

2. Công trình đường bộ là các công trình, hạng mục công trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải đường bộ và quản lý vận hành đường bộ. Công trình đường bộ bao gồm: đường bộ, công trình báo hiệu đường bộ, công trình an toàn giao thông, hệ thống thoát nước đường bộ, hệ thống chiếu sáng đường bộ, hệ thống quản lý, giám sát giao thông, tường chắn, kè bảo vệ đường bộ, hệ thống thu phí đường bộ, nhà quản lý giao thông, kho vật tư dự phòng và các công trình, thiết bị khác của đường bộ.

3. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, các công trình phụ trợ khác phục vụ cho giao thông đường bộ, hành lang an toàn đường bộ.

4. Đường cao tốc là đường thiết kế và xây dựng đặc biệt dành cho xe cơ giới chạy tốc độ cao nhằm bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình; chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định; không giao nhau

cùng mức với đường khác; được bố trí trang thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác; trừ những đặc điểm đặc biệt hoặc có tính chất tạm thời, đường cao tốc phải có giải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt.

5. Đường phố là đường đô thị có lòng đường và hè phố.

6. Đường giao thông nông thôn là đường huyện, đường xã, đường thôn xóm.

7. Đường địa phương là đường tỉnh, đường đô thị và đường giao thông nông thôn.

8. Đường chính là đường bảo đảm giao thông chủ yếu trong khu vực.

9. Đường nhánh là đường nối vào đường chính.

10. Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông đường bộ được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.

11. Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính hoặc đường nhánh.

12. Phần đường xe chạy là phần mặt đường của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại.

13. Làn đường xe chạy là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.

14. Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.

15. Nơi đường giao nhau cùng mức là nơi hai hay nhiều đường bộ hoặc đường bộ và đường sắt gặp nhau trên cùng một mặt bằng, gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau.

16. Làn ngoài cùng là làn đường giáp với lề đường hoặc vỉa hè phía bên phải theo chiều đi của đường.

17. Làn trong cùng là làn đường giáp với tim đường hoặc dải phân cách giữa (trong trường hợp là đường đôi, đường hai chiều), giáp với lề đường hoặc vỉa hè phía bên trái (trong trường hợp là đường một chiều) theo chiều đi của đường.

18. Đường qua khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, nội thị trấn và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường; được xác định bằng biển báo hiệu đường bộ.

19. Ùn tắc giao thông là tình trạng các phương tiện di chuyển chậm hơn đáng kể so với bình thường.

20. Tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của cầu và đường để bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế.

21. Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

22. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng di chuyển trên đường bộ.

23. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) là những phương tiện sau: xe ô tô (kể cả xe ô tô tự lái); rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe mô tô; xe gắn máy và các loại xe tương tự (kể cả phương tiện giao thông thông minh, phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện đa tính năng).

24. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) là những phương tiện sau: xe đạp (kể cả xe đạp điện), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

25. Xe máy chuyên dùng là xe máy thực hiện chức năng công dụng đặc biệt, có tham gia giao thông đường bộ gồm: xe máy thi công; xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi máy kéo; xe đặc chủng sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và các loại xe máy chuyên dùng khác.

26. Phương tiện giao thông thông minh, phương tiện giao thông công nghệ mới là phương tiện hoạt động trên đường bộ, có các trang thiết bị để cho phép ghi nhận, tự động hóa các nhiệm vụ của người lái xe hoặc có nguyên lý hoạt động mới

27. Phương tiện đa tính năng là phương tiện được thiết kế, sản xuất chủ yếu hoạt động trên đường bộ nhưng có thể hoạt động trên không hoặc hoạt động dưới nước.

28. Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

29. Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

30. Người lái xe là người điều khiển xe cơ giới.

31. Người vận tải là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để thực hiện hoạt động vận tải đường bộ.

32. Hành khách là người được chở trên phương tiện vận tải hành khách đường bộ, có trả tiền.

33. Hành lý là vật phẩm mà hành khách mang theo trên cùng phương tiện hoặc gửi theo phương tiện khác.

34. Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, động vật sống và các động sản khác được vận chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ.

35. Hàng hoá ký gửi là hàng hoá gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách mà người gửi không đi cùng trên xe đó.

36. Hàng nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

37. Vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ.

38. Vận tải nội bộ là hoạt động vận tải không kinh doanh do các tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở lên hoặc xe ô tô tải (trừ xe pick up, xe tải van có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham giao giao thông dưới 950kg) để chở người, hoàng hóa của tổ chức, cá nhân đó và không thu tiền dưới mọi hình thức.

39. Khối lượng bản thân của phương tiện là khối lượng của xe hoàn chỉnh với trang thiết bị tiêu chuẩn và nhiên liệu (tối thiểu 90% thể tích thùng nhiên liệu) ở trạng thái sẵn sàng hoạt động; không bao gồm lái xe, hành khách, hàng hóa.

40. Khối lượng toàn bộ thiết kế của phương tiện là khối lượng lớn nhất của phương tiện theo quy định của nhà sản xuất.

41. Khối lượng toàn bộ cho phép của phương tiện là khối lượng toàn bộ của phương tiện do cơ quan chức năng có thẩm quyền quy định nhưng không lớn hơn khối lượng toàn bộ theo thiết kế của phương tiện.

42. Khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế là khối lượng toàn bộ thiết kế của phương tiện trừ đi khối lượng bản thân của phương tiện và khối lượng người lái xe.

43. Khối lượng hàng chuyên chở cho phép là khối lượng toàn bộ cho phép của phương tiện trừ đi khối lượng bản thân của phương tiện và khối lượng người cho phép chở.

44. Xe ô tô là phương tiện chạy bằng động cơ được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, không chạy trên đường ray, dùng để chở người, hàng hóa; kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc; có kết cấu để thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt; có vận tốc thiết kế lớn nhất không nhỏ hơn 60 km/h. Xe ô tô bao gồm cả các loại loại xe sau: xe từ bốn bánh trở lên; các xe được nối với đường dây dẫn điện; các xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg. Xe ô tô không bao gồm các xe máy chuyên dùng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ hoạt động trên đường bộ.

45. Xe ô tô chở người là xe ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người và hành lý mang theo. Xe ô tô chở người có thể được thiết kế, sản xuất để kéo theo rơ moóc.

46. Xe ô tô chở khách là xe có ô tô chở người có số người cho phép chở kể cả người lái từ 10 người trở lên.

47. Xe ô tô chở hàng (ô tô tải) là xe ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng và có tối đa hai hàng ghế trong cabin. Xe ô tô chở hàng có thể được thiết kế, sản xuất để kéo theo rơ moóc.

48. Xe ô tô chuyên dùng là xe ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt. Xe ô tô chuyên dùng có thể được thiết kế, sản xuất để kéo theo rơ moóc.

49. Xe ô tô khách thành phố là xe ô tô chở người từ 10 chỗ trở lên, kể cả người lái, có kết cấu và trang bị để vận chuyển hành khách trong thành phố và vùng lân cận; trên xe có bố trí các ghế ngồi, chỗ đứng cho hành khách; cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên.

50. Rơ moóc là phương tiện không có động cơ được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; có kết cấu và trang bị dùng để chở người hoặc hàng hóa; phần chủ yếu của khối lượng toàn bộ của rơ moóc không đặt lên xe kéo.

51. Sơ mi rơ moóc là phương tiện không có động cơ được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, được kéo bởi xe ô tô đầu kéo; có kết cấu và trang bị dùng để chở người hoặc hàng hóa và có một phần đáng kể khối lượng toàn bộ đặt lên ô tô đầu kéo.

52. Xe ô tô kéo rơ moóc là xe ô tô được thiết kế, sản xuất chỉ để kéo rơ moóc.

53. Xe ô tô đầu kéo là xe ô tô được thiết kế, sản xuất để kéo sơ mi rơ moóc. Xe ô tô đầu kéo có thể được thiết kế, sản xuất để kéo theo rơ moóc.

54. Xe đạp là xe có ít nhất hai bánh và vận hành được chủ yếu do cơ bắp của người trên đó thông qua bàn đạp hoặc tay quay.

55. Xe đạp điện là xe đạp hai bánh được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất lớn nhất của động cơ đạt được ở trạng thái hoạt động bình thường liên tục (công suất định mức liên tục lớn nhất) không lớn hơn 250 W. Động cơ điện bị ngắt truyền lực tới xe khi người lái xe dừng đạp; giảm dần và ngắt trước khi xe đạt tới tốc độ 25 km/h.

56. Xe gắn máy là phương tiện có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3. Nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất định mức liên tục lớn nhất của động cơ không lớn hơn 4 kW. Xe gắn máy gồm cả xe đạp gắn động cơ đốt trong và xe đạp gắn động cơ điện, không bao gồm xe đạp điện nêu tại khoản 56 Điều này.

57. Xe mô tô là phương tiện có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ và không bao gồm xe gắn máy. Đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg.

58. Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là phương tiện có hai trục, ít nhất bốn bánh xe chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ trong phạm vi hạn chế, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả chỗ ngồi của người lái).

59. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là phương tiện có hai trục, ít nhất bốn bánh xe chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ trong phạm vi hạn chế, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một khung xe. Xe sử dụng động cơ xăng, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 15 kW, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg.

60. Máy kéo (kể cả loại máy kéo nhỏ có 2 bánh xe) là phương tiện được thiết kế, sản xuất để hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; sử dụng để kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoặc dẫn động máy nông nghiệp, lâm nghiệp; có tham gia giao thông đường bộ.

61. Giao thông công cộng là nơi mà người và phương tiện đi lại tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ.

62. Trung tâm quản lý, điều hành và giám sát giao thông đường bộ gồm công trình xây dựng, các thiết bị công nghệ lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu và hiển thị để quản lý, giám sát giao thông và các trang thiết bị công nghệ phụ trợ khác.

63. Chủ sở hữu công trình đường bộ là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu công trình đường bộ theo quy định của pháp luật.

64. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình đường bộ là chủ sở hữu trong trường hợp chủ sở hữu trực tiếp quản lý, vận hành khai thác hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu giao hoặc ủy quyền quản lý, vận hành khai thác công trình đường bộ.

65. Cơ quan đăng kiểm phương tiện là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

66. Cơ quan quản lý đường bộ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

Điều 4. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động giao thông đường bộ

1. Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

2. Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vàhội nhập quốc tế, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.

3. Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

4. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông,giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm phương tiện đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ.

6. Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Điều 5. Chính sách phát triển giao thông đường bộ

1. Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ quốc gia; vận tải hành khách công cộng để bảo đảm giao thông vận tải đường bộ đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

2. Ưu tiên phân bổ ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỉ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ quốc gia theo quy hoạch.

3. Đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là ngành nghề ưu đãi đầu tư. Căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế, Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công, được hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ quốc gia, đường cao tốc

4. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 6. Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, bao gồm hệ thống quốc lộ và đường cao tốc quốc gia, định hướng chung cho các quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các quy hoạch đường bộ do địa phương quản lý.

a) Việc lập quy hoạch mạng lưới đường bộ tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.

b) Bộ GTVT tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch

2. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộlà các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để chi tiết hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ, cho từng hoạch cụm các tuyến đường bộ cùng các công trình đường bộ có liên quan. Bộ GTVT chịu trách nhiệm xác định cụ thể các tuyến đường bộ cần lập quy hoạchkết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Xác định hướng tuyến, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô các tuyến đường bộ qua từng địa phương, từng vùng; xác định số lượng, quy mô, thông số kỹ thuật chủ yếu của các công trình chính gồm cầu, hầm, bến phà trên tuyến đường bộ và các nội dung cần thiết khác;

b)Phương án kết nối với các phương thức vận tải khác hoặc khu vực có phát sinh nhu cầu vận tải như đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất;

c) Xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch theo thứ tự ưu tiên đầu tư;

d) Xây dựng giải pháp chi tiết để thực hiện quy hoạch.

4. Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm

5. Việc công bố công khai quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch

6. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 7. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ

1. Hệ thống thông tin giao thông đường bộ là hệ thống bao gồm các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu và quy trình, thủ tục để thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu và truy xuất thông tin liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ. Hệ thống thông tin giao thông đường bộ được thiết kế tổng thể theo khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam đảm bảo kết nối, chia sẻ, liên thông với các hệ thống thông tin khác.

2. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu lớn tập trung, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo để tích hợp hình thành hệ thống thông tin thống nhất phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là tài sản Nhà nước và phải được bảo đảm an ninh, an toàn.

3. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ gồm:

a) Cơ sở dữ liệu về kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Cơ sở dữ liệu về phương tiện;

c) Cơ sở dữ liệu về người điều khiển phương tiện;

d) Cơ sở dữ liệu về vận tải đường bộ;

đ) Cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

e) Cơ sở dữ liệu giám sát thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ;

g) Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ;

h) Cơ sở dữ liệu về tổ chức giao thông đường bộ;

i) Cơ sở dữ liệu có liên quan khác.

4. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ được sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

5. Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ.

Điều 8. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ

1. Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ tại địa phương, có hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp đến đồng bào các dân tộc thiểu số.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có trách nhiệm đưa pháp luật về giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ.

5. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên thuộc phạm vi quản lý của mình; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phá hoại công trình đường bộ.

2. Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường và đất hành lang an toàn đường bộ; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tự ý tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

3. Đào, đắp, san lấp, lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ

4. Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.

5. Thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.

6. Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

7. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.

8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

9. Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định; điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

10. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

11. Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt xe không đúng quy định.

12. Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

13. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông.

14. Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.

15. Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định.

16. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

17. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông đường bộ để trốn tránh trách nhiệm.

18. Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đường bộ.

19. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông đường bộ.

20. Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông đường bộ.

21. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

22. Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

23. Vi phạm quy tắc giao thông đường bộ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gây hư hỏng tài sản công hoặc tư.

24. Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

25. Ném gạch, đất, đá, cát, hoặc vật thể khác vào người, phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ.

26. Điều khiển phương tiện cơ giới đi song song với phương tiện bên phảigây cản trở giao thông đường bộ.

27. Quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều trên đường cao tốc.

Chương II

QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 10. Quy tắc chung

1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình; đi đúng làn đường, phần đường, chiều đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

2. Người điều khiển và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những vị trí có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,3m hoặc dưới 30 kg được chở trên xe ô tô bằng ghế chuyên dụng.

3. Người tham gia giao thông không được có cử chỉ, hành động gây nguy hiểm, cản trở giao thông bằng việc để, ném, vứtcác vật, chất hoặc tạo chướng ngại vật trên đường. Trong trường hợp không thể tránh được việc tạo ra nguy hiểm, chướng ngại vật phải có những biện pháp cần thiết để di chuyển, khắc phục nhanh nhất; nếu không thể di chuyển, khắc phục ngay phải cảnh báo cho người tham gia giao thông khác biết sự hiện diện của những nguy hiểm, chướng ngại vật này.

4. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chú ý đặc biệt để bảo đảm an toàn cho những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương như người đi bộ, người đi xe đạp, đặc biệt là trẻ em, người già và người khuyết tật.

5. Người điều khiển phương tiện tham giao thông chỉ sử dụng cảnh báo khi cần thiết và phải chấm dứt ngay việc cảnh báo khi tình huống cần cảnh báo đã kết thúc.

6. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chú ý không để phương tiện của mình ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông khác hoặc cư dân bên đường (như gây ra tiếng ồn, bụi, khói) mà thực tế có thể tránh được.

7. Người lái xe phải bảo đảm sức khỏe về thể chất và tinh thần. Thời gian điều khiển phương tiện của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong 24 giờ và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

8. Khi muốn điều khiển xe ra, vào vị trí dừng đỗ, chuyển làn, chuyển hướng, quay đầu, lùi xe, người điều khiển phương tiện phải kiểm tra, quan sát, có báo hiệu thể hiện hướng di chuyển và chỉ thực hiện việc di chuyển khi không gây nguy hiểm cho người, các phương tiện tham gia giao thông khác.

9. Người điều khiển phương tiện cơ giới phải giảm tốc độ, khi cần thiết phải dừng lại để nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh thực hiện việc di chuyển ra, vào điểm dừng đón, trả khách trên đường.

Trong bất cứ trường hợp nào, người điều khiển xe buýt, xe đưa đón học sinh phải luôn đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khác.

10. Khi điều khiển phương tiện từ cổng cơ quan, tổ chức, nhà dân di chuyển ra đường, người điều khiển phương tiện phải chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ và các phương tiện khác đi trên đường (bao gồm phương tiện được phép đi trên vỉa hè).

11. Người điều khiển giao thông đang thi hành nhiệm vụ phải đứng ở vị trí thuận tiện cho người tham giao thông quan sátrõ cả ban đêm và ban ngày.

Điều 11. Hệ thống báo hiệu đường bộ

1. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm:

a) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

b) Tín hiệu đèn giao thông;

c) Biển báo hiệu đường bộ.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về báo hiệu đường bộ.

Điều 12. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

1. Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông mặc sắc phục theo quy định của Bộ Công an hoặc là người được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông có mang băng đỏ rộng 10 cm ở khoảng giữa cánh tay phải, in dòng chữ “ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG”.

2. Hiệu lực của người điều khiển giao thông: người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.

3. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông bao gồm: hiệu lệnh bằng cử chỉ, hiệu lệnh bằng còi và hiệu lệnh bằng tín hiệu ánh sáng.

4. Hiệu lệnh bằng cử chỉ:

a) Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng đều phải dừng lại;

b) Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; cánh tay trái người điều khiển gập đi gập lại sau gáy để báo hiệu người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn hoặc cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực để báo hiệu người tham gia giao thông bên phải người điều khiển đi nhanh hơn; bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại; bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại;

c) Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển chỉ được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phía sau lưng người điều khiển giao thông được phép đi; đồng thời tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay phải báo hiệu người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được rẽ trái qua trước mặt người điều khiển.

5. Hiệu lệnh bằng tín hiệu ánh sáng: người điều khiển giao thông cầm đèn ánh sáng có mặt đỏ giơ cao hướng về phía phương tiện đang chạy tới.

6. Hiệu lệnh bằng còi được sử dụng kết hợp với động tác chỉ huy, điều khiển giao thông, cụ thể như sau:

a) Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại;

b) Một tiếng còi ngắn, nhanh là cho phép đi;

c) Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn cho phép rẽ trái qua mặt;

d) Hai tiếng còi ngắn, mạnh là báo hiệu đi chậm lại;

đ) Ba tiếng còi ngắn, nhanh là báo hiệu đi nhanh lên;

e) Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm soát hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.

7. Người điều khiển chỉ gậy chỉ huy giao thông vào hướng xe nào thì xe ở hướng đó phải dừng lại.

8. Người tham gia giao thông phải dừng lại khi có hiệu lệnh báo dừng lại của người điều khiển giao thông, trừ các trường hợp sau:

a) Trường hợp phương tiện tham gia giao thông đã đi vượt qua “vạch dừng xe” tại các nơi đường giao nhau mà dừng lại sẽ gây mất an toàn giao thông;

b) Trường hợp người đi bộ còn đang đi ở lòng đường thì nhanh chóng đi hết hoặc dừng lại ở đảo an toàn, nếu không có đảo thì dừng lại ở vạch sơn phân chia hai dòng phương tiện giao thông đi ngược chiều.

Điều 13. Tín hiệu đèn giao thông

1. Tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao.

2. Tín hiệu đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).

3. Tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).

Trường hợp đã đi quá vạch dừng, đèn tín hiệu hoặc đã quá gần vạch dừng, đèn tín hiệu mà nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp.

Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Điều 14. Biển báo hiệu đường bộ

1. Biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm:

a) Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;

b) Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;

c) Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;

d) Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;

đ) Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn hoặc được sử dụng độc lập.

2. Nguyên tắc lắp đặt biển báo hiệu đường bộ:

a) Mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi;

b) Được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt);

c) Đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ quan sát và thực hiện.

Điều 15. Vạch kẻ đường

1. Vạch kẻ đường là hình thức báo hiệu đường bộ trên mặt đường và các công trình đường bộ để hướng dẫn giao thông.

2. Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông.

3. Đối với đường có tốc độ thiết kế từ 60km/h trở lên, vạch kẻ đường phải phản quang.

Điều 16. Cọc tiêu, đinh phản quang, tiêu phản quang, gương cầu lồi, tường bảo vệ, rào chắn, dải phân cách, cột kilômét, cọc H và các thiết bị phục vụ an toàn giao thông khác

1. Cọc tiêu, đinh phản quang, tiêu phản quang, tường bảo vệ, rào chắn, dải phân cách, cột kilômét, cọc H và các thiết bị phục vụ an toàn giao thông khác được đặt ở các vị trí cần thiết để hướng dẫn, bảo vệ, bảo đảm an toàn giao thông.

2. Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ đặt ở các đoạn đường nguy hiểm, hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phần đường an toàn và hướng đi của tuyến đường.

Tường bảo vệ dùng để thay thế cọc tiêu, phải được gắn tiêu phản quang hoặc sơn phản quang theo quy định.

3. Đinh phản quang là thiết bị dẫn hướng được lắp đặt trên mặt đường theo chiều dọc hoặc chiều ngang đường.

4. Tiêu phản quang là thiết bị dẫn hướng được gắn các công cụ phản quang để dẫn hướng xe chạy vào ban đêm hoặc trong điều kiện sương mù, điều kiện hạn chế tầm nhìn. Tiêu phản quang được bố trí tại các nơi mà tuyến đường có thể gây nhầm lẫn hoặc lúng túng về hướng đường.

5. Cột kilômét dùng để xác định lý trình và kết hợp chỉ dẫn cho những người tham gia giao thông biết khoảng cách trên hướng đi trên hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện.

6. Cọc H là cọc lý trình 100m trong phạm vi giữa hai cột kilômét liền kề.

7. Dải phân cách là bộ phận của đường để phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều riêng biệt hoặc để phân chia phần đường dành cho xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều đường. Dải phân cách gồm dải phân cách cố định và dải phân cách di động.

Điều 17. Chấp hành báo hiệu đường bộ

1. Người tham gia giao thông phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự dưới đây:

a) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

b) Tín hiệu đèn giao thông;

c) Biển báo hiệu;

d) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.

4. Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Điều 18. Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe

1. Nguyên tắc chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường bộ:

a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy cùng chiều liền trước trên cùng làn xe của mình và điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp với điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, khối lượng của phương tiện, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn giao thông;

b) Khi tham gia giao thông trên đường bộ, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ và cự ly tối thiểu giữa hai xe được ghi trên biển báo hiệu đường bộ;

c) Tại những đoạn đường không bố trí biển báo quy định về tốc độ, cự ly tối thiểu giữa hai xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và Khoản 9 Điều này;

d) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không được chạy chậm để cản trở phương tiện giao thông khác mà không có lý do hợp lý;

đ) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không được dừng phương tiện đột ngột hoặc phanh gấp để giảm tốc độ đột ngột trừ trường hợp buộc phải làm như vậy để tránh nguy hiểm;

e) Khi muốn giảm tốc độ, người điều khiển phương tiện phải bảo đảm việc giảm tốc độ không gây nguy hiểm, phải báo hiệu cho người điều khiển phương tiện khác biết bằng đèn tín hiệu hoặc bằng tay (trừ trường hợp để tránh nguy hiểm xảy ra hoặc biết rõ không có xe nào đi sau hoặc xe sau còn cách quá xa.

g) Người điều khiển phương tiện chạy sau phương tiện khác phải giữ khoảng cách đủ để không va chạm vào phương tiện phía trước nếu nó đột ngột giảm tốc độ hoặc dừng lại;

h) Đối với các đoạn đường ngoài khu vực đông dân cư chỉ có một làn xe trên một chiều đường, để tạo điều kiện cho xe xin vượt, người lái xe hoặc tổ hợp xe có khối lượng toàn bộ trên 3.500kg hoặc có độ dài toàn phần trên 10m phải giữ khoảng cách với những xe phía trước sao cho những xe đang vượt xe của mình có thể vào được khoảng trống phía trước xe của mình một cách an toàn trừ trường hợp mật độ giao thông cao.

2. Tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) đối với xe ô tô, máy kéo, xe mô tô:

a) Trên đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên không quá 60 km/h;

b) Trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có 01 làn xe cơ giới không quá 50km/h.

3. Tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) đối với xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn:

a) Trên đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên không quá 90 km/h;

b) Trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 01 làn xe cơ giới không quá 80 km/h.

4. Tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) đối với xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn:

a) Trên đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên không quá 80 km/h;

b) Trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 01 làn xe cơ giới không quá 70 km/h.

5. Tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) đối với xe ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; ô tô chuyên dùng; xe mô tô:

a) Trên đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên không quá 70 km/h;

b) Trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 01 làn xe cơ giới không quá 60 km/h.

6. Tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) đối với xe ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác:

a) Trên đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên không quá 60 km/h;

b) Trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 01 làn xe cơ giới không quá 50 km/h.

7. Tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự không quá 40 km/h.

8. Tốc độ khai thác tối đa cho phép trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h; trường hợp vượt quá 120 km/h do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

9. Các trường hợp phải giảm tốc độ:

a) Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;

b) Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế;

c) Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường cong; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường có mặt đường hẹp, không êm thuận;

d) Qua cầu, cống hẹp; đi qua đập tràn, đường ngầm, hầm chui; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc;

đ) Qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông;

e) Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

g) Khi có súc vật đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường;

h) Tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước;

i) Khi đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe;

k) Khi gặp xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ; gặp xe siêu trường, xe siêu trọng, xe chở hàng nguy hiểm; gặp đoàn người đi bộ;

l) Trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi;

m) Khi điều khiển phương tiện đi qua khu vực trạm kiểm soát tải trọng xe, trạm cảnh sát giao thông, trạm thu phí đường bộ.

10. Khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường trong điều kiện mặt đường khô ráo:

a) Khi điều khiển xe chạy với tốc độ lưu hành không quá 60 km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông;

b) Tốc độ lưu hành từ 60 km/h đến 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 80m;

c) Tốc độ lưu hành từ 80 km/h đến 100 km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m;

d) Tốc độ lưu hành từ 100 km/h đến trên 120 km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 120m.

11. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người điều khiển phương tiện phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định tại Khoản 10 Điều này.

Điều 19. Sử dụng làn đường

1. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải làn đường.

2. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn. Các xe trên các làn khác nhau có thể di chuyển với tốc độ khác nhau nhưng phải tuân thủ về tốc độ và loại phương tiện trên từng làn.

3. Trên đường một chiều có vạch phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn ngoài cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên các làn đường còn lại.

4. Trường hợp xe thô sơ đang di chuyển trong làn dành cho xe thô sơ mà gặp phương tiện khác dừng, đỗ, chướng ngại vật gây cản trở theo hướng di chuyển thì được phép chuyển sang làn xe cơ giới liền kề phía bên tay trái để tiếp tục di chuyển; sau khi đã vòng, tránh phải nhanh chóng trở về làn xe thô sơ.

5. Trên làn đường dành riêng cho một loại phương tiện, người điều khiển loại phương tiện khác không được đi vào làn đường đó.

6. Trên đường hai chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên trên một chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại, trừ trường hợp tổ chức giao thông cho phép.

Điều 20. Vượt xe

1. Khi vượt xe, các xe phải vượt về phía bên trái của xe bị vượt theo chiều đi của đường, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều này.

2. Trên đường trong khu vực đông dân cư có từ hai làn xe trở lên trên một chiều xe chạy và trên đường ngoài khu vực đông dân cư có từ ba làn xe trở lên trên một chiều xe chạy, khi xe ở một làn chạy nhanh hơn xe làn khác thì không được coi là vượt xe.

3. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn. Xe thô sơ không có đèn hoặc còi, người điều khiển phương tiện xin vượt bằng tay hoặc tín hiệu phù hợp khác.

4. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

5. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

6. Các trường hợp được vượt bên phải:

a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái và đang rẽ trái;

b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;

c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

7. Không được vượt xe trong các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều này;

b) Trên cầu hẹp có một làn xe;

c) Trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế, khu vực đường cong có tầm nhìn bị hạn chế;

d) Nơi đường giao nhau, nơi quy định dành cho người đi bộ sang đường, nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ;

g) Khi xe phía sau bắt đầu vượt hoặc xe phía trước đã báo hiệu vượt xe khác trên cùng làn đường.

Điều 21. Chuyển hướng xe

1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho người đi xe đạp, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau hoặc nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.

4. Người điều khiển phương tiện không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt đường bộ, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, trừ các trường hợp tổ chức giao thông cho phép quay đầu xe.

Điều 22. Lùi xe

1. Khi lùi xe, người điều khiển phương tiện phải quan sát, có tín hiệu hoặc biện pháp cảnh báo cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

2. Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau (trừ trường hợp lùi để quay đầu xe hoặc chuyển hướng xe khi có địa hình hạn chế), nơi tầm nhìn bị che khuất, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường một chiều, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.

Điều 23. Tránh xe đi ngược chiều

1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.

2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:

a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe, xe ở gần chỗ tránh phải vào vị trí tránh để nhường đường;

b) Xe có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật;

c) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc, kể cả trường hợp xe lên dốc có chướng ngại vật phía trước.

3. Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

Điều 24. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút. Khi dừng xe người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để đóng mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải là dừng xe.

3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi vào vị trí dừng xe, đỗ xe;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường, phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc buộc phải đỗ tại nơi không được phép đỗ phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm phía sau xe hoặc có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp;

đ) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh và đánh lái về phía lề đường.

4. Trừ trường hợp tổ chức giao thông cho phép, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi có tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Cách xe ô tô đỗ ngược chiều dưới 40 mét đối với đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường.

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Điều 25. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 24 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông;

2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được dừng, đỗ phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định;

3. Trường hợp mỗi chiều đường có một làn xe cơ giới, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

Điều 26. Mở cửa phương tiện

1. Trước khi mở cửa phương tiện phải quan sát, thấy an toàn mới được mở cửa.

2. Khi mở cửa không được gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

3. Không được mở cửa, để cửa mở khi phương tiện đang di chuyển.

Điều 27. Quy tắc sử dụng đèn của phương tiện tham gia giao thông

1. Phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau:

a) Đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần; đèn sương mù trong điều kiện sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất);

b) Đèn chiếu hậu;

c) Đèn tín hiệu nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

2. Phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần trong các trường hợp:

a) Khi lưu thông trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động;

b) Khi xe xin vượt chuẩn bị vượt xe phía trước;

c) Để không chói mắt người điều khiển phương tiện theo chiều ngược lại.

Điều 28. Sử dụng tín hiệu còi của phương tiện

1. Tín hiệu còi của phương tiện chỉ sử dụng khi:

a) Báo hiệu tránh tai nạn;

b) Báo hiệu chuẩn bị vượt xe.

2. Âm thanh phát ra từ tín hiệu còi của phương tiện không được dài quá sự cần thiết.

3. Không được sử dụng còi có âm lượng lớn gần bệnh viện, trường học.

..................

Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết tại file dưới đây!

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm