Bài viết số 3 lớp 6 đề 2: Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan....) Dàn ý &13 bài viết số 3 lớp 6 đề 2

Bài viết số 3 lớp 6 đề 2: Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan....) gồm dàn ý, cùng 13 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 6 có thêm nhiều tài liệu học tập môn Ngữ văn lớp 6.

Với 13 bài văn mẫu kể chuyện vui sinh hoạt này, các em có thêm nhiều tư liệu tham khảo, củng cố kiến thức trau dồi vốn từ để có thêm nhiều ý tưởng hay và mới cho bài viết số 3 của mình. Vậy mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây:

Đề bài: Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan,…).

Dàn ý kể một chuyện vui sinh hoạt

A. Mở bài.

- Giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

B. Thân bài.

- Kể lại diễn biến của câu chuyện.

+ Thời gian địa điểm xảy ra câu chuyện?

+ Tình huống đáng cười trong câu chuyện là gì?

+ Câu chuyện kết thúc ra sao?

- Em rút ra được điều gì từ câu chuyện đó?

C. Kết bài: Ấn tượng mà câu chuyện để lại trong em là gì?

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 1

Trên đầu gối của em có một vết sẹo nhỏ do vấp ngã từ hồi còn bé. Vết sẹo đó mang theo một câu chuyện dở khóc dở cười về tuổi thơ nghịch ngợm của em.

Hồi ấy, em mới học lớp 2. Cứ được nghỉ, là em lại cùng các bạn trong xóm chạy đi khắp nơi để rong chơi. Đặc biệt, lúc đó em rất thích một trò chơi đó là trêu những chú chó bị xích trong nhà hàng xóm. Ở quê em, hầu như nhà nào cũng nuôi một chú chó, xích gần cổng để giữ nhà. Những đứa trẻ nghịch ngợm như em vô cùng thích thú việc trêu những chú chó sủa ầm lên, rồi khoái chí nhìn nó muốn đuổi theo mà không được. Dù bị mắng rất nhiều lần nhưng em vẫn chẳng chịu bỏ trò chơi này. Mãi đến một lần, như thường lệ, em và các bạn đang đi chơi quanh xóm vào một buổi trưa hè. Chợt em dừng lại trước cửa nhà bác Năm. Ở đó, có một chú chó to đùng đang nằm ngủ. Đó là chú chó to lớn, bệ vệ nhất trong cả làng em. Nghe đâu, nó là giống chó lai được mang về từ Đức. Thế là, em liền nhặt một hòn sỏi nhỏ ném về phía chú chó. Nó quay sang nhìn em, rồi lại nhắm mắt lại. Không cam lòng, em ném liên tiếp nhiều cục đá nhỏ nữa về phía nó. Lần này thì chú cho tức giận thật sự. Nó chồm dậy, gầm gừ liên tục. Rồi chạy thẳng về phía trước. Lúc này, em mới nhận ra là nó không hề được buộc xích. Vô cùng hoảng sợ, em vội lao đầu bỏ chạy, do vội quá, nên em vấp ngã cái oạch xuống đất. Đúng lúc ấy, em nghe tiếng cười phá lên của lũ bạn. Quay đầu nhìn lại, em mới thấy, con chó đang gầm gừ sau cánh cổng chắn giữa vườn và sân nhà của bác Năm. Giây phút đó, hơn cả cơn đau do chảy máu ở đầu gối chính là sự xấu hổ tột cùng trong em. Lúc ấy, em chỉ biết cúi gằm mặt xuống đất. Một lát sau, bác Năm xuất hiện giải cứu em khỏi sự xấu hổ ê chề ấy. Nhìn thấy người lớn, lúc bạn của em liền co chân bỏ chạy, chỉ có em do bị thương ở đầu gối nên không chạy kịp, bị chú Năm bắt được. Chú dẫn em vào nhà, sơ cứu vết thương sạch sẽ rồi dần về nhà. Từ sau lần đó, em bỏ hẳn thói quen trêu chọc các chú chó bị xích trong nhà. Cũng không cùng các bạn lê la khắp làng xóm để chọc phá nữa.

Mỗi lần nhìn xuống vết sẹo ở đầu gối, tình huống trớ trêu hồi ấy lại hiện ra trước mắt, nhắc nhở em không bao giờ được phá phách lung tung nữa.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 2

Chiều hôm nay, trời đột nhiên đổ mưa tầm tã. Ngồi trong nhà nghe tiếng mưa rơi, em chợt nhớ lại một kỉ niệm cách đây đã rất lâu rồi. Nhưng em vẫn còn nhớ rõ lắm.

Hồi đấy, em là học sinh lớp 4. Đó là năm học đầu tiên em được bố mẹ cho phép tự đạp xe đến trường. Thế là, em được thoải mái cùng bạn bè đạp xe đi chơi sau mỗi giờ học. Một hôm, sau giờ học, trời mưa to ào ào. Em cùng các bạn hết sức buồn chán vì không thể đi chơi. Vậy là, ai cũng cặm cụi mặc áo mưa rồi đạp xe về nhà. Trên đường đi, chúng em có đi qua một con dốc cao. Chợt một ý nghĩ ngốc nghếch hiện lên trong đầu. Em ngồi xuống phần phía sau của xe đạp, tay rướn lên nắm lấy tay lái, chân duỗi thẳng ra. Dưới độ dốc của con đường, không cần đạp mà xe vẫn chạy băng băng. Cảm giác ấy sung sướng không thể tả. Thế nhưng khi gần ra khỏi con dốc, thì bánh xe của em chạy vào một ổ gà, thế là cả chiếc xe và em ngã sóng soài ra đường. Nhờ có áo mưa che cho, nên em chỉ bị xây xát nhẹ, nhưng áo quần và sách vở thì ướt hết. Lúc về nhà, trước sự truy hỏi của mẹ, em đã khai hết ra. Lúc ấy, trước ánh mắt nghiêm khắc và thất vọng của mẹ, cùng tiếng cười khoái chí của anh trai ngoài phòng khách. Em như muốn độn thổ vì xấu hổ. Sau sự kiện lần ấy, mỗi lần đi xe, em luôn nghiêm túc và cẩn thận hết sức. Để không chịu ướt và ngã như lần trước nữa.

Đến nay cũng đã gần ba năm trôi qua, nhưng câu chuyện hôm ấy em vẫn còn nhớ mãi.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 3

Hôm nay là thứ bảy, lớp tôi tổ chức buổi sinh hoạt cuối tuần, đồng thời cũng là liên hoan mừng bạn Lan đạt giải nhất môn văn toàn thành phố.

Vừa hết tiết cuối, cô giáo đã gọi mấy bạn trai lên văn phòng mang hoa quả bánh kẹo cô đã mua mang về lớp, một số bạn nam khác được phân công nhiệm vụ kê lại bàn ghế sao cho cả lớp ngồi quây quần bên nhau. Sau khi đã kê xong bàn ghế, các bạn gái được phân công cắm hoa, trải những chiếc khăn trắng tinh lên bàn và bày ra đĩa kẹo bánh, hoa quả đủ màu sắc, không khí lớp thật rộn ràng, tấp nập.

Cô giáo chủ nhiệm và bạn Lan, nhân vật chính của buổi liên hoan hôm nay bước vào, trông bạn thật xinh tươi trong chiếc váy đỏ. Sau khi tuyên bố lí do của buổi liên hoan, cô giáo nói:

- Bạn Lan đã đem lại vinh dự cho lớp ta, vậy cô đề nghị lớp ta tặng bạn một tràng vỗ tay để chúc mừng bạn.

Quay sang bạn Lan cô nói:

- Em có điều gì muốn nói với cả lớp không?

Bạn Lan nói:

- Em xin cảm ơn cô và các bạn đã giúp đỡ, động viên em trong quá trình học tập.

Có lẽ bạn còn muốn nói nữa nhưng vì xúc động nên không nói nên lời.

Sau đó cả lớp bắt đầu liên hoan, tiếng trêu đùa nhau nổ ra râm ran. Một lúc sau, cô giáo đề nghị cả lớp cùng nhau hát một bài. Tiếng vỗ tay hưởng ứng ào lên. Bạn quản ca bắt nhịp, cả lớp hát theo sôi nổi.

Sau tiết mục đồng ca, cô giáo đề nghị ai cũng phải hát một bài để tặng Lan. Mở đầu là bạn Dung, nghe cô giới thiệu cả lớp ồ lên thích thú vì Dung thường ngày rất nhút nhát, ít khi dám lên tiếng, hơn nữa bạn lại có một giọng nói không mấy trong trẻo. Chúng tôi cứ tưởng

Dung sẽ không dám đứng lên hát, thế mà bạn lại đứng lên hát ngay một bài dù không hay nhưng rất vui vẻ, có lẽ thấy lớp vui quá bạn quên cả tính nhút nhát của mình. Sau khi Dung hát xong liền chỉ định luôn bạn Hùng – một tên lém lỉnh và nghịch nhất lớp tôi. Vừa nghe thấy tên mình, Hùng đứng phắt ngay lên và nói:

Thay mặt cho các bạn nam lớp 6 của chúng ta, tớ sẽ hát một bài tặng Lan và tặng tất cả các bạn nữ.

Cả lớp ồ lên tán thưởng và tặng Hùng một tràng pháo tay. Chúng tôi không thể ngờ một người lúc nào cũng oang oang mà lại có giọng hát hay đến như vậy. Hùng hát say sưa như chưa bao giờ được hát. Và câu cuối cùng vừa dứt, Hùng lại pha trò:

- Trên đây tôi vừa hát rất hay, vậy tôi đề nghị mọi người lại tặng tôi một tràng pháo tay nữa. Và bây giờ để tiếp tục chương trình mời các bạn cứ ăn uống tự nhiên để nghe bạn Lan, người học giỏi và xinh đẹp nhất lớp được thể hiện tài năng của mình.

Cả lớp tán thưởng, Lan đứng lên hát tặng ngay lớp một bài và sau đó lại đọc một bài thơ do chính bạn sáng tác.

Trước không khí vui vẻ của lớp, cô giáo cũng đứng dậy và hát tặng cả lớp một bài. Giọng cô thật mượt mà trong trẻo. Cô nhìn chúng tôi với ánh mắt dịu dàng, trìu mến.

Buổi liên hoan kết thúc trong tiếng cười rộn rã. Chưa bao giờ tôi cảm thấy gắn bó và thân quen với lớp đến như vậy. Có lẽ đây là buổi liên hoan có ý nghĩa nhất đối với chúng tôi kể từ khi chúng tôi học cùng nhau.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 4

Thằng Nam hôm nay đến lạ. Vốn là một tên lắm mồm, nhiều lời, không lúc nào ngồi yên một chỗ mà giờ im thin thít. Hay là có chuyện gì xảy ra với cu cậu? Không, có lẽ cậu chàng lại nghĩ ra trò mới đây. Để rồi xem. Thế là tôi có cái quan sát nó. Hình như nó có điều hơi khác. Nó ôm má, rên khe khẽ đủ để thằng bạn ngồi kế bên như tôi nghe thấy: “Trời ơi! Đau răng quá!”. Úi giời, tưởng chuyện gì, hoá ra nó đau răng. Mà cũng nhờ cái điệu bộ đó của nó, tôi lại nhớ đến những chiếc răng của mình.

Chuyện xảy ra từ khi tôi học lớp hai, khi chiếc răng thứ mười một của tôi rụng. Chẳng hiểu sao tôi lại có một sở thích rất kì quặc: Tôi lưu giữ tất cả những chiếc răng rụng của mình, coi nó như một vật báu vô giá. Tôi cất giữ chúng trong một cái lọ, đi đâu cũng không quên mang theo.

Lần đó, không hiểu ngẫu hứng thế nào, tôi lại mang lọ răng đó đến lớp và mang ra khoe với mấy thằng bạn thân. Đứa nào cũng ngạc nhiên nhưng lại có đứa cho tôi là “ấm đầu” nên mới làm cái điều điên rồ, dơ bẩn ấy. “Ai lại lưu giữ răng đã rụng bao giờ?”. Mặc kệ chúng nó, miễn tôi thích là được. Và thế là tôi vẫn trân trọng mấy chiếc răng của mình. Tôi cất vào túi quần và tiếp tục 3 tiết học. Đến giờ ra chơi tiết học thứ tư, theo thói quen, tôi đưa tay vào túi sờ lọ răng. Nhưng trời ơi! Nó đâu rồi? Tôi vô cùng hoảng hốt. Tôi lục tung cả cặp sách lẫn ngăn bàn mà vẫn không thấy lọ răng đâu cả. Quay sang nhìn mấy đứa ngồi cạnh, thấy chẳng có gì khả nghi. Tôi chui xuống gầm bàn tìm lọ răng. Đầu tôi mấy lần cộc vào gầm bàn, nhưng mặc, tôi chẳng bận tâm. Mấy đứa ngồi gần tôi thấy tôi tìm kiếm dưới đó hỏi khẽ:

- Có cái gì dưới ấy mà cậu tìm hoài vậy?

Tôi chẳng cần nói với bọn này làm gì bởi tôi biết có nói chúng nó cũng không giúp được mà có khi còn chế giễu thêm nữa. Tôi cứ thản nhiên như điếc, tiếp tục tìm lọ răng. Nhưng nghĩ thế nào, tôi hỏi khẽ thằng Quân:

- Cậu có vô tình nhìn thấy lọ răng hồi nãy của tôi đâu không?

Nó trợn tròn mắt nói:

- Răng cậu, cậu giữ. Tôi biết đâu được.

Biết ngay mà, không trông chờ gì lũ bạn này. Chúng nó chỉ được cái chọc ngoáy người khác là nhanh. Rồi từ miệng thằng Quân, chuyện tôi mất lọ răng nhanh chóng được truyền tai nhau đi khắp lớp. Vừa tức, vừa thất vọng. Đang thất vọng, bỗng tôi nghe thấy có tiếng của Hoàng: “Đây! Đây! Duy ơi!”. Các bạn có biết tôi vui cỡ nào khi nghe mấy tiếng đó không? Tôi nhổm dậy quên cả đang ở gầm bàn, miệng hỏi luôn:

- Đâu? Đâu?

Không một lời đáp lại. Lúc đó tôi mới nhận ra mình đã bị lừa. Đúng là bọn đáng ghét. Thể nào cũng có lúc tôi chơi lại bọn này cho biết tay. Tôi tức nghẹn, suýt khóc nhưng vẫn cố gắng nuốt nước mắt vào trong và hi vọng sẽ tìm lại được mấy chiếc răng rụng ấy.

Trống trường đã điểm, cô giáo bước vào lớp để bắt đầu tiết học. Các bạn đã đứng dậy chào cô từ bao giờ, chỉ riêng tôi vẫn lúi húi dưới gầm bàn tìm lọ răng. Thấy tôi không đứng dậy chào, cô giáo hỏi:

- Duy ! Em làm gì vậy? Sao lại không chào cô?

Nghe cô gọi, tôi giật mình khiến đầu lại đập vào gầm bàn. Thế rồi tôi oà khóc, đứng dậy trả lời cô:

- Thưa cô…Em…Em …bị mất …răng ạ!

Cả lớp khúc khích cười. Cô giáo nghiêm khắc dẹp yên và ân cần nói với tôi như để an ủi:

- Mất gì thì bình tĩnh tìm chứ sao em phải khóc.

Biết là cô chưa hiểu ý mình, tôi cố thanh minh:

- Không phải thế đâu ạ, Cái đó em giữ từ lâu rồi nhưng khi đem nó đến lớp thì lại bị mất.

Rồi tôi khóc to hơn và cứ thế nức nở. Cô giáo lại nói:

- Có bạn nào nhìn thấy hay lấy của bạn thì trả cho bạn.

Rồi cô quay sang nói tiếp với tôi:

- Em để đâu, tìm lại xem nào!

Nghe lời cô, tôi đưa tay vào túi quần lục tìm lại. Trời ơi! Thì ra nãy giờ nó vẫn còn đây mà tôi cứ tìm đâu đâu. Tôi vui quá, cười rạng rỡ. Cả lớp không nhịn được cười và họ còn cười to hơn khi lúc này cô giáo mới biết vật tôi bị mất là mấy chiếc răng. Có đứa nói:

- Cậu đúng là kẻ hậu đậu và quái dị.

Tôi vừa mừng, vừa thẹn đỏ mặt. Lúc đó, tôi chỉ mong có cái lỗ nẻ nào dưới nền nhà để tôi độn thổ tránh cái nhìn chế giễu của mấy đứa bạn.

Các bạn biết không, từ lần ấy, tôi đã rút ra cho mình một bài học là phải cẩn thận dù là trong bất cứ việc gì và không nên khoe ai những bí mật riêng tư nữa. Cũng từ đó, tôi lại càng yêu và trân trọng hơn những chiếc răng của mình.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 5

Một hôm lớp học tôi bỗng xôn xao vì một chuyện lạ. Đầu tiên không ai để ý gì cả, nhưng dần dần mọi việc đã quá rõ. Thằng Tí là người luôn đi học sớm. Điều này lạ hoắc vì chưa bao giờ nó siêng năng như vậy. Khi đi học, nó còn không thèm gọi tôi. Nhiều lần lặp lại liên tiếp thế là tôi ráng dậy sớm để đi theo rình nó. Nó giở trò gì đây, tôi chẳng biết. Nó chỉ cắm cúi đi.

Khi đến lớp, nó nhảy xổ đến bàn cô giáo nhặt một cái gì đó rồi đi về bàn mình, cầm cái vật nho nhỏ trong tay, nó cứ cười miết. Hỏi cười cái gì nó cũng không nói.

Tôi kể mọi chuyện cho tụi bạn nghe. Thế là cả bọn chúng tôi quyết định sẽ đến sớm hơn. Nhưng thật không may, khi đến lớp đã thấy nó chễm chệ cười cười, không nói. Hôm sau tụi tôi đến sớm hơn, vẫn thấy nó ngồi cười cười. Nó luôn đến trước. Mãi cả tuần sau tôi mới được hân hạnh là người đầu tiên.

Trên bàn cô giáo là một gói giấy nhỏ. Khi mở ra bên trong có một viên kẹo, chẳng biết ai đã để ở đây và để khi nào. Tôi vừa lột viên kẹo bỏ vào miệng thì vừa lúc thằng Tí xông vào.

Tôi hét to:

- Tao biết bí mật của mày rồi.

Thằng Tí bĩu môi:

- Tao đã ăn được những hai mươi viên.

- Nhưng ai để lại vậy?

- Tao không biết.

Giờ ra chơi tụi bạn bu quanh tôi hỏi:

- Cái gì vậy?

Tôi nhìn thằng Tí rồi cười cười. Bọn chúng tức điên lên, hỏi mãi tôi cũng chỉ cười cười. Làm sao có thể cho bọn chúng biết được điều bí mật ngọt ngào này được.

Cách vài hôm, lại thêm một đứa mới biết điều bí mật. Chúng tôi cứ nhìn nhau cười cười... Rồi dần dần lớp chúng tôi ai cũng biết điều bí mật. Chúng tôi đã phân công nhiều ổ mai phục, nhưng cuối cùng chẳng thu được kết quả gì. Luôn luôn, vào sáng sớm trên bàn cô lại xuất hiện một viên kẹo.

Lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ là cô giáo Hà. Nhưng không phải. Cô luôn ra khỏi lớp khi trong phòng vẫn còn chúng tôi. Vậy thì ai? Nghĩ mãi vẫn không ra.

Một hôm tôi ngồi lì trong lớp, định ngồi đến sáng để chờ người lạ mặt, nhưng vì đói bụng quá đành ôm sách về. Rồi tôi chợt nghĩ lại tại sao mình không gởi lại cho người lạ mặt đó một lá thư. Thế là tôi viết ngay: “gởi người lạ mặt, anh là ai vậy, có thể cho tôi biết được không?”

Hôm sau tôi vào lớp sớm, trên bàn vẫn như thường lệ có một viên kẹo gói trong tờ giấy nhỏ. Không có lá thư trả lời, còn lá thư của tôi thì biến mất. Chứng tỏ người lạ mặt đã lấy nó đi

Tôi suy nghĩ lung tung lắm. Tại sao người lạ mặt không trả lời tôi. Một ý định khác chợt đến với tôi, tôi sẽ là người lạ mặt. Tại sao không chứ? Tôi cũng làm được vậy.

Hôm đó tôi giấu một quả ổi to tướng trong cặp. Đợi tụi bạn đi học về hết, gói nó lại bằng một tờ báo rồi đề chữ lên: “Tôi - người lạ mặt - có món quà nhỏ tặng người đến sớm.”

Hôm sau nghe tụi bạn kháo nhau:

- Đến hai người lạ mặt. Một người để trái ổi, một người để viên kẹo.

Hôm sau nữa bỗng xuất hiện ba người lạ mặt, rồi bốn, rồi năm, rồi sáu, rồi bảy... Bây giờ chúng tôi vỡ lẽ ra rồi. Người lạ mặt đang ở trong lớp. Những buổi đi học về, đứa này cứ nhìn đứa kia nấn ná không muốn rời lớp. Chúng chính là kẻ lạ mặt.

Nhưng người lạ mặt đầu tiên là ai, vẫn không biết.

Nhưng buổi sáng đi học sớm, chúng tôi những người lạ mặt - người lạ mặt này ăn món của người lạ mặt kia. Lâu lâu trong món quà kèm theo câu hỏi rất vui. Và chúng tôi ngầm thỏa thuận những câu hỏi bằng những món quà. Nhưng chúng tôi vẫn ấm ức một điều, ai là kẻ lạ mặt đầu tiên?

Tôi kể chuyện này cho bố nghe. Bố nói:

- Đó mới là điều bí mật. Trong mỗi người bạn của con đều có điều bí mật và một món quà, đúng chưa? Khi biết món quà của ai ta sẽ yêu người đó, mà không yêu những người khác. Khi nhận món quà không biết ai gởi, con sẽ yêu tất cả những người con vừa quen. Vì biết đâu, một trong số họ đã gởi món quà đó, chúng ta không nên biết người lạ mặt để làm gì, đó cũng là điều hay…

Tôi đi học và tôi biết, mỗi buổi sáng luôn có một người bạn nào đó, tặng tôi một món quà. Bạn có thấy điều đó thú vị không? Bạn hãy tưởng tượng đi. Những người xung quanh ta đều có thể là người lạ mặt. Và tất nhiên trước khi đi học về, bạn hãy nhớ quên một cái gì đó. Và bạn sẽ thấy, người lạ mặt từ từ xuất hiện thật nhiều cho đến lúc tất cả chúng ta đều là người lạ mặt.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 6

Những mẫu chuyện vui diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Những m chuyện vui đời thường khiến ta vui vẻ mỗi ngày. Có một chuyện vui mà mãi mãi em khó quên được đó là câu chuyện về sự nhát gan đầy xấu hổ của mình.

Lần đó, trong xóm em lũ nhóc cứ đồn lên với nhau ở ngôi nhà cuối xóm dạo này có ma. Em không hiểu rõ sự việc thế nào. Đến tận hôm thứ Bảy, nghe cu Tôm kể mới biết rõ sự tình:

- Bữa trước con Nhi lớp em có đi qua cái nhà cuối xóm mình. Nó kể nó thấy cái bóng trắng trắng cầm đèn pin đi đi lại lại. Nó sợ quá mà không dám hét lên. Nó chạy thẳng về nhà và đến bây giờ nó không dám đi lại đó. Anh Nam này, chắc nhà đó có ma đấy

Nghe thằng em kể mà tôi thấy buồn cười, gõ đầu nó:

- Ma gì ở đây. Thời nào rồi còn có ma. Vớ vẩn

- Thật mà. Không tin tối anh đi thử ra mà xem.

Nó găng cổ lên nói lại. Nó nói thế khiến máu tò mò của em dâng cao. Em ưỡn ngực nói lại:

- Được rồi. Tối mày rủ cả con nhà cô Lý sang đây. Tao dẫn chúng mày đi xem ma gì.

Tối hôm đó, thằng con nhà cô Lý sang nhà tôi từ 8 giờ. Hai đứa chúng nó giục tôi:

- Nhanh đi đi anh Nam.

- Từ từ hẵng. 9 giờ hẵng đi. Đi sớm thế này lấy đâu ra ma cho chúng bay xem.

Vậy rồi ba anh em đợi đến hơn 9 giờ tối. Ba thằng kéo nhau đi về cuối xóm. Tay em cầm theo chiếc đèn pin của bố.

Hai thằng nhóc đi theo sau.

Trăng hôm nay tròn đẹp sáng lạ thường. Gió mùa hè thổi mát rượi. Không gian thật dễ chịu. Nhưng lạ một chỗ, xóm hôm nay im ắng quá. Chẳng thấy lũ nhóc léo nhéo như mọi hôm. Cái im lặng khi tiến gần hơn đến ngôi nhà khiến em bất giác giật mình. Gần đến ngôi nhà, hai đứa kia đứng lại, run run bảo :

- Anh Nam vào xem thử đi. Bọn em không vào đó đâu. Sợ lắm.

- Ừ. Rồi. Hai thằng đứng ngoài này đợi anh

Nói vậy , em nuốt nước bọt một tiếng rồi cầm đèn pin đi vào ngôi nhà. Ngôi nhà im lặng không một tiếng. Không gian lạnh lẽo khiến em rùng mình mấy lần. Ngôi nhà này để không cũng lâu nên mùi ẩm thấp làm căn phòng càng thêm rùng rợn. Bỗng, có bóng người lướt qua cùng ánh đèn pin soi thẳng, và tiếng quát:

- Ai vào đây đấy!

Tiếng quát làm em giật mình, đánh rơi chiếc đèn trong tay. Hét toáng lên, định bỏ chạy :

- Ma. Ma. Ma....

Nhưng đôi bàn tay túm lấy áo em:

- Ma nào. Bác Hoàng đây. Định nghịch ngợm gì thằng nhóc này

Nghe vậy em mới định hình lại, không hét nữa, quay lại nhìn. Quả thực là bác Hoàng:

- Ơ. Bác sao lại ở đây?

Bác phì cười:

- Ơ gì. Nhà tôi, tôi không vào kiểm tra thì ai vào. Chúng mày chỉ được cái linh tinh. Ma mãnh nào. Trời sắp có bão, bác vào kiểm tra xem nhà có chỗ dột nào không thì sửa. Ma nào ở đây.

Nghe bác nói thế, em xấu hổ, đỏ mặt. Chào bác, em đi ra khỏi ngôi nhà tìm hai thằng nhóc mà không thấy bèn đi về nhà. Về nhà, em kể lại cho chúng nghe. Chúng cười ha ha đầy vui sướng.

- Vậy mà anh bảo anh không sợ ma. Anh hét to như thế. Ha ha...

Càng cười, em càng thấy xấu hổ vì sự nhát gan của mình, chỉ biết cười trừ mà chẳng nói được gì.

Đó là kỉ niệm hài hước nhất mà em từng gặp phải. Tuy vậy nó lại là câu chuyện vui vẻ mà em sẽ chẳng thể nào quên được.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 7

Giờ này tuần trước, lớp em đã có tiết sinh hoạt lớp cũng là buổi liên hoan nho nhỏ chia tay Vi để chúc Vi đi thi học sinh giỏi đạt kết quả tốt. Đó là một tiết sinh hoạt lớp đặc biệt để lại trong tôi những bất ngờ và cả những niềm vui.

Sau khi tiếng trống "Tùng!... Tùng!... Tùng!... "vang lên báo hiệu giờ sinh hoạt lớp đã điểm, lớp tôi nhanh chóng ổn định chỗ ngồi để chờ cô giáo chủ nhiệm vào như mọi lần. Cô bước vào lớp với nụ cười tươi nở trên môi. Chúng tôi đã xì xào, bàn tán sôi nổi không biết có chuyện gì vui không rồi thi nhau đoán già đoán non. Cô ra hiệu cho cả lớp trật tự. Như mọi lần cô nhận xét khái quát những ưu, nhược điểm của chúng tôi trong tuần vừa qua. Chúng tôi chăm chú lắng nghe các lịch cho tuần học tiếp theo.

Những tưởng rằng sau những nhận xét, thông báo của cô, chúng tôi sẽ lại tự chủ động tiếp tục giờ sinh hoạt. Nhưng không, cô cười thông báo cả lớp:

Cả lớp, hôm nay lớp chúng ta có một tin rất rất vui.

Chưa kịp để cô tiếp lời, chúng tôi nhao nhao :

Tin vui, cô ơi tin gì vậy cô?

Cô lại tươi cười :

Bạn Vi của chúng ta là một trong những học sinh xuất sắc sẽ được chọn thi học sinh giỏi cấp Tỉnh.

Mọi ánh mắt đổ dồn về phía Vi. Trong lớp bắt đầu có nhiều tiếng chúc mừng gửi tới Vy. Không khí lớp hôm nay không cần trò chơi, cũng chẳng cần âm nhạc cũng tự nhiên mà sôi nổi lạ lùng.

Đợi niềm vui chợt lắng, cô ôn tồn bảo:

Cô có chuẩn bị một chút quà để lớp chúng ta liên hoan chia tay và chúc bạn Vi của chúng ta đi thi đạt kết quả cao nhé.

Rồi cô nhờ Hoa, Lan xuống xe cô lấy bánh kẹo lên. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện, vừa gửi những lời chúc tốt đẹp tới Vi.

Chỉ mấy ngày nữa, Vi thi xong sẽ về. Chúng tôi chờ kết quả tốt của Vi và cũng chờ một buổi sinh hoạt lớp gần đây có một niềm vui to lớn ấy.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 8

Hôm nay là thứ bảy, lớp em tổ chức buổi sinh hoạt cuối tuần đồng thời tổ chức liên hoan cho các bạn có sinh nhật trong tháng này.

Vừa hết tiết thứ 4, các bạn đã tất bật chuẩn bị cho buổi liên hoan. Bạn Trang thì chạy xuống cổng trường lấy bánh kem mà người ta vừa mang đến. Các bạn nam kê lại bàn ghế để cả lớp ngồi quây quần bên nhau. Các bạn nữ thì có nhiệm vụ trang trí lớp học. Những quả bóng bơm từ sáng được treo lên cửa ra vào và cửa sổ. Dòng chữ Happy Birthday màu đỏ tươi được treo ngay ngắn ở cuối lớp. Sau khi cắm hoa, các bạn trải chiếc khăn lên bàn và bày ra đĩa kẹo bánh, hoa quả đủ màu sắc. Không khí lớp học thật rộn ràng, vui nhộn.

Cô giáo bước vào lớp và thông báo ngắn gọn về lịch học và sinh hoạt tuần sau để lớp em có nhiều thời gian liên hoan. Cô giáo và bạn Yến lớp trưởng thay mặt cho cả lớp chúc mừng sinh nhật các bạn:

Cô chúc các em sang tuổi mới sẽ học hành tốt hơn nữa, lúc nào cũng vui vẻ, trẻ trung và năng động.

Tớ xin thay mặt cả lớp chúc các cậu thêm một tuổi là thêm nhiều niềm vui. Thêm một tuổi là thêm nhiều điều may mắn. Chúng ta cùng hát bài "Happy Birthday" nhé

Sau khi tắt điện, cả lớp hát vang bài hát chúc mừng sinh nhật:"Happy Birthday to you. Happy Birthday to you". Gương mặt ai cũng vô cùng rạng rỡ. Sau đó các bạn nổi nến trong tiếng hò reo, tiếng vỗ tay vang dội của mọi người. Bạn Quỳnh lớp phó văn nghệ xin phép được hát một bài để chúc mừng các bạn. Những câu từ tha thiết của bài hát "Sống như những đoá hoa" cùng với giọng ca trong trẻo, cao vút của Quỳnh đã làm xao xuyến tất cả trái tim mọi người.

Phần tiếp theo là phần mà ai cũng mong đợi: Liên hoan. Các bạn ngồi lại với nhau, tám đủ mọi chuyện. Tiếng cười thỉnh thoảng lại vang lên rộn rã. Vui nhất là các bạn còn quệt bánh kem lên mặt nhau. Gương mặt ai sau một hồi nô đùa cũng đều bị dính kem lên mặt. Có bạn còn bị dính đầy mặt mà chúng em gọi vui là Ma.

Tiếp theo đó là đến phần chơi trò chơi. Cô giáo đề nghị chơi trò "Tôi cần". Cả lớp chia thành ba đội tương ứng với ba tổ 1,2,3. Ai nhanh chân, nhanh tay thì sẽ lấy được món đồ mà cô cần. Sau một hồi thi đấu quyết liệt, tổ 1 đã giành chiến thắng với tỉ số áp đảo 4-2-2. Cô nhìn chúng em với ánh mắt dịu dàng, trìu mến.

Buổi liên hoan kết thúc trong tiếng cười rộn rã. Những buổi liên hoan sinh hoạt như thế này đã gắn kết cả lớp lại với nhau. Em hi vọng cả lớp sẽ tổ chức thêm nhiều buổi liên hoan vui và ý nghĩa.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 9

Tuổi thơ là quãng thời gian tươi đẹp nhất của chúng ta. Nơi ấy cất giữ biết bao kỉ niệm buồn vui trong cuộc đời. Tôi đã từng mải miết với trò ô ăn quan, rồi mong chờ ngày hội múa lân đêm rằm trung thu và tôi cũng chẳng thể nào quên được cái lần bị các bạn trong xóm dọa ma, cho đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh và bị mọi người trêu là nhát gan.

Các bạn trong xóm tôi đã bày ra không biết bao nhiêu trò để nghịch ngợm, nhiều lúc mẹ tôi và các cô hàng xóm cũng đau đầu vì những trò phá phách ấy. Chúng tôi có một quy ước với nhau là đến sinh nhật đứa nào thì cả bọn sẽ tặng cho một món quà sinh nhật. Và năm nay gần đến sinh nhật tôi, cũng thế. Hôm trước, tôi thấy thằng Khánh béo nhìn mình cười mãi, nó bảo: “Năm nay bọn tao sẽ cho mày một niềm vui lớn Hiếu ạ.” Tôi chỉ cười mà chẳng nói gì với chúng nó, vì tôi có xa lạ gì với cái kịch bản đi chơi, đi ăn rồi tặng quà của các bạn.

Thứ 2 tuần sau là sinh nhật tôi, nên các bạn trong xóm quyết định tổ chức sinh nhật tôi vào chủ nhật trước một ngày để có thể vui chơi thỏa thích. Tối thứ 7, cái Bông nhà đối gọi điện cho tôi bảo tối chủ nhật chúng nó sẽ tổ chức party ở nhà Khánh béo cuối khu, 7 giờ tối tôi nhất định phải có mặt. 7 giờ tôi đứng trước nhà Khánh béo ngôi nhà cuối cùng của dãy tập thể. Tôi không thấy điện trước hiên sáng và trong nhà rèm cửa buông xuống kín mít. Tôi biết là trò của chúng nó rồi, nên cứ điềm tĩnh đi vào nhà như không có gì. Tôi nghĩ bên trong sẽ là một bàn tiệc lộng lẫy, nên cả bọn thích bí mật với mình. Nhưng tôi đã không thể bình tĩnh được sau khi nhìn thấy những gì ở bên trong cánh cửa nhà Khánh béo. Tôi hoảng hốt lao ra khỏi nhà, vừa chạy vừa hét: “Mẹ ơi! Cứu con…. Ma… mẹ ơi…”.

Khi tôi về nhà, người tôi vẫn còn run, tôi chưa kịp kể câu chuyện gặp ma với mấy bố mẹ tôi và mấy đứa bạn tôi đã ngồi phòng khách cười ngặt nghẽo, tôi biết mình vừa bị dọa ma. Tôi ngạc nhiên lắm, lúc này cái Bông mới kể cho tôi nghe. Sinh nhật tôi là 2 tháng 11 trước ngày Halloween 1 ngày và chúng nó mới bày ra cái trò ấy. Những con mắt ma lập lòe mà tôi nhìn thấy trong nhà Khánh béo là bí ngô được mẹ Khánh khoét rỗng rồi thả nến bên trong. Nghe Bông kể xong, tôi tức chúng nó lắm. Làm sao mà tôi không sợ được chứ, cánh cửa gỗ vừa mở ra kêu cót két rồi bốn, năm cặp mắt đỏ lập lòe nhìn mình, ôi cái cảm giác ấy thật là kinh khủng. Nó làm tôi cứ ám ảnh mãi, chẳng thể nào quên được dịp sinh nhật đặc biệt đến thế.

Sau lần ấy, tôi sợ bí ngô lắm, tôi cứ nghĩ đế mấy con mắt ma trong quả bí. Mấy đứa bạn tôi tôi liền đổi tên cho tôi thành Hiếu bí ngô, cái biệt danh kì dị của tôi trong khu. Mỗi lần trêu tôi các bạn đều rủ tôi ăn chè bí ngô để nhắc lại với tôi vì tôi là đứa sợ ma.

Kỉ niệm vui buồn của tôi thơ tôi cứ đi qua như thế, những người bạn trong khu tập thể nhà tôi vẫn vui vẻ chơi đùa cùng nhau. Sau này, tôi cũng chẳng thể nào quên được mình đã từng có người bạn như vậy, và tên bí ngô sẽ là kí ức không thể phai mờ trong tôi.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 10

Mỗi cuối tuần, có lẽ chúng ta đều tham gia vào giờ sinh hoạt để nghe lại tổng kết hoạt động một tuần qua mà chúng ta đã trải qua. Song, hẳn trong mỗi buổi sinh hoạt đều có chút gì đó căng thẳng, và mệt mỏi của một tuần làm việc mệt nhọc. Vậy thì thật cần lắm thay những câu chuyện vui để giải tỏa căng thẳng và làm tươi tắn mỗi gương mặt trong sáng. Hôm nay mình sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện vui giờ sinh hoạt nhé:

Cô giáo bước vào lớp, sắc mặt cô hơi nghiêm và ánh mắt cô có vẻ buồn hơn mọi khi. Phải chăng là bởi chúng tôi đã vi phạm gì đó để cô buồn lòng như vậy. cô tiến gần lên phía bục giảng, nhẹ nhàng đặt chiếc cặp xuống, rồi nói với chúng tôi:

- Tuần này lớp mình vi phạm gì không lớp trưởng?

Anh bạn lớp tôi, cúi gằm mặt xuống. tuần này lớp có 3 giờ khá, chưa trực vệ sinh, vi phạm nội quy về việc mặc đồng phục và truy bài đầu giờ. Và có cả mấy cậu trai tinh nghịch còn đi đánh điện tử nữa. Trời ạ, chẳng trách sao cô buồn thế. Nhưng rồi, bao giờ cũng vậy, cô chẳng bao giờ la mắng chúng tôi. Cô chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, bào chúng tôi hãy cố gắng lên để cải thiện nề nếp và ý thức học tập. Có lẽ chính bởi vậy mà chúng tôi luôn biết đứng lên và sửa sai chứ không cằn nhằn với cô.

Thật ra tuổi học trò mà. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Không nghịch, không vi phạm, không làm sai đấy không phải là học sinh. Mỗi người đều có tuổi trẻ của riêng mình, đều có những dại khờ và nuối tiếc. Có vậy mới là dư vị để ta nhớ về chứ đứng không. Để tôi đọc cho bạn nghe, một bài thơ mà tôi rất thích:

“Con tàu nào
Qua sân ga mười lăm
Em mua vé
Trốn về miền kí ức
Những ngả đường ray
Phôi pha màu mực
Trang nhật kí
Rêu phủ kín tâm hồn.”
Có một thời đã từng đẹp như vậy.

Qua trở lại với giờ sinh hoạt, sau khi nhắc nhở lớp xong, cô nhắc tổ trưởng tổ 3 làm nhiệm vụ của mình. Cô rất hiểu chúng tôi đều mệt mỏi, căng thẳng, nên cô bảo mỗi tiết sinh hoạt mỗi tổ phải kể cho cả lớp nghe một câu chuyện vui. Câu chuyện ấy như sau: chuyện kể về một anh chàng muốn lấy vợ nhưng nhà nghèo, vậy nên, cưới nàng anh toan dẫn voi, anh sợ quốc cấm nên voi không bàn, cưới nàng anh lại toan dẫn bò, dẫn đủ mọi loại song cuối cùng anh lại dẫn củ khoai. Câu chuyện có lẽ đã quen nhưng đều khiến chúng ta ít nhiều bớt căng thẳng. Nhưng đâu chỉ cười vui, mà qua đó thấy tình trạng cơ cực của người nông dân xưa, và những thủ tục, nghi thức cưới xin quá lạc hậu và bắt ép. Cô giáo khen chuyện không mới, nhưng cũng rất ý nghĩa và đáng để suy ngẫm. Thế đấy cuộc sống nhiều cái bi hài, nhưng quan trọng là để từ những cái hài ấy giúp gì cho đời sống tinh thần của chính mình, mình học được gì từ những “thang thuốc bổ” ấy. Cười là sự giải tỏa tâm hồn chứ không phải là giễu nhại người khác. Cuộc sống có biết bao điều tuyệt vời, nhưng cũng còn lắm chuyện sầu buồn vì vậy hãy tự tin và vui cười nhé.

Tuổi học trò nhất quỷ nhì ma, mỗi giờ sinh hoạt như một món ăn không thể thiếu. Nhưng đừng để chúng chỉ toàn cái cau mặt, nhíu mày gắt gỏng nhau, hãy biết cho nhau nụ cười. Thanh xuân một đi không trở lại, đó là phần ngon nhất của cuộc đời hãy cho nó những yêu thương bằng nụ cười nhé.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 11

Tuần vừa qua, lớp chúng tôi có một buổi sinh hoạt vô cùng độc đáo khi có sự xuất hiện của một thầy giáo nước ngoài đến giao lưu với lớp bằng tiếng anh. Buổi sinh hoạt đã làm cho chúng tôi thấy hứng thú với môn tiếng anh hơn đồng thời cũng biết thêm được rất nhiều từ tiếng anh thú vị.

Chúng tôi đã được thông báo về tiết sinh hoạt sẽ có sự khác biệt so với mọi tuần từ nhiều ngày trước nhưng không ai là không bất ngờ với sự kiện xảy ra hôm đó. Buổi trưa hôm ấy, nắng vàng nhẹ trải khắp sân trường, những làn gió nhè nhẹ thi nhau làm thoáng không khí lớp học tiếng năm. Cô giáo bước vào lớp, cô nở một nụ cười thật tươi như ngày thường và bắt đầu giới thiệu về “vị khách mời đặc biệt” ngày hôm đó. Sau lời giới thiệu của cô, một người nước ngoài bước vào, ấn tượng đầu tiên của tôi về người đàn ông này đó là một người cao to, khuôn mặt dễ mến với sống mũi cao thẳng, làn da trắng cùng mái tóc vàng óng. Người này bước vào và nói với chúng tôi một câu bằng tiếng anh để tự giới thiệu: “Hello everyone, my name is Mike. Nice to meet you”. Khi nghe người nước ngoài nói, bạn lớp trưởng vốn là học trò nhanh trí đã ra hiệu cho cả lớp đồng thanh đáp: “Nice to meet you, too” cùng một tràng pháo tay vang ròn. Thì ra đây là bất ngờ mà cô giáo nói từ trước, một thầy giáo nước ngoài sẽ đến giao lưu với chúng tôi trong tiết sinh hoạt ngày hôm ấy và đã làm cho chúng tôi vô cùng thích thú. Gần như với tất cả chúng tôi, đây là lần đầu tiên chúng tôi được gặp người nước ngoài, ai cũng cảm thấy vô cùng hào hứng.

Cô giáo vì muốn để chúng tôi tự nhiên giao tiếp nên cô đã ra ngoài và chỉ còn lại thầy giáo Mike khiến chúng tôi cũng bạo dạn hơn. Thầy yêu cầu chúng tôi đặt những câu hỏi bằng tiếng anh về thầy để mọi người có thể hiểu nhau hơn cũng là để chúng tôi thể hiện vốn ngoại ngữ của mình cho thật tự nhiên. Đầu tiên mọi người còn rụt rè, không dám hỏi, chỉ có vài bạn bạo dạn nhất là giơ tay hỏi thầy là người nước nào, thầy bao nhiêu tuổi, thầy đến Việt Nam đã lâu chưa. Nhờ vậy mà chúng tôi biết thầy là người Mỹ đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Sau đó, càng lúc, chúng tôi càng thấy thầy vui tính và dễ gần nên ai cũng muốn giơ tay để hỏi thầy nhiều hơn, những câu hỏi thú vị như thầy biết nói tiếng việt không, thầy thích ăn món gì, thầy làm việc ở đâu, thầy có thích Việt Nam không, ở Mĩ có khác ở Việt Nam nhiều không, lần lượt được hỏi hết và thậm chí có bạn láu cá hỏi thầy có người yêu chưa khiến cả lớp cười ồ mà thầy cũng thoải mái tiết lộ rằng thầy chuẩn bị làm lễ cưới với một cô dâu người Việt làm chúng tôi càng thích thú hơn.

Cuối buổi thầy Mike còn chia sẻ cho chúng tôi rằng thầy vô cùng thích Việt Nam, thích con người, khi hậu ở đây và thầy khen chúng tôi khiến ai cũng thích thú. Khi chia tay, thầy bất ngờ nói “Tạm biệt” bằng tiếng việt khiến cho cả lớp lại một phen thích thú bất ngờ. Thầy Mike thật thú vị, sau buổi sinh hoạt, chúng tôi thấy mình mạnh dạn hơn khi nói tiếng anh, cũng sửa được nhiều lỗi phát âm những từ đơn giản và nhất là thấy thích học tiếng anh hơn trước.

Buổi sinh hoạt thật thú vị, sau buổi sinh hoạt ấy, chúng tôi chỉ ao ước gặp lại thầy Mike và mong rằng nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều những buổi giao lưu thú vị như vậy nữa để những buổi sinh hoạt ở trường trở thành thời gian vừa học vừa chơi, bổ ích lại thoải mái.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 12

Vào đến khoảng sân trước ngôi nhà, sự hớn hở của cả nhóm biến mất. Nhưng vì các bạn tin tôi là đứa dũng cảm nhất nên đẩy tôi lên trước rồi bám chặt lấy tôi. Đến trước cửa nhà, tôi đã nghe răng mình va vào nhau lập cập. Rồi bỗng nhiên, từ trong nhà phát ra tiếng lục cục, đèn bật sáng. Tôi và lũ bạn đứng như chôn chân xuống đất. Phải đến mấy giây sau, cả lũ cùng rú lên rất to rồi ba chân bốn cẳng đua nhau chạy mất.

Nhát gan là một tật mà không ít người mắc phải và tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Những câu chuyện ma của bọn bạn lúc nào cũng làm tôi sợ run. Nhưng vì xấu hổ nên tôi không bao giờ nói ra. Cho đến một ngày.

Tối hôm đó, trăng sáng rất đẹp, gió thổi hiu hiu. Trong khu tập thể, các bà, các cô thong thả đi dạo và trò chuyện. Tôi và các bạn đang túm tụm chơi với nhau thì bỗng Lan đưa ra một ý kiến: “Hay là chúng mình thử đi vào ngôi nhà hoang ở cuối ngõ đi!”. Cả nhóm reo ầm lên hưởng ứng. Riêng tôi cảm thấy hơi rờn rợn. Nghe đâu, ngôi nhà ấy có nhiều ma, lại còn nằm ở cuối ngõ, ánh đèn đường không rọi tới. Nhưng tôi chưa kịp phản đối thì các bạn đã lôi tôi đến cuối ngõ.

Vào đến khoảng sân trước ngôi nhà, sự hớn hở của cả nhóm biến mất. Nhưng vì các bạn tin tôi là đứa dũng cảm nhất nên đẩy tôi lên trước rồi bám chặt lấy tôi. Đến trước cửa nhà, tôi đã nghe răng mình va vào nhau lập cập. Rồi bỗng nhiên, từ trong nhà phát ra tiếng lục cục, đèn bật sáng. Tôi và lũ bạn đứng như chôn chân xuống đất. Phải đến mấy giây sau, cả lũ cùng rú lên rất to rồi ba chân bốn cẳng đua nhau chạy mất.

Về đến nhà, tôi vừa thở hổn hển vừa kể cho bố mẹ nghe về con ma. Thật là một phen hú vía! Nghe xong, bố tôi bật cười, mẹ tôi cũng chẳng nhịn được cười và giễu vui tôi:

- Làm gì có ma ở đó! Đấy là chú Thanh. Chú ấy vừa mua lại ngôi nhà ấy và chuẩn bị cho sửa chữa. Chú ấy ngủ lại để trông vật liệu xây dựng đấy mà!

Mặt tôi nóng bừng lên. Hóa ra là vậy! Tôi bèn chạy đi kể cho các bạn. Nghe xong, tôi còn bị cả bọn cười thối mũi vì lúc đó tôi là đứa hét to nhất và chạy cũng nhanh nhất nữa chứ!

Chuyện xảy ra đã lâu, giờ đây tôi không còn nhát gan và sợ ma nữa nhưng tôi không thể quên được câu chuyện đó. Tuy vậy, tôi cũng không kể lại với đám bạn bè mới vì sợ các bạn lại trêu tôi là “thỏ đế”.

Kể một chuyện vui sinh hoạt - Mẫu 13

Vì hoàn cảnh gia đình em phải theo bố mẹ chuyển về thành phố sống. Vậy là mấy năm liền em vẫn chưa có dịp về thăm quê. Đến hè vừa rồi vì đạt giải Toán thành phố nên bố mẹ em thưởng cho em một chuyến về quê. Ngồi trên xe em vô cùng hồi hộp và tự hỏi sau mấy năm xa cách không biết bây giờ quê của em có gì thay đổi không, những người bạn của em ra sao có ai phải bỏ học không. Vì quê em ngày xưa nghèo lắm, rất nhiều bạn chỉ học hết cấp một đã phải bỏ học đi chăn trâu.

Chiếc xe đưa em từ từ rẽ phải, đường vẫn êm ru, em cứ ngỡ vẫn là con đường của phố huyện nhưng bất chợt em nhìn thấy cây đa cổ thụ ở đầu đường. Ôi con đường của quê mình đây mà. Em sung sướng reo lên:

- Bố ơi, đường về quê không còn ổ gà như trước nữa nhỉ.

Bố gật đầu mỉm cười:

- Con đường này làm từ năm ngoái con ạ.

Bất giác tôi nhớ lại cách đây mấy năm, ngày đó mỗi khi trời mưa, người dân làng tôi rất ngại ra phố huyện vì con đường sẽ vô cùng lầy lội, khó đi, có những đoạn phải dắt xe. Đi ra được đến phố thì người đã lấm lem đầy bùn đất. Thế mà bây giờ con đường ấy đã được thay thế bằng một con đường nhựa đen bóng láng. Tôi thấy người và xe qua lại có vẻ đông hơn trước rất nhiều. Từng đoàn xe đạp xe máy nối đuôi nhau, nhìn ai cũng tươi vui hớn hở.

Càng về gần làng tôi càng ngạc nhiên vì sự thay đổi đến bất ngờ. Những ngôi nhà lá năm xưa giờ được thay thế bằng những ngôi nhà ngói sáng sủa đủ màu sắc, đây đó còn có những ngôi nhà hai, ba tầng như ở thành phố. Trong nhà cũng đầy đủ sa lông, tủ tường và trên tường cũng có những chùm đèn đủ màu sắc. Và đằng trước là những sân xi măng sạch bóng phơi đầy lúa. Tôi nhớ trước đây người ta thường phơi lúa bằng sân đất cho nên dù có quét sạch đến mấy thóc vẫn đầy sạn và lúa phơi ở sân đất rất khó khô.

Chiếc xe bon bon đưa tôi về đến tận sân nhà bác trai tôi. Căn nhà lá năm xưa cũng được thay thế bằng ngôi nhà hai tầng đồ sộ.

Nhớ lại cách đây chỉ vài năm, làng tôi vẫn thuần nông nghiệp. Mọi thứ người ta chỉ biết trông vào ruộng lúa, luống rau. Nhìn khắp nơi chỉ thấy những cánh đồng lúa xanh mát thẳng cánh cò bay, mở mắt họ đã ra đồng, cặm cụi làm cho đến khi mặt trời lặn, sương đã vương áo họ mới trở về. Về đến nhà ai nấy lùa vội bát cơm là lên giường ngủ, chẳng biết đến xem phim, nghe ca nhạc là gì. Trẻ con như chúng tôi cũng phải làm, cứ đi học về ăn cơm xong lại theo đàn trâu, đàn bò lên rừng. Tối về chỉ còn xếp sách vở vào cặp là đi ngủ nên chẳng mấy đứa học giỏi. Cuộc sống lúc đó bình yên nhưng nghèo quá.

Nhưng bây giờ, tôi thấy mọi chuyện đã thay đổi, nhà nào cũng có tivi đầu đĩa. Ngay từ đầu xóm người ta đã nghe rộn rã tiếng hát từ những chiếc đài cát xét, từ chiếc đầu đĩa phát ra. Thôn xóm trở nên rộn rã. Và tôi nghe bác tôi kể lại cứ đến mùa bóng đá thì xóm làng càng rộn rã hơn. Trai tráng trong làng tụ tập nhau ngồi xem bóng đá. Họ xem rất vô tư vì không có cá độ như ở thành phố.

Phương tiện đi lại cũng hiện đại hơn trước rất nhiều, trước đây khắp đường làng chỉ thấy toàn xe đạp, vậy mà nay hầu như nhà nào cũng có xe máy để đi lại, có người còn đi xe máy khi ra ngoài đồng làm, họ dựng xe ở trên bờ.

Tôi rất vui khi thấy các bạn của mình đều học lên lớp 6, các bạn ấy cũng rất chú tâm vào chuyện học hành với mơ ước sau này đỗ đại học và được lên thành phố học. Tôi thầm nghĩ: Nếu sau này chúng tôi lại được học đại học cùng nhau thì vui biết mấy…

Quê hương tôi mọi thứ đã đổi thay, trong bóng chiều thướt tha từng đàn trâu no tròn đủng đỉnh về chuồng, đằng xa từng đoàn người gánh lúa về, bước chân thoăn thoắt, tiếng cười nói râm ran.

Phong cảnh ngày càng tươi đẹp hơn khi xen lẫn những cánh đồng xanh bao la, những vườn cây đầy hoa trái là những ngôi nhà xây đủ màu sắc. Xa xa, từng đàn cò trắng bay trong ánh nắng vàng rực rỡ.

Nhìn quê hương đi lên nhanh chóng, tôi cũng thấy rạo rực vô cùng. Tôi chỉ mong học hành thật tốt để nhanh chóng trở về làm giàu đẹp hơn cho quê hương.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm