Kể lại câu chuyện về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm Kể chuyện lớp 4 Chân trời sáng tạo
Kể lại câu chuyện về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm gồm 4 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 4 có thêm nhiều vốn từ, dễ dàng kể lại câu chuyện về anh hùng Vừ A Dính, Kim Đồng hoặc những tấm gương khác mà mình biết.
Mỗi câu chuyện đều mang tới những bài học bổ ích về lòng dũng cảm của những thiếu nhi nhỏ tuổi cho các em học tập, noi theo, dễ dàng trả lời câu hỏi tiết Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 6, 7 - Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo tập 1 trang 81.
Viết bài văn kể lại câu chuyện về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm
Kể lại câu chuyện về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm
Tôi đã được đọc nhiều truyện viết về lòng dũng cảm. Tôi cũng đã nghe thầy giáo kể về những tấm gương cao đẹp thể hiện lòng dũng cảm trong chiến đấu của bộ đội ta. Tuy nhiên, trong trí nhớ của tôi thì câu chuyện sau đây đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc nhất, vì chính tôi đã chứng kiến chuyện này.
Hôm ấy tôi và Tuấn cùng đi học về. Chúng tôi phải ra bến sông, qua đò mới có thể trở về xóm trại của mình. Lúc ấy mới độ năm giờ chiều nhưng đã có vẻ tối vì trời đầy mây đen và có mưa lác đác rơi. Bến đò vắng vẻ. Dưới đò chỉ có bác lái đò và một chú bộ đội đang chờ hai đứa chúng tôi đi xuống. Người nào cũng lụp xụp khoác áo mưa. Miếng gỗ bắc làm cầu xuống đò rất trơn. Tôi thận trọng đi trước, dò từng bước và đã xuống đến lòng đò. Tuấn đi sau, bỗng đến giữa cầu, Tuấn trượt chân ngã nhào xuống nước và bị dòng sông đang vào mùa nước lớn cuốn trôi đi. Thế là, nhanh như cắt, anh bộ đội trút bỏ vội vàng cái nón cối đội đầu, cái áo mưa khoác trên vai và quẳng cái ba lô nặng trên lưng xuống lòng thuyền, rồi nhảy ùm xuống lao theo Tuấn đang bị trôi xa. Chỉ mươi sải bơi dài, anh bộ đội đã đuổi kịp Tuấn lúc ấy đang chới với trên dòng nước và dường như sắp bị chìm. Anh bộ đội quàng một tay vào cổ Tuấn rồi bơi nhanh về thuyền. Bác lái chèo nhanh thuyền về phía hai người dưới nước và đã lôi được họ lên thuyền. Sự việc diễn ra thật bất ngờ và quá nhanh chóng. Tuấn chỉ bị sặc nước chút ít nhưng mọi điều nguy hiểm đã qua. Tôi thay mặt bạn cảm ơn anh bộ đội nhưng anh chỉ hiền lành cười và nói:
- Mùa này, nước lũ đang về, khi qua sông các em phải hết sức cẩn thận đấy.
Đấy câu chuyện của tôi chỉ có thế, nhưng tôi và chắc là cả Tuấn nữa suốt đời sẽ chẳng quên. Anh bộ đội mà chúng tôi còn chưa biết tên đúng là một người lính Cụ Hồ dũng cảm.
Kể lại câu chuyện về gương thiếu nhi Vừ A Dính dũng cảm
Trong những năm của kháng chiến chống Pháp diễn ra vô cùng gay go, ác liệt thì anh hùng Vừ A Dính là con người được sinh ra tại Lai Châu và sống trong gia đình với cơ sở cách mạng có truyền thống yêu nước. B
ố của Anh là một cán bộ Việt Minh và bị thực dân pháp giam cầm sau đó thủ tiêu ở nhà tù ở năm 1949. Mẹ của A Dính là một trong những người tạo cơ sở kháng chiến của địa phương, bà từng bị bắt và đưa về giam tại đồn Bản Chăn do bị nghi ngờ tiếp tế Việt Minh.
Đây chính là nguồn động lực thúc đẩy về tinh thần cách mạng ngay từ khi Anh còn nhỏ. Từ năm Anh 13 tuổi, mặc dù còn ít tuổi nhưng anh đã tự chủ động xung phong làm liên lạc, tiếp tế nguồn lương thực cho nhân dân và các cán bộ cách mạng bị bao vây ở địa phương. Chính sự gan dạ, mưu trí và bản lĩnh kiên cường đã giúp anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo sự liên lạc được thông suốt dù rơi vào tình huống nguy hiểm như thế nào.
Cuộc sống của anh vô cùng lạc quan và yêu đời, ý chí ham học hỏi bởi lúc nào anh cũng để cuốn sách trong áo để có thể tranh thủ học. Anh được các anh trong đơn vị hỏi sao A Dính đi và luồn rừng giỏi thế, Dính hồn nhiên trả lời “Từ nhỏ em trèo núi, đi nhanh đã quen chân rồi”.
Đến năm 1949, giặc Pháp đã huy động lực lượng quân lính tại các đồn ở khu vực để vây và tiêu diệt đội vũ trang Tuần Giáo. Hôm đó, trời mù sương, Dính đã bí mật về để gặp mẹ, mang theo cả trăm viên đạn mẹ mới trao. Không may bị rơi đúng vào ổ phục kích của giặc. Bọn giặc đánh đập tàn bạo, dã man Vừ A Dính, bắt Anh khai ra nhưng anh không hề hé miệng kiên quyết giữ bí mật. Biết không thể thoát khỏi bàn tay của kẻ thù, anh đã trả lời vờ gật đầu: “Biết biết!” , sau đó Dính được đưa khiêng hết các ngọn núi để chỉ vị trí đóng quân bộ đội. Đến chiều tối thì Dính lại chỉ về nơi xuất phát ban đầu, phát hiện bị lừa chúng đã xả băng đạn vào Vừ A Dính và treo xác lên cây đào cổ thụ. Vừ A Dính đã bị hi sinh vào chiều tối của ngày 15/6/1949, anh đã ra đi khi chưa tròn 15 tuổi.
Vừ A Dính đã hi sinh không một chút run sợ, mặc dù Anh đã không còn có thể tiếp tục thực hiện cách mạng nhưng với khí phách vô cùng kiên cường, bất khuất vẫn luôn thắp sáng cả núi rừng Tây Bắc. Con người ở nơi đây luôn tự hào kể về tấm gương của cậu bé người Mông.
Ngày nay, Vừ A Dính đã được đặt cho nhiều Liên đội, Chi đội, nhà trường. Ngoài ra, qua truyện “Vừ A Dính” đã được nhà văn Tô Hoài ghi lại tấm gương đó. Cùng với đó là ca khúc “ Vừ A Dính – Người thiếu niên Anh hùng” và “ Vừ A Dính bất tử” luôn được hát ngân vang tại các buổi sinh hoạt của Đội.
Ở tuổi 15, Vừ A dính đã tự nguyện hi sinh về sự tự do của dân tộc, lấy lại cuộc sống hòa bình như ngày nay. Khi đọc bài viết này chúng ta hãy tự hỏi bản thân đã làm được gì cho quê hương đất nước. Vì vậy, dù cho ở độ tuổi nhỏ hay lớn thì mỗi chúng ta cần phải có ước mơ, hoài bão cùng lý tưởng cao đẹp, từ đó cần ra sức, chăm chỉ học tập, có trách nhiệm, đóng góp một công sức nhỏ vào sự phát triển của đất nước.
Kể lại câu chuyện về gương thiếu nhi dũng cảm Kim Đồng
Trong lịch sử nước ta có rất nhiều anh hùng với tuổi đời còn rất nhỏ, họ là những người thiếu niên với tấm lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và đã giác ngộ Cách mạng từ rất sớm. Họ đã dạy chúng ta về lòng dũng cảm, lòng yêu nước sâu nặng, tinh thần quả cảm và tinh thần học hỏi không ngừng. Đối với tôi, những người thiếu niên đó đã giúp tôi có thêm những niềm cảm hứng tốt đẹp trong từng suy nghĩ, từng hành động và ước mơ của mình. Và có lẽ, người anh hùng thiếu niên Kim Đồng là người mà tôi yêu kính, khâm phục và là nguồn cảm hứng lớn nhất trong tôi.
Kim Đồng, anh tên thật là Nông Văn Dền, sinh năm 1928, là một người dân tộc Nùng tại tỉnh Cao Bằng. Tuy là người dân tộc thiểu số, nhưng được sinh ra trong cái nôi Cách mạng nên anh sớm đã giác ngộ lý tưởng Cách mạng và trở thành đội trưởng đội Nhi đồng cứu quốc. Tuy còn nhỏ nhưng Kim Đồng đã nhận thức rõ được nhiệm vụ của Cách mạng và khuyến khích, vận động các bạn khác đi theo hoạt động và làm liên lạc cho Việt Minh.
Năm 1943, khi đó, Kim Đồng mới mười lăm tuổi, trong một lần làm nhiệm vụ canh gác, anh đã anh dũng hi sinh khi bảo vệ các đồng chí lãnh đạo rút lui về chiến khu an toàn. Anh hi sinh khi tuổi đời còn rất nhỏ, và sự hi sinh của anh đã trở thành tấm gương sáng chói để lớp thiếu niên thế hệ sau noi theo.
Ở Kim Đồng, chúng ta học được sự thông minh, nhanh nhẹn, lòng dũng cảm và lòng yêu nước sâu sắc. Vâng lời Bác Hồ đã dặn, thiếu niên chúng ta phải luôn biết "yêu Tổ quốc, yêu đồng bào". Từ tấm gương anh hùng Kim Đồng, chúng ta được truyền thêm nguồn cảm hứng để thực hiện được điều đó. Mỗi người thiếu niên chúng ta cần phải rèn luyện đạo đức, tác phong của mình, học tập thật chăm chỉ, tham gia các lớp ngoại khóa về chủ quyền dân tộc cũng như tuyên truyền để bảo vệ đất nước của mình. Kim Đồng cũng đã truyền cho tôi động lực và ước mơ được trở thành một người lính cầm súng bảo vệ quê hương mình. Chính anh là người đã khơi lên tình yêu nước trong tôi và lòng quyết tâm thực hiện ước mơ của mình để góp phần giữ gìn Tổ quốc như anh đã từng làm.
Chắc hẳn, không chỉ tôi mà toàn bộ người dân Việt Nam đều khâm phục lòng yêu nước vô cùng của Kim Đồng. Anh sẽ mãi mãi là tượng đài bất hủ của thiếu niên chúng ta về lòng yêu nước và sự can đảm, lòng dũng cảm của mình.
Kể lại câu chuyện Người thiếu niên anh hùng
Trong những năm tháng đất nước ta chìm trong mưa bom bão đạn, có rất nhiều những người anh hùng đã xuất hiện. Họ có thể là những người lính, một cô giao liên, một cậu bé đưa thư, một bà cụ nông dân… Xung quanh ta, người người đều là anh hùng, vì họ dám dũng cảm đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ người thân, bảo vệ tổ quốc. Những câu chuyện ấy được người dân kể cho nhau nghe và ghi nhớ mãi. “Người thiếu niên anh hùng” chính là một câu chuyện như thế.
Câu chuyện kể về nước ta vào năm 1964, khi chiến tranh chống Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt. Cũng như các vùng khác, tại Thanh Hóa, người dân phải sinh sống trong cảnh thần chết luôn rình rập. Các bạn học sinh phải đi học trong cảnh sơ tán dưới hầm. Một ngày nọ, nhân lúc người lớn ra ngoài đi làm, giặc lại kéo máy bay đến thả bom vào khu vực dân cư sinh sống. Ngọc đang chơi ở sân liền vội vàng chạy xuống hầm để trú ẩn. Nhưng trên đường chạy vào nhà, Ngọc bỗng nghe tiếng khóc thét đau xé lòng vọng sang từ nhà bên cạnh. Thế là không chút chần chừ, cậu liền chạy vọt sang để xem xét tình hình. Đến nơi, cậu mới biết thì ra người bạn của cậu là Khương đã chết vì trúng bom, chỉ còn các em nhỏ đang kêu khóc thảm thiết. Lập tức, Ngọc ôm em Oong - đứa bé nhỏ nhất về hầm nhà mình trú ẩn. Sau đó, mặc kệ mưa bom bão đạn đang ào ào đổ xuống, cậu tiếp tục chui lên mặt đắt, bế hai đứa trẻ còn lại là em Đơ và em Toanh xuống hầm.
Rõ ràng, Ngọc cũng chỉ là một cậu bé, nhưng lúc ấy cơ thể nhỏ bé của Ngọc bỗng trở nên cao lớn lạ thường. Cậu ấy bỗng mạnh mẽ và nhanh nhẹn như một chiến sĩ La Mã cổ đại, hai tay bế xốc hai đứa trẻ chạy băng băng. Trong khói lửa mù mịt, Ngoc chạy ào qua các mảnh vỡ, qua đống đổ nát, nhảy xuống hầm trú ẩn của nhà mình. Thật may quá, cả ba đứa trẻ đều đã được an toàn. Nhưng phải đến lúc này, Ngọc mới nhận ra bản thân đã bị thương rất nặng. Từ lúc nào không hay, máu đã nhuộm đẫm chiếc áo của cậu. Thế mà nãy giờ cậu chẳng thấy đau đớn một chút nào, vẫn hành động nhanh nhẹn lắm. Tại sao thế nhỉ? Sức mạnh thần kì đó từ đâu đến vậy? Rõ ràng Ngọc mới chỉ là một cậu bé mười tuổi thôi mà? Câu hỏi ấy chẳng ai trả lời và xác nhận được cả, bởi Ngọc đã qua đời ít phút sau đó. Sự ra đi của Ngọc để lại câu hỏi lớn về người anh hùng nhỏ tuổi. Có lẽ là vì Ngọc là người giàu tình cảm, rất yêu thương trẻ em. Cũng có lẽ vì Ngọc chính là một người anh hùng tái thế, đến với cuộc sống này là để cứu người. Hoặc cũng có thể, lúc đó Ngọc đã được tiếp sức bởi sức mạnh của non sông, đất nước. Dù là lý do gì, thì cũng không thay đổi được một điều: Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc đã hi sinh năm mười bốn tuổi, để cứu sống ba đứa trẻ.
Câu chuyện Người thiếu niên anh hùng không chỉ giúp em biết đến một tấm gương thiếu nhi dũng cảm. Mà còn giúp em hiểu thêm những đau thương, gian khổ, mất mát của đất nước ta trong thời chiến. Từ đó thêm trân trọng và quyết tâm gìn giữ độc lập của non sông gấm vóc ngày hôm nay.