Hướng dẫn viết mục tiêu nghề nghiệp hay nhất
Ngoài việc sử dụng một CV đẹp và ấn tượng thì mục tiêu nghề nghiệp (Career Objective) không chỉ là một phần quan trọng để chúng ta ghi vào CV, hồ sơ khi xin việc, mà trên thực tế, nếu xác định được đúng định hướng, mục đích hướng nghiệp cụ thể và rõ ràng, chúng ta cũng sẽ dễ dàng đề ra các mục tiêu trong tương lai của mình.
Nhưng trước khi muốn biết làm cách nào viết mục tiêu nghề nghiệp chuẩn nhất, độc đáo và gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn cần nắm được một số khái niệm cũng như hiểu rõ về những điều sau đây:
Hướng dẫn viết mục tiêu nghề nghiệp gây chú ý
Viết mục tiêu nghề nghiệp thu hút nhà tuyển dụng
Mục tiêu nghề nghiệp là gì?
Thông thường, trong khi viết CV, mục tiêu nghề nghiệp thường là phần nằm sau thông tin cá nhân. Để nói đơn giản, chúng ta có thể hiểu mục tiêu nghề nghiệp thường là một công việc (nếu chưa có việc) hoặc một vị trí (nếu đang làm) nào đó trong tương lai được bạn vạch ra và làm mọi cách để đạt được nó.
Thông qua mục tiêu nghề nghiệp mà ứng viên khai trong hồ sơ hoặc CV online, các nhà tuyển dụng có thể biết được cá tính, tính cách, định hướng của bạn trong công việc, thái độ của bạn với công ty hay nói cách khác, mục tiêu nghề nghiệp của bạn, chính là cách, thứ mà nhà tuyển dụng tìm đến để ra quyết định có nhận bạn hay mời bạn đến phỏng vấn hay không?
Cần lưu ý gì khi viết mục tiêu nghề nghiệp?
Tại một số cuộc phỏng vấn, đã có những trường hợp người phỏng vấn hỏi về mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn (3-5 năm) và dài hạn của ứng viên (khoảng trên 5 năm). Nếu chỉ xác định đối phó hoặc không có mục tiêu nào rõ ràng, chắc chắn bạn sẽ ngập ngừng, lắp bắp, dẫn tới trả lời thiếu tự tin hoặc bị phát hiện nói dối.
Hướng dẫn viết mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng nhất
Tất cả những điều trên hoàn toàn không tốt và ảnh hưởng tới kết quả phỏng vấn của bạn. Nếu lo lắng về điều này và chưa biết làm cách nào để trả lời một cách tốt nhất, bạn có thể tham khảo chú ý sau:
Những điều cần nhớ khi viết mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn
Với những bạn mới ra trường, lần đầu viết CV xin việc, nếu chưa xác định được mục tiêu ngắn hạn cho bản thân, thì một trong những cách tốt nhất để "né" vấn đề này, chính là "tóm" ngay vào yêu cầu tuyển dụng của công ty, công việc mà bạn đang được phỏng vấn.
Tham khảo:
CV mẫu bằng tiếng Việt cho sinh viên mới ra trường
Cụ thể, một nhà tuyển dụng khi tìm người, sẽ đưa ra các yêu cầu với người đó, yêu cầu với công việc, bạn có thể lợi dụng điều này và nói với họ bạn đang mong muốn phát triển ở công việc hiện tại, đồng thời thể hiện cho họ thấy khả năng của bạn trong công việc đó, khẳng định rằng bạn sẽ làm tốt và mang lại giá trị cho họ nếu bạn được nhận vào làm.
Những điều cần nhớ khi viết mục tiêu nghề nghiệp dài hạn
Đó là với mục tiêu ngắn hạn, còn với dài hạn thì sao? Lúc này, bạn lại không thể "chém gió" được. Bởi nói tới dài hạn, tức là nói tới những mục tiêu mang tính sống còn, nghiêm túc và có thể thay đổi, định hướng lại hoàn toàn một con người, công việc hoặc thậm chí là một doanh nghiệp. Và đương nhiên, đi kèm với nó là sự chuẩn bị kỹ càng cả về kiến thức, tài chính, mọi nguồn lực cần thiết...
Mẹo viết mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn
Nói về phía bản thân, xác định được mục tiêu dài hạn cho mình, giúp bạn tự tin hơn. Bạn có thể tạm thời bỏ qua một vài khó khăn, thất bại phía trước để tập trung cho một tương lai "dài hơi" hơn. Đồng thời, nó cũng cho thấy bạn là người có tầm nhìn, có tham vọng, quyết tâm cao và sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được cái đích đó.
Còn nói về phía nhà tuyển dụng, điều họ cần và muốn thấy, cũng chính là niềm đam mê, nhiệt huyết của bạn. Là tâm lý có muốn gắn bó lâu dài và ổn định hay không? Nếu mục tiêu dài hạn của bạn cũng chính là điều mà quản lý cũng như công ty của bạn đang hướng tới, đó thực sự sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời.
Tham khảo:
Mẫu CV xin việc (tiếng Việt) cho người có kinh nghiệm
Một điều cần ghi nhớ khác, đó là mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn không có nhiều giá trị nếu bạn được hỏi về tương lai xa. Bởi cái ngắn hạn đó, đơn giản chỉ công cụ để thực hiện, là bước đệm cho mục tiêu dài hạn quan trọng và giá trị hơn rất nhiều.
Chính vì vậy, lời khuyên ở đây, là nếu có sẵn cho mình những mục tiêu này rồi, hãy cố gắng trình bày thật rõ ràng, chậm rãi, nhưng chắc chắn và thể hiện sự quyết tâm của bạn với những mục tiêu này. Nói về ngắn hạn trước, dài hạn sau. Như vậy, ý đồ của bạn sẽ rõ ràng, được người nghe hiểu và nắm bắt tốt hơn.
Kinh nghiệm viết mục tiêu nghề nghiệp dài hạn
Lấy ví dụ với một số trường hợp:
- Mục tiêu ngắn hạn:
- Lấy được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
- Giao tiếp được với người nước ngoài ở mức cơ bản.
- Trở thành trưởng nhóm, trưởng phòng.
- Mục tiêu dài hạn:
- Trở thành một biên dịch, phiên dịch viên chuyên nghiệp, có thể thành thạo nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau.
- Tự do về tài chính, làm chủ bản thân về tinh thần, thoải mái trong các hoạt động xã hội.
- Trở thành một quản lý giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có chiều sâu và kỹ năng làm việc tốt để đóng góp cho công ty.
Những lỗi thường thấy ở mục tiêu nghề nghiệp (Career Objective)
Nói ra là thế, nhưng thực chất, việc viết được một CV ấn tượng, thể hiện được hết mọi ưu điểm, đánh trúng tâm lý nhà tuyển dụng mà không mắc phải sai lầm nào, thực sự là một điều không dễ.
Một số điều dưới đây sẽ là list những điều "tối kỵ" mà bạn cần tránh khi viết mục tiêu nghề nghiệp trong cv:
- Viết mục tiêu nghề nghiệp chung chung, không rõ ràng. Điều này là đương nhiên, bởi giữa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bộ hồ sơ, việc làm sao để nổi bật chính là điều đầu tiên để gây chú ý, khiến bạn nổi bật hơn so với người khác và giúp bạn được lựa chọn. Sau khi hiểu rõ về công việc, bản thân cũng như xác định được định hướng cá nhân, hãy kết hợp tất cả những điều đó để tạo ra một "chất riêng" cho chính mình, tránh tối đa sự nhạt nhoà.
- Viết mục tiêu nghề nghiệp quá dài dòng. Dài quá không tốt, vì sẽ thành rườm rà, lòng vòng, nhưng ngắn quá cũng sẽ thành cụt lủn, thô kệch. Vậy bao nhiêu là đủ? Điều này không cố định, nhưng bạn hãy chắc chắn, mỗi nhà tuyển dụng chỉ dành khoảng 2-4 phút để đọc một CV bất kỳ. Nghĩa là trong khoảng thời gian đó, họ phải ghi nhớ nắm được toàn bộ thông tin mà bạn khai. Và chắc chắn bạn không muốn bất cứ thông tin nào của mình bị "miss" chứ?
- Không nhấn mạnh những giá trị bạn mong muốn tạo ra cho công ty. Ngoài việc gây ấn tượng bằng cách đưa ra một mục tiêu cụ thể (không quá bình thường) với lộ trình rõ ràng thì bất cứ ứng viên nào, nếu muốn ghi điểm với nhà tuyển dụng, đều cần đặc biệt nhấn mạnh vào lợi ích, vào những giá trị mà chính bạn sẽ tạo ra cho công ty nếu được làm việc tại đây. Dù chưa biết khả năng thực tế nó sẽ là bao nhiêu, nhưng một điều đương nhiên là, không ai muốn thuê bạn làm mà bạn lại không thể đóng góp được gì vào sự phát triển của công ty.
- Không có mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Như đã nói, khi được hỏi về mục tiêu nghề nghiệp của mình, mọi ứng viên đều nên, cần phải trả lời về cả hai mục tiêu. Nếu thiếu một trong hai thì dù phần trả lời của bạn có xuất sắc tới đâu cũng sẽ khó thuyết phục được các nhà tuyển dụng lựa chọn bạn.
Sai lầm cần tránh khi viết mục tiêu nghề nghiệp
Một số mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng nhất
Biết được những điều nên tránh, vậy còn những điều nên làm thì sao? Phải làm gì hay nói gì, ra sao để trở thành một ứng viên sáng giá đây?
- Mục tiêu ngắn gọn và đơn giản. Đúng vậy, đây chính là điều đầu tiên mà bạn cần nhớ và phải chắc chắn về nó. Ngắn gọn, đơn giản nhưng vẫn tập trung được toàn bộ điểm nhấn. Đó sẽ là một câu trả lời thông minh nhất.
- Chung mục tiêu. Còn gì tuyệt vời hơn nếu những gì bạn muốn, phấn đấu đạt được cũng chính là cái đích mà công ty và toàn thể ban lãnh đạo cũng đang hướng tới?
- Nêu rõ mục tiêu theo đuổi của mình. Ví dụ bạn đi du lịch nhưng không nói rõ đi đâu, thì người khác sẽ chỉ biết bạn đi chơi xa. Mục tiêu nghề nghiệp cũng vậy, bạn không thể chỉ nói ra nó một cách mơ hồ, chung chung hay đại khái được. Không ai thích sự mập mờ và không rõ ràng cả, hãy nhớ điều đó.
Nhà tuyển dụng "đọc vị" bạn qua mục tiêu nghề nghiệp ra sao?
Tại sao lại nói tới vấn đề này? Bởi nếu là một người đi trước, với hàng chục năm kinh nghiệm thực hiện phỏng vấn, người viết tin chắc rằng, bất kỳ ai cũng sẽ có một trực giác, một nhãn quan vô cùng nhạy bén trong việc nhìn và đánh giá một người mới ra trường, ít kinh nghiệm hay đã lão luyện.
Họ không theo dõi, thậm chí không cần nói chuyện hay hỏi bạn quá nhiều để biết về bạn. Vậy từ đâu à? Từ chính CV của bạn. Từ những gì mà bạn đã khai trong mục tiêu nghề nghiệp của mình, các nhà tuyển dụng có thể biết được một số điều cụ thể sau:
- Tính cách con người bạn. Thông qua mục tiêu bạn đề ra, họ sẽ biết được thái độ của bạn với tương lai của chính mình. Thấy được tầm nhìn của bạn ra sao, kế hoạch ra sao cũng sẽ nói lên khả năng của bạn cả về tư duy, kiến thức lẫn nghiệp vụ công việc, hay đơn giản là tham vọng của bạn - điều đôi khi khiến các nhà tuyển dụng bị thu hút.
- Bạn có ý định gắn bó với công ty không? Điều này khá dễ nhận thấy, bởi chỉ cần định hướng của bạn không trùng với định hướng công việc hay thậm chí là công ty, điều đó có nghĩa hai bên khó có thể cùng nhau đi chung một con đường cho tới cuối, trừ khi một trong hai thay đổi. Và bạn nghĩ mình sẽ thay đổi vì công ty, hay ngược lại?
- Sự phù hợp của bạn với công việc và vị trí hiện tại. Điều này liên quan trực tiếp tới hai điều trên, và nó còn đặc biệt quan trọng nếu bạn ứng tuyển vào vị trí quản lý cao cấp. Không nói nhân viên thì không quan trọng, nhưng các quản lý mới là người vận hành, là người đưa ra phương hướng, chiến lược lên kế hoạch cho sự phát triển và từng bước đi của công ty. Nếu bạn không bằng lòng, không thể tập trung cho công việc, hay mục tiêu của chính cá nhân bạn còn quá đại khái, không rõ ràng, thì không thể đưa ra một sự chính xác, rõ ràng nào cho cả công ty được.
Các ví dụ về mục tiêu nghề nghiệp cụ thể
Mẫu Sơ yếu lý lịch bằng tiếng Anh
Bằng tiếng Anh:
- Marketing - In the future, I want to become a marketing expert with huge passion for media, advertising and technology. A promotional staff in... to work with the team in building highly effective advertising solutions for clients. (Trong tương lai, tôi muốn trở thành một chuyên gia marketing, có niềm đam mê lớn về lĩnh vực truyền thông, quảng cáo và công nghệ, mong muốn trong tương lai sẽ làm vị trí nhân viên quảng cáo tại [tên công ty] để có cơ hội làm việc với đội nhóm và xây dựng các giải pháp quảng cáo hiệu quả cao cho khách hàng).
- Phân tích tài chính - Seeking the position of a financial analyst with an organization that offers challenging tasks, ample incentives, and opportunity to contribute to its growth and productivity. (Tôi muốn trở thành một nhà phân tích tài chính trong một doanh nghiệp, tập đoàn lớn với những nhiệm vụ mang tính thử thách. Nó giúp tạo cho tôi sự thúc đẩy và có cơ hội đóng góp vào quá trình tăng trưởng của công ty).
- Bán hàng/Sales - Have a sales job that offers a vibrant workplace where I can use my solid sales experience and proven customer-relationship strengths to achieve challenging sales goals. (Được làm việc trong một môi trường năng động, nơi tôi có thể sử dụng kinh nghiệm vốn có của mình và tận dụng các mối quan hệ để đạt được doanh số cũng như các mục tiêu bán hàng khác).
Bằng tiếng Việt:
- Kế toán - Trở thành kế toán trong công ty của anh/chị để có cơ hội học hỏi chuyên sâu hơn về các công cụ phần mềm kế toán và thuế. Đồng thời sử dụng kiến thức chuyên môn, những kinh nghiệm làm việc thực tế trước đây cũng như kỹ năng phân tích để áp dụng tối đa cho công việc.
- Quản lý - Tốt nghiệp và có bằng loại khá giỏi về quản lý của đại học [tên trường] và đã từng có [số năm] kinh nghiệm thực tập tại công ty [tên công ty], tôi đã nắm vững những kỹ năng về lãnh đạo cũng như quản lý. Tôi muốn tìm kiếm một công việc ở vị trí tương đương để có cơ hội đưa ra những ý tưởng, thể hiện sự sáng tạo, phương pháp phân tích cùng với kỹ năng nghiệp vụ và khả năng tổ chức của mình.
- Du lịch - Trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và có nhiều kiến thức chuyên sâu. Mong muốn làm việc tại một vị trí tương tự trong ngành du lịch (hoặc tại công ty) và có thể lên vị trí trợ lý, quản lý trong vòng một năm.
Kết luận:
Mục tiêu nghề nghiệp là một thành phần vô cùng quan trọng trong việc tạo ra một CV hoàn hảo. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy cố gắng đọc và ghi nhớ những điều mà Eballsviet.com đã nhắc tới trong bài viết này. Đồng thời thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được những lợi ích mà họ sẽ nhận được hoặc bạn sẽ mang lại cho công ty của họ. Nếu làm được tất cả những điều trên, chắc chắn CV của bạn sẽ rất nổi bật và không một nhà tuyển dụng nào có thể bỏ qua bạn.