Kinh tế và pháp luật 11 Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường Sách Cánh diều
Giải bài tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường Cánh diều giúp các em học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi phần khám phá, luyện tập và vận dụng trang 6→11.
Giải Kinh tế và pháp luật 11 Bài 1 trang 6, 7, 8, 9, 10, 11 giúp các bạn học sinh lớp 11 hiểu về nguyên nhân, vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời có thêm tài liệu gợi ý, so sánh với kết quả mình đã làm, rèn luyện củng cố, bồi dưỡng và kiểm tra vốn kiến thức.
Kinh tế và pháp luật 11 Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường
Luyện tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 1
Luyện tập 1
Em hãy cho biết các nhận định sau đây về cạnh tranh trong nền kinh tế là đúng hay sai. Vì sao?
A. Cạnh tranh là sự chia sẻ các nguồn lực giữa những người sản xuất kinh doanh.
B. Cạnh tranh luôn diễn ra giữa các chủ thể trong nền kinh tế thị trường.
C. Cạnh tranh là sự phối hợp giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
D. Cạnh tranh là sự ganh đua tìm kiếm cơ hội thuận lợi của các chủ thể trong hoạt động kinh tế để thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
E. Mục đích cao nhất của cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế là nhằm phát huy năng lực sáng tạo của con người.
Gợi ý đáp án
- Nhận định A. Không đồng tình, vì: cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể tham gia thị trường, nhằm giành điều kiện thuận lợi trong sản xuất, mua bán, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
- Nhận định B. Đồng tình, vì: trong nền kinh tế thị trường, giữa các chủ thể có sự khác biệt về: nguồn lực; điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng, do đó, các chủ thể kinh tế luôn phải cạnh tranh với nhau để giành được lợi ích cao nhất cho mình.
- Nhận định C. Không đồng tình, vì: cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể tham gia thị trường, để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất. Ví dụ:
+ Giữa các chủ thể sản xuất có sự cạnh tranh với nhau, giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
+ Người tiêu dùng luôn ganh đua với nhau để mua được hàng hóa rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.
+ Người sản xuất và người tiêu dùng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích nhiều nhất từ hoạt động trao đổi trên thị trường.
- Nhận định D. Đồng tình, vì: trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể luôn có sự ganh đua, giành giật những cơ hội thuận lợi để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
- Nhận định E. Không đồng tình, vì: mục đích cao nhất của cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế là nhằm thu về lợi ích kinh tế cho bản thân.
Luyện tập 2
Em hãy chỉ ra những nhận định đúng về nguyên nhân cạnh tranh trong các câu sau và giải thích vì sao.
A. Cạnh tranh nảy sinh do sự tồn tại các chủ thể kinh tế với các hình thức sở hữu nguồn lực khác nhau, độc lập với nhau, tự do sản xuất, kinh doanh.
B. Cạnh tranh xuất hiện là do sự giành giật các điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của các chủ thể kinh tế để thu được lợi ích cao nhất cho mình.
C. Cạnh tranh xuất hiện là do sự phối hợp giữa các chủ thể kinh tế nhằm cùng thu được lợi ích trong hoạt động kinh tế.
D. Cạnh tranh diễn ra do điều kiện sản xuất và lợi ích của mỗi chủ thể kinh tế khác nhau.
Gợi ý đáp án
- Những nhận định đúng về nguyên nhân cạnh tranh là: A, B, D.
=> Giải thích:
- Cạnh tranh trên thị trường diễn ra là do: các chủ thể kinh tế có sự khác biệt về hình thức sở hữu nguồn lực; các chủ thể này lại tồn tại độc lập với nhau; chủ thể nào cũng hành động trước hết vì lợi ích của mình.
- Vì các nguồn lực có hạn, các điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng khác nhau nên để thực hiện được lợi ích của mình, các chủ thể kinh tế phải cạnh tranh với nhau.
+ Các chủ thể sản xuất luôn phải giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu được lợi nhuận cao nhất cho mình.
+ Người tiêu dùng cũng luôn ganh đua với nhau để mua được hàng hóa rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.
+ Người sản xuất và người tiêu dùng cũng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích nhiều nhất cho mình từ hoạt động trao đổi trên thị trường.
Luyện tập 3
Em hãy phân tích vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế qua những trường hợp dưới đây:
A. Các công ty sản xuất bánh mứt kẹo trong nước bán ra thị trường nhiều sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của các gia đình dịp Tết.
B. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử gia dụng nội địa tập trung đầu tư vào cải tiến kĩ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường trong nước.
C. Những năm gần đây, nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch và tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các loại trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây nhiệt đới của Việt Nam đã chinh phục được thị trường ở nhiều nước phát triển.
D. Nhờ khai thác tốt lực lượng lao động thủ công có tay nghề giỏi, làng dệt lụa truyền thống tỉnh H vẫn duy trì được thị trường phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Gợi ý đáp án
- Trường hợp A. Vai trò của cạnh tranh là: tạo điều kiện để người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lí. Do đó, nhu cầu của người tiêu dùng được đáp ứng tốt hơn.
- Trường hợp B. Vai trò của cạnh tranh là: tạo động lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
- Trường hợp C. Vai trò của cạnh tranh là: giúp quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó chinh phục được thị trường trong và ngoài nước.
- Trường hợp D. Vai trò của cạnh tranh là: các nguồn lực kinh tế được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, giúp tỉnh H duy trì được làng dệt lụa truyền thống, duy trì thị trường phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Luyện tập 4
Trong thời gian qua, việc kinh doanh của công ty H có dấu hiệu thua kém công ty K về doanh thu và lợi nhuận. Giám đốc công ty H đã tìm nhiều cách khắc phục. Ông đã cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách tìm mua nguyên vật liệu có chất lượng kém hơn, nguồn gốc không rõ ràng.
Em đồng tình hay không đồng tình với hành động của giám đốc công ty H trong tình huống này? Vì sao?
Gợi ý đáp án
- Không đồng tình với hành động của giám đốc công ty H, vì: việc sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ… tuy đem lại lợi ích trước mắt là giảm chi phí sản xuất, nhưng để lại những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng, như:
+ Hạ chất lượng sản phẩm;
+ Làm mất uy tín của doanh nghiệp;
+ Gây nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng; đồng thời cũng gây mất niềm tin của khách hàng vào sản phẩm của doanh nghiệp…
Vận dụng Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 1
Vận dụng 1
Em và các bạn đóng vai người bán cùng một mặt hàng. Hãy thuyết phục để người mua lựa chọn sản phẩm của em. (Gợi ý: cân nhắc về mức giá, chất lượng sản phẩm, cách thức thanh toán, điều kiện giao hàng,...).
Gợi ý đáp án
(*) Học sinh lựa chọn sản phẩm và tự thực hiện đóng vai để thuyết phục khách hàng.
Vận dụng 2
Em hãy thiết kế sản phẩm để phê phán các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh và chia sẻ thông điệp với các bạn trong lớp.