Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân (2 Dàn ý + 18 mẫu) Văn mẫu lớp 7
Tình yêu thương làm một điều tốt đẹp trong cuộc sống của con người. Eballsviet.com sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân.
Nội dung chi tiết sẽ bao gồm 2 dàn ý và 18 bài văn mẫu, cùng với mở bài dán tiếp và kết bài gián tiếp. Hãy cùng theo dõi chi tiết ngay sau đây.
Giải thích câu Thương người như thể thương thân
- Dàn ý giải thích Thương người như thể thương thân
- Giải thích Thương người như thể thương thân ngắn gọn nhất (3 mẫu)
- Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân (5 mẫu)
- Thương người như thể thương thân là gì (6 mẫu)
- Mở bài gián tiếp Thương người như thể thương thân (5 mẫu)
- Kết bài gián tiếp Thương người như thể thương thân (5 mẫu)
Dàn ý giải thích Thương người như thể thương thân
I. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu câu: “Thương người như thể thương thân”.
II. Thân bài
1. Giải thích
- “Thương người” có nghĩa là yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh.
- “Thương thân” có nghĩa là yêu thương, chăm sóc, giữ gìn, quý trọng bản thân mình.
=> Câu tục ngữ sử dụng cách nói so sánh con người hãy yêu thương mọi người xung quanh giống như yêu thương chính bản thân mình. Chúng ta cần phải có tấm lòng biết đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh.
2. Vì sao phải “Thương người như thể thương thân”?
- Mỗi người sinh ra có một hoàn cảnh khác nhau: có người sung sướng, có người nghèo khổ.
- Tình yêu thương giúp cho cuộc sống trở nên văn minh, tốt đẹp hơn khi con người biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
- Biết yêu thương, con người sẽ nhận được sự quý mến, cảm phục và trân trọng từ những người xung quanh.
3. Dẫn chứng và liên hệ bản thân
- Dẫn chứng: dân tộc Việt Nam giúp đỡ nhau trong chiến tranh, thiên tai hay đại dịch..
- Liên hệ bản thân: Học sinh cần biết chia sẻ với bạn bè, giúp đỡ mọi người xung quanh…
III. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”.
Giải thích Thương người như thể thương thân ngắn gọn nhất
Đoạn văn mẫu số 1
Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” dù ngắn gọn nhưng đã đem đến một bài học rất sâu sắc. Đầu tiên, “thương thân” có nghĩa là tự yêu thương, chăm sóc và trân trọng chính mình. Người biết yêu thương chính mình là người nhìn thấy những mặt tốt đẹp của bản thân, phát triển điều đó để hoàn thiện chính mình. Còn “thương người” có nghĩa là tình cảm quý mến, sự chia sẻ hay giúp đỡ với những người xung quanh. Cách nói so sánh “như thể” nhằm nhắn nhủ mỗi người rằng hãy yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương và trân trọng chính bản thân mình. Chúng ta sinh ra có hoàn cảnh riêng có người được sống trong sung sướng, hạnh phúc; nhưng cũng có người nghèo khó, bất hạnh. Bởi vậy mà sự yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau sẽ đem đến những điều tốt đẹp. Không chỉ vậy, khi chúng ta yêu thương, giúp đỡ mọi người xung quanh cũng sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp từ họ. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tương thân tương ái. Nhân dân ta đã đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, cũng bởi từ một phần không nhỏ lòng yêu thương dành cho nhân dân. Ngày hôm nay, điều đó lại càng được phát huy. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên như chương trình “Cùng em đến trường”, “Trái tim cho em” , “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”... Tóm lại, câu tục ngữ tuy ngắn gọn, nhưng đã giúp mỗi người có được bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh.
Đoạn văn mẫu số 2
Hiểu được giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống, ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên qua câu “Thương người như thể thương thân”. Câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng bài học sâu sắc. “Thương người” có nghĩa là tình cảm quý mến, sự chia sẻ hay giúp đỡ với những người xung quanh. Còn “thương thân” có nghĩa là tự yêu thương, chăm sóc và trân trọng chính mình. Cách so sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi người rằng hãy yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương và trân trọng bản thân. Chúng ta sinh ra không có ai là hoàn hảo. Mỗi người sống trong một hoàn cảnh riêng. Có người sung sướng, đủ đầy. Cũng sẽ có người khổ cực, thiếu thốn. Sự chia sẻ, yêu thương sẽ giúp cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời, người biết đồng cảm, yêu thương sẽ nhận lại sự trân trọng từ những người xung quanh. Bên cạnh đó, vẫn có người sống ích kỉ, vô cảm. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, coi thường những người nghèo khổ. Đó là lối sống đáng lên án và phê phán và chúng ta cần phải tránh xa. Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là một lời răn dạy quý giá của ông cha ta để lại.
Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân
Bài văn mẫu số 1
M. Go-rơ-ki đã từng khẳng định: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Hiểu được giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống, ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên qua câu “Thương người như thể thương thân”.
Câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng bài học sâu sắc. “Thương người” có nghĩa là tình cảm quý mến, sự chia sẻ hay giúp đỡ với những người xung quanh. Còn “thương thân” có nghĩa là tự yêu thương, chăm sóc và trân trọng chính mình. Cách so sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi người rằng hãy yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương và trân trọng chính bản thân.
Chúng ta sinh ra không có ai là hoàn hảo. Mỗi người sống trong một hoàn cảnh. Có người sung sướng, đủ đầy. Cũng sẽ có người khổ cực, thiếu thốn. Sự chia sẻ, yêu thương sẽ giúp cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời, người biết đồng cảm, yêu thương sẽ nhận lại sự trân trọng từ những người xung quanh. Tương thân tương ái đã trở thành một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Từ quá khứ đến hiện tại, nhân dân ta vẫn luôn biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Trong chiến tranh, con người Việt Nam cùng đoàn kết để vượt qua khó khăn: những bà mẹ nuôi cán bộ đội, chung tay quyên góp vào hũ gạo cứu đói... Khi đất nước hòa bình phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh thì tinh thần đó vẫn sáng ngời. Các doanh nghiệp đã chung tay giải cứu nông sản cho bà con nông dân. Nhiều bạn trẻ tham gia hiến máu nhân đạo để cứu giúp các bệnh nhân. Các thầy cô giáo tình nguyện lên vùng cao dạy học, đem con chữ về với học sinh miền núi…
Bên cạnh đó, nhiều người có lối sống ích kỉ, vô cảm. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, coi thường những người nghèo khổ. Đó là lối sống đáng lên án và phê phán và chúng ta cần phải tránh xa.
Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là một lời răn dạy quý giá của ông cha ta để lại. Mỗi người hãy ghi nhớ để có thể trở thành những con người sống biết yêu thương để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Bài văn mẫu số 2
Tình yêu thương là một điều cần thiết trong cuộc sống của con người. Bởi vậy mà ông cha ta đã gửi gắm điều đó qua câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” dù ngắn gọn nhưng rất sâu sắc.
Đầu tiên, “thương thân” có nghĩa là tự yêu thương, chăm sóc và trân trọng chính mình. Người biết yêu thương chính mình là người nhìn thấy những mặt tốt đẹp của bản thân, phát triển điều đó để hoàn thiện chính mình. Còn “thương người” có nghĩa là tình cảm quý mến, sự chia sẻ hay giúp đỡ với những người xung quanh. Cách nói so sánh “như thể” nhằm nhắn nhủ mỗi người rằng hãy yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương và trân trọng chính bản thân mình.
Mỗi người sinh ra đều có hoàn cảnh riêng có người được sống trong sung sướng, hạnh phúc; nhưng cũng có người nghèo khó, bất hạnh. Bởi vậy mà chúng ta cần phải biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Không chỉ vậy, khi chúng ta yêu thương, giúp đỡ mọi người xung quanh cũng sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp từ họ. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tương thân tương ái. Nhân dân ta đã đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, cũng bởi từ một phần không nhỏ lòng yêu thương dành cho nhân dân. Ngày hôm nay, điều đó lại càng được phát huy. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên như chương trình “Cùng em đến trường”, “Trái tim cho em” , “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”...
Bên cạnh đó, một số bộ phận không nhỏ những cá nhân có lối sống vô cảm, thờ ơ. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân của bản thân. Các doanh nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng mà không nghĩ đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhiều người lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán khẩu trang, các mặt hàng nhu yếu phẩm… Đó là những hành động đáng lên án, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đất nước. Chúng ta cần lên án, tránh xa những hành vi đó.
Còn với học sinh như em, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” giúp em biết chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh. Những hành động như ủng hộ các bạn học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ những người già neo đơn, đi thăm gia đình thương binh, ủng hộ đồng bào miền Trung... đều đã thể hiện được tấm lòng nhân ái.
Tóm lại, câu tục ngữ tuy ngắn gọn, nhưng đã giúp mỗi người có được bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh.
Bài văn mẫu số 3
Ca dao, tục ngữ đã gửi gắm những bài học ý nghĩa cho con người trong cuộc sống. Một trong số đó là câu “Thương người như thể thương thân” mang bài học về tình yêu thương.
Trước hết, “thương người” là tình cảm yêu mến gắn liền với hành động quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Tiếp đến, “thương thân” chính là tự yêu thương chính mình. Việc so sánh “thương người như thể thương thân” muốn nhắn nhủ con người hãy yêu thương những người xung quanh như yêu chính mình.
Tinh thần tương thân tương ái vốn là truyền thống quý giá của nhân dân Việt Nam từ xưa. Dân tộc ta đã đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1945, khi nhân dân ta phải đối mặt với “giặc đói”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no” được nhân dân hưởng ứng. Các hũ gạo cứu đói đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Điều đó cũng đã được các nhà văn khắc họa vô cùng chân thực qua các tác phẩm văn học. Trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, nhân vật chính của truyện là anh cu Tràng đã cưu mang người vợ “nhặt” khi nạn đói đang hoành hành.
Đến ngày hôm nay, khi đất nước đã hòa bình, tinh thần ấy lại càng được sáng ngời. Những món quà cứu trợ gửi đền đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của thiên tại. Các chiến sĩ bộ đội không ngại nguy hiểm đem lương thực, thực phẩm cho người dân ở vùng lũ… Nhưng ngược lại, vẫn còn một số người có lối sống vô cảm. Họ có lối sống ích kỉ, thờ ơ trước khó khăn của người khác. Thậm chí nhiều người còn vì lợi ích cá nhân mà làm hại đến người khác. Đó quả thật là lối sống đáng lên án.
Có thể khẳng định, “Thương người như thể thương thân” chính là cách sống đúng đắn. Khi biết yêu thương những người xung quanh, mỗi người sẽ nhận được những điều vô cùng quý giá.
Bài văn mẫu số 4
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” - đó là những lời trong bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống nhân ái. Điều đó không chỉ được thể hiện qua những lời ca, câu hát mà còn trong ca dao, tục ngữ. Một trong số đó là câu: “Thương người như thể thương thân”.
Câu tục ngữ đã dùng cách nói so sánh để nhắn nhủ tới mỗi người bài học về tình yêu thương. Trước tiên, “thương người” là tình cảm yêu mến gắn liền với hành động quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” chính là tự yêu thương chính mình. So sánh “thương người như thể thương thân” muốn nhắn nhủ con người hãy yêu thương những người xung quanh như yêu chính mình.
Tinh thần tương thân tương ái là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bởi không phải bất kì ai sinh ra được sống trong hoàn cảnh sung sướng. Có rất nhiều người phải sống trong hoàn cảnh đói nghèo, khổ cực. Chính vì vậy mà mỗi người hãy biết đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh.
Điều đó đã được thể hiện trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta đã cùng đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau để đánh bại hai kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Biết bao người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Điều đó không chỉ thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước. Mà còn thể hiện tình yêu thương giữa những con người có cùng chung nguồn cội. Đến ngày hôm nay, tinh thần đó vẫn còn được phát huy. Những thanh niên tình nguyện, tuy còn trẻ nhưng họ luôn sẵn sàng đưa bước chân đến những vùng miền xa xôi của tổ quốc để giúp đỡ những người khó khăn. Nhưng người nghệ sĩ giàu có tấm lòng thường xuyên đi làm từ thiện…
Bên cạnh đó, một số người lại có lối sống ích kỉ. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến những người xung quanh. Thậm chí họ có thể sẵn sàng làm hại người khác để đạt được mục ích. Những người như vậy chỉ biết yêu thương mình, mà không biết yêu thương mọi người. Để rồi cuối cùng khi nhìn lại, họ sẽ chỉ thấy cô đơn và lạnh lẽo.
Như vậy, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là một lời khuyên đúng đắn. Mỗi chúng ta hãy biết mở rộng tấm lòng yêu thương, để có thể cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn.
Bài văn mẫu số 5
“Thương người như thể thương thân” - câu tục ngữ là lời nhắn nhủ của ông cha ta dành cho thế hệ sau bài học về tình yêu thương, một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống.
Đầu tiên, về “thương thân” có nghĩa là tự yêu thương, chăm sóc và trân trọng chính mình. Người biết yêu thương chính mình là người nhìn thấy những mặt tốt đẹp của bản thân, phát triển điều đó để hoàn thiện chính mình. Còn “thương người” có nghĩa là tình cảm quý mến, sự chia sẻ hay giúp đỡ với những người xung quanh. Cách nói so sánh “như thể” nhằm nhắn nhủ rằng hãy yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương, trân trọng chính bản thân mình.
Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Không ai có thể sống đơn độc, lẻ loi cả cuộc đời mà cần phải có sự hòa nhập cộng đồng. Trong cuộc sống, rất nhiều người có hoàn cảnh đáng thương cần sự chung tay giúp đỡ của người khác, của cộng đồng để có thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống. Bởi vậy mà mọi người cùng tiến bộ, phát triển thì xã hội, đất nước cũng sẽ phát triển tốt đẹp hơn. Đặc biệt hơn cả, khi chúng ta giúp đỡ người khác sẽ khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, thanh thản. Đây cũng là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Những năm qua, dân tộc Việt Nam vẫn luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái. Những chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam hay người khuyết tật vẫn luôn được thực hiện. Các chương trình ý nghĩa như “Trái tim cho em”, “Cặp lá yêu thương”... đã giúp đỡ được rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Nhưng đôi khi, tinh thần đó được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, từ những hành động rất nhỏ như sự chia về vật chất (cơm ăn, áo mặc, tiền bạc…) hay sẻ chia về tinh thân (những lời nói động viên, ánh mắt an ủi…). Nhưng dù là sự sẻ chia vật chất hay tinh thần cũng đều cần có sự xuất phát thật tâm từ tấm lòng của người giúp đỡ.
Đối với một học sinh như tôi, câu tục ngữ là một lời khuyên quý giá để tôi biết sống sẻ chia, yêu thương với những người xung quanh. Đồng thời, tôi cũng tránh được lối sống vô cảm, thờ ơ với cộng đồng.
Có thể thấy, nơi nào có yêu thương, nơi đó có hạnh phúc. Lời khuyên của ông cha ta đã khẳng định được bài học sâu sắc về cuộc sống. Mỗi người hãy luôn giữ được một trái tim biết yêu thương, sẻ chia.
Thương người như thể thương thân là gì
Bài văn mẫu số 1
Tục ngữ Việt Nam là kho kinh nghiệm ngàn đời, đúc kết từ trí tuệ người xưa. Cũng có câu tục ngữ được thốt ra từ trái tim nồng nàn của tiền nhân. Đó là câu: “Thương người như thể thương thân”.
Câu tục ngữ như một lời nói hết sức bình dị hàng ngày. Nó là một câu so sánh với hai vế. “Thân” tức là thân thể hay thân xác; là phần vật chất sống của mỗi người, được cha mẹ ban cho mà có. “Thương thân” là phải biết thương lấy mình, tự mình chăm sóc, giữ gìn và chia sẻ vui buồn với chính mình. Cũng chính vì thế thương thân thể hiện một tình thương dồi dào nhất, một sự chăm sóc tích cực nhất, vì “vị kỷ” và “ích kỉ” là bản tính của con người. Nhất là khi con người ta cô đơn. Tóm lại, thương thân là tình thương đậm đà nhất, sự giữ gìn, chăm sóc tích cực và cảm thông sâu xa nhất của mỗi người với chính mình. Thương người như thể thương thân chứa đựng một lời khuyên: “Hãy thương yêu, chăm sóc thông cảm và chia sẻ vui buồn, hoạn nạn với người khác như chính mình vậy”.
Sở dĩ ông bà ta có lời khuyên này vì nhiều người trong xã hội có thói ích kỉ, ích kỷ đến độ tàn nhẫn và ngu ngốc. Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi là những câu thành ngữ, tục ngữ miêu tả loại người ấy. Do đó, câu tục ngữ thương người như thể thương thân như một hồi chuông đánh thức lương tri, lay động tâm hồn của con người.
Thật vậy, trong xã hội không ai sống lẻ loi, đơn độc mà tập hợp thành đoàn thể, cộng đồng. Trong gia đình, ta có mối quan hệ anh em, những người cùng huyết thống, cùng có những kỷ niệm vui buồn bên nhau. Họ chẳng khác nào như chân với tay trong cùng một cơ thể. Do đó khi gặp khó khăn, hoạn nạn ta làm sao có thể quay lưng làm ngơ cho được, bởi máu chảy ruột mềm.
“Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
Rộng hơn tình anh em bè bạn, bà con hàng xóm, những người đã cùng chúng ta tối lửa tắt đèn có nhau, tuy không cùng máu mủ nhưng họ lại là người có tình có nghĩa sâu nặng với ta. Những lúc trái gió trở trời, những khi cùng đường bí lối, họ đến với ta bằng những tấm lòng chân thành để chia ngọt sẻ bùi. Tình nghĩa ấy thật sâu đậm nào khác gì anh em một nhà. Vì vậy, khi họ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lẽ nào ta ngoảnh mặt thờ ơ cho đành. Lúc này, thái độ nhường cơm sẻ áo, chị ngã em nâng là một việc làm mà ta phải thực hiện tốt. Ngay đến cộng đồng xã hội mà ta sống, những người dù ở miền ngược hay miền xuôi, dù ở nơi rừng núi hay đồng bằng cũng đều là anh em, bởi lẽ họ với ta cùng một dân tộc, có chung một mẹ Âu Cơ. Chính mối quan hệ gắn bó này tạo nên tình cảm tương thân tương ái giữa con người với con người trong xã hội. Tình cảm ấy đã bao đời nay trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, cả nước đều chung lòng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đi đến thắng lợi vẻ vang. Cũng đã biết bao lần toàn dân ta đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi một miếng khi đói bằng một gói khi no những khi lũ lụt, hoả hoạn. Những lúc ấy, có người đã dũng cảm quên đói, quên lạnh, cứu sống bao nhiêu mạng người để lại gương sáng cho đời sau.
Câu tục ngữ thương người như thể thương thân là một bài học sâu sắc về đạo lý làm người. Hãy thương yêu người khác như yêu thương chính bản thân mình. Điều đó mãi mãi nhắc nhở ta về lòng nhân ái, về tình người mà ta cần thực hiện tốt. Để phát huy truyền thống tốt đẹp ấy của ông cha, em hứa sẽ luôn giúp đỡ những người hoạn nạn trong cuộc đời.
Bài văn mẫu số 2
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu thương đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Tình cảm yêu thương con người ấy đã trở thành máu thịt trong mỗi chúng ta. Từ đó hình thành nên lòng nhân ái, tình người bao la. Ông bà ta xưa có dạy: “Thương người như thể thương thân”.
Đây là một lời khuyên chí tình, chí nghĩa nhằm nhắc nhở con cháu phải biết yêu thương giúp đỡ người khác như yêu thương chính bản thân mình. Lời nói tự nhiên chân thành ngắn gọn, mà lại chứa chan bao điều giáo huấn. Câu tục ngữ được tách thành hai vế: Một bên là người “nhân loại”, một bên là bản thân bởi cách so sánh “như thể”. Thân thể của ta thì ta phải quý trọng, phải chăm sóc. Chỉ một vết trầy xước nhỏ, một chứng đau nhẹ cũng khiến cho ta phải quan tâm lo sợ... cho tấm thân ta. Thấm được cái đau khi mình mắc phải sẽ giúp ta thông cảm với nỗi đau của người khác. Nếu như người chung quanh ta không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì ta nên giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc họ như yêu thương chăm sóc chính bản thân mình.
Chúng ta ai cũng hiểu rằng là người sống trong xã hội, không ai sống lẻ loi, đơn độc được mà phải tập hợp thành đoàn thể, cộng đồng. Trong gia đình ta có mối quan hệ anh em, những người cùng huyết thống, cùng có những kỉ niệm vui buồn bên nhau. Họ chẳng khác nào như chân với tay trong cùng một cơ thể. Do đó khi có ai gặp hoạn nạn khó khăn, mọi người đâu nỡ quay mặt làm ngơ cho được, bởi “máu chảy ruột mềm”.
Xa hơn nữa là bạn bè, bà con hàng xóm, những người đã cùng ta “tối lửa tắt đèn” có nhau. Tuy không cùng máu mủ nhưng họ lại là người có tình có nghĩa sâu nặng với ta. Những lúc “trái gió trở trời”, những khi “cùng đường bí lối”, họ đến với ta bằng những tấm lòng chân thành để “chia ngọt sẻ bùi”. Tình nghĩa ấy sâu đậm chẳng khác nào anh em một nhà. Vì vậy khi họ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lẽ nào ta lại ngoảnh mặt làm ngơ cho đành. Lúc này thái độ “nhường cơm sẻ áo”, “chị ngã em nâng” là một việc mà ta phải thực hiện tốt. Ngay đến cộng đồng xã hội mà ta đang sống, những người dù ở miền ngược hay miền xuôi, dù nơi rừng núi hay đồng hằng cũng đều là anh em, bởi lẽ họ với ta cùng một dân tộc, có chung một mẹ Âu Cơ... Chính mối quan hệ gắn bó này tạo nên tình cảm tương thân tương ái giữa con người với con người trong xã hội. Tình cảm ấy đã bao đời nay trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, gay go cả nước đều chung lòng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đi đến thắng lợi vẻ vang. Và cũng đã biết bao lần toàn dân ta đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của Đảng và Nhà nước ta đã quyên góp từ tiền bạc đến thuốc men vật dụng cần thiết chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân bị thiên tai lũ lụt. Những việc làm ấy đã thể hiện rất rõ tấm lòng “thương người như thể thương thân” mà ông cha ta đã truyền dạy. Tình cảm cao đẹp ấy là một đạo lý, là một nét đẹp của con người, là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc.
Tóm lại, câu tục ngữ đã cho ta một bài học về đạo lý làm người. Lời dạy ấy mãi vang bên tai ta nhắc nhở ta phải có lòng nhân ái, phải biết thương yêu mọi người xung quanh như thương yêu chính bản thân mình. Phát huy được truyền thống tốt đẹp của ông cha là chúng ta vừa thể hiện nhân cách làm người vừa góp phần xây dựng một đất nước văn minh tiến bộ.
Bài văn mẫu số 3
Tình yêu thương luôn là một truyền thống quý báu và tốt đẹp của dân tộc ta. Cuộc sống sẽ vô cùng lạnh giá và cô độc nếu thiếu đi tình thương. Tình yêu thương chính là sợi dây vô hình kết nối sức mạnh tinh thần vô cùng quý giá giữa đời sống. Bởi vậy, ông cha ta từ xưa đã răn dạy con cháu bài học về tình thương qua câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.
Trước hết, ta cần hiểu về ý nghĩa của câu tục ngữ. “Thương thân” ở đây chính là thương bản thân, bản thể của mình. Bản thân rất yêu thương và quý trọng chính mình, biết tự chăm sóc khi ốm đau, biết trau dồi kiến thức, biết rèn luyện sức khỏe cho bản thân, biết lo lắng, sợ hãi, xót xa khi bản thân gặp thất bại hãy nản lòng. Ở đời, ai cũng muốn bản thân mình được hoàn thiện, được tốt đẹp, được vui khỏe mỗi ngày. “Thương người” chính là lòng thương cảm đối với người khác chứ không phải là cho riêng mình nữa, dân gian đặt hai vế “thương người” và “thương thân” ở vị trí ngang bằng nhau nhằm khuyên mọi người hãy yêu thương người khác như chính bản thân mình. Bản thân mình muốn được chăm sóc, quan tâm như thế nào thì hãy quan tâm người khác như thế ấy, tức là bằng tình cảm của chính mình để mà thấu hiểu, đồng cảm với những mất mát, nỗi đau của người khác. Đó là một cái tôi không chỉ sống và hoàn thiện mình mà còn biết sống vì mọi người, sống hoà nhập và trân trọng bản thể mỗi người. Biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và cảm thông với họ, để yêu thương người khác như chính cách mình yêu thương bản thân.
Trong văn học, ta bắt gặp những hình ảnh đầy tính nhân văn như thế. Đó là một anh cu Tràng - truyện Vợ nhặt (Kim Lân) cưu mang người vợ “nhặt” được giữa cơn đói nghèo của nạn đói năm 1945 dù trong cảnh gia đình còn túng thiếu. Cả tác phẩm là sự ngập tràn tình yêu thương giữa con người dành cho nhau. Trong “Cuộc chia tay của những con búp bê” là tình cảm anh em thắm thiết, bền chặt, biết hi sinh và quan tâm đến nhau của Thành và Thủy trong cảnh chia đôi của ba mẹ. Trong câu chuyện Sọ Dừa, là tình thương yêu của cô em út dành cho Sọ Dừa với sự đồng cảm và chân thành sâu sắc với sự khiếm khuyết của chàng.
Bước ra đời sống, tinh thần “Thương người như thể thương thân” ấy lại càng được thể hiện muôn màu muôn sắc, rất đỗi đẹp đẽ và cao thượng. Trong chiến tranh, khi miền Nam đang trong cảnh giặc Mỹ bắn phá, thì nhân dân miền Bắc vẫn một lòng hướng về miền Nam thân yêu, kẻ góp gạo, người góp của, là hậu phương vững chắc chắn tiền tuyến. Khi đất nước hoà bình, tinh thần ấy lại càng sáng chói. Thiệt hại thiên tai gây hậu quả vô cùng to lớn cho đồng bào miền Trung. Nhân dân cả nước ủng hộ, quyên góp sẻ chia khắc phục thiệt hại. Là những người thành niên trẻ mang màu áo xanh tình nguyện đến những vùng sâu vùng xa dạy học, giúp đỡ người dân tộc nghèo khó. Là những em học sinh thân yêu gom góp những đồ dùng học tập cũ, những cuốn sách giáo khoa, tập vở được xếp sạch đẹp gửi đến ủng hộ các bạn vùng khó khăn. Là những cuộc thiện nguyện của những nhà hảo tâm đến các trại trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật trên khắp mọi nơi. Hãy đơn giản hơn, đó là vị khách đặc biệt cho chị bán hàng rong đang ngồi ngóng người mua hàng giữa cơn mưa tầm tã của thành phố. Là cái nắm tay thật chặt cùng chiếc bánh bao nóng hổi trong đêm mưa lạnh cho cậu bé ăn xin giữa đêm mưa lạnh dưới chân cầu. Là giọt nước mắt mặn chát khi nhìn hình ảnh cô giáo nghèo bị mắc bệnh ung thư, đơn thân nuôi hai đứa con nhỏ tật nguyền tội nghiệp. Là tấm lòng bao dung, cưu mang nhận nuôi em bé bị bỏ rơi giữa lòng thành phố... Và vô vàn những điều tốt đẹp, những nghĩa cử lớn lao khác nữa mà con người đã dành trọn vẹn cho nhau. Tất cả đều thật đáng trân trọng, rất đỗi đáng quý đáng yêu.
Có thể thấy, tinh thần “Thương người như thể thương thân” đang ngày càng được giữ gìn và phát huy, lan rộng khắp mọi nơi. Nó thực sự mang ý nghĩa lớn lao trong việc giúp đỡ, tạo động lực cho mỗi người. Xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp và tiến bộ trên phương diện vật chất và văn hoá đời sống con người. Tuy nhiên, đâu đó, vẫn còn những kẻ ích kỷ, hẹp hòi, chỉ quan tâm đến chính mình mà không để tâm đến người khác, thậm chí là vô cảm lạnh lùng, cười nhạo trên nỗi đau của đồng loại. Đó là những biểu hiện về thái độ và hành vi cần được lên án để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta càng cố gắng hơn nữa để phát huy tình nhân ái dành cho nhau. Cùng nhau quan tâm, giúp đỡ đến những bạn bè có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cùng giúp đỡ nhau học tập rèn luyện. Thương yêu gia đình, chăm sóc, bảo ban các em nhỏ. Tham gia các hoạt động xã hội về tình nguyện, từ thiện do nhà trường, xã hội tổ chức, viết thư thăm hỏi, động viên những bạn bè gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Phát huy tinh thần nhân ái, lá lành đùm lá rách để xây dựng một đời sống ngày một văn minh hơn xứng đáng với lời dạy của cha ông.
Bài văn mẫu số 4
Cùng sinh ra trong bọc trăm trứng, cùng chảy chung trong mình dòng máu đỏ, cùng trải qua những năm tháng lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc, cùng có chung một mạch nguồn văn hóa cho nên đã từ lâu con người trên dải đất hình chữ S này đã biệt yêu thương, chờ che, đùm bọc lẫn nhau. Nó trở thành nét đẹp văn hóa, truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa, truyền thống ấy đã được cha ông ta đúc kết rất nhiều trong kho tàng ca dao tục ngữ. “Thương người như thể thương thân” là một trong những bài học như thế.
“Thương người như thể thương thân” là câu nói ngắn gọn, tự nhiên nhưng chất chứa hàm ý sâu xa. “Thương người” nghĩa là biết yêu thương chăm sóc, quan tâm sẻ chia với những người xung quanh, với cộng đồng, xã hội. Còn “thương thân” là giữ gìn chăm sóc quý trọng bản thân mình. Hai vế được được trong quan hệ so sánh với nhau nhằm mục đích khuyên nhủ chúng ta rằng phải biết yêu thương người khác như yêu chính bản thân mình, biết tôn trọng, đồng cảm bao dung giúp đỡ những người xung quanh khi ta có thể.
Tình yêu thương con người là tình cảm thiêng liêng tốt đẹp đậm chất nhân văn của con người Việt Nam. Cùng sinh ra trên mảnh đất hình chữ S thiêng liêng, tuy không cùng huyết thống nhưng mỗi chúng ta đều có chung một tiếng nói một dòng màu một màu da. Tất cả điều ấy đã khiến con người trở nên gắn bó để yêu thương đùm bọc chở che cho nhau. Hơn thế mỗi người sinh ra đều thuộc về một tập thể nhất định không ai có thể tồn tại đơn độc lẻ loi một mình. Chính vì vậy, khi chúng ta biết quan tâm yêu thương lẫn nhau, cùng nhau đoàn kết tiến bộ thì xã hội mới có thể phát triển lớn mạnh. Một xã hội sẽ trở nên đóng băng, cô độc và nhanh chóng tan rã nếu như không có hơi ấm của tình yêu thương Đặc biệt cuộc sống với bao bộn bề lo toan khi bình yên khi sóng gió ta luôn luôn cần đến sự quan tâm giúp đỡ của những người xung quanh. Cho nên khi ta biết cho đi tình yêu thì mới mong nhận được lại sự chia sẻ yêu thương từ người khác. Những kẻ ích kỉ vụ lợi chỉ biết sống vì mình thì mãi mãi sẽ sống cô độc và không bao giờ có được sự đồng cảm giúp đỡ khi gặp khó khăn trở ngại. Cuộc sống quanh ta còn biết bao mảnh đời bất hạnh đang cần những cánh tay yêu thương che chở từ đồng loại vì thế mỗi chúng ta luôn cần mang trong mình tấm lòng vị tha cao cả. Giúp người cũng chính là cách để giúp mình được sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn với cuộc đời bởi mỗi khi làm được việc tốt chắc chắn tâm hồn của mình sẽ thanh thản và hạnh phúc hơn.
Tình yêu thương con người, tấm lòng tương thân tương ái được thể hiện ở nhiều khía cạnh cụ thể, sinh động. Trong chiến tranh, tinh thần đồng chí đồng đội gắn bó đầy yêu thương của những người bộ đội cụ Hồ chia nhau củ sắn, bát cơm, thậm chí có thể vì nhau mà sống chết là những câu chuyện cảm động cho con cháu thế hệ ngày nay. Những phong trào nhường cơm sẻ áo, hũ gạo cứu đói ở hậu phương cũng là biểu hiện sâu sắc tinh thần tương thân tương ái của dân tộc. Đến thời đại ngày nay, truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc vẫn được duy trì và phát huy. Gần gũi nhất là trong gia đình con cái biết yêu thương, tôn trọng, phụng dưỡng cha mẹ, anh em đoàn kết, biết đùm bọc thương yêu lẫn nhau, vợ chồng cùng nhau chia sẻ những tâm sự những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống, san sẻ gánh nặng công việc cho nhau. Tình yêu thương đôi khi xuất phát từ những điều gần gũi giản đơn mà ấm áp sâu sắc vô cùng. Hằng năm, những cuộc vận động ủng hộ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt liên tục được phát động, những ngôi nhà tình thương làng trẻ mồ côi được quan tâm xây dựng cũng đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Đặc biệt tấm lòng tương thân tương ái được giáo dục sâu rộng trong nhà trường với những bài học đạo đức về lẽ sống yêu thương dành cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Cùng với đó, mỗi chúng ta cũng cần phải biết lên tiếng phê phán trừng phạt đối với những kẻ vô lương tâm thờ ơ, lạnh lùng trước sự thống khổ, bất hạnh của người khác.
Tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ giúp đỡ người khác phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, vô tư, tự nguyện. Sự cho đi không phải là sự bố thí hàm ơn và đòi hỏi được nhận lại. Của cho không bằng cách cho, hãy “thương người” theo đúng cách và đúng ý nghĩa của nó. Những hành động mang danh giúp đỡ người khác nhưng xuất phát từ lợi ích cá nhân, có sự toan tính vụ lợi thật đáng bị lên án. Ngoài ra, tấm lòng nhân ái, yêu thương giúp đỡ người khác dựa trên khả năng của bản thân, không vì người khác mà ảnh hưởng đến quyền lợi đáng có của mình.
Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là lời nhắc nhở chân thành mà sâu sắc cho mỗi người về đạo lí tương thân tương ái yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này sẽ mãi được lưu truyền cho hôm nay và cả mai sau.
Bài văn mẫu số 5
Việt Nam vốn có những truyền thống tốt đẹp Một trong số đó là tương thân tương ái được ông cha ta răn dạy qua câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.
Đầu tiên, “thương người” là sự yêu thương, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” chính là tự yêu thương lấy chính bản thân mình. Cách nói so sánh của câu tục ngữ giống như một lời khuyên nhủ dành cho con người, cần phải biết đồng cảm, chia sẻ, kính trọng và yêu quý những người xung quanh như yêu chính mình vậy.
Lời răn dạy ấy tuy đã ra đời cách đây hàng nghìn năm nhưng nó vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa. Điều này là hoàn toàn đúng đắn bởi trước hết là đây là truyền thống quý báu tốt đẹp của cha ông ta đã lưu giữ hàng ngàn đời nay. Là thế hệ tiếp bước chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Không chỉ vậy, trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi những lúc khó khăn, vấp ngã cần sự giúp đỡ, tương trợ từ những người xung quanh. Bởi vậy, cho đi hôm nay chính là nhận lại cho mai sau. Nếu bạn biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh, tự bản thân sẽ cảm thấy hạnh phúc, tâm hồn sẽ trở nên thư thái, thanh thản.
Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương. Đó có thể những hành động vĩ đại thể hiện tấm lòng yêu thương rộng lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì tình yêu thương đồng bào, dân tộc mà đã không quản thân mình ra đi tìm đường cứu nước. Suốt ba mươi năm bôn ba người ngoài để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Đó cũng có thể là hành động của những người chiến sĩ dũng cảm ngã xuống giành lại tự do cho tổ quốc: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nhưng đôi khi tình yêu thương lại thật giản dị, nhỏ bé, là lời nói con yêu mẹ, con cảm ơn ông bà; là sự giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình; là giúp đỡ những người bị nạn, những đứa trẻ bị lạc đường…
Tình yêu thương có tầm quan trọng là vậy, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn bắt gặp không ít những kẻ sống vô cảm. Họ lặng lẽ đi qua những người bị thương nặng, họ dừng chân nhưng lại rút điện thoại để quay phim chụp hình, hoặc họ lượm nhặt đồ của người bị thương rồi bỏ đi trong lòng đầy đắc ý… Thậm chí có người còn còn thờ ơ với chính tương lai của mình, không trau dồi, không học tập, cứ vậy để mặc cho dòng đời xô đẩy. Những con người như vậy sẽ chỉ sống trong một thế giới lạnh lẽo không có hơi ấm tình người.
Đối với một học sinh, tấm lòng tương thân tương ái có thể xuất phát từ những điều vô cùng nhỏ bé. Những hành động như giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm và kính trọng ông bà cha mẹ thầy cô…
Mỗi người hãy ghi nhớ câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” giống như một bài học quý giá. Bởi “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” (Để gió cuốn đi, Trịnh Công Sơn).
Bài văn mẫu số 6
Kho tàng tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu tục ngữ đã để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ sau. Một trong số đó là câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” răn dạy con người phải có tấm lòng nhân ái.
Trước hết, cần phải hiểu “thương người” có nghĩa là yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” có nghĩa là yêu thương, chăm sóc, giữ gìn, quý trọng bản thân mình. Câu tục ngữ sử dụng cách nói so sánh con người hãy yêu thương mọi người xung quanh giống như yêu thương chính bản thân mình. Chúng ta cần phải có tấm lòng biết đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh.
Có thể khẳng định đây là một cách sống tốt đẹp. Không phải ai sinh ra cũng được sống trong một hoàn cảnh tiện nghi, sung sướng. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì vậy, con người cần biết chia sẻ để giúp đỡ, cùng xây dựng một xã hội phát triển hơn.
Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tương thân tương ái. Trong quá khứ, chúng ta đã đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1945, khi nhân dân ta phải đối mặt với “giặc đói”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no” được nhân dân hưởng ứng. Các hũ gạo cứu đói đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Đến hiện tại, tinh thần đó lại càng được nêu cao. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”... của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ được biết bao mảnh đời khó khăn trong xã hội… Ngay trong những ngày đầy sóng gió của năm 2020 vừa qua, khi đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19 thì tinh thần ấy lại càng lớn mạnh. Đó là những điểm phát lương thực thực phẩm miễn phí cho những người khó khăn. Những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đến những người nghèo. Hay những y bác sĩ nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể cứu chữa cho bệnh nhân của mình. Hình ảnh bác sĩ với những vết hằn đỏ trên mặt vì phải đeo khẩu trang liên tục ngày này qua ngày khác thật sự khiến chúng ta cảm thấy xúc động.
Là một chủ nhân tương lai của đất nước, những học sinh như tôi cần ý thức được bài học về tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Chúng ta hãy biến tình yêu thành hành động cụ thể để giúp cho đất nước ngày càng phát triển. Đặc biệt là học sinh, sinh viên cần biết giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống. Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ bản thân mình.
Như vậy, “Thương người như thể thương thân” đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hãy biết lan tỏa yêu thương để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Mở bài gián tiếp Thương người như thể thương thân
Mở bài gián tiếp - Mẫu 1
M. Go-rơ-ki đã từng khẳng định: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Hiểu được giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống, ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên qua câu “Thương người như thể thương thân”.
Mở bài gián tiếp - Mẫu 2
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu phản ánh tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ - một truyền thống quý báu của dân tộc. Một trong những số đó là câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” tuy ngắn gọn nhưng sâu sắc.
Mở bài gián tiếp - Mẫu 3
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu thương đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Tình cảm yêu thương con người ấy đã trở thành máu thịt trong mỗi chúng ta. Từ đó hình thành nên lòng nhân ái, tình người bao la. Vì vậy, ông cha ta có câu “Thương người như thể thương thân.
Mở bài gián tiếp - Mẫu 4
Ca dao, tục ngữ đã gửi gắm những bài học ý nghĩa cho con người trong cuộc sống. Một trong số đó là câu “Thương người như thể thương thân” mang bài học về tình yêu thương. Tuy ngắn gọn, nhưng câu tục ngữ rất giàu giá trị.
Mở bài gián tiếp - Mẫu 5
Xã hội ngày càng phát triển khiến cho những tình cảm đáng quý dần trở nên mai một. Tình yêu thương là một điều cần thiết trong cuộc sống của con người. Bởi vậy mà ông cha ta đã gửi gắm điều đó qua câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” dù ngắn gọn nhưng rất sâu sắc.
Kết bài gián tiếp Thương người như thể thương thân
Kết bài gián tiếp - Mẫu 1
Tục ngữ chứa đựng nhiều kinh nghiệm quý giá. Và câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là lời nhắc nhở chân thành mà sâu sắc cho mỗi người về đạo lí tương thân tương ái yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này sẽ mãi được lưu truyền cho hôm nay và cả mai sau.
Kết bài gián tiếp - Mẫu 2
Xã hội ngày càng phát triển hơn, những giá trị tinh thần đang dần mất đi. Có thể khẳng định, “Thương người như thể thương thân” chính là cách sống đúng đắn. Khi biết yêu thương những người xung quanh, mỗi người sẽ nhận được những điều vô cùng quý giá.
Kết bài gián tiếp - Mẫu 3
Mỗi người hãy ghi nhớ câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” giống như một bài học quý giá. Bởi “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” (Để gió cuốn đi, Trịnh Công Sơn).
Kết bài gián tiếp - Mẫu 4
Có thể thấy, nơi nào có yêu thương, nơi đó có hạnh phúc. Lời khuyên của ông cha ta đã khẳng định được bài học sâu sắc về cuộc sống. Mỗi người hãy luôn giữ được một trái tim biết yêu thương, sẻ chia.
Kết bài gián tiếp - Mẫu 5
Hạnh phúc là được yêu thương. Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” tuy ngắn gọn, nhưng đã giúp mỗi người có được bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh.
......... Mời tham khảo chi tiết tại file tải dưới đây........
Link Download chính thức:
Các phiên bản khác và liên quan:
- Nguyễn HảiThích · Phản hồi · 5 · 13/02/22