Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận về thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ
Viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về điều bản thân cần làm để thoát khỏi vùng an toàn trong cuộc sống mang đến 7 mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết để các bạn ôn luyện. Từ đó biết chắt lọc ý chính để triển khai bài văn nghị luận cho riêng mình.
Phải biết thử thách là điều tất yếu để chuẩn bị tinh thần tìm mọi cách vượt qua, thay đổi môi trường sống, bước ra khỏi vùng an toàn sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, tạo cơ hội thành công cho mỗi con người. Vậy sau đây là 7 đoạn văn suy nghĩ về tầm quan trọng của việc con người cần bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm cuộc sống mời các bạn cùng theo dõi. Bên cạnh đó các em xem thêm: đoạn văn suy nghĩ về thân phận người phụ nữ xưa và nay, đoạn văn nghị luận về tình bạn.
Viết đoạn văn suy nghĩ về thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra
- 1. Dàn ý đoạn văn về thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra
- 2. Sự cần thiết của việc bước qua vùng an toàn đối với mỗi người (2 Mẫu)
- 3. Viết đoạn văn về thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra (2 Mẫu)
- 4. Tầm quan trọng của việc con người cần bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm cuộc sống (3 Mẫu)
1. Dàn ý đoạn văn về thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra
a. Yêu cầu về hình thức
- Viết đúng 1 đoạn văn khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận. Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
b. Yêu cầu về nội dung
- Vùng an toàn: môi trường thân thuộc với mỗi con người, nơi chúng ta luôn cảm thấy tự do, thoải mái, tự tin nhất để thể hiện bản thân.
- Tại sao phải bước ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra?
- Thế giới liên tục biến đổi, khiến cho những điều ta đã biết trở nên lỗi thời, bởi vậy nếu không bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm, nâng cao hiểu biết của bản thân ta sẽ tụt lại phía sau.
- Vùng an toàn của chính bạn sẽ khiến bạn nhàm chán, cũ kĩ bước chân ra khỏi nó là cách thức làm mới bản thân, phát hiện những khả năng ẩn kín và đem đến thành công.
- Cần làm gì để bạn có thể bước ra khỏi vùng an toàn?
- Bước ra khỏi vùng an toàn bạn cần sự dũng cảm, để đối mặt với những khó khăn, thách thức ở phía trước, đối mặt với môi trường mới, đồng nghiệp mới. Bởi vậy dũng cảm trải nghiệm là điều kiện quan trọng nhất để bạn vượt ra khỏi vùng an toàn của mình.
- Vượt qua nỗi sợ hãi thất bại, tự tin với chính mình, không bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách.
- Bạn sẽ nhận được gì khi bước khỏi vùng an toàn:
- Ra khỏi vùng an toàn sẽ đem lại cho bạn kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, sáng tạo.
- Mở rộng mối quan hệ xã hội, tăng cường kĩ năng giao tiếp.
- Ra khỏi vùng an toàn đem đến cho bạn những trải nghiệm mới mẻ, khám phá, phát hiện ra những năng lực mới của bản thân.
- Cơ hội để bạn đạt đến thành công.
- Dẫn chứng: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, có phân tích ngắn gọn.
- Tổng kết: thay đổi môi trường sống, bước ra khỏi vùng an toàn sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, tạo cơ hội thành công cho mỗi con người.
2. Sự cần thiết của việc bước qua vùng an toàn đối với mỗi người (2 Mẫu)
Đoạn văn mẫu 1
Cuộc sống không ngừng thay đổi, thế giới không ngừng biến động, và một quy luật tất yếu là bản thân mỗi con người cũng cần thay đổi để thích ứng với môi trường đó. Mỗi chúng ta đều tự đặt ra cho mình những ranh giới và vùng an toàn cho bản thân, nhưng để thành công, chúng ta cần phải bước ra khỏi vùng an toàn đó. Vùng an toàn là một giới hạn tâm lý của con người. Ở đó chúng ta sẽ có cảm giác thoải mái, an toàn và kiểm soát được mọi thứ. Ngược lại, nếu vượt ra khỏi giới hạn này, bạn có thể thấy chênh vênh, không có định hướng rõ ràng, đôi khi là cảm giác tự ti hay không hy vọng vào tương lai. Vùng an toàn chỉ giới hạn cho bạn cảm giác thoải mái nhưng đó không phải là ranh giới cuối cùng cho khả năng của con người. Tiềm năng sáng tạo của con người là không giới hạn, và nếu bạn không thử sức, bạn sẽ không biết được khả năng của mình có thể đến đâu. Càng ở trong vùng an toàn lâu, bạn càng có ít cơ hội để phát triển. Để bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ phải làm những việc mà ban đầu bạn cảm thấy không thoải mái một chút nào. Hãy lên danh sách những việc cần làm và ép bản thân thực hiện những việc đó, cho đến khi bạn nhận ra rằng những việc đó thực chất không hề đáng sợ chút nào. Hãy bắt đầu từ những bước đi nhỏ và cơ bản nhất. Bạn không nên vội vàng quá nôn nóng, mà hãy tiến từng bước từ từ. Bằng cách này, bạn sẽ trải nghiệm được nhiều hơn, tích lỹ thêm nhiều kinh nghiệm hơn, và quan trọng nhất là hạn chế được các sai sót trong quá trình tự phát triển bản thân. Có một câu nói mà tôi vẫn thường tự nhủ mỗi khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi là “Hãy giả vờ cho đến khi thành sự thật”. Khi làm một việc gì đó, hãy cố tỏ ra rằng bạn không sợ hãi, và hãy làm như bạn đã bỏ hết mọi sự lo lắng của mình sang một bên để hoàn thành việc đó. Dần dần, nỗi lo lắng đó sẽ thực sự biến mất mà bạn không hề hay biết. Đó chính là lúc bạn nhận ra rằng mình đã thành công khi bước ra khỏi vùng an toàn và vượt qua nỗi sợ của chính bạn. Hãy tự tin và bứt phá mọi giới hạn bạn nhé!
Đoạn văn mẫu 2
Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi mỗi người dân rút ra những bài học đáng quý và dám mạnh mẽ bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Ai cũng có một đại dương rộng lớn cho riêng mình, vì vậy đừng mãi neo đậu nơi bến bờ an toàn. Trước hết, ta phải hiểu thế nào là vùng an toàn? Và tại sao vùng an toàn lại không tốt cho mỗi cá nhân con người? Ta hiểu vùng an toàn chính là ranh giới mà chính bản thân con người tự đặt ra cho riêng mình. Đó là nơi bình yên, an toàn, yên ổn và không bị bất cứ điều gì đe dọa, nơi đó sẽ ít khi gặp phải khó khăn và thử thách. Vùng an toàn sẽ không gặp khó khăn, thế nhưng những thử thách, vấp ngã ấy là điều kiện rất quan trọng để mỗi người có thể phát triển và cải thiện bản thân. Như vậy, có thể thấy khi sống trong vùng an toàn thì con người hoàn toàn không thể phát triển, không thể bức phá bản thân. Để thoát khỏi vùng an toàn của mình thì đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự nỗ lực, bởi vì khi đã quen với sự bình yên, nhẹ nhàng, con người sẽ rất khó khăn để có đủ sức mạnh bức phá, đưa bản thân rời khỏi vùng an toàn ấy. Mỗi người cần rèn luyện cho bản thân tinh thần dũng cảm, dũng cảm và mạnh mẽ đương đầu, đối mặt với những khó khăn, vất vả. Không được nản lòng và lùi bước trước những thử thách. Đây là đức tính bắt buộc đầu tiên trên hành trình từng bước ra khỏi vùng an toàn của riêng mình. Hãy mạnh mẽ thử thách bản thân của mình, khám phá những kiến thức và những điều mới lạ. Ta nhớ đến tỷ phú nổi tiếng Jack Ma, ông đã không chấp nhận công việc bình thường của mình, không sống trong vùng an toàn mà luôn nỗ lực tiến về phía trước, luôn kiên trì và nỗ lực. Chính vì thế Jack Ma đã thành công trong chính sự nghiệp của mình. Như thế có thể thấy việc đưa bản thân rời khỏi vùng an toàn của mình là vô cùng quan trọng và mỗi người cần phải thực hiện từ ngay hôm nay.
3. Viết đoạn văn về thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra (2 Mẫu)
Đoạn văn mẫu 1
Cuộc sống luôn có nhiều biến động. Bởi vậy, con người thường xây dựng cho bản thân thứ gọi là vùng an toàn. Trước hết, vùng an toàn được hiểu là môi trường thân thuộc với mỗi con người, nơi chúng ta luôn cảm thấy thoải mái, tự tin nhất để thể hiện bản thân. Tuy nhiên, nếu chỉ mãi ở trong vùng an toàn, mỗi người sẽ đánh mất đi nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Bạn sẽ không nhận ra được những tài năng còn tiềm ẩn của bản thân. Có lúc, chúng ta sẽ trở nên lỗi thời, tụt lại phía sau hay cảm thấy nhàm chán. Bước ra khỏi vùng an toàn bạn cần sự dũng cảm, để đối mặt với những khó khăn, thách thức ở phía trước. Hai hạt lúa được người chủ chọn làm hạt giống cho mùa sau. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo xuống cánh đồng. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lí tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc tối trong kho lúa để lăn vào đó. Ngược lại, hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ đem gieo xuống đất. Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì - nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa xanh tươi, trĩu hạt vàng óng. Nó mang đến cuộc đời những hạt lúa mới… Tóm lại, hãy biết nắm bắt lấy cơ hội, bước ra khỏi vùng an toàn để bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Đoạn văn mẫu 2
Trong cuộc sống, chúng ta thường có xu hướng ở trong vùng an toàn, tránh xa khỏi những rủi ro và thử thách. Tuy nhiên, để phát triển bản thân và đạt được những thành công lớn, chúng ta cần thoát ra khỏi vùng an toàn và đối mặt với những thử thách mới. Để làm được điều này, trước hết chúng ta cần có lòng dũng cảm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chúng ta không thể đạt được thành công nếu chỉ muốn ở trong vùng an toàn và không muốn đối mặt với những thử thách mới. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng trước khi đối mặt với những thử thách mới. Chúng ta cần học hỏi từ những người thành công và tìm hiểu cách họ đã vượt qua những rào cản để đạt được thành công. Ngoài ra, chúng ta cần có tinh thần kiên trì và không bỏ cuộc dễ dàng. Thành công không đến với những người dễ bỏ cuộc. Chúng ta cần luôn giữ tinh thần kiên trì và sẵn sàng đối mặt với những thất bại và khó khăn. Chúng ta cần học hỏi từ những sai lầm của mình và không ngừng cố gắng để đạt được mục tiêu của mình. Cuối cùng, chúng ta cần có lòng nhiệt tình và đam mê với những gì mình làm. Nếu chúng ta không có đam mê với những gì mình làm, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Đam mê sẽ giúp chúng ta vượt qua những rào cản và đạt được thành công trong cuộc sống. Tóm lại, để thoát ra khỏi vùng an toàn, chúng ta cần có lòng dũng cảm, kiên trì, chuẩn bị kỹ càng và đam mê với những gì mình làm. Chỉ khi đối mặt với những thử thách mới và vượt qua những rào cản, chúng ta mới có thể phát triển bản thân và đạt được thành công trong cuộc sống.
4. Tầm quan trọng của việc con người cần bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm cuộc sống (3 Mẫu)
Đoạn văn mẫu 1
Cuộc sống là một vòng tuần hoàn luôn thay đổi, nếu chúng ta cứ sống gò bó trong khuôn mẫu, trong vỏ bọc do bản thân tạo ra, ta sẽ không thể thay đổi và phát triển hơn nữa. Vì vậy, những người trẻ chúng ta nên “thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra”. Vùng an toàn là giới hạn, ranh giới mà con người tự đặt ra cho mình, ở đó họ sống thoải mái, bình yên mà không có bất kỳ sự thay đổi hay đột phá nào; là môi trường sống quen thuộc, không có những áp lực nặng nề hay mang tính mạo hiểm và con người có thể kiểm soát được vấn đề xảy ra. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn những người sống trong vùng an toàn của mình mà không dám thoát ra là các thế hệ trẻ. Đây là một điều rất đáng lo ngại. Tuổi trẻ là khoảng thời gian tươi đẹp nhất, chúng ta có năng lượng, chúng ta có thời gian và hơn hết chúng ta có thừa khả năng học tập những điều mới, vậy cớ sao lại chôn vùi chúng trong vỏ bọc vô hình của bản thân? Con đường đời của mỗi người chưa bao giờ là bằng phẳng, vậy nên chúng ta hãy chấp nhận nó và mở rộng vùng an toàn của bản thân. Thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, chúng ta sẽ tích lũy được nguồn kiến thức khổng lồ, những bài học kinh nghiệm đầy giá trị để làm nền tảng cho sự bức phá của bản thân trong những lĩnh vực mới, trong những hướng đi mới. Bước ra khỏi ranh giới của bản thân nghĩa là ta đã hoàn toàn sống độc lập, có khả năng xử lý và giải quyết những tình huống khó khăn, những sóng gió bất ngờ ập đến trên con đường đến đỉnh vinh quang. Khi đập vỡ đi bức tường an toàn ấy, chắc chắn sẽ có những lúc bản thân ta yếu lòng, mệt mỏi hay choáng ngợp vì những thay đổi lớn nhưng đó sẽ là cơ sở để chúng ta rèn luyện tính nhẫn nại, kiên trì bền bỉ, không vì chút khó khăn mà nản lòng hay từ bỏ giữa chừng. Câu chuyện của nữ doanh nhân Hồ Ngọc Trâm khi dám từ bỏ vị trí quản lý nhân sự cấp cao của một công ty nước ngoài để bắt đầu công việc yêu thích của mình là xây dựng nông trại cung cấp nông sản sạch- một công việc hoàn toàn xa lạ với chuyên ngành của chị chính là minh chứng tiêu biểu của việc thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân và thực hiện những điều mới. Quá trình ấy không hề dễ dàng nhưng hiển nhiên chị đã rất thành công. Trái với những tấm gương tiêu biểu ấy, ta vẫn thường bắt gặp trong cuộc sống nhiều thanh niên trẻ vì ngại bị từ chối mà không dám nộp hồ sơ vào các công ty lớn hay sống một cuộc sống lặp đi lặp lại theo quy củ, không có gì đột phá, không có gì thay đổi. Đó là những người suốt cuộc đời chỉ có thể dậm chân tại chỗ và chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt, thậm chí là không thể thành công. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra, vậy nên tuổi trẻ chúng ta hãy tập cho mình lối sống hòa nhập với những điều mới, hãy bước khỏi vùng an toàn của bản thân để thành một người bản lĩnh, kiên cường, tràn đầy kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết.
Đoạn văn mẫu 2
Chúng ta cần phải chuẩn bị cho mình những hành trang vững chắc để đối diện với mọi khó khăn, thử thách. Một trong những cách để giúp bản thân mình mạnh mẽ hơn chính là thoát ra khỏi vùng an toàn mà mình tự tạo. Lúc nào cũng ở im trong một vỏ bọc hoàn hảo chưa hẳn đã là tốt. Khi con người không dám trải nghiệm, cuộc sống này chẳng có nghĩa lí gì. Chỉ khi ta dám phá bỏ vỏ kén của mình, ta mới có thêm nhiều bài học, ta cũng sẽ mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và trưởng thành hơn. Có như vậy, ta mới có thể thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình. Cậu sinh viên Mông đầu tiên của đại học Fulbright - Khang A Tủa đã chọn bước ra ngoài thế giới bao la để có thể thay đổi cuộc sống của mình. Với những chàng trai Mông ở quê Tủa, vùng an toàn chính là ở nhà, lập gia đình, làm nương rẫy. Tủa đã chọn một con đường khác - con đường học vấn để thử thách bản thân và có thể giúp gia đình, giúp quê hương thoát đói nghèo. Vậy nên, các bạn trẻ ơi, hãy cứ mạnh mẽ dấn thân và làm nên những điều kì diệu!
Đoạn văn mẫu 3
Mỗi người tự đặt ra cho bản thân một vùng an toàn. Chúng ta cảm thấy tự tin, thoải mái khi ở trong vùng an toàn. Điều này chưa hẳn là tốt, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trái Đất luôn biến đổi không ngừng. Nếu con người không thay đổi sẽ bị tụt lại phía sau. Chỉ ở trong vùng an toàn, bạn sẽ không nhận ra nhiều tài năng của bản thân còn tiềm ẩn. Vùng an toàn còn khiến bạn nhàm chán, cũ kĩ. Bởi vậy, con người hãy dám bứt phá, không ngại thử thách. Thoát ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm những điều mới mẻ hơn. Để bước ra khỏi vùng an toàn, chúng ta cần sự dũng cảm, tự tin. Ông cha ta cũng đã gửi gắm lời khuyên vào câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Mỗi người cần hiểu rằng thay đổi môi trường sống, bước ra khỏi vùng an toàn sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, tạo cơ hội thành công. Tóm lại, chúng ta hãy dám phá bỏ mọi giới hạn, vượt qua chính mình để bản thân trở nên tốt đẹp hơn.