Văn mẫu lớp 10: Đoạn văn ghi lại cảm xúc hoặc ấn tượng về bài thơ Tự tình (6 Mẫu) Tự tình của Hồ Xuân Hương
Bài thơ Tự tình 2 để lại trong em cảm xúc, ấn tượng gì? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) ghi lại điều đó bao gồm 6 mẫu khác nhau cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo biết cách viết đoạn văn hay.
TOP 6 đoạn văn ghi lại cảm xúc hoặc ấn tượng về bài Tự tình cực chất dưới đây được viết với văn phong rõ ràng, dễ hiểu. Qua đó các em nhanh chóng biết cách trả lời câu hỏi 6 trang 49 Ngữ văn lớp 10 sách Cánh diều tập 1. Đồng thời biết cách ghi lại cảm xúc hoặc ấn tượng về bài thơ Tự tình. Bên cạnh đó các bạn xem thêm phân tích Tự tình 2.
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc hoặc ấn tượng về bài Tự tình hay nhất
- Bài thơ Tự tình để lại cho em cảm xúc hoặc ấn tượng gì? - Mẫu 1
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc ấn tượng về bài Tự tình - Mẫu 2
- Đoạn văn khoảng 8-10 dòng ghi lại cảm xúc bài Tự tình - Mẫu 3
- Đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Tự tình - Mẫu 4
- Đoạn văn ghi lại ấn tượng về bài thơ Tự tình - Mẫu 5
- Đoạn văn ghi lại cảm xúc hoặc ấn tượng về bài thơ Tự tình - Mẫu 6
Đề bài: Bài thơ để lại cho em cảm xúc hoặc ấn tượng gì? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) ghi lại điều đó.
Bài thơ Tự tình để lại cho em cảm xúc hoặc ấn tượng gì? - Mẫu 1
Bài thơ để lại trong em ấn tượng sâu sắc về một người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa nhưng không nhận được hạnh phúc. Số phận bất hạnh đẩy họ đến cảnh phai làm lẽ, ngay cả tình yêu cũng phải chia sẻ với người khác, khiến họ phải chịu cảnh cô đơn lẻ loi một mình. Họ đã muốn vượt lên số phận, kiếm tìm hạnh phúc nhưng nó không hề dễ dàng. Hạnh phúc dành cho họ là xứng đáng hơn bao giờ hết nhưng sự bất công trong xã hội cũ đã đẩy họ đến tình cảnh bất hạnh, tước đi năng lực phản kháng của họ, chôn vùi những năm tháng tuổi xuân đẹp đẽ của họ trong sự chờ đợi, cô đơn. Điều đó khiến em không khỏi xót xa, thương cho phận người phụ nữ trong xã hội xưa.
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc ấn tượng về bài Tự tình - Mẫu 2
Khi đọc bài thơ "Tự tình" (bài 2) của Hồ Xuân Hương, em không khỏi xót xa cho thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Trong bài thơ, Hồ Xuân Hương đã bày tỏ nỗi cô đơn, buồn chán và khát vọng hạnh phúc mãnh liệt. Hình ảnh "trơ cái hồng nhan với nước non" và hành động mượn rượu giải sầu đã cho thấy tình cảnh bế tắc, quẩn quanh không lối thoát của chủ thể trữ tình. Nhân vật càng cố quên bằng men rượu thì lại càng tỉnh táo nhận ra tình cảnh lẻ loi, bất hạnh của bản thân mình. Dẫu cố gắng thoát khỏi thực tại: "Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám/ Đam toạc chân mây, đá mấy hòn" nhưng vẫn rơi vào hố sâu bi kịch. Nhân vật trữ tình khát khao có được sự trọn vẹn trong tình yêu nhưng đổi lại chỉ là mảnh tình ít ỏi nay phải san sẻ cho người khác. Điều đó càng khiến em trân trọng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ.
Đoạn văn khoảng 8-10 dòng ghi lại cảm xúc bài Tự tình - Mẫu 3
Bài thơ "Tự tình" (bài 2) của Hồ Xuân Hương đã để lại trong em nhiều cảm xúc, khơi gợi sự đồng cảm sâu sắc đối với thân phận bất hạnh của người phụ nữ. Cảm xúc chủ đạo trong bài thơ là nỗi buồn, nỗi cô độc, xót xa cho thân phận người phụ nữ. Hình ảnh "hồng nhan" là hình ảnh hoán dụ cho vẻ đẹp của người phụ nữ kết hợp với từ "cái" chỉ sự bé nhỏ, hữu hạn đối lập với sự rộng lớn, vô hạn của "nước non". Nhân vật trữ tình đối mặt với thực tại bằng cách mượn rượu giải sầu nhưng vẫn bẽ bàng nhận ra tình cảnh lẻ loi của mình. Chủ thể dù cố gắng: "Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn" vậy mà vẫn không thể thoát khỏi sự khắc nghiệt của thời gian. Mảnh tình vốn đã ít ỏi nay còn phải san sẻ cho người khác đã cho thấy tình cảnh ngang trái của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Tự tình - Mẫu 4
Tự tình của Hồ Xuân Hương đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Tự tình của Hồ Xuân Hương đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Bài thơ phản ánh bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Họ là con người tài năng, xinh đẹp nhưng lại phải chịu số phận bất hạnh trong tình yêu. Tuổi xuân của họ cứ thế trôi với thời gian, mà không có người yêu thương, trân trọng. Dù vậy, người phụ nữ vẫn có một sức sống mãnh liệt. Họ muốn phản kháng lại thực tại xã hội đương thời, tự đi tìm hạnh phúc cho bản thân. Điều đó thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ biết bao.
Đoạn văn ghi lại ấn tượng về bài thơ Tự tình - Mẫu 5
Bài thơ để lại cho em cảm xúc buồn, đồng cảm, xót thương cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Đồng thời cho ta thấy tâm trạng vừa buồn tủi, vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và cuộc sống, số phận cay đắng của họ, dù gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của cuộc đời. Bài thơ cũng cho ta thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, những điều tưởng chừng vô cùng giản đơn, bình dị nhưng lại là khao khát, niềm mơ ước cả cuộc đời của tác giả nói chung, của tất cả người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Qua đó ta thấy được bức tranh toàn cảnh xã hội phong kiến xưa kia, trọng nam khinh nữ với những hủ tục lạc hậu. Nhưng Hồ Xuân Hương đã đưa hình ảnh những người phụ nữ lên một tầng cao mới, họ không chỉ là những người thấp cổ bé họng, bị chà đạp, khinh rẻ mà họ đã trở nên mạnh mẽ, dám chống lại cái xã hội phong kiến, đạp tung mọi lễ giáo kìm hãm những người phụ nữ.
Đoạn văn ghi lại cảm xúc hoặc ấn tượng về bài thơ Tự tình - Mẫu 6
Trong nền văn học trung đại Việt Nam, Hồ Xuân Hương được biết đến là nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ với tiếng nói cảm thương, tiếng nói khẳng định, tiếng nói tự ý thức về bản thân đầy bản lĩnh. “Bà chúa thơ Nôm” có chùm thơ “Tự tình” bao gồm ba bài, là tiếng nói của thân phận, là những khát khao, đau buồn của kiếp người. Trong đó, bài thơ “Tự tình 2” đã thể hiện rõ tâm trạng, thái độ của nữ sĩ: vừa buồn đau, vừa phẫn uất trước nghịch cảnh éo le cùng khát vọng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Bài thơ nói lên bi kịch tình yêu, gia đình của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Đồng thời đó là tâm trạng vừa buồn tủi, vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và cuộc sống, số phận cay đắng của họ, dù đã gắng gượng vương lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của cuộc đời. Qua đó, ta cũng thấy được bài thơ cũng cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc - những điều vô cùng giản đơn, bình dị nhưng lại là khao khát, niềm mơ ước cả cuộc đời của Hồ Xuân Hương nói riêng, của tất cả những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.