Địa lí 9 Bài 4: Nông nghiệp Soạn Địa 9 sách Kết nối tri thức trang 124, 125, 126, 127, 128, 129, 130
Giải Địa lí 9 Bài 4: Nông nghiệp giúp các em học sinh lớp 9 nhanh chóng trả lời các câu hỏi SGK Lịch sử - Địa lí 9 sách Kết nối tri thức với cuộc sống trang 124, 125, 126, 127, 128, 129, 130.
Với lời giải Địa lí 9 trang 124 → 130 chi tiết từng phần, từng bài tập, các em dễ dàng ôn tập, củng cố kiến thức Bài 4 Chương 2: Địa lí các ngành kinh tế. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo soạn giáo án cho học sinh của mình. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Eballsviet.com:
Địa lí 9 Bài 4: Nông nghiệp
Trả lời câu hỏi Địa lí 9 Kết nối tri thức Bài 4
1. Các nhân tố chính ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp
Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục a, hãy phân tích các nhân tố tự nhiên ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp nước ta.
Trả lời:
- Địa hình, đất:
+ 3/4 diện tích là đồi núi, chủ yếu đồi núi thấp, các cao nguyên với đất feralit là chủ yếu, thuận lợi phát triển cây công nghiệp, quy hoạch vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả; các đồng cỏ lớn thích hợp chăn nuôi gia súc lớn.
+ Đồng bằng chiếm 1/4 diện tích với đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và các đồng bằng ven biển với đất phù sa là chủ yếu, thuận lợi phát triển các vùng chuyên canh cây lương thực, thực phẩm,…
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nguồn nhiệt ẩm dồi dào là điều kiện phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới; cây trồng, vật nuôi sinh trưởng nhanh và phát triển quanh năm cho năng suất cao. Khí hậu phân hóa theo chiều bắc - nam, theo độ cao địa hình và theo mùa tạo nên cơ cấu mùa vụ, sản phẩm đa dạng; là điều kiện để quy hoạch vùng chuyên canh, chuyên môn hóa sản xuất.
- Nguồn nước: hệ thống sông ngòi dày đặc; nhiều hồ, đầm tự nhiên và nhân tạo phân bố khắp cả nước; nguồn nước ngầm phong phú => là những nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
- Sinh vật: hệ động, thực vật phong phú => là cơ sở để thuần dưỡng, lai tạo nên nhiều giống cây trồng, vật nuôi. Nhiều loài có chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái địa phương.
- Hạn chế: Đất ở nhiều nơi đang bị thoái hóa, khí hậu nóng ẩm làm xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, thiên tai ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng nông sản; các tác động của biến đổi khí hậu.
Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục b, hãy phân tích các nhân tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp nước ta.
Trả lời:
- Dân cư và lao động: số dân đông, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn; lực lượng lao động trong nông nghiệp dồi dào, kinh nghiệm sản xuất phong phú, trình độ người lao động ngày càng cao, thuận lợi cho áp dụng các biện pháp kĩ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại vào sản xuất.
- Chính sách phát triển nông nghiệp: các chính sách phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn bền vững, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với các chính sách tín dụng, cho vay vốn ưu đãi, bảo hiểm nông nghiệp,… Nhà nước thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi,…
- Khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kĩ thuật: khoa học công nghệ phát triển tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với sự thay đổi điều kiện sinh thái, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản,…
- Cơ sở vật chất kĩ thuật ngày càng được hoàn thiện, xây dựng các hệ thống thủy lợi lớn. Các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản được đầu tư gắn với các vùng chuyên canh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
- Thị trường tiêu thụ nông sản: thị trường trong và ngoài nước được mở rộng, thúc đẩy sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.
- Hạn chế: cơ sở vật chất nông nghiệp còn hạn chế ở một số nơi; sự biến động và yếu tố cạnh tranh của thị trường đã tạo ra nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp.
2. Sự phát triển và phân bố nông nghiệp
Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục a và hình 4.1, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của ngành trồng trọt ở nước ta.
Trả lời:
Ngành trồng trọt chiếm hơn 60% giá trị sản xuất nông nghiệp (2021). Cơ cấu cây trồng đa dạng, xu hướng chuyển đổi từ cây trồng giá trị kinh tế không cao sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Trong từng loại cây trồng có sự thay đổi về giống cho phù hợp điều kiện sinh thái, năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt.
- Cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn):
+ Lúa là cây lương thực chính, vai trò quan trọng nhất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước, phục vụ xuất khẩu.
+ Cơ cấu mùa vụ thay đổi tùy địa phương, nhiều giống mới được đưa vào sử dụng cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp bối cảnh biến đổi khí hậu; mức độ cơ giới hóa cao;
+ Lúa trồng trên khắp cả nước. Trong đó: 2 vùng sản xuất lúa trọng điểm là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
- Cây rau, đậu: diện tích ngày càng tăng, trồng khắp các địa phương, tập trung nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng,…
- Cây công nghiệp:
+ Cây công nghiệp hàng năm có diện tích sản lượng lớn là lạc, dậu tương (Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ); mía (Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ), bông (Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên,…).
+ Cây công nghiệp lâu năm có diện tích lớn là chè, cà phê, điều, hồ tiêu, cao su,… Chè phát triển mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên; cà phê, điều, hồ tiêu, cao su trồng chủ yếu ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Các cây được mở rộng diện tích canh tác là cà phê ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, hồ tiêu, cao su ở Bắc Trung Bộ,…
- Cây ăn quả:
+ Trồng được nhiều cây ăn quả nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới; nhiều loại được phát triển thành các vùng đặc sản có chỉ dẫn địa lí. Nhiều giống cây được lai tạo cho sản lượng cao, chất lượng tốt.
+ Các mô hình trồng trọt theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, mô hình VietGAP, GlobalGAP được áp dụng và nhân rộng toàn quốc.
+ Diện tích ngày càng tăng, vùng trồng lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đông Nam Bộ.
+ Thị trường xuất khẩu hoa quả dần mở rộng, tiếp cận được các thị trường lớn, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân.
Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục b và hình 4.1, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của ngành chăn nuôi ở nước ta.
Trả lời:
- Ngành chăn nuôi chiếm hơn 30% giá trị sản xuất nông nghiệp (2021), xu hướng tăng lên. Phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp tập trung. Ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chú trọng khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Chăn nuôi trâu, bò: phát triển theo hướng nuôi thịt, mở rộng quy mô đàn bò sữa. Năm 2021, trâu nuôi nhiều ở Trung du và miền núi Bắc Bộ (chiếm 55,1% cả nước); bò nuôi nhiều nhất ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (chiếm gần 38% cả nước). Chăn nuôi bò sữa tập trung ở vùng Đông Nam bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
- Chăn nuôi lợn: xu hướng chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang phát triển các mô hình trang trại tập trung và hình thành các mô hình chăn nuôi khép kín từ nhân giống, sản xuất thức ăn, chế biến thành phẩm. Tập trung ở Trung du và miền núi Bắc Bộ (chiếm 24% cả nước), Đồng bằng sông Hồng (20% cả nước).
- Chăn nuôi gia cầm: phát triển theo quy mô hộ gia đình và trang trại với nhiều hình thức nuôi. Đa dạng giống gia cầm, như siêu thịt, siêu trứng. Phát triển trên cả nước, nhiều nhất ở Đồng bằng sông Hồng (23% cả nước), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (22% cả nước).
3. Ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp xanh
Dựa vào thông tin mục 3, hãy cho biết ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp xanh ở nước ta.
Trả lời:
- Nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, tăng chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất nông sản.
- Thúc đẩy phát triển công nghệ xử lí và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi.
- Góp phần nâng cao thu nhập của người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Phục hồi, cải tạo và khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải.
Giải Luyện tập - Vận dụng Địa lí 9 Kết nối tri thức Bài 4
Luyện tập
Dựa vào bảng 4.1, hãy vẽ biểu đồ thể hiện diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt và lúa của nước ta giai đoạn 2010 - 2021. Nêu nhận xét.
Trả lời:
- Vẽ biểu đồ:
- Nhận xét: Nhìn chung diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt và lúa của nước ta giai đoạn 2010 - 2021 có sự biến động, xu hướng giảm song lúa vẫn là cây chủ đạo, cụ thể:
+ Giai đoạn 2010 - 2015, cả diện tích tích gieo trồng cây lương thực có hạt và lúa đều tăng lên, đạt 9 triệu ha cây lương thực có hạt trong đó 7,8 triệu ha lúa (2015).
+ Giai đoạn 2015 - 2021, cả diện tích tích gieo trồng cây lương thực có hạt và lúa đều giảm, diện tích cây lương thực có hạt giảm xuống chỉ còn 8,1 triệu ha, trong đó diện tích cây lúa giảm còn 7,2 triệu ha (2021).
Vận dụng
Tìm hiểu thông tin, giới thiệu về tình hình sản xuất và phân bố một cây trồng hoặc vật nuôi quan trọng ở địa phương em.
Trả lời:
Năm 2022, tổng diện tích trồng vải an toàn toàn của tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì 28.300 ha, trong đó: Vải chín sớm là 6.050 ha, vải chín muộn là 22.250 ha; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng 1.000 tấn;
Duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha; sản lượng 1.600 tấn để xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ; tiếp tục chỉ đạo 34 mã số vùng trồng, diện tích 267 ha, sản lượng 2.100 tấn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; duy trì 149 mã số vùng trồng và 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng khoảng 95.000 tấn.
Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.785 tỷ, doanh thu từ vải thiều đạt khoảng 4.411 tỷ đồng (cao hơn so với năm 2021 là 137 tỷ đồng), doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.374 tỷ đồng.
Lục Ngạn và Tân Yên là hai huyện trọng điểm trồng vải thiều của "thủ phủ vải" gần 30.000 ha Bắc Giang.