Văn mẫu lớp 6: Cảm nhận về nhân vật Ông lão đánh cá trong Ông lão đánh cá và con cá vàng Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất

Văn mẫu lớp 6: Cảm nhận về nhân vật ông lão đánh cá trong Ông lão đánh cá và con cá vàng gồm dàn ý, cùng 4 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 6 tham khảo, tích lũy vốn từ để viết văn ngày một hay hơn.

Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm bài phân tích nhân vật Mụ vợ trong truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây:

Dàn ý Cảm nhận về nhân vật ông lão đánh cá

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm và ông lão đánh cá: Cùng với những tác phẩm nổi tiếng khác của mình, nhà văn Puskin còn để lại dấu ấn sâu đậm của mình qua tác phẩm “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Bằng sự tinh tế và khéo léo của mình Puskin đã xây dựng hình tượng ông lão đánh cá vừa chân thực lại vừa hư ảo.

2. Thân bài

– Giới thiệu, tóm tắt câu chuyện: Ông lão làm nghề đánh cá, kiếm sống từ ngày này qua ngày khác. Một hôm ông bắt được cá vàng nhưng rồi lại thả ra.

– Mụ vợ biết chuyện, yêu cầu ông lão bảo cá vàng thực hiện yêu cầu của mụ.

Vẻ đẹp tâm hồn của ông lão: Bản tính lương thiện

– Ông không yêu cầu cá vàng phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của mình, thả cá đi một cách tự nguyện

– Khi bị mụ vợ xỉa xói, mắng chửi thậm chí là đánh ông vẫn nhẫn nhịn, chịu đựng, không một lời oán trách

– Ông ra biển nhờ cá chỉ vì thực hiện những yêu cầu quá đáng của mụ vợ, không hề nghĩ lợi về mình

=> Ông lão là điển hình cho những người có bản tính lương thiện, nhẫn nhục, chịu khó, tự kiếm sống bằng chính đôi tay của mình.

Sự nhẫn nhục, cam chịu của ông lão: Là hình ảnh tiêu biểu cho người dân Nga nhẫn nhục, chấp nhận số phận, không dám lên tiếng đòi lại công bằng hay chính nghĩa cho bản thân=> Phê phán sự chấp nhận số phận của những người dân Nga đồng thời kêu gọi họ hãy đứng lên giải thoát cho chính bản thân mình.

3. Kết bài

Hình tượng ông lão đánh cá: Ông lão đánh cá chính là đại diện cho những người dân Nga với bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó nhưng luôn cam chịu nhẫn nhục. Qua hình tượng ông lão, tác giả cũng ngầm cảnh báo đến người dân Nga nếu cứ nhu nhược thì sẽ bị áp bức cực khổ.

Cảm nhận về nhân vật ông lão đánh cá - Mẫu 1

Cùng với những tác phẩm nổi tiếng khác của mình, nhà văn Puskin còn để lại dấu ấn sâu đậm của mình qua tác phẩm “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Bằng sự tinh tế và khéo léo của mình Puskin đã xây dựng hình tượng ông lão đánh cá vừa chân thực lại vừa hư ảo.

Tác phẩm “Ông lão đánh cá và con cá vàng” được sáng tác năm 1833 thuộc thể loại truyện cổ tích. Xây dựng từ một câu truyện cổ tích Nga quen thuộc kết hợp với sự sáng tạo của Puskin. Câu chuyện xoay quanh ông lão đánh cá, được xây dựng là một hình ảnh hiền lành, chịu thương chịu khó trái ngược với mụ vợ tham lam. Hai hình ảnh trái ngược nhau càng làm nổi bật lên vẻ đẹp trong con người của ông lão đánh cá. Thông qua hình ảnh ông lão đánh cá, tác giả cũng ám chỉ đến những người dân Nga nhẫn nhục, không đấu tranh cho chính bản thân mình.

Ông lão đánh cá có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gia cảnh thì nghèo nàn. Hai vợ chồng ông lão sống trong một túp lều rách nát, máng lợn chỉ có một cái mà cũng bị sứt mẻ. Ông làm nghề đánh bắt cá, một công việc lao động chân chính, không mấy dễ dàng với một bản tính lương thiện. Bản tính ấy được bộc lộ rõ từ khi ông lão gặp cá vàng. Đó là vào một ngày, ông lão vẫn đi kéo lưới như bình thường. Lần thứ nhất, lão kéo lưới lên chỉ có bùn; lần thứ hai thì chỉ có toàn là rong biển; đến lần thứ ba thi kéo được cá vàng.

Đối với một người đánh cá bình thường như ông thì bắt được cá đã là tốt lắm rồi thế mà ông còn bắt được một con cá vàng. Con cá vàng này có thể được coi là sẽ giúp ông lão đổi đời vì chắc chắn sẽ bán được rất nhiều tiền. Ấy vậy mà trược sự kêu van tha thiết của cá vàng, ông lão đã thả nó xuống biển mà không hề có bất cứ đòi hỏi nào. Thế mới thấy, bản tính lương thiện trong con người ông lão không bao giờ bị mai một hay mất đi trước những cám dỗ cuộc đời. Ông thả cá lại xuống biển một cách vô tư, hào hiệp không hề tính toán thiệt hơn và cũng không mong sự đền ơn báo đáp của cá vàng. Đây chính là nổi bật cho sự lương thiện, cho bản tính hiền hậu của người dân lao động.

Tuy nhiên, khi mụ vợ biết chuyện đã mắng ông lão một trận và bắt ông ra biển đòi cá vàng đáp ứng yêu cầu của mụ. Đối với ông lão, ông vẫn bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, không mưu cầu hay đòi hỏi bất cứ cái gì, tự kiếm sống bằng bàn tay lao động của mình. Năm lần ông ra biển tìm cá vàng chỉ để đáp ứng những yêu cầu vô lý của mụ vợ, ông chẳng đòi hỏi gì cho riêng mình. Dù có bị mụ vợ quát mắng, đối xử tệ bạc bao nhiêu lần ông vẫn không hề tức giận, vẫn nhờ cá vàng đáp ứng yêu cầu của mụ. Đáng lý ra ông lão có thể xin cá vàng đáp ứng yêu cầu của mình nhưng ông lão vẫn không đòi hỏi gì. Trong suy nghĩ hay trong con người ông lão, chưa một lần lòng tham xuất hiện. ông lão chính là đại diện cho một tâm hồn trong sáng, một bản tính lương thiện đáng trân trọng.

Dưới con mắt và ngòi bút nghệ thuật của Puskin, ông lão còn là đại diện cho người dân Nga cam chịu và nhẫn nhục. Ta chưa một lần thấy ông lão cái lại hay làm trái ý mụ vợ, hình ảnh ông lão lóc cóc rồi lại lủi thủi đi ra biển vừa đáng thương vừa đáng giận. Những thứ mụ vợ có được đáng lý ra là của ông lão, chỉ có ông mới xứng đáng nhận được thế mà ông vẫn cam chịu nhường lại cho kẻ không có công lao gì. Thậm chí còn bị đối xử tệ bạc mà ông vẫn không hề oán giận. Thế mới thấy, hình tượng ông lão chính là thay cho lời cảnh báo kín đáo và thấm thía của Puskin với người dân Nga cam chịu, nhẫn nhục.

Ông lão đánh cá chính là đại diện cho những người dân Nga với bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó nhưng luôn cam chịu nhẫn nhục. Qua hình tượng ông lão, tác giả cũng ngầm cảnh báo đến người dân Nga nếu cứ nhu nhược thì sẽ bị áp bức cực khổ.

Cảm nhận về nhân vật ông lão đánh cá - Mẫu 2

Mỗi câu chuyện cổ tích là những bài học sâu sắc dạy ta cách đối nhân xử thế trong cuộc đời. Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng xoay quanh câu chuyện ông lão đánh cá đã cứu con cá vàng và được con cá ban cho những điều ước. Ông là người hiền lành, nhân hậu, ông đã cứu con cá và không đòi hỏi điều gì cho bản thân. Qua đó có thể thấy ông là người không màng lợi danh, có tấm lòng vị tha dù hoàn cảnh sống của ông vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhưng chính sự hiền lành của lão đã khiến mụ vợ nổi lòng tham lam, lúc đầu mụ yêu cầu chiếc máng mới thay cho chiếc máng lợn đã vỡ. Điều mong muốn ấy có thể hiểu và cũng thông cảm được vì nó thiết thực trong cuộc sống của vợ chồng lão.

Ông lão vì tôn trọng những ý muốn của vợ nên đã ra biển cầu xin cá vàng, lúc này cá vàng nổi lên đáp ứng nguyện vọng của mụ. Nhưng càng lúc, lòng tham của mụ càng trở nên quá quắt: một ngôi nhà mới, làm nhất phẩm phu nhân, làm nữ hoàng và làm Long Vương ngự trên mặt biển, để bắt cá vàng phải hầu hạ mụ. Ông lão trở nên đáng thương vô cùng, hết lần này tới lần khác, ông lầm lũi ra biển cầu xin cá vàng giúp đỡ dù ông không hề muốn cho mình. Có thể thấy ông lão thực hiện những mong muốn của vợ vì muốn tránh những bất hòa và giữ sự yên ấm trong gia đình. Nhưng điều đáng trách ở ông lão là đã quá nhu nhược, không có chính kiến nên mụ vợ ngày càng lấn tới với những đòi hỏi quá quắt. Ông lão phải thực hiện những yêu cầu của mụ dù biết là không đúng.

Để rồi cuối cùng, mọi hư danh đều biến mất, trả lại cho vợ chồng lão túp lều nát và cái cái máng lợn sứt mẻ. Ông được trở về với cuộc sống vốn như trước đây, tuy nghèo khổ về vật chất nhưng yên bình, thanh thản trong tâm hồn. Truyện đã ngợi ca những con người có tấm lòng nhân hậu như ông lão và cũng là bài học sâu sắc cho chúng ta trong cuộc sống.

Cảm nhận về nhân vật ông lão đánh cá - Mẫu 3

Giống như Việt Nam, các nước trên thế giới cũng có rất nhiều những câu chuyện cổ tích hay, gắn liền với tuổi thơ của các bạn thiếu nhi và cũng truyền tải được những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Trong chương trình học của sách ngữ văn lớp sáu tập một cũng đã được đưa vào một truyện cổ tích nước ngoài rất hay và ý nghĩa, đó là câu chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" của A. Pushkin.

Ông lão đánh cá và con cá vàng là một trong hai nhân vật chính của truyện, một nhân vật đối lập với nhân vật mụ vợ.

Đọc tác phẩm, ta thấy mến ông lão bởi cái bản tính lương thiện. Bản tính ấy được thể hiện ở những chi tiết rất nhỏ, mà nếu không chú ý kĩ, thì có thể ta sẽ bỏ qua. Ấy là một công việc lao động chân chính: thả lưới đánh cá trên biển. Một công việc không mấy dễ dàng được lão chọn và cần mẫn với nó. Tuy nhiên cái bản tính ấy càng được bộc lộ rõ kể từ khi gặp cá vàng.

Đầu tiên là việc thả cá vàng trở lại biển khơi. Đối với một người đánh cá, bắt được cá là mục đích của họ. Hơn nữa, vợ chồng lão lại rất nghèo (chỉ có một cái máng lợn sứt mẻ và một túp lều rách nát). Và ngày hôm ấy, đã hai lần kéo lưới, lão vẫn chỉ gặp bùn và rong biển. Lần thứ ba kéo được cá vàng (chắc sẽ bán được nhiều tiền vì con cá đẹp đến thế cơ mà). Thế nhưng, trước sự kêu van tha thiết của cá vàng, ông đã thả nó xuống biển mà không đòi hỏi gì (mặc dù cá vàng có hứa với ông lão là sẵn sàng đền ơn ông, muốn gi cũng được). Lòng thương người của ông thật là chân thành và trong sáng, sự cứu giúp người khác một cách vô tư, hào hiệp, không hề tính toán thiệt hơn, không mong đền ơn báo đáp. Việc làm ấy thể hiện bản tính lương thiện, hiền hậu của người lao động.

Tiếp theo, năm lần ông lão đi ra biển nhờ cá vàng giúp đỡ theo yêu cầu của mụ vợ, ông cũng không đòi hỏi gì cho riêng mình, vẫn bằng lòng với cuộc sống vốn có của mình, tự kiếm sống bằng bàn tay lao động của mình. Thậm chí, khi mụ vợ đối xử tệ bạc với mình (quát mắng và bắt quét dọn chuồng ngựa), ông lão có thể xin cá vàng ban cho mình quyền lực lớn hơn: làm hoàng đế để mụ vợ không dám xem thường và sai khiến ông (vì mụ mới chỉ làm bà nhất phẩm phu nhân), ông lão vẫn không đòi hỏi gì, ở con người ông lão, chưa bao giờ lòng tham xuất hiện (dù chỉ là trong ý nghĩ). Thật là một tâm hồn trong sáng đáng trân trọng.
Nhìn về góc độ cổ tích, ông lão là hình tượng nhân vật tượng trưng cho cái thiện, cho phẩm chất tốt đẹp của con người. Tuy nhiên, dưới con mắt và ngòi bút nghệ thuật của Puskin, nhân vật ông lão có thêm một tầng ý nghĩa mới. Ông là hình ảnh của nhân dân Nga cam chịu và nhẫn nhục.

Trong suốt câu chuyện, tả chưa thấy ông lão một lần dám cãi lại, dám làm trái ý mụ vợ tham lam bội bạc. Bất cứ yêu cầu, đòi hỏi gì của mụ vợ cũng được ông răm rắp thực hiện. Hình bóng ông lão hết “lóc cóc”, rồi lại “lủi thủi” đi ra biển vừa đáng thương, vừa đáng giận. Đáng giận hơn nữa là cả khi mụ vợ bội bạc với chính ông (chửi mắng, đối xử như nô lệ, rồi đánh đuổi đi), ông lão cũng không hề dám kêu ca, phàn nàn, không dám phản ứng lại.

Tất cả những gì mụ vợ được hưởng (của cải, danh vọng, quyền lực), lẽ ra phải là của ông, chỉ có ông mới xứng đáng được hưởng (vì ông chính là ân nhân của cá vàng, người có công lớn với cá vàng). Thế mà ông lại cam chịu nhường lại những quyền lực đó cho kẻ khác (một kẻ đã không có công lao gì). Đến khi đã nhường hết công lao cho mụ vợ, lại bị đối xử tệ bạc, ông vẫn cam chịu.

Từ hình tượng ông lão, Puskin muốn cảnh báo nhân dân Nga nếu cứ nhu nhược thì sẽ suốt đời bị áp bức cực khổ. Một lời cảnh báo kín đáo và thấm thía.

Dù còn có những hạn chế nhất định, nhân vật ông lão đánh cá vẫn là hình ảnh của nhân dân, hình ảnh của cái thiện. Ông lão đánh cá là nhân vật để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người đọc.

Cảm nhận về nhân vật ông lão đánh cá - Mẫu 4

Trong cuộc sống của chúng ta luôn tồn tại những mặt đối lập như phải - trái, đúng - sai và trong xã hội cũng tồn tại sự đối lập giữa những con người, có người thiện - người ác, người gian - người ngay. Trong truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" của A.Puskin ta cũng bắt gặp những con người nhân hậu và những kẻ tham lam, bội bạc. Nếu mụ vợ là đại diện cho sự tham lam, vô tình thì nhân vật ông lão đánh cá đại diện cho cái thiện lương, tấm lòng đơn thuần, nhân hậu.

Truyện kể về hai vợ chồng ông lão đánh cá nghèo khổ, hàng ngày chồng đi thả lưới còn vợ ở nhà kéo sợi. Vào một ngày ông lão đánh cá kéo lưới được một con cá vàng, đó là con cá thần, cá vàng xin ông lão thả mình về biển và trả ơn nhưng ông lão bằng ba điều ước, ông lão vui vẻ thả cá về biển mà chẳng cần trả ơn. Thế nhưng khi mụ vợ của ông biết chuyện đã hết lần này đến lần khác bắt ông lão ra biển xin cá vàng đủ mọi thứ, lòng tham vô đáy của mụ đã khiến cho cá vàng và biển cả tức giận, lấy lại tất cả những thứ đã ban cho, mụ vợ khi ấy lại trở về bên chiếc máng lợn cũ và túp lều rách nát. Qua câu chuyện ta thấy, ông lão đánh cá là một người rất lương thiện, dù đã kéo nhiều lần không được gì nhưng khi bắt được cá vàng, ông vẫn thả cá đi mà không hề đòi hỏi gì. Tuy cuộc sống của hai vợ chồng rất nghèo khổ, nhưng không vì thế mà ông nảy sinh lòng tham muốn cá vàng đền đáp, dù chẳng có gì trong tay nhưng ông lại nói với cá vàng "ta cũng chẳng cần gì". Điều đó cho ta thấy ông lão đánh cá là người rất biết yên phận với cuộc sống của mình, đối với ông cuộc sống như vậy là đủ rồi, không cầu toàn và không ham muốn vật chất cao sang, ông chăm chỉ lao động và đối với ông đó là niềm vui cuộc sống. Ông cũng rất thật thà, khi về nhà đã đem toàn bộ câu chuyện gặp cá vàng kể lại cho vợ, nhưng không ngờ vợ lại mắng chửi ông gay gắt. Trái lại với tấm lòng nhân hậu của ông lão đánh cá, mụ vợ lại có lòng tham không đáy, hơn thế lại là một kẻ bội bạc.

Tất cả sáu lần mụ vợ bắt ông lão đánh cá ra biển yêu cầu cá vàng thực hiện mong muốn của mụ, thế nhưng khi mong muốn được thực hiện bà không hề cảm ơn người chồng của mình ngược lại còn chửi rủa, khinh thường và bội bạc đối với ông lão đánh cá. Ông lão đánh cá quả thực là một người thương vợ và tôn trọng ý kiến của vợ, lần nào ông cũng đi ra biển xin cá thực hiện mong muốn của vợ còn ông không mảy may có mong muốn gì. Dù ông nhận ra sự tham lam, bội bạc của vợ mình nhưng ông vẫn rất cam chịu, nhẫn nhịn, không hề tranh cãi hay cáu gắt với vợ bởi ông nghĩ tới sự êm ấm của hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên ông lão đánh cá cũng có một phần nhu nhược, sợ vợ và quá nghe lời vợ, chính sự nhu nhược hèn nhát của ông đã làm bộc lộ rõ bản chất của mụ vợ tham lam.

Có thể nói, trong truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng", nhà văn Puskin đã xây dựng nhân vật ông lão đánh cá trở thành một hình tượng giàu tính nhân văn, đại diện cho cái thiện, lòng tốt của con người. Tuy nhiên nhân vật này cũng là một lời nhắc nhở chúng ta cần nhịn nhục đúng lúc, đúng chỗ và có giới hạn, không nên cứ cố nhẫn nhục rồi sẽ bị áp bức, bội bạc.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

2 Bình luận
Sắp xếp theo
👨
  • Đông Phạm thị
    Đông Phạm thị

    Hi


    Thích Phản hồi 10/03/23
    • Đông Phạm thị
      Đông Phạm thị

      🥰cảm ơn bạn nhiều nha

      Thích Phản hồi 10/03/23
      Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm