Cảm nhận vẻ đẹp dân gian trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính (4 mẫu) Bài văn mẫu lớp 11 hay nhất

Thơ Nguyễn Bính mang màu sắc dân gian, khơi gợi cho ta ít nhiều về hồn xưa đất nước, quy tụ trong những câu thơ mộc mạc, giản dị mà thấm đẫm nghĩa tình.

Bài thơ Tương tư là thi phẩm tiêu biểu cho hồn thơ bình dị của Nguyễn Bính. Bài thơ là xúc cảm nhớ nhung, tha thiết của chàng trai chân quê với nhiều cung bậc phong phú, đẹp đẽ, thắm đượm màu sắc dân gian, hồn quê ấm áp. Sau đây Eballsviet.com xin giới thiệu đến các bạn bài văn mẫu Cảm nhận vẻ đẹp dân gian trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính được chúng tôi đăng tải trong bài viết dưới đây. Mời các bạn học sinh lớp 11, 12 cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.

Vẻ đẹp dân gian trong bài thơ Tương tư - Mẫu 1

Trong khi hầu hết các nhà Thơ mới – theo nhận xét của Hoài Thanh "đều đội lên đầu dăm bảy nhà thơ Pháp" thì Nguyễn Bính đã tìm một lối đi riêng, trở về với văn hóa dân gian, với những câu hát cửa đình, rặng mồng tơi, bến đò , cây đa, bến nước.

Ông đã trở thành "chủ soái" của trường phái "thơ mới dân gian" gồm Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân. Và cũng như các nhà Thơ mới khác, thơ Nguyễn Bính có tiếng hát tình yêu song không mãnh liệt, dữ dội như tình yêu trong thơ Xuân Diệu, không tang thương như thơ tình Hàn Mặc Tử. Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính chân thật và mộc mạc như tình yêu của người bình dân trong ca dao. Bài thơ "Tương tư" rất tiêu biểu cho hồn thơ và giọng thơ Nguyễn Bính trong lĩnh vực thơ tình. Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nét truyền thống và hiện đại, vừa chứa những nét dân gian chân chất vừa mang trong mình cái hồn thơ mới.

Trong dòng Thơ Mới 1930-1945 ,"Tương tư" của Nguyễn Bính có phong cách cổ điển dân dã ở cả thi liệu, thể thơ, đề tài. Nếu như thơ Xuân Diệu mới lạ trong màu sắc phương Tây, Hàn Mặc Tử siêu thực trong thơ Điên. Nguyễn Bính tinh ròng chất ca dao. Nét truyền thống trước hết thể hiện ở thể thơ - thể lục bát, đây là thể thơ truyền thống do người Việt Nam sáng tạo nên. Nguyễn Bính vận dụng cách ngắt nhịp đều đặn, hài hòa như ca dao truyền thống. Đó là nhịp chẵn 2/2/2; 2/4( câu lục ) và 2/2/2/2; 4/4 ( câu bát ) thường thấy của ca dao:

"Thôn Đoài / ngồi nhớ / thôn Đông
Một người / chín nhớ / mười mong / một người"

Về đề tài, bài thơ là nỗi nhớ, tương tư trong tình yêu của chàng trai dành cho người con gái. Đây là đề tài thường thấy trong ca dao.

Nhớ ai khổ sở thế này
Nhớ ai, ai nhớ, đêm ngày nhớ ai
Nhớ ai, ai có nhớ ai
Nhớ sao da diết, biết có ai nhớ mình

(Ca dao)

Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt

(Ca dao)

Thơ lục bát của Nguyễn Bính cũng rất tự nhiên, mượt mà, không gò ép nhưng cũng không rơi vào diễn ca, vần vè, dễ dãi. Bởi thể lục bát dường như đã nhuyễn vào hồn thơ Nguyễn Bính. Theo thi sĩ Mộng Tuyết thì Nguyễn Bính làm thơ lục bát rất dễ dàng: "Bính viết lục bát nhanh như văn xuôi". Đọc thơ Nguyễn Bính, ta như được thưởng thức những khúc nhạc êm dịu của ca dao:

Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành;
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi.

Phát huy nhịp điệu trầm buồn, êm ái, mượt mà của thể lục bát, Nguyễn Bính đã tạo nên những dòng thơ lục bát rất hay, mang đậm phong cách thơ "chân quê":

Về ngôn ngữ, cũng như ngôn ngữ của thơ ca dân gian, ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Bính không cầu kì khuôn sáo mà gần gũi, chân thành. Ta nghe như có tiếng trách móc nhẹ nhàng đáng yêu của một chàng trai với người mình thương:

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Hay những lời kể chân chất:
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Bính gần gũi với ngôn ngữ thơ ca dân gian còn bởi nó giàu hình ảnh, màu sắc, nhạc điệu. Nhà thơ đã chọn cho mình cách biểu hiện thế giới tình cảm trừu tượng thông qua những sự vật hiện tượng cụ thể xung quanh, những cảnh quan bình dị nơi thôn dã gần gũi thân quen, đó là thế giới của giàn giầu, hàng cau, mái đình, của làng quê Việt Nam thân quen, gần gũi.

Một điều đáng chú ý nữa là những từ có vùng mờ nghĩa hết sức đặc sắc của thơ ca dân gian đã hòa hợp vào "Tương tư" của Nguyễn Bính một cách rất tự nhiên. Những cụm từ phiến chỉ tôi - nàng, Thôn Đoài – thông Đông, bên ấy – bên này, bến – đò, hoa – bướm cùng đại từ phiếm chỉ "ai" rất tế nhị, khó xác định chính xác đối tượng nhưng cũng rất dễ vận vào bất cứ người nào, làm tăng khả năng khái quát tâm trạng điển hình của nhiều người, tăng khả năng đồng cảm giữa những con người khác nhau. Nguyễn Bính đã làm người đọc phải suy nghĩ vấn vương bởi những câu có từ mờ nghĩa:

"Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai biết, ai người biết cho
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này"

Nguyễn Bính còn làm tăng sắc thái biểu hiện của ngôn ngữ thơ bằng việc sử dụng thành thạo các biện pháp tu từ mà ca dao hay dùng. Những hình ảnh ẩn dụ, so sánh thường xuyên đi về trong thơ Nguyễn Bính. Nói tình yêu đôi lứa, tác giả dùng hình ảnh "hoa - bướm" (hoa khuê các, bướm giang hồ), "trầu - cau" (giàn giầu/ hàng cau liên phòng), "bến - đò" (Bao giờ bến mới gặp đò).

Nguyễn Bính sử dụng rất thuần thục lối đan chữ thường thấy trong thơ ca dân gian, "chín nhớ mười mong" được hoán cải từ thành ngữ " chín nhớ 10 thương" từ thành ngữ để chàng trai bộc lộ nỗi niềm riêng tư của mình, diễn tả sự xa cách trong tình yêu, yêu người nhưng không được gặp người, tình yêu không được đền đáp, thậm chí người ta còn chưa biết nên sinh ra nỗi tương tư. Do đó, từ ngữ không còn ý nghĩa thường có của chúng bởi vì chính khi tư duy theo kiểu đan lồng những từ tương hợp thì ý nghĩa của từ đã được nhân lên gấp bội:

"Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người"

Lối đan chữ "chín nhớ mười mong" đã làm tăng nỗi nhớ mong thấp thỏm của chàng trai đang trong trạng thái " tương tư". Trong bài thơ, chất dân gian vẫn không lấn át được những tình điệu lãng mạn vốn là sản phẩm đặc thù của thời đại Thơ mới. Nét hiện đại thể hiện rõ nét qua nhịp điệu, hình ảnh và đặc biệt là cảm xúc – tình cảm cá nhân được bộc lộ trực tiếp.

Trước hết ở nhịp điệu: Vì mang hơi thở của cái tôi Thơ Mới, lục bát của Nguyễn Bính nhiều khi phá vỡ tính cân xứng hài hòa của lục bát cổ, đặc biệt là về nhịp điệu. Lục bát trong thơ tình Nguyễn Bính vừa ngắt nhịp theo kiểu truyền thống vừa có những kiểu ngắt nhịp phá cách linh động diễn tả tâm hồn của nhân vật trữ tình và cái tôi trữ tình. Tác giả sử dụng kiểu ngắt nhịp 3/3/2 ở câu bát làm cho lời thơ sinh động hẳn lên. Nhịp thơ ngắt bất ngờ tạo sự xuất hiện đột ngột của tình huống:

Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các,/ bướm giang hồ /gặp nhau.

Hay sự ngắt nhịp 3/3 trong câu lục biểu thị nỗi chờ đợi mòn mỏi của chàng trai:

Ngày qua ngày/ lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.

Với lối ngắt nhịp linh hoạt phá cách không tuân theo những quy tắc truyền thống mà tuân theo tần số dao động của tình cảm, Nguyễn Bính đã tạo cho thơ lục bát của ông những dấu ấn riêng độc đáo khác với ca dao, đem lại những xúc cảm mới mẻ cho người đọc.

Về việc sử dụng hình ảnh, Nguyễn Bính không phải là nhà thơ gây ấn tượng đối với người đọc bằng những hình ảnh mới lạ như những nhà Thơ Mới khác như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Thơ ông là sự trở về với những hình ảnh gần gũi quen thuộc trong ca dao với những giàn giầu, hàng cau, làng xóm nhưng điều đáng chú ý là Nguyễn Bính sử dụng hình ảnh chất liệu dân dã của ca dao nhưng ông đã thổi vào đó cái hồn của Thơ Mới. Trong ca dao hay thơ trung đại, các tác giả lấy thiên nhiên làm cái cớ, ẩn chứa trong đó lí do, gửi gắm nỗi niềm, ẩn dụ cho chàng trai – cô gái

"Bóng trăng anh tưởng bóng đèn
Bóng cây anh ngỡ bóng thuyền em sang"

"Huệ nhớ thương Lan, héo vàng xác Huệ
Anh quá thương nàng, trối kệ thị phi"

Còn trong thơ Nguyễn Bính, tác giả thể hiện trực tiếp tình cảm của mình và thiên nhiên, các hình ảnh thơ để tạo không gian nhân vật sống, không gian quen thuộc nuôi dưỡng tình cảm của nhân vật trữ tình:

Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Sự thực trong câu thơ đã len vào thứ giọng đậm chất thành thị của con người thời u hóa với đặc điểm dám gọi đích danh sự vật hiện tượng, sự vật, dám chường cái tôi của mình ra mà giãi bày – một lời giãi bày trần trụi, táo bạo và mãnh liệt. Ngay ở tên nhan đề bài thơ cũng đã thể hiện rõ ràng: "tương tư" – nó như phô bày, như khoe lòng mình trước thiên hạ rằng tôi đang yêu, tôi đang nhớ. Điều này là một sự hiếm thấy trong ca dao.

"Tương tư" của Nguyễn Bính tuy vẫn đi trên khung truyền thống của dân tộc nhưng nét mới nhất là nằm ở nội dung. Nguyễn Bính đã làm mới thể thơ lục bát bằng cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu mới mẻ, linh động, thấm đẫm cái tình tứ Thơ Mới. Bên cạnh đó đó ông đã thổi "hồn quê" vào bài thơ. Điều này đã làm cho tác phẩm có diện mạo riêng so với ca dao và các tác phẩm khác trong phong trào Thơ Mới. Nét nổi bật của hồn quê trong lục bát Nguyễn Bính là thứ hồn quê mang màu sắc cá nhân. Cũng mang "hồn quê" nhưng lục bát ca dao nó mang tính phổ quát còn trong thơ lục bát của Nguyễn Bính, không gian đồng quê được phủ lên cái tâm tư của con người hiện đại. Bài thơ vừa là sự kết hợp, kế thừa của những yếu tố truyền thống vừa có những nét mới, tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính.

Vẻ đẹp dân gian trong bài thơ Tương tư - Mẫu 2

Nguyễn Bính thuộc thế hệ các nhà Thơ mới. Nhưng nếu phần lớn các thi sĩ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây, thì Nguyễn Bính lại tìm về với chất dân ca - điệu thơ dân tộc.

“Lỡ bước sang ngang” là tác phẩm được chú ý hơn cả trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bính trước cách mạng. Bằng lối ví von mộc mạc duyên dáng, mang phong vị ca dao: tác phẩm này đã đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương đất nước và một tình người đằm thắm thiết tha. Bài thơ “Tương tư” được in lần đầu trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang”. Đây là bài thơ khá tiêu biểu cho hồn thơ Nguyễn Bính nói chung và cho lập “Lỡ bước sang ngang” nói riêng.

Tương tư là trai gái nhớ nhau. Dĩ nhiên đây là nỗi niềm u ẩn của những người yêu nhau phải xa nhau. “Tương tư” là một thi đề quen thuộc trong cả văn chương dân gian lẫn văn chương bác học. Trước Nguyễn Bính đã có những thi sĩ lừng danh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ viết về đề tài này. Và ngay trong làng “Thơ mới” đã có bài “Tương tư chiều” nổi tiếng của Xuân Diệu. Tất cả những điều đó là những thử thách to lớn đối với những cây bút đi sau. Nguyễn Bính đã vượt qua được thử thách đó, mang đến cho đề tài này phần nội dung mới và cách nói mới.

Nỗi niềm “Tương tư” của Nguyễn Bính được thể hiện bằng những sắc thái muôn thuở của chuyện trai gái yêu nhau mà phải xa nhau. Có nhớ nhung, có trách móc, có giận hờn, và dĩ nhiên cả khắc khoải đợi chờ. Nỗi niềm tương tư ở đây chưa đến độ cháy bỏng mãnh liệt như trong thơ Xuân Diệu (“Bữa ni lạnh, mặt trời đi ngủ - Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em!”), nhưng cũng thật tha thiết chân thành:

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Thì ra, nếu gió mưa là “căn bệnh”, là sự vận động thường xuyên của thiên nhiên thì nhớ mong là căn bệnh cố hữu diễn ra như một quy luật tất yếu của những người đa tình, đa cảm, dường như có mặt ở trên đời này chỉ để thương thầm nhớ vụng. Giữa chàng trai – nhân vật trữ tình – và bạn gái dường như chẳng có cách trở gì về cả không gian lẫn thời gian? Họ ở chung một làng, chỉ cách nhau có “một đầu đình”. Cô gái có thể thuận lợi đủ điều càng khiến cho nhân vật trữ tình càng thêm băn khoăn thêm hờn dỗi. Nhưng nào có ai đâu mà chờ với đợi. Cũng như một số bài thơ khác của Nguyễn Bính thường nói đến mối tình đơn phương (như trong bài Hoa và rượu. Người phương nên lời trách móc, hờn dỗi kia rõ ràng trở thành vu vơ. Thực ra, những lời nói đó chính là sự tự bộc lộ tâm hồn nhạy cảm, khao khát yêu thương của chính nhà thơ. Khi cuộc đời còn những mối tình đơn phương, khi còn những con tim ít tuân theo những quy tắc rạch ròi; thì người đọc cũng không mấy ai nỡ trách Nguyễn Bính đã “tương tư” một cách vu vơ.

Đặc biệt nỗi niềm chờ mong đáng trân trọng ấy đã được nhà thơ thể hiện một cách mới mẻ. Trước hết là hình ảnh cái “tôi” có nhu cầu giãi bày, phơi trải được Nguyễn Bính diễn tả một cách trực diện không chút vòng vo:

“Gió mưa là việc của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Ngoài ra còn phải kể đến việc tác giả đã thành công khi đưa vào lời ăn tiếng nói của người nhà quê trong cuộc sống thường nhật. Những lời ăn tiếng nói ấy xuất hiện một cách tự nhiên mộc mạc, tạo nên không khí dân dã, quê mùa cho toàn bài thơ:

“Hai thôn chung lại một làng,
Có sao bên ấy chẳng sang bên này?
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?”

Đưa vào thơ lời ăn tiếng nói của đời thường, Nguyễn Bính cũng như những nhà Thơ mới đã gặt hái được một mùa hoa trái bội thu. Thơ của họ trở nên gần gũi với người đọc và nó góp phần phát hiện ra những cái mới mẻ của con người và tạo vật, mà trước đây ít nhiều thi ca bác học chưa làm được.

Như vậy, nội dung “Tương tư” có tính chất muôn thuở đã được nhà thơ Nguyễn Bính thể hiện bằng một lời nói hiện đại, mang dấu của thời đại, phản ánh một mảng tâm hồn của lớp thanh niên tiểu tư sản những năm 30 của thế kỷ này.

Song giá trị cơ bản của bài thơ không chỉ ở chỗ tác giả diễn tả khá mới mẻ cái “tôi” thiết tha chân thành, khao khát yêu đương; mà điêu chủ yếu nó gợi lên được cái “hồn xưa đất nước”, theo cách nói của nhà phê bình Hoài Thanh. “Hồn xưa đất nước” không nằm riêng ở chi tiết nào, câu thơ nào mà toát ra từ toàn bộ bài thơ qua hệ thống hình ảnh, lời ví von, cũng như giọng điệu chung.

Vốn sinh ra ở một nước nông nghiệp, cho dù đã từng “dan díu với kính thành” nói theo Nguyễn Bính, mấy ai trong số chúng ta không có trong mình một đôi kỷ niệm về một làng quê Việt Nam truyền thống? Tương tư có khả năng khơi gợi trong đáy sâu tâm hồn người đọc. Trong khi các nhà thơ cùng thời Xuân Diệu hay Lưu Trọng Lư chịu ảnh hưởng sâu đậm thơ phương Tây và chính điều đó đem lại cho phong trào Thơ mới những nét đặc sắc, thì Nguyễn Bính lại thành công khi ông tìm về với điệu thơ dân tộc, với làng quê Việt Nam thân thuộc, với những hình ảnh gần gũi tự ngàn xưa: những con bướm trắng, bướm vàng vẽ vòng trên các vườn hoa cải hoa vàng, những vườn bưởi vườn cam ngào ngạt hương thơm, ven đê là ruộng dâu bãi đay, bên giậu mồng tơi, cạnh giếng khơi là những cô thôn nữ đôn hậu, quanh năm dệt lụa chăn tằm, trẩy hội, xem chèo, với trang phục cổ truyền: áo đồng lầm, quần lĩnh tía, yếm lụa sồi. Ở bài thơ “Tương tư” dường như có một sự kết nối giữa hệ thống hình ảnh đã trở thành ước lệ đối với làng quê Việt Nam.

Ở đó có thôn Đoài, thôn Đông, có con đò và bến nước, có hàng cau và giàn trầu. Ở đó còn có nơi sinh thành và nuôi dưỡng lối thơ lục bát và Nguyễn Bính đã sử dụng nhuần nhuyễn lối thơ này, cách ví von mộc mạc, thực chất là những ẩn dụ: bến – đò, hoa - bướm, trầu – cau, thôn Đông – thôn Đoài. Hệ thống hình ảnh, lối thơ truyền thống với cách ví von ấy đã đánh thức con người nhà quê lâu nay ẩn náu trong lòng độc giả, làm cho họ bồi hồi xao xuyến về một làng quê Việt Nam, một dân tộc Việt Nam gần gũi và thiêng liêng.

Không những thế, “Hồn xưa đất nước” còn được biểu hiện ngay trong lối suy nghĩ gắn với trời đất, cỏ cây quê hương. Ngày xưa, năm tháng trôi qua đã được ông cha ta miêu tả qua sự biến đổi của cây lá:

“Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng”.

(“Truyện Kiều” - Nguyễn Du)

Nhân vật trữ tình trong bài thơ này cũng đo đếm thời gian dựa vào chính sự thay đổi của cảnh sắc thiên nhiên. Điều này được thể hiện bằng những câu thơ dân dã, mộc mạc:

“Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”.

Đồng thời thiên nhiên còn là chuẩn mực để nhân vật trữ tình nhớ nhung, suy tưởng: “Gió mưa là bệnh của giời – Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Do sống hòa hợp gắn bó với cảnh sắc thiên nhiên, nên trong ca dao – dân ca, trai gái quê ta không chỉ mượn Thuyền và Bến, Sen - Hồ, Mận – Đào để giãi bày tình yêu một cách kín đáo vừa duyên dáng, vừa tinh tế. Trong bài “Tương tư”, Nguyễn Bính sử dụng triệt để các cách nói ấy mang lại hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Nếu như ở khổ thơ thứ hai còn có câu dường như lạc hệ thống, thiếu sự dung dị(“Hoa khuê các, “bướm giang hồ gặp nhau”) thì khổ thơ cuối cùng chính là sự kết tinh nghệ thuật của toàn bài. Ở khổ thơ này “hồn xưa đất nước” toát lên từ cách dùng hình ảnh, cách bộc lộ tình cảm kín đáo, mộc mạc của tác giả. Thay vì lối diễn đạt trực tiếp ở phần đầu đến khổ thơ cuối, Nguyễn Bính dùng lối diễn đạt gián tiếp rất tinh tế, phảng phất chất hương đồng cỏ nội của ca dao thuần khiết:

“Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Trong phong trào Thơ mới, nhiều thi sĩ như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân miêu tả được những bức tranh quê tươi đẹp. Nhưng có lẽ chỉ mình Nguyễn Bính nói đúng được cái hồn quê Việt Nam. Ngày nay ở nông thôn Việt Nam phong cảnh cũng như hồn người đã đổi khác rất nhiều. Thanh niên nam nữ thường thích điệu bộ bò hơn là áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, xe Cub đã thay cho ngựa tía võng điều.

Tuy vậy, phần nào bài thơ “Tương tư” trên đây của Nguyễn Bính vẫn như một dấu tích tâm hồn dân tộc, góp phần cho tâm hồn người đọc thêm phong phú và tươi sáng. Đấy chính là sự đóng góp đặc sắc của nhà thơ trong bài thơ này nói riêng và trong phần nhiều bài thơ của Nguyễn Bính trước Cách mạng nói chung, đấy cũng là lý do khiến nhiều người yêu thích thơ ông.

Vẻ đẹp dân gian trong bài thơ Tương tư - Mẫu 3

Thơ Nguyễn Bính mang màu sắc dân gian, khơi gợi cho ta ít nhiều về hồn xưa đất nước, quy tụ trong những câu thơ mộc mạc, giản dị mà thấm đẫm nghĩa tình.

Tương tư là thi phẩm tiêu biểu cho hồn thơ bình dị của Nguyễn Bính. Bài thơ là xúc cảm nhớ nhung, tha thiết của chàng trai chân quê với nhiều cung bậc phong phú, đẹp đẽ, thắm đượm màu sắc dân gian, hồn quê ấm áp. Màu sắc dân gian đã tạo bầu không khí thôn quê cho thi phẩm nhưng đồng thời cũng là nét đặc trưng cho phong cách thơ của Nguyễn Bính.

Một tác phẩm mang đậm màu sắc dân gian là tác phẩm mang tình cảm truyền thống cũng như phương thức thể hiện thường được bắt gặp ở ca dao, dân ca. Ca dao dân ca là chuỗi ngọc trong sáng vô ngần của người lao động bình dân. Nó thấm đẫm cách cảm, cách nghĩ của người lao động

Bài thơ tương tư trước hết là một sản phẩm của nền Thơ mới. Khi tung phá bức màn ước lệ để nhìn thẳng vào cái tôi cá nhân của mình, Thơ mới thoát ra như một tiếng ca chân thật, phong phú, mặc sức phô bày không hề giấu giếm. Nhiều nhà thơ chọn viết về đề tài tình yêu như Nguyễn Bính luôn hướng ngòi bút vào chiều sâu thẳm, huyền bí của cõi thơ này.

Thế nhưng, Nguyễn Bính đã có một hướng đi khác. Nói rằng ông có một hướng đi khác lạ thật là không phải bởi ông chưa từng rời đi. Nói ông đã có những sáng tạo vượt bậc cũng không phải bởi ông chưa từng phá vỡ thi pháp vốn có trong ca dao. Thơ ông không phải là cái tình thoảng qua, cũng chẳng phải là tình thiên thu. Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính nằm ngay trong đời sống dân tộc được phản ánh sâu sắc trong ca dao trong mấy nghìn năm qua. Thơ ông chứa đựng cái hồn bình dị của dân tộc.

Mở đầu bài thơ, là lời tâm tình của chàng trai:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Một nỗi niềm nhung nhớ, tương tư ấy vậy mà lắm cung bậc đẹp đẽ. Giọng kể tâm tình vừa tự nhiên lại vừa hết sức kín đáo. Rõ ràng là chuyện tôi yêu nàng ấy vậy mà cứ vòng vo không nói nên lời. Đó chính là cái tình trong sáng, thánh thiện mà ta thường bắt gặp trong ca dao dân ca:

“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em nhận thì cho anh xin”.

(Ca dao)

Nào phải là chuyên quên chiếc áo mà đó chính là cái cớ để gặp gỡ, để chuyện trò, thổ lộ tâm tình. hay một cách tỏ tình khác đẹp đẽ, tinh tế hơn:

“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

(Ca dao)

Hình ảnh chàng trai ẩn mình trong biểu tượng “thôn Đoài”. Tình cảm cũng được che giấu tế nhị: “ngồi nhớ”, không hề vồ vập hay lộ liễu. Người xưa là thế, nhẹ nhàng, kín đáo mà đắm say, nồng nhiệt: “chín nhớ mười mong”. Tiếp đến, chàng trai tiện lời tỏ bày sau khi đã viện cái cớ:

“Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?”

Lời thơ như trách móc nhưng kì thực là để gợi mở, mời gọi bước chân thôn nữ tìm đường sang chơi. Đây cũng là cái cớ để trò chuyện, đưa lời, hỏi đáp. Chắc chắn rằng, cô gái ấy đã thấu hiểu tâm tình của chàng trai. Chân đã muốn tìm đường sang mà ngại đường chưa tỏ lối. Lí ra, chàng trai sẽ chủ động hơn nhưng trong lòng còn nhiều e ngại, chưa rõ nguồn cơn để mạnh lời hơn nữa, đành kín đáo gửi lời theo gió theo trăng:

“Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy cho tình xa xôi…
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!”

Tưởng rằng chàng trai đang nói với cô gái nhưng kì thực đây là một đoạn độc thoại tự vấn. Nỗi niềm đau đáu trong lòng không thể giãi bày, muốn tìm một lời giải đáp để xóa tan u uẩn. Thời gian đằng đẵng trôi càng làm cho tình yêu trong lòng cuộn cháy, thôi thúc không nguôi mà lòng người xa còn đang mờ mịt. Có một chút oán trách nhưng nào lỗi tại ai. Chàng trai không dám trực tiếp ngỏ lời e rằng như thế là thô lỗ. Càng giấu giếm trong lòng nó càng cào cấu dữ dội. Tưởng chừng, niềm thôi thúc ấy sẽ là nguồn sức mạnh mãnh liệt đưa bước chàng trai tìm sang thôn Đông. Nhưng không, chàng quyết định im lặng và chỉ tìm gặp nhau trong mộng tưởng:

“Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Mãi mãi, tình yêu thầm kín được chôn giấu trong lòng. Tình yêu ấy biến thành khát vọng đẹp và suốt cuộc đời chỉ là niềm khao khát xa vời mà thôi:

“Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Đọc thơ Nguyễn Bính thấy nhẹ nhàng và thanh lọc tâm hồn. Mỗi câu thơ đưa ta trở về với hồn xưa đất nước. Bởi lẽ dù viết về chuyện tình yêu dù hợp duyên hay trắc trở, tất cả đều đặt trong không gian vườn tược của làng quê tươi xanh, tràn trề sức sống. Màu sắc dân gian của bài thơ Tương tư toát lên từ chính khung cảnh làng quê bình dị, tĩnh lặng và thân thuộc. Đó chính là phông nền cho tình yêu lứa đôi nảy nở. Thơ Nguyễn Bính có sự vận dụng linh hoạt lời ăn tiếng nói của dân gian. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, cảm giác như ta đã từng đọc thấy hay nghe được ở đâu đó trong ca dao dân ca.

Vẻ đẹp dân gian trong bài thơ Tương tư - Mẫu 4

Khác với những nhà thơ mới khác Nguyễn Bính không ảnh hưởng bởi phương Tây mà trong nhà thơ luôn có một nỗi niềm hoài cổ. Nếu như Xuân Diệu tiếp thu những cái hay của văn học phương Tây hiện đại thì Nguyễn Bính lại trở về với những hơi thở của ca dao của những gì gọi là truyền thống. Cái “tôi” của Nguyễn Bính luôn là cái tôi bất an, một tâm hồn tha thiết với những giọt cổ truyền của dân tộc đang nguy cơ mai một trước sự âu hóa của đô thị thị dân. Đặc biệt ông mang cái truyền thống ấy vào trong sáng tác của mình. Tiêu biểu trong những bài thơ mang đậm hồn quê dân tộc ấy phải kể đến tác phẩm tương tư. Có thể nói tác phẩm ấy mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam.

Bài thơ được trích từ tập lỡ bước sang ngang, viết về đề tài tình yêu đôi lứa. bài thơ là lời giãi bày nỗi lòng mong nhớ một cách chân thật tinh tế của một chàng trai thôn quê. Có thể nói tương tư là dành cho những người yêu thương nhau nhưng phải cách xa nhau khiến cho nỗi nhớ cứ thế trào dâng mãnh liệt. Tâm trạng tương tư cũng mang đầy màu sắc dân tộc.

Màu sắc dân tộc trước hết thể hiện trong hoàn cảnh, khung cảnh tương tư. Đến cái tương tư ấy cũng mang đầy màu sắc dân tộc:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Màu sắc dân tộc được hiện lên ở đây là hình ảnh Thôn Đoài và Thôn Đông. Đó là hình ảnh biểu trưng cho những làng quê mộc mạc mà giản dị nên thơ. Có thể nói tình yêu của đồi trai gái ấy không diễn ra trên những cảnh trang hoàng của phố xá đông vui mà là nơi bình yên của làng quê mộc mạc.

Thơ Nguyễn Bính mang cái hồn của cảnh vật làng quê, của những gì dân dã nhất. Cũng nói về nỗi nhớ trong tình yêu và trong cùng một thời điểm thế nhưng Xuân Diệu xưng “anh” gọi “em” và nói thẳng anh rất nhớ em, nhớ rất nhiều còn Nguyễn Bính vẫn giữ một thái độ kính cẩn và những từ ngữ xưng hô mang đậm chất ca dao “tôi” và”nàng”, cảm xúc được diễn tả bằng những từ vô cùng tế nhị ẩn ý có chút thẹn thùng chứ không nói thẳng như Xuân Diệu. Câu thơ “ một người chín nhớ mười mong một người” khiến ta nhớ đến câu ca dao “chín nhớ mười thương”. Có thể nói nhà thơ đã sử dụng một cách sáng tạo những câu ca dao ấy. Qua đó nó thể hiện nỗi nhớ thiết tha của người con trai dành cho người con gái. Tác giả tiếp tục thể hiện những cái nỗi nhớ ấy qua việc ví von nếu “nắng mưa” là bệnh của trời tương tư là bệnh cuả tôi nhớ nàng. Ở đây tác giả thật sự khéo léo trong việc lấy cái tự nhiên, quy luật kia để chỉ cho tình yêu. Điều đó thể hiện tương tư là một lẽ tất yếu như mưa nắng của trời khi con người ta yêu.

Không những thể sang những câu thơ tiếp theo Nguyễn Bính đi sâu vào thể hiện tâm trạng của mình mà đồng thời qua đó ta cũng thấy được những màu sắc dân tộc được nhà thơ thể hiện một cách triệt để:

“Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy cho tình xa xôi?
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”

Hình ảnh những xóm làng cổ xưa như hiện ra trước mắt chúng ta, nó càng thấm thía vào chúng ta những màu sắc dân tộc. Gọi là hai thôn đấy nhưng mà cũng chỉ nằm trong một làng. Tác giả đặt câu hỏi đó để nhằm trách móc cái người mà mình nhớ thương. Nó phảng phất hương vị của ca dao khi yêu thương thì tương tư nhưng không thể đến bên nhau nắm tay nhau lộ liễu một cách như bây giờ được. Điệp ngữ ngữ “qua ngày” càng làm tăng thêm sự nhớ nhung của người con trai ấy. Xa cách nhau khiến cho thời gian trôi qua dẫu có ngắn mà cứ tựa ba thu, những chiếc lá xanh đã chuyển thành màu vàng cũng như người nhớ nhung ấy đang héo hon vì thương nhớ.

Hình ảnh mang đậm những nét đẹp làng quê. Đó là nét đẹp của mái đình, của những chuyến đò qua sông. Bến nước con đò không chỉ là hình ảnh mang đầy màu sắc dân tộc mà nó trở thành hình ảnh tượng trưng cho tình yêu, không riêng thơ Nguyễn Bính mà hình ảnh ấy đã trở đi trở lại không biết bao nhiêu trang thơ của những nhà thơ khác. Nhưng cái khác ở đây là hình ảnh ấy không mang nghĩa của sự đợi chờ một người khác mà nó mang nghĩa của sự cách trở trong tình yêu. Tuy nhiên ở trong tác phẩm thì sự cách trở đó là giả thiết để cho người con trai trách móc người con gái vì sao lại không sang trong khi không có sự cách trở sông đò.

Sự cách trở ấy chỉ cách có cái đầu đình mà sao lại thấy tình xa xôi đến thế. Hình ảnh cái đình kia gợi cho ta biết bao nhiêu là vẻ đẹp của những cảnh làng quê dân tộc ta, ở đó không chỉ là không gian cho những sinh hoạt thường ngày mà đó còn là nơi cho người ta hò hẹn. chàng trai kia như muốn trách sự vô tâm của người con gái. Thế nhưng là người con gái vô tâm thật hay chính là do sự tương tư làm cho chàng trai ngỡ cô gái vô tâm với mình. Nỗi tương tư ấy làm cho chàng trai thức mấy đêm không ngủ được, câu hỏi tu từ lại được cất lên để cho thấy được sự trách móc cũng là nhớ nhung của anh. “hỏi ai người biết cho”. Và chính từ những nỗi nhớ ấy mà chàng khát khao được gặp nàng. ở đây tác giả vận dụng lối nói ước lệ ẩn dụ của ca dao xưa (bến- đò, hoa khuê các- bướm giang hồ).

Đến những câu thơ cuối cùng chàng trai tiếp tục thể hiện tâm trạng và ước muốn của mình thông qua đó ta thấy được những hình ảnh mang đậm chất dân tộc:

“Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Anh và em vẫn còn một khoảng cách xa xôi quá chừng, hình ảnh trầu cau hiện lên với số lượng là một thể hiện sự đơn độc lẻ loi của cả hai bên. Đồng thời thể hiện được ước nguyện của chàng trai là nên duyên cau trầu với hình ảnh đám cưới làng quê giản dị ngọt ngào lắm.

Không chỉ ở nội dung thơ mà ngay cả đến nghệ thuật thơ Nguyễn Bính cũng mang đến một màu sắc dân tộc khó quen. Ngoài những câu ca dao kể trên thì ta còn thấy màu sắc dân tộc thể hiện ở thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc ta. Nó góp phần mang lại phong cách nghệ thuật cũng như hồn thơ Nguyễn Bính.

Qua đây ta cảm nhận được một cảm xúc mà ai khi yêu đều phải trải qua. Đó chính là sự tương tư nhớ thương một người khác. Chính vì nhớ thương nên nghĩ người khác vô tình với mình và trách móc người ta. Tình yêu nó làm cho người ta cứ cái buồn vô cớ mà trở thành có cớ. Đồng thời qua đó ta cũng thấy được những màu sắc dân tộc trong thơ Nguyễn Bính giàu đẹp như thế nào.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm