Bài dự thi Người thầy kính yêu năm 2024 Cuộc thi viết "Người thầy kính yêu"

Bài dự thi Người thầy kính yêu năm 2024 gồm 4 mẫu hay nhất, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới cho cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu" lần 3. Thời gian nhận bài dự thi từ ngày  21/11/2023 đến 3/11/2024. Dự kiến trao giải, tôn vinh vào dịp 20/11/2024.

Cuộc thi nhằm tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam, khẳng định vị thế quan trọng của người thầy trong xã hội. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm cuộc thi Thầy cô trong mắt em. Mời các em cùng tham khảo 4 mẫu bài dự thi trong bài viết dưới đây của Eballsviet.com:

Bài dự thi Người thầy kính yêu đoạt giải nhất lần 1

Đây là mẫu bài dự thi Người thầy kính yêu đạt giải nhất cuộc thi Người thầy kính yêu lần 1. Mời các bạn tham khảo

Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc

Trên hành trình theo đuổi "nghiệp học" và sự nghiệp giáo dục của mình, tôi luôn khắc cốt ghi tâm hai hình ảnh thầy và cô mà tôi đã học bậc sơ cấp ở trường làng thuở thiếu thời, họ là những tấm gương sư phạm tuyệt vời

Tôi ra đời giữa thời Pháp thuộc, chính sách ngu dân đè nặng dân ta với cơ sở trường học thì nghèo nàn, thưa thớt. Chỉ những người có điều kiện mới được học lên, còn phần nhiều thì mù chữ… Năm 7 tuổi tôi vào học lớp vỡ lòng (Cours Enfantin), tương đương lớp 1 hiện nay.

Nghẹn ngào bởi sự ân cần, tận tâm của cô

Khi ấy, cô giáo Trần Thị Hoanh, vừa mới ra trường, dạy lớp tôi. Cô là một người phụ nữ hiếm hoi đã vượt qua được những rào cản thời bấy giờ để tiếp cận với nền giáo dục phương Tây và trở thành một người dạy học mẫu mực khiến tôi cùng nhiều bạn đồng trang lứa thường nhắc đến với tất cả sự kính trọng và quý mến.

Cô tôi sở hữu vẻ mặt khả ái và nhân hậu, toát lên vẻ mô phạm và đầy thiện cảm với mọi người. Dáng cô mảnh khảnh, đi đứng khoan thai. Giọng nói của cô trong trẻo, thanh tao, đặc biệt là phần phát âm rất rõ ràng thu hút người nghe. Cô được xem là thần tượng, là người truyền cảm hứng cho ước mơ thầm kín trong trí óc non nớt, ngây thơ của tôi: ngày sau mình sẽ trở thành cô giáo được quý trọng như cô vậy...

Vào lớp, tôi luôn tập trung nghe cô giảng, dõi theo từng cử chỉ của cô, lắng nghe từng lời cô nói, ra sức gắng học cho giỏi. Giờ ra chơi, tôi thường quẩn quanh trong lớp dù chỉ một mình, phần vì rụt rè, phần do thích đọc sách. Bỗng một hôm, khi tôi đang mải mê đọc sách, cô khẽ bước đến sát bên tôi và hỏi: "Sao em không ra sân chơi với các bạn mà lại cứ thui thủi một mình trong này hoài vậy?". Giật mình đứng phắt dậy nhìn cô, chưa kịp trả lời thì cô rút nhẹ quyển sách Quốc văn giáo khoa thư trong tay tôi, lật gần trang cuối cô bảo: "Đâu em đọc bài này cô xem". Hai tay đón lấy sách cô đưa và tôi cắm cúi đọc đến hết bài. Nghe xong, cô vỗ nhẹ đầu tôi và khen: "Em đọc giỏi lắm". Rồi cô nhanh bước ra khỏi lớp.

Một lát sau, trống trường báo hiệu giờ vô học, chúng tôi xếp hàng vào lớp. Đợi ổn định xong, cô lại gần bảo tôi: "Em gom hết đồ vô cặp rồi đi theo cô". Tôi ngơ ngác không biết gì cũng riu ríu đi theo cô. Thế rồi cô đưa tôi vào lớp kế bên, (tạm gọi) là lớp hai (tức là Cours Préparatoire). Nghĩa là tôi đã được "nhảy lớp" (lên lớp sớm gần nửa năm học) nhờ sự quan tâm sát sao của cô. Thầy lớp mới lo xếp chỗ cho tôi ngồi. Tôi vừa yên vị xong, cô lại gần xoa nhẹ đầu tôi bảo: "Ráng học ngoan nhé em!", sau đó cô rời đi, nhìn theo dáng cô, tôi rơm rớm nước mắt. Bất giác tôi nghẹn ngào và thầm nhủ:

- "Em thương cô rất thiết tha

Năm học chưa mãn, em xa cô rồi!"

Rồi từ đó, buổi học nào tôi cũng đi thật sớm đứng lóng ngóng ngoài cổng trường để âm thầm đón gặp cô. Cứ thế cho đến khi tôi giã biệt mái trường. Thời gian học với cô chưa đầy một năm, mà suốt đời tôi vẫn nhớ như tạc vẻ ân cần, tận tâm với học trò của cô. Cô là một tấm gương sáng đầu đời về tình thương và trách nhiệm mà tôi noi theo trong suốt quãng đời tham gia sự nghiệp giáo dục của mình.

Người thầy bỏ làm quan để mở mang dân trí

Khi học xong lớp ba, tôi đành thui thủi ở nhà vì trường làng đã hết lớp, không biết đến khi nào mới được học tiếp. May mắn thay, 3 năm sau, tin vui bất ngờ đến với người dân quê tôi. Ông Bùi Đức Thắng (được gọi thân mật là ông Tám), là con của một Hương quản hội tề, được cha mẹ ông cho đi Tây học để sau này nối nghiệp làm quan. Nhưng sau hơn 10 năm du học Pháp, khi hồi hương ông quyết không cộng tác với Pháp mà về quê mở ngôi trường tư thục - mang tên Thanh Bần - nằm khiêm tốn trong khu vườn nhà ông để mở mang dân trí.

Ngày khai giảng, vừa bước vào buổi lễ, ông Tám giơ tay vẫy chào vui vẻ và thân mật tiếp chuyện bà con xua tan mọi định kiến về khoảng cách xã hội. Ông nói tiếng Việt rất chuẩn, không chút lai căng (không hề xen một tiếng Pháp nào trong khi giao tiếp). Vừa là chủ trường vừa là thầy đứng lớp, ông Tám là người dạy Việt văn rất hay, nhất là môn Luân lý (Morale), giảng bài với giọng diễn cảm rất hấp dẫn người nghe và tạo một ấn tượng sâu sắc khó quên…

Tôi vẫn nhớ như in giọng trầm buồn của thầy. Trong giờ Sử Pháp (Histoire de France), bài Jeanne D’arc được kết thúc bằng một bài hát ngắn để ca ngợi vị nữ anh hùng Pháp hy sinh vì tổ quốc. Khi chúng tôi nghêu ngao hát hết bài, thầy ôn tồn bảo: "Ở bên Tây chỉ có một nữ anh hùng Jeanne D’arc, chớ ở Việt Nam ta đã có tới 3 vị: Hai Bà Trưng và Bà Triệu - đã từng lừng danh và oanh liệt, mấy em có nhớ tới?...". Tuy thầy chỉ "trách nhẹ" nhưng chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì ngu muội, trong phút lơ đễnh quên mình là con cháu của ai. Thế đấy, thầy tôi âm thầm giáo dục lòng yêu nước cho học sinh.

Ngoài ra, thầy còn đả phá chế độ hà khắc của địa chủ với tá điền: "Địa chủ bóc lột tá điền/ Tạo cớ thu hút tài nguyên dân nghèo" ("Tài nguyên dân nghèo" là ám chỉ sức lao động của họ. Thật vậy, mỗi khi nhà địa chủ có đám tiệc, tá điền - người nghèo phải đến phụ giúp quần quật ngày, đêm mà không hề được trả công).

Hoặc, chê trách cách đối xử như phường bội bạc của địa chủ đối với tôi tớ, người giúp việc: "Con lành con ở cùng bà/Vang mình sốt mẩy con ra ngoài đường" (Thầy dạy theo sách Luân lý). Với các bài học luân lý đầy tính nhân văn như thế, thầy đã tạo nên nền tảng đạo đức cho các thế hệ học sinh. Chúng tôi rất biết ơn thầy Bùi Đức Thắng - người xứng danh là một kỹ sư tâm hồn chân chính và là ngọn nến của quê hương tôi.

"Thầy tôi dù đã đi Tây,
Bao năm xa xứ, không thay đổi lòng
Thầy dù gặp phải cuồng phong
Bản sắc dân tộc quyết không phai mờ".

Tuy thầy, cô của tôi nay đã khuất nhưng để lại những tấm gương sư phạm tuyệt vời, mẫu mực về nhân cách và đạo đức còn nguyên giá trị xã hội mà hậu sinh đáng học tập và noi theo. Tôi mãi thành kính nhớ ơn thầy, cô!

Tác giả: Trần Thị Rồng

Bài dự thi Người thầy kính yêu đoạt giải nhất lần 2

Tác phẩm "Thầy giáo làng", tác giả Quang Ân (tức Từ Nguyên Thạch) đoạt giải nhất cuộc thi Người thầy kính yêu lần 2.

Một người thầy dám đánh đổi cả gia sản, tính mạng và tương lai của mình cho sự nghiệp trồng người như thầy Năm Nhạc xưa nay không phải là nhiều.

Mới đây, tôi may mắn được dự một buổi họp lớp đặc biệt. Đặc biệt vì học trò là những cụ ông, cụ bà xấp xỉ tuổi 80, con cháu đầy đàn. Họ gặp nhau để bàn việc lưu giữ ký ức về một người thầy đã dạy dỗ họ nên người ngót 70 năm về trước. Nhìn ai nấy sôi nổi đóng góp ý kiến, tôi nghĩ chắc hẳn người thầy phải có danh tiếng, có nhiều bằng khen, phần thưởng lớn. Nhưng không, ông chỉ là một thầy giáo làng ít người biết.

Trẻ nghèo đến trường

Năm 1955, thầy Lâm Bá Nhạc - tên gọi thân mật là thầy Năm Nhạc - mở một ngôi trường nhỏ trên quê hương của ông - ấp Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Thầy đặt tên trường là Nhạc Thanh. "Nhạc" là tên thầy, ghép với "Thanh" là bí danh của thầy thời còn hoạt động kháng chiến.

Trường dạy các lớp bậc tiểu học. Đó là một ngôi trường làng đúng nghĩa, vì cơ sở trường chính là ngôi nhà của thầy bằng tranh tre lá nứa, lại chỉ có người thầy duy nhất là thầy Năm Nhạc. Học trò chủ yếu là con em nghèo trong làng không có điều kiện đi học các trường lớn ở xa.

Cô Lê Thị Vân, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, là một trong những "cô, cậu" học trò ấy. Cô kể: "Trường học chỉ là chái nhà của thầy Năm. Bàn ghế học trò là những tấm ván kê lại. Vậy mà nơi đó nuôi lớn bao ước mơ của tuổi thơ tôi".

Nhà cô Vân hồi đó nghèo, lại đông anh em. Cô là con gái nên không được đi học, ở nhà coi trâu. Trường thầy Năm ở cách nhà cô chỉ mấy cái sân vườn. Từ khi trường mở, cô thường chạy tới núp coi thầy dạy, thích lắm!

"Sau đó, thầy Năm mở thêm lớp bình dân học vụ học vào ban đêm. Biết hoàn cảnh của tôi, thầy qua nhà xin với cha má tôi cho tôi đi học, không ảnh hưởng đến việc coi trâu của tôi" - cô Vân nhớ lại.

Từ đó, đêm đêm cô Vân xách đèn dầu đến lớp. Lời dạy của thầy Năm theo thời gian thấm dần, hình thành trong lòng cô một tình yêu quê hương, một cách sống vì lẽ phải lúc nào không hay.

Nhờ có ngôi trường ấy, nhiều trẻ nghèo trong vùng được đi học. Không những vậy, các trò có hoàn cảnh khó khăn còn được thầy Năm miễn phí và cho ở nhờ trong nhà.

Ông Nguyễn Văn Chí - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, một cựu học sinh - nhớ lại: "Tôi may mắn học trường này ngay từ ngày thầy Nhạc mở lớp đầu tiên. Đặc biệt, như vài bạn khác, tôi còn được trú ngụ, ăn ở tại nhà thầy. Sau này, tôi mới biết thầy ưu tiên dành cho tôi điều này vì ba tôi lúc đó là cán bộ thoát ly tham gia kháng chiến, nhà tôi thuộc diện nghèo, neo đơn".

Tiếng lành đồn xa

Nhưng có lẽ nét độc đáo nhất nơi người thầy giáo làng là phương pháp sư phạm hiệu quả và toàn diện. Nói nôm na là dạy giỏi, cả dạy chữ lẫn dạy người.

Nói về phương pháp dạy học của thầy Năm Nhạc, ông Võ Thuận Vững, nguyên cán bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tỏ ra tâm đắc: "Một mình thầy đảm trách tất cả các môn học, mà môn nào thầy dạy cũng hay, dễ tiếp thu. Trình độ học trò không đồng đều nhưng chỉ một thời gian, thầy kéo những trò kém lên, thậm chí đạt khá hoặc giỏi. Đúng là biệt tài của thầy!".

Ông Phùng Lạc Minh, nguyên cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM, bổ sung: Ở huyện Củ Chi vào thời đó, bậc trung học chưa có trường công mà chỉ có một trường tư thục là Minh Tân. Vì vậy, để chuẩn bị thi vào đệ thất (lớp 6 bây giờ), học trò trường Nhạc Thanh chia làm 2 nhóm. Một nhóm về Sài Gòn thi vào Trường Pétrus Ký, nhóm kia qua Bình Dương thi vào Trường Trịnh Hoài Đức.

"Năm 1957, tôi cùng các bạn thi vào Trường Trịnh Hoài Đức đều đậu, trong đó bạn Hồ Văn Thủy đậu thủ khoa" - ông Minh kể.

Theo chí hướng thầy

Thầy Năm Nhạc không chỉ là người thầy mà còn là người cha. Ông Phùng Lạc Minh bồi hồi: "Năm 1957, tôi học lớp nhứt (lớp 5 bây giờ), chuẩn bị đi thi tiểu học. Hồ sơ dự thi phải có giấy khai sinh mà tôi thì không có. Hồi đó phần vì chiến tranh, phần vì đói nghèo nên cha mẹ không làm giấy khai sinh cho tôi. Trong lúc tôi bối rối thì thầy Năm đứng ra lo liệu. Thầy tới tòa án Biên Hòa cùng một người khác mà thầy nhờ để đủ 2 người làm nhân chứng xin lập án thế vì giấy khai sinh. Kết quả, năm đó tôi có giấy khai sinh, kịp thi tốt nghiệp tiểu học và đậu vào trường trung học công lập Trịnh Hoài Đức. Chính thầy đã làm thay đổi cuộc đời tôi!".

Thầy và trò trường Nhạc Thanh đang có những tháng năm tươi đẹp dệt mơ ước của mình thì một hôm, thầy Năm Nhạc bị bắt khi đang dạy học. Cô Lê Tuyết Mai, nguyên giáo viên Trường Tiểu học An Phú Đông, kể: "Một hôm đang ngồi học, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh thầy bị bắt. Thầy đang dạy thì bọn lính xông vào còng tay dẫn đi. Chúng tôi đồng loạt kêu gào, khóc lóc, ra sức ngăn cản nhưng đành bất lực".

Nói về việc thầy Năm Nhạc bị bắt, ông Nguyễn Minh Triết - nguyên Chủ tịch nước, một học trò của thầy - nhớ lại: "Thầy Năm Nhạc bị bắt vì hoạt động cách mạng. Thật đau lòng nhưng không bất ngờ. Bởi từ lâu, lớp học trò chúng tôi thầm hiểu thầy là người của cách mạng. Chúng tôi càng yêu kính thầy nhiều hơn. Chúng tôi cố gắng học tốt và đi theo chí hướng của thầy…".

Ông Nguyễn Minh Triết sau này thi đậu vào Trường Trung học Pétrus Ký, học lên đại học rồi thoát ly tham gia cách mạng.

Nếm trải lao tù

Một người thầy có rất nhiều học trò thành đạt như vậy hẳn phải có gì rất đặc biệt. Điều đó thôi thúc tôi phải ghé thăm thầy.

Sân nhà vắng vẻ. Thầy Năm ở cùng anh con trai út khoảng 50 tuổi. Thầy chống gậy bước ra tiếp khách. Năm nay thầy 96 tuổi, đã yếu nhiều. Chỉ khoảng sân bên cạnh, thầy nói: "Hồi trước, trường Nhạc Thanh ở đây, nay chỉ còn lại cái nền. Năm 1966, Mỹ mở trận càn qua đây và ngôi trường bị san phẳng".

Tôi hỏi về thời gian thầy bị đày đọa sau khi bị bắt. Thầy Năm cười hiền lành: "Tôi bị giải về bót cảnh sát Hóc Môn, rồi chuyển về trại giam Hòa Hưng. Tôi bị đánh đập, tra khảo nhưng không khai, chỉ một mực kêu oan bị bắt nhầm. Chúng đưa tên một số học trò của tôi đi thoát ly hỏi có biết những người này không, tôi nói không biết. Chúng bèn đưa cán bộ của mình bị bắt cho tôi nhìn mặt. Tôi rất lo vì sợ người cán bộ kia nhận ra mình. Nhưng may quá, tôi và người cán bộ đều nói không quen biết. Không khai thác được gì nhưng chúng giam tôi gần 3 năm mới thả, từ đầu năm 1960 đến 1962".

Về nhà, việc đầu tiên của thầy Năm là tìm danh sách học trò đem đốt, vì nếu để lọt vào tay địch thì hết sức nguy hiểm cho tính mạng của trò lẫn thầy. Sau đó, qua giới thiệu của một cán bộ hoạt động nội thành, thầy tiếp tục nhiệm vụ dạy học hợp pháp tại Trường Tiểu học Chim Xanh, quận 11, cho đến ngày đất nước thống nhất.

Ông Phan Hồng Chiến, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trải lòng: "Năm nay tròn 96 tuổi, thầy Năm Nhạc đang sống ở quê nhà, ngay trên mảnh đất mà gần 70 năm trước thầy đã cất ngôi trường Nhạc Thanh. Vào dịp lễ, Tết hoặc ngày nhà giáo, có học trò, con cháu về thăm, ngôi nhà đông vui, ồn ã trong thoáng chốc. Còn lại phần lớn là những tháng ngày lặng lẽ. Thầy đang sống với người con trai út chưa có gia đình riêng. Tôi hết sức biết ơn và kính trọng thầy Lâm Bá Nhạc. Cá nhân tôi tự thấy còn nợ thầy điều gì đó khó nói ra, khó gọi tên".

Một người thầy dám đánh đổi cả gia sản, tính mạng và tương lai của mình cho sự nghiệp trồng người như thầy Năm Nhạc xưa nay không phải là nhiều, nếu không muốn nói là hiếm. Với những hy sinh và cống hiến ấy, tôi cứ nghĩ ông xứng đáng được nhận những phần thưởng cao quý nhất cùng các chế độ đãi ngộ đặc biệt. Nhưng không, từ ngày nghỉ hưu, ông về làm một người dân bình thường, sống thanh thản, lạc quan, không màng danh lợi.

Thầy Năm Nhạc là vậy. Cả lúc đã nghỉ hưu, ông vẫn để lại cho đời một bài học về lẽ sống.

Ông NGUYỄN MINH TRIẾT, nguyên Chủ tịch nước: Mãi mãi yêu kính thầy

Nhìn lại cả cuộc đời, thầy đã dạy dỗ, dìu dắt lớp học trò để dâng cho đời bao cây lành, trái ngọt. Có được thành quả ấy, ngoài công sức lao động, sự miệt mài của thầy là cả lòng yêu nước, yêu nghề, là cái tâm trong sáng vì các thế hệ cháu con…

Thầy Năm ơi, dù tuổi tác chất chồng nhưng hãy còn đây những cậu bé, cô bé hồn nhiên trong sáng của trường Nhạc Thanh ngày nào; còn đây nỗi rưng rưng tìm về với chính mình bên ngôi trường cũ. Chúng em mãi mãi yêu kính thầy, mãi mãi biết ơn thầy và mong thầy trường thọ!

Bài dự thi Người thầy kính yêu xúc động

Bóng thầy chiều hôm ấy

Có một tình yêu suốt đời tôi không bao giờ quên, đó là tình yêu thương của thầy Mậu đối với học trò. Thầy nâng bước cho bao đứa trẻ nơi ruộng đồng như tôi được đến trường.

Năm ấy là năm đầu tiên huyện tôi có trường cấp 2 thứ hai. Trước kia, cả huyện mới có một trường cấp 2. Tôi học lớp 6A Trường cấp 2 Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Bình (trường mới).

Cả xã chỉ có vài ba học sinh cấp 2 thôi. Chúng tôi thường cuốc bộ đi học mặc dù nhà tôi cách trường đến mười cây số. Tôi học khá. Riêng môn văn, thầy giáo bảo tôi có năng khiếu. Tôi chỉ biết rằng mình mê môn văn nhất. Môn văn cuốn hút tôi, nhiều khi chiếm cả thời gian dành cho các môn khác. Tôi mê tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ, vớ được cuốn truyện, tập thơ nào là đọc ngấu nghiến. Khi bế em, khi cưỡi trên mình trâu, kể cả khi đi câu cá rô, cá chuối..., hầu như lúc nào tôi cũng kè kè cuốn truyện, tập thơ ở bên người. Thời ấy, sách cực kỳ hiếm. Về tiểu thuyết, tôi chỉ biết có "Vượt Côn Đảo" của nhà văn Phùng Quán, "Sông Đông êm đềm" của M.A.Sholokhov, "Những người khốn khổ" của Victor Hugo, "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan, "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng… Truyện ngắn và thơ lại càng hiếm. Tôi chỉ được đọc những truyện đăng lẻ hoặc những bài thơ đăng lẻ ở một tờ báo, một tạp chí nào đó may mắn từ tay một thầy giáo làng (thầy Trính, ở làng tôi).

Thầy Mậu dạy văn, cũng là thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi. Thầy luôn luôn gần gũi bọn học trò. Nhờ có thầy thường xuyên khích lệ, môn văn của tôi thường được điểm cao. Thầy còn động viên tôi làm thơ. Và thế là một số bài văn vần của tôi ra đời từ đấy. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một ít. Đọc lại những câu ấy, giờ đây tôi thấy rõ đấy chỉ là những câu văn vần mà thôi. Thế nhưng, thời ấy, làm được những câu văn vần như thế đã là giỏi. Bạn bè cứ trêu tôi là "thi sĩ".

Tác giả chụp cùng những người bạn. Từ trái qua: Triệu, Tiến, Trinh, Giang - lớp 7C Trường Phổ thông cấp 2 Thư Trì, năm 1961.

Quê tôi là một miền yên tĩnh nằm phía cuối huyện. Hệ thống thủy nông, thủy lợi lúc bấy giờ hầu như không có gì. Đồng quê tôi thuộc loại trũng nhất, như là một cái rốn của huyện. Từ ngày hòa bình năm 1954 đến năm ấy, hầu như năm nào cũng cứ đến tháng 6, tháng 7 âm lịch, cả huyện phải đổ dồn về xã tôi chống úng, cứu mạ, cứu lúa. Nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ tôi tảo tần quanh năm mà không đủ nuôi 6 miệng ăn. Tôi là anh cả. Dưới tôi còn 3 đứa em lít nhít. Mẹ tôi lại yếu đau luôn. Bố tôi quanh năm vật lộn với hòn đất, lặn hụp hết Đồng Táy, Đồng La, lại Con Cóc, Gồ Cay, Ông Moi, Hạ Bạch, Đồng Gìm… chỉ mơ có một vụ được mùa nhưng mấy khi có được. Đồng đất liên miên thất bát. Cái đói, cái nghèo làm cho lũy tre xanh xơ xác, thưa vắng bóng cò.

Thế là tôi quyết định bỏ học. Tôi nói dối bố mẹ là trường đang sửa chữa, phải nghỉ học một thời gian. Bố mẹ tôi tưởng thật. Thế là từ hôm ấy, tôi ra đồng đi cuốc với bố.

Hôm ấy là ngày thứ tư tôi bỏ học. Bố con tôi đang cuốc ruộng ở cánh đồng Gìm. Cánh đồng tháng mười vừa mới gặt xong. Nhà nào có trâu bò thì cày. Nhà nào không có trâu bò thì phải cuốc. Nhiều lúc cuốc nảy lên, tay tôi phồng rộp, đau rát. Nhìn về phía làng, tôi thấy làng tôi như một con thuyền vĩ đại đang thả neo trên cánh đồng để giăng bắt những vụ chiêm mùa no ấm. Lũy tre xanh bao bọc lấy làng chạy dài ra mãi tít chân đê...

Bỗng xa xa bên lũy tre làng có bóng áo trắng đang vội vã đi ra cánh đồng. Rõ rồi! Người ấy mặc áo trắng, đội mũ. Mà trên vai lại còn vác một cái cuốc nữa? Lạ nhỉ? Ai thế nhỉ? Người làng tôi có ai mặc áo trắng đâu? Chỉ áo nâu, áo gụ, áo xanh là cùng! Đồng làng tôi có ai đội mũ đâu? Chỉ toàn đội nón lá, mà thường là nón cũ, nón tuột vành, nón rách tả tơi. Thế thì là ai nhỉ? Mà lại vác cuốc?... Người ấy đang đi về phía bố con tôi...

- "Ô kìa, thầy Mậu!".

Tôi ngỡ ngàng reo lên. Thật không ngờ!

Bố con tôi dừng cuốc, chạy lên bờ chào thầy và mời thầy về nhà. Nhưng thầy nhất quyết không về. Thầy xắn quần lội ngay xuống ruộng cuốc với bố con tôi. Vừa cuốc, thầy vừa nói chuyện với bố. Thầy nói rằng tôi học khá, riêng môn văn học giỏi và khuyên bố tôi tiếp tục cho tôi đi học. Bấy giờ bố tôi mới biết là tôi đã nói dối. Tôi xin lỗi bố, xin lỗi thầy, hứa sẽ tiếp tục đến lớp và học tập thật tốt.

Chiều hôm ấy, bố mẹ, tôi và các em tôi cố giữ thầy ở lại ăn cơm với gia đình. Nhưng thầy nhất quyết từ chối. Thầy mở cặp lấy ra 2 quyển vở và một cây bút máy Trường Sơn đặt vào tay tôi, dặn dò: "Ngày mai em tới lớp nhé!". Tôi lóng ngóng đưa 2 tay ra nhận... Nước mắt tôi trào ra, giàn giụa… Tôi khóc nức nở như một đứa con nít…

Thầy vỗ vai tôi bảo: "Nín đi em, cố gắng nhé!".

Thế rồi, thầy đi. Bố mẹ tôi, anh em tôi cứ đứng nhìn mãi theo cái bóng xe đạp cà tàng của thầy cứ cút kít, cút kít vang mãi trong buổi chiều hoàng hôn lộng gió.

Quá nửa thế kỷ qua rồi, bao nhiêu vinh quang và cay đắng, bao nhiêu là thăng trầm trong cuộc sống, bao điều tôi không thể nào nhớ nổi... nhưng hình ảnh người thầy gầy gò gò lưng đạp chiếc xe đạp tàng trong buổi chiều hoàng hôn lộng gió và tình yêu của thầy thì cứ còn mãi, còn mãi trong ký ức tôi, không bao giờ phai mờ…

Tác giả: Phạm Minh Giang

Bài dự thi Người thầy kính yêu hay

Chắp cánh ước mơ qua những bài giảng sử

Chính cô là người gieo trong tôi hạt mầm hy vọng, giúp tôi hiện thực hóa ước mơ của cuộc đời mình. Cả đời này tôi nợ cô một mối ân tình sâu nặng.

Tôi học cấp ba dưới ngôi trường mang tên cố nhà thơ Nguyễn Bính, nằm ở xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Dưới mái trường ấy, mối lương duyên đã giúp tôi trở thành học sinh của cô Phạm Thị Nguyện - giáo viên dạy môn lịch sử và cũng là giáo viên chủ nhiệm ba năm cấp 3 của tôi.

Những giờ học lịch sử sinh động

Môn lịch sử xưa nay là "môn chán" bởi những mốc thời gian khó nhớ, bởi những sự kiện, tường thuật dài dòng. Nhưng giờ dạy sử của cô giáo chủ nhiệm tôi hoàn toàn khác. Cô luôn căng tràn nhiệt huyết, kiến thức lịch sử sâu rộng và đặc biệt cô đứng lớp bằng cả trái tim yêu thương, tâm hồn sâu lắng. Cô chuyển tải bài giảng bằng giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng thiên phú.

Mỗi giờ sử không còn đơn điệu cô đọc, trò ghi, mà cô cho học sinh có cơ hội "đóng vai" những nhân vật lịch sử để xử lý tình huống trong những giờ khắc lịch sử nước sôi lửa bỏng, ngàn cân treo sợi tóc. Để diễn cho thật hay, thật đạt, chúng tôi cố gắng đọc tiểu sử vị anh hùng mà mình sẽ hóa thân. Mỗi tổ bốc thăm để chọn nhân vật, phân công cho những họa sĩ bất đắc dĩ vẽ lại bản đồ trận đánh, lựa chọn người dẫn và kết bài. Nhờ những lần sân khấu hóa mà chúng tôi đã có giờ phút vui vẻ bên nhau với những trận tranh cãi kịch liệt, bởi ai cũng muốn đóng vai anh hùng, không bạn nào chịu vai quần chúng.

Sau khi được "nhập vai" thành các vị anh hùng dân tộc, thống lĩnh ba quân, thể hiện tầm nhìn, sách lược, chiến lược... đứa nào đứa nấy đều rất hồ hởi. Các bạn còn lại nhao nhao nhận xét, cô giáo lại đứng ra làm trọng tài. Với chất giọng trầm ấm, du dương, cô đưa chúng tôi trở về với không gian, thời gian xa xưa nơi xảy ra sự kiện lịch sử ấy...

Qua mỗi tiết học, chúng tôi thêm kính yêu và khâm phục tầm vóc và trí tuệ siêu việt của các vị anh hùng dân tộc. Cô đã chỉ ra những điểm chung ở các vị anh hùng ấy là ý chí quyết tâm, tấm lòng yêu nước, thương dân, đạo đức trong sáng, sẵn sàng hy sinh tất thảy và luôn đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Đó cũng chính là bài học làm người để lớp lớp học trò chúng tôi phải ngẫm suy sau mỗi giờ học và mang theo trong hành trang tương lai sau này để sống làm người có ích cho xã hội, cho cộng đồng.

Tôi còn nhớ như in kỷ niệm buổi thuyết trình của tôi về chiến dịch Điện Biên (năm 1954), chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đã chấm dứt 100 năm dân tộc ta trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi - một con bé nhút nhát dám mạnh dạn đứng lên thuyết trình. Và ngoài sức tưởng tượng của tôi, hôm đó tôi đã trình bày chi tiết và lưu loát về ba đợt tấn công của quân ta dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Kết bài xong, cả lớp đã đồng loạt vỗ tay và khen ngợi đến khi tôi phổng cả mũi.

Cô nhìn tôi với ánh mắt hiền từ và không ngừng cổ vũ, cô nói tôi rất có khiếu sư phạm. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi vượt qua sự sợ hãi của bản thân để mạnh mẽ đứng trước lớp và vụt sáng trong một chiều lãng đãng mưa. Chẳng bao giờ tôi quên được giờ phút hạnh phúc ấy.

Chính vì si mê giờ giảng lịch sử của cô, nên dù được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn, tôi kiên quyết xin vào đội tuyển học sinh giỏi lịch sử do cô hướng dẫn. Năm 2007, thật may mắn và không phụ lòng mong mỏi của cô, tôi đoạt giải ba học sinh giỏi môn lịch sử tỉnh Nam Định, tôi là một trong số học sinh đầu tiên mang đến chút thành tựu quý giá cho ngôi trường mới tròn 2 năm tuổi. Lúc ấy bố mẹ, họ hàng và cả bạn bè tự hào về tôi lắm và đó chính là hạt mầm đầu tiên giúp tôi thuyết phục gia đình cho mình đi học đại học sau này.

Thắp hy vọng cho học sinh nghèo

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo chiêm trũng, cuộc sống của người dân thôn quê quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nên cái nghèo đeo bám hoài không thôi. Tôi là con thứ trong gia đình đông con, mẹ tôi bị bệnh khớp đeo bám. Các anh, chị của tôi dù học rất giỏi nhưng vì cuộc mưu sinh ghì sát đôi vai gầy hao bố mẹ, thương đấng sinh thành nên đành học xong cấp II phải nghỉ học. Tôi may mắn hơn khi là con út nên được đi học cấp III và ý định của tôi chỉ dừng lại sau khi tốt nghiệp.

Những buổi chiều tắt nắng, mây buồn trôi lãng đãng trên bầu trời, tôi buồn rầu, ủ rũ, nặng nề lê bước trở về nhà khi thấy các bạn tôi ở lại ôn thi đại học. Khi biết tôi không có ý định và cũng không dám ước mơ bước chân vào giảng đường vì nhà quá nghèo, cô đã kéo tôi lại dưới gốc bàng non mới được trồng chưa kịp tỏa bóng mát. Cô kể cho tôi nghe về những người bạn học của cô ở miền Trung đầy nắng, gió, bão lũ quanh năm. Họ sống trong nỗi vất vả, gian lao nhưng vẫn vươn mình mạnh mẽ để đón ánh sáng của tri thức. Cô kể cho tôi về trải nghiệm 4 năm ở Huế trong môi trường sư phạm, những câu chuyện ấy đã gieo vào trong tôi hạt mầm hy vọng tương lai tươi sáng hơn. Tôi không muốn chấp nhận tương lai là cô thôn nữ lấy chồng, sinh con và sống lặng lẽ như bao thế hệ phụ nữ ở vùng quê này. Khi gặp cô, cuộc đời của tôi sang một trang khác. Ước mơ của tôi đã được cô động viên, cổ vũ, khích lệ và tiếp thêm niềm tin.

Năm 2008, dù tôi không tham gia lớp ôn thi mà chỉ tự học ở nhà nhưng tôi đã đậu trường đại học sư phạm khối C với tổng số 23 điểm, đặc biệt được 9 điểm môn lịch sử. Phải nói rằng nhờ cuốn sổ ghi chép bằng tay ngắn gọn những sự kiện lịch sử quan trọng mà cô đã tặng tôi, bên dưới mỗi bài học ấy là dòng chữ được ghi nắn nót: "Cố gắng lên em, cô tin em sẽ về đích xuất sắc".

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, tôi vỡ òa hạnh phúc và sung sướng vô ngần. Bố mẹ tôi đã chấp nhận cho tôi có cơ hội tiếp tục học, để hôm nay tôi thực sự đang làm chủ vận mệnh của đời mình. Cảm ơn cuộc đời vì tôi được làm học trò của cô!

Tác giả: Nguyễn Thắm

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Bài dự thi
Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm