5 sai lầm về bảo mật Internet mà bạn đang mắc phải
Hàng ngày có khá nhiều tin tức về những vụ tấn công dữ liệu trên mạng. Hack là một mối đe dọa đang hoạt động. Tin tức tốt là bạn chỉ cần thay đổi một số thói quen không tốt là đã có thể bảo vệ bản thân khỏi các cuộc tấn công trên mạng. Bài viết sau đây sẽ liệt kê những sai lầm phổ biến khiến cho sự bảo mật của bạn gặp phải rủi ro và cách khắc phục chúng.
5 sai lầm về bảo mật Internet và cách khắc phục
1. Bạn không sử dụng mật khẩu đủ mạnh
Mật khẩu được sử dụng phổ biến nhất trong năm 2016 cũng giống như trong năm 2015 và 2014 là 123456. Xếp ở vị trí thứ hai và ba lần lượt là 123456789 và qwerty. Xét về các trường hợp đó thì không gì lạ khi có nhiều sự cố về bảo mật xảy ra đến vậy.
Như một nghiên cứu về an toàn mạng của hãng Preempt cho biết rằng có khoảng 35% người dùng LinkedIn sử dụng mật khẩu yếu, dẫn đến việc gia tăng khả năng tài khoản của họ bị tấn công.
Vậy thế nào được coi là một mật khẩu mạnh? Hãy ghi nhớ những điều sau đây:
- Mật khẩu phải có ít nhất 12 ký tự. Sự thật là càng nhiều càng tốt.
- Mật khẩu phải bao gồm số, ký tự, chữ viết hoa và viết thường.
- Mật khẩu không được là một từ trong từ điển hoặc một sự kết hợp các từ trong từ điển.
- Mật khẩu không bao gồm một sự thay thế rõ ràng. Ví dụ: ph0ng thay vì phong.
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều công cụ giúp bạn phân tích và đánh giá các ý tưởng về mật khẩu. Một ví dụ điển hình là The Password Meter.
2. Bạn không sử dụng một trình quản lý mật khẩu
Các chuyên gia về bảo mật đã khuyên chúng ta nên sử dụng mật khẩu khác nhau cho mọi tài khoản. Theo đó, nếu một trong những tài khoản của bạn có bị tấn công thì những tài khoản còn lại vẫn an toàn.
Tuy nhiên, trong thời đại sử dụng nhiều ứng dụng, mạng xã hội như hiện nay thì có lẽ mỗi người cần tạo ra khoảng 20 đến 50 mật khẩu cho mình. Vậy làm thế nào để nhớ được hết mật khẩu trong khi có quá nhiều tài khoản? Đừng lo lắng, các trình quản lý mật khẩu sẽ giúp bạn đơn giản hóa quá trình này. Chúng không chỉ ghi nhớ mật khẩu giúp bạn mà còn thêm một lớp bảo mật khác.
Một trình quản lý mật khẩu là một chương trình tạo, lưu giữ và tổ chức tất cả mật khẩu trên mọi thiết bị, mạng xã hội và ứng dụng của bạn. Tất cả những gì bạn phải làm là ghi nhớ mật khẩu chính để kích hoạt chính trình quản lý đó.
Nếu bạn tạo ra một mật khẩu chính dài và an toàn thì sẽ không có ai có thể truy cập vào bất cứ tài khoản nào của bạn.
Có rất nhiều trình quản lý mật khẩu có sẵn, nhưng một trong những công cụ an toàn và mạnh mẽ nhất là Keeper Password Manager. Nó tự hào là một hệ thống mã hóa quân sự để bảo vệ các mật khẩu của bạn, tương thích với mọi thiết bị chính và cũng có một hệ thống tự hủy để xóa bỏ toàn bộ các bản ghi nếu mật khẩu chính được đăng nhập không đúng trong 5 lần liên tiếp.
3. Bạn không sử dụng hệ thống xác thực hai bước
Tính năng xác thực hai bước là một lớp bảo mật bổ sung, giữ cho tài khoản của bạn an toàn, dù cho mật khẩu của bạn có mạnh hay đơn giản đến mấy.
Hệ thống này được kích hoạt khi bạn cố truy cập vào tài khoản của mình từ một thiết bị không rõ ràng. Do hệ thống không biết đó là hành động được thực hiện bởi hacker hay chủ sở hữu tài khoản sử dụng trên một thiết bị khác bình thường nên nó sẽ cảnh báo chủ sở hữu bằng cách gửi tin nhắn đến điện thoại với một mật mã. Bạn cần nhập mã này trong một khoảng thời gian ngắn để truy cập vào tài khoản.
Nếu dịch vụ bạn đang sử dụng như Google, Gmail hay Facebook cung cấp tính năng xác thực hai bước thì đừng chần chừ mà kích hoạt nó. Thực sự quá trình kích hoạt khá phức tạp nhưng rất đáng.
4. Bạn không mấy cảnh giác với Wi-Fi công cộng
Hầu hết những mạng Wi-Fi công cộng không đảm bảo an toàn và khá nguy hiểm. Hãy ghi nhớ rằng khi bạn kết nối với một Wi-Fi, bạn đã cho chủ sở hữu quyền truy cập vào danh tính cá nhân của bạn. Bạn có thể không mấy vui vẻ khi biết rằng có thể bạn bị theo dõi khi kết nối với bất cứ điểm phát Wi-Fi nào.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần cảnh giác với mọi truy cập Wi-Fi công cộng vì bạn có thể tin tưởng vào các điểm phát Wi-Fi tại sân bay, quán cà phê, nhà hàng và khách sạn.
Mặt khác, bạn cũng cần ghi nhớ những mẹo sau đây để giảm nguy cơ khi kết nối với Wi-Fi công cộng:
- Trước khi kết nối, hãy thiết lập các cài đặt bảo mật trên thiết bị của bạn.
- Nếu bạn đang đi du lịch thì hãy thay đổi các mật khẩu trước và sau chuyến đi.
- Cập nhật các phần mềm và ứng dụng.
- Tránh đăng nhập vào bất cứ tài khoản online nào mà lưu giữ thông tin cá nhân. Do đó, đừng kiểm tra tài khoản ngân hàng khi kết nối với Wi-Fi công cộng.
- Hãy đảm bảo URL mà bạn truy cập bắt đầu với HTTPS. Chữ cái S cho biết dữ liệu đã được mã hóa.
5. Bạn không cập nhật phần mềm
Tội phạm mạng rất nhanh chóng tìm ra các lỗ hổng trong những phần mềm phổ biến như Windows hoặc Chrome. Để chống lại vấn đề này, các nhà phát triển triển khai nhiều bản cập nhật với một tốc độ nhanh chóng để khắc phục các vi phạm bảo mật này.
Điều gì sẽ xảy ra với những người không cập nhật phần mềm? Chúng trở thành mục tiêu của tội phạm mạng. Ví dụ, phần mềm độc hại WannaCry nổi tiếng là hậu quả trực tiếp của các công ty không chú ý đến việc cập nhật.
Điều quan trọng là phải cập nhật tất cả phần mềm và hệ điều hành của bạn. Tin vui là đôi khi phần mềm tự cập nhật. Tuy nhiên, đôi khi, phần mềm yêu cầu bạn cho phép "cập nhật". Điều này thường xảy ra với Windows. Có lẽ bạn đang lười khi phải dừng bất cứ điều gì bạn đang làm trên máy tính để cho phép cập nhật, nhưng lần này thì đáng để làm vậy.
Ngoài ra, phần mềm lỗi thời thường ảnh hưởng đến hiệu suất của máy tính. Nếu máy tính đang chạy chậm, hoặc trình duyệt của bạn mất cả thế kỷ để tải các trang thì bạn có một lý do chính đáng khác để cập nhật những gì bạn có.
Trên đây là những sai lầm bạn thường mắc phải về an toàn mạng và một số cách khắc phục. Hy vọng những thông tin trên hữu ích đối với bạn.