Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại (3 mẫu) Văn mẫu lớp 7
Eballsviet.com sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.
Nội dung bao gồm 3 bài văn mẫu giúp học sinh lớp 7. Hãy cùng theo dõi tài liệu chi tiết ngay bên dưới.
Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại
Ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống - Mẫu 1
Kính chào thầy cô và các bạn, tôi là… học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về…
Ngày nay, các lễ hội dân gian vẫn được tổ chức, trở thành một nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Tôi có thể kể đến hội thi thổi cơm ở Đồng Vân tổ chức vào ngày rằm tháng giêng (âm lịch) hằng năm, tại làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.
Từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên dòng sông Đáy xưa. Những người tham dự được tuyển chọn từ các xóm trong làng, chia thành các nhiều đội. Đây là dịp trai gái trong làng đua tài khỏe mạnh, thông minh khi lấy lửa, dịp trai gái thể hiện bàn tay khéo léo để có cơm dẻo tiếp binh lương.
Mở đầu, trống chiêng điểm ba hồi, các đội hình dự thi xếp hàng trang nghiêm làm lễ dâng hương trước cửa đình để tưởng nhớ vị thành hoàng làng có công cứu dân độ quốc. Quá trình thổi cơm bắt đầu bằng việc lấy lửa trên ngọn cây chuối cao. Tiếng trống hiệu vang lên, bốn thanh niên của bốn đội sẽ leo lên thân cây chuối được bôi mỡ. Khi lấy được nén hương mang xuống, ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương chảy thành ngọn lửa. Những người khác thì giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. Tay cầm cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Sau một giờ, những nồi cơm lần lượt được đem trình bày. Tiêu chí chấm điểm theo ba tiêu chuẩn: gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy.
Hội thi là một nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt.
Trên đây là ý kiến trình bày của tôi. Xin cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến đến từ thầy cô và các bạn.
Ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống - Mẫu 2
Kính chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề sức hấp dẫn của các di tích lịch sử - văn hóa truyền thống đối với du khách.
Việt Nam là một đất nước có văn hóa truyền thống lâu đời. Trên khắp mọi miền đất nước có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Có thể kể đến một số địa danh nổi tiếng thường được nhắc đến như: di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Dinh Độc Lập (Thành phố Hồ Chí Minh). Mỗi di tích lịch sử - văn hóa đều mang một nét đẹp riêng biệt của từng vùng miền, gửi gắm một câu chuyện lịch sử hoặc giá trị văn hóa nào đó.
Ngày nay, các di tích lịch sử - văn hóa vẫn có sức hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế. Du khách tìm đến những địa điểm này để tham quan, vãn cảnh và tìm hiểu về lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam bởi những nét nét độc đáo, thú vị. Đó cũng là một cách để góp phần quảng bá hình ảnh của một đất nước Việt Nam giàu truyền thống văn hóa đến bạn bè quốc tế.
Có thể khẳng định rằng, những di tích lịch sử - văn hóa truyền thống là tài sản vô giá mà cha ông để lại cho chúng ta. Thông qua các di tích, ta có thể hiểu hơn về kiến trúc nghệ thuật, phong tục tập quán... Đồng thời, phần nào thấy được quá trình dựng xây và phát triển quê hương, đất nước trong quá khứ. Như vậy, việc ghé thăm di tích lịch sử - văn hóa cũng được coi là cách để chúng ta hướng về cội nguồn, nhớ tới tổ tiên.
Từ đó, cần đặt ra vấn đề làm thế nào để phát triển du lịch tại các di tích văn hóa - lịch sử. Điều đó cần đến từ sự quan tâm của chính quyền các địa phương khi xây dựng kế hoạch bảo tồn và khai thác các di tích lịch sử - văn hóa một cách hợp lí. Đồng thời, nghiên cứu và đưa ra định hướng rõ ràng cho một số chương trình du lịch cụ thể, tránh tình trạng phá hoại, làm xuống cấp các di tích lịch sử, quần thể kiến trúc. Người dân ở chính các địa phương đó cần có ý thức giữ gìn, bảo vệ và quảng bá về di tích lịch sử - văn hóa của địa phương mình.
Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong sẽ nhận được sự đóng góp đến từ thầy cô và các bạn.
Ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống - Mẫu 3
Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là… học sinh lớp… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề vai trò của trò chơi dân gian trong xã hội hiện đại.
Khoa học công nghệ phát triển, rất nhiều trò chơi điện tử ra đời. Trò chơi điện tử hấp dẫn, thu hút nhiều người chơi. Tuy nhiên, những trò chơi dân gian vẫn có những ưu điểm riêng để có thể cạnh tranh với nó.
Hiểu đơn giản, trò chơi dân gian là những hoạt động vui chơi giải trí do quần chúng nhân dân sáng tạo ra và được lưu truyền tự nhiên qua nhiều thế hệ, phản ánh đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc. Trò chơi dân gian là hình thức sinh hoạt cộng đồng được nhân dân tiếp cận và gắn bó nhiều nhất, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, không hạn định về mặt thời gian, không gian. Chúng ta có thể kể đến một số trò chơi dân gian phổ biến như bịt mắt bắt dê, cướp cờ, nhảy bao bố, ném lon, ô ăn quan, rồng rắn lên mây…
Đa số, các trò chơi này đều được tổ chức ngoài trời, tại không gian rộng rãi, thoáng mát. Người chơi sẽ thoải mái vui chơi, thư giãn sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Trái ngược với trò chơi điện tử, người chơi sẽ chỉ ngồi nhiều giờ trong một căn phòng, trước mặt là chiếc máy tính hay điện thoại di động. Việc này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe như gây ra tật cận thị, gù lưng hay khiến cơ thể mệt mỏi. Đặc biệt là với đối tượng học sinh, việc chơi game trở thành “nghiện” dẫn đến việc quên ăn, quên ngủ hay thậm chí là bỏ bê học tập.
Trò chơi dân gian thường là các trò chơi tập thể, giúp tăng sự gắn kết giữa người chơi, không tạo cảm giác buồn chán, cô đơn. Một số trò chơi cần phải vận động, suy nghĩ hoặc có tính cạnh tranh đòi hỏi người chơi phải vận dụng mọi khả năng của bản thân, từ đó giúp rèn luyện sức khỏe, khả năng tư duy hay tinh thần đồng đội. Ai cũng có thể tham gia các trò chơi dân gian, người lớn có thể chơi cùng trẻ em giúp gia tăng tình cảm, gắn kết.
Có thể thấy rằng, trò chơi dân gian vẫn có những điểm mạnh. Và chúng ta cần có những biện pháp để giúp cho trò chơi dân gian tiếp tục tồn tại, phát triển trong đời sống cộng đồng.
Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong sẽ nhận được sự đóng góp đến từ thầy cô và các bạn.