Viết một đoạn văn có sử dụng từ Hán Việt (15 mẫu) Văn mẫu lớp 7
Eballsviet.com muốn giới thiệu tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Viết một đoạn văn có sử dụng từ Hán Việt.
Tài liệu bao gồm 15 đoạn văn lớp 7 hay nhất do chúng tôi tổng hợp. Bạn đọc hãy cùng tham khảo nội dung chi tiết ngay sau đây.
Viết một đoạn văn có sử dụng từ Hán Việt
Viết đoạn văn có sử dụng từ Hán Việt
Mẫu 1
Yêu nước - một truyền thống quý giá của dân tộc Việt Nam. Trước hết, yêu nước là sự yêu mến, tự hào và gắn bó dành cho đất nước của mình. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì lòng yêu nước lại kết thành một làn sóng mạnh mẽ nhấn chìm mọi kẻ thù xâm lược. Trong quá khứ, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của những bậc anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… để đánh bại kẻ thù phương Bắc. Đồng bào ta ngày nay cũng xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Điều đó được thể hiện qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không phân biệt tuổi tác hay địa vị, hễ cứ là người Việt Nam thì đều đứng lên. Từ các cụ già đến trẻ nhỏ, từ kiều bào nước ngoài đến đồng bào bị tạm chiếm đều chung một lòng yêu nước ghét giặc. Còn ở thời hòa bình, tình yêu quê hương đất nước lại biểu hiện theo một cách khác. Chúng ta yêu những điều giản dị như câu chuyện của bà, lời hát ru của mẹ. Chúng ta yêu con đường làng thân quen, cánh đồng lúa chín… Những điều nhỏ bé, giản dị nhưng lại là một phần máu thịt không thể thiếu. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ đã có lối sống sai lầm, thậm chí gây ra những hành động ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Mỗi người dân cần hiểu được rằng tinh thần yêu nước giống như các thứ của quý, mà bổn phận của nhân dân là phải làm cho tinh thần ấy đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
Từ Hán Việt: đoàn kết, địa vị, hành động, nhân dân
Mẫu 2
Hành trình đến với thành công luôn có khó khăn và lời khuyên “Thất bại là mẹ thành công” đã để lại giá trị to lớn. Có rất nhiều định nghĩa về thành công, nhưng hiểu đơn giản, “thành công” là khi con người đạt được những mong muốn của bản thân, đạt được mục tiêu đã đề ra. Còn “thất bại” là không đạt được những mong muốn, mục tiêu mà chúng ta mong muốn. Còn “mẹ” là người đã sinh ra mỗi người, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta. “Thành công” và “thất bại” được đặt trong một mối quan hệ gắn bó nhờ từ “mẹ”. Qua đó câu tục ngữ khẳng định rằng, thất bại đã dạy cho con người những bài học quý giá. Sau khi trải qua thất bại con người sẽ rút kinh nghiệm từ đó, nỗ lực hơn trước để tiếp tục chinh phục đích đến của sự thành công. Thomas Edison được mệnh danh là nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại. Nhưng khi nghiên cứu để phát minh ra chiếc bóng đèn, ông đã phải nếm trải cảm giác thất bại hàng nghìn lần. Ông từng nói rằng: “Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình”. Như vậy, mỗi người cần phải luôn cố gắng trau dồi, rèn luyện bản thân mới có thể chinh phục được thành công.
Từ Hán Việt: thành công, thất bại, quan hệ, phát minh
Mẫu 3
Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống yêu nước. Điều đó không chỉ được thể hiện trong quá khứ, khi nhân dân ta phải chống lại kẻ thù xâm lược. Mà còn ở hiện tại, khi đất nước đã giành lại được độc lập, nhân dân được sống trong hòa bình. Thế hệ trẻ hôm nay vẫn xứng đáng với cha ông ngày trước. Điều đó được thể hiện qua ý thức học tập để nâng cao kiến thức, tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội. Cùng với việc tiếp thu văn minh nhân loại một cách có chọn lọc, trên cơ sở vẫn giữ gìn và phát huy được truyền thống văn hóa dân tộc. Thật tự hào khi nhiều bạn trẻ đã đạt được thành tích cao trên đấu trường quốc tế, thể hiện được tinh thần của con người Việt Nam khiến cho bạn bè năm châu phải tôn trọng. Khi đất nước phải đối mặt với nguy hiểm, lòng yêu nước của thế hệ trẻ được thể hiện qua sự tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc hay cùng chung tay giúp đỡ mọi người. Tóm lại, thế hệ trẻ hãy luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân, sống sao cho thật xứng đáng.
Từ Hán Việt: truyền thống, văn minh
Mẫu 4
Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là đoàn kết. Từ trong quá khứ, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, bà Triệu đến Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân. Rồi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng hay cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt và cả Hưng Đạo vương - Trần Quốc Tuấn ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông và cả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Đến ngày hôm nay, tinh thần đó lại tiếp tục được phát huy. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều cường quốc trên thế giới phải điêu đứng trước dịch bệnh. Nhưng đất nước Việt Nam, từ nhà nước đến nhân dân đều trên dưới một lòng, cùng chung tay để chống lại dịch bệnh. Có đôi khi, tinh thần đoàn kết cũng rất đơn giản như trong một lớp học, các học sinh giúp đỡ nhau trong học tập, cùng nhau xây dựng để đưa lớp học của mình trở thành một tập thể giỏi. Dù ở bất cứ thời đại nào, đoàn kết cũng là một truyền thống cần được giữ gìn và phát huy mạnh mẽ, hiệu quả.
Từ Hán Việt: kháng chiến, tự do
Mẫu 5
Bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” thật giàu giá trị. Mở đầu là câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen” như một lời khẳng định rằng dù có nhiều loài hoa rực rỡ, nhưng không có bất cứ loài hoa nào có thể sánh được với hoa sen. Tiếp theo, vẻ đẹp của hoa sen được khắc họa qua “lá xanh, bông trắng, nhị vàng”. Cách sử dụng điệp ngữ “nhị vàng”, “bông trắng” và “lá xanh” gợi ra hình ảnh những cánh hoa sen xếp thành từng tầng từng lớp. Môi trường sống của hoa sen là ở đầm lầy, có nhiều bùn. Mà đặc tính của bùn là có mùi hôi tanh, rất khó chịu. Nhưng dù vậy, hoa sen vẫn có mùi thơm ngát dịu dàng. Bên cạnh đó, tác giả dân gian còn gửi gắm vẻ đẹp phẩm chất của con người Việt Nam qua hình ảnh hoa sen - giản dị mà vô cùng thanh cao. Dù ở trong hoàn cảnh nào, con người Việt Nam vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, nhân cách tốt đẹp. Có thể kể đến tấm gương của các bậc tiền nhân như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn để tránh xa khỏi chốn quan trường xô bồ. Hay Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng người cho phẩm chất đó. Trong suốt những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã phải kiếm sống bằng nhiều công việc lao động khác nhau. Dù khó khăn, vất vả nhưng Bác vẫn giữ được tấm lòng trong sáng, lý tưởng cao cả của bản thân. Với tư cách là một học sinh, tôi hiểu được rằng cần cố gắng rèn luyện bản thân để sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước. Bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” gửi gắm ý nghĩa sâu sắc.
Từ Hán Việt: giá trị, nhân cách
Mẫu 6
Bác Hồ là một trong những biểu tượng về lối sống giản dị mà thanh bạch. Lối sống giản dị được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong công việc. Đối với việc ăn uống hết, món ăn toàn là: cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa… Vào những dịp lễ tết, có món gì ngon lạ, ngon Bác đều mời anh chị phục vụ ăn cùng. Những thức ăn còn lại Bác sắp xếp tươm tất, Bác không muốn để người khác ăn phần thừa của mình. Ngay cả trong công việc hay trong quan hệ với mọi người, Bác cũng sống vô cùng giản dị. Xung quanh đều có rất ít người giúp việc. Những công việc có thể tự làm, Bác không để ai phải giúp đỡ. Đối với nhân dân, Bác luôn quan tâm và yêu quý như người thân trong gia đình. Có thể kể đến những việc đi thăm nhà tập thể công nhân, viết thư cho một đồng chí hay nói chuyện với các cháu miền Nam hoặc đi thăm và tặng quà cho các cụ già mỗi khi Tết đến… Cách sống giản dị của Bác khiến mỗi người dân Việt Nam không khỏi ngưỡng mộ và tự hào. Mỗi người dân hãy cố gắng học tấm và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ Hán Việt: biểu tượng, đồng chí
Mẫu 7
Sách là để đọc, không phải để trưng bày. Vì sách có một vai trò vô cùng quan trọng. Từ xưa đến nay, con người sử dụng sách như một công cụ để lưu giữ lại toàn bộ tri thức của nhân loại. Vì vậy, khi đọc sách con người sẽ có thêm nguồn thông tin, kiến thức phong phú. Không chỉ là những tri thức của hiện tại mà còn là những nghiên cứu, những tinh hoa mà phải trải qua một quá trình dài mới có thể đúc kết ra được. Qua những trang sách, chúng ta có thể tìm về với quá khứ, bước đến tương lai hoặc có thể phiêu lưu khắp mọi nơi trên thế giới. Có đôi khi những cuốn sách còn giúp bạn xác định được cho mình những mục tiêu, gây dựng những ước mơ tốt đẹp. Đồng thời, có những cuốn sách còn giúp con người có thêm niềm tin, sức mạnh để vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống. Tất cả điều này sẽ giúp bạn trở thành một người thành công hay thất bại. Một cuốn sách hay cũng có khả năng giáo dục, giúp con người sống tốt hơn và hoàn thiện bản thân hơn. Chính vì vai trò to lớn đó, chúng ta cần phải trân trọng, biết cách thưởng thức những cuốn sách.
Từ Hán Việt: trưng bày, nhân loại
Viết đoạn văn sử dụng từ Hán Việt
Mẫu 1
Trong cuộc sống, chúng ta cần phải có tấm lòng biết ơn, điều đó đã được gửi gắm qua câu “Uống nước nhớ nguồn”. Xét về nghĩa đen, “uống nước nhớ nguồn” ý nói khi được thưởng thức dòng nước mát lành, hãy nhớ đến nơi bắt đầu của dòng nước đó. Còn xét về nghĩa bóng, “uống nước” là hưởng những thành quả, thành tựu mà người khác tạo ra và “nhớ nguồn” chính nhớ tới những người đã tạo ra thành quả đó. Như vậy, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ con người cần có lòng biết ơn. Nếu có lòng biết ơn có nghĩa là bạn sẽ biết trân trọng mọi thứ trong cuộc sống. Nhờ vậy mà bản thân sẽ cố gắng hơn, để đạt được những thành quả tốt đẹp mà bản thân mình đã từng khao khát có được. Thái độ biết ơn, trân trọng cũng sẽ khiến cho mọi người xung quanh có cái nhìn thiện cảm, thêm yêu thương bạn hơn. Ngược lại, chúng ta cũng cần phải phê phán những hành động vô ơn, bội bạc cũng như lối sống ích kỉ, thực dụng của một số người trong xã hội hiện nay. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” đã đem lại lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa. Hãy sống biết ơn để luôn cảm thấy cuộc đời này thật giá trị, ý nghĩa.
Từ Hán Việt: thành tựu, ích kỉ
Mẫu 2
Tình yêu quê hương, đất nước thật đáng quý. Tình cảm này xuất phát từ sự yêu mến, tự hào và gắn bó dành cho quê hương, đất nước của mình. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tình cảm đó nước lại kết thành một làn sóng mạnh mẽ nhấn chìm mọi kẻ thù xâm lược. Trong quá khứ, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của những bậc anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… để đánh bại kẻ thù phương Bắc. Đồng bào ta ngày nay cũng xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Điều đó được thể hiện qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không phân biệt tuổi tác hay địa vị, hễ cứ là người Việt Nam thì đều đứng lên. Từ các cụ già đến trẻ nhỏ, từ kiều bào nước ngoài đến đồng bào bị tạm chiếm đều chung một lòng yêu nước ghét giặc. Còn ở thời hòa bình, tình yêu quê hương, đất nước lại biểu hiện theo một cách khác. Tình yêu đến từ những điều thật giản dị như yêu con đường, ngôi nhà, cánh đồng - những sự vật đã gắn bó với chúng ta từ thuở thơ bé. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ đã có lối sống sai lầm, thậm chí gây ra những hành động ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Chúng ta cần phải hiểu được rằng tình yêu quê hương, đất nước cần được giữ gìn và phát huy.
Từ Hán Việt: quá khứ, đoàn kết, hòa bình, phát triển
Mẫu 3
Ý chí nghị lực tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn, bởi vậy mà ông cha ta đã có câu “Có chí thì nên” tuy ngắn gọn nhưng gửi gắm bài học giá trị. Đầu tiên, “chí” ở đây là ý chí, nghị lực của mỗi người - nó thuộc về yếu tố tinh thần. Còn “nên” muốn chỉ đến sự thành công trong cuộc sống. Câu tục ngữ sử dụng mối quan hệ nhân quả thông qua từ “thì” ý chỉ nghị lực sẽ vượt qua được mọi khó khăn và tiến đến với mục tiêu mà bản thân mong muốn đạt được. Như vậy, hiểu đơn giản rằng ý chí, nghị lực giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được thành công. Bên cạnh đó, nhiều người khi gặp phải khó khăn thì đã trở nên nản chí. Họ không dám đương đầu với thử thách, chấp nhận thất bại hoặc bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Những người như vậy sẽ chỉ mãi sống trong thất bại, giậm chân tại chỗ. Bởi vậy, khi còn là học sinh, chúng ta cần rèn luyện cho mình đức tính kiên trì, ý chí và nghị lực để có thể sẵn sàng đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Có thể khẳng định rằng, câu “Có chí thì nên” tuy ngắn gọn, nhưng đã gửi gắm bài học sâu sắc đến mỗi người.
Từ Hán Việt: nghị lực, tinh thần, thành công
Mẫu 4
“Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người” - lời khẳng định này đã cho thấy tầm quan trọng của sách. Trước hết, “sách” là một sản phẩm do con người sáng tạo ra với mục đích để lưu trữ thông tin, kiến thức của nhân loại. Còn “ngọn đèn” là một đồ vật được sử dụng để chiếu sáng. Hình ảnh “ngọn đèn bất diệt” thể hiện sự tồn tại lâu dài của ánh sáng với thời gian, không bị mất đi. Như vậy, cách so sánh “sách” với hình ảnh “ngọn đèn bất diệt” nhằm khẳng định giá sách cũng giống như ngọn đèn soi sáng tri thức cho con người, vượt qua mọi giới hạn về thời gian, tồn tại vĩnh cửu. Nguồn tri thức của nhân loại đã được gìn giữ, lưu truyền nhớ có sách. Khi đọc sách, chắc chắn chúng ta sẽ học hỏi thêm nhiều kiến thức mới mẻ, vượt qua mọi không gian và thời gian. Không chỉ vậy, sách còn giúp bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho mỗi người. Đôi khi, những cuốn sách còn giúp chữa lành đi những vết thương mà bạn trải qua trong cuộc sống. Nhờ có sách, chúng ta cũng nhận ra những phần mà bản thân mình còn khiếm khuyết, để từ đó tự hoàn thiện chính mình trở nên tốt đẹp hơn. Một cuốn sách giúp bạn có thêm nguồn kiến thức mới, một bài học mới, một lối tư duy khác. Đồng thời, bạn có thể khám phá ra nhiều điều chưa từng thấy, hoặc thấy rồi nhưng theo một chiều hướng khác. Có đôi khi những cuốn sách còn giúp bạn xác định được cho mình những mục tiêu, gây dựng những ước mơ tốt đẹp. Chúng ta không thể thể phủ nhận vai trò của sách, nên mỗi người cần phải tích cực đọc sách, cũng như có phương pháp đọc sách đúng đắn cho mình. Tóm lại, lời khẳng định “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người” là vô cùng đúng đắn.
Từ Hán Việt: kiến thức, vĩnh cửu
Mẫu 5
Kho tàng tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu tục ngữ đã để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ sau. Một trong số đó là câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã răn dạy con người phải có tấm lòng nhân ái. Trước hết, cần phải hiểu “thương người” có nghĩa là yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” có nghĩa là yêu thương, chăm sóc, giữ gìn, quý trọng bản thân mình. Câu tục ngữ sử dụng biện pháp tu từ so sánh để nhắc nhở con người hãy yêu thương mọi người xung quanh giống như yêu thương chính bản thân. Chúng ta cần phải có tấm lòng biết đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh. Có thể khẳng định đây là một cách sống tốt đẹp. Không phải ai sinh ra cũng được sống trong môi trường sung sướng, hạnh phúc. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì vậy, con người cần biết chia sẻ để giúp đỡ, cùng xây dựng một xã hội phát triển hơn.
Từ Hán Việt: nhân ái, đồng cảm
Mẫu 6
Tình mẫu tử là thứ tình cảm xuất phát từ hai phía - con và mẹ. Đó là sự hy sinh vô điều kiện của người mẹ dành cho con. Cũng như đó là sự tôn trọng, yêu thương của đứa con dành cho mẹ. Có lẽ, trong cuộc đời mỗi con người không có thứ tình cảm nào thiêng liêng bằng tình mẫu tử. Từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên, người mẹ có một vai trò vô cùng quan trọng với mỗi người. Chúng ta sinh ra nếu may mắn được sống trong vòng tay yêu thương của những người thân, đặc biệt là người mẹ sẽ còn gì hạnh phúc bằng. Từ khi thơ bé vẫn còn nằm trong bụng mẹ và được mẹ bao bọc che chở. Đến khi sinh ra người đầu tiên ôm ấp ta vào lúc cũng là mẹ. Nhờ có bầu sữa ngọt ngào của mẹ mà chúng ta lớn lên từng ngày. Và trên hành trình trưởng thành từ những bước đi nhỏ bé đầu tiên đến những bước đi lớn lao vĩ đại, người mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước. Ngay cả khi chúng ta vấp ngã, chỉ có mẹ là vẫn luôn dang rộng vòng tay chào đón chúng ta. Chính vì vậy, mỗi người cần phải biết ơn công ơn dưỡng dục của mẹ. Cũng như không làm những điều khiến mẹ phải buồn lòng, đau khổ. Con người hãy luôn trân trọng tình cảm đáng quý này.
Từ Hán Việt: mẫu tử, vĩ đại
Mẫu 7
Tình bạn là một tài sản vô giá do con người tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại. Từ thuở sơ khai của nhân loại cho đến ngày nay. Trải qua nhiều thời gian của lịch sử biết bao câu chuyện đã cho thấy tình bạn có giá trị hơn vật chất, danh vọng. Tình bạn tồn tại giữa cuộc đời như một nguồn sống, một chỗ dựa, một động lực tinh thần cho con người. Đó có thể là tình bạn tâm giao giữa Dương Lễ và Lưu Bình. Một tình bạn tri kỷ giữa Bá Nha và Tử Kỳ. Cả tình bạn tri tâm giữa tô Đông Pha và Phật Ấn. Hay tình bạn sinh tử chi giao giữa ba người Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi. Đó còn là tình đồng chí hướng giữa C. Mác và Ăngghen… Tất cả những tình bạn ấy đã được trở thành tượng đài vĩnh cửu về những tình bạn chân chính trong cuộc sống thực tại. Ngày hôm nay, khi xã hội ngày càng phát triển, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ đã kéo con người dần xa nhau, giữa bạn bè cũng vậy. Chính vì lẽ đó, mỗi người hãy biết trân trọng khi có được những người bạn chân chính luôn đồng hành trong cuộc sống của mình.
Từ Hán Việt: nhân loại, vĩnh cửu
Mẫu 8
Từ xưa đến này, vấn đề chủ quyền dân tộc vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia. Chủ quyền dân tộc được hiểu là quyền làm chủ một cách độc lập, toàn vẹn và đầy đủ trên mọi mặt: từ lập pháp, hành pháp và tư pháp của một dân tộc trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Một dân tộc sẽ thể hiện chủ quyền dân tộc của mình trên mọi phương diện: cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự và ngoại giao. Chủ quyền dân tộc là một đặc trưng chính trị và pháp lý thiết yếu của một quốc gia độc lập. Tôn trọng chủ quyền dân tộc là một nguyên tắc cơ bản trong luật pháp quốc tế. Còn việc bảo vệ chủ quyền dân tộc, chủ quyền quốc gia là trách nhiệm vô cùng quan trọng. Mỗi quốc gia có thể sử dụng toàn bộ lực lượng quân đội an ninh, sử dụng mọi biện pháp để chống lại mọi hành vi xâm phạm phá hoại chủ quyền quốc gia; từ đó giữ gìn toàn vẹn chủ quyền dân tộc đối với lãnh thổ quốc gia. Từ xưa đến này, nhân dân Việt Nam đã phải đánh đổi bằng xương máu để bảo vệ và giữ vững chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Trong quá khứ, các cuộc đấu tranh của Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… đều là những minh chứng hùng hồn nhất. Đến hiện tại, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền dân tộc là của toàn thể nhân dân. Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ…ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc. Hay những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội. Cả những người phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải. Rồi nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất. Ngay cả những đồng bào điền chủ quyên ruộng cho Chính phủ…. Chính vì vậy mỗi người dân hôm nay hãy có ý thức trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày một vững mạnh và cường thịnh hơn nữa.
Từ Hán Việt: quốc gia, tư pháp