Văn mẫu lớp 12: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch Dàn ý và 2 bài văn mẫu lớp 12

Văn mẫu lớp 12: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch là tài liệu tham khảo hữu ích.

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch
Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch

Nội dung chi tiết sẽ được chúng tôi giới thiệu gồm dàn ý và 2 bài văn mẫu. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây.

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch được xác định là đối tượng của sự so sánh, đánh giá, nêu mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá này.

2. Thân bài

- Thông tin chung về từng sản phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong đời sống văn học,..

- Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch và nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng ấy.

- Những điểm khác biệt giữa hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy.

- Đánh giá chung về sự tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch, khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm.

3. Kết bài

Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm truyện, kí hoặc kịch khi đặt chúng trong tương quan so sánh.

Mẫu tham khảo số 1

Nam Cao là những nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Chí Phèo và Lão Hạc là hai truyện ngắn tiêu biểu của ông, có những nét tương đồng nhưng cũng mang dấu ấn riêng.

Chí Phèo và Lão Hạc được sáng tác trước Cách mạng tháng Tám 1945. Dựa vào những cảnh thật, người thật mà Nam Cao được chứng kiến và nghe kể về làng Đại Hoàng.

Truyện Chí Phèo vào tháng 2 năm 1941. Nội dung kể về Chí Phèo - một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong một cái lò gạch cũ, được người làng thay nhau nuôi. Lớn lên, Chí đi ở hết nhà này tới nhà nọ, trong đó có nhà bá Kiến. Vì một chuyện ghen tuông, bá Kiến đẩy Chí vào tù. Ở tù về, Chí trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo bị bá Kiến lợi dụng, trở thành tay sai cho lão, chuyên vạch mặt ăn vạ và gây tai họa cho người trong làng. Cuộc gặp gỡ với thị Nở khiến Chí Phèo khao khát được làm người lương thiện. Nhưng bà cô của thị Nở và cái xã hội đương thời đã chặn đứng đường về “cõi người” của Chí Phèo. Tuyệt vọng, hắn tìm giết Bá Kiến và tự sát. Nghe tin Chí chết, thị Nở nhìn xuống bụng và thầm nghĩ đến một cái lò gạch bỏ không vắng người qua lại.

Còn truyện Lão Hạc được đăng trên báo lần đầu năm 1943. Truyện kể về lão Hạc - một người nông dân nghèo khổ sống. Lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền lấy vợ nên bỏ đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của hồi môn của con trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, nhà lão không còn gì để ăn. Lão đành phải bán con Vàng đi. Số tiền bán chó và bán mảnh vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao lại cho anh. Còn bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó, nói dối là để đánh bả con chó nhưng thực ra là để tự tử.

Cả hai tác phẩm truyện đều viết về đề tài người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Qua đó, Nam Cao đã khắc họa số phận bất hạnh của họ cùng với hiện thực xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Đồng thời, nhà văn thể hiện thái độ đồng cảm, thương xót cho số phận của họ. Cả hai truyện đều giàu giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, cũng như thể hiện tài năng truyện ngắn bậc thầy với những nét độc đáo về nghệ thuật như miêu tả tâm lí, khắc họa nội tâm nhân vật.

Song, Chí Phèo và Lão Hạc đều có những nét riêng. Trong Lão Hạc, nhân vật lão Hạc hiện lên là một người nông dân lương thiện, giàu lòng tự trọng. Lão Hạc là một ông nông dân già yếu, không nơi nương tựa; sống một mình, tự kiếm ăn nuôi thân, con trai bỏ đi đồn điền cao su. Sau một trận ốm, trong nhà không còn gì để ăn, lão quyết định bán cậu Vàng - kỉ vật mà anh con trai để lại, không chỉ là một con vật mà còn giống như một người bạn. Sau khi bán cậu Vàng, lão Hạc vô cùng đau khổ, ân hận và day dứt. Lão quyết định tìm đến cái chết, đến xin Binh Tư bả chó để bắt một con chó, nhưng thực chất là để tự tử. Có thể thấy, lão Hạc là một người nông dân có lòng tự trọng. Lão cùng là một người cha hết mực yêu thương con, thà chết đi cũng không muốn đụng đến của hồi môn của con. Từ đầu đến cuối, lão Hạc vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, lương thiện. Có thể thấy, lão Hạc đã khắc họa chân thực cuộc đời của người nông dân Việt Nam trước cách mạng cùng với đó là phẩm chất cao quý của họ.

Còn trong truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao đã xây dựng hình tượng Chí Phèo trở thành nhân vật điển hình. Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật trong xã hội đương thời, là sản phẩm của tình trạng đè nén, áp bức ở nông thôn trước Cách mạng. Chí Phèo đại diện cho người nông dân hiền lành đã bị nhà tù thực dân biến thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Trước đó, Chí Phèo vốn là một người nông dân lương thiện, đi ở cho nhà bá Kiến. Chỉ vì một chuyện ghen tuông, bá Kiến đã đẩy Chí vào tù. Chính bà Kiến đã tiếp tay cho nhà tù thực dân đẩy Chí vào con đường tha hóa. Ở tù về, Chí Phèo thay đổi cả về nhân hình lẫn nhân tính, dần bị bá Kiến biến thành tay sai. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí, hắn khao khát trở về làm người lương thiện. Nhưng rồi do bà cô của Thị Nở không cho Thị lấy Chí Phèo. Bà cô đại diện cho những định kiến trong xã hội xưa đã tước đoạt đi quyền làm người của Chí. Để rồi, Chí uống rượu rồi xách dao đên nhà Bá Kiến đâm chết Bá Kiến và tự sát. Qua truyện ngắn này, Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, đó là một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thế xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay cả trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính.

Chí Phèo và Lão Hạc của Nam Cao có nét tương đồng nhưng cũng có nét riêng. Cả hai tác phẩm truyện đều thể hiện được tư tưởng cũng như tài năng của nhà văn Nam Cao.

Mẫu tham khảo số 2

Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là hai cây bút đều thuộc phong cách lãng mạn. Tuy nhiên, mỗi nhà văn vẫn có phong cách riêng được thể hiện qua hai tác phẩm “Người lái đò sông Đà” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, mà cụ thể hơn là qua hình tượng sông Đà và sông Hương.

“Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân là thành quả của chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Tác phẩm được in trong tập “Sông Đà” (1960). Còn “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường được viết tại Huế vào ngày 4 tháng 1 năm 1981, sau đó được in trong tập sách cùng tên. Nổi bật trong hai tác phẩm là hình tượng sông Đà và sông Hương được khắc họa vô cùng độc đáo.

Nét tương đồng của sông Đà và sông Hương trước hết đều được miêu tả như một nhân vật trữ tình có tính cách với những vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt. Qua đó, hai nhà văn muốn thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước. Tiếp đến, sông Đà và sông Hương hiện lên với nét đẹp hùng vĩ, dữ dội cũng như nét thơ mộng, trữ tình. Qua hình ảnh hai con sông, ngòi bút của hai nhà văn hiện lên với sự tài hoa, uyên bác. Điều đó thể hiện qua việc hai dòng sông đều được miêu tả trên phương diện văn hóa, thẩm mĩ. Sông Đà là nơi hội tụ của hai nét tiêu biểu, đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, uy nghiêm, dữ dội lại vừa trữ tình, thơ mộng. Sông Hương là dòng sông của âm nhạc, dòng sông của thơ ca, của lịch sử gắn liền với những nét đặc sắc về văn hóa, với vẻ đẹp của người dân xứ Huế. Đồng thời, hai tác giả đều vận dụng cái nhìn đa ngành, vận dụng kiến thức trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật để khắc họa hình tượng hai con sông.

Về nét khác biệt, mỗi dòng sông đều hiện lên với vẻ rất riêng. Với con sông Đà, Nguyễn Tuân tập trung tô đậm nét hung bạo, dữ dội của sông Đà. Nó mang diện mạo và tâm địa của một con thủy quái, kẻ thù số một của con người. Hùng vĩ của sông Đà không chỉ có thác đá mà còn có “đá bờ sông, dựng vách thành”, có “vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu”. Tiếng thác nước sông Đà được so sánh “như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo…”. Đến đá trên sông cũng đầy mưu mẹo “nhăn nhúm”, “méo mó”, “”hất hàm”, “oai phong”, “bệ vệ”, có những hành động như “mai phục”, “chặn ngang”, “canh”, “đánh tan”, “tiêu diệt”, sóng: “đánh khuýp quật vu hồi”, “đánh giáp lá cà”, “đòn tỉa”... Sự biến hóa linh hoạt của trùng vi thạch trận. Nguyễn Tuân miêu tả sự hung bạo của sông Đà để làm nổi bật sự tài hoa, tài trí của người lái đò. Mỗi lần vượt thác của người lái đò giống như là đang phải chiến đấu với thần sông, thần đá…

Còn với con sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường tô đậm vẻ đẹp trữ tình. Khi ở thượng nguồn, nó là cô gái Di gan phóng khoáng, man dại. Khi ở cánh đồng Châu Hóa, nó là cô thiếu nữ ngủ mơ màng. Có khi sông Hương giống như người tài nữ đánh đàn giữa đêm khuya, hay là nàng Kiều tài hoa, đa tình mà lại chung tình, là người con gái dịu dàng của đất nước. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn sông Hương qua chiều sâu văn hóa xứ Huế, nó như người mẹ phù sa bồi đắp cho vùng đất giàu truyền thống văn hóa này từ bao đời nay. Ngoài ra, sông Hương còn được cảm nhận qua lăng kính của tình yêu. Thủy trình của sông Hương giống như thủy trình có ý thức tìm về người tình mong đợi. Khi chảy giữa Huế, sông Hương mềm hẳn đi như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Trước khi đổ ra cửa biển, sông Hương như người con gái dùng dằng chia tay người yêu, thể hiện một nỗi niềm vương vấn với một chút lẳng lơ kín đáo.

Tóm lại, hình ảnh sông Đà và sông Hương đều có những nét chung và riêng, làm nên đặc sắc của hai tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường với những nét phong cách riêng nhưng đã rất thành công trong tác phẩm của mình.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm