Tuyển tập 44 đề đọc hiểu môn Ngữ Văn thi THPT Quốc gia 2024 cực chất Ôn thi THPT quốc gia 2024 môn Văn

TOP 44 Đề Đọc hiểu môn Ngữ Văn cực chất 2024 là tài liệu vô cùng hữu ích, giúp các em học sinh lớp 12 có thêm nhiều tư liệu học tập, biết cách trả lời thật thành thạo các câu hỏi đọc hiểu để đạt kết quả cao trong bài thi THPT Quốc gia sắp tới.

TOP 44 Đề đọc hiểu Ngữ văn 12Eballsviet.com giới thiệu dưới đây được biên soạn rất chi tiết với ngữ liệu ngoài chương trình SGK. Các em học sinh đọc một đoạn văn đề bài cho trước, vận dụng cách hiểu, tư duy, để trả lời những câu hỏi ở dưới về nội dung đoạn văn này. Phần đọc hiểu thường chiếm 3 điểm trong đề thi vì vậy các em hãy ôn luyện nắm vững kiến thức thật chắc nhé. Ngoài ra để học tốt Ngữ văn 12 các em tham khảo thêm: tổng hợp kiến thức Ngữ văn 12, Sơ đồ tư duy môn Ngữ văn 12, mở bài hay nhất về các tác phẩm Văn học ôn thi THPT Quốc gia.

Đề đọc hiểu số 1

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Bởi nơi ta về có mười tám thôn vườn trầu, mỗi vườn trầu
Hai mươi năm cơm phần để nguội
Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn
Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi
Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô
Xóm làng thương không khoe con trước mặt
Vẫn được tiếng là người đứng vậy
[…]

Nhưng chị tôi không thể làm như con rắn que cời
Lột cái xác già nua dưới gốc cây cậm quẫy
Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cui một mình
Những đêm trở trời trái gió
Tay nọ ấp tay kia
Súng thon thót ngoài đồn dân vệ
Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 2. Nỗi cô đơn, lẻ bóng của chị tôi được thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?

Câu 3. Nêu ý nghĩa biểu đạt của từ côi cui trong câu thơ: Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cui một mình.

Câu 4. Sử dụng 02 phương thức biểu đạt, ghi lại cảm nhận của anh/chị về câu thơ: Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền. Chỉ rõ các phương thức biểu đạt đã sử dụng.

ĐÁP ÁN

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 2. Nỗi cô đơn, lẻ bóng của chị tôi được thể hiện thông qua hàng loạt các chi tiết, hình ảnh: chị quay mặt vào đêm, mong trời chóng tối, cơm phần để nguội, tết đừng về nữa chị tôi buồn, thiếu anh nên chị bị thừa ra, côi cui một mình, tay nọ ấp tay kia, một mình một mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch…

Câu 3. Từ côi cui đặc tả sự lầm lũi và nỗi cô đơn của nhân vật chị tôi khi chồng đi chiến trận.

Câu 4. Thí sinh cảm nhận được tứ thơ thật “đắt” trong câu thơ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền: Câu thơ vừa tô đậm vẻ đẹp duyên dáng, đằm thắm của chị tôi, vừa khắc họa bi kịch cá nhân của người phụ nữ có chồng đi chiến đấu (tuổi xuân phai tàn, khát vọng hạnh phúc bị chôn vùi bởi chiến tranh đã chia cắt, làm biệt li đôi lứa vợ chồng).

Thí sinh sử dụng 02 phương thức biểu đạt đã học một cách phù hợp để ghi lại cảm nhận đó. Chỉ rõ các phương thức biểu đạt đã sử dụng.

Đề đọc hiểu số 2

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Bầu trời trên giàn mướp

(Hữu Thỉnh)

Thu ơi thu ta biết nói thế nào
sương mỏng thế ai mà bình tĩnh được
hứa hẹn bao nhiêu bầu trời trên giàn mướp
lúc hoa vàng thu mới chập chờn thu

ngỡ như không phải vất vả chi nhiều
sau tiếng sấm thế là trời mới mẻ
quả đã buông thủng thẳng xuống bờ ao
ta cứ tưởng đất sinh sôi thật dễ

trời thu xanh và hoa mướp thu vàng thưa mẹ
những năm bom nơi con không thể có
bến phà con đã qua, rừng già con đã ở gặp vạt lúa nương con
cũng viết thư về nên không dám
dù một giây sao nhãng
bầu trời này từng dẫn dắt con đi.

(Theo www.nhavantphcm.com.vn, 20/9/2014)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Khung cảnh thiên nhiên của mùa nào được gợi tả qua tác phẩm?

Câu 3. Nêu bố cục của bài thơ.

Câu 4. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình ảnh thơ: trời thu xanh và hoa mướp thu vàng.

ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2. Khung cảnh thiên nhiên được gợi tả trong tác phẩm là khung cảnh của mùa thu.

Câu 3. Bố cục của bài thơ:

- Hai khổ thơ đầu: Vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên mùa thu qua hình ảnh bầu trời xanh và giàn mướp hoa vàng.

- Hai khổ sau: Nỗi niềm xúc động của tác giả khi đối diện với khung cảnh hiện tại và hoài niệm về quá khứ.

Câu 4. Trời thu xanh và hoa mướp thu vàng là một hình ảnh đẹp, hài hòa về màu sắc. Sắc xanh của bầu trời và sắc vàng của hoa mướp mở ra không gian khoáng đạt, cao rộng, gợi sự bình yên, thanh thản, nhẹ nhõm trong tâm hồn con người.

Đề đọc hiểu số 3

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Thời gian

(Văn Cao)

Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi những tiếng sỏi trong lòng giếng cạn

Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước.

Xuân Đinh Mão, 2.1987 (Theo Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 1996, tr.80)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Sự trôi chảy của thời gian làm thay đổi, lãng quên những điều gì nhưng lại không thể khuất phục những điều gì?

Câu 3. Nêu hiệu quả của phép tu từ ẩn dụ được sử dụng trong các diễn đạt: những câu thơ còn xanh, những bài hát còn xanh.

Câu 4. Theo anh/chị, con người làm thế nào để chế ngự được sức mạnh của thời gian?

ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2. Sự trôi chảy của thời gian làm những chiếc lá từ tươi xanh trở nên khô héo, khiến kỉ niệm chỉ còn vang vọng như tiếng sỏi rơi vào lòng giếng cạn nhưng lại không thể khuất phục được những câu thơ, những bài hát và đôi mắt em.

Câu 3. Hiệu quả của phép tu từ ẩn dụ: Khẳng định vẻ đẹp, sức sống vĩnh cửu của những câu thơ, những bài hát - những giá trị tinh thần của cuộc đời.

Câu 4. Thời gian có thể làm biến đổi, hư hao nhiều thứ; con người theo thời gian cũng sẽ lớn lên, già đi và chết. Nhưng con người hoàn toàn có thể chế ngự được sức tàn phá của thời gian bằng cách suy nghĩ tích cực, sống đẹp hơn bằng các hành động cụ thể, có ích cho đời.

Đề đọc hiểu số 4

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Trong lời mẹ hát

(Trương Nam Hương)

Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
Dẫn con đi cùng đất nước
Cánh cò trắng dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp
“Con gà cục tác lá chanh”
Vầng trăng mẹ thời con gái,
Vẫn còn thơm ngát hương cau.

Con nghe thập thình tiếng cối
Mẹ ngồi giã gạo ru con
Con nghe dập dờn sóng lúa
Lời ru hóa hạt gạo rồi

Thương mẹ một đời khốn khó
Vẫn giàu những tiếng ru nôi.
Thương mẹ một đời cay đắng
Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao

Mẹ ơi trong lời mẹ hát
Lớn rồi con sẽ bay xa.

(Theo www.vanvn.net, 12/8/2011)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ là gì?

Câu 2. Chỉ ra dấu ấn văn học dân gian trong ba khổ thơ đầu.

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ: Lưng mẹ cứ còng dần xuống - Cho con ngày một thêm cao.

Câu 4. Bài thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về ý nghĩa lời ru của mẹ?

ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU 

Câu 1. Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

Câu 2. Những hình ảnh gần gũi, thân thuộc nơi “ngôi nhà của mẹ” mà người con đã bồi hồi bắt gặp trong những ngày trở lại: chiếc chõng tre, hình ảnh mẹ ngồi khâu - cha ngồi chẻ lạt, giọt ranh thưa, làn nước trong mát, khói bếp, ngọn lửa, chiếc dây phơi buộc ở đuôi kèo, sân gạch lún đọng nước, vó nhện trên tường cũ, mảnh sân nhà.

Câu 3. Những người lính trên chiến trường luôn phải đối diện với mưa bom bão đạn; cái chết, sự hi sinh đến với họ chỉ trong gang tấc. Bởi vậy nên, muốn được gặp mẹ, tức là muốn được trở về bên mẹ, bên gia đình thân yêu, họ chỉ có một cách duy nhất là vượt lên trên những gian khổ, hi sinh trong chiến đấu.

Câu 4

- Về nghệ thuật: so sánh (ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ, hình ảnh chiếc ga gợi bến dừng đỗ, nghỉ chân), ẩn dụ (chúng con đến và đi từ nhà ga ấy).

- Về nội dung: Cảm xúc của người con về ngôi nhà của mẹ (thực chất là về mẹ) – một bến đỗ bình yên, êm ả, chan chứa yêu thương – trên mỗi chặng đường chiến đấu của người lính.

Đề đọc hiểu số 5

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hoa dâu da

(Cao Xuân Sơn)

Một vòm hoa thơm ngát nở trên đầu
nga ngà trắng từng chùm lấm chấm
thơm mỗi bậc cầu ao trưa vắng
hương không nồng mà say...

Mùa hạ đang về náo nhiệt quanh đây
nhức nhối ve kêu, gắt gao phượng vĩ
con chuồn ớt xẹt ngang như tàn lửa
ngỡ nắng bắt màu, nắng sắp cháy bùng lên

Cây dâu da trầm tĩnh khoảng trời riêng
cứ lặng lẽ phơi màu hoa dân dã
cứ dìu dặt thả làn hương khe khẽ
một mùi hương quê kiểng đến lạ lùng

Giữa chói lói sắc màu, ồn ã thanh âm
chút êm lặng bỗng dưng thành độc đáo
chợt nhận ra điều quá chừng dễ hiểu
hoa bao mùa đã vậy, chỉ ta quên...

(Lý nhân, 6.1985, Cao Xuân Sơn, Trích Tự Tình, NXB Trẻ, 1989)

Câu 1. Chỉ ra các từ láy trong bài thơ.

Câu 2. Nêu các từ ngữ, hình ảnh gợi tả “hoa dâu da”.

Câu 3. Điều gì khiến cây dâu da trở nên khác biệt hẳn so với các sự vật khác quanh nó?

Câu 4. Cảm nhận của anh/chị về hai câu thơ cuối cùng: chợt nhận ra điều quá chừng dễ hiểu/ hoa bao mùa đã vậy, chỉ ta quên.

ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU

Câu 1. Các từ ngữ, hình ảnh gợi tả hoa dâu da trong khổ thơ đầu tiên: vòm hoa thơm ngát, nga ngà trắng, từng chùm lấm chấm, thơm mỗi bậc cầu ao, hương không nồng mà say.

Câu 2.

- Các từ láy trong khổ thơ thứ hai: nhức nhối, gắt gao.

- Hiệu quả: Các từ láy gây ấn tượng đậm nét về thính giác (âm thanh tiếng ve) và thị giác (sắc đỏ của hoa phượng vĩ). Cả màu sắc và âm thanh đều chói gắt và đặc trưng cho bức tranh thiên nhiên ngày hè.

Câu 3. Chính sự đối lập với sự vật xung quanh khiến cây dâu da trở nên khác biệt. Trong khi vạn vật vật dường như đều ồn ào, náo động, rực rỡ, chói ngời thì riêng cây dâu da vẫn lặng lẽ, khiêm nhường (trầm tĩnh khoảng trời riêng, lặng lẽ, khe khẽ) với vẻ đẹp bình dị (làn hương - dìu dặt, màu hoa dân dã, mùi hương quê kiểng).

Câu 4.

- Về nghệ thuật: Phép đối lập được thực hiện để làm nổi bật tương quan giữa cái hằng thường, bất biến (hoa bao mùa đã vậy) với sự đổi thay, sao lãng (ta quên).

- Về nội dung:

+ Hai câu thơ là nhận thức của chủ thể trữ tình về một điều hết sức giản dị (điều quá chừng dễ hiểu) mà bấy lâu nay anh không nhớ tới: vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường loài hoa

dâu da. Bốn chữ bao mùa đã vậy nhấn vào sự bất biến giữa cái thường biến – cuộc sống đa âm sắc chốn đông đúc (chói lói sắc màu, ồn ã thanh âm).

+ Niềm xúc động rưng rưng (có phần tự trách) của chủ thể trữ tình khi nhận ra mình đã sao lãng điều giản dị đó.

.............

Tải file tài liệu để xem thêm bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 12

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Lương
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm