Thuyết minh về bánh đa cua Hải Phòng Dàn ý & 3 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất
TOP 3 bài Thuyết minh về món bánh đa cua Hải Phòng SIÊU HAY, kèm theo dàn ý chi tiết. Qua đó, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ nguồn gốc, cách làm món bánh đa cua thơm ngon, bổ dưỡng.
Món bánh đa cua nóng nổi, màu sắc đẹp mắt đã trở thành đặc sản mà ai đi xa khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Khi thưởng thức món bánh đa cua Hải Phòng bạn sẽ cảm nhận được vị thanh của nước dùng, vị béo của chả và độ ngậy của cua đồng. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com để hoàn thiện bài văn thuyết minh cách làm món ăn của mình.
Thuyết minh về bánh đa cua Hải Phòng
Dàn ý thuyết minh về bánh đa cua Hải Phòng
1. Mở bài
- Giới thiệu chung: Mỗi vùng quê trên đất nước ta đều có đặc sản của quê mình. Ví dụ: Huế có mè xửng, cơm hến, Quảng Nam có mì Quảng, Hà Nội có phở.
- Giới thiệu về đặc sản của quê hương: ở Hải Phòng có bánh đa cua.
2. Thân bài
- Nguồn gốc của món ăn: Món ăn xuất hiện khi nào, công thức đầu tiên do ai nghĩ ra…?
- Cách làm món ăn: Nguyên liệu, cách chế biến, cách nấu…
- Giá trị của món ăn đối với nền ẩm thực Việt Nam: nét văn hóa độc đáo, phong phú cho ẩm thực Hải Phòng nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung.
3. Kết bài
- Cảm nhận nói chung về đặc sản của quê hương.
Thuyết minh về bánh đa cua Hải Phòng - Mẫu 1
Mỗi vùng quê trên đất nước ta đều có đặc sản của quê mình. Và bánh đa cua là một đặc sản trong nét ẩm thực của Hải Phòng.
Nguyên liệu chính của món bánh đa là: bánh đa sợi và cua đồng. Ở Hải Phòng có rất nhiều nơi làm bánh đa sợi. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân và chợ Hỗ, huyện An Dương. Bánh đa được làm bằng thứ gạo ngon, xay thành bột mịn và tráng cho mỏng đều, phơi vừa khô thì cắt ra thành sợi. Còn đối với cua thì phải là cua đồng, cua phải béo thì mới ngon. Ngoài ra còn có rất nhiều nguyên liệu, gia vị dùng để nấu nước riêu cua: xương ống lợn, tôm nõn, me, bột nêm, muối, dầu ăn, mắm tôm, tỏi khô, hành khô, cà chua, hành phi. Cùng với đó là một số loại rau ăn kèm được cho vào bát bánh đa (rau rút, rau cần, rau muống).
Một bát bánh đa cua ngon, kỳ công nhất là ở nước dùng. Sau khi rửa cua sạch, thì bắt đầu chế biến: tách mai ra, lấy phần thân cua và gạch cua. Sau đó đem thân cua thì giã cho mịn, cho nước vào khuấy đều để thịt cua tan ra, lọc lấy nước cua cho vào nồi. Sau khi nêm nếm gia vị cho vừa phải thì cho nước phần nước cua vào. Khi nấu canh cua, cần phải để nhỏ lửa.
Bánh đa sau khi cho vào bát. Sau đó đầu bếp sẽ bắt đầu sắp xếp các món ăn kèm lên trên. Bánh đa cua còn được ăn kèm với rất nhiều món phụ khác. Nếu là một bát bánh đa cua thập cẩm sẽ có tôm (loại tôm sông, tôm bể nhỏ), thịt lợn xào mộc nhĩ, chả lá lốt, hoặc mấy cái chả cá nhỏ như đồng xu và mấy miếng chả thịt lợn. Tùy theo sở thích của từng vị khách mà bát bánh đa sẽ có từng ấy món ăn kèm. Cuối cùng là chan phần nước dùng được chế biến trước đó vào tô. Vậy là đã có một bát bánh đa cua vô cùng hấp dẫn.
Món bánh đa cua phải ăn kèm với rau sống. Gồm có rau muống lá liễu, hoặc rau cần chần tái, hành tươi và rau rút (rau nhút). Cùng với đó là các gia vị như: ớt tươi, hạt tiêu, dấm tỏi, tương ớt, chanh hoặc quất… Tất cả tùy thuộc vào khẩu vị của người ăn mà tự nêm nếm sao cho phù hợp nhất.
Một bát bánh đa cua nóng hổi, màu sắc đẹp mắt sẽ khiến thực khách không thể nào từ chối. Đối với người dân Hải Phòng, món ăn này đã trở thành đặc sản mà ai đi xa khi trở về cũng đều muốn được thưởng thức.
Thuyết minh về bánh đa cua Hải Phòng - Mẫu 2
Mỗi một vùng miền, mỗi một thành phố hay một dân tộc đều sẽ có những đặc sản riêng. Và ở Hải Phòng cũng vậy, đó là món bánh đa cua.
Một tô bánh đa cua được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản như cua đồng, bánh đa... Nhưng với tay nghề khéo léo, tỉ mỉ của những người đầu bếp đã tạo ra một món ăn tuyệt hấp dẫn. Người ăn món bánh đa cua một lần sẽ cảm thấy nhớ mãi không quên.
Nguyên liệu để làm món bánh đa cua gồm có: Thứ nhất là cua đồng phải chọn con cua béo, phần yếm cua đầy đặn. Cua thường là cái cho lượng thịt và gạch nhiều hơn cua đực. Tiếp đến là bánh đa đỏ - đây là nguyên liệu tạo nên sự khác biệt cho món canh bánh đa cua. Cách chế biến bánh đa đỏ mỗi nơi có một bí quyết riêng. Nhưng Dư Hàng Kênh được cho là vùng làm bánh đa đỏ nổi tiếng nhất của Hải Phòng. Ngoài hai nguyên liệu chính trên đây thì còn có một số nguyên liệu, gia vị dùng để nấu nước riêu cua: xương ống lợn, tôm nõn, me, bột nêm, muối, dầu ăn, mắm tôm, tỏi khô, hành khô, cà chua, hành phi, nấm hương. Cùng với đó là một số loại rau nhúng, chần tái cho vào bát (rau rút, rau cần, rau muống). Gia vị ăn kèm thì có mắm tôm, ớt chưng, ớt ngâm dấm, chanh, quất. Nhiều thực khách còn ăn kèm cả với chả lá lốt, trứng, thịt, chân giò…
Về cách chế biến nấu món bánh đa cua. Trước tiên là phần nước dùng, có thể dùng nước xương heo nấu chung với cua cho thêm phần đậm đà. Cua đồng phải chọn loại cua béo, phần yếm đầy đặn. Sau khi rửa sạch sẽ, Cua được tách ra để riêng, phần thân cua giã nhuyễn rồi lọc lấy nước. Khi gạn nước đã cạn, phần nước cua đem lọc qua rây hoặc vải mịn để lấy nước. Tiếp tục lọc cho tới khi hết phần thịt cua thì đem bỏ phần xác cua đó. Đem nồi nước cua đã lọc đặt trên bếp đun nhỏ lửa, khuấy đều tay để thịt cua không bị dính vào đáy nồi. Tiếp tục khuấy cho tới khi nước gần sôi thì ngừng khuấy, phần thịt cua sẽ đông lại thành từng mảng và nổi lên trên. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Phần gạch cua đem xào lên sau đó cho vào nồi nước dùng càng tăng thêm hương sắc và mùi vị.
Tiếp đến là chế biến bánh đa cua, phải lựa chọn sợi bánh đa nâu sẫm - loại bánh được làm khá công phu. Sợi bánh đa được dùng phải là bánh đa tươi, làm ngày nào phải ăn hết ngày đấy. Chính vì vậy mà khi ăn bánh đa sẽ cảm nhận được độ mềm và dai. Một bát bánh đa cua ngon phải hội tụ đủ năm màu sắc. Màu hồng nâu của gạch cua. Màu bánh đa nâu sậm. Màu xanh mướt của rau muống, rau nhút, rau cần và của miếng chả lá lốt. Màu vàng của những tép hành khô giòn rụm. Màu đỏ của cà chua, của ớt. Tất cả màu sắc hòa chung vào một tô bánh đa cua có hương vị thơm ngon, béo ngậy chắc chắn thực khách sẽ không thể không dừng chân ngồi lại thưởng thức. Bánh đa sau khi chần sơ bỏ vào trong tô, rồi bày các loại rau, thịt cua, chả lá lốt sao cho đẹp mắt. Cuối cùng là chan nước dùng thật nóng lên. Vậy là đã có một bát bánh đa cua nóng hổi, hấp dẫn.
Món bánh đa cua thường được ăn nhiều trong mùa hè - khi thời tiết nóng bức. Bởi màu xanh mát của các loại rau, và mùi vị béo ngậy của cua đồng. Đã từ lâu, thành phố cảng Hải Phòng đã nổi tiếng với món ăn này. Bất kỳ ai khi đặt chân đến đây cũng đều muốn thưởng thức một bát bánh đa cua mới thỏa lòng mong đợi. Khi thưởng thức bát bánh đa cua đồng, thực khách sẽ cảm nhận được vị thanh của nước dùng, vị béo của chả lá lốt, chả cá và độ ngậy của cua đồng.
Nếu có dịp ghé thăm Hải Phòng, bạn đừng ngần ngại mà hãy thử ngay một bát bánh đa cua. Tin chắc rằng, chỉ cần ăn một lần là sẽ nhớ mãi hương vị đậm đà đặc trưng của món ăn của người miền biển.
Thuyết minh về cách làm món bánh đa cua Hải Phòng
Ở Hà Nội có một món ăn dân dã là bún ốc nguội thì ở thành phố hoa phượng đỏ cũng có một món ăn đặc sản đã gắn bó với người dân từ lâu. Đó là bánh đa cua. Món ăn này được ví von như một thứ quà ngon của người dân Hải Phòng, bởi lúc sáng hay trưa, chiều tối, người ta vẫn có thể thưởng thức món ăn này thay cơm.
Nhìn vào một tô bánh đa cua, người sành ăn có thể đoán ra nguyên liệu làm nên món ăn này không có gì là cao sang, đắt đỏ mà chỉ là những sản phẩm của đồng ruộng như cua đồng, rau muống, rau nhút… Nhưng với sự tỉ mỉ, khéo léo, những nguyên liệu tưởng như quê mùa ấy lại làm nên một món ăn đậm đà tình quê
Trước tiên là nước dùng, có thể dùng nước xương heo nấu chung với cua cho thêm phần đậm đà. Cua đồng phải chọn loại cua béo, phần yếm đầy đặn. Sau khi rửa sạch, thịt cua sẽ được tách ra để riêng, phần thân cua giã nhuyễn rồi lọc lấy nước. Khi gạn nước đã cạn, phần nước cua đem lọc qua rây hoặc vải mịn để lấy nước. Tiếp tục lọc cho tới khi hết phần thịt cua thì đem bỏ phần xác cua đó. Đem nồi nước cua đã lọc đặt trên bếp đun nhỏ lửa, khuấy đều tay để thịt cua không bị dính vào đáy nồi. Tiếp tục khuấy cho tới khi nước gần sôi thì ngừng khuấy, phần thịt cua sẽ đông lại thành từng mảng và nổi lên trên. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Phần gạch cua đem xào lên sau đó cho vào nồi nước dùng càng tăng thêm hương sắc và mùi vị.
Bánh đa cua là món ăn đặc sản của thành phố cảng không chỉ bởi nước dùng ngon mà còn đặc biệt ở sợi bánh đa nâu sậm - loại bánh được làm khá công phu. Sợi bánh không phải để khô lúc nào dùng cũng được mà phải là bánh đa tươi, làm ngày nào phải ăn hết ngày đấy. Vì thế sợi bánh đa có độ mềm và dai ăn rất ngon. Làng Dư, Hàng Kênh được xem là vùng làm bánh đa chính ở Hải Phòng. Bao năm kinh nghiệm từ khâu ngâm gạo, chế nước khi xay, pha bột và điều chỉnh lò lửa khi tráng bánh,... đều được chú ý kỹ càng để có thể làm ra những sợi bánh vừa ngon vừa dòn, vừa dai vừa quánh mà không bị cứng.
Một bát bánh đa cua ngon phải hội tụ đủ 5 màu sắc: màu hồng nâu của gạch cua, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của rau muống, rau nhút, rau cần và của miếng chả lá lốt, màu vàng của những tép hành khô giòn rụm, màu đỏ của cà chua, của ớt. Tất cả hoà chung vào một tô bánh đa cua có hương vị thơm ngon, béo ngậy chắc chắn thực khách sẽ không thể không dừng chân ngồi lại thưởng thức. Bánh đa chần sơ bỏ vào trong tô, bày các loại rau, thịt cua, chả lá lốt sao cho đẹp mắt, sau đó chan nước dùng thật nóng là nước xương và nước cua đã gạt hết bọt, mọi người sẽ bị quyến rũ bởi mùi vị của nó.
Ở Hải Phòng, món bánh đa cua kéo người sành ăn trong thời tiết oi bức của mùa hè bởi màu xanh mát rượi của rau muống xanh giòn, vào mùa đông lạnh là vị ấm áp của cua đồng béo ngậy. Thế mới biết không phải món nào đắt tiền mới ngon, mà cái ngon của món ăn thường là thứ quà quê, vì thế nó mới đủ sức lôi kéo khách phương xa mỗi khi đến thăm vùng đất cảng. Bánh đa cua - một thứ bánh mộc mạc, bình dị cũng giống như phẩm chất của người dân nơi đây đã góp phần làm nên nét đẹp quê hương xứ sở.