Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT Quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học
Ngày 15/03/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT Quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2017. Theo đó, hồ sơ đăng ký liên kết đào tạo theo Thông tư 07 năm 2017 của Bộ Giáo dục gồm:
- Tờ trình về việc mở lớp liên kết đào tạo của cơ sở chủ trì liên kết đào tạo.
- Văn bản đề nghị liên kết đào tạo đại học vừa làm vừa học của cơ quan có thẩm quyền.
- Danh sách giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất.
- Minh chứng khác chứng minh việc đáp ứng được các điều kiện.
Cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo đại học tại chức làm và gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ cho phép hoặc ra văn bản từ chối
Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT - Quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2017/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2017 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ LIÊN KẾT ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
Căn cứ Luật giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2017 và thay thế các nội dung về liên kết đào tạo trình độ đại học tại Quyết định số 42/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ LIÊN KẾT ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 07 /2017/TT-BGDĐT ngày 15/3/2017
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về hoạt động liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học (sau đây gọi là liên kết đào tạo) bao gồm: điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định thực hiện liên kết đào tạo; quyền hạn và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo; chế độ báo cáo, quản lý hoạt động liên kết đào tạo, chế độ lưu trữ; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
2. Quy định này áp dụng đối với:
a) Đại học, học viện, trường đại học, kể cả các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học);
b) Trường cao đẳng, trường trung cấp (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp);
c) Trường của cơ quan nhà nước; trường của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trường của lực lượng vũ trang nhân dân; trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.
3. Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài;
b) Liên kết đào tạo theo hình thức đào tạo từ xa.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này các từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo là các cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm tổ chức quá trình đào tạo, bao gồm: tuyển sinh; tổ chức đào tạo; đánh giá kết quả học tập, rèn luyện; công nhận kết quả học tập, rèn luyện và cấp bằng tốt nghiệp.
2. Cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo là cơ sở giáo dục đại học trực tiếp tham gia liên kết đào tạo với vai trò phối hợp với cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo trong quản lý, giảng dạy một số học phần của chương trình đào tạo và đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
3. Cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo là cơ sở giáo dục trực tiếp tham gia phối hợp với cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo trong việc quản lý và đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
4. Liên kết đào tạo là sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo với cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo hoặc cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học.
Điều 3. Mục đích, hình thức của liên kết đào tạo
1. Liên kết đào tạo nhằm thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội; huy động tiềm năng của các cơ sở giáo dục đại học và các nguồn lực khác để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vùng miền.
2. Liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức sau:
a) Liên kết phối hợp đào tạo: Cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo tham gia giảng dạy một phần chương trình đào tạo, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.
b) Liên kết đặt lớp đào tạo: Cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.
Điều 4. Đối tượng tham gia liên kết đào tạo
1. Cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo, cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo là cơ sở giáo dục đại học;
2. Cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo gồm: cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trường của cơ quan nhà nước; trường của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trường của lực lượng vũ trang nhân dân; trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.
Điều 5. Địa điểm đặt lớp
Các lớp liên kết đào tạo phải đặt tại cơ sở chính của cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo, hoặc cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo (trường hợp cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo không đáp ứng được yêu cầu về thực hành, thí nghiệm theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 10 của Quy định này).
Chương II
ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ VÀ THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH THỰC HIỆN LIÊN KẾT ĐÀO TẠO
Điều 6. Điều kiện thực hiện liên kết đào tạo
1. Điều kiện chung:
a) Ngành đào tạo dự kiến liên kết phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương;
b) Các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực của địa phương đối với ngành đào tạo dự kiến liên kết.
2. Đối với cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo:
a) Có văn bản đề nghị thực hiện liên kết đào tạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh), trong đó nêu rõ ngành đề nghị liên kết đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, trình độ đào tạo; hoặc có văn bản đề nghị thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong đó nêu rõ các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo theo quy định tại khoản 3, Điều này đối với việc liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục trực thuộc;
b) Đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học và đã tuyển sinh tối thiểu 02 khoá đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo;
c) Đã công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm sau 12 tháng đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo của khoá tốt nghiệp gần nhất;
d) Đối với hình thức liên kết phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo;
Đối với hình thức liên kết đặt lớp đào tạo, cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy 100% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo;
đ) Chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các chương trình liên kết đào tạo nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học hằng năm của cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo;
e) Không vi phạm các quy định hiện hành về xác định chỉ tiêu, tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo và các quy định khác có liên quan đến hoạt động đào tạo trong thời hạn 03 năm tính đến ngày thực hiện liên kết đào tạo;
g) Đã thực hiện thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo.
3. Đối với cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo và cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo:
a) Đảm bảo các yêu cầu về môi trường sư phạm để thực hiện hoạt động đào tạo, an toàn cho người học, người dạy;
b) Có bộ phận chuyên trách quản lý đào tạo, nhân viên thư viện, nhân viên hướng dẫn thực hành; có quy định cụ thể về quản lý hoạt động giảng dạy, học tập;
c) Có thư viện, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; có phòng nghỉ giữa giờ cho giảng viên và phòng sinh hoạt chung cho sinh viên;
d) Có diện tích sàn xây dựng tối thiểu 2m2/sinh viên trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo;
đ) Cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo chỉ được tham gia giảng dạy tối đa 30% nội dung chương trình đào tạo nếu cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo có yêu cầu, đồng thời phải bố trí cho giảng viên tham gia giảng dạy sinh hoạt chuyên môn với cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.