Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT Hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã

Để có thể hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã, thì mới đây vào ngày 19/02/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT.

Hiệu lực của văn bản pháp luật này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/04/2020. Sau đây, sẽ là nội dung của thông tư này, xin mời tất cả các bạn cùng tham khảo nội dung của thông tư.

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2020/TT-BKHĐT

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2020

THÔNG TƯ 01/2020/TT-BKHĐT

HƯỚNG DẪN PHÂN LOẠI VÀ ĐÁNH GIÁ HỢP TÁC XÃ

Căn cứ Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã và Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về phân loại và đánh giá hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã) hoạt động trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các hợp tác xã tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 20/11/2012.

b) Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động, chấm dứt hoạt động của hợp tác xã.

c) Riêng đối với Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng hợp tác xã, việc đánh giá thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 2. Nguyên tắc phân loại và đánh giá hợp tác xã

1. Thể hiện đúng bản chất của hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã;

2. Phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh; Phản ánh đúng hoạt động chính của hợp tác xã đang hoạt động;

3. Tiêu chí cụ thể, rõ ràng.

Chương 2.

PHÂN LOẠI HỢP TÁC XÃ

Điều 3. Phân loại hợp tác xã theo sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thành viên

Căn cứ theo sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên, hợp tác xã được phân loại thành:

1. Hợp tác xã phục vụ sản xuất là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đầu ra cho thành viên nhằm phục vụ hoạt động kinh tế của thành viên. Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.

2. Hợp tác xã phục vụ tiêu dùng là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành viên. Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.

3. Hợp tác xã tạo việc làm là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu tạo việc làm cho thành viên. Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là người lao động trong hợp tác xã.

4. Hợp tác xã hỗn hợp là hợp tác xã hoạt động nhằm từ hai mục tiêu nêu trên trở lên.

Điều 4. Phân loại hợp tác xã theo quy mô thành viên

Căn cứ theo số lượng thành viên, hợp tác xã được phân loại thành:

1. Hợp tác xã quy mô thành viên siêu nhỏ là hợp tác xã có dưới 50 thành viên;

2. Hợp tác xã quy mô thành viên nhỏ là hợp tác xã có từ 50 đến 300 thành viên;

3. Hợp tác xã quy mô thành viên vừa là hợp tác xã có từ trên 300 đến 1.000 thành viên;

4. Hợp tác xã quy mô thành viên lớn là hợp tác xã có từ trên 1.000 thành viên trở lên;

Điều 5. Phân loại hợp tác xã theo quy mô tổng nguồn vốn

Căn cứ theo tổng nguồn vốn, hợp tác xã được phân loại thành:

1. Hợp tác xã quy mô vốn siêu nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn dưới 1 tỷ đồng;

2. Hợp tác xã quy mô vốn nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng;

3. Hợp tác xã quy mô vốn vừa là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng;

4. Hợp tác xã quy mô vốn lớn là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên.

Điều 6. Phân loại hợp tác xã theo ngành nghề

Căn cứ theo ngành, nghề đăng ký kinh doanh, hợp tác xã được phân loại theo các nhóm ngành kinh tế cấp 1 quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Chương 3.

ĐÁNH GIÁ HỢP TÁC XÃ

Điều 7. Tiêu chí đánh giá hợp tác xã

Hợp tác xã được đánh giá dựa trên 15 tiêu chí, với tổng điểm tối đa là 100 điểm và được chia thành 3 nhóm:

1. Nhóm tiêu chí về tài chính, tối đa 30 điểm, gồm 4 tiêu chí:

a) Tiêu chí 1: Vốn của hợp tác xã;

b) Tiêu chí 2: Tài sản của hợp tác xã;

c) Tiêu chí 3: Kết quả sản xuất kinh doanh trong năm của hợp tác xã;

d) Tiêu chí 4: Trích lập các Quỹ của hợp tác xã.

2. Nhóm tiêu chí về quản trị, điều hành và năng lực của hợp tác xã, tối đa 30 điểm, gồm 5 tiêu chí:

a) Tiêu chí 5: Chấp hành pháp luật trong tổ chức, hoạt động của hợp tác xã;

b) Tiêu chí 6: Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại;

c) Tiêu chí 7: Trình độ cán bộ quản lý, điều hành;

d) Tiêu chí 8: Chế độ, chính sách cho thành viên và người lao động;

đ) Tiêu chí 9: Mức độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị.

3. Nhóm tiêu chí về thành viên, lợi ích thành viên và cộng đồng, tối đa 40 điểm, gồm 6 tiêu chí:

a) Tiêu chí 10: Mức độ tham gia của thành viên đối với hợp tác xã;

b) Tiêu chí 11: Lợi ích thành viên;

c) Tiêu chí 12: Sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên;

d) Tiêu chí 13: Công tác thông tin, truyền thông, đào tạo bồi dưỡng;

đ) Tiêu chí 14: Mức độ ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng;

e) Tiêu chí 15: Hợp tác xã được khen thưởng trong năm.

Điều 8. Cách thức đánh giá và xếp loại hợp tác xã

1. Hàng năm, Hội đồng quản trị hợp tác xã tổ chức tự đánh giá và cho điểm hợp tác xã mình theo các tiêu chí quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này. Ban Kiểm soát (hoặc kiểm soát viên) kiểm tra kết quả việc tự đánh giá theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục 2.

2. Căn cứ trên kết quả tự đánh giá đã được Hội đồng quản trị và ban kiểm soát (kiểm soát viên) thống nhất, hợp tác xã được xếp loại như sau:

a) Tốt: Tổng điểm đánh giá đạt từ 80 điểm đến 100 điểm;

b) Khá: Tổng điểm đánh giá đạt từ 65 điểm đến dưới 80 điểm;

c) Trung bình: Tổng điểm đánh giá đạt từ 50 điểm đến dưới 65 điểm;

d) Yếu: Tổng điểm đánh giá đạt dưới 50 điểm;

3. Trường hợp hợp tác xã mới thành lập và hoạt động chưa đủ 12 tháng hoặc hợp tác xã ngừng hoạt động từ trên 3 tháng trong năm thì không tiến hành đánh giá và xếp loại.

Điều 9. Chế độ báo cáo

1. Chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 hàng năm, hợp tác xã nộp bảng tự chấm điểm đến cơ quan đăng ký hợp tác xã theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo Báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã theo mẫu tại Phụ lục I-19 Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã.

2. Chậm nhất vào ngày 18 tháng 12 hàng năm, cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp huyện tổng hợp, báo cáo kết quả phân loại, đánh giá hợp tác xã của năm trên địa bàn huyện gửi cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp tỉnh.

3. Chậm nhất vào ngày 21 tháng 12 hàng năm, cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả phân loại, đánh giá hợp tác xã của năm trên địa bàn tỉnh gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp tỉnh, cấp huyện tổng hợp, gửi các cơ quan có liên quan cùng cấp.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2020.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ các quy định tại Thông tư này, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân có liên quan tiến hành đánh giá và phân loại hợp tác xã phù hợp với nhu cầu của mình.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lãnh đạo Bộ;
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, HTX (5).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Chí Dũng

.............

Mời các bạn tải file dưới đây để tham khảo thêm nội dung của thông tư này!

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm