Văn mẫu lớp 11: Phân tích diễn biến tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn người yêu về nhà chồng Những bài văn hay lớp 11

Văn mẫu lớp 11: Phân tích diễn biến tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn người yêu về nhà chồng trong Lời tiễn dặn gồm gợi ý cách viết kèm theo bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 11 có thêm nhiều nguồn tư liệu tham khảo củng cố kiến thức rèn kỹ năng viết văn ngày một tốt hơn.

Tâm trạng của chàng trai trong đoạn trích Lời tiễn dặn là tâm trạng đau đớn, day dứt, xót xa. Đưa tiễn người yêu về nhà chồng, chàng trai vô cùng đau khổ, xót xa bởi chàng vẫn dành rất nhiều tình cảm cho cô gái. Qua đó chúng ta thấy được tình yêu cao cả đến nhường nào của anh đối với cô gái, bỏ qua tất cả để đến với chị bằng tấm lòng chân thành, thật đáng ngợi ca. Vậy sau đây là bài văn mẫu phân tích tâm trạng của chàng trai khi đưa tiễn người yêu mời các bạn đón đọc. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích Lời tiễn dặn.

Dàn ý tâm trạng của chàng trai trong đoạn trích Lời tiễn dặn

I. Mở bài

Giới thiệu về tác giả và nội dung cần phân tích

II. Thân bài 

1. Tâm trạng, tình cảm của chàng trai khi tiễn đưa người yêu về nhà chồng.

Tình cảm tha thiết, quyến luyến, tình yêu sâu sắc của chàng trai:

  • Qua hành động chăm sóc ân cần, thiết tha.
  • Qua suy nghĩ, cảm xúc mãnh liệt: Muốn tiễn người yêu đến tận nhà chồng, tiếc nuối tình yêu quá ngắn ngủi.
  • Nhận thức được hoàn cảnh thực tại không thể gắn bó:
  • Tiễn người yêu nhưng trong lòng anh vẫn luôn luôn suy nghĩ: anh mới đành lòng quay lại mới chịu quay đi.
  • Tâm trạng của chàng trai rối bời, đầy mâu thuẫn khi phải từ biệt người yêu, tiễn cô về nhà chồng.

2. Lời tiễn dặn của chàng trai trong phần (1)

  • Lời dặn dò ở phần ( 1) cũng là lời hẹn ước của chàng trai.
  • Thời gian chờ đợi được tính bằng mùa vụ: đợi tới tháng năm lau nở, đợi mùa nước đổ cá về, đợi chim tăng ló gọi hè, ...
  • Thời gian chờ đợi được tính bằng ca đời người: không lấy nhau mùa hạ, đợi lấy nhau mùa đông, không lấy nhau thời trẻ đợi lấy nhau khi góa bụa về già.
  • Chàng trai đã ước hẹn chờ đợi cô gái trong mọi thời gian, mọi tình huống. Bước đi của thời gian được diễn tả bằng những hình ảnh quen thuộc, bình thường, thuần phác của cuộc sống người dân tộc: tháng lau nở, nước đổ cá về, chim tăng ló gọi hè... Tất cả đã phần nào phác họa tình cảm chân thực, bền chặt của chàng trai dân tộc Thái.
  • Tuy nhiên, đợi có nghĩa la chấp nhận thực tại không thể gần gũi, gắn bó, nghĩa là chỉ còn hi vọng ở tương lai. Lời dặn đó thể hiện tình nghĩa thủy chung, tình yêu sâu sắc, vĩnh cửu của chàng trai, đồng thời cũng thể hiện thái độ bất lực, đành chấp nhận cuộc hôn nhân do cha mẹ hai bên định đoạt.

3. Lời tiễn dặn của chàng trai trong phần (2).

  • Nếu lời tiễn dặn ở phần (1) nổi bật một chữ đợi thì lời dặn dò ở phần (2) nổi bật chữ cùng với mong muốn thoát khỏi tập tục để gắn bó nhau: đôi ta cùng gỡ, ta vuốt lại quay guồng ta trôi nổi ao chùng, chùng một mái, song song, ta thương nhau, ta yêu nhau...
  • Sự khác nhau của hai thái độ đó bắt nguồn từ khi chàng trai chứng kiến cảnh người yêu bị hành hạ. Anh cảm thông, săn sóc cô bằng lời lẽ và hành động chia sẻ hết mực yêu thương: dậy di em, đầu bù anh chải, tóc rối anh búi, làm ống thuốc em uống khỏi đau... Trong lời nói đó còn ẩn chứa nỗi xót xa, đau đớn dường như hơn cả nỗi đau mà cô gái phải chịu. Yếu tố tự sự đã kết hợp chặt chẽ với yếu tố trữ tình, lời gọi chứa đầy cảm xúc khiến câu chuyện có sức biểu cảm lớn.
  • Cùng với tình cảm xót thương, anh muốn phá tung sợi dây trói buộc của tập tục Thái, là cùng người yêu sống chết bên nhau.
  • Từ hai lời tiễn dặn ở hai hoàn cảnh khác nhau nhưng cả hai phần đều thể hiện tình yêu sâu sắt thủy chung và quyết tâm vượt mọi trở ngại để gắn bó.

III. Kết bài.

Khẳng định lại giá trị nội dung của tác phẩm

Phân tích tâm trạng chàng trai khi đưa tiễn người yêu

Đoạn trích “Lời tiễn dặn” được trích trong “Tiễn dặn người yêu” một truyện thơ nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái. Đoạn trích đã miêu tả rất rõ những diễn biến tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn cô gái về nhà chồng. Đoạn trích hoàn toàn là lời của chàng trai, thể hiện tâm trạng đau đớn khi tình yêu bị chia lìa, phải tiễn người yêu về nhà chồng.

Phải tiễn người yêu về nhà chồng là việc mà chẳng ai trong những người yêu nhau muốn làm cũng chẳng ai ngờ lại có hoàn cảnh bi đát ấy xảy ra. Khi ấy, lòng chàng trai vô cùng đau xót thế nhưng trên đường đi anh vẫn gọi chị là “người đẹp anh yêu”. Tiếng gọi đó như một lời khẳng định chắc chắn rằng tình yêu của anh chị vẫn nguyên vẹn, tròn đầy và thắm thiết trong lòng anh. Nhưng đã có lúc tình cảm của anh bị đặt vào những mâu thuẫn với hiện thực khách quan rằng chị đã đi lấy chồng và đang trên đường về nhà chồng, anh biết rõ hiện thực đó thậm chí biết rằng chị đã có con với chồng.

Trong giây phút tiễn đưa này, anh đã cố gắng giành giật thời gian để có những hành động cử chỉ thân mật, thể hiện tình cảm tuyệt vời trước người con gái mình yêu, anh cũng như chị, hai người đều như muốn níu kéo thời gian dài ra để có thêm những phút giây ngắn ngủi được gần bên nhau. Chàng trai đòi hỏi với mong muốn tha thiết phải được dặn chị đôi lời mới chịu quay gót:

“Được nhủ đôi câu, anh mới đành lòng quay lại,
Được dặn đôi lời, anh yêu của em mới chịu quay đi”

Anh phải dặn dù chẳng được nói chuyện nhiều như lúc xưa kia nhưng trong lòng anh vẫn biết rằng chị là người hiểu anh, tin tưởng và chung thủy với anh, luôn hướng về nhau tuyệt đối như ngày nào. Vì thế mà chỉ cần dặn được đôi câu anh cũng yên lòng quay gót đi. Tác giả dân gian đưa vào trong truyện thơ những ngôn ngữ xưng hô sao mà ngọt ngào đến vậy, có lẽ đó là những lời dân ca được đưa vào những lời tiễn dặn. Mở đầu là câu “người đẹp anh yêu” đến lúc được gặp chị là một câu “anh yêu của em” khẳng định tình yêu trong anh vẫn luôn nồng nàn, thắm thiết. Trong cách miêu tả diễn biến tâm trạng của chàng trai, những phong tục của người Thái đã được lồng ghép vào và vang lên đầy tính tình cảm. Trong hoàn cảnh chia lìa ấy, nổi lên là những suy nghĩ sâu xa cho tương lai đôi bạn trẻ, đến một ngày viễn cảnh đầy u ám ấy xảy ra – đó là ngày mà một trong hai người chết đi:

“Xin cho anh kề vóc mảnh
Quấn quanh vai ủ lấy hương người,
Cho mai sau lửa xác đượm hơi,
Một lát bên em thay lời tiễn dặn!”

Dù anh biết rằng hoàn cảnh hiện tại không dễ gì chấp nhận, không cho phép anh thân mật táo bạo với chị, nhưng anh vẫn bất chấp, nhất mực luôn muốn “kề vóc mảnh”. Hình ảnh đó gợi ra sự mảnh mai nhưng đầy kiêu sa và tuyệt đẹp của người con gái Thái. Chàng trai muốn tìm về sự thủy chung đâu có gì là sai, anh suy nghĩ rằng không lấy được nhau, nghĩa là sẽ không có ai nữa để thân yêu suốt cả cuộc đời. Chính lúc này mà có được hơi hương da thịt của người yêu thì khi chết xác sẽ cháy đượm, vong hồn sẽ được siêu thoát và sẽ không còn là kẻ cô đơn. Tình cảm ấy của người con trai thật cao cả, đáng quý, anh không chỉ yêu chị mà còn dành cả tình yêu cho đứa con riêng của chị. Bởi chị rơi vào cảnh éo le, ép buộc nên anh vẫn luôn bao dung, trân trọng cô, anh nựng đứa con của chị như chính con ruột của mình. Tuy nhiên dù thế nào vẫn không tránh khỏi sự đau lòng, ai oán khi yêu mà không được cùng nhau đi tới cuối đời. Vì vậy mà anh đã thốt ra những lời thề nguyện chan chứa tình cảm, đầy ý chí quyết tâm sẽ về với nhau của hai người:

“Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng năm lau nở…
Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”.

Có thể nói, đoạn trích với những ý thơ dạt dào cảm xúc đã diễn tả được những diễn biến tâm trạng của chàng trai khi tiễn dặn người yêu về nhà chồng. Những lời dặn dò của anh chứa chan sự chân thành, thủy chung và thắm thiết, ý chí quyết tâm tạo dựng hạnh phúc của hai người sẽ không có gì ngăn cản được.

Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Xem thêm
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm