Tập làm văn lớp 5: Tả bà cụ bán hàng Dàn ý & 5 bài văn tả người lớp 5 siêu hay
Tả bà cụ bán hàng tuyển chọn 5 bài văn hay nhất, giúp các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều thông tin bổ ích, để viết bài văn tả người đạt điểm 9, điểm 10 trong tiết kiểm tra viết sắp tới.
Để bài văn Tả bà cụ bán hàng, tả bà cụ bán hàng nước thật hay, các em nên tập trung tả ngoại hình, tính cách, phẩm chất và lồng ghép thêm những tình cảm dành cho bà. Mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Eballsviet.com để viết bài văn Tả một người ở địa phương em sinh sống thật hay.
Bài văn Tả bà cụ bán hàng siêu hay
Dàn ý Tả bà cụ bán hàng
1. Mở bài:
- Giới thiệu bà cụ bán hàng (bà Ba, bán xôi đầu hẻm).
2. Thân bài:
a. Tả ngoại hình:
- Vóc dáng: bà Ba đã sáu mươi tuổi, tóc bạc gần hết mái đầu, người bà nhỏ nhắn, hơi gầy nhưng nhanh nhẹn, khéo léo.
- Khuôn mặt: mặt bà thon, có nét phúc hậu: mắt hiền từ, cằm tròn đầy đặn. Da mặt bà đã có nhiều nếp nhăn. Mắt bà còn tinh tường. Miệng bà tươi, hay cười.
- Phục sức: bà thường mặc quần đen, áo bà ba màu nâu nhạt, áo lá có túi đựng tiền may bằng vải trắng bên trong áo bà ba.
b. Tả hoạt động:
- Mờ sáng bà Ba đẩy xe xôi đến đầu hẻm là đã có khách chờ mua. Bà nhanh nhẹn đơm xôi vào hộp, rắc muối vừng vào và đóng hộp lại, cho tất cả ﴾hộp và muỗng﴿ vào túi xốp. Bà bán hàng rất đông khách nên lúc nào cũng bận bịu, tay thoăn thoắt gói xôi, miệng tươi cười chào hỏi, tính tiền, trả tiền thừa lại cho khách. Xóm nhỏ có xe xôi của bà Ba đông vui hẳn lên.
- Tính tình của bà Ba: bà buôn bán xởi lởi, hoà nhã với mọi người, xôi bà nấu thơm ngon nên rất đắt khách.
- Chủ nhật bà Ba bán đắt khách nhất, em kiên nhẫn giúp bà đưa xôi cho khách rồi mới đến lượt mình.
3. Kết bài:
- Nêu tình cảm của em đối với bà Ba: quý mến, thích mua xôi của bà.
Tả bà cụ bán hàng lớp 5
Đầu ngõ nhà em có một bà cụ bán hàng nước. Từ khi em còn rất nhỏ, bà ấy đã bán nước ở đó rồi.
Năm nay bà cụ đã hơn 70 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Bà cao khoảng 1m6, nhưng vì lưng hơi cong nên lúc đứng dậy trông cao giống như chị của em. Bà ấy khá gầy, làn da ngăm nhăn nheo có đôi vết đồi mồi ở bàn tay, gò má. Khuôn mặt bà nhỏ, xếp chồng những nếp nhăn của năm tháng. Khi bà cười, đôi mắt nheo lại, khiến nếp nhăn xô vào nhau như vỏ cây quế sau vườn. Cái mũi bà khá thấp, hai má chảy xệ. Còn cái miệng nhỏ thì chỉ còn vài cái răng thôi, nhưng bà vẫn nhai trầu bỏm bẻm, ăn bánh chiều tốt lắm. Bà thường mặc những bộ đồ bà ba màu nâu, xanh khá cũ, nhưng rất sạch sẽ. Chân bà đi đôi giày vải nhìn không rõ thương hiệu. Khi ngồi, bà thường mở gót giày ra cho thoải mái. Đầu bà lúc nào cũng quấn một chiếc khăn với họa tiết sặc sỡ. Thỉnh thoảng khi vắng khách, bà mới mở ra để chải lại tóc, hoặc nhổ tóc sâu. Những lúc ấy, em mới nhìn thấy mái tóc dài đã bạc trắng gần hết, và chỉ còn một nắm nhỏ của bà. Em rất thích nhìn bà cụ khi đang làm việc. Bà thoăn thoắt rửa cốc, rót nước, lấy kẹo, thối tiền cho khách. Tay và miệng bà hoạt động liên tục như một con rối không biết mệt. Dù vậy, lúc nào bà cũng luôn mỉm cười vui vẻ. Vì có vị trí đầu ngõ, nên hay có người hỏi thăm bà. Lúc nào bà cũng chăm chú lắng nghe và trả lời chu đáo. Nhiều bạn nhỏ còn được bố mẹ gửi cho ngồi chơi với bà để đi công chuyện một lát, bà cũng gật đầu ngay.
Bà bán hàng nước đã gắn bó với kí ức tuổi thơ của em suốt bao năm tháng qua. Em mong bà sẽ luôn mạnh khỏe để tiếp tục trở thành kí ức đẹp cho tuổi thơ của bao bạn nhỏ khác.
Tả bà cụ bán hàng
Ở gốc đa đầu làng em có bà cụ Chinh, bà bán nước chè ở đó, nên mỗi khi đi về làng hình ảnh đầu tiên mà mọi người quê em nhìn thấy chính là hình ảnh thân quen của bà Chinh bên những ấm nước chè nóng hôi hổi. Bà bán nước chè ở đây rất lâu rồi nên những câu chuyện về làng, từ những giai thoại xa xưa đến những sự kiện trong làng gần đây bà đều nắm rõ, khi khách đến uống nước, bà thường kể những câu chuyện vui để làm quà, vì vậy mà em và những người bạn trong xóm lúc rảnh rỗi thường kéo nhau ra gốc đa đầu làng, bên quán nước của bà Chinh để lắng nghe những câu chuyện thú vị.
Bà Chinh năm nay đã tám mươi tuổi, ở cái tuổi xế chiều ấy bà vẫn tự mình kiếm sống, mưu sinh bên quán nước của mình. Bà Chinh có ba người con trai và hai người con gái, nhưng cả ba người con trai của bà đều bất hạnh hi sinh nơi chiến trường, hai người con gái thì đi lấy chồng xa xứ, không có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng bà lúc tuổi già. Bà Chinh sống một mình trong căn nhà nhỏ đơn sơ, bà lúc nào cũng nở nụ cười thật hiền hậu, nhưng em vẫn cảm nhận được sự cô đơn trong đôi mắt của bà.
Sau những tiếng cười, những câu chuyện mua vui cho khách uống nước, bà Chinh trở về trong ngôi nhà đầy cô đơn của mình, còn nỗi đau nào hơn khi người mẹ phải chứng kiến những đứa con của mình lần lượt hi sinh nơi chiến trường, thậm chí còn không nhận được hài cốt của con. Bởi thời điểm các anh hi sinh là vào giai đoạn dữ dội nhất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ ở miền Nam Việt Nam, sự hủy diệt của quân đội Mĩ khiến cho những người lính hi sinh mà nhiều người không tìm thấy xác, thật là đau đớn biết bao.
Nghe tin con mất, bà Chinh đau buồn nhưng bà không hề gục ngã, bà vẫn kiên cường sống, nỗi đau mất con bà chỉ chôn giấu trong lòng, tự mình trải qua nỗi đau mất mát quá lớn ấy, đối với những người xung quanh,bà luôn đón tiếp bằng nụ cười nên ít ai biết được nỗi đau cất giấu trong tâm hồn của người đàn bà kiên cường ấy. Lần đầu tiên em nhìn thấy giọt nước mắt của bà Chinh là ngày hai mươi bảy tháng bảy, ngày thương binh liệt sĩ, bà Chinh ngồi bên những ngôi mộ của các con, tay lau đi những vết bụi, đôi mắt hoe đỏ, có lẽ đây chính là lúc người mẹ kiên cường ấy khóc, trước tấm bia mộ của các con.
Sự kiên cường, mạnh mẽ của bà Chinh khiến cho em vô cùng cảm phục, là một người giàu tình cảm, một bà mẹ Việt Nam anh hùng tuyệt vời, vì độc lập của tổ quốc, mẹ động viên các con lên đường thực hiện trách nhiệm với tổ quốc, ở cái tuổi xế chiều bà vẫn sống vui vẻ, nghị lực sống của bà thật đáng trân trọng.
Tả bà cụ bán hàng nước
Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là mảnh đất thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Đối với em, quê hương có rất nhiều ý nghĩa. Em yêu cây đa đầu làng, yêu cánh đồng lúa rộng mênh mông, yêu dòng sông êm đềm...và yêu bà cụ bán hàng nước dưới gốc cây đa.
Em sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn, nơi có những cánh diều tung bay, những cánh đồng xanh mãi tận chân trời, những cánh cò nghiêng nghiêng chao lượn. Trong kí ức tuổi thơ yên bình ấy, bà cụ bán hàng nước ghi lại dấu ấn vô cùng sâu đậm. Mọi người trong làng gọi bà là bà Tư. Bà Tư đã bước sang tuổi bảy mươi – độ tuổi xế chiều. Dấu vết của thời gian đã in sâu lên cái lưng còng của bà. Khuôn mặt già nua với những nếp nhăn và chấm đồi mồi nhưng lại hồng hào, phúc hậu như những bà tiên trong truyện cổ tích. Vết chân chim tràn đầy nơi khóe mắt đã minh chứng cho quãng đời vất vả nhọc nhằn mà bà trải qua. Thế nhưng, ánh mắt hấp háy của bà lại tinh tường lắm, dường như có thể nhìn thấu mọi chuyện trên đời. Mái tóc bà đã bạc trắng như cước, vấn gọn gàng xung quanh đầu rồi vòng ra bên ngoài chiếc khăn mỏ quạ màu đen. Miệng bà lúc nào cũng móm mém nhai trầu. Đôi bàn tay bà nhăn nheo và chai sạn, những đường gân chằng chịt nổi rõ lên.
Bà Tư là người hiền lành, tốt bụng. Chiến tranh ác liệt đã cướp đi người chồng và ba người con trai yêu quý của bà. Rời khỏi cuộc chiến, bà trở về quê hương, được nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ai nghe đến nỗi bất hạnh cuộc đời bà cũng ngậm ngùi xót xa, chỉ riêng bà luôn bình tĩnh và nở nụ cười hiền hậu. Quán nước bà dựng dưới gốc cây đa, đã hơn hai mươi năm qua đi. Ngày ngày, khi ánh bình minh dần buông xuống khắp làng quê, bà lọ mọ chuẩn bị nước, bánh trái rồi gánh chiếc đòn gánh trên vai. Thân hình gầy gò của bà đổ ngả theo ánh nắng, tiến về phía mái rơm dưới gốc cây đa. Cả ngày dài, bà cứ lặng lẽ ngồi đó, mọi người đi qua chào hỏi, bà sẽ ân cần đáp lại. Giọng bà không rõ ràng, rành mạch như ngày còn trẻ nhưng ấm áp và thân thiết lạ thường. Lũ trẻ trong xóm chúng em ai cũng yêu quý và hay quấn quýt lấy bà.
Tuổi già cô đơn, bà coi mọi người như những người thân thiết trong gia đình, đối xử rất tử tế. Bà sẵn sàng mời khách cốc nước chè thanh thanh, ngọt ngọt để xua tan mệt mỏi, nhọc nhằn. Những chiếc bánh bà tự tay gói thường trao tay những đứa trẻ con để dỗ chúng nín khóc. Bà âm thầm, lặng lẽ trở thành một phần của mái đình, cây đa, trở thành một phần không thể thiếu của vùng quê yên bình này. Khách thập phương dừng chân nơi đây đã coi bà là biểu tượng cho nơi họ vô tình đi qua. Những người con xa quê hương mỗi khi nhớ về quê nhà cũng luôn bồi hồi nhớ đến hình ảnh bà cụ hiền hậu thường ngồi trong ánh chiều tà của quán nước đầu làng ngày xưa.
Hình ảnh bà cụ lưng còng trong chiếc áo bà ba màu nâu như màu của đất và hương vị của trà của bánh bà Tư đã trở thành hình ảnh tươi đẹp trong kí ức tuổi thơ của bao thế hệ người trên quê hương em. Em rất yêu quý và thương bà. Từ trong sâu thẳm trái tim, em mong bà sẽ luôn hạnh phúc, mặc cho cuộc đời đã nhiều nỗi đau.
Tả bà cụ bán hàng tạp hóa
Ở gần nhà em có một cửa hàng tạp hóa, người bán hàng là một bà cụ đã ngoài sáu mươi tuổi, cụ chỉ sống có một mình, đơn côi. Những lúc nào cửa hàng ấy cũng ấm cúng vì khách đến mua hàng rất đông.
Bà cụ có dáng người nhỏ nhắn, tóc trên đầu đã bạc phơ. Khuôn mặt có những nếp nhăn hằn lên rất rõ. Mắt bà đã mờ nên phải đeo kính khi bán hàng. Mặc dù bà không còn nhanh nhẹn như trước nữa nhưng bước đi của bà chắc chắn, cẩn thận. Tính tình bà đôn hậu, vui vẻ với mọi người. Ai cần mua thứ gì, bà đều ân cần chiều theo ý khách. Có người đến chỉ mua một lon gạo hay một muỗng bột ngọt, bà không ngại mà phục vụ khách rất tận tình. Nhiều khi mẹ đi công tác xa, em cần mua một quyển vở hay một chiếc bút chì bà đều vui vẻ bảo em:
- Cháu cứ cầm về đi, thiếu gì sang bà mà lấy, khi nào mẹ về trả tiền bà cũng được.
Trong xóm có người còn mua chịu hàng của bà, bà không hề lấy làm khó chịu mà sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Mặc dù cửa hàng của bà chỉ là một hiệu tạp hóa nhỏ nhưng mọi người ở khu phố em đều đến đây để mua hàng cho bà, một phần là để giúp bà có kế sinh nhai, phần vì bà là người đôn hậu.
Em rất yêu quý và kính trọng bà, coi bà như bà ngoại của mình. Em mong bà khỏe mạnh, sống vui vẻ.
Tả bà cụ bán hàng nước chè
Tôi sinh ra ở một miền quê yêu dấu. Đã hai năm trôi qua không có gì thay đổi nhiều. Vẫn cây bàng đầu làng, vẫn dòng sông với con đò chở khách, vẫn nết nhà ngói đỏ đơn sơ và thanh bình. Ở đầu làng, vẫn bà cụ bán hàng nước chè dưới gốc bàng râm mát.
Cây bàng này là cây cao tuổi nhất làng tôi đấy. Bóng bàng rộng, rợp mát cả một vùng đất. Vào những ngày hè oi bức, mọi người đi đâu xa về lại rẽ vào quán nước dưới gốc bàng. Được nghỉ ở đây thì bao mệt mỏi tự nhiên tan biến. Và chỉ dưới gốc bàng này có một hàng nước của bà cụ làng tôi mà thôi. Bà bán hàng cũng từ lâu lắm rồi, nhưng được bao nhiêu năm thì tôi không biết.
Năm nay có lẽ bà đã hơn 70 tuổi. Sức nặng của thời gian thể hiện rõ nhất trên cái lưng còng của bà. Tóc bà đã bạc, bạc trắng như cước vậy. Mái tóc đó được vẩn xung quanh đầu rồi đội bên ngoài chiếc khăn mỏ quạ nhìn rất khéo. Khuôn mặt bà tuy đã nhiều nếp nhăn, đôi chỗ chai sạm nhưng hồng hào, phúc hậu như một bà tiên. Đôi mắt bà thỉnh thoảng hấp háy nhưng vẫn còn tinh tường. Đôi bàn tay nhăn nheo,chai sạm nổi rõ những đường gân chằng chịt. Bà cụ rất thích ăn trầu. Mỗi lần nhìn bà bỏm bẻm nhai trầu tôi lại nghĩ đến khi bà tôi còn sống. Nhìn dáng gầy guộc của bà tôi biết bà đã chịu vất vả cả cuộc đời.
Bà cụ là một người hiền từ, nhân hậu. Ai là khách đã từng ngồi quán thì cũng phải cảm động vì lòng tốt của bà. Mỗi khi khách đến bà lại đon đả rót nước. Nước uống của bà mát và thơm lắm. Những cốc nước chè tươi hay nước vối dường như dưới bàn tay của bà nó ngon đến lạ lùng, ai cũng tấm tắc khen. Có lẽ nó ngon còn bởi sự ân cần của bà cụ. Khác ngồi uống nước bà còn dùng quạt nan quạt cho mát rồi ân cần hỏi chuyện thật thân mật.
Có những lúc, người qua đường còn gọi bà bằng cái tên thật thân mật" Bà, mẹ, u…" bà vui lắm. Những lúc ấy bà cười xúc động nhưng nụ cười ấy sao mà thân thương quá bởi tôi nghe người trong làng kể bà từ nơi khác chuyển đến chứ không phải người làng nên không có người thân thích. Chiều chiều, mỗi khi đi học về là tôi lại rẽ vào quán bà ngồi chơi. Có khi khách đông tôi phụ bà rót nước nữa. Càng ở gần bà, tôi càng hiểu bà hơn. Cảm giác thân thương như bà tôi vậy.
Bao năm trôi qua hình ảnh bà cụ đã gắn liền với gốc bàng, với mùa hè. Hằng năm, mỗi khi thấy bà cụ dọn đồ ra quán là tôi biết mùa hạ đã đến rồi. Bà lại mang đến cho mọi người sự dịu mát và cả những tình cảm ấm nồng.