So sánh điểm tương đồng, khác biệt trong phong cách sáng tác Người lái đò Sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí lớp 12
So sánh điểm tương đồng, khác biệt trong phong cách sáng tác Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường) mang đến bài văn mẫu cực hay, đạt điểm cao.
So sánh phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Người lái đò Sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông giúp các bạn lớp 12 có thêm nhiều gợi ý tham khảo trau dồi kiến thức để biết cách viết bài văn so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí hay. Qua thấy được được điểm giống và khác nhau trong phong cách sáng tác của hai tác giả. Ngoài ra các bạn xem thêm so sánh nghệ thuật trần thuật của các tác giả qua Nhật kí Đặng Thùy Trâm và Một lít nước mắt.
So sánh phong cách sáng tác trong Người lái đò Sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông
Phương Lựu đã từng khẳng định: “Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc.” Có thể nói, độc đáo, mới lạ luôn là yêu cầu tiên quyết đối với một tác phẩm văn học chân chính. Nhà văn vì thế muốn tác phẩm của mình để lại dấu ấn lâu bền cần có một phong cách sáng tác độc đáo, với lối đi, giọng văn riêng biệt. Nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có chăng hiểu được yêu cầu ấy của văn chương mà tùy bút “Người lái đò Sông Đà” và bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đều in đậm cá tính của mỗi nhà văn? Cùng quan sát về dòng sông quê hương nhưng mỗi tác phẩm đều thể hiện cảm quan, ngòi bút, phong cách sáng tác riêng của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Có nơi đâu thiên nhiên hiện lên thấm đượm cái tình như trong văn chương, và liệu người ta còn có thể nhìn thấy dòng sông hiện lên đầy trữ tình mà độc đáo nếu nó không được viết nên từ ngòi bút của nhà văn? “Người lái đò sông Đà” là một tùy bút xuất sắc được in trong tập “Sông Đà” (1960), là kết quả của chuyến đi thực tế khi Nguyễn Tuân khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc, cụ thể là con sông Đà và người lái đò Sông Đà. Còn bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” được viết tại Huế vào năm 1981, in trong tập bút kí cùng tên và là khúc ca ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông Hương đi cùng dấu ấn của vùng đất văn hóa xứ sở.
Mỗi con sông trong tác phẩm đều mang những nét riêng không chỉ bởi vẻ đẹp vốn có của tự nhiên mà còn nhờ ngòi bút, phong cách độc đáo của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Phong cách sáng tác là cái nhìn, cách cảm nhận riêng biệt của nhà văn, được thể hiện một cách ổn định, xuyên suốt ở cách xây dựng hình tượng, ngôn ngữ,… trong nhiều tác phẩm để làm nên diện mạo độc đáo của nhà văn ấy. Nhắc đến Nguyễn Tuân sau Cách mạng là nhắc đến nhà văn với khát khao đi, trải nghiệm để khám phá cái Đẹp. Đặc biệt, đó là cái Đẹp của hiện thực, con người được nhìn dưới lăng kính của một cái tôi tài hoa – uyên bác – độc đáo. Phong cách ấy được thể hiện ở cách Nguyễn Tuân làm phong phú thêm ngôn ngữ dân tộc, khéo léo đưa những kiến thức của nhiều lĩnh vực vào trang văn. Còn đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta luôn thấy ở ông một ngòi bút đầy mê đắm, tài hoa khi khám phá đối tượng ở nhiều góc độ. Sức hấp dẫn ở bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường là kết quả của chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén kết hợp suy tư đa chiều được thể hiện ở lối hành văn hướng nội.
Có thể nói, sự uyên bác, chất trí tuệ khi sử dụng đa dạng những kiến thức của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chính là nét tương đồng giữa Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường trong hai tác phẩm. Đối với “Người lái đò sông Đà”, ta thấy trong từng trang văn là cái nhìn sông Đà của Nguyễn Tuân dưới góc độ địa lí, quân sự, điện ảnh, võ thuật. Góc nhìn điện ảnh được nhà văn thể hiện khi miêu tả sự hung bạo của quãng Tà Mường Vát với những hút nước nguy hiểm chết người khi Nguyễn Tuân miêu tả cảm giác chân thực, sự sợ hãi khi nghĩ đến hình ảnh anh quay phim “táo tợn muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả”, dũng cảm để cho cả thuyền cả mình và máy quay xuống đáy cái hút sông Đà. Từ đó, người đọc hình dung được sự mạnh mẽ, chiều sâu của cái hút nước khi “nhìn ngược lên vách thành” hay những thước phim màu đẹp đẽ, tinh khiết nhất khi hút nước trở thành một “áng thủy tinh khối đúc dày”, một “khối pha lê xanh”. Trong khoảnh khắc người quay phim ở trong lòng của cái hút nước, câu chữ của Nguyễn Tuân cũng khiến đôi mắt của người đọc được nhìn ngắm những khoảnh khắc dữ dội, đầy hồi hộp như “đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế”. Đó còn là góc nhìn võ thuật, quân sự khi Nguyễn Tuân miêu tả thác đá sông Đà bày binh bố trận với ba trùng vi. Chính sự vận dụng hiểu biết uyên bác về nhiều lĩnh vực mà những hòn đá trở thành đội quân hùng mạnh “mai phục”, “nhổm cả dậy”; sóng nước biết tung ra các đòn đánh như đánh giáp lá cà, đánh khuýp quật vô hồi,… để chống lại ông lái đò chỉ đơn phương độc mã. Nguyễn Tuân còn vận dụng những kiến thức về thể thao khi miêu tả sông Đà ở chặng thứ ba khi còn một cửa sinh ở ngay giữa bọn hậu vệ của con thác. Một trận đá bóng như hiện lên trước mắt người đọc khi miêu tả chiếc thuyền của người lái đò như một cầu thủ “phóng thẳng, chọc thủng cửa giữa” rồi cứ thế dùng những đường đi khéo léo để tiến về phía khung thành và đã hết thác.
Còn đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương là dòng sông của địa lí, lịch sử, văn hóa, thi ca. Trong lòng thành phố Huế, dòng Hương với đường cong uốn lượn khi đi từ ngoại ô Kim Long đến thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Sông Hương khi ấy giống như cô gái “tìm đúng đường về”, mang tâm trạng vui tươi khi đã vượt qua biết bao thử thách để về với thành phố thương yêu của nó. Hành trình đột ngột khi sông Hương kéo “một nét thẳng thực yên tâm” đến khi nó nhìn thấy chiếc cầu Trắng – biểu tượng của thành phố Huế chính là minh chứng cho chặng đường truân chuyên mà đầy kiên trì đến khi chờ đợi được hồi đáp tình cảm của sông Hương. Trên thủy trình của mình, sông Hương mang vẻ đẹp tình tứ, nhỏ nhẹ mà chảy với lưu tốc rất chậm như điệu slow tình cảm rồi tỏa những sợi dây tình cảm qua khắp thành phố. Còn dưới góc độ văn hóa – thi ca – nhạc họa, sông Hương chẳng khác nào người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Là dòng sông của âm nhạc, sông Hương chứng kiến sự sinh thành của toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế. Khung cảnh lãng mạn ở Huế là khi “tiếng nước rơi bán âm” chậm rãi vỗ vào mái chèo, hòa cùng với nhã nhạc cung đình để đưa người thưởng thức đến sự xao xuyến, mênh mang. Đặc biệt, sông Hương từ bao đời đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để những trang Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được ra đời; đã chứng kiến biết bao sự gặp gỡ với nhiều nhà văn để họ chắp bút nên trang văn. Dưới đôi mắt nhìn theo góc độ lịch sử, Hoàng Phủ Ngọc Tường dẫn dắt người đọc trở về dòng sông “biên thùy xa xôi” của vua Hùng và đi đến những cột mốc đặc biệt của quá khứ. Đó là cái nhìn tự hào, xót xa của nhà văn về những “chiến công rung chuyển” mà sông Hương đã chứng kiến, về những gì sông Hương và con người đã cùng nhau trải qua trong dặm dài thăng trầm của dân tộc.
Hơn thế, Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường còn gặp nhau giữa giao điểm của người nghệ sĩ với ngòi bút tài hoa, luôn cố gắng trạm chổ những hoa văn riêng biệt trên câu từ của mình với những hình ảnh, ngôn ngữ đầy chất thơ. Trong “Người lái đò sông Đà”, đó là điệp ngữ “tuôn dài, tuôn dài”, cách dùng từ “bung nở”, “cuồn cuộn”,… khiến con sông Đà từ đó mang vẻ đẹp của một áng tóc trữ tình, thơ mộng. Cách sử dụng hình ảnh, ngôn từ chỉ màu sắc đầy tinh tế “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” đều dẫn dắt người đọc đến bức tranh thiên nhiên đầy lãng mạn, thơ mộng của dòng sông Tây Bắc. Còn đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường, ngòi bút của “tài tử kinh thành” đã không ngại miêu tả những ấn tượng về dòng sông Hương với những liên tưởng mới mẻ, đa dạng; ngôn ngữ đầy thi vị khiến cả thủy trình của dòng sông Hương từ đó được phủ một chất thơ. Chính ngôn từ trong sáng; câu văn uyển chuyển đã làm nên những trang văn có “rất nhiều ánh lửa” của cảm xúc, trí tuệ cùng hòa quyện nơi ngòi bút nhà văn.
Trên trang văn của cả hai tác giả, ta cũng thấy được cách sử dụng các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa đầy độc đáo. Dòng sông Đà và dòng sông Hương vì thế hiện lên như một sinh thể có linh hồn, có những cảm xúc hệt như con người. Trong “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã có những liên tưởng vô cùng bất ngờ: độ hẹp của dòng sông được so sánh “như một cái yết hầu”, cảm giác ngồi trong khoang đò được ví như “đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ” hay những cái hút nước ở quãng Tà Mường Vát được tái hiện, nhân hóa trở thành một sinh thể biết “thở và kêu”,… Cái tài hoa của Nguyễn Tuân còn được thể hiện khi mang đến những từ ngữ giàu sắc thái cảm xúc, nhạc điệu khi miêu tả trạng thái của dòng sông – những động từ mạnh, câu văn ngắn, nhịp điệu dồn dập khi miêu tả sông Đà hung bạo. Hoàng Phủ Ngọc Tường, với biện pháp tu từ nhân hóa lại mang vẻ đẹp đa dạng: khi là “bản trường ca của rừng già”, khi là “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở” với nét đẹp dịu dàng e lệ, có lúc lại người con gái đẹp trên hành trình đi tìm tình yêu… Chính những biện pháp tu từ ấy khiến dòng sông Hương hiện lên không đơn thuần là dòng sông của thiên nhiên mà còn mang tâm hồn, tính cách của người phụ nữ; mang vẻ đẹp của một vùng văn hóa xứ sở.
Thế nhưng, Marcel Proust cũng có lí khi khẳng định: “Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều là những người nghệ sĩ độc đáo, luôn muốn hướng ngòi bút của mình nhiều đến những góc nhìn mang đậm dấu ấn cá nhân. Là nhà văn đam mê xê dịch với chất “ngông” đặc trưng độc nhất, Nguyên Tuân tập trung nhiều vào sự mạnh mẽ, hung bạo của dòng Đà giang. Có chăng bởi nhà văn đã tìm thấy sự đồng điệu giữa con sông muôn đời “làm mình làm mẩy” với cá tính đặc biệt của bản thân? Trong “Người lái đò Sông Đà”, Nguyễn Tuân đã sử dụng hàng loạt những động từ mạnh để miêu tả sự hung bạo của sông Đà. Từ độ cao, độ hẹp đến nghẹt thở, cảm giác lạnh lẽo ở cảnh đá bờ sông; sự dữ dội của sóng, nước ở mặt ghềnh Hát Lóong đến hút nước đầy hiểm nguy ở quãng Tà Mường Vát đều cho thấy cái nhìn đặc biệt về sự hùng vĩ của dòng Đà giang của Nguyễn Tuân. Điều gây ấn tượng với người đọc chính là những âm thành đầy ám ảnh của tiếng nước réo, cách bày binh bố trận đầy đe dọa mà sông Đà dành cho con người.
Còn đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường, ngòi bút của ông nhấn mạnh đến vẻ đẹp trữ tình, đằm thắm của dòng sông Hương. Đó là dòng sông “mềm như tấm lụa”, khéo léo chuyển dòng trên hành trình đi đến “cuộc tìm kiếm có ý thức”; là thủy trình trong lòng thành phố Huế để được Huế ôm trọn vào lòng khi những nhánh sông “tỏa đi khắp phố thị”. Dưới cái nhìn lãng mạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông Hương chẳng khác nào một cô gái mơ mộng, dịu dàng đang khát khao đi tìm bến đỗ tình yêu của mình. Ta dường như thấy một chất thơ lấp lánh trên câu văn, sông Hương mang vẻ đẹp tình tứ có chăng bởi được cảm nhận bởi một tâm hồn văn nhân đầy đắm say trước dòng sông xứ Huế?
Có thể nói, sở dĩ có sự giống nhau giữa Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Tuân trong phong cách nghệ thuật là bởi cả hai nhà văn đều dành một tình yêu tha thiết với cảnh sắc và những dòng sông của quê hương. Dòng sông được miêu tả dưới cái nhìn uyên bác và ngòi bút tài hoa từ đó không chỉ là dòng sông với dòng chảy về địa lí mà còn biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam. Lí giải về sự khác biệt, có thể căn cứ vào sự khác biệt giữa thể loại tùy bút và bút kí. Nếu tùy bút cho phép nhà văn phóng bút viết theo cảm hứng, mạch suy tưởng không cố định thì bút kí có thiên hướng bộc lộ cảm nghĩ, suy tưởng của tác giả với màu sắc trữ tình. Và quan trọng hơn cả, có chăng cả Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều hiểu được yêu cầu tiên quyết dành cho những nhà văn chân chính? Đó là luôn phải tạo dựng cho mình một phong cách sáng tác độc đáo, một giọng văn, cách thể hiện riêng biệt mà không thể nhìn thấy ở những nhà văn khác. Chính điều này đã khiến hai tác phẩm dù có những điểm giống nhau trong ngòi bút của nhà văn khi miêu tả dòng sông quê hương nhưng đều có những nét khác biệt trong cách cảm, cách nhìn, cách thể hiện giữa Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Tuốc-ghê-nhép từng khẳng định cái quan trọng cần có ở mỗi tài năng văn học chính là “tiếng nói của riêng mình”. Chính những “tiếng nói” riêng, phong cách độc đáo của nhà văn sẽ là điều khiến người đọc dù gấp lại trang sách vẫn nhớ đến những ấn tượng riêng biệt mà tác phẩm ấy mang lại. Rồi khi gấp lại “Người lái đò sông Đà” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, độc giả muốn thế hệ sẽ vẫn nhớ về một dòng Đà giang hùng vĩ mà thơ mộng; một dòng sông Hương mang vẻ đẹp dịu dàng, trữ tình của xứ Huế. Bởi lẽ, hai áng văn được viết nên bởi phong cách độc đáo của Nguyễn Tuân với sư tài hoa, uyên bác; bởi một Hoàng Phủ Ngọc Tường với sự trí tuệ và chất trữ tình đắm say nơi ngòi bút của văn nhân.