Quyết định 712/QĐ-BGDĐT Chương trình GDPT môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức
Ngày 09/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 712/QĐ-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.
Theo đó, Bộ GDĐT xác định môn Tiếng Hàn là Ngoại ngữ 1 được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12. Bên cạnh việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn, môn học còn trang bị kiến thức và kỹ năng học tập ngoại ngữ nói chung, giúp học sinh có thể vận dụng ngoại ngữ một cách hiệu quả trong giao tiếp, học tập, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 712/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH 712/QĐ-BGDĐT
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MÔN TIẾNG HÀN VÀ TIẾNG ĐỨC - NGOẠI NGỮ 1, HỆ 10 NĂM THÍ ĐIỂM
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”;
Căn cứ biên bản của Hội đồng thẩm định Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn, Tiếng Đức ngoại ngữ 1, hệ 10 năm được thành lập theo Quyết định số 4330/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm (kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; | KT. BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MÔN TIẾNG ĐỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT)
MỤC LỤC
I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung
2. Mục tiêu cụ thể
IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
1. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung
2. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù
V. NỘI DUNG GIÁO DỤC
1. Nội dung khái quát
2. Nội dung cụ thể
VI. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC
VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
Môn Tiếng Đức là Ngoại ngữ 1 (sau đây gọi tắt là môn Tiếng Đức) được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12. Môn Tiếng Đức giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ và các năng lực chung, phát triển những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, mở rộng tầm nhìn quốc tế để học tốt các môn học khác, để sống và làm việc hiệu quả, tạo nền tảng phục vụ nhu cầu học tập suốt đời.
Môn Tiếng Đức cung cấp cho học sinh một công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, giúp học sinh trao đổi thông tin, tri thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới nói chung và các nền văn hóa của các quốc gia nói tiếng Đức nói riêng, qua đó góp phần tạo dựng sự hiểu biết giữa các dân tộc, hình thành ý thức công dân toàn cầu, góp phần vào việc phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân. Thông qua việc học tiếng Đức và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, học sinh có thể hiểu rõ hơn, thêm yêu ngôn ngữ và nền văn hóa của dân tộc mình.
Mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Các kĩ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể theo các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp học sinh đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), cụ thể chương trình có tổng thời lượng là 1.155 tiết (mỗi tiết 45 phút) được chia thành ba giai đoạn. Thời lượng dành cho giai đoạn 1 (Tiểu học) là 420 tiết, giai đoạn 2 (Trung học cơ sở) là 420 tiết và dành cho giai đoạn 3 (Trung học phổ thông) là 315 tiết.
Học sinh kết thúc Tiểu học (lớp 3, 4, 5) đạt bậc 1 (tương đương A1 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ/ CEFR), học sinh kết thúc Trung học cơ sở (lớp 6, 7, 8, 9) đạt bậc 2 (tương đương A2 theo CEFR), học sinh kết thúc Trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12) đạt bậc 3 (tương đương B1 theo CEFR).
Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức thể hiện những định hướng cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là:
Ở cấp Tiểu học, việc dạy học tiếng Đức giúp học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, chú trọng nhiều hơn đến hai kĩ năng nghe và nói.
Ở cấp Trung học cơ sở, việc dạy học tiếng Đức tiếp tục giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết của học sinh về văn hóa, xã hội của các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hóa, xã hội của dân tộc mình.
Ở cấp Trung học phổ thông, việc dạy học tiếng Đức giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức dựa trên nền tảng tiếng Đức ở Tiểu học và Trung học cơ sở, trang bị cho học sinh kĩ năng học tập suốt đời để học tập và phát triển năng lực làm việc trong tương lai.
II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức tuân thủ các quy định được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm các định hướng chung về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả học tập và điều kiện thực hiện chương trình.
2. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức được xây dựng theo quan điểm lấy năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kĩ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết, ở cấp Tiểu học, cần ưu tiên phát triển hai kĩ năng nghe và nói. Ở cấp Trung học cơ sở, các kĩ năng giao tiếp nghe và nói vẫn được tiếp tục phát triển và thông qua luyện tập kết hợp các kĩ năng để tiến tới phát triển đồng đều cả bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết ở cấp Trung học phổ thông.
3. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức được thiết kế trên cơ sở hệ thống chủ điểm, chủ đề có liên quan chặt chẽ với nhau, có ý nghĩa và phù hợp với học sinh, phù hợp với việc phát triển năng lực giao tiếp theo yêu cầu cần đạt quy định cho mỗi cấp học. Hệ thống chủ điểm, chủ đề phản ánh văn hóa cần mang tính dân tộc và quốc tế; nội dung dạy học cần được lựa chọn và có thể lặp lại, mở rộng qua các năm học theo hướng đồng tâm nhằm củng cố và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Thông qua việc triển khai hệ thống chủ điểm và chủ đề trong Chương trình, học sinh có thể được trang bị thêm một số nội dung liên quan đến các môn học khác ở mức độ phù hợp.
4. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức đảm bảo lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trong quá trình dạy học. Năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức của học sinh được phát triển thông qua hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo. Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn quá trình dạy học, khuyến khích học sinh tham gia hoạt động luyện tập ngôn ngữ ở mức tối đa và từng bước nâng cao khả năng tự học.
5. Chương trình được thiết kế theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra thể hiện qua việc chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về năng lực giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) cho mỗi bậc học và mỗi năm học, đảm bảo tính liên thông và tiếp nối giữa các bậc trình độ, giữa các bậc học, năm học trong từng bậc của môn Tiếng Đức. Tính liên thông và tiếp nối được thể hiện ở chỗ sau mỗi bậc học, học sinh đạt một bậc trình độ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
6. Chương trình đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với từng điều kiện dạy học tiếng Đức của các vùng miền, địa phương, không quy định bắt buộc quá cụ thể mà cơ bản chỉ đưa ra định hướng nội dung dạy học cụ thể để chương trình mở và tạo nhiều dư địa cho các tác giả sách giáo khoa khi biên soạn sách cũng như cho đội ngũ giáo viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo khi thực hiện Chương trình. Trong Chương trình, lượng từ của văn bản trong quá trình rèn luyện các kỹ năng tiếng, chủ điểm, chủ đề, v.v. chỉ mang tính đề xuất khuyến nghị cho giáo viên và đội ngũ biên soạn sách giáo khoa.
III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung
1.1. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh sử dụng tiếng Đức trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.
1.2. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về các nền văn hóa khu vực các quốc gia nói tiếng Đức, góp phần hình thành thái độ và tình cảm tích cực đối với các nền văn hóa này, từ đó giúp họ thêm trân trọng giá trị văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng và động lực để học sinh tự học, tự rèn luyện phát triển những phẩm chất và năng lực cần thiết phục vụ sở thích cá nhân và nghề nghiệp trong môi trường giao tiếp liên văn hóa như trung thực, tôn trọng, hợp tác, không kỳ thị, v.v.
2. Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 1: Tiểu học
Sau khi kết thúc giai đoạn 1, học sinh cần đạt được trình độ tiếng Đức bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể:
- Sử dụng được những cách diễn đạt thông dụng trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến bản thân (ví dụ: bản thân và gia đình, mua sắm, công việc, môi trường xung quanh); bước đầu hình thành những kiến thức về đất nước, con người và văn hóa khu vực các quốc gia nói tiếng Đức;
- Giao tiếp được trong những tình huống đơn giản, quen thuộc, liên quan đến việc trao đổi thông tin một cách giản đơn và trực tiếp về những vấn đề gần gũi và thường xuyên diễn ra trong cuộc sống;
- Miêu tả nguồn gốc xuất thân và quá trình học tập của bản thân, diễn đạt một cách đơn giản về những vấn đề như môi trường xung quanh và những vấn đề liên quan tới nhu cầu thiết yếu của bản thân;
- Học sinh yêu thích tiếng Đức và có nguyện vọng tiếp tục học tiếng Đức ở những bậc cao hơn.
Giai đoạn 2: Trung học cơ sở
Sau khi kết thúc giai đoạn 2, học sinh cần đạt được trình độ tiếng Đức bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể:
- Có kiến thức cơ bản về tiếng Đức, bao gồm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp; sử dụng tiếng Đức như một công cụ giao tiếp đáp ứng được nhu cầu giao tiếp cơ bản trong những tình huống gần gũi, quen thuộc; có những hiểu biết cơ bản về đất nước, con người và nền văn hóa khu vực nói tiếng Đức;
- Bước đầu hình thành một số chiến lược học ngoại ngữ để có thể tiếp tục phát triển năng lực tiếng Đức ở những bậc học cao hơn;
- Học sinh được trang bị các kiến thức cơ bản về văn hóa - xã hội, về cách ứng xử ở các quốc gia nói tiếng Đức để từ đó nhận biết được những nét tương đồng cũng như khác biệt giữa nền văn hóa Việt Nam và nền văn hóa các nước nói tiếng Đức. Qua đó, học sinh hiểu và trân trọng sự đa dạng, sự khác biệt giữa các nền văn hóa, có những nhận thức cơ bản về giá trị của văn hóa Việt Nam;
- Học sinh yêu thích tiếng Đức, có hứng thú sử dụng tiếng Đức và có nguyện vọng tiếp tục học tiếng Đức ở những bậc cao hơn.
Giai đoạn 3: Trung học phổ thông
Sau khi kết thúc giai đoạn 3, học sinh cần đạt được trình độ tiếng Đức bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể:
- Tiếp tục hình thành và phát triển những kiến thức cơ bản về tiếng Đức, bao gồm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp; sử dụng tiếng Đức như một công cụ giao tiếp một cách tương đối hiệu quả, tự tin trong những tình huống liên quan đến những chủ đề quen thuộc hoặc sở thích cá nhân; có những hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước, con người và nền văn hóa của các quốc gia nói tiếng Đức;
- Bước đầu biết áp dụng những chiến lược học ngoại ngữ cơ bản để phát triển năng lực tiếng Đức ở những bậc học cao hơn hoặc để học các ngoại ngữ khác;
- Học sinh có được những kiến thức sâu rộng hơn về văn hóa - xã hội, về hệ giá trị, về nhân sinh quan, thế giới quan của con người các quốc gia nói tiếng Đức. Qua đó, học sinh thấu hiểu và trân trọng sự đa dạng, khác biệt văn hóa, có nhận thức sâu sắc hơn về giá trị văn hóa Việt Nam;
- Học sinh yêu thích tiếng Đức và biết áp dụng những phương pháp, chiến lược học tập được trang bị để tự củng cố kiến thức, để tự học tiếng Đức hoặc ngoại ngữ khác chuẩn bị cho nhu cầu phát triển bản thân và nghề nghiệp ở những giai đoạn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
1. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung
Chương trình môn Tiếng Đức góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và các năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Sau khi hoàn thành Chương trình, học sinh cần phải đạt được những yêu cầu liên quan đến các lĩnh vực sau:
- Kĩ năng ngôn ngữ;
- Kiến thức ngôn ngữ;
- Năng lực giao tiếp liên văn hóa.
2. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù
2.1. Yêu cầu cần đạt về kĩ năng ngôn ngữ
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của Chương trình (Tiểu học), học sinh đạt trình độ tiếng Đức bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể: “Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/bạn bè, v.v... Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.”
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 của Chương trình (Trung học cơ sở), học sinh đạt trình độ tiếng Đức bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể: “Có thể hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.”
Sau khi hoàn thành giai đoạn 3 của Chương trình (Trung học phổ thông), học sinh đạt trình độ tiếng Đức bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể: “Có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, v.v... Có thể xử lí hầu hết các tình huống xảy ra khi đến khu vực có sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể viết được những đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được về kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân, về những sự kiện, ước mơ, hy vọng, v.v. và có thể trình bày ngắn gọn lý do để giải thích dự định, kế hoạch của mình.”
Yêu cầu về kĩ năng ngôn ngữ theo từng bậc trình độ được tóm lược như sau:
Nghe hiểu:
Học sinh có thể:
Bậc 1 | Bậc 2 | Bậc 3 |
- Hiểu được những từ, câu quen thuộc, những thông báo thật ngắn, đơn giản, được diễn đạt rõ ràng liên quan đến bản thân, gia đình hay các sự vật cụ thể trong môi trường xung quanh khi được diễn đạt rõ ràng, có khoảng ngừng nghỉ để kịp thu nhận và xử lí thông tin. | - Hiểu được những thông báo ngắn, diễn đạt rõ ràng liên quan đến sự vật, con người và những sự tình quen thuộc khi được nói chậm và rõ ràng. | - Hiểu được ý chính trong các cuộc thoại về chủ đề quen thuộc khi người tham thoại trình bày rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ chuẩn hay phương ngữ thông dụng. |
- Hiểu được những từ và cụm từ thông dụng, ví dụ trong những hoạt động giao tiếp như: chào hỏi, chia tay, cảm ơn, xin lỗi, v.v. | - Hiểu được những nội dung cơ bản trong những thông báo ngắn gọn, được diễn đạt một cách rõ ràng và tường minh, ví dụ những thông báo ở nhà ga, sân bay, cửa hàng, thông báo qua điện thoại, v.v. | - Hiểu được các ý chính của các chương trình điểm tin trên các phương tiện truyền thông (phát thanh, truyền hình) và những nội dung phỏng vấn, phóng sự, phim thời sự có hình ảnh minh họa cho nội dung cốt truyện, được diễn đạt rõ ràng và sử dụng ngôn ngữ đơn giản. |
- Hiểu được câu hỏi và những thông tin cá nhân, ví dụ như: tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, số điện thoại, v.v. | - Hiểu được những điểm chính trong các cuộc nói chuyện thường nhật liên quan đến những chủ đề quen thuộc, ví dụ như thời gian rỗi, gia đình, kỳ nghỉ, trường học, v.v. | - Hiểu được một số ý chính trong cuộc trao đổi về nội dung có tính chuyên ngành nếu nội dung đó được diễn đạt bằng một ngôn ngữ phù hợp, rõ ràng, mạch lạc. |
- Hiểu được những hướng dẫn, chỉ dẫn ngắn, đơn giản, được diễn đạt rõ ràng, ví dụ những hướng dẫn trong giờ học, luyện tập thể thao, chơi trò chơi, v.v. | - Hiểu được nội dung trình bày và hướng dẫn của giáo viên trong giờ học, ví dụ hiểu được cách giải quyết một vấn đề hoặc hoàn thành một bài tập nhất định. | - Hiểu và làm theo được các thông tin chỉ dẫn đơn giản như hướng dẫn sử dụng các thiết bị, máy móc thông dụng. |
- Hiểu được những thông tin về địa điểm, thời gian, ví dụ như khi trao đổi để lên lịch hẹn. | - Theo dõi được diễn biến trong những câu chuyện đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. | - Hiểu được các chỉ dẫn chi tiết, ví dụ như các hướng dẫn giao thông, thông báo nơi công cộng, tin nhắn điện thoại, v.v. |
- Xác định được những chủ đề quen thuộc và cả những chủ đề không quen thuộc trên ti vi hoặc trên Internet, nhận biết được đại ý dựa trên mối liên hệ giữa những từ ngữ đơn lẻ và tranh ảnh. | - Rút ra được những thông tin cơ bản từ những chương trình có sử dụng phương tiện nghe nhìn (audio, video), ví dụ chương trình dự báo thời tiết, quảng cáo, tin vắn, v.v. | - Xác định được chủ đề, ý chính của các cuộc thoại, theo dõi và hiểu dàn ý của các bài nói ngắn, đơn giản về chủ đề quen thuộc nếu người nói diễn đạt rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ chuẩn, thông dụng. |
Nói (hội thoại):
Học sinh có thể:
Bậc 1 | Bậc 2 | Bậc 3 |
- Tham gia vào các hội thoại đơn giản nếu như có sự trợ giúp diễn đạt của người tham thoại, thực hiện những hội thoại làm quen thật ngắn gọn về những vật dụng thiết yếu và về những chủ đề quen thuộc trong cuộc sống thường nhật. | - Tham gia vào những hội thoại trong những tình huống đơn giản và quen thuộc như trao đổi thông tin đơn giản hoặc đề cập đến những chủ đề và hoạt động quen thuộc, có thể thực hiện được các hội thoại làm quen ngắn, tuy nhiên chưa đủ phương tiện ngôn từ để duy trì được hội thoại. | - Tham gia vào những hội thoại về những chủ đề quen thuộc mà không cần chuẩn bị trước, tuy nhiên đôi lúc vẫn còn khó khăn để biểu đạt chính xác nội dung phát ngôn. |
- Biết cách đề nghị để có được những vật dụng trong sinh hoạt thường nhật và biết cách cảm ơn, ví dụ đối với các bạn cùng lớp hay khi ăn uống, mua bán, v.v. | - Thực hiện được những nghi lễ cơ bản của phép lịch sự bằng ngôn từ, ví dụ biết cách chào khi gặp mặt/ chia tay, biết cách xưng hô với người lạ, biết cách đề nghị và cảm ơn khi giao tiếp với gia đình chủ nhà, khi mua bán, khi tham gia giao thông hoặc khi tìm nhà, v.v. | - Hiểu được những lời nói trực tiếp trong hội thoại về cuộc sống thường nhật mặc dù thỉnh thoảng vẫn phải hỏi lại một số từ ngữ cụ thể. |
- Biết cách đặt câu hỏi và trả lời những câu hỏi về bản thân, ví dụ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, sở thích, tâm trạng, v.v. | - Biết cách thông báo một cách rất đơn giản về cảm xúc của bản thân như sợ hãi, vui buồn cũng như biết cách ứng đáp đối với những lời hỏi thăm liên quan. | - Biết cách diễn đạt cảm xúc và ứng đáp phù hợp đối với những biểu hiện cảm xúc như ngạc nhiên, vui, buồn, quan tâm, thờ ơ, v.v. |
- Biết cách thông báo về địa điểm, thời gian, ví dụ liên quan đến giờ học, hoạt động trong thời gian rỗi, cuộc hẹn, v.v. | - Xử lí được những tình huống thường nhật quen thuộc trong trường học, khi mua sắm hoặc ở khu cung ứng dịch vụ, ví dụ hỏi đường và chỉ đường, mua thực phẩm, hỏi thông tin về lộ trình và mua vé tàu xe, v.v. | - Xử lí được hầu hết các tình huống phát sinh khi đi du lịch, tổ chức chuyến đi như đặt chỗ, làm thủ tục giấy tờ khi du lịch nước ngoài; xử lí được những tình huống bất ngờ xảy ra ở cửa hàng, bưu điện, ngân hàng, v.v., ví dụ như trả lại hàng lỗi hoặc khiếu nại về sản phẩm. |
- Trao đổi với người khác bằng những từ ngữ đơn lẻ và cụm từ cố định về cảm xúc yêu, ghét của bản thân, ví dụ trao đổi về phim ảnh, âm nhạc, các trang mạng, những hoạt động trong thời gian rỗi, v.v. | - Biết cách thông báo về tình trạng sức khỏe của bản thân bằng những từ ngữ đơn giản và biết cách đề nghị giúp đỡ, ví dụ khi đi khám bệnh, trong giao tiếp với bạn bè hoặc với gia đình chủ nhà (ví dụ khi tham gia chương trình trao đổi ở các quốc gia nói tiếng Đức). | - Giải thích khi xảy ra vấn đề, nêu được lý do, ví dụ khi đi mua sắm, hàng bị lỗi, thái độ phục vụ không chuẩn mực, v.v. |
Nói (độc thoại):
Học sinh có thể:
Bậc 1 | Bậc 2 | Bậc 3 |
- Miêu tả người, sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thường nhật, miêu tả thế giới động thực vật mà học sinh được chứng kiến, tiếp xúc trong cuộc sống thường nhật bằng những cách diễn đạt thật đơn giản. Học sinh có thể đọc to những văn bản cho trước hoặc có thể thay đổi văn bản ở mức độ nhất định khi tham gia trò chơi đóng vai. | - Thông tin về bản thân, bạn bè và gia đình bằng một số mẫu câu và phương tiện ngôn từ đơn giản, trình bày được lịch trình/ diễn biến, kể về những hoạt động quen thuộc đặc trưng trong cuộc sống thường nhật. | - Nói về các chủ đề quen thuộc trong lĩnh vực quan tâm mà không cần chuẩn bị, thể hiện quan điểm cá nhân và trao đổi thông tin về các chủ đề quen thuộc liên quan đến sở thích cá nhân, học tập, công việc hoặc cuộc sống hằng ngày. |
- Miêu tả bản thân và người khác trong môi trường sống gần gũi xung quanh bằng những thông tin đơn lẻ, ví dụ như thông tin về tên, tuổi, sở thích, địa chỉ, nơi ở, v.v. | - Giới thiệu về bản thân và người khác trong môi trường sống gần gũi xung quanh bằng cách kết nối nhiều câu văn khác nhau, biết cách miêu tả hình dáng bên ngoài, nêu được những đặc điểm về tính cách. | - Kể tóm lược về kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân, trình bày được cốt truyện một cuốn sách, bộ phim hay và biểu đạt được cảm xúc của mình. |
- Miêu tả những đồ vật thông dụng trong cuộc sống thường nhật hay ở trường học, ví dụ như màu sắc, kích thước, hình dáng, v.v. | - Miêu tả những đồ vật thông dụng trong cuộc sống thường nhật hay ở trường học bằng nhiều mệnh đề khác nhau và biết cách kết nối các ý bằng những liên từ đơn giản. | - Kể lại được một cách mạch lạc một câu chuyện ngắn có nội dung gần gũi, quen thuộc bằng những cấu trúc đơn giản. |
- Trình bày được quá trình diễn biến liên quan đến những hoạt động trong môi trường quen thuộc bằng những từ khóa, ví dụ trình bày về lịch học, kế hoạch hoạt động trong ngày, hoạt động cuối tuần, v.v. | - Giải thích được quy trình diễn ra một hoạt động nhất định bằng những phương tiện ngôn từ đơn giản, ví dụ biết cách miêu tả đường đến trường hoặc các bước lắp ghép đồ vật, v.v. | - Thuyết trình có chuẩn bị trước về một chủ đề quen thuộc hoặc về một lĩnh vực bản thân quan tâm, trình bày mạch lạc, dễ hiểu, làm rõ được những điểm chính; trả lời được những câu hỏi liên quan nếu người nói diễn đạt rõ ràng, tốc độ nói phù hợp. |
- Gọi tên và liệt kê được những đặc điểm hình dáng các con vật, cây cối và cảnh quan xung quanh. | - Kể về một sự kiện bằng một số câu văn nhất định, ví dụ kể về một buổi liên hoan sinh nhật, một chuyến dã ngoại, một sự kiện thể thao, v.v. | - Kể về ước mơ, hy vọng, về các sự kiện có thật hoặc giả tưởng. |
- Đọc/ trình bày diễn cảm một bài thơ, bài hát hoặc một câu chuyện ngắn và tham gia tích cực, chủ động vào các trò chơi đóng vai. | - Tóm tắt nội dung một bài khóa, một bộ phim hoặc tả tranh bằng một số câu văn nhất định. | - Tạo ra được chuỗi lập luận hợp lý để tranh luận, biết cách bảo vệ quan điểm bằng những luận điểm về ưu, nhược điểm và các ví dụ phù hợp. |
Đọc hiểu:
Học sinh có thể:
Bậc 1 | Bậc 2 | Bậc 3 |
- Hiểu các đoạn văn bản rất ngắn và đơn giản về các chủ đề đã học như bản thân, gia đình, trường lớp, bạn bè, v.v. | - Hiểu những văn bản ngắn và tìm ra được những thông tin cụ thể, có thể đoán được ý trong những văn bản đơn giản về cuộc sống thường nhật và hiểu được nội dung của những thông báo đơn giản. | - Hiểu các văn bản có những thông tin rõ ràng, mạch lạc về lĩnh vực bản thân quan tâm, yêu thích. |
- Nhận diện được những từ ngữ đơn lẻ trong một văn bản ngắn và trên cơ sở đó đưa ra dự đoán về chủ đề. | - Đưa ra được những dự đoán có cơ sở về những nội dung chính thông qua việc nhận diện được những yếu tố ngôn ngữ tương ứng xuất hiện trong văn bản. | - Hiểu được các thông tin cụ thể trong các văn bản thông dụng trong cuộc sống hàng ngày như thư từ, thông báo, v.v. |
- Hiểu được những bảng hướng dẫn ngắn, đơn giản, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của hình họa, ví dụ những quy định về an toàn và mô tả hệ thống thoát hiểm ở những khu nhà công vụ. | - Hiểu được những hướng dẫn đơn giản, có bố cục rõ ràng, ví dụ hướng dẫn nấu ăn, chỉ dẫn luật chơi, hướng dẫn sử dụng. | - Hiểu được các hướng dẫn sử dụng được viết rõ ràng, mạch lạc cho một thiết bị cụ thể. |
- Rút ra được những thông tin quan trọng từ các danh mục, ví dụ thông tin về các món ăn, đồ uống và giá cả trong thực đơn nhà hàng, giờ đóng và mở cửa từ hệ thống bảng/ biển thông báo, thông tin tàu xe trên những bảng thông báo lộ trình ở nhà ga, thông tin về các sự kiện văn hóa, âm nhạc từ các chương trình tổ chức sự kiện hoặc những sự kiện thể thao trên báo chí. | - Rút ra được những thông tin quan trọng từ những văn bản ngắn và thông dụng trong cuộc sống thường nhật, ví dụ như những thông tin về thành phần, hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm, hoặc những thông tin về sản phẩm từ những mẩu tin quảng cáo. | - Đối chiếu các đoạn thông tin ngắn từ một số nguồn, viết tóm tắt nội dung và diễn đạt lại ý các đoạn văn ngắn một cách đơn giản, sử dụng được ngôn từ, phương tiện biểu đạt của văn bản gốc. |
- Hiểu được những thông tin chính trong những thông báo ngắn, đơn giản, lí do viết những văn bản đó, ví dụ giấy mời gặp mặt hoặc bưu thiếp/ bưu ảnh. | - Hiểu được những mẩu chuyện ngắn phù hợp với lứa tuổi và những trình bày ngắn gọn, có tính phổ thông thường thức khi chúng được biên soạn để sử dụng cho giờ học ngoại ngữ. | - Xác định được các kết luận chính và nhận diện mạch lập luận trong các văn bản nghị luận có sử dụng các ngữ tố chỉ báo (Signalwörter) về ngữ pháp, ngữ nghĩa, v.v. |
Viết:
Học sinh có thể:
Bậc 1 | Bậc 2 | Bậc 3 |
- Sử dụng kĩ năng viết ở cấp độ từ và câu như là một công cụ để học ngoại ngữ, viết được những đoạn văn thật đơn giản kể về bản thân hoặc một văn bản ngắn hoàn chỉnh. | - Viết những đoạn văn ngắn kể về cuộc sống thường nhật, về những sự việc diễn ra xung quanh, thuật lại các công việc thường nhật theo trình tự thời gian và miêu tả được những nét đặc trưng của người cũng như những đồ vật quen thuộc bằng những từ ngữ đơn giản và câu văn ngắn. | - Viết những bài luận đơn giản về các chủ đề quen thuộc hoặc bản thân quan tâm, biết cách liên kết các từ ngữ đơn lẻ thành một văn bản có bố cục mạch lạc. |
- Điền những thông tin cụ thể về bản thân vào những biểu mẫu đơn giản. | - Tự điền được những thông tin ngắn về bản thân, ví dụ như nơi ở, nghề nghiệp, sở thích,... trong những mẫu đơn thông dụng. | - Viết thư cá nhân mô tả trải nghiệm, kinh nghiệm, cảm xúc của bản thân. Viết thư giao dịch nhằm cung cấp thông tin cá nhân, trình bày ý kiến về những chủ đề liên quan đến công việc, học tập, văn hóa, âm nhạc, phim ảnh, v.v. |
- Kể về bản thân hoặc viết thư hỏi thông tin, ví dụ viết bài giới thiệu để làm quen trong khuôn khổ các hoạt động trao đổi học sinh hoặc trao đổi thư điện tử, thư từ thông thường. | - Viết những bài văn, lời bình ngắn gọn, đơn giản về tâm trạng của bản thân, về những cảm xúc như yêu, ghét, về những trải nghiệm và kinh nghiệm của bản thân, ví dụ dưới dạng thông tin trên mạng xã hội. | - Viết những bài luận đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn về các chủ đề bản thân quan tâm hoặc về các trải nghiệm cá nhân, ví dụ kể về một chuyến đi. |
- Viết những thông báo thật đơn giản về các chủ đề thường nhật và quen thuộc, ví dụ như giấy mời, thư chúc mừng, lời cảm ơn, thư hẹn, biết cách sử dụng những liên từ cơ bản để liên kết văn bản như “und” (và), “oder” (hoặc), v.v. | - Viết những thông báo đơn giản theo trình tự thời gian hoặc không gian về những lĩnh vực quen thuộc, ví dụ miêu tả đường, lịch trình trong ngày, lịch học, v.v. , biết cách sử dụng những từ chỉ trình tự như “zuerst” (trước hết), “später” (sau đó), “nachher” (tiếp theo), “zum Schluss” (cuối cùng), v.v. | - Tập hợp thông tin ngắn từ một số nguồn và tóm tắt lại những thông tin đó cho người khác nắm được nội dung. Có thể diễn đạt lại ý đoạn văn một cách đơn giản, dễ hiểu, sử dụng cách hành văn, bố cục và phương thức biểu đạt như trong văn bản gốc. |
- Viết những đoạn văn thật đơn giản về những địa danh đã biết hoặc chưa biết, ví dụ viết kể về các nước trên thế giới, về quê hương của bản thân hoặc của bạn bè, v.v. | - Thông báo ngắn gọn và đơn giản về người, về cách ứng xử và về những vật dụng khác nhau bằng cách sử dụng liên từ như “weil”, “denn” (vì), “deshalb” (vì thế, cho nên). | - Sử dụng những cấu trúc quen thuộc, những phương tiện tu từ thông dụng hợp lý và chính xác để viết những bản thông báo quan trọng trong giao dịch mang tính nghi thức, v.v. |
- Luyện viết, ví dụ: điền từ vào chỗ trống trong câu, ghi chép những mẫu lời nói, viết từ vào phiếu (để học từ vựng), luyện viết chính tả (viết câu hoặc đoạn văn ngắn), v.v. | - Ghi chép trong giờ học để ghi nhớ nội dung bài học hoặc để chuẩn bị cho bài thuyết trình trên lớp. | - Viết các ghi chú truyền đạt thông tin đơn giản về những nội dung liên quan tới bạn bè, nhân viên dịch vụ, thầy cô giáo và những người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, làm rõ được các điểm quan trọng trong tin nhắn, email, v.v. |
Yêu cầu cần đạt được về kĩ năng ngôn ngữ của học sinh theo từng lớp học có thể tóm lược như sau:
Bậc 1.1. Lớp 3: Hết năm học lớp 3, học sinh có thể:
Nghe | Nói | Đọc | Viết |
- Hiểu được những chỉ dẫn rất đơn giản trong lớp học. - Hiểu được câu hỏi về những thông tin cá nhân, ví dụ như: tên, tuổi, số điện thoại, v.v. - Hiểu được các đoạn hội thoại ngắn, rất đơn giản về các chủ đề quen thuộc được nói chậm và rõ ràng. | - Phát âm chính xác các từ, cụm từ đã học. - Biết cách đặt câu hỏi và trả lời những câu hỏi về bản thân, ví dụ tên, tuổi, số điện thoại, v.v. - Hỏi và trả lời các câu hỏi thường dùng trong lớp học. | - Đọc và hiểu nghĩa các từ và cụm từ quen thuộc, rất đơn giản. - Đọc hiểu các câu ngắn và rất đơn giản. - Rút ra được các thông tin chính từ các đoạn văn ngắn và rất đơn giản về những chủ đề quen thuộc. | - Viết đúng chính tả các từ, cụm từ đã học. - Viết được một số câu rất đơn giản về những chủ đề quen thuộc. - Điền thông tin về bản thân vào những biểu mẫu rất đơn giản. |
Bậc 1.2. Lớp 4: Hết năm học lớp 4, học sinh có thể:
Nghe | Nói | Đọc | Viết |
- Hiểu được những hướng dẫn, chỉ dẫn ngắn, đơn giản được diễn đạt rõ ràng, ví dụ như những hướng dẫn trong giờ học, chơi trò chơi, v.v. - Hiểu được câu hỏi và những thông tin cá nhân, ví dụ như: nghề nghiệp, địa chỉ, sở thích, v.v. - Hiểu được các đoạn hội thoại ngắn, rất đơn giản về các chủ đề quen thuộc được nói chậm, rõ ràng. - Hiểu được những thông tin về địa điểm, thời gian. | - Phát âm chính xác các từ, cụm từ đã học. - Trao đổi với người khác bằng những từ ngữ đơn lẻ và cụm từ cố định về cảm xúc yêu, ghét của bản thân, ví dụ về sở thích, những hoạt động trong thời gian rỗi, v.v. - Nói được những câu chỉ dẫn và đề nghị đơn giản. - Biết cách đề nghị để có được những vật dụng trong sinh hoạt thường nhật và biết cách cảm ơn. | - Đọc và hiểu nghĩa các từ và cụm từ quen thuộc, rất đơn giản. - Hiểu được những bảng hướng dẫn ngắn, đơn giản đặc biệt là khi có sự hỗ trợ của hình họa. - Hiểu được những thông tin chính trong những thông báo ngắn, đơn giản. - Nhận diện được những từ ngữ đơn lẻ trong một văn bản ngắn và trên cơ sở đó đưa ra dự đoán về chủ đề. | - Viết đúng chính tả các từ, cụm từ đã học, câu đơn giản. - Kể về bản thân hoặc viết thư hỏi thông tin. - Sắp xếp các từ cho sẵn thành câu đơn giản; sắp xếp các câu thành đoạn văn theo các chủ đề quen thuộc. - Viết được những thông báo thật đơn giản về những chủ đề thường nhật và quen thuộc, ví dụ như giấy mời, thư hẹn, v.v. |
Bậc 1.3. Lớp 5: Hết năm học lớp 5, học sinh có thể:
Nghe | Nói | Đọc | Viết |
- Nghe hiểu được các hội thoại ngắn về những chủ đề quen thuộc. - Nghe hiểu được các câu chuyện rất đơn giản về những chủ đề quen thuộc (có sự trợ giúp). - Nhận biết được ngữ điệu của các dạng câu khác nhau, như: câu tràn thuật, câu nghi vấn và câu mệnh lệnh. - Hiểu được những lời thông báo đơn giản ở các địa điểm công cộng như nhà ga, sân bay, v.v. - Xác định được những chủ đề quen thuộc và cả những chủ đề không quen thuộc trên tivi hoặc trên Internet, nhận biết được đại ý trên cơ sở mối liên hệ giữa những từ ngữ đơn lẻ và tranh ảnh. | - Phát âm chính xác các từ và nói đúng ngữ điệu các mẫu câu đã học. - Kể được ngắn gọn về các hoạt động hằng ngày (có thể vẫn cần trợ giúp). - Trao đổi được với các bạn cùng học những thông tin về các chủ đề quen thuộc đã học. - Trình bày được quá trình diễn biến liên quan đến những hoạt động trong môi trường quen thuộc bằng những từ khóa, ví dụ trình bày về lịch học, kế hoạch hoạt động trong ngày, hoạt động cuối tuần, v.v. | - Hiểu được những bảng hướng dẫn ngắn, đơn giản (có thể vẫn cần sự hỗ trợ của hình họa). - Hiểu được thông tin chính trong những thông báo ngắn gọn. - Rút ra được những thông tin quan trọng từ các danh mục, ví dụ thông tin về các món ăn, đồ uống và giá cả trong thực đơn nhà hàng, giờ đóng và mở cửa từ hệ thống bảng/ biển thông báo, thông tin tàu xe trên những bảng thông báo lộ trình ở nhà ga, thông tin về các sự kiện văn hóa, âm nhạc hoặc những sự kiện thể thao trên báo chí. - Hiểu được chi tiết các đoạn văn ngắn về chủ đề quen thuộc. | - Viết những thông báo thật đơn giản về các chủ đề thường nhật và quen thuộc, ví dụ như giấy mời, thư chúc mừng, lời cảm ơn, thư hẹn, biết cách sử dụng những liên từ cơ bản để liên kết văn bản như “und” (và), “oder” (hoặc), v.v. - Viết được những đoạn văn ngắn kể về cuộc sống thường nhật, về những sự việc diễn ra xung quanh, thuật lại các công việc thường nhật theo trình tự thời gian bằng những từ ngữ đơn giản và câu văn ngắn. |
Bậc 2.1. Lớp 6: Hết năm học lớp 6, học sinh có thể:
Nghe | Nói | Đọc | Viết |
- Hiểu được những thông báo ngắn về sự vật, con người và những tình huống quen thuộc khi được nói chậm và rõ ràng. - Hiểu được câu đơn giản với những từ ngữ thông dụng nhất liên quan đến những chủ đề quen thuộc như gia đình, mua sắm, công việc, v.v. - Hiểu được những chi tiết quan trọng trong các hội thoại về những chủ đề quen thuộc. | - Tham gia được vào hội thoại với những tình huống đơn giản hoặc đề cập đến những chủ đề và hoạt động quen thuộc. - Thực hiện được những hội thoại làm quen ngắn để trao đổi thông tin đơn giản và trực tiếp về những vấn đề quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày; biết cách biểu đạt cảm xúc cũng như biết ứng đáp đối với những lời hỏi thăm, chia sẻ của người khác. | - Hiểu được những văn bản ngắn và tìm ra được những thông tin cụ thể, có thể đoán ý trong những văn bản đơn giản về cuộc sống thường nhật. - Hiểu được ý chính của những thông báo đơn giản như cho thuê nhà, quảng cáo, v.v. - Hiểu được những hướng dẫn đơn giản có bố cục rõ ràng, ví dụ hướng dẫn nấu ăn, chỉ dẫn các bước trong các trò chơi, hướng dẫn sử dụng, v.v. | - Viết những đoạn văn thật đơn giản về những địa danh đã biết hoặc chưa biết, ví dụ viết kể về các nước trên thế giới, về quê hương của bản thân hoặc của bạn bè, v.v. - Điền được vào mẫu đơn thông dụng những thông tin ngắn về bản thân, ví dụ nơi ở, nghề nghiệp, sở thích, v.v. |
..........
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết