Quyết định 1541/QĐ-BHXH Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 51/NQ-CP

Ngày 22/09/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định 1541/QĐ-BHXH về Chương trình hành động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 51/NQ-CP. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Theo đó:

- Chú trọng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện.

- Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN, trên 90% dân số tham gia BHYT.

- Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí; chống trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHTN, BHYT; tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội cho tổ chức cá nhân tham gia, thụ hưởng.

- Nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị, của công chức, viên chức và người lao động trong ngành.

- Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHTN, BHYT.

Nội dung Quyết định 1541/QĐ-BHXH.

BẢO HIM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1541/QĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM THỰC HIỆN
NGHỊ QUYẾT SỐ 51/NQ-CP NGÀY 19/6/2017 CỦA CHÍNH PHỦ

TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 06 năm 2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 06 năm 2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- TGĐ và các Phó TGĐ;
- Website BHXH Việt Nam;
- Lưu: VT, KTĐT(3b).

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đào Việt Ánh

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 51/NQ-CP NGÀY 19 THÁNG 6 NĂM 2017 BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 07-NQ/TW NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, QUẢN LÝ NỢ CÔNG ĐỂ BẢO ĐẢM NỀN TÀI CHÍNH QUỐC GIA AN TOÀN, BỀN VỮNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1541/QĐ-BHXH ngày 22 tháng 9 năm 2017 của
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Căn cứ Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững (Nghị quyết số 51/NQ-CP), Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 51/NQ-CP, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, công chức, viên chức trong toàn Ngành đối với công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

- Triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 51/NQ-CP của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT); tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; trên 90% dân số tham gia BHYT.

- Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; chống trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHTN, BHYT; tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị, của công chức, viên chức và người lao động trong Ngành.

- Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT, BHTN.

3. Yêu cầu

- Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đối với toàn thể công chức, viên chức trong ngành BHXH.

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc chức năng của BHXH Việt Nam góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Đề án "Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020"; "Chiến lược phát triển ngành BHXH đến năm 2020".

2. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình hành động, Kế hoạch của BHXH Việt Nam thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ:

- Chương trình hành động của BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 3141/QĐ-BHXH ngày 12/12/2016);

- Chương trình hành động của BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 22/7/2016 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 3142/QĐ-BHXH ngày 12/12/2016);

- Chương trình hành động của BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 (ban hành kèm theo Quyết định số 624/QĐ-BHXH ngày 19/4/2017);

- Kế hoạch số 1060/KH-BHXH ngày 29/3/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và NQ của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020;

- Kế hoạch số 1279/KH-BHXH ngày 14/4/2017 thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH;

- Chương trình hành động hàng năm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm;

- Kế hoạch hàng năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, đẩy nhanh tiến độ BHYT toàn dân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thu nợ BHXH, BHTN, BHYT, đảm bảo thu đúng, thu đủ và chống thất thu, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT bắt buộc. Thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa BHXH Việt Nam với Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong công tác xử lý và thu hồi nợ BHXH, BHTN, BHYT.

Tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân qua đó tạo sự thống nhất giữa nhận thức và hành động trong việc thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng phương thức giao dịch điện tử trong việc thực hiện thu đóng, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT.

4. Tăng cường công tác quản lý chi trả và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT. Kiểm soát chặt chẽ các thủ tục chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT, nhất là chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trợ cấp thất nghiệp đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ theo quy định, đảm bảo đầy đủ và kịp thời các nguồn kinh phí để các đơn vị thực hiện chi trả BHXH, BHTN, BHYT cho người hưởng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị, hạn chế tối đa trục lợi BHXH.

Kiểm soát gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT bất hợp lý và lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Tăng cường công tác giám định việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT, nhất là việc áp giá thuốc, vật tư y tế và dịch vụ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT để hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc bệnh đắt tiền không thực sự cần thiết.

5. Tăng cường quản lý các quỹ BHXH, BHTN, BHYT bảo đảm cân đối thu, chi, hiệu quả và an toàn.

Xây dựng dự toán thu, chi hàng năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 3 năm theo đúng các quy định của pháp luật, bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Ngành, tổ chức điều hành dự toán chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Triển khai có hiệu quả Phương án đầu tư các quỹ bảo hiểm hàng năm. Tổ chức thực hiện đúng chỉ đạo về cơ cấu đầu tư, số lượng tiền đầu tư và lãi suất đầu tư, đồng thời thường xuyên nắm bắt và kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư để thu hồi gốc, lãi đầy đủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc xác định danh sách các Ngân hàng thương mại xếp loại tín nhiệm cao để lựa chọn ngân hàng thực hiện hoạt động đầu tư; theo dõi chặt chẽ diễn biến lãi suất trái phiếu Chính phủ, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại để xác định lãi suất đầu tư phù hợp.

Nghiên cứu hoàn thiện quy chế và quy trình quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro trong hoạt động đầu tư quỹ, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, hiệu quả theo quy định của pháp luật. Thực hiện đầu tư trái phiếu Chính phủ chủ yếu thông qua phương thức đấu thầu trên thị trường phù hợp với việc cải cách quản lý dòng tiền và phương thức đầu tư các quỹ bảo hiểm.

6. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý tài chính, tài sản chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vi phạm.

Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình tổng thể của Ngành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020. Tăng cường công tác kiểm toán nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn tài chính, tài sản của Ngành. Rà soát, hoàn thiện công tác kê khai tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, đảm bảo việc phản ánh trung thực, bao quát tài sản, thu nhập và nguồn gốc hình thành.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công, bao gồm: Chuẩn bị dự án, thẩm định quyết định đầu tư chương trình dự án; lập và thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, thực hiện phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn Ngân sách nhà nước tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn của Nhà nước. Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn chi đầu tư phát triển, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong công tác quyết toán các dự án hoàn thành.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT để phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức trong Ngành; kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra.

8. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự ngành BHXH. Đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức; thực hiện đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu với công chức, viên chức thuộc quyền quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị. Xây dựng tổ chức bộ máy của ngành BHXH phù hợp với tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, đồng thời đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới. Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, hoạch định kế hoạch trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách của ngành BHXH.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Xem thêm
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm