Phân tích một nhân vật mà em yêu thích trong các tác phẩm đã học ở sách Ngữ văn 10 Dàn ý + 6 bài văn hay lớp 10
Phân tích một nhân vật mà em yêu thích trong các tác phẩm đã học ở sách Ngữ văn 10 bao gồm 6 mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết. Qua đó giúp các em học sinh có thể vận dụng, điều chỉnh và viết một cách tự tin chính xác hơn.
TOP 6 bài phân tích nhân vật lớp 10 mà Eballsviet.com đăng tải dưới đây sẽ giúp các em tự luyện tập và rèn luyện phong cách viết riêng cho mình. Hi vọng qua bài văn mẫu phân tích nhân vật sẽ giúp các em học sinh học tập ngày càng tốt hơn và tự tin với khả năng viết văn. Bên cạnh đó các bạn xem thêm dàn ý phân tích tác phẩm truyện, cách làm bài văn phân tích đoạn thơ bài thơ.
Phân tích nhân vật lớp 10 hay nhất
Dàn ý phân tích nhân vật mà em yêu thích
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu khái quát cảm nhận về nhân vật.
2. Thân bài:
* Trình bày hoàn cảnh của nhân vật: Sau khi biết tin Hơ Nhị bị bắt đi, Đăm Săn quyết định tìm đến nhà Mtao Mxây để cứu vợ về.
* Phân tích, đánh giá nhân vật Đăm Săn:
- Là vị tù trưởng có:
- Ngoại hình khỏe khoắn, vóc dáng vạm vỡ "Bắp chân chàng to bằng xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ông bế...".
- Phong thái uy dũng "sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre".
- Là một con người tự tin, oai dũng, không luồn cúi trước kẻ thù, có sức mạnh phi thường:
- Thách Mtao Mxây giao chiến trước.
- Động tác múa khiên: dứt khoát, mang khí thế của người anh hùng "Mỗi lần xốc tới, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây.".
- Thông minh, nhanh trí: sau khi nhận được gợi ý từ ông Trời -> nhanh nhẹn dùng cái chày mòn ném trúng vành tai Mtao Mxây.
- Là một vị tù trưởng tài giỏi, uy quyền:
- Sau khi Đăm Săn ngỏ lời, tôi tớ Mtao Mxây đều nhất trí cùng chàng trở về.
- Khung cảnh ăn mừng náo nhiệt, vui tươi đã khẳng định sự sung túc, giàu có của vị tù trưởng dũng cảm.
* Phân tích, đánh giá những đặc sắc về nghệ thuật:
- Sử dụng các hình ảnh thiên nhiên kết hợp với biện pháp so sánh, phóng đại để làm nổi bật vẻ đẹp của Đăm Săn.
- Sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ của người kể sử thi và ngôn ngữ của nhân vật.
3. Kết bài: Nêu khái quát thành công của tác giả qua việc xây dựng nhân vật.
Phân tích nhân vật Dì Mây
Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đã là ngọn lựa hun đúc nên biết bao thế hệ anh hùng, đồng thời cũng trở thành một trong những đề tài văn học, nghệ thuật hấp dẫn và nhiều cảm hứng nhất của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Nhân vật Dì Mây trong truyện ngắn "Người ở bến sông Châu" của nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng là một trong những nhân vật bộc lộ được bản chất người lính đã trải qua cuộc chiến tranh, thấy được sự hy sinh mất mát, và nỗi đau khôn cùng của người phụ nữ Việt Nam.
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của một người phụ nữ đẹp nhưng lại có số phận đau thương, vây hãm cả đời . Dì đại diện cho một thế hệ thanh niên đã dâng hiến quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất cho cách mạng. Tuổi trẻ của dì là những ngày tháng lăn lộn trên khắp các nẻo đường Trường Sơn. Dì Mây có một mối tình đằm thắm, trong sáng với chú San, tuy nhiên lại rơi vào nghịch cảnh éo le: ngày cô trở về quê cũng là ngày người yêu – San đi lấy vợ vì tưởng cô hy sinh. Ngay đêm tân hôn, biết tin Mây còn sống quay về, San đã tìm gặp Mây. Anh xin cô được bỏ vợ để cả hai làm lại từ đầu. Mây khóc, từ chối vì cho rằng: “Một người phụ nữ đau khổ và lỡ dở đã là quá đủ”.
Ngoài nỗi buồn mất đi người mình yêu, dì Mây còn phải chịu những hậu quả do chiến tranh để lại. Từ một người con gái xinh đẹp trở thành một người tàn tật, vô cùng thương xót "Dì Mây bước tập tễnh, tóc Dì Mây rụng nhiều, xơ và thưa, dì có chân giả, chống nạng gỗ". Tuy nhiên, không vì điều đó mà dì lại cảm thấy tủi thẹn, dì luôn luôn cảm thấy tự hào, vì đã dâng hiến quãng đời thanh xuân tươi đẹp cho cách mạng: "Dì Mây chắn cửa hầm che chở cho thương binh. Bom nôt người người lính công binh sốt rét tóc rụng trọc đầu vẫn lành lặn..". Bởi vậy, cuộc sống của dì Mây khi trở về quê hương cũng có sự thay đổi thay. Ai nấy trong gia đình đều cảm thấy thương dì, cuộc đời của dì thật đau xót. Những đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng dì Mây đã cho thấy một hình ảnh người phụ nữ kiên cường, đầy nỗi bất hạnh vì chiến tranh. Cuộc chiến đã cướp đi tất cả: tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc và mài mòn dần những gì còn sót lại của dì khi trở về sau chiến tranh.
Càng éo le hơn khi truyện đẩy nhân vật dì Mây vào những tình huống vô cùng trớ trêu và đau khổ. Khi dì đứng trước sự lựa chọn về tình yêu của mình, dì đã can đảm đối mặt với nó, mặc dù buồn, vẫn còn thương chú San nhiều nhưng dì đã cương quyết dứt khoát với chú "Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!, "Sự thế đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn". Chưa dừng lại ở đó, tác giả lại một lần nữa đẩy nhân vật vào tình huống mà khiến dì phải đấu tranh lí trí và cảm xúc của bản thân. Đó là khi vợ chú San - cô Thanh vượt cạn thiếu tháng và dì Mây đã cố gắng hết sức đỡ đẻ cho cô mặc kệ lời thím Ba can ngăn. Chi tiết dì khóc ngay sau khi đỡ đẻ thành công cho vợ chú San, đã để lại cho người đọc nhiều xúc động. Giá như không đi bộ đội, nếu không có chiến tranh, thì cũng không bị chiến tranh làm xa cách dì Mây cũng có thể hạnh phúc bên chú San. Qua đây, em thấy được hình tượng của một người phụ nữ dưới thời chiến, đó là một người xinh đẹp, gan dạ và đầy lòng nhân ái, vị tha. Người phụ nữ mặc dù trải qua những khó khăn, thử thách ở những tình huống nghịch cảnh, đau khổ nhưng vẫn quyết tâm đối mặt với nó, với số phận của bản thân.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã vô cùng thành công trong việc xây dựng nhân vật dì Mây, bởi nhờ có ông, mà chúng ta thấy được những góc khuất của chiến tranh, những câu chuyện buồn dưới thời chiến. Chưa bao giờ, trong văn học Việt Nam xuất hiện người phụ nữ trở về sau chiến tranh lại bi thương đến vậy. Từ đó, ta mới càng cảm thông hơn với những số phận của họ và thật biết ơn với những công lao của họ để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Phân tích nhân vật Đăm Săn (2 Mẫu)
Bài làm mẫu 1
Nhận định về sử thi “Đăm Săn”, nhà nghiên cứu Nhi-cu-lin nhận xét: “Sử thi Đăm Săn là câu chuyện thơ về cuộc đời của người dũng sĩ và những chiến công của chàng. Những người diễn xướng không chỉ ca ngợi thủ lĩnh của bộ lạc là Đăm Săn mà cất lời ca ngợi tất cả những người của cộng đồng - tất cả người làng”. Đây là nhận định hoàn toàn xác đáng, ngắn gọn để thấy được vẻ đẹp phẩm chất, ngoại hình của người anh hùng Đăm Săn.
Trước hết, Đăm Săn mang vẻ đẹp hình thể khỏe mạnh cường tráng. Vẻ đẹp hình thể của chàng không được miêu tả từ đầu đoạn trích, mà chủ yếu tập trung ở cuối đoạn trích, khi ăn mừng chiến thắng trở về. Hình thể cường tráng, vạm vỡ: “Bắp chân chàng to bằng cây xà nàng, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy dầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc: Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ”. Đoạn văn ngắn nhưng tác giả sử dụng hàng loạt biện pháp nghệ thuật so sánh, phóng đại trùng điệp, liên tiếp nhau để làm nổi bật vẻ đẹp hình thể của Đăm Săn. Qua đó thể hiện tình cảm yêu quý, kính trọng và ngợi ca vẻ đẹp của chàng, đồng thời cũng là sự khẳng định vẻ đẹp sức mạnh của cộng đồng.
Không chỉ đẹp về ngoại hình, Đăm Săn còn hội tụ đầy đủ trong mình phẩm chất anh hùng, phẩm chất đó được thể hiện rõ trong trận chiến với Mtao Mxây. Mtao Mxây cướp vợ Đăm Săn trong khi chàng đang đi làm nương cùng bà con trên rẫy. Khi trở về buôn, Đăm Săn dẫn mọi người đến buôn làng của Mtao Mxây để khiêu chiến. Trước thái độ ngạo mạn, khiêu khích của Mtao Mxây: “Tay ta đang còn bận ôm vợ hai chúng ta ở trên nhà này cơ mà”, Đăm Săn càng tỏ ra kiên quyết, mạnh mẽ hơn: “Xuống ngay, diêng! Xuống, diêng”. Thái độ của chàng vô cùng dứt khoát, dồn kẻ thù vào cuộc giao đấu, chàng quyết sống chết với Mtao Mxây một trận để phân chia thắng bại. Đăm Săn và Mtao Mxây trải qua hai hiệp đấu. Mỗi hiệp chàng lại hiện lên với một vẻ đẹp khác nhau. Hiệp thứ nhất, chàng múa những đường khiên vô cùng đẹp mắt: “Đăm Săn rung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía Đông, vun vút qua phía Tây”. Thủ pháp phóng đại đã cho thấy sức mạnh, vẻ đẹp phi thường của Đăm Săn. Càng về sau sức mạnh của Mtao Mxây càng yếu, hắn yêu cầu Hơ Nhị ném cho mình thêm miếng trầu để gia tăng sức mạnh, nhưng Đăm Săn đã nhanh chóng đoạt được miếng trầu, khiến cho sức mạnh của chàng tăng lên gấp bội. Sự xuất hiện của miếng trầu và người vợ có ý nghĩa đặc biệt với Đăm Săn. Hơ Nhị là vợ chính thức của chàng, bởi vậy, miếng trầu ném ra Đăm Săn bắt được chính là tình yêu tiếp sức cho chàng, để Đăm Săn phóng giáo trúng đùi Mtao Mxây. Nhưng áo giáp của Mtao Mxây không thủng, khiến cho Đăm Săn thấm mệt, chàng vừa chạy vừa ngủ và nằm mơ thấy ông Trời. Trong giấc mơ ông Trời đã chỉ ra lý do vì sao chàng chưa chiến thắng được Mtao Mxây và đưa ra giải pháp cho chàng. Ông Trời là nhân vật trở thủ thứ hai giúp đỡ cho chàng, chi tiết này cho thấy cuộc chiến đấu của Đăm Săn là chính nghĩa bởi vậy nên không chỉ nhận được sự ủng hộ của con người mà còn nhận được sự trợ giúp của các thế lực siêu nhiên. Đăm Săn choàng tỉnh và tiếp tục chiến đấu với Mtao Mxây. Cuối cùng chàng đã giành được thắng lợi vẻ vảng, khiến cho Mtao Mxây phải sợ hãi rúc vào chuồng lợn xin hàng. Cuộc chiến với Mtao Mxây càng cho ta thấy rõ sự anh dũng, sức mạnh phi thường của chàng Đăm Săn.
Không chỉ là một anh hùng, Mtao Mxây còn là người có lòng nhân hậu và đức khoan dung. Trong đoạn trích cũng như toàn bộ tác phẩm ta thấy rằng không có chi tiết nào nói về việc Đăm Săn đi cướp bóc của buôn làng khác. Chàng đến buôn làng của Mtao Mxây mục đích là để đòi lại vợ. Sau khi giết chết Mtao Mxây, dân làng không còn ai đứng đầu, họ cần một tù trưởng để dẫn dắt, cần một cộng đồng để chung sống. Bởi vậy, Đăm Săn mới ra lời ướm hỏi và kêu gọi họ: “Ơ nghìn chim sẻ, ơ vạn chim ngói! Ơ tất cả tôi tớ bằng này! Các ngươi có đi với ta không?”. Chàng còn gõ vào mạch, vào phên từng nhà trong làng. Những cử chỉ hành động đó cũng đủ cho thấy sự chân thành của chàng. Đáp lại sự chân thành đó, dân làng: “Không đi sao được, làng chúng tôi phía bắc đã mọc cỏ gấu, phía nam đã mọc cỏ hoang, người giàu cầm đầu chúng tôi nay đã không còn nữa”. “Đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến, như mối. Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước”. Không khí trở về tấp nập, nhộn nhịp, buôn làng của Đăm Săn càng trở nên vững mạnh, giàu có và thịnh vượng hơn.
Ngoài ra, cũng cần thấy rằng Đăm Săn còn là người trọng tình nghĩa, ghi nhớ công ơn tổ tiên và những người đã ngã xuống. Mặc dù đoạn trích không miêu tả cảnh đổ máu, nhưng chắc chắn rằng trong trận đấu đó đã có rất nhiều người ngã xuống. Bởi vậy lễ cúng người mất và thần linh để tưởng nhớ và biết ơn những người đã hi sinh vì nghĩa lớn đã được tổ chức. Lễ vật dâng cúng thần, tổ tiên vô cùng long trọng và hậu hĩnh để cầu sức khỏe, bình yên và sự thịnh vượng. Sau đó lễ ăn mừng chiến thắng cũng diễn ra hết sức long trọng, tưng bừng: tiếng cồng chiêng vang lên khắp nơi, người đến từ bốn phương, chật ních. Ai cũng được đón tiếp long trọng, ăn uống no say thỏa thích.
Xây dựng nhân vật Đăm Săn tác giả dân gian đã sử dụng linh hoạt các biện pháp so sánh, phóng đại để làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh phi thường của chàng. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật hết sức linh hoạt, giàu kịch tính, những câu yêu cầu, mệnh lệnh, lời kêu gọi tạo nên không khí hùng tráng cho toàn bộ thiên truyện.
Qua đoạn trích ta có thể thấy Đăm Săn là một người anh hùng, hội tụ những phẩm chất đẹp đẽ nhất: trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình, chiến đấu không chỉ để cứu vợ mà còn nhằm mục đích cao cả hơn đó là làm cho cuộc sống của mọi người được ấm no, hạnh phúc. Ta có thể thấy Đăm Săn là hội tụ vẻ đẹp, tài năng, sức mạnh và ý chí của cộng đồng, dân tộc.
Bài làm mẫu 2
Sử thi "Đăm Săn" là một tác phẩm vô cùng quen thuộc với cộng đồng người Ê-đê nói riêng và người Việt nói chung. Bằng sự sáng tạo tài tình cùng trí tưởng tượng độc đáo, tác giả dân gian đã khắc họa thành công nhân vật Đăm Săn - người anh hùng của cộng đồng tài giỏi, oai dũng. Những phẩm chất tốt đẹp ấy còn thể hiện một cách rõ nét trong đoạn trích "Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây".
Sau khi biết tin Hơ Nhị bị bắt đi, Đăm Săn quyết định tìm đến nhà Mtao Mxây để cứu vợ về. Tại đây, một cuộc giao chiến gay cấn đã diễn ra. Cuối cùng, nhờ sức mạnh cùng bản lĩnh lớn lao, Đăm Săn giành chiến thắng rực rỡ, giết hạ được Mtao Mxây, thu về rất nhiều tôi tớ và của cải. Có thể thấy, các tác giả dân gian thật khéo léo khi khắc họa vị tù trưởng Đăm Săn tài ba thông qua cuộc giao chiến. Từ đây, Đăm Săn hiện lên thật nổi bật với bao phẩm chất tốt đẹp.
Trước hết, Đăm Săn là một người có ngoại hình khỏe khoắn, vóc dáng vạm vỡ. Thân thể cường tráng của chàng làm dân làng không khỏi ngưỡng mộ "Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đục". Nhìn vào thân hình to lớn ấy, người ta còn cảm nhận được phong thái uy dũng, khí phách của người anh hùng "sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre".
Bên cạnh vẻ đẹp ngoại hình, Đăm Săn còn mang trong mình những phẩm chất quý giá. Đứng trước thử thách, chàng không hề luồn cúi hay lo sợ. Ở chàng, người ta thấy được sự tự tin, bản lĩnh lớn lao. Ngay khi vừa tới nhà Mtao Mxây, không đợi hắn mở lời, chàng đã đưa ra thách đấu "Ta thách nhà ngươi đọ dao với ta đấy". Khi thấy Mtao Mxây từ chối, chàng mạnh mẽ khẳng định "Ngươi không xuống ư? Ta sẽ lấy cái sàn hiện của nhà ngươi ta bổ đôi,...". Lời lẽ khí phách vừa làm Mtao Mxây lo sợ "Khoan, giếng, khoan!" vừa tô đậm uy quyền của vị tù trưởng. Chàng chỉ nói vài câu mang tính thách đố đã làm Mtao Mxây hoảng hốt mà nghe theo. Đặc biệt, sự uy dũng cùng sức mạnh phi thường ở chàng còn được bộc lộ rõ nét trong cảnh giao chiến. Đối ngược với một Mtao Mxây yếu kém "múa kêu lạch xạch như quả mướp khô", Đăm Săn luôn có những hành động nhanh gọn, dứt khoát, mạnh mẽ "Mỗi lần xốc tới, chàng vượt một đồi lồ ô". Từng động tác ở chàng như mang sức mạnh lớn lao "Múa trên cao, gió như bão, múa dưới thấp, gió như lốc". Mỗi lần "vung tay nhấc chân", chàng lại thể hiện được vô vàn năng lực. Dù là múa dưới thấp hay trên cao, chàng đều tỏ ra thành thục và dũng mãnh. Cuối cùng, sau khi nhận gợi ý từ ông Trời, Đăm Săn đã nhanh nhẹn dùng cái chày mòn ném trúng vành tai Mtao Mxây, giết chết hắn tại chuồng trâu. Như vậy, qua chi tiết này, ta còn thấy được sự thông minh, nhanh trí ở người anh hùng cộng đồng.
Chiến thắng trong cuộc giao chiến, Đăm Săn thu về rất nhiều của cải và tôi tớ của Mtao Mxây. Nhờ bản lĩnh phi thường, khí thế oai dũng, chàng đã để lại dấu ấn sâu đậm cho dân làng. Vì thế, ngay khi Đăm Săn ngỏ lời "Các ngươi có đi với ta không?" thì nhân dân đều đồng lòng một lời "Không đi sao được". Có thể thấy, cộng đồng vô cùng ngưỡng mộ, yêu quý người anh hùng tài giỏi này. Không chỉ vậy, khung cảnh ăn mừng náo nhiệt, vui tươi tại nhà Đăm Săn đã khẳng định sự sung túc, giàu có của chàng. Như vậy, lúc này đây, Đăm Săn thật nổi bật với vị trí người đứng đầu bản làng - vị tù trưởng tài giỏi, uy quyền.
Để có thể khắc họa thành công nhân vật, tác giả dân gian đã sử dụng những hình thức nghệ thuật đặc sắc. Đầu tiên, tác giả dân gian đã rất dựng công trong việc sử dụng hình ảnh thiên nhiên kết hợp với biện pháp so sánh, phóng đại nhằm miêu tả vẻ đẹp ở Đăm Săn "đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch", "sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy". Bên cạnh đó, sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ của người kể sử thi và ngôn ngữ của nhân vật cũng góp phần làm nổi bật đặc điểm về tính cách, hành động ở nhân vật. Từ đó, bộc lộ thái độ yêu mến, ngưỡng mộ, ngợi ca đối với Đăm Săn.
Qua đoạn trích "Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây", ta lại thêm khâm phục sự sáng tạo tài ba của người xưa trong việc xây dựng nhân vật anh hùng Đăm Săn với các vẻ đẹp, phẩm chất lí tưởng. Đồng thời, đoạn trích còn cho thấy những khát khao về người đứng đầu tài giỏi, có bản lĩnh, ý chí phi thường. Đây cũng chính là mong ước chung của con người ở mọi thời đại.
Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn
Nguyễn Dữ là một trong những tác gia nổi tiếng của nền văn học Việt Nam thời kỳ trung đại. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của ông có độ phổ biến với công chúng hết sức sâu sắc. Văn phong của tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nội dung mang giá trị tư tưởng cao. Tác phẩm có nhiều yếu tố kỳ ảo nhưng những câu chuyện lại rất hiện thực, gần gũi với đời sống con người và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trong tác phẩm lớn đó có câu chuyện về Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mang ý nghĩa lớn về sự đấu tranh giành công lý trong cuộc đời.
Ngô Tử Văn là nhân vật tư tưởng của Nguyễn Dữ, xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn, Nguyễn Dữ lấy điểm nhìn từ hiện thực đời sống khách quan, tuy có chút tô vẽ, thêm thắt, biến tướng cho thêm một số yếu tố tưởng tượng kì ảo vào trong tác phẩm nhưng nhìn chung tất cả đều nằm trong sự tính toán của Nguyễn Dữ. Tất cả đều để nói lên tinh thần và ý nghĩa của câu chuyện.
Ngôi làng của Ngô Tử Văn đang sinh sống có một ngôi đền rất linh thiêng nhưng từ lâu lại trở thành nơi ngự trị bất khả xâm phạm của một tên yêu quái giặc phương Bắc chỉ biết tác oai hại nhân dân. Biết chuyện và tìm hiểu rõ sự tình, Ngô Tử Văn căm phẫn vô cùng. Ông lo cho dân, sợ nhân dân bị quấy nhiễu ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Ông suy nghĩ về hành động trừ yêu diệt quái để bảo vệ cuộc sống nhân dân, trả lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc, thanh bình vốn có của nhân dân. Suy nghĩ nát nước chẳng có cách nào hiệu quả, cuối cùng Ngô Tử Văn cũng tìm ra một cách, người trần mắt thịt đấu với yêu ma không phải là chuyện dễ dàng, dù biết việc này rồi sẽ kéo theo hệ lụy nhưng kiên định không nhụt chí, Ngô Tử Văn hạ quyết tâm tiêu diệt tên yêu quái đến cùng. Ngô Tử Văn đưa đến quyết định đốt đền, nơi trú ngụ hiện tại của tên yêu quái, làm mất nơi ở của hắn, đe nạt hắn chừa thói ức hiếp dân lành. Và rồi “một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”. Đền chùa là nơi linh thiêng, việc đốt đền quả thực không phải cách hay nhưng trong tình thế hiện tại, đó lại là biện pháp hữu hiệu duy nhất. Và việc làm đó là xuất phát từ mục đích cứu dân, Ngô Tử Văn dám nghĩ và dám hành động và cũng dám nhận trách nhiệm, liệu trong cuộc đời ai có bản lĩnh được như Tử Văn.
Tuy làm việc tốt nhưng Ngô Tử Văn lại bị gặp nguy, tên yêu quái giặc phương Bắc không những không ngộ nhận ra vấn đề, mà vẫn còn tìm cách để mưu hại lại Ngô Tử Văn, có hành động trả thù, sau khi đốt ngôi đền,Tử Văn ốm nặng rồi “thấy hai tên quỷ sứ đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài thành vế phía đông” bị kéo xuống dưới chốn âm cung cho Diêm Vương xử kiện do tên yêu quái tướng giặc thủ đoạn tàn bạo, vu oan ngược cho Tử Văn, kêu cầu Diêm Vương định tội cho Ngô Tử Văn bằng những lời lẽ không thực.
“Cây ngay không sợ chết đứng”. Với bản tính kiên cường, không dễ bị khuất phục, với bản lĩnh dám nói dám hành động, một lòng hướng về công lý, đấu tranh cũng vì công lý và lẽ phải, Ngô Tử Văn đã dõng dạc kể lại toàn bộ sự thật minh chứng cho mọi người biết việc làm chính nghĩa của mình. Và cuối cùng, công lý đã thuộc về Ngô Tử Văn, trời quả là không phụ lòng người.
Sau khi được giải oan, Ngô Tử Văn trở về nhà chưa được 1 tháng thì Thổ công đến bảo Tử Văn nên nhậm chức phán sự ở đền Tản Viên. Thổ công nói khuyên răn Ngô Tử Văn: “người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau” và khuyên Văn nên nhận. Và Ngô Tử Văn cũng nhận lời, việc được nhận chức ở đền Tản Viên đã nói lên thắng lợi của Ngô Tử Văn trong cuộc đấu tranh tên yêu quái ngang ngược. Cái thiện lên làm chủ cuộc sống, làm chủ cuộc đời. Đó cũng chính là nguồn dẫn cho hạnh phúc trên thế gian.
Thắng lợi của Ngô Tử Văn với tên yêu quái ngang ngược là hết sức có ý nghĩa. Điều đó khẳng định sự tồn tại và là sự bất khả xâm phạm của chính nghĩa trên đời. Chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà. Dù có khó khăn thì công lý cũng sẽ chiến thắng tất cả. Mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách rèn giũa và tôi luyện thêm ý chí và bản lĩnh con người. Có trải qua khó khăn, con người mới càng nhìn nhận thiết thực hơn về hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống, biết trân trọng cuộc sống nhiều hơn nữa. Nguyễn Dữ đang muốn gửi gắm ước nguyện về một anh hùng của chính nghĩa sẽ đứng lên bảo vệ cho đất nước, nhân dân như cách mà Tử Văn đã bảo vệ dân làng trước tên yêu quái phương Bắc. Đó chính là cách thể hiện tình yêu nước và sự lo lắng cho nhân dân một cách thầm kín của Nguyễn Dữ.
Sự đấu tranh của Ngô Tử Văn với cái xấu, cái ác là đáng khen ngợi, là điều đáng quý, đáng khâm phục vô cùng. Chiến thắng này chính là soi rọi hơn niềm tin về sự công bình, công lý trong xã hội, mang đến sự tin yêu về cuộc sống cho con người. Công lý luôn được thực thi.
Phân tích nhân vật Thần Trụ Trời
Thần Trụ Trời là một truyện thuộc thể loại truyền thuyết, kể về quá trình hình thành nên trái đất như hiện tại. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những giả thiết của con người và chưa được kiểm định chính xác. Tuy nhiên, Thần Trụ Trời lại xây dựng được hình ảnh nhân vật vô cùng xuất sắc, trong bức tranh tưởng chừng vĩ đại ấy lại chỉ xuất hiện một vị thần.
Thần Trụ Trời là câu chuyện kể về quá trình tạo nên vạn vật trên trái đất của Thần Trụ Trời. Ban đầu, khi thế giới vẫn còn hoang sơ, đó là thời gian vô cùng xa xôi mà chẳng ai biết được. Thần Trụ Trời xuất hiện trong hoàn cảnh đó. Thần xây cột tách trời với đất, lại đập vỡ nó tạo ra những núi đồi, sông, biển,… Đó chính là thời gian mà nhiều người sau này gọi bằng cái tên “khai thiên lập địa”.
Thần Trụ Trời được tác giả xây dựng thông qua hai phần là hình dáng và công việc của người. Thần được miêu tả là có vẻ ngoài vô cùng to lớn, thậm chí một khoảng không còn chật chội vì sự xuất hiện của thần. “Thần cao lớn vô cùng, chân dài không sao tả xiết, mỗi bước đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi này sang núi kia”. Hình ảnh vị thần được các tác giả dân gian dùng phép phóng đại để miêu tả về một con người mang trong mình sức mạnh phi phàm và tầm vóc vĩ đại. Thông qua hình ảnh này, người sáng tác cũng thể hiện được ước mơ của nhân dân thời đó, mong muốn sức mạnh có thể đứng trên cả thiên nhiên. Sau khi xuất hiện, vị thần ấy có lẽ cũng cảm thấy đơn độc. Người được tác giả miêu tả ngồi lặng đi rất lâu, sau đó mới nhìn lên như cảm nhận được gì và bắt đầu làm việc.
Về công việc của Thần Trụ Trời, người thực hiện những công việc trái ngược khiến người đọc khá khó hiểu. Thần xây cột đá chống trời, nhưng lại phá nó đi để tạo thành núi đá, sông và biển. Có lẽ đó chính là một nét tương phản trong chính con người của vị thần, bởi giữa không gian rộng lớn chỉ có sự cô đơn làm bạn. Những công việc của Thần đều mang quy mô, tầm cỡ rộng lớn. Mà những công việc đó, ngày xưa và đến cả ngày nay, con người cũng chưa thể làm được. Thần còn được miêu tả rõ hơn về khi làm việc: “khuân đá, đắp cột, hì hục đào đắp”. Đó như một người công nhân chăm chỉ, sáng tạo. Kết quả của tất cả những việc làm ấy chính là bầu trời được tách ra khỏi mặt đất, đồi núi, sông biển bắt đầu xuất hiện. Từ đây, ta cũng có thể thấy được sức mạnh phi thường mà người xưa ao ước dấu trong sức mạnh của vị thần dũng mãnh.
Những công việc nhỏ và chi tiết khác cũng được thần Trụ Trời tỉ mỉ thực hiện. Đó là hình ảnh: “ Ông đếm cát, Ông tát bể, Ông trồng cây, Ông xây rú”. Đây không chỉ là những việc yêu cầu sức lao động nữa, nó còn cần cả sự tỉ mỉ của người thực hiện. Qua đây, tác giả thể hiện chính là sức mạnh đoàn kết như một người khổng lồ của nhân dân, cùng nhau làm việc, cùng nhau khai khẩn.
Chúng ta đều biết, Thần Trụ Trời chỉ là một trong những giả thiết có phần hư cấu của nhân dân lao động. Những chi tiết miêu tả Thần ngồi không đếm thời gian, xây cột rồi phá cột,… đều thể hiện được sự hồn nhiên của những con người chất phác bấy giờ. Mạch truyện cũng được tác giả khai thác rất hợp lý, từ khi thần xuất hiện cho đến khi trái đất được tạo thành. Nó cũng thể hiện được khát khao, ước mơ của người xưa và đề cao trí tưởng tượng của con người. Thông qua hình ảnh thần Trụ Trời, tác giả cống bày tỏ sự ngưỡng mộ đến những người nông dân đã tạo ra được những hình ảnh như hiện nay.
Giống như hầu hết những truyện truyền thuyết mang yếu tó kì ảo khác, Thần Trụ Trời là một tác phẩm thể hiện sức mạnh phi thường của các vị thần qua hình ảnh Thần Trụ Trời. Qua đó, nhân dân thể hiện được ước mơ của mình, cũng ngợi ca những hình ảnh con người xuất hiện trong bức tranh thiên nhiên vô cùng vĩ đại.
Phân tích nhân vật Xúy Vân
Chèo là một loại hình sân khấu dân gian kết hợp nghệ thuật hát, múa, diễn rất hài hoà. Các làn điệu chèo rất phong phú, đa dạng; lời chèo thấm quyện ca dao, dân ca một cách tài tình. Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian lâu đời của dân tộc ta.
Những vở chèo như “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Chu Mãi Thần”, “Kim Nhan”… rất nổi tiếng, được các thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta yêu thích. Sau mùa gặt bội thu hay đầu xuân, nhiều làng quê mở hội chèo, tiếng trống chèo rung lên sau luỹ tre xanh, gợi lên bao xao xuyến trong lòng người:
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay… ”
(Nguyễn Bính)
Chèo là một loại hình sân khấu dân gian kết hợp nghệ thuật hát, múa, diễn rất hài hoà. Các làn điệu chèo rất phong phú, đa dạng; lời chèo thấm quyện ca dao, dân ca một cách tài tình.
Những trích đoạn như “Thị Mầu lên chùa ”, “Xuý Vân giả dại ”, “Thị Phương dắt mẹ chồng chạy giặc”, “Tuần Ty gặp đào Huế”… được nhiều người yêu thích, xem mãi vẫn muốn xem, không chán.
Trích đoạn “Xuý Vân giả dại” nằm trong phần hai vở chèo “Kim Nhan”. Xa chồng lâu ngày, Xuý Vân dan díu với Trần Phương, bị dụ dỗ, nàng giả điên giả dại, lập mưu để Kim Nhan li dị. Với ánh mắt bốc lửa, tiếng hát đắm say, với bước đi, điệu lượn, cánh tay múa… như điên cuồng, nhân vật Xuý Vân từng để lại nhiều ấn tượng về lửa tình, về bi kịch tình yêu trong lòng khán giả. Nhiều nghệ sĩ chèo đã thành danh qua vai chèo “Xúy Vân giả dại”.
Mấy câu mở đầu, Xuý Vân xuất hiện (chưa xưng danh) từ nói lệch, đến hát xuôi, cô nàng quay cuồng với tâm trạng dở tỉnh dở điên, dở ngây dở dại. Cất tiếng than bà Nguyệt (trách duyên số) rồi réo cô đồng, rồi cất tiếng hát nói về con đò, con đò tình duyên của một cô gái chờ chồng, đợi chồng đi xa:
“Tôi là đò, đò nhỏ có thưa
Tôi càng chờ, càng đợi, càng trưa chuyển dò”.
Buồn và lo vì tuổi xuân sẽ trôi qua, như kẻ đứng trên bến vắng chờ đò “càng trưa chuyến đò” Những câu hát tiếp theo là những câu thơ lục bát phá thể, biến thể, thể hiện tâm trạng đầy bi kịch của người con gái đã có chồng (như gông đeo cổ) nên phải “lụy dò” lúc muốn “qua sông”, muốn dứt bỏ mối duyên tình cũ:
Chẳng nên gia thất thì về
Ở làm chi nữa chúng chê bạn cười”
Chẳng cần chi úp mở, cô gái thổ lộ mối tình “gió giăng ” của mình, với niềm tin sẽ cùng với tình nhân “gió giăng” sống đến đầu bạc răng long, trọn vẹn “đạo hằng” thuỷ chung:
“Gió giăng thì mặc gió giăng
Đôi ta chỉ quyết đạo hằng với nhau”
Tâm trạng “nổi loạn” ấy của Xuý Vân cho đến nay vẫn còn làm cho nhiều khán giả ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Phải chăng đó là sự “bứt phá” đạo tam tòng tứ đức lễ giáo phong kiến của một người con gái đang “nổi loạn ”?
Sau tiếng hỏi của vai diễn và tiếng đế hô ứng của khán giả, Xúy Vân mới xưng danh:
“Chẳng giấu gì: tôi tên gọi Xuý Vân
Lấy Kim Nhan nhà khó gian truân
Chồng học vắng thầy ngày mong mỏi
Tôi ngồi từ tối Đợi khách tha nhang
Gái phải nằm hàng
Nghề dại dột… nhưng tài cao vô giá
Thiên hạ đồn tôi hát hay đã lạ"
Ai cũng gọi là cô ả Xuý Vân Phụ Kim Nhan say đắm Trần Phương Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại… ”
Rồi Xuý Vân cất điệu “hát con gà rừng” thể hiện một duyên phận trớ trêu, khác nào “Con gà rừng ăn lẫn với công”, vô duyên lấy phải anh chồng vai u thịt bắp, sống cuộc đời lam lũ: “Để anh đi gặt lúa, để cô nàng mang cơm”. Xuý Vân tự cho mình là con quan, cao môn lệnh tộc, còn Kim Nhan là con nhà nghèo hèn, cục mịch tầm thường.
Rồi nàng lại chuyển sang “hát xe chỉ” diễn tả tâm trạng mong nhớ “đợi chờ tình nhân”, ước ao khát khao muốn được cùng Trần Phương sống trong tình yêu hạnh phúc “Áo giải làm chiếu, chăn quây làm mùng”. Hát rồi nói, bộc lộ một tâm trạng cô đơn của cô gái đa tình:
“Tôi thương nhân ngãi
Tôi nhớ nhân tình
Đêm năm canh trằn trọc hoà năm
Than rằng nhân ngãi cựu tình đi đâu”?
Đoạn “hát ngược ” đã thể hiện tâm trạng trăm mối tơ vò của một cô gái giả dại mà ngọn lửa tình ngùn ngụt, mà nỗi khao khát dục tình cháy bỏng khôn nguôi. Giả dại, giả điên hay hóa cuồng? Ngược đời trong tự nhiên cũng là nghịch lí trong tâm trạng người con gái đa tình mà thất tình: “Muỗi ấp cánh dơi… Cái trứng gà mày tha con quạ lên ngồi trên cây…”
Rồi Xuý Vân như chợt bừng tỉnh, giải thích rõ cái dại, cái rồ, cái điên của mình:
“Rồi này ai bán thì mua
Dại này ai thấy không mơ mẩn tình
Lúc thì giả cách làm thinh
Lúc thì giả dại ra hình làm điên
Lúc thì tưởng đến nhân duyên
Cho nên đến nỗi phát điên, phát rồ”.
Trần Phương đã qua mụ quán xúi Xuý Vân giả dại để thoả tình giăng gió, gió giăng. Phải xem chèo và nghe chèo mới cảm thấy cái hay màn chèo “Xuý Vân giả dại”. Trích đoạn này đã làm nổi bật tâm trạng đau khổ của một cô gái đa tình mà thất tình, muốn dứt bỏ, đập phá mối quan hệ vợ chồng với Kim Nhan để chạy theo mối tình mới với Trần Phương – một Sở khanh mà nàng đâu biết.
Nỗi khát khao về tình yêu hạnh phúc lứa đôi, nỗi buồn cô đơn của người vợ trẻ trong cảnh ngộ “thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây” của Xuý Vân là điều có thể cảm thông và thương cảm. Xuý Vân giả dại là khởi đầu của một sự trượt dốc để không bao lâu thân tàn ma dại trở thành hành khất, rồi bị điên, rồi tự tử. Cái kết cục bi thảm đó đã làm cho cảm hứng nhân đạo thấm sâu vai chèo, màn chèo. Cái bánh vẽ tình yêu mà Trần Phương trao cho Xuý Vân, nàng tưởng là ngọt ngào nhưng vô cùng cay đắng.
Màn chèo Xuý Vân giả dại đã thể hiện sâu sắc quan niệm của nhân dân về tình yêu lứa đôi, về sự đau khô dại khờ trong tình yêu lứa đôi. Câu hỏi được đặt ra: “Thế nào là tình yêu hạnh phúc gia đình chân chính?” cứ xoáy sâu mãi vào những người yêu thích chèo Kim Nham.