Phân tích bài thơ Những con đường của Lưu Quang Vũ Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm thơ lớp 11
Phân tích bài thơ Những con đường của Lưu Quang Vũ mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.
Những con đường của Lưu Quang Vũ là tác phẩm rất hay đã cho người đọc thấy được tình yêu quê hương, đất nước của tác giả. Để hiểu rõ hơn về bài thơ mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu phân tích Những con đường trong bài viết dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu cảm nhận về tình cảm nhân vật trữ tình trong bài thơ Áo cũ.
Phân tích Những con đường của Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ là hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỷ XX và cũng là nhà soạn kịch tài năng nhất của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm nghệ thuật của ông đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Thơ ca của Lưu Quang Vũ không chỉ giàu cảm xúc, nỗi niềm trăn trở mà còn rất bay bổng. Sự nghiệp sáng tác của ông vô cùng phong phú ở nhiều thể loại. “Những con đường” là bài thơ nổi bật trong sự nghiệp cầm bút của ông, bài thơ là lời gửi gắm tình yêu quê hương cùng những suy ngẫm của Lưu Quang Vũ về quê hương đất nước.
“Anh nhớ không những con đường quê ta
Thân thương từ thuở nhỏ ?
...
Đi ra tiền tuyến xa gần...
Con đường nào anh đang hành quân”
Bài thơ “những con đường” được tác giả Lưu Quang Vũ sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt và có sự ảnh hưởng lớn từ thời chiến tranh và hậu chiến tranh. Lưu Quang Vũ sinh ra trong giai đoạn cuối cùng của những cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông là người trực tiếp trải qua những biến cố của thời kỳ này khi mà xã hội đang chịu ảnh hưởng lớn, chịu những đau khổ mất mát trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy bài thơ “những con đường” viết vào năm 1970 khi cuộc chiến tranh diễn ra dữ dội.
“Anh nhớ không những con đường quê ta
Thân thương từ thuở nhỏ ?
Bao năm tháng đi về trên ngõ
Bao hoàng hôn rậm rịch bước chân trâu
Đường lập loè đom đóm bay cao
...
Mưa dầm lầy lội bùn trơn
Bà lưng còng chống gậy bước run
Còm cõi vai gầy gánh nặng
Sương trắng mùa đông ngõ vắng
Quét hoài không hết lá khô...”
Nhà thơ Lưu Quang Vũ tái hiện lại con đường quê hương một cách sống động với những hình ảnh quen thuộc trên ngõ xóm nhỏ. Đó là đom đóm lập lòe, hoa sữa, vườn cau, mái nhà tranh, lúa vàng non xanh bạt ngàn, của chim sáo,... Tác giả đã giành những tình cảm chân thành nhất cho quê hương của mình và những người dân nơi đây. Nhà thơ đã dùng từ ngữ thân thương da diết: “hương dịu”, “ôi những con đường hẹp ngày xưa”, “con đường quê hương”, “con đường yêu thương” để thể hiện tình yêu của mình đối với quê hương với con đường làng quen thuộc. Nhớ lại những kỉ niệm gắn bó trong những năm chiến tranh khốc liệt. Đó là hình ảnh “mưa dầm lầy lội”, “vai gầy gánh nặng”, “hun hút bờ tre gió rét”. Đó là những hoài niệm về cuộc sống của những người dân nghèo khổ lam lũ, của chiến tranh khói lửa, của biết bao làng quê nghèo các dải đất Việt Nam.
“Ôi những con đường hẹp ngày xưa
Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt
Khiến lòng người nhiều khi cũng chật...
Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng
Bước đi dài đường phải thênh thang
Vui mở với đời ta như trời rộng”
Con đường cũ nhỏ và hẹp cũng khiến lòng người “nhiều khi cũng chật”. Những câu thơ trên thể hiện ước mơ về một ngày mai với những điều tốt đẹp. Ngày mai “rộng biển lúa vàng”, “bước đi dài đường phải thênh thang”, ai cũng vui vẻ hớn hở đón nhận diện mạo mới.
“Những sớm đắp đường ai cũng thấy yêu nhau
Ta san bụi bờ, ta lấp mảnh ao
Để nhường chỗ đường qua làng thẳng lối
Bà con vui lòng góp vườn riêng cam bưởi
Góp một mảnh sân, một góc chái nhà
...
Lại bụi điền thanh nở cánh vàng...”
Con đường nhỏ và hẹp xa xưa nay được mở rộng thênh thang đẹp đẽ. Sự thay đổi của quê hương là sự góp sức của tất cả bà con. Người góp “vườn riêng cam bưởi”, “góp một mảnh sân, một góc chái nhà”, “góp cả phần ngõ nhỏ của đôi ta” tất cả vì một mục đích, một mục tiêu chung đi một con đường mới với nhiều niềm vui mới. Những khó khăn trong quá khứ không làm mất đi sự tình nguyện tương thân tương ái giúp đỡ của bà con. Tác giả đã miêu tả chân thực những ngày đất đường “san bụi bờ” nhường chỗ cho con đường làng mới. Cảnh tượng đàn trâu hợp tác đi trên con đường mới mở rộng thêm sự đoàn kết và chung sức của cộng đồng.
Con đường quê hương, con đường yêu thương
Nối với vạn nẻo đường đất nước
Náo nức ngày đêm xe xuôi xe ngược
Đi ra tiền tuyến xa gần...
Con đường nào anh đang hành quân?
Kết thúc bài thơ Lưu Quang Vũ mở ra một con đường mới rộng lớn xanh ngắt đẹp tuyệt vời, nối với vạn nẻo đường đất nước. Con đường là nơi gửi gắm bao tình cảm của bà con, là tài sản chung của một cộng đồng nơi của tình thương yêu, tình thương ái.
Trong bài thơ Lưu Quang Vũ đã sử dụng ngôn ngữ tượng trưng, hình ảnh mạnh mẽ nhưng rất đỗi giản dị chân thực để miêu tả cuộc sống và tình hình xã hội. Ông sử dụng hình ảnh “con đường”- hình ảnh đặc trưng nơi in dấu chân cũng như những vết thương của chiến tranh để lại. Qua bài thơ Lưu Quang Vũ thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó dành cho quê hương cho con đường làng của mình. Đó là một thái độ trân trọng và tự hào về công lao, về tấm lòng của con người Việt Nam chung sức đồng lòng vì một mục tiêu chung. Bài thơ truyền tải thông điệp về sự đoàn kết, về tình người và sự nhiệt tình của những người dân quê hương. Từ những hình ảnh và giá trị cao đẹp đó bài thơ cũng truyền tải thông điệp quý giá của những giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp của cuộc sống quê hương giúp người đọc nhận thức được giá trị và ý nghĩa của quê hương. Đồng thời khơi gợi lòng yêu nước, tình yêu sự tôn trọng đối với những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước.
Bài thơ “những con đường” là sáng tác tiêu biểu của Lưu Quang Vũ. Ông đã dùng tiếng thơ của mình để gợi lên trong lòng người đọc bao cảm xúc tình cảm về quê hương. Bài thơ khơi gợi trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương của mình, trách nhiệm cống hiến xây dựng quê hương ngày càng phát triển và vươn xa. Có như vậy con người mới thoát khỏi cảnh nghèo khổ cơ cực, xây dựng một xã hội phát triển cho thế hệ tương lai.