Văn mẫu lớp 10: Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm 3 Dàn ý & 17 bài phân tích bài Nhàn
Phân tích Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đến 17 bài văn mẫu khác nhau cực hay, đạt điểm cao của các bạn học sinh giỏi kèm theo 3 gợi ý cách viết. Qua 17 bài phân tích bài thơ Nhàn các bạn có thêm nhiều gợi ý ôn luyện trau dồi kiến thức để biết cách viết bài văn phân tích thơ hay.
Phân tích bài thơ Nhàn cực hay dưới đây được viết với văn phong rõ ràng dễ hiểu gồm cả bài ngắn gọn và đầy đủ. Qua đó chúng ta cảm nhận được quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm sống với thú vui lao động, hòa hợp với thiên nhiên xa lánh vòng danh lợi. Ngoài ra các em xem thêm: Dàn ý phân tích bài thơ Nhàn, cảm nhận bài thơ Nhàn và nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 10.
Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
- 1. Dàn ý phân tích bài thơ Nhàn
- 2. Phân tích bài thơ Nhàn (2 Mẫu)
- 3. Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
- 4. Phân tích Nhàn Nguyễn Bỉnh Khiêm (14 Mẫu)
1. Dàn ý phân tích bài thơ Nhàn
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đa tài, sống trong xã hội đầy bất công ông suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống con người, quyết cầm bút lên để chiến đấu với gian tà.
- “Nhàn” là bài thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện rõ quan niệm sống của tác giả.
II. Thân bài
- Hai câu đề:
“Một mai/một cuốc/một cần câu
Thơ thẩn dầu ai/ vui thú nào”
+ Nhịp điệu những câu thơ đầu tạo cảm giác thư thái, ung dung
+ Bằng cách sử dụng những vật dụng quen thuộc của người dân lao động cho thấy cảnh nghèo khó nhưng an nhàn, thanh bình biết bao.
+ Tâm trạng của nhà thơ là tâm trạng của một kẻ sĩ “an bần lạc đạo” vượt lên trên nỗi lo lắng bon chen của đời thường để tìm đến thú vui của ẩn sĩ.
- Câu thực:
- Cách sử dụng phép đối: dại >< khôn, nơi vắng vẻ >< chốn lao xao cho thấy được sự khác nhau giữa lối sống của tác giả và người đời thường. Ông cho rằng nơi vắng vẻ là nơi thôn quê yên bình ở đó không còn bon chen chốn quan trường, đây mới thực là cuộc sống.
- Cách xưng hô “ta”, “người”
Hai về tương phản làm nổi bật ý nghĩa, nhân mạnh phương châm, quan niệm sống của tác giả khác với thông thường. Đồng muốn ngầm ý phê phán thói đời, thói người, và thể hiện cái cao ngạo của kẻ sĩ.
- Hai câu luận:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
+ Cuộc sống giản dị không cần những thứ giàu sang hào nhoáng chỉ là sản vật từ nhiên nhiên “măng trúc” “giá” -> Thấy được cuộc sống an nhàn, đạm bạc thanh cao, lối sống hòa nhập với thiên nhiên của tác giả.
+ Cái thú sống an nhàn ẩn dật, những con người có nhân cách cao đẹp khi sống trong thời loạn lạc ấy để giữ được phẩm giá cốt cách của mình chỉ có cách cáo quan về ẩn dật, an lòng với cảnh nghèo khó, sống chan hòa với thiên nhiên với vũ trụ.
- Hai câu kết:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
+ Xem nhẹ lẽ đời sống sa hoa phú quý, ông ngậm ngùi coi đó như một giấc chiêm bao.
+ Lối sống thanh cao vượt lên trên lẽ đời thường
III. Kết luận
- Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm sống vui thú với lao động, hòa hợp với thiên nhiên, giữ cốt cách thanh cao, xa lánh vòng danh lợi.
2. Phân tích bài thơ Nhàn (2 Mẫu)
Bài làm mẫu 1
Thơ khởi phát từ lòng người, chứa đựng biết bao nhiêu rung cảm, trăn trở nơi người cầm bút. Vì thế một tác phẩm muốn vượt lên sức mạnh của thời gian, của lòng người thì phải ẩn chứa trong nó những tình cảm, suy nghĩ thật và phải được viết lên từ mồ hôi, nước mắt của nhà thơ. “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một bài thơ như thế! Trạng Trình như “gói” cả lòng mình trong từng con chữ để rồi khắc họa con người và cuộc sống của mình bằng một chữ “nhàn”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam, Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trong những chấn động làm rạn nứt những quan hệ nền tảng của chế độ phong kiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm dám đứng lên, dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần. Vua không nghe, ông bèn cáo quan về quê sống với chữ “nhàn”. “Nhàn” với Nguyễn Bỉnh Khiêm là sống thuận theo tự nhiên “Dẫu nhẫn chê khen dầu miệng thế/ Cơ cầu tạo hóa mặc tự nhiên” và “nhàn” còn là đối lập với danh lợi: “Để rẻ công danh đổi lấy nhàn”.
Mở đầu bài thơ Nôm số 73, triết lí “nhàn” được thể hiện qua bức chân dung về cuộc sống:
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
Cụ Trạng rời chốn quan trường về giữa thôn quê sống như một “lão nông tri điền”, với đầy đủ công cụ lao động của nhà nông: mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần để câu cá. Cách dùng số từ tính đếm rành rọt: “một… một… một” cho thấy một sự chuẩn bị chu đáo, tất cả đã đi vào vị trí sẵn sàng. Một cuộc sống chất phát, nguyên sơ của thời “tạc tỉnh canh điền” (nước đào giếng, cơm cày ruộng) như hiện trước mắt ta song đó còn là cái thú hưởng nhàn cao quí của nhà nho. Tìm về cuộc sống “ngư, tiều, canh, mục” như một cách đối lập dứt khoát với các loại vui thú khác ở đời nhằm khẳng định ý nghĩa thanh cao tuyệt đối từ cuộc sống đậm chất dân quê này! Dáng vẻ thơ thẩn được phác hoạ trong câu thơ thứ hai thật độc đáo, mang lại vẻ ung dung bình thản của nhà thơ trong cuộc sống nhàn tản. Thực ra, sự hiện diện của mai, cuốc, cần câu chỉ là một cách tô điểm cho cái “thơ thẩn dầu ai vui thú nào” của nhà thơ. Những vật dụng lao động quen thuộc của người dân trở thành hiện thân của cuộc sống không vướng bận lo toan trốn cửa quan hiểm ác. Dẫu không màng chuyện thế sự nơi quan trường nhưng Trạng Trình vẫn mang tấm lòng ưu ái suốt đời lo cho dân, cho nước.
Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về với vui thú ruộng đồng như để khẳng định một thái độ sống khác đời, khác người, đầy bản lĩnh:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao”
Hai câu thực như để phân biệt rõ ràng giữa nhà thơ với người đời bằng nghệ thuật đối, câu thơ như chia nửa, tạo hai đối cực: một bên là nhà thơ xưng “ta” một cách ngạo nghễ, một bên là “người”; một bên là “dại” của ta, một bên là “khôn” của người; một “nơi vắng vẻ” với một “chốn lao xao”. Ta chủ động tìm đến nơi vắng vẻ, ấy là nơi không có người cầu cạnh ta và ta cũng không cầu cạnh người. Nơi vắng vẻ còn là chốn tĩnh tại của thiên nhiên, là nơi thanh thản của tâm hồn. Người tìm đến chốn lao xao là tìm đến cửa quyền, con đường thăng quan tiến chức. Chốn ấy, sang trọng, quyền quý, người qua kẻ lại cũng nhiều nhưng lại đầy rẫy những thủ đoạn để bon chen, luồn lọc, sát phạt lẫn nhau. Vốn là một bậc thức giả với vốn trí tuệ sáng suốt, uyên thâm thế nên Trạng không ngần ngại tìm đến cái “dại”, nơi “vắng vẻ” bởi “dại” thực chất là khôn còn “khôn” mà hóa dại. Trạng Trình cũng đã nhiều lần định nghĩa “dại” – “khôn” bằng cách nói ngược này, vì người đời lấy lẽ dại – khôn để tính toán, tranh giành thiệt hơn, cho nên thực chất dại – khôn là thói thực dụng ích kỷ làm tầm thường con người, cuốn con người vào dục vọng thấp hèn. Mượn cách nói ấy, nhà thơ chứng tỏ được một chỗ đứng cao hơn và đối lập với bọn người mờ mắt vì bụi phù hoa giữa chốn lao xao. Nhưng không giống lối nói ngược của Khuất Nguyên thuở xưa: “Người đời tỉnh cả, một mình ta say” đầy u uất, Trạng Trình đã cười cợt vào thói đời bằng cái nhếch môi lặng lẽ mà sâu cay, phê phán vào cả một xã hội chạy theo danh lợi, bằng tư thế của một bậc chính nhân quân tử không bận tâm những trò khôn - dại . Cũng vì thế, nhà thơ mới cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của cuộc sống nhàn tản:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
Khác hẳn với lối hưởng thụ vật chất đắm mình trong “bả” vinh hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm tận hưởng những ưu đãi của thiên nhiên ban tặng. Cuộc sống đạm bạc nhưng thanh cao. Trở về với tự nhiên, mùa nào thức ấy. Hai câu thơ như vẽ bộ tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Có mùi vị, có hương sắc. Không nặng nề, không ảm đạm. “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá” nói như Xuân Diệu là có cảm giác “ăn giá tuyết, uống băng đông”. “Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” thì vừa có nước trong, vừa có hương thơm thanh quý. Không những thế, những hình ảnh “măng”, “trúc”, “giá”, “hồ sen” còn mang ý nghĩa biểu tượng gắn kết với phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn với lòng mình. Hoà hợp với thiên nhiên là một Tuyết Giang phu tử đang sống đúng với thiên lương của mình.
Quan niệm về chữ “nhàn” của nhà thơ được phát triển trọn vẹn bằng sự khẳng định:
“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
Mượn điển tích một cách rất tự nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói lên thái độ sống dứt khoát đoạn tuyệt với công danh phú quý. Quan niệm ấy vốn dĩ gắn với đạo Lão – Trang, có phần yếm thế tiêu cực, nhưng đặt trong thời đại nhà thơ đang sống lại bộc lộ ý nghĩa tích cực. Cuộc sống của những kẻ chạy theo công danh phú quý vốn dĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm lên án, phê phán trong rất nhiều bài thơ viết về nhân tình thế thái:
“Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến, khó thì lui”
(Thói đời)
Phú quý đi với chức quyền đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cuộc sống của bọn người bạc ác thủ đoạn, giẫm đạp lên nhau để sống. Bọn chúng là bầy chuột lớn gây hại nhân dân mà ông vô cùng căm ghét:
“Con chuột lớn kia sao mi bất nhân?
Ngấm ngầm ăn vụng ăn trộm.
Ngoài đồng chỉ còn nắm lúa khô,
Trong kho không còn hạt thóc thừa
Người nông dân khó nhọc và than thở
Người điền phụ gầy ốm và khóc lóc.
Tính mệnh của nhân dân rất là quan trọng,
Mi làm hại người ta quá lắm.
Mi chui vào góc thành, ẩn trong hang hốc ở nền xã, núp vào đó để tính mưu gian,
Quỷ thần và nhân dân oán ghét mi chồng chất ở trong bụng.
Mi đã làm mất lòng thiên hạ nhiều,
Tất nhiên bị thiên hạ giết chết.”.
(Tăng thử)
Bởi thế, có thể hiểu thái độ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao cũng là cách nhà thơ chọn lựa con đường sống gần gũi, chia sẻ với nhân dân. Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao quả đáng quý đáng trọng. Bởi nó đem lại sự thanh thản cũng như giữ cho nhân cách không bị hoen ố vẩn đục trong xã hội chạy theo thế lực kim tiền.
Đi đến tận cùng khiến ta nhận ra chữ “nhàn” trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng “dòng” với chữ nhàn của Nguyễn Trãi. Họ đều là những bậc đại hiền nhàn thân mà không nhàn tâm. Lúc nào trong lòng cũng canh cánh lo cho dân, nên trong bài “Tự thuật”, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
“Lão lai vị ngải tiên ưu chí,
Đắc, táng, cùng, thông khởi ngã ưu”.
(Tấm lòng tiên ưu đến già chưa thôi,
Cùng, thông, được, mất ta đâu có lo cho riêng mình)
Một chữ “nhàn” nhưng lại khái quát toàn bộ triết trí, tình cảm, trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đồng thời bộc lộ trọn vẹn một nhân cách của bậc đại hiền tìm về với thiên nhiên, với cuộc sống bình dân thôn giã chốn làng quê để đối lập với cả xã hội phong kiến trên con đường suy vi thối nát. Bài thơ giống như một khí giới thanh cao đắc lực giúp cho người đời không va phải những “chùng chình, vòng vèo” của cuộc đời bể dâu. Phải chăng vì lẽ đó, nên giữa dòng thời gian vô chung vô thủy, “Nhàn” vẫn sống mãi muôn đời.
Bài làm mẫu 2
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trí thức Nho học lỗi lạc của Việt Nam ở thế kỉ XVI. Ông là một con người có khí tiết, có nhân cách và trí tuệ hơn người. Nhắc đến ông người ta thường nghĩ về triết lí sống “nhàn” như một kiểu phản ứng với thời thế nhiễu nhương đương thời. “Nhàn” là một phạm trù tư tưởng ăn sâu trong tâm thức các trí thữ Nho học người xưa, nhưng mỗi người có một cách thể hiện và xây dựng về triết lí ấy khác nhau. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, cái “nhàn” ấy không thể bị hiểu nhầm hay lẫn lộn với bất kì ai.
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Bài thơ này trích trong tập “Bạch Vân quốc ngữ thi”, nhan đề bài thơ do người đời sau đặt. Có thể nói từ thế kỉ XV trở đi, thơ Nôm của Việt Nam đã có những thành tựu,đủ sức giữ thế song hành cũng văn học chữ Hán. Các trí thức Nho học, bên cạnh sáng tác chữ Hán bao giờ cũng dành phần ưu ái cho các tác phẩm chữ Nôm. Nếu như Nguyễn Trãi có “Quốc âm thi tập” thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có “Bạch Vân quốc ngữ thi. Khi viết thơ Nôm Đường luật, cả Nguyễn Trãi lẫn Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có ý thức Việt hóa triệt để.
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Xét về mặt ngôn ngữ cũng như hình tượng thơ, thơ xưa, nhất là thơ Đường luật thiên về sử dụng những hình ảnh ước lệ, trang nhã hơn là những hình ảnh cụ thể, bình dị như mai, cuốc, cần câu. Số từ trong câu thơ trên cũng là con số thực chứ không phải là những con số ước lệ. Mai dùng để đào đất, cuốc dùng để xới đất, cần câu để câu cá. Đó là những nông cụ lao động dân dã của người nông dân. Với cách điệp số từ một…một…một, tạo nhịp điệu chậm rãi, câu thơ thể hiện tư thế sẵn sàng của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho một cuộc sống bình dị, giản đơn. Có thể gọi đây là hiện tượng phá vỡ tính quy phạm và là một cách Việt hóa thể thơ Đường luật.
Nguyễn Bỉnh Khiêm chấp nhận cuộc sống cần lao của một lão nông tri điền, mặc cho người đua đòi chạy theo bao thú vui phù phiếm, ông vẫn giữ tâm thế bình thản, điềm nhiên với cuộc sống thanh bần mình đã chọn. Trước hết ta phải hiểu cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là kiểu nhàn hưởng lạc, nhàn lười biếng vì không quan tâm sự đời. Người xưa thường cho rằng “nhàn cư vi bất thiện”, người quân tử có học không bao giờ để thân mình được thảnh thơi.
Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng đến cái nhàn trong tâm, không vướng bận danh lợi đua chen, tâm nhàn chứ thân không nhàn. Là vị quan từ bỏ cân đai áo mão, ông trở về cuộc sống lao động vất vả, tự cung tự cấp rất lương thiện của những người nông dân nghèo, ông vẫn phải lao động để nuôi sống mình chứ không trông cậy vào bất kì ai, không mang theo vàng ngọc chốn quan trường để về quê hưởng lạc.
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thường bàn nhiều về lẽ dại – khôn, vấn đề này không mới đối với tâm thức của người Á Đông xưa nay, một kiểu triết lí theo tinh thần nhân quả của Phật giáo dân gian:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Có thể nói cặp câu thực này đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng phép đối tương phản để khẳng định sự đối lập gay gắt giữa quan niệm sống của ta và người. Nơi vắng vẻ là nơi lánh xa sự ồn ào, tranh chấp, là miền thôn dã hiền hòa là chốn thiên nhiên thuần phác. Chốn lao xao là nơi quan trường đua chen, tranh quyền đoạt lợi, là chốn thị thành náo nhiệt, giả trá, lọc lừa. Ta từ bỏ cân đai áo mão, danh lợi, tiền tài để trở về chốn thiên nhiên, miền thôn dã chấp nhận cuộc sống nghèo khó nên ta tự nhận mình dại.
Người sống trong vòng danh lợi xô bồ nên người tìm đến chốn quan trường náo nhiệt mà tìm sự thăng tiến, đua đòi quyền lực, địa vi, người nghĩ rằng mình khôn. Những kẻ tầm thường sẽ luôn hiểu như thế. Nhưng hai câu thơ là một cách nói mỉa mai ngược giọng, kẻ tưởng mình khôn mà hóa ra là dại, kẻ nhận mình dại thật ra là khôn. Nguyễn Bỉnh Khiêm có 2 câu thơ khác cắt nghĩa điều này rõ hơn.
Khôn mà ác hiểm là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
Sống trong một thời đại mà triều chính nhiễu nhương, vua không anh minh lại thiếu bề tôi hiền thì liệu cái chí tu, tề, trị, bình của một người trí thức Nho học chân chính có thể nào thực hiện được chăng? Muốn tồn tại trong bối cảnh nhà Mạc đương thời, kẻ làm quan như Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ có thể dửng dưng trước thời cuộc để yên thân hoặc chấp nhận đánh mất khí tiết, vào lòn ra cúi, xuôi theo bọn gian thần xu nịnh để được thăng tiến. Chốn quan trường, chốn thị thành nói chung là nơi con người phải tranh chấp, phải hơn thua, phải dùng trí xảo, mưu mô để đạp lên nhau mà sống và dành lấy địa vị…
Chốn lao xao là môi trường dễ khiến kẻ sĩ đánh mất khí tiết và nhân phẩm, thậm chí trở nên tàn độc hại người. Cái khôn ấy là cái khôn thâm ác, xảo trá, theo quy luật nhân quả sớm muộn cũng sẽ lãnh lấy quả báo và đánh mất đi chính mình. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn lối sống ẩn dật, ông tự nhận mình dại vì chê danh lợi nhưng đó là cái dại thức thời, cái dại của kẻ hiểu được quy luật vần xoay của thế sự nhân sinh…Ông từ bỏ tất cả để đổi lấy trạng thái bình yên, thanh thản của tâm hồn, giữ vững khí tiết của người có học…
Cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm xét ở một khía cạnh nào đó chỉ là một phản ứng bất đắc dĩ đối với thời cuộc để giữ gìn nhân cách của mình chứ nó không phải là lí tưởng sống. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là bậc đại Nho bước ra từ cửa Khổng sân Trình, ông hiểu sâu sắc triết lí nhập thế để giúp đời, nhưng thời cuộc đảo điên, sau lần dâng sớ đề nghị chém 18 tên lộng thần không thành, ông hiểu rằng mình đành bất lực và từ quan là sự lựa chọn đúng đắn nhất, không thực hiện được hào bão cao cả thì ít ra còn giữ gìn được phẩm tiết.
Nếu như Nho giáo đề cao tinh thần nhập thể cứu đời, đề cao kỉ cương, phép tắc thì Lão – Trang lại muốn tháo tung hết mọi sự ràng buộc, tự nhiên nhi nhiên mà sống. Thế nhưng cả hai tư tưởng này không hề loại trừ nhau mà trở nên cặp đối trọng tồn tại song song trong nền văn hóa Trung Quốc cũng như Việt Nam thời xưa.
Các trí thức Nho học Việt Nam một mặt nhất quán tinh thần nhập thế, trả nợ công danh nhưng sâu trong tâm hồn lại khát khao trở về với thiên nhiên, sống cuộc sống tiêu dao tự tại. Họ nhập thế không phải đua đòi quan lộc để được vinh quy bái tổ mà để lo cho dân, bản lai diện mục của họ vẫn là con người yêu chuộng thiên nhiên, xem nó là bản thể, là thiên đường của sự sống thực sự.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Hai câu thơ tạo nên bức tranh tứ bình bốn mùa tuyệt đẹp về cuộc sống thanh cao của một con người trở về với tự nhiên. Ở hai câu thực, phép đối tương phản tạo ra sự đối lập gay gắt thì ở hai câu luận này, phép đối tương hổ tạo ra một kết cấu cân xứng hoàn hảo. Ta chú ý đến hai động từ chính trong 2 câu thơ: ăn / tắm. Đó là 2 nhu cầu tối thiểu nhất của con người. Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm rất đơn giản, chỉ cần ăn đủ để sống và tắm để sạch.
Cuộc sống giản dị ấy được thiên nhiên che chở, đất trời là tặng phẩm là nguồn sống có sẵn không cần phải đua đòi hay tranh giành mới có được. Hay nói đúng ông sống thuận lẽ tự nhiên, mùa nào thức ấy, có chi dùng nấy, rất thong dong, trong lành. Nguyễn Bỉnh Khiêm tả về cuộc sống bình dị của mình tuy nghèo mà không hèn, giọng điệu lại rất lạc quan, sắc thái vô cùng tươi sáng. Điều đó đủ thấy cuộc sống của ông là một chân trời tự do trong lành, ông thực hành đúng cái đạo của hiền nhân: “tri túc”. Cuộc sống này vốn không xa lạ với tâm thức của người xưa:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì;
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.
(Cổ thi – TQ)
Nguyễn Bỉnh Khiêm không cần ăn ngon, chẳng màng ăn no, không cần mặc ấm, bởi người trí thức Nho học luôn thấm nhuần đạo lí: quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an. Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là cuộc sống lao động vất vả nhưng lạc quan, ông nhìn cuộc sống ấy rất thi vị.
Khi đối sánh với vẻ đẹp sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm ta lại thấy, 4 câu thơ trên gợi tả sự hưởng thụ có phần sang trọng (dĩ nhiên là sự hưởng thụ chính đáng, giản đơn) còn Nguyễn Bỉnh Khiêm lại gợi tả cuộc sống nhàn mộc mạc hơn, ông chỉ hướng đến những nhu cầu tối thiểu để sống chứ không dệt nên kiểu sống thoát li vương giả (ngao du, uống rượu, làm thơ).
Bốn câu thơ trên chủ về gợi tả nếp sống phong lưu, tiêu dao tự tại; tứ thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm thiên về vẻ đẹp đơn giản, trong lành, thuần lẽ tự nhiên. Trong sự cộng hưởng với tâm thức người xưa, cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có sắc thái khác lạ của riêng nó.
Phần hai câu kết được viết theo lối dụng điển quen thuộc xưa nay. Ta liên tưởng đến câu chuyện Thuần Vu Phần uống rượu nằm ngủ dưới gốc cây hòe để thấy được thông điệp của tác giả: công danh chỉ là giấc mộng phù phiếm, tỉnh giấc mọi thứ sẽ tan biến thành hư ảo. Có lẽ điểm nổi bật nhất của hai câu kết là hiện tượng đảo cú pháp ở câu 7: “Rượu đến cội cây ta sẽ uống”. Từ rượu được đưa ra đầu câu, khi đọc phải nhấn mạnh, ngắt thành một nhịp thật sảng khoái để thấy được tư thế tiên phong đạo cốt của tác giả đứng ngoài vòng thế sự.
Nhàn không phải là một lí tưởng nó là một trạng thái sống. Nhàn ở đây là sự thanh thản của tâm hồn không bận tâm bởi danh lợi chứ không phải là cái nhàn hưởng thụ của kẻ lười nhát. Nhàn là không để lòng vấy bẩn bởi sự tranh đoạt quyền lợi, hơn thua với người đời chứ không phải là quên đời, sống ít kỉ, vô trách nhiệm. Bằng chứng là khi từ quan Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn tham vấn chính sự cho nhà Mạc. Nhàn vừa là một khát vọng sống tiềm ẩn trong tâm thức của những nhà Nho có nhân cách vừa là một kiểu phản ứng của người trí thức với thời cuộc đảo điên.
Bởi vì nhận ra mình không thể thực hiện được lí tưởng của thánh hiền dạy nên đành thức thời lùi một bước. Phải hiểu như thế mới thấy rằng tư tưởng Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề tiêu cực hay ít kỉ như những kẻ có suy nghĩ máy móc, học thuộc lòng tư tưởng Mác - Lênin mà hiểu không tới nơi dám lên giọng chê bai Nguyễn Bỉnh Khiêm và tinh thần Lão Trang.
Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề đi ngược lại đạo đức Nho học, rất hài hòa với tinh thần Lão Trang và cả Phật giáo. Nó là một đóa hoa thơm ngát được kết tinh từ vẻ đẹp bảng lảng của 3 tôn giáo tuyệt đẹp và vẫn còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Kẻ thức thời, thông lào đạo Trung Dung sẽ không vội phê phán Nguyễn Bỉnh Khiêm tiêu cực, ít kỉ bởi Khổng Tử từng nói: trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn.
Trong tiếng Hán, chứ tiên (thần tiên) được tạo nên từ chữ nhân và chữ sơn. Trở về với thiên nhiên là tinh thần đẹp ăn sâu trong tâm thức của người Á Đông xưa nay. Kẻ sĩ muốn đạt được chữ nhân (lòng thương người) và đạt được chính tâm thì nên tìm về thiên nhiên mà di dưỡng, thiên nhiên là bản thể, là bản lai diện mục của con người.
3. Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ lớn, một nhà trí thức Nho học lỗi lạc của nước ta vào thế kỷ XVI. Nhắc đến Nguyễn Bỉnh Khiêm người ta nhớ đến phong cách thơ mang đậm chất triết lý giáo huấn, ngợi ca chí khí và thú thanh nhàn của kẻ sĩ; đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. Một minh chứng tiêu biểu cho phong cách đó là bài thơ Nhàn. Nhàn là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Trạng Trình về thơ đạo lý, được rút ra trong tập “Bạch vân quốc ngữ thi”, có thể được viết trong thời gian tác giả cáo quan ở ẩn. Bài thơ chính là lời tuyên ngôn cho một quan niệm sống giữa thời đại xã hội phong kiến khủng hoảng. Đó là lối sống nhàn, sống thanh cao, hòa hợp với thiên nhiên và vượt lên cái tầm thường, xấu xa của cuộc sống bon chen, danh lợi.
Trong văn học trung đại nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung, Nguyễn Bỉnh Khiêm có một vị trí rất đặc biệt. Ông sống gần như trọn vẹn trong một thế kỷ, chứng kiến những biến thiên, thăng trầm của lịch sử. Ông học hành, thi đỗ làm quan nhưng thời gian làm quan lại vô cùng ngắn ngủi so với cuộc đời của ông. Tuy vậy, tầm ảnh hưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm tới đời sống văn hóa, chính trị nước nhà vào khoảng thời gian đó lại không hề nhỏ. Cho đến tận ngày nay, vẫn có nhiều câu chuyện mang tính giai thoại, truyền thuyết về ông cho thấy sức ảnh hưởng của ông với cả triều đình lẫn nhân dân. Trạng Trình không những được nhân dân yêu mến, kính trọng mà còn được vua quan lúc bấy giờ vô cùng tín nhiệm, thường xuyên tham khảo ý kiến của ông. Thế kỷ XVI là thế kỷ bắt đầu những suy thoái của triều đình phong kiến, chính trị nước nhà có nhiều rối ren. Nguyễn Bỉnh Khiêm vì không muốn nhuốm màu danh lợi nên đã rút lui khỏi chốn quan trường, trở về với núi rừng, dựng am, lập quán để dạy học. Sự uyên thâm và thông tuệ của ông đã được truyền lại cho các thế hệ học trò, một lần nữa khẳng định vị trí của ông đối với đời sống văn hóa nước nhà lúc bấy giờ. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XVI với những bài thơ giàu tính triết lý, thể hiện nhân cách cao đẹp của ông. Nhàn như một lời tâm sự nhẹ nhàng mà sâu sắc về quan niệm sống của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Mở đầu bài thơ là bức tranh phản ánh cuộc sống nhàn nhã, ung dung của tác giả:
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”.
Bằng cách sử dụng điệp từ “một” kết hợp với các hình ảnh: “mai”, “cuốc”, “cần câu” cùng với cách ngắt nhịp 2/2/3 đều, chậm vừa phải, câu thơ đầu diễn tả trạng thái ung dung, nhàn tản của kẻ sĩ khi trở về thôn quê. Hiện ra trước mắt người đọc là một lão nông tri điền với những công việc bình dị hằng ngày, làm bạn với những dụng cụ nhà nông. “Một” vẫn là số từ chỉ số ít nhưng được lặp lại kết hợp với phép liệt kê gửi ra sự đầy đủ, sẵn sàng. Những vật dụng này được bày ra gợi sự gần gũi, quen thuộc. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa được cái bình dị, dân dã vào thơ ca chứ không chỉ là những điển tích, điển cố đã cũ trở thành mẫu mực của thơ Đường. Cuộc sống lao động được miêu tả rõ nét là vậy nhưng lại không gợi cảm giác mệt mỏi, khổ cực mà lại gợi sự ung dung, là niềm vui của nhà thơ. Vui vì được lao động, được sống giản dị như bao người dân bình thường khác. Không chỉ có vậy, sau những giờ lao động, câu thơ còn diễn tả phút giây thư giãn thú vị của kẻ sĩ. Hình ảnh “cần câu” gợi đến một thú vui và những giây tĩnh lặng mà thảnh thơi. Cuộc sống của nhà thơ đâu chỉ là những chuỗi ngày làm việc, ngày này qua ngày khác mà ông còn được nghỉ ngơi, thư giãn với thú điền viên của mình. Câu thơ như gợi đến một lão nông tri điền chẳng để tâm cuộc sống xô bồ, tấp nập ngoài kia. Nhàn dần được gửi ra đầy đủ hơn ở câu thơ thứ hai “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. “Thơ thẩn” là từ láy tượng hình gợi tư thế, dáng điệu chậm rãi thảnh thơi. Trong dáng “thơ thẩn” như có cả trạng thái không tính toán, không bon chen, không nặng nề. Đó là một cuộc dạo chơi không có chủ đích song lại rất chủ động. Tác giả dùng biện pháp đảo ngữ đẩy từ “thơ thẩn” lên đầu câu như càng nhấn mạnh hơn phong thái ung dung, khác biệt của mình với thế giới xung quanh. Nhịp thơ 2/5 như tách câu thơ thành hai vế, một bên là trạng thái “thơ thẩn” của trạng Trình với một bên là “dầu ai vui thú nào” – chính là cuộc sống ngoài kia, là lựa chọn của số đông. Trong lời thơ không một chút băn khoăn, đắn đo mà là lời khẳng định chắc nịch lại nhẹ nhàng của một người đã thấu tỏ triết lý cuộc đời và thấu hiểu những mong muốn của bản thân mình. Câu thơ ẩn chủ ngữ nhưng vẫn gợi được sự đối lập của chủ thể trữ tình với “ai” kia. Nếu câu thơ đầu tiên nêu sự việc thì câu thơ thứ hai lại ngầm ẩn nhiều cảm xúc. Có thể thấy vẻ đẹp giản dị tự nhiên của bài thơ được thể hiện ngay từ cách lựa chọn từ ngữ, giọng điệu thơ. Các từ ngữ nôm na, dân dã được sử dụng kết hợp với cấu tạo câu thơ như một lời nói tự nhiên trong cuộc sống, tạo ra nét nghệ thuật độc đáo. Đúng như Phan Huy Chú từng nhận xét: “Văn chương ông tự nhiên nói ra là thành, không cần gọt giũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị, đều có quan hệ đến việc dạy đời”. Như vậy hai câu thơ đầu trong bài thơ gợi đến cái nhàn trong công việc, trong cuộc sống và sâu hơn nữa đó chính là cái nhàn của một tâm thế.
Nếu như hai câu thơ đầu trong bài đưa đến cho người đọc tâm thế nhàn của một kẻ sĩ thì hai câu thơ sau lại dẫn người ta tới một khía cạnh khác của nhàn: đó là cái nhàn trong lựa chọn:
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao”.
Hai câu thơ này đã phá vỡ tính quy phạm của văn học trung đại. Hai câu thực lại thực hiện chức năng của hai câu luận, mở rộng bàn bạc về nhàn, về những lựa chọn của bản thân. Hai câu thơ đã khai thác triệt để phép đối. Một bên là “ta” với “dại” ở nơi “vắng vẻ”, một bên là “người”, là “khôn”, là “chốn lao xao”. Cặp câu thơ này không chỉ mang sự đối lập về từ loại mà còn là sự đối lập ý, về những lựa chọn, những lối sống. “Ta” muốn sống ở nơi vắng vẻ hay chính là tìm đến chốn thiên nhiên thuần khiết để sống tự do, an yên, để giữ cho tâm hồn thảnh thơi, nhân cách thanh tao. Đó không phải là lánh đời, là xuất thế mà là cách lựa chọn để làm những điều mình thích, để rũ sạch bụi trần. Còn “người”? “Người” thì tới “chốn lao xao” hay chính là nơi quan trường ồn á, xô bồ, nơi danh lợi bon chen. “Chốn lao xao” phải chăng chính là nơi quan trường, là nơi con người chạy đua, tranh giành về quyền lợi, vật chất, tiền tài. Vì những danh lợi đó mà ở chỗ lao xao con người sẵn sàng làm mọi hành động trái với luân thường đạo lý để đạt được mục đích của riêng mình. “Nơi vắng vẻ” gợi đến vùng quê dân dã, gắn liền với thiên nhiên, mang lại cho con người cái “an”; còn “chốn lao xao” lại là đua chen quan trường hay chính là ẩn chứa cái “nguy”. Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận mình là “dại” còn cho rằng người là “khôn” vì dại – khôn đối lập nhau mà những lựa chọn cũng trái ngược hẳn. Dại – khôn đã nhiều lần được Trạng Trình nói tới trong thơ của mình như một cách nói người đầy ẩn ý, sâu sắc lại pha chút mỉa mai. Đã có lần ông viết:
“Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại mà thật thà ấy dại khôn”.
“Dại” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là cái “dại” của một bậc đại trí, với trí tuệ lớn, nhân cách đẹp. Ông thấu tỏ lẽ thịnh suy, vong tồn của một cuộc đời để chọn lối sống thanh thản tự nhiên. Vậy nhàn chính là một lựa chọn, một lối sống thể hiện sự mẫn tiệp và minh triết trong trí tuệ của bậc đại hiền triết Nguyễn Bỉnh khiêm.
Nhàn không chỉ là những thứ trừu tượng xa xôi, nhàn còn ở ngay trong những sinh hoạt đời thường, trong những cảm nhận về cuộc sống xung quanh tươi đẹp:
”Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”.
Khác với quy định về thể loại, hai câu luận bàn luận về vấn đề như chức năng vốn có mà lại tập trung kể về cuộc sống sinh hoạt giản dị của nhà ẩn sĩ. Nguyễn Bỉnh Khiêm như muốn kể ra những sinh hoạt thường ngày mộc mạc tự nhiên. Bốn mùa Thu – Đông – Xuân – Hạ được nhắc tới không phải để chỉ bức tranh tứ bình hay tứ quý mà lại gợi thời gian quanh năm, bốn mùa với những sản vật đặc trưng. Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn một lối sống hòa hợp với thiên nhiên, với sinh hoạt bốn mùa tràn đầy hương vị và màu sắc. Bằng điệp từ “ăn”, “tắm” được lặp lại kết hợp với các hình ảnh liệt kê “măng trúc”, “giá”, “hồ sen”, “ao” cùng với các từ chỉ thời gian, câu thơ đã khắc họa được nếp sinh hoạt lặp lại tuần hoàn của tác giả. Sự giản dị ở đây là những món ăn dân dã, đạm bạc có sẵn trong tự nhiên thuần khiết, thuận theo “mùa nào thức ấy”, chẳng phải nhọc công, vất vả tìm kiếm mà luôn có sẵn, gần gũi, quen thuộc. Không chỉ là những món ăn mà “trúc” và “sen” còn gọi tới phẩm chất, khí tiết thanh cao của người quân tử. Cuộc sống đã dân dã với những sinh hoạt hằng ngày như “ăn”, “tắm” nhưng lại gợi được niềm vui thú riêng của nhà thơ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa tới trước mắt người đọc một khía cạnh khác nữa của nhàn. Nhàn là sống thuận theo tự nhiên, là lối sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh. Dường như triết lý sống ấy của Nguyễn Bỉnh Khiêm có nét gần gũi với triết lý “vô vi” của Đạo giáo hay sự thoát tục của Đạo Phật. Nhưng ẩn sâu trong đó chính là tinh thần sống thanh cao, khí tiết đạm bạc để giữ gìn nhân cách của bậc đại nho. Trong văn học trung đại các nhà nho thi sĩ thường sáng tác theo một mẫu, theo công thức có sẵn. Ở đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tuân thủ theo những công thức ấy trong việc miêu tả bức tranh sinh hoạt theo bốn mùa. Bằng phép đối tương đồng giữa hai dòng thơ và hai vế trong một dòng, tác giả đã diễn tả khoảng thời gian trọn vẹn xuyên suốt năm. Dù bốn mùa không được sắp xếp theo trật tự quy luật của tự nhiên nhưng vẫn nằm trong vòng tuần hoàn theo thời gian khép kín. Tuy nhiên ta nhận thấy sự khác biệt vì thời gian luôn lặp lại theo vòng tuần hoàn, không mất đi mà trở lại nguyên vẹn. Chính vì quan niệm ấy mà con người trong văn học trung đại sống rất ung dung, tự do, tự tại tận hưởng cuộc sống. Họ sống một cách nhàn tản, an yên không chút vướng bận với cõi nhân gian. Còn thời gian trong văn học hiện đại được quan niệm mất đi không trở lại nên con người luôn phải sống vội vàng, gấp gáp. Mọi thứ trôi đi nhanh chóng mà chẳng chờ đợi ai, cũng chính vì thế mà con người chẳng thể nhận ra được nhiều vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên cuộc sống. Như vậy, thời gian trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm như muốn nhấn mạnh về đẹp cuộc sống nhàn tản, giữ gìn phẩm chất, xa rời công danh tầm thường. Như vậy có thể thấy, nhàn không chỉ trong công việc, trong lựa chọn mà nhàn còn hiện hữu trong chính những sinh hoạt thường ngày. Nguyễn Bỉnh Khiêm một lần nữa đã dựa vào hình ảnh dân dã của thơ Nôm trung đại tạo nên xu hướng bình dị hóa bên cạnh khuynh hướng trang nhã.
“Kết lại bài thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa đến căn cốt, cơ sở của thú nhàn.
Rượu đến bóng cây ta hãy uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
Ở đây tác giả đã sử dụng điện tích Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe rồi mơ thấy mình ở nước Hoè An được công danh, phú quý rất mực vinh hiển, sau bừng tỉnh dậy thì hóa ra đó chỉ là một giấc mộng, dưới cành hòe phía Nam chỉ có một cái tổ kiến mà thôi.
Sử dụng điển tích ấy, tác giả đã nói lên thái độ coi thường công danh phú quý. Phú quý tiền bạc đối với ông chỉ là cuộc sống của những kẻ xấu xa, tầm thường. Điều đó ông vẫn căm ghét và phê phán trong bài thơ “Thói đời”:
“Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến khó tìm lui”.
Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm – một người tài hoa, trí tuệ thì phú quý chỉ là một giấc chiêm bao. Chính ông đã từng đỗ Trạng nguyên, làm quan lớn có tiếng và được trọng dụng. Tuy nhiên, tiền bạc của cải không phải là điều mà ông nghĩ đến và tham vọng. Đó không phải là mục đích, lẽ sống của ông. Với ông phú quý chỉ là chiêm bao, tỉnh dậy sẽ tan biến, không bao giờ là mãi mãi. Điều đó cho thấy một nhân cách lớn một trí tuệ lớn. Hai từ “đến”, “sẽ” được đặt nối tiếp như một sự chủ động đón nhận chứ đâu phải thẳng thốt tiếc nuối như Thuần Vu Phần khi tỉnh mộng năm xưa? Sự ung dung tự tại đó một lần nữa nâng tầm nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. “Nhìn xem” là cái nhìn của một người đứng ngoài, đứng cao hơn mà nhìn, mà đánh giá. Vì thế trong ánh mắt “nhìn xem” có cái thanh tao, xa lánh danh lợi, có cái nhìn, cái cười mỉa mai với những kẻ tham lam đua tranh.
Nguyễn Bỉnh khiêm đã thoát khỏi cái vòng quay đó để vui với thú vui của mình. Nhưng nhà thơ tìm đến rượu liệu có phải để say, để vui? Dường như đó là một tâm sự giấu kín. Là một nhà nho nhưng lại không thể cống hiến, sự lánh đời chỉ là một điều bất đắc dĩ, ông chọn ở ẩn là để giữ gìn nhân cách, xa lánh danh lợi chứ đâu phải là để quay lưng với cuộc đời, với đất nước, với nhân dân.
Như vậy, nhàn không chỉ là một trạng thái, một lối sống mà đó chính là một lựa chọn, một nhân cách, một tấm lòng. Nhàn cũng không phải là lánh đời mà chỉ là xa lánh danh lợi, thoát khỏi vòng “hiểm độc”. Nhàn không phải là thoát tục mà là để đề cao nhân cách sống thuận theo tự nhiên dựa trên những thông tuệ về lẽ đời, về nhân thế.
Bằng những sáng tạo và những sự phá vỡ tính quy phạm, vừa trang nhã lại vừa có xu hướng bình dị, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện một lối sống thanh cao, coi thường phú quý. Ông đề cao cuộc sống bình dị hòa hợp với thiên nhiên, thuận theo lẽ tự nhiên. Đó là lối sống là lựa chọn của những con người có nhân cách thanh tao, khí chất của một nhà nho trong tâm thế của một đạo sĩ. Chính những đặc sắc đó đã khiến cho bài thơ vượt qua giới hạn của một bài thơ giáo huấn để trở nên hấp dẫn hơn. Nó không chỉ thể hiện được nhân cách của nhà thơ mà còn gửi gắm cả những xúc cảm chân thành sâu sắc. Bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ vì thế đã vượt qua thử thách thời gian để sống mãi trong lòng bạn đọc, vượt qua khoảng cách về thời đại, về văn hóa để trở nên hấp dẫn hơn.
4. Phân tích Nhàn Nguyễn Bỉnh Khiêm (14 Mẫu)
Bài làm mẫu 1
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) là người có học vấn uyên thâm. Tuy nhiên khi nhắc đến ông là làm mọi người phải nghĩ đến việc, lúc ông còn làm quan ông đã từng dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần nhưng đã không thành công nên ông đã cáo quan về quê. Do học trò của ông đều là những người nổi tiếng nên được gọi là Tuyết Giang Phu Tử. Ông là người có học vấn uyên thâm, là nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ của ông mang đậm chất triết lí giáo huấn, ngợi ca chí khí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời cũng phê phán những điều sống trong xã hội. Khi mất ông để lại tập thơ bằng tập viết thơ bằng chữ Hán là Bạch Vân am thi tập; tập thơ viết bằng chữ Nôm là Bạch Vân quốc ngữ thi và "Nhàn" là bài thơ tiêu biểu trong tập thơ Bạch Vân quốc âm thi tập, được viết bằng thể thất ngôn bát cú đường luật. Bài thơ ca ngợi niềm vui trong cảnh sống thanh nhàn. Qua đó ta có thể thấy được vẻ đẹp chân chính của ông, nét mộc mạc của làng quê.
"Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao."
Hai câu đề đã khắc họa dược như thế nào một cuộc sống nhàn rỗi
"Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào"
Ở câu thơ đầu câu thơ đã khắc họa hình ảnh một ông lão nông dân sống thảnh thơi .Bên cạnh đó tác giả còn dùng biện pháp điệp số từ "một" thêm vào là một số công cụ quen thuộc của nhà nông nhằm khơi gợi trước mắt người đọc một cuộc sống rất tao nhã và gần gũi nhưng không phải ai muốn là có. Từ "thơ thẩn" trong câu hai lại khắc họa dáng vẻ của một người đang ngồi ung dung chậm rãi và khoan thai. Đặt hình ảnh ấy vào cuộc đời của tác giả ta có thể thấy được lúc nhàn rỗi nhất của ông chính là lúc ông cáo ông về ở ẩn. Và từ "vui thú nào" cũng một lần nữa nói lên đề tài của bài thơ là về cảnh nhàn dẫu cho ai có ban chen vòng danh lợi nhưng tác giả vẫn thư thái. Hai câu thơ đầu đã không chỉ giới thiệu được đề tài mà còn khắc họa tư thái ung dung nhàn hạ, tâm trạng thoải mái nhẹ nhàng vui thú điền viên.
"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao"
Hai câu thực của bài thơ ý tác giả muốn nhắm đến cảnh nhàn và sử dụng các từ đối nhau như "ta"_"người"; "dại"_"khôn" ; "nơi vắng vẻ"_"chốn lao xao". Từ một loạt những từ đối lập đó đã thể hiện được quan niệm sống của tác giả. Nhân vật trữ tình đã chủ động tìm đến nơi vắng vẻ đến với chốn thôn quê sống cuộc sống thanh nhàn mặc cho bao người tìm chốn "phồn hoa đô hội". hai câu thơ đã đưa ra được hai lối sống độc lập hoàn toàn trái ngược nhau. Tác giả tự nhận mình là "dại" vì đã theo đuổi cuộc sống thanh đạm thoát khỏi vòng danh lợi để giữ cho tâm hồn được thanh nhàn. Vậy lối sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm có phải là lối sống xa đời và trốn tránh trách nhiệm? Điều đó tất nhiên là không vì hãy đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác chỉ có thể làm như vậy mới có thể giữ được cốt cách thanh cao của mình. Do Nguyễn Bỉnh Khiêm có hoài bão muốn giúp vua làm cho trăm dân ấm no hạnh phúc nhưng triều đình lúc đó đang tranh giành quyền lực, nhân dân đói khổ tất cả các ước mơ hoài bão của ông không được xét tới. Vậy nên Nguyễn Bỉnh Khiêm rời bỏ "chốn lao xao" là điều đáng trân trọng.
"Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao"
Hai câu luận đã dùng biện pháp liệt kê những đồ ăn quanh năm có sẵn trong tự nhiên. Mùa nào thức ăn nấy, mùa thu thường có măng tre và măng trúc quanh nhà, mùa đông khi vạn vật khó đâm chồi thì có giá thay. Câu thơ "xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao" gợi cho ta cuộc sống sinh hoạt nơi dân dã. Qua đó ta có thể cảm nhận được tác giả đã sống rất thanh thản, hòa hợp với thiên nhiên tận hưởng mọi vẻ đẹp vốn có của đất trời mà không bon chen, tranh giành. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh lúc bấy giờ thì lối sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện được vẻ đẹp của tâm hồn thanh cao đó là lối sống tích cực thể hiện rõ thái độ của Bạch Vân cư sĩ.
"Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao."
Hai câu luận đã thể hiện được cái nhìn của 1 nhà trí tuệ lớn, có tính triết lí sâu sắc, vận dụng ý tưởng sáng tạo của điển tích Thuần Vu. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm phú quí không phải là một giấc chiêm bao vì ông đã từng đỗ Trạng Nguyên, giữ nhiều chức vụ to lớn của triều đình nên cuộc sống phú quý vinh hoa ông đã từng đi qua nhưng ông đã không xem nó là mục đích sống của ông. Mà ông đã xem đó chỉ là một giấc chiêm bao không có thực và ông đã tìm đến với cuộc sống thanh thản để luôn giữ được cốt cách thanh cao của mình .
Như vậy qua bài thơ ta đã hiểu được quan niệm sống nhàn và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm coi thường danh lợi, luôn giữ được tâm hồn thanh cao hòa hợp với thiên nhiên, đề cao lối sống của những nhà nho giáo giàu lòng yêu nước nhưng do hoàn cảnh nên phải sống ẩn dật. Bên cạnh đó Nguyễn Bỉnh Khiêm còn sử dụng ngôn ngữ gần gũi mộc mạc nhưng giàu chất triết lí. Sử dụng khéo léo thể thơ thất ngôn đường luật, điển tích điển cố và cách phép đối thường gặp ở thể thơ Nôm một cách linh hoạt .
Bài "Nhàn" là một bông hoa viết bằng chữ Nôm tuyệt đẹp của văn học Trung đại Việt Nam. Quan niệm sống đề cao vẻ đẹp tâm hồn, lối sống trong sạch của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
Bài làm mẫu 2
Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm, từng làm quan nhưng vì cảnh quan trường nhiều bất công nên ông đã cáo quan về ở ẩn; sống cuộc sống an nhàn, thảnh thơi. Ông còn được biết đến là nhà thơ nổi tiếng với hai tập thơ tiếng Hán “Bạch Vân am thi tập” và tập thơ tiếng Nôm “Bạch Vân quốc ngữ thi”. Bài thơ “Nhàn “được rút trong tập thơ “Bạch Vân am thi tập”. Bài thơ được viết bằng thể thất ngôn bát cú đường luật, là tiếng lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm về một cuộc sống nhiều niềm vui, an nhàn và thanh thản nơi đồng quê.
Xuyên suốt bài thơ “Nhàn” là tâm hồn tràn ngập niềm vui và sự thanh tịnh trong tâm hồn tác giả. Có thể xem đây là điểm nhấn, là tinh thần chủ đạo của bài thơ. Chỉ với 8 câu thơ đường luật nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mang đến cho người đọc một cuộc sống an nhàn nơi đồng quê êm ả.
Mở đầu bài thơ là hai câu thơ đề rất mộc mạc:
Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Với phép lặp “một”-“một” đã vẽ lên trước mắt người đọc một khung cảnh bình dị, đơn sơ nơi quê nghèo, dù một mình nhưng không hề đơn độc. Hai câu thơ toát lên sự thanh tịnh của tâm hồn và êm đềm của thiên nhiên ở vùng quê Bắc Bộ. “Một cuốc”, “một cần câu” gợi lên sự bình dị, mộc mạc của một người nông dân chất phác. Hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên là một lão nông an nhàn, thảnh thơi với thú vui tao nhã là câu cá và làm vườn. Đây có thể nói là cuộc sống đáng mơ ước của rất nhiều người ở thời kỳ phòng kiến ngày xưa nhưng không phải ai cũng có thể dứt bỏ được chốn quan trường về với đồng quê như thế này. Động từ “thơ thẩn” ở câu thơ thứ hai đã tạo nên nhịp điệu khoan thai, êm ái cho người đọc. Dù ngoài kia người ta vui vẻ nơi chốn đông người thì Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn mặc kệ, vẫn bỏ mặc để “an phận” với cuộc sống của mình hiện tại. Cuộc sống của ông khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Đến hai câu thơ thực tiếp theo càng khắc họa rõ nét hơn chân dung của “lão nông Nguyễn Bỉnh Khiêm”.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Đây có thể xem là tuyên ngôn sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm những năm tháng sau khi cáo quan về ở ẩn. Ông tự nhận mình “dại” khi tìm nơi vắng vẻ đến sống, nhưng đây là cái “dại” khiến nhiều người ghen tị và ngưỡng mộ. Ông rất khéo léo trong việc dùng từ ngữ độc đáo, lột tả được hết phong thái của ông. Ông bảo rằng những người chọn chốn quan trường là những người “khôn”. Một cách khen rất tinh tế, khen mà chê, cũng có thể là khen mình và chê người. Tứ thơ ở hai câu này hoàn toàn đối lập nhau từ ngôn ngữ đến dụng ý “dại” –“khôn”, “vắng vẻ” – “lao xao”. Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về nơi vắng vẻ để ở có phải là trốn tránh trách nhiệm với nước hay không? Với thời thế như vậy giờ và với cốt cách của ông thì “nơi vắng vẻ” mới thực sự là nơi để ông sống đến suốt cuộc đời. Một cốt cách thanh cao, một tâm hồn đáng ngưỡng mộ.
Hai câu thơ luận đã gợi mở cho người đọc về cuộc sống bình dị, giản đơn và thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Một cặp câu đã lột tả hết tất cả cuộc sống sinh hoạt và thức ăn hằng ngày của “lão nông nghèo”. Mùa nào đều tương ứng với thức ăn đấy, tuy không có sơn hào hải vị nhưng những thức ăn có sẵn này lại đậm đà hương vị quê nhà, khiến tác giả an phận và hài long. Mùa thu có măng trúc ở trên rừng, mùa đông ăn giá. Chỉ với vài nét chấm phá Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “khéo” khen thiên nhiên đất Bắc rất hào phòng, đầy đủ thức ăn. Đặc biệt câu thơ “Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” phác họa vài đường nét nhẹ nhàng, đơn giản nhưng toát lên sự thanh tao không ai sánh được. Một cuộc sống dường như chỉ có tác giả và thiên nhiên, mối quan hệ tâm giao hòa hợp nhau.
Đến hai câu thơ kết dường như đúc kết được tinh thần, cốt cách cũng như suy nghĩ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Hai câu thơ này là triết lý và sự đúc rút Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thời gian ở ẩn. Đối với một con người tài hoa, có trí tuệ lớn như thế này thì thực sự phú quý không hề là giấc chiêm bao. Ông từng đỗ Trạng nguyên thì tiền bạc, của cải đối với ông thực ra mà nói không hề thiếu nhưng đó lại không phải là điều ông nghĩ đến và tham vọng. Với ông phú quý chỉ “tựa chiêm bao”, như một giấc mơ, khi tỉnh dậy thì sẽ tan, sẽ hết mà thôi. Có thể xem đây chính là cách nhìn nhận sâu sắc, đầy triết lý nhất. Với một con người thanh tao và ưa sống an nhàn thì phú quý chỉ như hư vô mà thôi, ông yêu nước nhưng yêu theo một cách thầm lặng nhất. Cách so sánh độc đáo đã mang đến cho hai câu kết một tứ thơ hoàn hảo nhất.
Như vậy với 8 câu thơ, bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khiến người đọc ngưỡng mộ và khâm phục cốt cách, tinh thần và phong thái của ông. Là một người yêu nước, thích sự thanh bình và coi trọng cốt cách xứng đáng là tấm gương đáng học hỏi. Bài thơ đường luật kết cấu chặt chẽ, tứ thơ đơn giản nhưng hàm ý sâu xa đã làm toát lên tâm hồn và cốt cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cho đến bây giờ, ông vẫn được rất nhiều người ngưỡng mộ.
Bài làm mẫu 3
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là một người có học vấn uyên bác, từng đỗ Trạng Nguyên năm 1535 và ra làm quan dưới triều nhà Mạc. Nhưng do sống và phụng sự trong một thời kỳ lịch sử đầy sóng gió và đảo điên của chế độ phong kiến Việt Nam Trịnh - Nguyễn phân tranh nên Ông đã cáo quan về quê ở ẩn và tận hưởng cuộc sống thanh nhàn cho đến cuối đời. Tập thơ Bạch vân quốc ngữ thi tập mà trong đó có bài thơ Nhàn của tác giả cũng ra đời vào hoàn cảnh đó. Bài thơ Nhàn là một tác phẩm nổi tiếng thể hiện quan niệm sống thanh tao của một bậc đại Nho xem thường danh lợi, phú quý, xem chúng là một giấc mộng xa hoa, phù phiếm, không xứng đáng để một con người trong sáng theo đuổi.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu cho người đọc về hoàn cảnh sống thư thái và êm ả nơi làng quê Đồng bằng Bắc Bộ thật yên bình với những hoạt động quen thuộc:
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Câu thơ hiện lên với những hình ảnh về các vật dụng vô cùng quen thuộc của người nông dân nơi làng quê: cái mai, cái cuốc để đào đất trồng cây, cần câu đê câu cá- một thú vui cực kì tao nhã của con người lúc rảnh rỗi. Nhà thơ thật tinh tế khi sử dụng số từ “ một” kết hợp với tên các dụng lao động quen thuộc để diễn tả một tư thế sẵn sàng lao động và sự gắn bó gần gũi của những vật dụng ấy với đời sống của người nông dân thiện lành. Phong thái ung dung của nhà thơ còn được thể hiện thật rõ nét qua cách ngắt nhịp 2/2/3 của câu thơ.
Chỉ bằng vài nét chấm phá mở đầu của bài thơ, đã mở ra một không gian nơi chốn thôn quê thật thanh bình với những vật dụng lao động gắn liền với công việc nặng nhọc, vất vả và lam lũ của một lão canh điền Nguyễn Bỉnh Khiêm. Quan Trạng Nguyên đan áo mũ xênh xang, chức lớn, bổng lộc nhiều, ấy vậy mà bỗng dưng rũ bỏ tất cả để trở về với đời sống “tự cung tự cấp” thì âu cũng đã là một cái “ngông” trước thói đời hám danh, hám lợi. Nhưng cho dù đối diện với một nhịp sống mới mẻ, thi nhân vẫn rất vui vẻ và tự hào về những thú vui giản đơn mà đầy tao nhã ấy.
Câu thơ thứ hai với từ “ thơ thẩn” được đặt ở đầu câu thể hiện phong cách ung dung và tâm trạng thảnh thơi của con người khi tâm tĩnh tại không vướng bận chuyện trần thế. Hơn thế nữa cụm từ “dầu ai vui thú nào” cũng thể hiện tâm thế vô cùng ngạo nghễ và quyết đoán khi lựa chọn cho mình một con đường riêng. Một chốn ở thật yên bình, thanh tịnh: là một nơi không có tham lam sân si, cũng có những toan tính lợi danh, khiến Ông cảm thấy thật đúng đắn và thoải mái.
Hai câu đề đã vẽ nên một không gian sống nơi làng quê Đồng Bằng Bắc Bộ thật yên bình, dân dã của bậc ẩn sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nơi đây, không còn quyền uy của một bậc quan Trạng, cũng không còn sự khúm núm, e sợ của một kẻ thuộc hạ. Tất cả đã được cởi bỏ hoàn toàn, cả những ham muốn về danh vọng và tiền tài để chỉ còn đây là một lão nông Nguyễn Bỉnh Khiêm, với nhịp sống và lao động thường nhật như những người nông dân hiền lành, chất phác nhưng vô cùng lạc quan, vui tươi nơi làng quê.
Hai câu thực thể hiện một quan niệm sống, triết lí sống vô cùng mới mẻ: trở về với thiên nhiên để sống hòa hợp với thiên nhiên. Cũng có nghĩa là đã thoát khỏi vòng tranh đua của thói tục, không còn bị cuốn hút bởi tiền tài, địa vị; để tâm hồn được an nhiên, khoáng đạt:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Sự tài hoa của thi nhân được thể hiện qua việc sử dụng phép đối thật độc đáo: ta- người, dại- khôn nhằm nhấn mạnh thái độ sống mang tính triết lý sâu sắc, thâm trầm của thi nhân. Thực chất đây là một cách nói ngược để diễn tả sự coi thường lợi danh, nhằm chê bai lối sống tham vọng quyền lợi, tiền tài của bọn tham quan ô lại.
Chính bản thân nhà thơ đã nhiều lần khẳng định nghĩa dại – khôn bằng cách nói ngược này. Bởi những người tham vọng thường lấy lẽ dại- khôn để tính toán, tranh giành hơn thua, cho nên thực chất cách nói này để thể hiện những dục vọng thấp hèn của con người. Nơi vắng vẻ thực chất là một nơi yên ả với cuộc sống tươi mát hòa hợp với thiên nhiên hiền hòa, mang lại sự thảnh thơi cho tâm hồn con người.
Còn chốn lao xao chính là nơi với những thế lực cường quyền luôn dương oai để đua nhau tranh chấp quyền lực, đầy xa hoa phù phiếm. Nơi ấy khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn phải e dè, sống lo sợ và thấp thỏm bởi lo cho sự an nguy của bản thân và gia đình.
Qua đó cũng thể hiện một sự đùa vui hóm hỉnh: dại mà thực chất là khôn, còn khôn mà hóa dại trong lối suy nghĩ độc đáo của nhà thơ. Trong một bài thơ Nôm khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
Qua câu thơ trên, người đọc càng hiểu rõ hơn về triết lí sống và một phong cách sống thật đáng ngưỡng mộ của một bậc Đại Nho với tư tưởng “lánh đục về trong”, hướng tới cuộc sống an nhàn, hạnh phúc, sống được là chính mình của thi nhân.
Cuộc sống của bậc đại nhân ở am Bạch Vân đạm bạc mà thanh cao khiến ai nấy đề xuýt xoa:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Bức tranh thiên nhiên bốn mùa về cuộc sống thanh tao, gắn bó hòa hợp với thiên nhiên của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn quê nhà hiện lên thật đáng ngưỡng mộ. Câu thơ hiện lên với hình ảnh của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và bức tranh về đời sống sinh hoạt vô cùng giản dị của nhà thơ.
Vốn là một vị quan Trạng đang ăn sung mặc sướng, hưởng bổng lộc của Triều đình thì giờ đây lại phải lao động, ăn uống “tự cung tự cấp” và sinh hoạt thật dân dã như những lão nông bình thường: ăn những thức ăn quê mùa, dân dã như măng trúc, giá đều là cây nhà lá vườn, do mình tự làm ra, là công sức của chính mình. Ăn đã vậy, còn ở, còn sinh hoạt? Một Ông Trạng nức tiếng giờ đây cũng tắm hồ sen, tắm ao chum như bao người dân quê khác.
Dù chỉ là những thói quen sinh hoạt hay cách ăn uống vô cùng giản dị nhưng lại gợi lên một cảm giác thật thoải mái, tâm hồn khoáng đạt của nhà thơ bởi lối sống thảnh thơi được thả hồn vào mọi thứ xung quanh, mà không cần luồn cúi, e sợ một kẻ nào. Nhờ nghệ thuật đối và cách ngắt nhịp 4/3 đã giúp gợi lên một phong thái nhịp nhàng, thong thả và yêu đời của thi nhân.
Hai câu thực đã vẽ nên một bức tranh cuộc sống bốn mùa đầy màu sắc tươi đẹp nhưng thật tươi mát và bình dị bởi trong đó có cảnh đẹp hồ sen và cả cảnh sinh hoạt của con người được tác giả tái hiện thật sống động ở am Bạch Vân. Đâu đó cũng toát lên một tâm thế yêu đời và rất lạc quan về một cuộc sống rất đỗi đạm bạc, giản dị mà vẫn thanh cao, tự do của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhãn quan nhạy bén và cái nhìn sáng suốt của nhà thơ đã được thể hiện tập trung nhất ở hai câu thơ cuối. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm đến cái “say” là để “tỉnh” và ông đã tỉnh táo hơn bao giờ hết:
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Đến đây tác giả sử dụng điển tích giấc mộng đêm hòe:Coi phú quý tựa như một giấc chiêm bao để khẳng định một lần nữa sự lựa chọn lối sống “nhàn” của mình. Hai câu thơ đã thể hiện một nhân cách sống, một trí tuệ khác thường bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sáng suốt nhận ra rằng công danh, của cải, quyền quý chỉ tựa như một giấc mộng chiêm bao, không bao giờ với tới được. Động từ “nhìn xem” đã thể hiện sự thức tỉnh một cách đúng lúc của thi nhân trong tư thế làm chủ hiên ngang của cuộc đời mình.
Hai câu thơ kết đã truyền đạt thật trọn vẹn ý nghĩa của quan niệm sống Nhàn đó là: biết từ bỏ những thứ xa xỉ như vinh hoa, lợi danh bởi vì đó chỉ như một giấc chiêm bao mà thôi. Ông khuyên con người đừng nên học theo thói xấu đó, và nên nhớ rằng chỉ có vẻ đẹp về nhân cách, tâm hồn trong sạch mới là vẻ đẹp đáng trân trọng và lưu giữ mãi về sau. Qua đó cũng toát lên vẻ đẹp nhân cách đạo đức của một bậc Nho sĩ đại tài Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ông đã cởi mũ quan để về chốn thanh tịnh sống phần đời của chính mình, để giữ lại một nhân cách đáng trân quý. Quan điểm coi khinh danh lợi, xem đó là phù phiếm, hão huyền.
Bài thơ “Nhàn” chỉ với 8 câu thơ Đường luật với kết cấu chặt chẽ, tứ thơ đơn giản nhưng hàm ý sâu xa, đã khắc họa cho người đọc về một lí tưởng sống hiền tuệ, triết lý sống đầy tính nhân văn : vinh hoa phú quý chỉ như một giấc mộng phù du mà những con người hám lợi danh luôn chạy theo nhưng không bao giờ với tới nên Ông chọn cách rời xa chốn hư danh phàm tục đó để giữ cho thiên lương trong sạch mới là bậc đại trí, đại tài. Thông qua tác phẩm, chúng ta cũng thấy rõ về một tâm hồn yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, một cốt cách cao đẹp xứng đáng làm một tấm gương sáng cho bao thế hệ mai sau.
Bài làm mẫu 4
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) quê ở làng Trung Am, xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng, ông đỗ Trạng nguyên năm 1535 và ra làm quan dưới triều nhà Mạc. Ông đã để lại cho đời tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập (khoảng 700 bài) và tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi (khoảng trên 170 bài). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ca ngợi ý chí thành cao của kẻ sĩ và biểu dương quan niệm sống nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội đương thời.
Nhàn là bài thơ Nôm nằm trong tập Bạch Vân quốc ngữ thi. Nhan đề bài thơ là do người đời sau đặt. Bài thơ như lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hòa hợp với tự nhiên, giữ được cốt cách thanh cao, khí tiết cương trực, vượt lên trên những danh lợi tầm thường.
Hai câu thơ đầu phản ánh cuộc sống nhàn nhã, ung dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Quan Trạng về sống giữa chốn thôn quê nay đã giống như một “lão nông tri điền”, hằng ngày làm bạn với những công cụ lao động như mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần câu để câu cá, .;., Cách dùng số từ tính đếm rành rọt cho thấy tất cả đã trở nên gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống của ông.
Câu thơ đưa ta trở về với cuộc sống chất phác đơn sơ của cái thời “tạc tỉnh canh điền ” (đào giếng lấy nước uống, cày ruộng lấy cơm ăn) xa xưa. Quan Trạng đang áo mũ xênh xang, chức lớn, bổng lộc nhiều, ấy vậy mà bỗng dưng rũ bỏ tất cả để trở về với đời sống “tự cung tự cấp” thì cũng đã là: một sự ngông ngạo trước thói đời hám danh, hám lợi. Ngông ngạo mà không ngang tàng, cứ thuần hậu, nguyên thủy, chân chất nông dân:
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Hai chữ Thơ thẩn phản ánh một cách tài tình phong cách ung dung và tâm trạng thảnh thơi của con người tự cho mình là đã xa lánh cõi trần tục đầy tham, sân, si; trong lòng không còn vướng bận những âm mưu, toan tính bon chen. Niềm vui như hiện lên trong từng bước đi thong thả, nhàn nhã. Niềm vui chi phối cả âm điệu bài thơ, cứ nhẹ nhàng, lâng lâng, thanh thản một cách lạ kì. Cụm từ dầu ai vui thú nào còn nói lên lập trường kiên định của nhà thơ trước lối sống đã lựa chọn. Chữ ai vốn là một đại từ phiếm chỉ, được tác giả sử dụng trong câu thơ này với một nghĩa rất rộng, càng suy ngẫm càng thấy thú vị.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan, trở về quê nhà tức là trở về với thiên nhiên. Sống hòa hợp với thiên nhiên có nghĩa là đã thoát khỏi vòng tranh đua của thói tục, không còn bị cuốn hút bởi tiền tài, địa vị, để tâm hồn được an nhiên, khoáng đạt:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Nhân cách thanh cao Nguyễn Bỉnh Khiêm đối lập với danh lợi như nước với lửa. Vắng vẻ đối lập với lao xao, ta đối lập với người. Tìm nơi vắng vẻ không phải là lánh đời mà là tìm nơi mình thích thú, được sống thoải mái, an nhiên, khác xa chốn quan trường hiểm hóc vinh liền nhục. Nơi vắng vẻ là nơi không có chuyện cầu cạnh, bon chen. Nơi vắng vẻ là nơi thiên nhiên tươi xanh, mang lại sự thảnh thơi cho tâm hồn. Chốn lao xao là chốn cửa quyền trống giong cờ mở, là đường hoạn lộ tấp nập ngựa xe. Đến chốn lao xao là đến chốn chợ lợi đường danh huyên náo, nơi con người chen chúc xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành giật quyền lợi, để vinh thân phì gia. Đây là nơi có nhiều nguy hiểm khôn tường.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một bậc thức giả có trí tuệ vô cùng sáng suốt. Sáng suốt trong sự chọn lựa: Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, mặc cho: Người khôn, người đến chốn lao xao. Sáng suốt trong cách nói đùa vui hóm hỉnh, ngược nghĩa: dại mà thực chất là khôn, còn khôn mà hóa dại.
Ở một bài thơ khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
(Thơ Nôm)
Như vậy là quan niệm dại, khôn của Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất phát từ trí tuệ, triết lí dân gian: Ở hiền gặp lành; ở ác gặp ác.
Cuộc sống của bậc đại nhân ở am Bạch Vân đạm bạc mà thanh cao biết mấy:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Hai câu thơ tả cảnh sinh hoạt giản dị mà không kém phần thú vị nơi thôn dã với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhà thơ nói về chuyện sinh hoạt hằng ngày như chuyện ăn, chuyện tắm, tuy cực kì đơn sơ nhưng thích thú ở chỗ mùa nào cũng sẵn, chẳng phải nhọc công tìm kiếm về mặt tinh thần, cuộc sống giản dị như thế cho phép con người được tự do, tự tại, không cần phải luồn cúi, cầu cạnh kẻ khác, không cần phải theo đuổi công danh, phú quý, không bị gò bó, ràng buộc vào bất cứ khuôn phép nào.
Những thức ăn quê mùa, dân dã như măng trúc, giá đều là cây nhà lá vườn, do mình tự làm ra, là công sức của chính mình. Ăn đã vậy, còn ở, còn sinh hoạt? Quan Trạng giờ đây cũng tắm hồ sen, tắm áo như bao người dân quê khác.
Là bậc triết gia với trí tuệ uyên thâm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nắm vững lẽ biến dịch, hiểu thấu quy luật của Tạo hóa và của xã hội. Theo ông, cái khôn của bậc chính nhân quân tử là quay lưng lại với danh lợi, tìm sự thư thái cho tâm hồn, sống ung dung hòa hợp với thiên nhiên thuần khiết.
Nhãn quan tỏ tường và cái nhìn thông tuệ của nhà thơ thể hiện tập trung nhất ở hai câu thơ cuối. Nhà thơ tìm đến cái “say” là để “tỉnh” và ông tỉnh táo hơn bao giờ hết:
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Quan Trạng khẳng định một lần nữa sự lựa chọn lối sống nhàn của mình. Cuộc sống nhàn dật này là kết quả của một nhân cách, một trí tuệ khác thường. Trí tuệ sáng suốt nhận ra rằng công danh, của cải, quyền quý chỉ tựa chiêm bao. Trí tuệ nâng cao nhân cách, làm cho lập trường thêm kiên định để nhà thơ có đủ quyết tâm từ bỏ chốn quan trường lao xao danh lợi, tìm đến nơi thiên nhiên vắng vẻ mà trong sạch, thanh cao để di dưỡng tinh thần, giữ vững hai chữ thiện lương.
Nhàn là chủ đề rất phổ biến trong thơ văn thời trung đại. Nhàn là một nét tư tưởng và văn hóa rất sâu sắc của người xưa, đặc biệt là của tầng lớp trí thức. Sống nhàn hợp với tự nhiên, hợp với việc tu dưỡng nhân cách, có điều kiện dưỡng sinh, kéo dài tuổi thọ. Sống nhàn đem lại những thú vui lành mạnh cho con người, Biết sống nhàn, biết tìm thú nhàn là cả một học thuyết triết học lớn.
Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải nhằm mục đích trốn tránh vất vả, cực nhọc về thể chất, quay lưng với xã hội, chỉ lo cho cuộc sống nhàn tản của bản thân, ông cho rằng sống nhàn là xa lánh nơi quyền quý, danh lợi mà ông gọi là chốn lao xao. Nhàn là sống hòa hợp với tự nhiên, về với tự nhiên để tu tâm dưỡng tính. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhàn thân mà không nhàn tâm, lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm thương nước lo dân. Đặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến đương thời đã có những biểu hiện suy vi về đạo đức thì quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nhiều yếu tố tích cực.
Chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện khá rõ nét qua bài thơ nhàn. Từ bức chân dung giản dị, mộc mạc ấy toát lên vẻ đẹp nhân cách cao quý, vẻ đẹp trí tuệ tuyệt vời của bậc đại Nho mà tên tuổi lưu danh muôn thuở.
Bài làm mẫu 5
Chốn quan trường thời xưa ai cũng mong hòng có một chân trong những chức phận trong cung, người muốn thì nhiều mà người không muốn rời bỏ chốn quan trường thì ít. Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm một bậc quân thần trung quân ái quốc và một nhà nho đại tài đã trở về quê ở ẩn. Trong khoảng thời gian ở ẩn Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sáng tác bài thơ Nhàn thể hiện sự nhàn rỗi của mình khi rời bỏ chốn quan trường, đồng thời nói lên những quan điểm của mình về chốn quan trường ấy, “dại” hay “khôn” chỉ có thể đọc thơ của ông mới hiểu hết được quan điểm ấy.
Cái tên của bài thơ thật độc đáo và đặc biệt. Nhan đề ấy chỉ có một câu nhưng đã nói lên tất cả những gì mà nhà thơ muốn gửi gắm. Một tiếng nhàn thể hiện sự nhàn rỗi của con người trong cuộc sống thực tại. Theo thông thường thì nhàn thì sẽ chỉ có ngồi mát ăn bát vàng thôi vậy thì nhàn mà Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn nói đến là gì?. Nhan đề độc đáo như có tác dụng hấp dẫn người đọc hơn khi vào những tâm tư chia sẻ của nhà thơ ấy.
Trước hết là hai câu thơ đầu với những hình ảnh quen thuộc của làng quê đồng ruộng Nguyễn Bỉnh Khiêm giới thiệu cuộc sống mà ông coi là nhàn hạ cho mọi người biết:
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
Hình ảnh những vật dụng quen thuộc của công việc làm đồng cho thấy được những không gian êm ả yên tĩnh của làng quê. Có thể mỗi nhà nho nghỉ quan về ở ẩn đều tìm đến chốn làng quê để cho tâm hồn mình thanh tịnh chứ không ở trên kinh thành. Làng quê ấy không chỉ có những cảnh vật quen thuộc như cây đa bến nước mái đình mà ở đây làng quê hiện lên trên những vật dụng công cụ của đồng áng. Nào mai, nào cuốc những thứ ấy đều là công việc mệt nhọc của nhà nông. Cái công việc mà làm quần quật cả ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, một nắng hai sương. Ấy thế mà ở đây tác giả lại nói đây là việc nhàn tại sao vậy. có thể nói so với Nguyễn Bỉnh khiêm thì đó là một công việc tuy mệt mỏi chân tay nhưng lại không mệt trí óc hay tâm hồn. Chí ít ra thì ở đây ông có thể “thẩn thơ” với thú vui câu ca cảnh vật làng quê, tận hưởng sự bình yên không khí nơi đây.
Tiếp đến hai câu thơ sau thì chúng ta thấy được những quan niệm của nhà thơ về sự “khôn” “dại” trong việc làm quan hay nghỉ hưu về quê làm một anh nông dân quèn để giữ cho mình một khí tiết trong sạch:
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao”
Chắc hẳn trước sự lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì nhiều người có thể nói ông là dại chính vì thế mà ông đã nói lên chính những tâm sự của mình để bày tỏ quan điểm sống. Tác giả nói ta dại cho nên ta về nơi thôn quê vắng vẻ hẻo lánh để ở còn người khôn người đến những chốn lao xao như quan trường. có thể thấy rằng ở đây tác giả đã thể hiện cách nói đối lập để làm rõ quan điểm của mình. Đồng thời cũng qua đó ta thấy được lẽ sống của những bậc nho gia thời xưa. Người nhà nho không gì quý hơn là thanh danh và sự trong sạch của mình chính vì thế mà ai cũng hết sức lắng đục tìm trong để bảo vệ cho khí tiết của mình. Nơi vắng vẻ ở đây chính là chốn làng quê, chốn lao xao chính là nơi quan trường nhiều hiểm độc.
Tưởng chừng những nơi vắng vẻ kia nguy hiểm nhưng chính chốn lao xao kia mới là đáng sợ. bởi vì sao?, vì trong cái chốn thâm cung nhiều người âm mưu nghiệp lớn hãm hại lẫn nhau, đấu đá dành phần hơn và có thể bất chấp mọi thủ đoạn để tiến lên. Chính vì thế mà nhà thơ chán ghét và đặc biệt nói cách ở trên thì nhà thơ như muôn người đọc tự hiểu được như thế nào mới là dại mới là khôn thật sự.
Cảnh sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện rất rõ trong hai câu thơ tiếp theo. Đó bức tranh của xuân hạ thu đông, bốn mùa của đất trời và khi ấy con người nhàn hạ kia đã có những thực phẩm thể hiện sự nhàn của mình:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
Mùa thu tác giả ăn măng trúc trong rừng, mùa đông thì ăn giá đỗ, mùa xuân tắm hồ sen, mùa hạ tắm ao. Cảnh sinh hoạt của nhà thơ nơi thôn dã thật sự rất bình thường thế nhưng qua đó ta thấy được một tâm hồn đồng điệu với thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên, ăn, uống, tăm những gì của thiên nhiên. Có thể nói nhà thơ như đang hòa mình vào đất trời. Mùa đông ăn giá là giá đỗ hay cũng chính là cái giá lạnh của gió mùa đông bắc. thế nhưng cuộc sống như thế nhà thơ không cần phải lo nghĩ gì và theo quan điểm của nhà thơ thì đó chính là “nhàn”.
Cuộc sống nhàn ấy với một nhà nho không chỉ hòa hợp với thiên nhiên mà còn phải có cả rượu:
“Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao”
Đến rượu cũng thật sự là thiên nhiên qua hình ảnh rượu đến gốc cây. Cái “nhắp” kia như vẽ lên một hình ảnh nhà nho già tây cầm ly rượu mà đưa lên môi nhắp lấy một cái ngâm trong miệng cái nồng nàn hơi men của rượu. Thế rồi mắt đưa ra khung cảnh bầu trời mà mơ màng ngắm vịnh. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đó chính là cuộc sống thanh đạm của nhà thơ song đối với ông thì đó chính là phú quý như một giấc chiêm bao vậy.
Bài thơ đã vẽ lên một nhà nho về quê ở ẩn với những thú vui lao động như bao nhiêu người nông dân khác. nếu như những người nông dân coi việc đó là chán ngắt thì với Nguyễn Bỉnh Khiêm đó lại chính là thú vui. Cuộc sống đạm bạc giản dị mà thanh cao cùng với quan điểm “khôn- dại” ta thấy hiện lên một nhà nho đạm bạc và một tâm hồn cao đẹp yêu thiên nhiên biết bao nhiêu.
.............
Tải file tài liệu để xem thêm bài văn phân tích Nhàn