Phân tích bài thơ Không ngủ được của Hồ Chí Minh Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10
Phân tích bài thơ Không ngủ được của Hồ Chí Minh mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.
Không ngủ được của Hồ Chí Minh được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt kể về một đêm không ngủ của Bác Hồ vì lo nỗi nước nhà. Để hiểu rõ hơn về bài thơ mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu phân tích Không ngủ được trong bài viết dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu: phân tích bài thơ Vịnh năm canh, phân tích bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai.
Phân tích Không ngủ được của Hồ Chí Minh
Bài thơ “Không ngủ được” trích trong “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí minh. Bài thơ ghi lại tâm trạng một đêm không ngủ của Bác trong nhà tù Tưởng Giới Thạch.
Mở đầu bài thời gian và không gian nhà tù hiện lại:
“Một canh… hai canh… lại ba canh,
Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành”.
Bác Hồ lặng lẽ đếm thời gian trôi qua một cách nặng nề, chậm chạp giữa không gian hôi hám, chật hẹp, tối tăm của nhà tù. Dấu chấm lửng làm tăng thêm cảm giác đó. Đã hết ba phần năm của một đêm rồi mà Người vẫn: “Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành”
Đúng như trong bài Bốn tháng rồi, bác có viết: “Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài”. Những đêm trong tù như dài đằng đẵng. Đêm càng dài hơn khi người tù không ngủ được vì nỗi nhớ nước, thương nhà, lo lắng cho vận mệnh của dân tộc.
Nhớ nước mà không ngủ được cũng là điều thường thấy ở các bậc vĩ nhân trong lịch sử. Trần Hưng Đạo cũng đã từng “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…” (Hịch tướng sĩ), còn Nguyễn Trãi thì: “Những trằn trọc trong cơn mộng mị / Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi…” (Bình Ngô đại cáo).
Tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông, Bác Hồ cũng có nhiều đêm không ngủ như thế. Nhưng có phải những đêm không ngủ của nhà cách mạng Hồ Chí Minh vẫn có những nét mới, những điểm toả sáng hơn? Điều này được thể hiện ở sự vận động của mạch thơ từ “thức” sang “ngủ” đến “mơ” để có một hình ảnh lung linh rực rỡ khép lại bài thơ trong một giấc mơ kì diệu của người tù – thi sĩ – chiến sĩ:
“Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”
Giấc mơ là mộng nhưng cũng là thực của nỗi lòng Bác lúc bấy giờ. Bởi theo tâm lý những hình ảnh hiện lên trong giấc mơ của con người bao giờ cũng là những điều mà họ quan tâm, chú ý nhất, những điều ám ảnh nhất đối với họ trong lúc tỉnh.
Cái gì đã hiện lên trong giấc mơ ở chốn ngục tù của Bác ? Đó là “sao vàng năm cánh”, biểu tượng cho lá cớ tổ quốc và cách mạng. Và hình ảnh “sao vàng năm cánh” đã đến ngay trong giấc mơ khi Người vừa chợp mắt. Có nghĩa là hình ảnh Tổ Quốc luôn da diết và thường trực trong máu thịt và tâm hồn Người, trong cuộc đời cách mạng gian truân, vất vả của Người.
Có phải vì thế mà Chế Lan Viên đã thấu hiểu nỗi niềm thiết tha, đau đớn nhớ Nước của Bác trong những ngày “Người đi tìm hình của nước” :
“Đêm mơ nước ngày thấy hình của Nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
An một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ Quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.
Và ta hiểu ý thơ này của ông đã được khơi nguồn từ hình ảnh “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” trong bài “không ngủ được” của Bác,
cũng như Hoàng Trung Thông khi đọc thơ Bác đã cảm nhận lòng yêu nước cao đẹp, tuyệt vời của lãnh tụ:
“Thân ở trong tù hồn ở nước
Bay quanh hồn mộng ánh vàng sao”.
Đây không chỉ là nỗi nhớ nước da diết và thường trực của người con yêu nước số một của dân tộc mà còn là “nỗi nhớ nước trong một niềm tin phơi phới” của người chiến sĩ cách mạng lão thành đã nhìn thấy tương lai tươi sáng của nước nhà ngay trong bóng tối của chốn ngục tù. Cho nên hình ảnh Tổ Quốc hiện lên trong giấc mơ mới thật lung linh, rực rỡ: “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.
Niềm tin ấy phải mạnh mẽ đến thế nào thì mới có một giấc mộng về Tổ quốc đẹp đến thế, mới sáng tạo ra một hình ảnh đầy chất thơ như vậy. Đó là chất lãng mạn vươn lên trên hiện thực đen tối của nhà tù. Nó chính là sự vượt ngục tinh thần của nhà thơ để vươn ra ánh sáng, đến với tương lai tươi đẹp của Tổ quốc, của dân tộc trong một dự cảm đầy niềm tin của mình.
Có thể nói rằng, ở bài thơ “Không ngủ được” cũng như trong toàn bộ sáng tác thi ca của mình, “con người thường ít ngủ” ấy “Con người đi trong những giấc mơ của ta” đã kết hợp bút pháp cổ điển và hiện đại một cách khéo léo nhuần nhị. Chính vì thế, thơ Người vừa mới mẻ cô đọng, hàm súc; vừa bất tử với thời gian.