Nghị luận xã hội về Trải nghiệm thực tế hay trí tưởng tượng Viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ lớp 12
Văn mẫu lớp 12: Trong thời đại công nghệ lên ngôi, người trẻ cần rèn luyện tư duy, trải nghiệm thực tế hay trí tưởng tượng mang đến bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội liên quan đến tuổi trẻ hay.
Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến về Trải nghiệm thực tế hay trí tưởng tượng mà Eballsviet.com đăng tải dưới đây được viết rất rõ ràng dễ hiểu. Qua đó giúp các bạn nhanh chóng nắm bắt kiến thức và cũng là tiết kiệm thời gian cho việc tìm kiếm. Bên cạnh đó để nâng cao kỹ năng viết văn nghị luận xã hội các bạn xem thêm: nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh, nghị luận về hiện tượng nghiện Tiktok của giới trẻ hiện nay.
Nghị luận về Trải nghiệm thực tế hay trí tưởng tượng (Siêu hay)
Đề bài: Trong thời đại công nghệ lên ngôi, người trẻ cần rèn luyện tư duy, trải nghiệm thực tế hay trí tưởng tượng?
Bài làm
Albert Einstein từng quan ngại: “Tôi sợ rằng một ngày rồi công nghệ lấn át sự tương tác của con người. Thế giới sẽ có một thế hệ ngu ngốc”. Thế nhưng, sự ngu ngốc chỉ nảy sinh khi con người chỉ đứng im bất động trước mọi biến chuyển của đời sống, để trí óc mình rơi vào chỗ lệ thuộc. Chưa bao giờ hơn bây giờ, ngay tại thời điểm công nghệ lên ngôi, điều người trẻ cần rèn luyện không chỉ là tư duy, trải nghiệm thực tế mà còn là trí tưởng tượng của chính mình.
Sự vận động không ngừng của khoa học công nghệ đã đem lại nhiều biến chuyển, đổi thay cho đời sống của toàn nhân loại. “Thời đại công nghệ lên ngôi” là giai đoạn đánh dấu sự phát triển rực rỡ của cuộc Cách mạng 4.0 – nơi con người được tiếp cận với nhiều thành tựu hiện đại. Thế nhưng, thời đại ấy cũng đặt ra cho thế hệ trẻ nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực dấn thân vào hành trình “trải nghiệm”, “rèn luyện tư duy”. “Tư duy”, “trải nghiệm” là cách nâng cao hiểu biết, mài sắc sự nhạy bén, thông thái của bản thân từ việc không ngừng lí giải bản chất của vấn đề và dấn thân vào thực tế. Nhưng sống thực tế lại thiếu mơ mộng, để lại một tư duy kém phong phú cho con người thời đại mới. Càng tiến gần với văn minh, con người càng cần “tưởng tượng” – phóng xa tầm mắt của chính mình, hữu hình hoá mọi viễn cảnh trong tưởng tượng. Đây là hai quá trình song song, tương hỗ lẫn nhau, khiến cách nhìn nhận của con người trở nên toàn diện khi được đặt trong bất kì bối cảnh nào.
Tri thức vốn là điều mà loài người luôn khát khao được sở hữu. Tri thức đưa loài vượn cổ Homo Sapiens sống sót qua kỉ băng hà. Tri thức đưa con người đến với ngọn lửa đầu tiên trên trái đất. Có thể thấy, người xưa tạo dựng nền móng cho sự tồn tại và phát triển bằng việc không ngừng nâng cao hiểu biết. Vậy có nguyên cớ gì để con người bất động trước những vùng trời mới mà kỷ nguyên hiện đại mở ra trước mắt? Khước từ “rèn luyện tư duy, trải nghiệm” nghĩa là khước từ cơ hội khách quan mà thời đại mang lại để trau dồi và hoàn thiện bản thân. Càng đặt trong bối cảnh hiện đại, con người càng cần nỗ lực đổi mới suy nghĩ, để tâm trí mình rộng mở với những quan điểm mới mẻ. Kẻ có tiếng nói chính là kẻ sở hữu trong mình tri thức và kẻ có khả năng thống lĩnh, làm chủ cuộc đời của mình cũng là kẻ có tri thức. Nếu không, họ mãi chỉ là một “hạt cát vô danh”, một giọt nước bé nhỏ, bị lu mờ giữa bão cát và đại dương mênh mông. Với tốc độ đào thải nhanh chóng như hiện nay, việc trì trệ trong “đường đua” tri thức là sự thiếu sót nặng nề đối với người trẻ.
Đặc biệt, tri thức mà thời đại ngày nay hướng tới là sự ứng dụng và thực hành nhằm phát triển toàn diện mọi kỹ năng cho người trẻ. Như Goethe từng nói: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”. Chỉ khi nào con người biến tri thức mà mình sở hữu thành hiện thực thì khi mẻ, nó mới trở nên giá trị. Bởi vậy, càng là lớp trẻ đi đầu, con người càng cần “rèn luyện tư duy, trải nghiệm”. Chỉ những chuyến đi, sự sẵn sàng dấn thân vào trải chúng ta có thể thích nghi linh hoạt, nhạy bén với mọi đổi thay trong đời sống. Tư duy thực tế đã đưa cô gái trẻ tuổi Phạm Khánh Linh trở thành một trong bảy gương mặt nổi bật của lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh. Cô tự mình đặt ra câu hỏi: “ Nếu một triệu xe tải thì mức độ phí phạm sẽ nhiều đến cỡ nào?”. Đặc biệt, kinh nghiệm từ những lần thất bại xương máu, từ việc đi khảo sát các công ty vận tải, trò chuyện với các tài xế xe tải đã đưa cô đến gần hơn với ý tưởng Slogan- nền tảng kết nối nhu cầu vận chuyển của con người. Có thể thấy, càng trải nghiệm, càng rèn luyện tư duy, con người càng có khả năng mở ra một con đường đi mới mẻ cho chính mình.
Thế nhưng, tri thức, trải nghiệm dẫu phong phú đến đâu cũng không phong phú bằng trí tưởng tượng của con người. Có thể thấy, chính từ trí tưởng tượng, những ý tưởng tưởng chừng “điên rồ” lại có khả năng đưa đến những phát minh, giá trị mới mẻ cho nhân loại. Trí tưởng tượng sẽ phát huy tối đa nguồn tri thức mà con người đương sở hữu. Nó giúp người trẻ dám mơ những điều chưa có ngoài hiện thực, dám mạnh mẽ bước ra khỏi mọi giới hạn và khuôn khổ vây quanh. Suy cho cùng, khi tri thức là một dạng kế thừa từ người đi trước, kế thừa từ thiên nhiên tạo vật thì trí tưởng tượng là cách thức để con người tạo lập những điều của riêng mình. Người ta cho rằng sự xuất hiện của robot chính là thành công lớn lao của loài người, nhưng Sam Altman đã làm thế giới chấn động bởi Chat GPT do chính anh tạo nên. Đấy là thành quả của nỗ lực hun đúc, của sự tìm tòi và nhất là trí tưởng tượng phong phú. Con người luôn e ngại rằng liệu một ngày robot sẽ thống trị loài người. Nhưng dường như, điều đó chỉ xảy ra khi con người đã cạn kiệt chất xám và mất đi khả năng mơ mộng của chính mình.
Tuy nhiên, việc đề cao trải nghiệm thực tế, rèn luyện tư duy không có nghĩa là khuyến khích người trẻ bỏ qua những kiến thức sách vở, và nền tảng lý thuyết. Trái lại, con người cần biết tiếp thu, tận dụng những gì đã có, đã được học để tự mình bồi dưỡng bản thân. Đồng thời, việc giàu trí tưởng tượng cũng không đồng nhất với việc ảo tưởng, viển vông, xa rời thực tế mà dẫn đến những hành động bất khả thi. Bởi vậy, là người trẻ, chúng ta càng cần dung hòa hợp lý giữa thực tế và lí tưởng, giữa thực lực và niềm tin.
Thời đại mới đã đưa con người đến với những vùng trời mới, nhưng cũng buộc họ phải nỗ lực dấn thân và thử thách khả năng, giới hạn, sự bản lĩnh của chính mình. Bởi vậy, con người cần có cho mình một niềm ham học hỏi, khát khao chinh phục những mục tiêu, đỉnh cao mới. Hãy để bước chân mình đặt lên những mảnh đất khác nhau, để tâm hồn mình gặp gỡ những con người khác nhau và tâm trí mình hoà điệu cùng những bộ óc tài ba khác. Sự tự do trong mỗi người khi ấy sẽ đưa ta đến những vùng trời rộng lớn và giúp ta thoải mái ấp ủ những ý tưởng, sự mộng mơ. Chưa bao giờ là quá muộn để bước đi trên hành trình học hỏi và khám phá, chỉ cần ta luôn sẵn sàng, mọi thứ nhất định sẽ thành hiện thực.
Tôi luôn băn khoăn bởi tựa đề: “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”. Và có lẽ, giá trị của tuổi trẻ là khi ta biết sống rộng, sông sâu, sống cho thỏa những mong ước trong mình. Tự tin, mạnh mẽ cất cao đôi cánh đến với những vùng trời mới – khi ấy, bạn sẽ nhận ra mình là ai.