Nghị luận về ý kiến Cười là một hình thức chế ngự cái xấu Văn mẫu lớp 12
Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về ý kiến Cười là một hình thức chế ngự cái xấu mang đến bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội hay.
Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến Cười là một hình thức chế ngự cái xấu mà Eballsviet.com đăng tải dưới đây được viết rất rõ ràng dễ hiểu. Qua đó giúp các bạn nhanh chóng nắm bắt kiến thức và cũng là tiết kiệm thời gian cho việc tìm kiếm. Bên cạnh đó để nâng cao kỹ năng viết văn nghị luận xã hội các bạn xem thêm: nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh, nghị luận về hiện tượng nghiện Tiktok của giới trẻ hiện nay.
Nghị luận Cười là một hình thức chế ngự cái xấu (Siêu hay)
Tiếng cười là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, và văn học cũng không ngoại lệ. Bước vào thế giới văn chương, tiếng cười mang nhiều sắc thái khác nhau. Đó có thể là tiếng cười sảng khoái, mang lại những phút giây thư giãn, giải trí, nhưng cũng có thể là tiếng cười sâu cay, nhắm đến những điều đáng phê phán, giúp ta nhận ra và thay đổi. Vì vậy, trong sách Lí luận văn học (tập một), các tác giả đã cho rằng: “Cười là một hình thức chế ngự cái xấu.”
Nhắc đến tiếng cười là nhắc đến niềm vui, sự hứng khởi. Câu nói “Cười là một hình thức chế ngự cái xấu” thể hiện vai trò quan trọng của tiếng cười trong việc loại bỏ những điều không đúng đắn, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp hơn. Trong văn học, tiếng cười hiện diện ở nhiều tác phẩm như truyện cười, thơ trào phúng, hay hài kịch, đóng góp vào việc giáo dục và giải trí, đồng thời phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.
Dân gian ta xưa kia đã không ít lần dành tiếng cười chế giễu qua những câu chuyện hài hước. Những thói hư tật xấu, những việc làm trái với thuần phong mĩ tục,… đều được dân gian châm biếm. Đó có thể là thói khoe khoang, như trong truyện Lợn cưới áo mới. Anh chàng có tính khoe của bị mất con lợn cưới đã hỏi một anh có tính khoe của không kém: “ Tôi có con lợn cưới, bác có thấy nó chạy qua đây không?”. Anh chàng kia lập tức khoe ngay chiếc áo của mình: “Từ lúc mặc chiếc áo mới này, tôi chẳng thấy có con lợn nào chạy qua đây cả”. Tình huống khôi hài được xây dựng, hai anh chớp thời cơ để khoe về con lợn cưới và chiếc áo mới của mình. Thông tin đưa ra trong lời nói của hai nhân vật có phần thừa thãi, bởi mục đích là để khoe khoang bản thân. Câu chuyện khiến ta bật cười trước sự bất bình thường ấy, từ đó biết phê phán thói khoe khoang của con người. Hay trong truyện cười Con rắn vuông, tình huống khôi hài của truyện là anh chồng có tính nói khoác, kể với vợ đã nhìn thấy con rắn “bề ngang đến hai mươi thước, bề dài đến một trăm hai mươi thước”. Người vợ biết thừa tính anh, trêu anh một mẻ, cuối cùng anh lại rút xuống: “Quả tôi nom thấy con rắn dài đúng hai mươi thước không kém một tấc, một phân nào!” Biết anh đã mắc lừa, người vợ cười phá lên: “Bề ngang hai mươi thước, bề dài hai mươi thước đúng, thì ra là con rắn vuông bốn góc à”. Người vợ đã khiến anh chồng nhận ra thói ba hoa, khoác lác của mình, chỉ bằng việc để anh tự làm lộ thói xấu. Tiếng cười sảng khoái sau câu chuyện đã phê phán thói nói khoác, nói thiếu cơ sở, căn cứ. Do vậy, tiếng cười trong dân gian sẽ luôn mang đến bài học để ta thay đổi, loại bỏ những thói xấu trong xã hội.
Với thơ trào phúng, tiếng cười là một phương tiện để ta có thể nhìn thẳng vào điều đáng để mỉa mai, thấy được những trăn trở của nhà thơ về xã hội, cuộc đời. Tú Xương với ngòi bút châm biếm sâu cay của mình đã cho ta thấy một thời kì khủng hoảng của chế độ thi cử Nho học đã suy tàn. Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là một bài thơ tiêu biểu:
Nhà nước ba năm mở hội thi
Trường Nam thi lẫn với trường Hà
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa
Cờ kéo rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà
Một khoa thi danh giá theo lẽ thường sẽ phải long trọng, trang nghiêm, nhưng cảnh khoa thi trong tác phẩm lại vô cùng hỗn loạn, lộn xộn. Hình ảnh sĩ tử “lôi thôi vai đeo lọ” , quan trường “ậm ọe miệng thét loa” đã cho ta thấy sự thiếu nghiêm túc của kì thi. Biện pháp đối, đảo ngữ ở hai câu thực góp phần nhấn mạnh cảnh tượng thật nhếch nhác, kém cỏi, trái với lẽ thường. Kì thi Hương năm Đinh Dậu còn có sự tham dự của những vị quan phương Tây, nhưng qua ngòi bút nhà thơ, sự châm biếm, đả kích lại thật mạnh mẽ. Phép đối ở hai câu luận nhấn mạnh cảnh phô trương, thị oai đến kệch cỡm. Tiếng cười trào phúng trong bài thơ cất lên từ những hình ảnh hỗn loạn, xộc xệch, từ đó khiến ta phải xót xa cho tình cảnh nước nhà. Bởi vậy, hai câu thơ kết như lời trăn trở của tác giả: “Nhân tài đất Bắc nào ai đó/ Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà” . “ Nhân tài ” là những kẻ hữu danh vô thực như sĩ tử, quan trường ở trường thi, hay là những người có tài, có tâm với đất nước? Dù hiểu theo cách nào, ta cũng thấy trong tiếng cười chế giễu là nỗi chua xót của tác giả trước vận mệnh nước nhà.
Tiếng cười không chỉ có trong thơ ca, truyện cười, mà còn nổi bật trong những vở hài kịch. Tác phẩm hài kịch thường cười cái lố bịch, nhố nhăng,… đối lập với những chuẩn mực, tốt đẹp, tiến bộ. Qua hài kịch, ta biết hướng tới những điều đúng đắn, loại đi điều kệch cỡm, sai trái trong đời sống. Điều này ta hoàn toàn có thể thấy trong những vở hài kịch của Molie – nhà soạn kịch vĩ đại trên thế giới. Vở hài kịch Trưởng giả học làm sang có nhân vật Jourdain thích đua đòi theo lối sống của những nhà quý tộc. Lão ngốc nghếch đến mức bị thợ may lừa phỉnh mà không hay biết, để rồi phải mặc bộ lễ phục chật ních, có chiếc hoa may ngược. Nghe lời nịnh hót của họ, gọi lão là “ngài quý tộc”, “tướng quân”, lão vui sướng khôn xiết và thưởng thêm cho họ. Lão ngốc nghếch đến mức bị cô người hầu Nicole cười liên tục khi nhìn thấy bộ dạng hài hước lúc mặc lễ phục, mà vẫn không nhận ra, thậm chí còn tin tưởng hơn vào lời nịnh hót của những người thợ may. Đó là “thói trưởng giả học làm sang”, thích đua đòi theo giới quý tộc mà không hiểu bản chất, bên ngoài thì hào nhoáng nhưng bên trong lại rỗng tuếch. Vở kịch khiến ta cười không ngớt về ông Jourdain, từ đó biết tránh lối sống háo danh, học đòi, ưa nịnh, mà phải biết sống hài hòa giữa sự hiểu biết, vị thế của bản thân.
Dù ở thể loại nào, ta cũng bắt gặp tiếng cười trong văn học. Qua tiếng cười, tác phẩm trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, giúp ta thấy được đời sống vô cùng phong phú và đẩy lùi cái xấu khỏi xã hội. Đó là giá trị đi qua thời gian, năm tháng của tác phẩm văn học.