Viết văn bản nghị luận về một phẩm chất của người học sinh Dàn ý + 4 bài văn hay lớp 11
Viết văn bản nghị luận ngắn về một phẩm chất của người học sinh bao gồm 4 mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết. Qua đó giúp các em học sinh có thể vận dụng, điều chỉnh và viết một cách tự tin chính xác hơn.
Nghị luận về một phẩm chất của người học sinh mà Eballsviet.com đăng tải dưới đây sẽ giúp các em tự luyện tập và rèn luyện phong cách viết riêng cho mình. Hi vọng qua bài văn mẫu này sẽ giúp các em học sinh học tập ngày càng tốt hơn và tự tin với khả năng viết văn nghị luận xã hội. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu nghị luận về mối quan hệ của con người với tự nhiên.
Nghị luận về một phẩm chất của người học sinh hay nhất
Dàn ý nghị luận về phẩm chất của người học sinh
I. Mở bài:
+ Mở bài trực tiếp: Giới thiệu luôn vấn đề cần nghị luận (chọn một phẩm chất mà em định viết)
+ Mở bài gián tiếp: Sử dụng một câu danh ngôn, một câu chuyện để dẫn dắt vào vấn đề nghị luận
II. Thân bài:
+ Giải thích: Giải thích về phẩm chất đã chọn ở phần mở bài, nêu khái quát tầm quan trọng của phẩm chất ấy với cuộc sống con người
+ Phân tích: Phân tích kỹ về phẩm chất này: vai trò, ý nghĩa...
+ Chứng minh: Dùng những minh chứng xác thực, tiêu biểu để minh họa cho bài viết của mình
+ Phản biện: Lật ngược vấn đề. Nêu ra những trường hợp nếu không có phẩm chất thì cuộc sống bị ảnh hưởng ra sao?
III. Kết bài:
- Khái quát lại tầm quan trọng của vấn đề
- Chốt vấn đề và đưa ra bài học cho bản thân
Nghị luận về một phẩm chất của người học sinh - Mẫu 1
Nhà văn William Shakespeare đã từng nói: “Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực”. Thật vậy, nếu con người không có lòng trung thực thì sẽ không được ai tin tưởng. Họ cũng không được mọi người yêu thương và kính trọng. Trung thực là vẻ đẹp đầu tiên trong kho tàng phẩm chất của con người
Trung thực là trung thành, tôn trọng sự thật. Trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc. Trung thực là luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, tạo nên định hướng giá trị nhân cách chân chính.
Người có lòng trung thực là người thật thà, ngay thẳng chân thành trong cách đối xử với mọi người. Họ luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống, luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí. Họ không gian dối, không ích kỉ hay vụ lợi cá nhân. Người trung thực luôn hướng đến lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng. Người trung thực có thể sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân để bảo vệ lẽ phải.
Có biết bao câu chuyện ngợi ca lòng trung thực ở con người đáng để chúng ta tôn kính và học tập. Thời cổ đại Trung Quốc, Chử Toại Lương là quan chép sử của vua Đường Thái Tông, sẵn sàng chịu tội chết chứ không chịu chép sai lịch sử các triều đại. Ông từng nói: “Tiền bạc không là gì so với danh dự, trung thực là cái mà chúng ta không thể đánh mất”. Đến đời sau, sử gia Tư Mã Thiên cũng đã học hỏi cổ nhân. Ông nêu cao danh tiết, trung thành với sự thật, ghi chép đúng lịch sử dẫu có bị cung hình. Ông đã để lại bộ “Sử kí” vĩ đại đến muôn đời.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu là một tấm gương sáng sáng ngời về lòng trung thực. Bác luôn sống có trách nhiệm với mình, với người, với việc. lòng trung thực thể hiện sâu sắc trong tư tưởng và lẽ sống của Người. Người dạy phải luôn kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm, không được hứa suông. Nói là làm ngay không được chần chừ hay hứa hẹn. Tấm gương của Người mãi mãi là bài học quý để chúng ta học tập và rèn luyện.
Lòng trung thực là một đức tính tốt đẹp, thể hiện nhân, cách nhân phẩm cao quý của con người. Nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Trong học tập, mỗi học sinh cần có lòng trung thực để đạt hiệu quả học tập tốt nhất. Bằng chính lực học của mình đạt lấy thành tích. Sống trung thực góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp trở thành người tốt.
Tính trung thực giúp con người được tin cậy. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên tính cách tự trọng, thẳng thắng của cá nhân; tạo nên uy tín, sức mạnh cho tập thể. Sống trung thực đòi hỏi phải dũng cảm và nghiêm khắc với chính bản thân.
Người thiếu trung thực thì không thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài với những người xung quanh. Từ đó, không thể thắt chặt tinh thần đoàn kết, quan hệ bền chặt, đánh mất niềm tin tưởng. Một lần mất tín vạn lần mất tin. Không có lòng trung thực không thể thành công trong cuộc sống.
Tính trung thực cần được chú trọng giáo dục, rèn luyện ngay từ những ngày còn cắp sách tới trường mà điểm đầu rèn luyện là thành thực với chính bản thân mình. Bởi vì, “Phải thành thật với mình, có thể mới không dối trá với người khác”. Hành động trung thực phải xuất phát từ sự chân thành, từ mong muốn bảo vệ công bằng và lẽ phải.
Kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với những cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; nghiêm khắc tự phê bình, phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm để hoàn thiện bản thân.
Trung thực là giá trị cốt lõi làm nên phẩm giá con người. Xoay quanh nó còn nhiều đức tính khác mà quan trọng nhất là thái độ thẳng thắn, tinh thần, hành động dũng cảm. Không có đức tính này, trung thực chỉ như của quý bị dấu kín. Rèn luyện tu dưỡng các tính tốt là rất cần nhưng thể hiện nó trong xử thế còn quan trọng hơn.
Tuy nhiên, có nhiều người trong xã hội sống và làm việc thiếu trung thực. Không trung thực chính là nguyên nhân, mầm mống của các tiêu cực xã hội, gây băng hoại đạo đức, làm mất lòng tin, xói mòn đời sống tốt đẹp mọi người đang chung tay xây đắp.
Bởi vậy, sống rất cần phải có lòng trung thực. Không vì cái lợi trước mắt mà bán rẻ lương tâm, đạo đức giả. Nhất là những người cầm quyền phải là người chí công vô tư, cương trực, thẳng thắn thì mới đưa đất nước vững mạnh đi lên, tiến tới công bằng, dân chủ, văn minh. Rồi trong các mối quan hệ hợp tác sản xuất kinh doanh cũng thế. Tính trung thực sẽ giúp có được lòng tin ở mọi người, từ đó có uy tín trong sản phẩm. Thiếu trung thực sẽ gây ra hậu quả không thể lường trước được.
Trung thực là đức tính cần thiết trong mọi hoàn cảnh và trong mọi thời đại. Là học sinh phải luôn trung thực trong thi cử và cuộc sống, trung thực trong mọi hành động, rèn luyện nhân cách, nhân phẩm trở thành người hữu ích sau này đem sức mình xây dựng quê hương đất nước.
Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng (Walter Scott). Hãy luôn sống một cách trung thực cho du thế giới xung quanh không phải lúc nào cũng trung thực với bạn. Hãy rèn luyện và bồi đắp lòng trung thực, hoàn thiện bản thân trở thành một người hữu ích mai này đem sức mình xây dựng quê hương đất nước. Quan trọng hơn hết, hãy xây dựng một lối sống trung thực, giàu tình yêu thương.
Nghị luận ngắn về một phẩm chất của người học sinh - Mẫu 2
Để có thể thành công trong cuộc sống đòi hỏi mỗi chúng ta phải rèn luyện nhiều kĩ năng và phẩm chất tốt. Một trong số những yếu tố để làm nên con người thành công đó là tự lập. Tự lập là đức tính rất đáng quý và vô cùng cần thiết cho giới trẻ ngày nay.
Trước hết, chúng ta cần hiểu tự lập là gì? Tự lập nghĩa là do chính bản thân ta làm ra, hoàn toàn không phụ thuộc vào ai. Đó là tự suy nghĩ, tự hành động, tự đưa ra các quyết định đời mình.
Từ nhỏ, chúng ta đã được ông bà, cha mẹ dạy đức tính tự lập bằng những việc làm đơn giản đầu tiên như tự đánh răng, tự mặc quần áo, tự xúc cơm ăn... Càng lớn, con người lại càng phải tự lập. Nhờ có tự lập, chúng ta mới có thể sinh sống và tồn tại, giống như chú chim non rời tổ để tự vỗ cánh bay đi kiếm thức ăn, con thú xa mẹ để học cách săn mồi, duy trì sự sống. Chúng ta không thể sống mãi trong vòng tay yêu thương, che chở của cha mẹ như hồi còn bé. Trưởng thành đồng nghĩa với việc ta phải tự lập nhiều hơn, đó là khi ta đứng trước ngã rẽ cuộc đời, phân vân không biết đi ngả nào, đó là lúc ta chọn cho mình một niềm đam mê và mơ ước. Khi đã tự lập, ta có thể tự tin, đứng hiên ngang trước mọi sóng gió cuộc đời mà không sợ bị quật ngã. Macxim Gorki vốn phải tự lập từ rất sớm. Ông khẳng định: Cuộc đời chính là trường đại học của tôi. Nhờ có những năm tháng gian nan, vất vả, làm đủ mọi nghề để kiếm sống, ông đã rèn luyện cho mình được đức tính tự lập và vốn sống, vốn kinh nghiệm đáng quý.
Không chỉ thế, tự lập còn giúp chúng ta khẳng định chính bản thân mình. Nếu chúng ta cứ mãi dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, lâu ngày, ta sẽ biến chính mình thành con kí sinh trùng, không thể tạo ra những giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội. Thực tế đã chứng minh, những người thành công là người có tính tự lập từ rất sớm. Người Nhật nổi tiếng vì họ được dạy cho tự lập từ khi còn là những cô, cậu bé mấy tuổi. Ta thường thấy trẻ em Nhật Bản tự đi đến trường không cần bố mẹ đưa đón, ở trường cũng tự làm vệ sinh lớp học. Cách giáo dục ấy đã tạo nên những thay đổi lớn trong xã hội Nhật Bản, đưa Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn hiện nay đó là nhiều người trẻ vẫn không thể sống tự lập, dựa dẫm vào gia đình, bố mẹ. Những người ấy thường trở thành gánh nặng cho mọi người và sẽ sớm bị xã hội đào thải. Thực trạng này có thể dễ dàng bắt gặp ở những đứa trẻ quen được bố mẹ chiều chuộng, đến khi bước vào đời thì bỡ ngỡ, lúng túng, không thể làm chủ cuộc sống của mình.
Mỗi chúng ta nên rèn luyện đức tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Dân gian ta đã có câu: “Có khó mới có miếng ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Những việc có thể làm được thì nhất quyết ta không nhờ người khác giúp đỡ, độc lập từ trong chính suy nghĩ, hành động của mình. Có như vậy, chúng ta mới thực sự làm chủ cuộc đời của mình, đạt được những thành công trong cuộc sống.
Tự lập là phẩm chất mà ai cũng cần có trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên, sống tự lập không có nghĩa là thu mình vào trong vỏ ốc, chúng ta cũng cần hòa mình với tập thể và biết lắng nghe ý kiến từ người khác để hoàn thiện chính bản thân.
Nghị luận ngắn về một phẩm chất của người học sinh - Mẫu 3
Trong xã hội ngày nay, đức tính trung thực là rất cần thiết cho mọi người, đức tính trung thực là một trong những đức tính đáng quý mà mọi người cần phải có, nhất là giới học sinh chúng ta, rất cần đức tính này để hoàn thiện chính mình, trở thành người công dân tốt.
Vậy ta nên định nghĩa về đức tính trung thực như thế nào ? Xin trả lời ngay Đức tính trung thực là hết lòng với mọi người, là thật thà, là ngay thẳng. Người có đức tính trung thực là người luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, ngay thẳng, thật thà, là người luôn được mọi người tin tưởng. Trong cuộc sống ngày nay, đức tính trung thực được biểu hiện trong các kì thi của giới học sinh như không có hiện tượng quay cóp, chép bài hoặc xem bài của bạn... Và đức tính này cũng được biểu hiện trong xã hội như có những người ngay thẳng, không nói sai sự thật, không tham lam của người khác.
Trong kinh doanh, nếu là người ngay thẳng, họ sẽ không sản xuất những loại Hàng kém chất lượng, kinh doanh những mặt hàng bất hợp pháp, làm nguy hại đến người tiêu dùng... những người nào mang trong người hoặc đang rèn luyện đức tính trung thực thì những người đó sẽ dần hoàn thiện nhân cách của họ sẽ được mọi người mến yêu và tôn trọng. Nếu rèn luyện đức tính trung thực, chúng ta sẽ thành đạt trong cuộc sống, chúng ta sẽ có vốn tri thức để làm giàu một cách chân chính, và nêu chúng ta mắc sai lầm, ta sẽ dễ dàng sửa chữa được nó và hoàn thiện mình thành một công dân tốt, có ích cho xã hội, làm cho xã hội chúng ta trở nên trong sạch, văn minh và tốt đẹp, khiến đất nước ngày càng đi lên và phát triển đến tầm cao.
Đồng thời, bên cạnh những người biết hoàn thiện bản thân để trở thành người dân tốt vẫn có những người có biểu hiện thiếu trung thực và sai trái, chúng ta cần phải phê phán và lên án những biểu hiện như vậy. Biểu hiện rõ nhất là trong giới học sinh hiện nay, nạn học giả, bằng thật do quay cóp, chép bài của bạn, gian lận trong thi cử đã trở thành một tệ nạn phổ biến gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, đến ý nghĩa của việc dạy và học, gây dư luận xôn xao trong xã hội. Một biểu hiện thứ hai tương đối rõ ràng là sự thiếu trung thực trong kinh doanh đời sống, đó là việc các báo cáo không trung thực, chất lượng sản phẩm kinh doanh ngày càng kém đi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đe dọa tính mạng con người hiện nay như các sản phẩm, các mặt hàng được người dân tiêu dùng hàng ngày, điển hình là các loại sữa có chứa chất độc hại melamine gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, hay ngay các loại nước mắm cũng có chứa chất ure độc tố, hoặc cả các loại rau quả, trái cây hiện nay như rau xanh hay quả tươi đều được người trồng trọt tiêm nhiễm các loại hóa chất vì lợi nhuận của bản thân... Nhũng hành vi trên đều đáng phê phán vì thiếu trung thực, không nghĩ đến sức khỏe của người dân mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận của bản thân mình. Chỉ vài biểu hiện trên mà đã nói lên được tính thiếu trung thực đã trở thành căn bệnh phổ biến lây lan nhanh trong mọi người dân. Chính căn bệnh này đã khiến xã hội xuống cấp, đạo đức người dần dần bị hạ thấp, phá bỏ những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Vì vậy, để tránh được tệ nạn thiếu trung thực trong xã hội ngày nay, mỗi chúng ta cần tự mình xây dựng nên một ý thức trung thực trong từng việc nhỏ nhặt nhất mà hàng ngày chúng ta đều làm cho đến việc lớn lao sau này. Bên cạnh việc tự hoàn thiện mình, chúng ta cần lên án những hành vi thiếu trung thực và tích cực đẩy lùi những tiêu cực do nạn thiếu trung thực để noi theo những tấm gương về đạo đức cao cả.
Là một con người sống trong xã hội hiện đại, đức tính trung thực là không thể thiếu cho bản thân, cần tích cực rèn luyện đức tính đáng quý này để hoàn thiện chính mình, trở thành người công dân tốt đưa đạo đức xã hội ngày càng đi lên, đất nước ngày một phát tri thức.
Nghị luận bàn về một số phẩm chất là thế mạnh của các bạn trẻ hiện nay - Mẫu 4
Trong cuộc sống, mỗi người trẻ chúng ta sẽ phải trải những giai đoạn khác nhau, những cung bậc cảm xúc khác nhau để hoàn thiện bản thân và rút ra cho mình lẽ sống. Trước mỗi hoàn cảnh, chúng ta rèn luyện những đức tính, phẩm chất tốt đẹp để có thể vượt qua được mọi khó khăn, thử thách. Một trong những phẩm chất tốt đẹp đó chính là lạc quan.
Vậy thế nào là lạc quan? Lạc quan chính là thái độ vui vẻ, thoải mái, vô tư dù, nghĩ và hướng đến những điều tốt đẹp dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gian nan thử thách hay chuyện không vui trong cuộc sống. Tinh thần lạc quan rất quan trọng đối với cuộc sống con người, mỗi người nên rèn luyện cho bản thân sự lạc quan để sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách.
Mỗi chúng ta, trong quá trình trưởng thành không thể tránh khỏi những lúc khó khăn, vấp ngã, chán nản,… tinh thần lạc quan sẽ giúp ta đứng lên và tiếp tục chiến đấu, chinh phục con đường mà mình đã lựa chọn. Bên cạnh đó, tinh thần lạc quan còn giúp cho con người sống vui vẻ hơn, tận hưởng được nhiều vẻ đẹp hơn của cuộc sống, giúp cho cuộc sống muôn màu sắc hơn. Người có tinh thần lạc quan luôn truyền được năng lượng tích cực cho người khác, góp phần làm cho những thông điệp, tinh thần tích cực lan tỏa được mạnh mẽ hơn.
Thực tế đã chứng minh tinh thần lạc quan giúp ích rất nhiều cho cuộc sống. Những em nhỏ vùng cao đã lặn lội nhiều cây số để đi học với tinh thần lạc quan, bệnh nhân ung thư nhờ tinh thần lạc quan mà vượt qua được bệnh tật. Một tấm gương về tinh thần lạc quan không thể không nhắc đến chính là chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Bác đã nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, nhưng với tinh thần lạc quan của mình, Bác đã giúp đất nước dành được độc lập tự do, thoát khỏi ách áp bức nô lệ.
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người bi quan, khi đứng trước khó khăn thử thách không dám đương đầu hoặc luôn chán nản mà gục ngã, không vực dậy đi tiếp; lại có nhiều người vì quá lạc quan mà trở nên vô tâm, vô tư trước cuộc đời và người khác;… những người này đáng bị chỉ trích, phê phán.
Tinh thần lạc quan là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần làm nên thành công và chất lượng cuộc sống của con người. Mỗi chúng ta hãy cố gắng rèn luyện cho bản thân tinh thần tốt đẹp này để có thể đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ một cách tốt nhất.