Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về bạo lực ngôn từ Nghị luận xã hội về bạo lực ngôn từ
Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về bạo lực ngôn từ mang tới bài văn mẫu hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh hiểu rõ nguyên nhân, biểu hiện, thực trạng của bạo lực ngôn từ trong xã hội hiện nay.
Bạo lực ngôn từ là việc sử dụng từ ngữ, hành động hoặc biểu hiện mang tính chất đe dọa, xúc phạm hoặc gây tổn thương đến người khác. Bạo lực ngôn từ không chỉ gây hại cho cá nhân mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội, sự phát triển cộng đồng. Mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây:
Nghị luận xã hội về bạo lực ngôn từ
Dàn ý Nghị luận về bạo lực ngôn từ
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề nghị luận “Bạo lực ngôn từ”.
- Đánh giá về vấn đề này: Một hiện tượng bạo lực nghiêm trọng gây ra những hậu quả khủng khiếp.
2. Thân bài
- Giải thích vấn đề bạo ngực ngôn từ: bạo lực, xúc phạm bằng ngôn ngữ xấu xí.
+ Trong tiếng Anh bạo lực ngôn từ được hiểu là hành vi ngôn từ để tấn công, công kích, xúc phạm một hoặc nhiều người. Trong tiếng Pháp bạo lực ngôn từ không giống với bạo lực thể xác, đó là hành vi dùng lời nói nhằm mục đích gây đau đớn, tổn thương người khác, tấn công họ bằng các hình thức khác nhau như xúc phạm, lăng mạ, chửi bới, nhạo báng, chê bai, định kiến, tin đồn, phân biệt chủng tộc. Bạo lực bằng lời nói không để lại dấu vết có thể nhìn thấy dấu vết bằng mắt thường nhưng gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho người khác thậm chí phá huỷ họ.
+ Trong thực tế bạo lực ngôn từ thường được chia làm hai loại bạo lực có chủ định và bạo lực không chủ định.
- Nguyên nhân gây ra hiện tượng này, những biểu hiện của hiện tượng.
+ Hành vi bạo lực có chủ định là hành vi của những người cố tình dùng ngôn từ để tấn công, công kích ai đó. Hành vi không chủ định là những người vì kém hiểu biết mà sử dụng những ngôn ngữ cẩu thả, lệch chuẩn vô tình làm tổn thương người khác, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân và tập thể.
- Hậu quả của bạo lực ngôn từ: gây tổn thương tinh thần thậm chí thể xác của những người bị bạo lực.gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội hiện đại. Những lời nói miệt thị, xúc phạm, chế giễu trên nhiều phương diện như xúc phạm ngoại hình quá gầy, quá béo, lùn hay quá cao, xấu xí không ưa nhìn; xúc phạm về gia cảnh, xúc phạm về trình độ… bằng những ngôn từ xấu xí, thô tục… khiến người bị hại vô cùng đau đớn, tổn thương. Những ngôn ngữ này vượt quá phạm vi của sự hợp lý thông thường, vượt ra khỏi ranh giới của đạo đức và pháp luật, uy tín của cá nhân, tổ chức trong xã hội…
+ Dẫn chứng: Thực tế đã chứng minh có rất nhiều các vụ bạo lực ngôn từ khiến nhiều người tìm đến cái chết như: vụ các thần tượng xứ Hàn, Trung, một số bạn học sinh các trường trung học, đại học kết liễu cuộc đời mình chỉ vì không chịu được những lời xúc phạm bằng ngôn từ. Cụ thể tháng 6/2013 một nữ sinh của lớp 12 một trường THPT ở Đà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử nhưng may mắn thoát chết do người nhà phát hiện kịp thời. Nguyên nhân được cho rằng nữ sinh này bị viết bài vu khống, thoá mạ bôi nhọ trên Facebook, nhiều người không biết thực hư cũng hùa vào chỉ trích, xúc phạm khiến em mệt mỏi quá mức dẫn đến tự tử. Năm 2020 sau khi cố nghệ sĩ Vân Quang Long qua đời, cha mẹ anh là những người vừa ôm nỗi đau mất con đã bị tấn công trên mạng xã hội trong suốt nửa năm với nhiều chuyện được thêu dệt, thậm chí gọi gia đình anh là tà đạo, nhà giáo u tối, vợ chồng thất đức… điều này càng khiến cho nỗi đau tinh thần của gia đình ca sỹ thêm nặng nề hơn.
- Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực ngôn từ hiện nay: xây dựng một môi trường giao tiếp lành mạnh, thắt chặt an ninh giao tiếp trên các trang mạng xã hội. Tích cực nâng cao vai trò của gia đình và trường học trong phòng chống bạo lực ngôn từ trên mạng, ngoài đời. Việc trau dồi đạo đức cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết để xây dựng một môi trường văn minh, để xã hội tiến đến những điều tốt đẹp hơn.
3. Kết bài
- Khẳng định vấn đề bạo lực ngôn từ là rất nguy hiểm trong xã hội hiện đại.
- Liên hệ bản thân.
- Mở rộng vấn đề bàn luận.
Nghị luận về bạo lực ngôn từ
Nhắc đến bạo lực hẳn mỗi chúng ta chỉ nghĩ tới việc sử dụng cú đấm, cái tát nhằm xúc phạm, hạ nhục danh dự, nhân phẩm của người nào đó. Nhưng hành vi bạo lực không chỉ dừng lại ở việc dùng vũ lực, sử dụng những ngôn từ xấu xí để nhục mạ người khác cũng được liệt vào bạo lực. Bạo lực ngôn từ ngày càng xảy ra phổ biến hơn và gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Vậy có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này hay không?
Bạo lực ngôn từ là một vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong tiếng Anh bạo lực ngôn từ được hiểu là hành vi ngôn từ để tấn công, công kích, xúc phạm một hoặc nhiều người. Trong tiếng Pháp bạo lực ngôn từ không giống với bạo lực thể xác, đó là hành vi dùng lời nói nhằm mục đích gây đau đớn, tổn thương người khác, tấn công họ bằng các hình thức khác nhau như xúc phạm, lăng mạ, chửi bới, nhạo báng, chê bai, định kiến, tin đồn, phân biệt chủng tộc. Bạo lực bằng lời nói không để lại dấu vết có thể nhìn thấy dấu vết bằng mắt thường nhưng gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho người khác thậm chí phá huỷ họ.
Trong thực tế bạo lực ngôn từ thường được chia làm hai loại bạo lực có chủ định và bạo lực không chủ định. Hành vi bạo lực có chủ định là hành vi của những người cố tình dùng ngôn từ để tấn công, công kích ai đó. Hành vi không chủ định là những người vì kém hiểu biết mà sử dụng những ngôn ngữ cẩu thả, lệch chuẩn vô tình làm tổn thương người khác, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân và tập thể.
Với môi trường thoáng và xu hướng cổ vũ cho tự do ngôn luận như hiện nay thì việc sử dụng những ngôn ngữ thô tục, xấu xí hay còn được gọi là bạo lực ngôn từ ngày càng trở nên phổ biến. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội hiện đại. Những lời nói miệt thị, xúc phạm, chế giễu trên nhiều phương diện như xúc phạm ngoại hình quá gầy, quá béo, lùn hay quá cao, xấu xí không ưa nhìn; xúc phạm về gia cảnh, xúc phạm về trình độ… bằng những ngôn từ xấu xí, thô tục… khiến người bị hại vô cùng đau đớn, tổn thương. Những ngôn ngữ này vượt quá phạm vi của sự hợp lý thông thường, vượt ra khỏi ranh giới của đạo đức và pháp luật, uy tín của cá nhân, tổ chức trong xã hội…
Nhiều người cho rằng mức độ nghiêm trọng của bạo lực ngôn ngữ là không quá lớn nhưng thực tế bạo lực ngôn ngữ có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp, nặng nề không hề kém bạo lực thể xác. Cụ thể cá nhân, tổ chức bị bạo lực ngôn ngữ có thể bị ảnh hưởng nặng nề về tinh thần, thấy thất vọng hoặc xấu hổ về bản thân, mất niềm tin và cuộc sống. Đó là mầm mống gây ra các căn bệnh trầm cảm và nguy hại hơn còn có rất nhiều người vì quá phẫn uất, nhục nhã do bị xúc phạm còn tìm đến việc kết liễu cuộc đời mình. Thực tế đã chứng minh có rất nhiều các vụ bạo lực ngôn từ khiến nhiều người tìm đến cái chết như: vụ các thần tượng xứ Hàn, Trung, một số bạn học sinh các trường trung học, đại học kết liễu cuộc đời mình chỉ vì không chịu được những lời xúc phạm bằng ngôn từ. Cụ thể tháng 6/2013 một nữ sinh của lớp 12 một trường THPT ở Đà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử nhưng may mắn thoát chết do người nhà phát hiện kịp thời. Nguyên nhân được cho rằng nữ sinh này bị viết bài vu khống, thoá mạ bôi nhọ trên Facebook, nhiều người không biết thực hư cũng hùa vào chỉ trích, xúc phạm khiến em mệt mỏi quá mức dẫn đến tự tử. Năm 2020 sau khi cố nghệ sĩ Vân Quang Long qua đời, cha mẹ anh là những người vừa ôm nỗi đau mất con đã bị tấn công trên mạng xã hội trong suốt nửa năm với nhiều chuyện được thêu dệt, thậm chí gọi gia đình anh là tà đạo, nhà giáo u tối, vợ chồng thất đức… điều này càng khiến cho nỗi đau tinh thần của gia đình ca sỹ thêm nặng nề hơn.
Rõ ràng những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng bạo ngôn từ gây ra là khủng khiếp hơn chúng ta tưởng. Vậy có giải pháp nào để có thể hạn chế được vấn nạn này hay không? Hoàn toàn có thể kiểm soát hoặc hạn chế hành vi bạo lực ngôn từ này được. Nếu như chúng ta biết xây dựng một môi trường giao tiếp lành mạnh, thắt chặt an ninh giao tiếp trên các trang mạng xã hội. Tích cực nâng cao vai trò của gia đình và trường học trong phòng chống bạo lực ngôn từ trên mạng, ngoài đời. Việc trau dồi đạo đức cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết để xây dựng một môi trường văn minh, để xã hội tiến đến những điều tốt đẹp hơn.
Chúng ta hãy nói không với bạo lực ngôn từ, hướng đến một cuộc sống nhân ái, văn minh, nói những lời hay ý đẹp để đưa xã hội ngày càng phát triển nhé.