Nghị định 76/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật tố cáo
CHÍNH PHỦ
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2012 |
NNGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỐ CÁO
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật tố cáo ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật thi đua khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Tổng thanh tra Chính phủ;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết các điều sau đây của Luật tố cáo:
1. Khoản 2 và Khoản 3 Điều 19 về trường hợp nhiều người cùng tố cáo về một nội dung.
2. Khoản 3 Điều 30 về công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
3. Điều 40 về bảo vệ người tố cáo.
4. Điều 45 về chế độ khen thưởng đối với người có thành tích trong việc tố cáo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong việc tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc giải quyết tố cáo.
2. Người tố cáo và người thân thích của người tố cáo được bảo vệ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người thân thích của người tố cáo gồm: Vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người tố cáo.
2. Người có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo gồm: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố cáo, cơ quan công an các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
Chương 2.
TRƯỜNG HỢP NHIỀU NGƯỜI CÙNG TỐ CÁO; CÔNG KHAI KẾT LUẬN NỘI DUNG TỐ CÁO, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM BỊ TỐ CÁO
MỤC 1. CỬ NGƯỜI ĐẠI DIỆN TRÌNH BÀY TỐ CÁO
Điều 4. Số lượng người đại diện
1. Khi nhiều người cùng tố cáo thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Người đại diện phải là người tố cáo.
2. Việc cử người đại diện được thực hiện như sau:
a) Trường hợp có từ 05 đến 10 người tố cáo thì cử 01 hoặc 02 người đại diện;
b) Trường hợp có từ 10 người trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng tối đa không quá 05 người.
Điều 5. Văn bản cử người đại diện
1. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người đại diện. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì phải cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.
Việc cử đại diện để trình bày tố cáo được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 19 của Luật tố cáo, Điều 4 của Nghị định này và được thể hiện bằng văn bản.
2. Văn bản cử người đại diện tố cáo phải có những nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Họ tên và địa chỉ của người đại diện;
c) Nội dung được đại diện;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo;
đ) Các nội dung khác có liên quan (nếu có).
3. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.
MỤC 2. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC PHỐI HỢP XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP NHIỀU NGƯỜI CÙNG TỐ CÁO
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở xã, phường, thị trấn
1. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung ở xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm:
a) Phân công cán bộ tiếp đại diện của những người tố cáo để nghe trình bày nội dung tố cáo; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp tố cáo phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp hoặc chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tiếp đại diện của những người tố cáo để nghe trình bày nội dung tố cáo;
b) Chỉ đạo công an cấp xã giữ gìn trật tự công cộng nơi người tố cáo tập trung.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật tố cáo thuộc thẩm quyền; nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền, hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
3. Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lực lượng bảo vệ, dân phòng bảo đảm trật tự công cộng nơi người tố cáo tập trung; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
1. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung tại cơ quan thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), Thủ trưởng cơ quan cử cán bộ tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp tố cáo phức tạp, Thủ trưởng cơ quan tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo.
Thủ trưởng cơ quan thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật đối với tố cáo thuộc thẩm quyền; đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền, hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
2. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc nơi tiếp công dân của cấp huyện, người phụ trách tiếp công dân có trách nhiệm bố trí cán bộ tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Khi cần thiết, người phụ trách tiếp công dân trực tiếp tiếp đại diện của những người tố cáo; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện của những người tố cáo.
3. Đối với vụ việc phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) trực tiếp hoặc cử người có trách nhiệm tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo. Trường hợp cần thiết, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện người tố cáo.
4. Trưởng công an cấp xã quản lý địa bàn nơi người tố cáo tập trung có trách nhiệm bảo đảm trật tự công cộng; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trưởng công an cấp huyện có trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình tố cáo để tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình giải quyết tố cáo; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung tại cơ quan của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan cử cán bộ tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung vụ việc; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp tố cáo phức tạp, Thủ trưởng cơ quan tiếp, nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo.
Thủ trưởng cơ quan thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với tố cáo thuộc thẩm quyền; đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền, hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
2. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, người phụ trách Trụ sở tiếp công dân có trách nhiệm bố trí cán bộ tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo.
Khi cần thiết, người phụ trách Trụ sở tiếp công dân trực tiếp tiếp đại diện của những người tố cáo; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi xảy ra vụ việc tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện của những người tố cáo.
3. Đối với vụ việc phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trực tiếp hoặc cử nguời có trách nhiệm tiếp, nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo. Trường hợp cần thiết, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi xảy ra vụ việc tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện của những người tố cáo.
4. Trưởng công an cấp xã, cấp huyện quản lý địa bàn nơi người tố cáo tập trung có trách nhiệm bảo đảm trật tự công cộng; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trưởng công an cấp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình tố cáo để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình giải quyết tố cáo; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo đến các cơ quan Trung ương
1. Khi nhiều người cùng cố cáo tập trung tại cơ quan Trung ương, Thủ trưởng cơ quan cử cán bộ tiếp, nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp tố cáo phức tạp, Thủ trưởng cơ quan tiếp, nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo.
Download văn bản để xem thêm chi tiết.