Nghị định 58/2018/NĐ-CP Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp năm 2018
Từ ngày 05/06/2018, Nghị định 58/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 18/04/2018 chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp... Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp).
2. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm), doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bên mua bảo hiểm nông nghiệp là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm nông nghiệp có thể đồng thời là người được bảo hiểm nông nghiệp.
2. Người được bảo hiểm nông nghiệp là tổ chức, cá nhân có đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
3. Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
4. Đồng bảo hiểm nông nghiệp là việc hai hay nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng tham gia giao kết hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm để bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm nông nghiệp với cùng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm.
5. Tái bảo hiểm nông nghiệp là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhận một khoản phí bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm khác để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.
Điều 4. Các loại hình bảo hiểm nông nghiệp
1. Bảo hiểm đối với rủi ro định danh, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho tổn thất thực tế do các rủi ro được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp gây ra.
2. Bảo hiểm mọi rủi ro, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho tổn thất thực tế do mọi rủi ro gây ra, trừ các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
3. Bảo hiểm đối với tổn thất về thu nhập, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường chi phí sản xuất nông nghiệp để bù đắp cho tổn thất do các rủi ro được bảo hiểm gây ra theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
4. Bảo hiểm theo chỉ số năng suất, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo mức sụt giảm năng suất thực tế của một khu vực địa lý (huyện, xã,...) theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.
5. Bảo hiểm theo chỉ số thời tiết, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo biến động của chỉ số thời tiết (mưa, gió, hạn hán, ngập lụt, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần...) theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.
6. Bảo hiểm theo chỉ số viễn thám, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo sự biến động của chỉ số viễn thám theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.
7. Các loại hình bảo hiểm nông nghiệp khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
Điều 5. Nguyên tắc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
1. Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.
2. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
Chương II
CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
Mục 1. QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỰC HIỆN BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
Điều 6. Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp
1. Ngoài các nội dung theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận cụ thể và ghi rõ tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân và đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
b) Cách thức xác định số tiền bảo hiểm.
c) Các trường hợp áp dụng mức miễn thường, giảm trừ số tiền bồi thường (nếu có).
d) Công tác giám định tổn thất; cơ quan, tổ chức giám định tổn thất; chi phí giám định tổn thất.
đ) Xác định sự kiện bảo hiểm, căn cứ bồi thường; các trường hợp bồi thường căn cứ vào công bố hoặc xác nhận thiên tai, dịch bệnh của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; các trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, thỏa thuận cụ thể về các chỉ số có liên quan trực tiếp đến tổn thất của đối tượng bảo hiểm, cơ quan, tổ chức xác định mức độ chênh lệch chỉ số thực tế so với chỉ số được bảo hiểm; cách thức xác định số tiền bồi thường.
e) Hình thức bồi thường; hồ sơ bồi thường (trong đó thỏa thuận cụ thể các tài liệu bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm); thời hạn bồi thường.
g) Trách nhiệm của các bên trong công tác kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Nghị định này.
h) Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong việc thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (nếu có).
2. Hợp đồng bảo hiểm giao kết giữa tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.
Điều 7. Đồng bảo hiểm nông nghiệp
1. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo phương thức đồng bảo hiểm nhằm phân tán, chia sẻ rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh.
2. Trường hợp thực hiện đồng bảo hiểm nông nghiệp:
a) Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp phải ghi rõ tên và tỷ lệ đồng bảo hiểm của từng doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm; tên doanh nghiệp bảo hiểm giữ vai trò đầu mối thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải cùng chịu trách nhiệm về những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với bên mua bảo hiểm.
b) Doanh nghiệp bảo hiểm giữ vai trò đầu mối có trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến việc giao kết hợp đồng bảo hiểm và thay mặt các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm khác giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
Điều 8. Tái bảo hiểm nông nghiệp
1. Trường hợp tái bảo hiểm trong nước, doanh nghiệp tham gia nhận tái bảo hiểm phải bảo đảm:
a) Đáp ứng các yêu cầu về vốn, biên khả năng thanh toán và tuân thủ các quy định về nhận tái bảo hiểm theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Có chương trình tái bảo hiểm nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.
2. Trường hợp tái bảo hiểm ra nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật về tái bảo hiểm ra nước ngoài.
Điều 9. Bồi thường bảo hiểm nông nghiệp
1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện giải quyết bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.
2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của đối tượng bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm dựa trên sự thay đổi của chỉ số thực tế so với chỉ số đã được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
3. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Điều 10. Giải quyết tranh chấp
1. Tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp trước hết được giải quyết trên cơ sở thương lượng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp không giải quyết được bằng thương lượng, các bên liên quan có quyền đưa vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam để giải quyết theo quy định pháp luật.
Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải file để xem thêm nội dung chi tiết.