Luật Quốc phòng Luật số 22/2018/QH14
Từ ngày 01/01/2019, Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 08/6/2018 chính thức có hiệu lực.
Luật Quốc phòng quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng. Sau đây là nội dung chi tiết, mời bạn đọc cùng tham khảo.
QUỐC HỘI -------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Luật số: 22/2018/QH14 | Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2018 |
LUẬT
QUỐC PHÒNG
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Quốc phòng.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
2. Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
3. Quân sự là hoạt động đặc biệt của xã hội về xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh vũ trang, trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt.
4. Chiến tranh nhân dân là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
5. Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc để ngăn ngừa, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của thế lực thù địch, sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến.
6. Phòng thủ đất nước là tổng thể các hoạt động tổ chức, chuẩn bị và thực hành về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại để bảo vệ Tổ quốc.
7. Xâm lược là hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng cách sử dụng lực lượng vũ trang hoặc cách thức khác trái với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
8. Chiến tranh thông tin là một loại hình thái chiến tranh, bao gồm các hoạt động, biện pháp để vô hiệu hóa hệ thống thông tin của đối phương và bảo vệ hệ thống thông tin của Việt Nam.
9. Tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế.
10. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.
11. Tổng động viên là biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước để chống chiến tranh xâm lược.
12. Động viên cục bộ là biện pháp huy động mọi nguồn lực của một hoặc một số địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
13. Thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động quốc phòng
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.
2. Củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
3. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.
4. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.
5. Kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về quốc phòng
1. Củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh quân sự để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
2. Thực hiện độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; thực hiện chính sách hòa bình, tự vệ; sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu và hành vi xâm lược.
3. Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
5. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho quốc phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế.
6. Phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
7. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng.
8. Nhà nước ghi nhận công lao và khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng
1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
2. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chấp hành biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Công dân được tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.
4. Công dân phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng thì bản thân và thân nhân được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
5. Công dân bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng
1. Chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức vũ trang trái pháp luật.
3. Điều động, sử dụng người, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện để tiến hành hoạt động vũ trang khi chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu đã được phê duyệt.
4. Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
5. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
6. Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CƠ BẢN VỀ QUỐC PHÒNG
Điều 7. Nền quốc phòng toàn dân
1. Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
2. Nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm:
a) Xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phòng thủ đất nước; nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh;
b) Xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc;
c) Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của Nhà nước và Nhân dân phục vụ quốc phòng; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự phù hợp để xây dựng đất nước;
d) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng;
đ) Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở các vùng chiến lược, trọng điểm, biển, đảo, khu vực biên giới, địa bàn xung yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước;
e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
g) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước;
h) Đối ngoại quốc phòng;
i) Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại;
k) Xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;
l) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.
Điều 8. Phòng thủ quân khu
1. Phòng thủ quân khu là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, bao gồm các hoạt động xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn quân khu.
2. Nhiệm vụ phòng thủ quân khu bao gồm:
a) Xây dựng kế hoạch, tổ chức chuẩn bị và thực hiện phòng thủ quân khu;
b) Xây dựng cơ quan, đơn vị của quân khu vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, Dân quân tự vệ trên địa bàn quân khu vững mạnh và rộng khắp;
c) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị của quân khu; phối hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện phòng thủ dân sự và các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp xây dựng khu vực phòng thủ thành thế liên hoàn, vững chắc toàn diện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn quân khu;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp địa phương kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế - xã hội trong lập quy hoạch, kế hoạch, dự án và tham gia thẩm định theo thẩm quyền; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại; tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; xây dựng, quản lý các khu kinh tế - quốc phòng được giao; giáo dục quốc phòng và an ninh; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc phòng; xây dựng và thực hiện kế hoạch động viên quốc phòng; chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn quân khu;
e) Phối hợp đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn quân khu; thực hiện đối ngoại quốc phòng;
g) Phối hợp địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị của quân khu tham gia xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện;
h) Phối hợp cơ quan, đơn vị Công an nhân dân và lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm;
i) Thực hiện nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao.
3. Chính phủ quy định việc chỉ đạo, chỉ huy, mối quan hệ phối hợp, công tác bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ quân khu.
Điều 9. Khu vực phòng thủ
1. Khu vực phòng thủ là bộ phận hợp thành phòng thủ quân khu, bao gồm các hoạt động về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại; được tổ chức theo địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, lấy xây dựng cấp xã làm nền tảng để bảo vệ địa phương.
2. Nhiệm vụ khu vực phòng thủ bao gồm:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khu vực phòng thủ;
b) Xây dựng tiềm lực về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân;
c) Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, an ninh;
d) Nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; chiến đấu bảo vệ địa phương, tạo thế và lực cho Bộ đội chủ lực hoạt động tác chiến trên địa bàn; sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho địa phương khác;
đ) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị trên địa bàn; phối hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện phòng thủ dân sự và các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
e) Chuẩn bị mọi mặt, thực hiện lệnh, quyết định, biện pháp trong giới nghiêm, thiết quân luật, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, động viên cục bộ, tổng động viên, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu lâu dài của địa phương; sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc;
g) Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;
h) Thực hiện nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền giao.
3. Khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều này và xây dựng cơ quan, đơn vị Bộ đội chủ lực của Bộ Tư lệnh Thủ đô vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao.
4. Chính phủ quy định việc chỉ đạo, chỉ huy, mối quan hệ phối hợp, công tác bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về khu vực phòng thủ.
Điều 10. Giáo dục quốc phòng và an ninh
1. Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện trong phạm vi cả nước với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp cho từng đối tượng.
2. Nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm:
a) Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, người học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
b) Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư;
c) Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân.
3. Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Động viên quốc phòng
1. Động viên quốc phòng là tổng thể các hoạt động và biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước hoặc một số địa phương phục vụ cho quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
2. Nhiệm vụ động viên quốc phòng bao gồm:
a) Động viên mọi nguồn lực của nền kinh tế quốc dân bảo đảm cho quốc phòng;
b) Động viên bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh;
c) Xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; xây dựng và mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ;
d) Động viên công nghiệp;
đ) Chuyển tổ chức, hoạt động của các Bộ, ngành trung ương, địa phương từ thời bình sang thời chiến;
e) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
.........
Tải file tài liệu để xem nội dung chi tiết Luật quốc phòng
Link Download chính thức:
Các phiên bản khác và liên quan:
Chủ đề liên quan
Có thể bạn quan tâm
-
Cách thay thế từ/cụm từ trong bài nghị luận văn học
-
Tập làm văn lớp 5: Tả cảnh buổi sáng trên cánh đồng
-
Tổng hợp dàn ý bài Câu cá mùa thu (9 Mẫu)
-
Soạn bài Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người, xã hội (2) - Cánh diều 7
-
Cảm nhận về bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến
-
Mẫu vở tập tô chữ cho bé - Tập tô chữ cái cho bé chuẩn bị vào lớp 1
-
Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến (3 Dàn ý + 19 mẫu)
-
Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về vai trò của lao động đối với con người
-
Văn mẫu lớp 10: Dàn ý phân tích bài thơ Nắng mới (5 mẫu)
-
Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Nắng mới (Dàn ý + 6 Mẫu)
Mới nhất trong tuần
-
Mẫu kế hoạch cá nhân thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12
10.000+ -
Bài thu hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
50.000+ -
Mẫu 29 loại văn bản hành chính và cách trình bày chuẩn
50.000+ 2 -
Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa XII của Đảng viên
1M+ -
Nghị định 71/2023/NĐ-CP
100+ -
Nghị định 48/2023/NĐ-CP
100+ -
Nghị định 31/2023/NĐ-CP
100+ -
Nghị định 33/2023/NĐ-CP
100+ -
Hướng dẫn 105-HD/BTGTW
100+ -
Thông tư 06/2023/TT-BNV
100+