Văn mẫu lớp 6: Kể về ông của em (Dàn ý + 16 mẫu) Những bài văn hay lớp 6

Người ông cũng là một trong những người thân vô cùng gắn bó và thân thiết. Eballsviet.com sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 6: Kể về ông của em, là tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích.

Kể về ông của em
Kể về ông của em

Tài liệu sẽ bao gồm dàn ý và 16 bài văn mẫu sau đây, dành cho các bạn học sinh lớp 6. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây.

Dàn ý kể về ông của em

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu chung về người ông: ông nội/ông ngoại, tuổi tác, công việc…

2. Thân bài

  • Đôi nét về ngoại hình: dáng người, khuôn mặt, mái tóc, đôi mắt…
  • Tính cách của ông: hiền từ, nhân hậu, luôn nghĩ cho con cháu…
  • Kỉ niệm về người ông: những lần về quê chơi, nghe ông kể chuyện, bài học được ông dạy dỗ.

3. Kết bài

Khẳng định lại tình cảm dành cho người ông: yêu mến, kính trọng, tự hào…

Kể về ông nội kính yêu của em

Bài văn mẫu số 1

Những người thân đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc của chúng ta. Và với riêng tôi, ông nội chính là người mà tôi yêu thương nhất.

Năm nay, ông nội của tôi đã bảy mươi hai tuổi. Nhưng ông còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông có dáng người đầy đặn. Khuôn mặt vuông chữ điền trông thật phúc hậu. Nụ cười hiền hậu, chứa chan yêu thương. Vầng trán rộng toát lên vẻ cương nghị. Mái tóc đã bạc trắng cùng với chòm râu dài khiến tôi liên tưởng đến những ông tiên, ông bụt trong các câu chuyện cổ tích. Nhưng tôi thích nhất là đôi bàn tay của ông. Đôi bàn tay nhăn nheo với những vết chai sần.

Trước khi nghỉ hưu, ông là một cán bộ của thôn. Ai có việc gì nhờ cậy, ông đều vui vẻ giúp đỡ. Mọi người kính trọng, yêu mến ông của tôi cũng vì điều đó. Đối với con cháu của mình, ông luôn lo lắng, quan tâm. Ông thường kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện hay về đất nước khi còn chiến tranh, hay ở thời bao cấp.

Mỗi lần về quê chơi, tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi thường theo ông nội ra cánh đồng chơi. Ông còn rất yêu thích công việc trồng cây nên khu vườn của ông lúc nào cũng xanh tốt. Cây ăn quả đã cho trái ngọt không biết bao nhiêu mùa. Cứ mỗi buổi chiều, ông lại ra vườn để chăm sóc cây cối. Lúc đó, tôi lại chạy theo ông, đòi được giúp ông tưới tắm cho cây cối trong vườn. Ông đã dạy tôi phải chăm chút chúng một cách nâng niu, cẩn thận. Không chỉ vậy, tôi còn được nghe ông kể rất nhiều câu chuyện hay về cuộc sống. Đó là những bài học bổ ích giúp tôi sống tốt hơn mỗi ngày. Những kỉ niệm về ông nội thật đáng trân trọng với tôi.

Ông nội chính là cả khoảng trời kí ức tuổi thơ của tôi. Vì vậy, tôi luôn dành cho ông sự kính trọng và yêu mến. Tôi mong ông sẽ luôn khỏe mạnh và sống thật lâu bên con cháu.

Bài văn mẫu số 2

Ông nội tôi - một người thầy cao cả nhất. Người đã khiến tôi yêu quý nghề giáo hơn bất kỳ nghề nghiệp nào khác.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn không thể nhớ nổi người ông mà mình yêu quý nhất đã xa từ lúc nào. Chỉ biết là đã rất lâu tôi không được nhìn thấy khuôn mặt, giọng nói của ông.

Ông nội của tôi đã cao tuổi. Người ông tầm thước, hơi gầy. Làn da nhăn nheo nhưng vẫn hồng hào. Mái tóc của ông đã bác trắng. Vầng trán ông cao, hằn sâu những nếp nhăn. Đôi mắt còn tinh nhanh ẩn dưới cặp lông mày đã ngả bạc. Má ông hơi hóp làm cho hai gò má nhô cao hẳn lên. Răng ông đã rụng nhiều nhưng nhờ lắp hàng răng giả nên nụ cười vẫn tươi tắn. Hằng ngày, ông thường mặc bộ quần áo ta bằng loại vải mềm, màu sẫm, đi đôi dép nhựa đã mòn. Chỉ lúc đọc sách báo, ông mới đeo kính và khi nào phải đi ra ngoài, ông thường phải chống gậy.

Ông nội của tôi là một thầy giáo dạy môn Toán. Ông có cả một lớp dạy thêm Toán ở nhà. Ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi hay chạy lại đứng cạnh cửa sổ và xem ông dạy học. Những lúc như thế ông thường yêu cầu tôi ra ngoài vì không muốn tôi làm các anh chị mất tập trung. Lúc đó, tôi thường tỏ ra giận dỗi để sau mỗi buổi dạy được ông mua quà bánh dỗ dành.

Tôi cảm thấy vô cùng yêu mến và kính trọng ông nội của mình. Tôi tự nhủ sẽ trở thành một người sống có ích để ông cảm thấy tự hào.

Bài văn mẫu số 3

Ngoài sự yêu thương của cha mẹ, anh chị em trong gia đình thì tôi còn được sự yêu mến của ông nội. Với tôi, ông chính là một tấm gương sáng để tôi noi theo về phẩm chất và tích cách tuyệt vời ấy.

Năm nay, ông đã bảy mươi tuổi. Khuôn mặt trông rất phúc hậu. Gò má hơi cao cộng thêm đôi môi đẹp. Mái tóc ông bạc phơ như sợi cước. Dù già đi nhưng ông tôi vẫn rất khỏe. Mắt ông tinh lắm. Ông rất hiền từ, ít khi quát mắng con cháu.

Những ngày thơ ấu, em thường quấn quýt bên ông. Bố mẹ em đi làm xa, em ở nhà với ông, đòi ông kể chuyện, hát ru. Giọng nói của ông thật ấm, nó như một âm thanh không thể không vang vọng trong em. Em nhớ nhất từng lời kể chuyện ngọt ngào mà ông chậm rãi kể cho em nghe. Em lại nhớ từng thao tác làm việc của ông trong vườn nhà.

Đối với tôi, ông nội là một người vô cùng quan trọng. Tôi luôn dành cho ông sự yêu quý, kính trọng.

Bài văn mẫu số 4

Trong gia đình, người em kính trọng và yêu quý nhất. Vì ông luôn lo lắng, chăm sóc em mỗi khi bố mẹ bận bịu với công việc của mình.

Ông nội em năm nay đã bảy mươi tuổi. Dáng ông thấp và hơi gầy. Mặc dù tuổi khá cao nhưng da dẻ ông vẫn rất hồng hào. Mái tóc ông cũng đã bạc khá nhiều. Ông sống rất giản dị. Ở nhà, ông hay mặc bộ quần áo nâu và có đôi dép xốp vào mùa hè. Còn mùa đông thì ông mặc áo bông, đội mũ len và vẫn đôi dép ấy nhưng có đeo tất.

Ông có sở thích là cắt tỉa cây cảnh, biết được sở thích của ông nên bố em có thói quen sưu tầm cây cảnh vừa để làm phong phú khu vườn và cũng giúp ông vơi đi phần nào nỗi cô đơn của tuổi già. Em nhớ lúc còn bé, bố mẹ thì lúc nào cũng tất bật với công việc của mình. Ông nội là người chăm sóc em, ông nấu cháo cho em ăn, đưa em vào giấc ngủ với những câu chuyện cổ tích, quạt cho em những khi mất điện với chiếc quạt nan quen thuộc của mình.

Lớn hơn một chút, ông cho em theo ông ra vườn tỉa cây cảnh với ông. Ông tỉa cây còn em thì nhổ cỏ, ông bảo nhờ có em mà lúc nào ông cũng cảm thấy vui và bớt hiu quạnh. Bây giờ em đã đi học, những lúc bà bận việc ông lại ở nhà một mình chỉ biết làm bạn với vườn cây. Biết ông buồn, tan học là em về với ông, nhổ tóc sâu cho ông và kể cho ông nghe những chuyện trên lớp học của mình. Những ngày em được nghỉ học em và ông hay đi bộ tập thể dục buổi sáng, em bảo ông tập thể dục sẽ rất tốt cho sức khỏe nhưng ông bảo những hôm em đi học có một mình nên ông không tập. Trong gia đình ông luôn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, khuyên răn con cái không được làm điều gì sai trái, đi ngược lại với đạo lí con người.

Em rất yêu quý và kính trọng ông. Em mong ông luôn khỏe mạnh để còn chăm sóc cháu nữa.

Bài văn mẫu số 5

Ông của tôi là một người cán bộ Đảng. Ông đã mất khi tôi còn chưa có mặt trên cuộc đời này nhưng tôi được nghe mọi người kể lại rất nhiều. Chính vì thế dù chưa một lần được nhìn thấy ông một lần nhưng mỗi khi nhắc đến ông của mình tôi luôn cảm thấy và tự hào.

Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, cả nhà lại ngồi quây quần bên nhau, tôi thường đề nghị bố hoặc bà mình kể về ông nội. Bà nói ngày trước khi ông bà mới lấy nhau, ông rất đẹp. Ông có một nét đẹp hiền hậu mà ngay từ lần đầu tiên nhiên bà đã ưng thuận theo ông rồi. Bà nói ngày xưa làm gì có yêu đương gì, dựng vở gả chồng là chuyện của cha mẹ, họ đặt đâu thì con cái phải ngồi ở đó, cấm có được cãi lời. Bà rất may mắn khi gặp được ông nội, hai người kết hôn từ năm mười bốn tuổi đến năm mười tám tuổi mới về ở với nhau.

Thời đó đang chuẩn bị bước vào thời kì dẹp hết quân Mỹ trên đất nước và bắt tay vào xây dựng đất nước. Ông ở nhà với bà rất ít vì ông bận việc cơ quan, ông luôn phải đi công tác xa nhà. Việc nhà ông cũng không thạo bằng ba, gia cảnh thì những bảy người con một mình bà ở nhà lo lắng nuôi nấng. Ông tôi thì yếu, làm việc nhà không được mấy là mỏi là đau nên bà nhiều lần bực tức nói ông thậm tệ. Thế nhưng ông cũng chỉ cười hề hề cho qua bởi ông biết bà vất vả lắm nên lúc tức bà nói vậy thôi.

Những lần đi công tác xa về ông lại mang về cho các con của mình vài gói bánh. Thời ấy mà có gói bánh ăn là cũng sang lắm rồi, nhà người ta còn phải ăn cơm độn ngô, độn sắn nhưng nhà tôi nhờ có ông mà bố tôi và các bác được ăn cơm trắng. Bố tôi cũng kể lại rằng ngày bố con nhỏ bố được ông đưa ra Hà Nội chơi. Ở cơ quan của ông ai cũng quý ông, cơ quan tặng ông hai miếng đất tại Hà Nội để mai này xây dựng nhà cửa nhưng ông tôi vốn là người liêm khiết cho nên ông đã từ chối. Ông luôn luôn làm đúng trách nhiệm và bổn phận của mình với nhà nước và Đảng.

Nhiều khi ông đi xa, ăn một vài thứ quả ngon ông lại xin giống về trồng. Cho đến tận bây giờ cây mít mà ông mang về trồng vẫn còn đó, mỗi năm độ hè cây cho biết bao nhiêu là quả. Ăn những múi mít mật ngọt bùi, thơm nức tôi luôn mường tượng hình ảnh trìu mền hiền dịu của ông. Lần nào cây mít ra quả bà cũng chia đều những quả ngon nhất to nhất cho các cô các bác trong nhà. Đó là món quà của ông dành cho tất cả những đứa con của mình. Mỗi lần ngắm nhìn bức chân dung của ông tôi luôn luôn có một ước muốn ông còn sống để tôi có thể ngắm nhìn và yêu thương vị Đảng viên gương mẫu năm nào.

Đối với tôi, dù người ông ấy chưa một lần tôi được nhìn thấy, chưa một lần chạm tay, chưa một lần được ông ôm vào lòng nhưng tôi rất hạnh phúc vì có một người ông như vậy. Cuộc đời ông tuy ngắn nhưng ông đã để lại cho đất nước, cho gia đình biết bao nhiêu thứ quý giá.

Bài văn mẫu số 6

Trong gia đình, người em gắn bó nhất chính là ông nội. Ông đã dạy cho em rất nhiều điều hay, lẽ phải.

Ông nội của em năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Trước đây, ông em làm cán bộ của xã. Ông có dáng người đầy đặn. Khuôn mặt vuông chữ điền. Nụ cười hiền hậu. Đôi bàn tay nhiều nếp nhăn. Mắt ông cũng kém đi so với nhiều năm trước. Ông nội của em hiền từ như ông bụt trong truyện cổ tích vậy, lại rất yêu thương con cháu.

Tuổi thơ của em là những năm tháng sống cùng ông nội. Vậy nên, e m còn nhớ nhất một kỉ niệm về ông. Nhưng nhớ nhất là một lần được đi câu cá cùng với ông. Hai ông cháu đi câu từ sớm. Em đứng nhìn ông chuẩn bị. Ông lấy một tờ báo cũ, rải xuống sàn, tay ông cầm chiếc cần câu bằng tre do chính ông làm. Khuôn mặt ông chăm chú nhìn vào chiếc phao, chờ cá cắn câu. Khuôn mặt ông hồng hào, hiền từ với mái tóc và chòm râu trắng. Em thấy ông em như một ông tiên trong truyện cổ tích mẹ thường kể mỗi đêm.

Đối với em, ông nội là một người tuyệt vời. Em rất yêu quý và kính trọng người ông của mình.

Bài văn mẫu số 7

Gia đình tôi gồm có ông, bà, cha mẹ và hai chị em. Nhưng người được gia đình kính trọng và yêu quý nhất vẫn là ông nội.

Ông nội tôi năm nay ngoài bảy mươi tuổi. Tuy vậy, dáng người ông trông thật khỏe mạnh. Chòm râu dài, trắng trông rất giống chòm râu của Bác Hồ. Mỗi lần ông bê bé Bi trên tay, bé cứ thích vuốt chòm râu của ông hoài. Mái tóc ông đã bạc trắng, nước da ông ngăm đen, nhăn nheo. Gương mặt hiền từ với cái nhìn trìu mến trông ông thật phúc hậu. Mỗi khi ông cười để lộ những chiếc răng trắng thưa thớt. Đôi tai ông dài và to như tai Phật.

Tuy tuổi cao, nhưng bước đi của ông vẫn nhanh nhẹn. Tối tối ông đi ngủ sớm và dậy vào lúc năm giờ sáng để tập thể dục dưỡng sinh. Ông tôi rất thích trồng cây. Những loại cây ông trồng luôn nở hoa quanh năm. Cứ mỗi dịp xuân về, cây đâm chồi nảy lộc, hoa nở từng chùm đủ màu sắc sặc sỡ làm cho khu vườn trở nên đẹp đẽ. Khi rảnh rỗi, ông thường kể chuyện cho chúng tôi nghe, mỗi câu chuyện ông kể thường lôi cuốn chúng tôi vào những giấc mơ tuyệt đẹp.

Đối với hàng xóm, ông đối xử rất tốt, khi gia đình ai có chuyện gì ông đều đến hỏi thăm và động viên ân cần, vì vậy mọi người trong khu phố đều rất kính trọng ông.

Tuy đã già, nhưng ông rất thương con quý cháu, cởi mở và hòa thuận với mọi người. Tôi mong ước rằng ông luôn khỏe mạnh để sống lâu và tôi sẽ cố học giỏi để ông vui lòng.

Bài văn mẫu số 8

Gia đình là điểm tựa vững chắc của mỗi người. Bởi nơi đó luôn có những người thân luôn yêu thương và bảo vệ chúng ta. Người em gắn bó và yêu quý nhất trong gia đình chính là ông nội.

Ông nội của em đã bảy mươi tư tuổi. Nhưng ông còn khỏe mạnh, minh mẫn lắm. Ông có dáng người đầy đặn. Khuôn mặt vuông chữ điền. Nụ cười hiền hậu. Vầng trán rộng toát lên vẻ cương nghị. Mái tóc đã bạc trắng. Đôi bàn tay nhăn nheo với những vết chai sần. Trước khi nghỉ hưu, ông là một cán bộ của thôn. Ông rất nhân hậu, lại nhiệt tình. Nên mọi người trong thôn đều rất quý mến ông.

Mỗi lần về quê chơi, em lại cảm thấy rất thích thú. Ông nội thường đưa em ra cánh đồng chơi. Ông còn dạy em cách câu cá, thả diều. Em đã học được rất nhiều điều bổ ích.

Ông nội cũng rất thích chăm sóc cây cối. Bởi vậy, khu vườn của ông luôn xanh tốt quanh năm. Em còn được thưởng thức rất nhiều trái ngọt trong khu vườn của ông. Có nhiều lần, em theo ông ra vườn chơi, phụ ông tưới cây, nhặt lá vàng. Em đã thấy cách ông chăm sóc từng loại cây rất cẩn thận. Hai ông cháu vườn làm vừa trò chuyện rất vui vẻ. Ông kể cho em nghe nhiều câu chuyện rất hấp dẫn.

Những kỉ niệm bên ông nội với em thật quý giá. Ngày hôm nay, ông đã rời xa em mãi mãi. Nhưng những lời dạy dỗ, những kỉ niệm về ông vẫn còn đó. Chúng sẽ là hành trang quý giá để em mang theo trong cuộc sống.

Em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt, ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ. Tương lai, em sẽ trở thành một người có ích cho xã hội để ông có thể cảm thấy tự hào về em. Em mãi yêu quý và kính trọng ông nội của mình.

Kể về ông ngoại kính yêu của em

Bài văn mẫu số 1

Điều tuyệt vời nhất với em mỗi kì nghỉ hè là được về quê thăm ông ngoại. Năm nào cũng vậy, bố mẹ đều cho em về quê thăm ông dịp nghỉ hè. Một tháng được hưởng trọn vẹn tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của ông là một món quà có ý nghĩa rất lớn với em. Không có gì ngạc nhiên khi ông là người em yêu quý và kính trọng nhất trong gia đình.

Ông ngoại em năm nay đã tám mươi ba tuổi rồi. Những nếp nhăn trên mặt cứ ngày một nhiều nhưng chúng chẳng thể giảm đi sự hiền dịu trong nụ cười của ông. Mái tóc của ông em cũng bạc hết. Trông cái dáng đi chầm chập của ông cạnh chiếc gậy tre và mái tóc bạc, em nghĩ ngay tới ông Bụt hiền từ trong các câu chuyện cổ tích. Tuổi cao sức yếu nhưng mắt ông em vẫn còn tinh tường lắm. Ông có thể đọc báo mỗi sáng mà không cần kính. Ông bảo em rằng, đôi mắt là thứ quý giá của con người, nó là cửa sổ tâm hồn, đừng là hỏng nó. Mỗi lần em học bài hay ngồi trước màn hình máy tính, ông đều căn dặn em nhớ để mắt được nghỉ ngơi. Đến giờ, các bạn của em biết bao đứa bị cận, ấy vậy mà mắt em vẫn rất tốt.

Ông em có nuôi một em chim chích chòe nhỏ, em gọi nó là Ki. Nó hót rất hay. Mỗi khi ông đi đâu về, nó nhảy nhót, hót loạn cả lên, trông mà đáng yêu. Em cũng rất thích chó, ông em có một con chó ta rất khôn, tên nó là Vện. Vẫn cứ lẽo đẽo theo ông em cả ngày, khi ở bàn uống nước, khi lại mon men theo ông ra vườn. Con Vện như là vệ sĩ cho ông em vậy. Ông em có một vườn cây hoa quả sau nhà rất xanh tốt. Chị Lan của em rất thích ăn na, ông em trồng rất nhiều na trong vườn xem với những bụi chuối tây. Bác Bình thường trêu rằng, “trẻ trồng na, già trồng chuối” ông em trồng cả na cả chuối thì không phân biệt già hay trẻ! Ông em thường bảo rằng, ông già không ăn được thì còn các con các cháu, cứ trông đấy để con để cháu ăn thì đi đâu mà thiệt. Mọi người trong xóm ai cũng kính trọng ông, không chỉ ông là người cao tuổi mà bởi ông là người sống có chừng mực và gương mẫu. Ai mà vứt rác bừa bãi, ông em nhắc nhở ngay.

Ông em là một người tuyệt vời như thế đấy. Em yêu ông vô cùng. Em rất mong ngóng đến hè để được về thăm ông và khoe với ông thành tích học tập của mình. Ước sao ông sống khỏe mạnh mãi với cháu như bây giờ, ông ơi.

Bài văn mẫu số 2

Trong gia đình, người mà tôi yêu mến nhất, kính trọng nhất vẫn là ông ngoại. Bất cứ lúc nào, hình ảnh của ông cũng thật ngọt ngào trong trái tim tôi.

Ông tôi chưa già lắm đâu, chỉ mới ngoài bảy mươi thôi. Dáng ông tầm thước, khuôn mặt sắt lại với nhiều nếp nhăn. Nước da sạm lại với nhiều chấm đồi mồi, đuôi mắt lại đầy những vết chân chim. Vậy mà ông tôi trông vẫn đẹp lão lắm. Chòm râu của ông dài, điểm bạc. Đôi mắt ấm áp, hiền từ.

Tôi rất thích nắm tay ông, được thấy hơi ấm nóng từ tay ông truyền sang, thật là khoan khoái. Bố mẹ đi làm suốt ngày, ông với tôi sao mà thân thiết thế. Giọng nói của ông trầm trầm và rất truyền cảm. Chính vì thế, ông ru hoặc kể chuyện, lũ cháu chúng tôi nghe, chỉ được một lúc là díp cả mắt lại. Ông tôi nhiều con cho nên cũng lắm cháu. Tôi chưa thấy ai yêu và quyến luyến với lũ cháu như ông. Ông thường thẳng thắn bộc bạch: “Khi có cháu, lại thấy yêu cháu hơn con rất nhiều!”. Lũ chúng tôi cũng yêu quý và gắn bó với ông lắm. Nhất là tôi, thằng cháu “đích tôn” như ông vẫn trìu mến gọi vậy.

Ông rất yêu quý cây cối. Vườn cây xanh trên tầng thượng là tài sản quý giá của ông. Trên đó có bao nhiêu là cây, là hoa. Thứ nào ngoài tên ra cũng đều có lí lịch riêng của nó. Nào là kỉ niệm ngày ở chiến trường về, ngày thăm Điện Biên Phủ, ngày sinh đứa cháu đầu. Công ông tưới bón, chăm chút, bắt sâu, tạo nên vườn cây này.

Sinh nhật vừa rồi của tôi, ông tặng một chiếc kèn nhỏ xinh. Tôi tự mày mò và bây giờ đã thổi được bài “Nhạc rừng” mà ông yêu thích. Ỏng tôi tự hào lắm, cứ khoe khắp khu nhà về tài của cháu mình. Nhưng tôi hiểu không phải vậy, chẳng qua ông yêu tôi quá thôi!

Tôi yêu quý và kính mến ông rất nhiều và cũng biết ông yêu lại tôi như vậy. Ông là người hay là ông Bụt, tôi cũng không biết nữa. “Cháu sẽ phải cố gắng nhiều để làm vui lòng ông, ông ơi!”. Tôi vẫn nhủ thầm như vậy.

Bài văn mẫu số 3

Cứ đến dịp nghỉ hè, bố mẹ lại cho tôi về quê. Ông nội chính là người tôi yêu quý nhất trong gia đình.

Năm nay, ông tôi đã chín mươi hai tuổi rồi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông không còn khỏe mạnh như xưa nữa mà gầy hẳn đi. Khuôn mặt in sâu những nếp nhăn vất vả. Đôi mắt đã mờ đục, không còn được tinh nữa nên mỗi khi đọc báo thì phải đeo kính, nhưng đôi mắt ấy luôn luôn nhìn tôi với một vẻ trìu mến, hiền từ. Mái tóc ông bạc trắng như cước làm ông giống như một ông bụt có tấm lòng nhân hậu trong những câu chuyện cổ tích bước ra vậy. Đôi bàn tay gầy gầy xương xương, rám nắng, luôn run run mỗi khi làm việc. Nước da không còn hồng hào nữa mà đen sạm đi vì nắng. Răng của ông đã rụng nhiều nhưng nhờ đeo thêm hàm răng giả nên nụ cười vẫn còn tươi. Ông ăn mặc rất giản dị, với những bộ quần áo được may bằng vải thô màu sang và đi đôi dép cao su màu nâu của bộ đội.

Vào những buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu từ từ nhô lên sau những dãy núi, màn sương trắng mỏng của ban đêm còn chưa tan hết thì đấy là lúc ông tỉnh dậy và cũng là người dậy sớm nhất nhà. Ra sân, ông hít căng lồng ngực tận hưởng không khí trong lành dễ chịu của buổi sáng. Năm nay, tuổi của ông đã cao mà vẫn dậy sớm để tập thể dục. Nhìn động tác ông xoay người, cúi xuống thì mới thấy hồi còn trẻ ông rất dẻo dai và nhanh nhẹn làm sao. Sau khi tập thể dục xong, ông thường làm bữa sáng cho cả nhà.

Mặc dù năm nay ông đã chín mươi hai tuổi, nhưng ông vẫn rất chăm chỉ. Ông rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các chương trình của nhà văn hóa đề ra. Có một lần ông nói với tôi rằng: “Từ hồi còn nhỏ ông đã là một cậu bé rất yêu quý thiên nhiên”. Cho nên ông rất thích trồng cây, chăm sóc cây cảnh những chú sâu tinh nghịch nào mà đến quấy phá khu vườn của ông là ông đi bắt luôn rồi lấy nước đi tưới cho cây. Cứ mỗi khi rảnh rỗi là ông lại ngồi vót tre hoặc đi cho gà ăn. Vào những buổi trưa hè nóng bức, ông thường lấy chiếc võng, chiếc quạt nan và chiếc đài ở trong nhà ra và chọn những chỗ có bóng râm của cây để mắc võng rồi nằm lên, nghe đài phát thanh, tay phe phẩy chiếc quạt nan. Vào những đêm trăng, ông thường lấy cái ghế mây trong nhà ra hiên ngồi kể chuyện cổ tích cho tôi và một vài đứa trẻ con trong làng nghe. Con cháu nhà mình mà có làm điều gì sau trái thì ông không hề quát mắng, trách móc mà nhẹ nhàng ôn tồn giảng giải, khuyên bảo. Ông rất nhiệt tình khi hàng xóm nhờ một việc gì đó nên mọi người trong làng ai cũng kính trọng và quý mến ông.

Mọi người ai ai cũng chúc thọ cho ông nhưng riêng tôi, tôi sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn để làm ông vui lòng, sống lâu trăm tuổi. Tôi rất yêu quý và kính trọng người ông của mình.

Bài văn mẫu số 4

Người em yêu quý nhất trong gia đình là ông ngoại. Tình cảm của hai ông cháu gắn bó vô cùng thân thiết.

Năm nay, ông em đã bảy mươi tư tuổi nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai và trí nhớ còn minh mẫn lắm. Là con người của công việc nên ít khi ông ở trong nhà. Khách tìm ông, cứ ra vườn là gặp. Vườn hoa, cây cảnh không chỉ là nguồn thu nhập hằng ngày mà hơn thế, nó là niềm vui, là lẽ sống của đời ông.

Em thường ra vườn xem ông làm việc. Đôi tay khéo léo, tài hoa của ông uốn từng nhánh cây, tỉa từng chiếc lá, nâng niu vun xới từng gốc hoa. Ông giải thích cặn kẽ cho em ý nghĩa sâu xa chứa đựng trong mỗi hình dáng mà ông mất bao công phu để tạo nên. Cây si bonsai đặt trong chiếc khay gốm hình bầu dục có năm tầng lá so le, ông bảo rằng tượng trưng cho năm điều cốt yếu trong đạo làm người là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hai gốc đinh lăng, gốc cao gốc thấp, ông tỉa thành dáng phụ tử tình thâm. Mấy cây đào bích có thế rồng bay, phượng múa.

Cảm động biết bao khi em được ông cầm tay, dạy cho cách uốn những sợi dây thép vô tri thành hình những chú nai, chú hươu xinh xắn, để làm khung cho cây mọc theo ý muốn người trồng, ông bảo em rằng nghề làm vườn bắt buộc con người phải kiên trì, tỉ mỉ, nhất là phải thật sự yêu mến thiên nhiên, trái tim dễ dàng rung động trước một nụ hồng vừa hé nở, lóng lánh sương đêm; một bông đào thắm rung rinh trong gió sớm, báo hiệu mùa xuân sắp trở về. Em thích được nghe ông giải thích ý nghĩa một số loài cây, loài hoa quý như tùng, cúc, trúc, mai, liên (sen), tượng trưng cho cốt cách thanh cao, khí tiết hiên ngang và quan niệm sống trong sạch của bậc chính nhân quân tử. Em tin lời ông khẳng định là cây và hoa cũng biết vui buồn giống như con người vậy. Chúng có đời sống riêng, có tiếng nói riêng. Nếu chịu khó quan sát, lắng nghe, chúng ta sẽ hiểu.

Có lẽ tình yêu thiên nhiên tha thiết của ông đã dần dần thấm vào máu thịt đứa cháu trai mà ông quý mến. Nhiều lần, ông dẫn em đi chơi chợ hoa ngày Tết, hoặc đến tham quan Hội chợ hoa của Thủ đô. Em chụp ảnh cùng ông bên những cây cảnh mà ông mang đến dự thi và được tặng huy chương.

Không thể kể hết những kỉ niệm vui buồn về tình ông cháu. Rất giản dị, tự nhiên, ông ngoại đã truyền cho em ngọn lửa đam mê cuộc sống và những bài học quý báu trên đường đời. Em thấm thía lời dạy tâm huyết của ông: “Không có gì sung sướng bằng được hưởng thành quả lao động do chính bàn tay mình làm ra, cháu ạ!”. Được ông ngoại hết mực yêu thương, em thấy quả là hạnh phúc.

Bài văn mẫu số 5

Mỗi chúng ta, ngay từ khi còn bé xíu đã được sống trong vòng tay yêu thương của mọi người, đặc biệt là những người thân yêu trong gia đình. Với em, bên cạnh bố mẹ, ông ngoại cũng là người vô cùng quan trọng.

Ông ngoại kính yêu của em đã qua đời tròn một năm. Nhưng tất cả những kỉ niệm về ông em vẫn ghi nhớ mãi. Ông là một cựu chiến binh, nhập ngũ thời nhân dân ta đánh Mĩ. Khi em lên sáu tuổi thì ông đã bước sang tuổi bảy mươi Tuy không được nhanh nhẹn nhưng bước chân ông vẫn vững chắc, chỉ cần thêm một chiếc gậy chống dưới tay là ông có thể đi cả ngày khắp làng trên xóm dưới, gặp những người bạn của ông.

Trong trí nhớ của em, khuôn mặt ông vuông chữ điền chất phác. Tuy nhiên hai gò má hơi gầy, đôi mắt đen ấy vậy mà sáng lắm. Ông có thể nhận ra từng đứa cháu dù khoảng cách xa mỗi lần các anh chị đến thăm. Mái tóc ông đã bạc trắng như cước, chỉ thấp thoáng vài sợi tóc đen. Ông lúc nào cũng cười hiền từ giống như ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ tích ngày xưa.

Tuy vậy, xuất thân từ một chiến sĩ, mẹ bảo ông luôn nghiêm khắc trong việc dạy dỗ mẹ và các cậu trong nhà. Mẹ em là con gái duy nhất nhưng ông lúc nào cũng giám sát, yêu cầu, nhiều lúc giống hệt như phép tắc trong quân đội. Các cậu nhờ vậy đều rất chính trực, có ý chí, được mọi người kính trọng, yêu quý. Mãi sau này, khi cháu chắt lần lượt ra đời, ông ngoại dường như bớt nghiêm khắc hơn, chỉ hay ôn tồn giảng giải ý nghĩa sau mỗi câu chuyện, động viên em và các anh chị phải chăm ngoan, cố gắng trở thành người đàng hoàng, liêm khiết và nhân hậu.

Ông đặc biệt quan tâm và yêu thương cháu chắt trong nhà. Có đồ gì ngon, hiếm lạ mà bạn bè, đồng chí hay họ hàng xa biếu tặng, ông đều để phần chia cho cháu chắt. Những anh chị lớn rồi thì ông không cho, chỉ cho tiền mỗi khi các anh chị đi học xa về thăm hoặc lấy vợ, sinh con. Còn bánh kẹo, đồ ăn vặt thì cho hết mấy đốm nhỏ như em. Mẹ bảo ngày em còn bé xíu, bố mẹ bận làm ăn, ông bà nội mất sớm, một mình ông nội chăm sóc em cả thời gian dài. Vì thế nên lớn hơn, em lúc nào cũng quấn quýt bên ông cả ngày, xem ông tỉ mỉ tỉa cây, theo ông đi đến nhà đồng chí cùng chiến đấu ngày xưa và đòi ông kể những câu chuyện về kháng chiến.

Nhờ có ông, em mới hiểu được phần nào những năm tháng kháng chiến gian khổ, những hi sinh, mất mát mà bao nhiêu người đã phải trả giá để đổi lấy độc lập tự do. Ông dạy em cách sống nhân hậu và ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ, sống sao cho xứng đáng với công ơn của họ.

Dù ông ngoại đã đi xa nhưng tình yêu thương của ông dành cho con cháu em vẫn ghi nhớ mãi. Em vô cùng kính trọng và quý mến ông, sâu trong nội tâm em vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng sống như những gì ông đã dặn dò để ông ngoại tự hào về cháu gái yêu quý của ông.

Bài văn mẫu số 6

Có lẽ điều tuyệt vời nhất đối với em là được về quê. Nơi đó có ông ngoại, người mà em vô cùng yêu mến.

Ông ngoại em năm nay tám mươi tuổi. Cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi rồi nhưng ông không cho phép mình rảnh bất kì lúc nào. Hàng ngày ông vẫn ra đồng làm việc, mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn hăng say lao động. Chính vì vậy làn da ông nhăn nheo đi, mái tóc bạc phơ theo năm tháng. Dáng đi của ông cũng chậm chạp nhưng còn vững chắc lắm.

Hàng ngày, em được ông dẫn đi ra ruộng làm việc. Chiều đến, hai ông cháu lại đi thả diều bắt cá. Ông thường kể những câu chuyện xa xưa. Ở cạnh ông em thấy mình như trẻ mãi, luôn được quan tâm và yêu thương.

Ông em đơn giản nhưng tuyệt vời như vậy đó. Em yêu ông và thương ông vô cùng, ước mong sao ông luôn khỏe mạnh để vui vầy cùng con cháu.

Bài văn mẫu số 7

Hẳn trong tất cả chúng ta, ai cũng giữ cho mình những hình ảnh những kỉ niệm đẹp của một người đặc biệt. Và tôi cũng vậy, người mà tôi vẫn luôn nhớ đến chính là ông ngoại.

Ngoại tôi giờ đã đi thật xa, những sâu thẳm trong trái tim tôi, hình ảnh ông không bao giờ phai nhạt. Ông ngoại của tôi có dáng thanh mảnh. Gương mặt hiền hậu với làn da ngăm . Mái tóc cứ đen vẫn còn đen nhánh. Ông sống rất giản dị, thân tình. Mọi người trong làng rất yêu mến ông.

Tôi vẫn còn nhớ một kỉ niệm về ông. Một buổi sáng, ông đạp xe lên thành phố thăm tôi. Lúc đó, tôi còn đang ngủ say. Biết ông ngoại đến, tôi thức dậy thật nhanh. Nhìn thấy ông, tôi vui mừng sà vào lòng ông.

- Cháu gái cưng của ông không ngủ nữa à? – Giọng ông dịu dàng

- Dạ không. Ông ngoại lên chơi cháu phải dậy gặp ông ạ!

Ông mỉm cười rồi nói sẽ đưa tôi đi chơi. Ba mươi phút sau, tôi đã chuẩn bị xong. Ông ngoại đèo tôi đi chơi trên chiếc xe đạp cũ. Tôi được ông đưa đi thăm vườn bách thú. Tôi đã cảm thấy rất vui vẻ.

Đối với tôi, ông ngoại là một người vô cùng quan trọng. Tôi rất yêu mến và kính trọng ông ngoại của mình.

Kể về ông ngoại - Mẫu 8

Gia đình là điểm tựa vô cùng vững chắc của mỗi người. Bởi ở đó, những người thân luôn yêu thương, bảo vệ chúng ta. Với tôi, ông ngoại là người gắn bó và thân thiết nhất.

Năm nay, ông ngoại của tôi đã sáu mươi tư tuổi. Ông vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Ông không cao lắm. Dáng người của ông khá đầy đặn. Khuôn mặt vuông chữ điền trông thật phúc hậu. Nụ cười hiền hậu, chứa chan yêu thương. Vầng trán rộng toát lên vẻ cương nghị. Mái tóc đã có những sợi bạc. Tôi thích nhất là đôi bàn tay to lớn, nhiều vết chai sần của ông.

Ông là một người hiền từ, nhân hậu. Trước khi nghỉ hưu, ông là một cán bộ của thôn. Ai có việc gì nhờ cậy, ông đều vui vẻ giúp đỡ. Mọi người kính trọng, yêu mến ông của tôi cũng vì điều đó. Đối với con cháu của mình, ông luôn lo lắng và quan tâm. Cuối tuần, tôi không phải đi học. Tôi sẽ ở nhà trò chuyện với ông. Ông hay kể cho tôi lại ngồi nghe ông kể chuyện thuở xưa, khi đất nước còn chiến tranh. Sau mỗi câu chuyện, ông lại dặn dò tôi về một bài học quý giá. Nhờ có những câu chuyện của ông, tôi biết trân trọng cuộc sống hòa bình ngày hôm nay hơn.

Thỉnh thoảng, tôi còn theo ông ra vườn chăm sóc cây cối. Khu vườn của ông trồng rất nhiều cây ăn quả. Đến mùa, cây nào cũng sai trĩu quả vì được ông chăm sóc chu đáo. Tôi thường giúp ông tưới nước, bắt sâu cho cây cối trong vườn. Hai ông cháu còn hay mang ghế ra ngồi ngoài vườn, thưởng thức trái cây thơm ngon.

Ông ngoại là một tấm gương để học tập, noi theo. Ông cũng là người tôi luôn yêu quý và kính trọng. Tôi mong ông sẽ luôn khỏe mạnh, sống hạnh phúc bên con cháu.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 6
Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm