Giới thiệu một di sản lịch sử - văn hóa thời Lý mà em thích nhất Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý - Lịch sử 7 Bài 15 CTST
Giới thiệu một di sản lịch sử - văn hóa thời Lý mà em thích nhất gồm 2 mẫu, giúp các em học sinh lớp 7 bổ sung kiến thức, dễ dàng trả lời câu hỏi Vận dụng Bài 15: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý (1009 - 1226) SGK Lịch sử - Địa lí 7 Chân trời sáng tạo trang 64.
Qua đó, còn giúp các em còn hiểu rõ hơn về công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com để học tốt môn Lịch sử - Địa lí 7:
Giới thiệu một di sản lịch sử - văn hóa thời Lý mà em thích nhất
Giới thiệu Chùa Một Cột
Chùa Một Cột nằm trên phần đất thôn Phụ Bảo, tổng Yên Thành cũ. Chùa này xây vào khoảng tháng 10 năm Kỷ Sửu, tức vào tháng 9 năm 1049. Chùa hình vuông, mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ có đường kính 1,2m, cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất) gồm 2 trụ đá chồng lên nhau, gắn rất khéo, thoạt nhìn cứ tưởng là một khối đá liền. Tầng trên đỡ một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, nhìn chẳng khác nào một đoá hoa sen vươn thẳng lên từ một hồ nhỏ hình vuông có xây lan can bằng gạch chung quanh. Một cầu thang xây xinh xắn dẫn lên chùa. Trên cửa chùa có tấm biển đề "Liên hoa đài" (đài hoa sen).
Giới thiệu Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 để thờ các bậc tiên tổ của Nho học. Đến năm 1076, Quốc Tử Giám được xây dựng bên cạnh Văn miếu và trở thành trường đại học đầu tiên của nước ta. Ban đầu, Quốc Tử Giám chỉ thu nhận con cái của vua quan trong Triều đình. Từ năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện và dành cho cả con các nhà thường dân có khả năng học tập tốt. Từ đây, Quốc Tử Giám mới thực sự trở thành trường học cho nhân dân Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích rộng đến 54331m2 được chia làm 5 khu chính. Được xây dựng ở phía Nam của kinh thành Thăng Long. Nhìn về tổng thể, kiến trúc của Văn Miếu Quốc Tử Giám từ cửa vào bao gồm cổng Văn Miếu, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Đại Thành và nhà Thái Học. Hiện nay, nơi đây là nơi dựng bia Tiến sĩ của những người đỗ tiến sĩ từ năm 1442 trở đi. Có thể thấy Quốc Tử Giám chính là minh chứng sống cho chặng đường phát triển giáo dục của nước ta. Vào năm 2012, nơi đây đã chính thức trở thành Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất khi nhắc về Hà Nội ngàn năm văn hiến. Không chỉ là một địa điểm du lịch hấp dẫn, một di tích lịch sử hàng đầu, mà còn là đại diện cho nền giáo dục nước ta từ bao đời nay.