Kinh tế và pháp luật 12 Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế Giải KTPL 12 Kết nối tri thức trang 6 → 17
Giải bài tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế giúp các em học sinh lớp 12 tham khảo, nhanh chóng trả lời các câu hỏi trang 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17.
Với lời giải chi tiết, trình bày khoa học, giúp các em tìm hiểu bài thuận tiện hơn rất nhiều. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Bài 1 Chủ đề 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế - Phần 1: Giáo dục kinh tế cho học sinh của mình theo chương trình mới. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Eballsviet.com:
Kinh tế và pháp luật 12 Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế
Luyện tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức Bài 1
Luyện tập 1
Em hãy cho biết chỉ tiêu nào dưới đây được chọn để đánh giá tăng trưởng kinh tế. Vì sao?
a. Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội trong một thời kì nhất định.
b. Tỉ lệ lạm phát của nền kinh tế quốc gia trong một thời kì nhất định.
c. Mức tăng tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người trong một thời kì nhất định.
d. Mức tăng dân số của một quốc gia trong một thời kì nhất định.
e. Mức tăng chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập.
Lời giải:
- Những chỉ tiêu được lựa chọn để đánh giá tăng trưởng kinh tế là:
+ Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội trong một thời kì nhất định (GDP) => Lý do: GDP là thước đo sản lượng quốc gia, đánh giá mức độ hoạt động của nền kinh tế, phản ánh năng lực của nền kinh tế trong việc thỏa mãn nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.
+ Mức tăng tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người trong một thời kì nhất định (GNI/ người) => Lý do: GNI/người là thước đo trung bình mức thu nhập một người dân trong quốc gia thu được trong năm, được tính bằng cách chia tổng thu nhập quốc dân trong năm cho dân số trung bình của năm tương ứng.
Luyện tập 2
Phát biểu nào dưới đây phản ánh đúng cách hiểu về phát triển kinh tế? Giải thích vì sao.
a. Phát triển kinh tế là quá trình tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội.
b. Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế là xây dựng được cơ cấu kinh tế hiện đại.
c. Muốn phát triển kinh tế cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.
Lời giải:
- Ý kiến a. Đúng, vì: Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đảm bảo tiến bộ xã hội.
- Ý kiến b. Không đúng: Mục tiêu cuối cùng của sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia là sự tiến bộ xã hội cho con người, trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được về mặt kinh tế.
- Ý kiến c. Không đúng: Muốn phát triển kinh tế cần chú trọng thực hiện phát triển bền vững (có sự kết hợp hài hòa giữa 3 mặt: phát triển kinh tế; phát triển xã hội và bảo vệ môi trường).
Luyện tập 3
Em hãy thuyết trình về vai trò của tăng trưởng, phát triển kinh tế đối với các vấn đề dưới đây:
a. Tăng trưởng, phát triển kinh tế tạo điều kiện để phát triển văn hoá, giáo dục.
b. Phát triển kinh tế góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế.
c. Phát triển kinh tế góp phần giảm bớt chênh lệch trình độ phát triển giữa các vùng
Lời giải:
(*) Tham khảo: Thuyết trình về vấn đề: Tăng trưởng, phát triển kinh tế tạo điều kiện để phát triển văn hoá, giáo dục.
Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển bền vững đất nước phụ thuộc vào việc giải quyết hài hòa và hợp lý các mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung và phát triển năm 2011) đã nêu là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó có mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nhận thức toàn diện và sâu sắc về mối quan hệ này trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn.
Nhìn một cách tổng quát, phát triển kinh tế chính là tạo tiền đề vật chất cho sự phát triển văn hóa và con người, tạo điều kiện để con người có thể tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất, truyền bá và thụ hưởng các giá trị văn hóa ngày càng nhiều. Tuy nhiên, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm sự thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế bền vững với bảo đảm các vấn đề xã hội và môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người là mục tiêu hàng đầu. Nền kinh tế được xác định là nền kinh tế thị trường nhân văn, kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự điều tiết và quản lý thống nhất của Nhà nước, để vừa bảo đảm tự do cho kinh tế thị trường phát triển, vừa bảo đảm định hướng chính trị ưu việt của chế độ XHCN.
Mặt khác, văn hóa phát triển sẽ góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động, tạo lập môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, nâng cao trình độ dân trí, trình độ khoa học công nghệ, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế và văn hóa là nâng cao chất lượng cuộc sống, đem lại hạnh phúc thực sự cho con người. Đây chính là điểm tương đồng, nơi hội tụ định hướng phát triển của kinh tế và văn hóa.
Sự khác biệt giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa ở đây chính là sự khác biệt về vai trò, chức năng xã hội trong việc tham gia vào quá trình phát triển con người để tạo nên sự phát triển tổng thể cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người (bao gồm cá nhân và cộng đồng, dân tộc và nhân loại, các giai cấp và các tầng lớp xã hội khác nhau).
Luyện tập 4
Ý kiến nào dưới đây phản ánh đúng cách hiểu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững? Giải thích vì sao.
a. Muốn phát triển bền vững phải đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
b. Phát triển bền vững là sự bảo đảm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
c. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là điều kiện đủ để phát triển bền vững.
Lời giải:
- Nhận định đúng về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững là: Phát triển bền vững là sự bảo đảm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Giải thích: Phát triển bền vững với những yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng cùng với thực hiện các chính sách phát triển xã hội tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vận dụng Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức Bài 1
Em hãy đọc thông tin dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Thông tin. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII xác định mục tiêu hành động: "Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc, có lí tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khoẻ, văn hoá, kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ năng sống; có nghề nghiệp, ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Từ thông tin trên, em hãy cho biết nhiệm vụ của thế hệ trẻ Việt Nam đối với phát triển kinh tế đất nước.
- Hãy nêu một tấm gương thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế và rút ra bài học đối với bản thân.
Lời giải:
Nhiệm vụ của thế hệ trẻ Việt Nam đối với phát triển kinh tế đất nước
- Tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ kiến thức và kĩ năng nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
- Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các cuộc thi khoa học - kĩ thuật dành cho học sinh, sinh viên.
- Suy nghĩ, đề xuất, phát triển và hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp.
- Tham gia các hoạt động cộng đồng, như: bảo vệ môi trường, thiện nguyện,…
- Tấm gương về thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế: anh Phạm Ngọc Ánh (xóm An Lão, thôn Bắc Thái, xã Thái thủy, tỉnh Thái Bình) đã phát triển mô hình “Trồng cây ăn quả kết hợp với hồ câu dịch vụ giải trí và nhà hàng”, góp phần tích cực trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
- Bài học: luôn nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội…